Category Archives: Bussiness

Ông chủ thương hiệu Wonderfarm thu gần 4 tỷ đồng mỗi ngày

Trà bí đao Wonderfarm tiếp tục tăng trưởng trong quý đầu năm 2018 với lợi nhuận gấp đôi cùng kỳ.

Công ty Thực phẩm Quốc tế (Interfood, mã CK: IFS) vừa công bố báo cáo tài chính trong quý đầu tiên năm 2018 với doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo đó, ông chủ thương hiệu trà bí đao Wonderfarm đạt hơn 346 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 20% cùng kỳ và tương đương gần 4 tỷ đồng mỗi ngày.

Biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên 40%, so với mức 33% cùng kỳ năm trước, giúp lợi nhuận sau thuế đạt gần 38 tỷ đồng, dù chi phí bán hàng đã tăng gần 26%.

Phần lớn doanh thu của công ty, chiếm gần 85%, đến từ nước giải khát. Còn lại là doanh thu thành phẩm khác và bán phế liệu, trong khi hoạt động sản xuất bánh quy không còn ghi nhận doanh thu trong quý I/2018.

Đà tăng trưởng của ông chủ thương hiệu Wonderfarm tiếp tục nối dài câu chuyện phục hồi. Năm 2017, doanh nghiệp này báo lãi hơn 116 tỷ đồng – năm thứ hai liên tiếp có lợi nhuận.

Trà bí đao Wonderfarm là dòng sản phẩm chủ lực của IFS.

Được thành lập từ cuối năm 1991 với vốn đầu tư ban đầu 1,14 triệu USD, Interfood tiền thân là Công ty Công nghệ Chế biến Thực phẩm Quốc tế (IFPI), doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài do 4 cổ đông sáng lập từ Malaysia.

Hoạt động chính ban đầu của công ty là chế biến nông sản, thủy sản thành sản phẩm đóng hộp, và sau đó chuyển hướng sang sản xuất đồ uống. Năm 2005, công ty đã chính thức chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần. Đây cũng là năm Interfood ký hợp đồng với Wonderfarm Biscuits and Confectionery để sử dụng thương hiệu “Đại nông trại” hay “Wonderfarm” cho các sản phẩm của công ty.

Gây dựng danh tiếng với dòng sản phẩm Wonderfarm, đặc biệt là trà bí đao, tuy nhiên bắt đầu từ năm 2008, Interfood rơi vào vòng xoáy khủng hoảng với khoản lỗ ngày càng lớn. Lỗ “ổn định” trong 5 năm liên tiếp, đến năm 2013, toàn bộ số cổ phiếu của doanh nghiệp này trên HoSE đã bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.

“Ôm” khoản lỗ hơn 850 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm 2015, tưởng chừng đã là cái kết cho một thương hiệu đình đám. Tuy nhiên hai năm sau đó, ông chủ thương hiệu Wonderfarm đã trở lại với lợi nhuận liên tục tăng.

Năm 2018, Interfood dự kiến doanh thu bán hàng và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 1.658 tỷ đồng và 100 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I/2018, lỗ lũy kế của IFS giảm xuống còn 650 tỷ đồng, với tổng tài sản hơn 660 tỷ.

Công ty cũng vừa đề xuất cổ đông thông qua phương án mua lại thương hiệu “Wonderfarm” và các thương hiệu khác với giá trị chuyển nhượng tối đa 200.000 USD. Đây là những thương hiệu mà công ty thuê của Biscuits & Confectionery Sdn. Bhd, Malaysia để sử dụng cho toàn bộ sản phẩm từ năm 2005.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo công ty, thị trường nước giải khát đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh và xu hướng tiêu thụ đang dịch chuyển về thức uống dinh dưỡng như nước đóng chai, nước ép hoa quả. Do đó, công ty sẽ tiếp tục thanh lý dây chuyền sản xuất bánh quy và cắt toàn bộ hoạt động liên quan đến mảng này (chiếm chưa đến 0,1% doanh thu năm qua) để tập trung phát triển sản phẩm chủ lực là trà bí đao Wonderfarm. Công ty đặt mục tiêu sẽ tăng thị phần nội địa của ngành hàng giải khát từ 3% lên 8% trong 5 năm tới.

Năm 2018, Interfood dự kiến doanh thu bán hàng và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 1.658 tỷ đồng và 100 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 21% kế hoạch doanh thu và 38% kế hoạch lợi nhuận.

Tỉ phú ô tô Trần Bá Dương và chiến lược phát triển đa ngành

Lấy công nghiệp ô tô làm trụ cột, Trường Hải Thaco đặt tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành có quy mô khu vực.

Sau các tên tuổi Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, danh sách các tỉ phú Việt Nam mới đây đã xuất hiện thêm 2 gương mặt mới. Điều đặc biệt là cả 2 nhân vật này đều hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao là Trần Đình Long của Tập đoàn Thép Hòa Phát và Trần Bá Dương của Ô tô Trường Hải (Thaco). Hiện tượng này có thể xem là tín hiệu tích cực về vị thế và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp nội địa khi Việt Nam đang có những tập đoàn tư nhân hùng mạnh, đủ sức gánh vác trọng trách dẫn dắt xu thế của nền kinh tế và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường thế giới trước ngưỡng cửa của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Riêng đối với “vua ô tô” Trần Bá Dương, cuộc phiêu lưu với nền công nghiệp xe hơi chưa dừng lại. Ở tuổi 58, người đàn ông gốc Huế vẫn cho thấy tham vọng lớn khi cùng các chiến hữu thân cận vạch định chiến lược mới, đưa Thaco trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành hàng đầu khu vực, nhắc nhớ về câu chuyện của Samsung, Hyundai (Hàn Quốc) hay Toyota, Mitsubishi (Nhật). Nhưng giữa áp lực cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt cùng với các đối thủ mới xuất hiện, liệu hoài bão của vị tỉ phú này có trở thành hiện thực?

Từ nguy đến cơ

2017 là năm đầy thách thức cho các hãng xe. Các chính sách thay đổi liên tục của Chính phủ, nhu cầu mua sắm công bị siết chặt, yếu kém của hạ tầng giao thông, đi kèm tâm lý khách hàng chờ thuế suất nhập khẩu giảm về 0% từ năm 2018 đã khiến thị trường ô tô có một năm khá trầm lắng. Tổng lượng xe tiêu thụ được chỉ đạt 297.000 xe, giảm đến 13,4% so với thời điểm bùng nổ năm 2016. Thaco cũng chịu tác động từ xu thế chung của thị trường.

Nhà máy lắp ráp xe Mazda của Thaco.

Tổng lượng xe mà Hãng bán được chỉ đạt 88.820 chiếc (chiếm thị phần 35,8%). Áp lực giảm giá, chiết khấu mạnh tay khiến cho doanh thu của mảng chủ lực là kinh doanh ô tô chỉ đạt 44.726 tỉ đồng, giảm gần 12.000 tỉ đồng so với đỉnh cao của năm 2016. Nhờ sự hứng khởi của mảng mới là kinh doanh bất động sản (doanh thu tăng gần gấp đôi lên gần 4.922 tỉ đồng) mới giúp Thaco có một năm “tạm chấp nhận được”.

Nhưng trong nguy có cơ. Một loạt các chính sách xuất hiện dồn dập vào cuối năm 2017 mang đến những cơ hội kinh doanh cho Thaco. Điển hình là vào tháng 10, Chính phủ ban hành Nghị định 116 quy định các dòng xe xuất xứ từ ASEAN với tỉ lệ nội địa hóa đạt từ 40% được hưởng thuế suất nhập khẩu còn 0%. Nghị định này cũng bất ngờ yêu cầu các hãng xe nhập khẩu phải có giấy chứng nhận về chủng loại (VTA) từ cơ quan có thẩm quyền của quốc gia xuất khẩu.

Tiếp đến vào tháng 11, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp lắp ráp nội địa, Chính phủ ban hành Nghị định 125, áp thuế suất còn 0% cho phần linh kiện nhập khẩu cho các hãng đạt đủ mức sàn quy định về sản lượng lắp ráp và các tiêu chuẩn mới về khí thải. Đây là được xem là sự hỗ trợ chưa từng có để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô nội địa.

Với những thay đổi mới, cục diện thị trường bắt đầu có sự phân hóa khá rõ. Nhiều dòng xe nhập khẩu của các thương hiệu Toyota, Ford, Nissan, Honda, Mitsubishi đã sụt giảm mạnh ngay khi Nghị định 116 ban hành, do không kịp thay đổi kế hoạch kinh doanh phù hợp với các quy định mới khắt khe hơn.

Ngược lại, không bỏ lỡ cơ hội, Thaco đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda có công suất 100.000 xe/năm, với vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng. Nhà máy được đầu tư tự động hóa theo xu hướng công nghiệp 4.0, đảm bảo xe Mazda xuất xưởng tương đương với chất lượng Nhật và được xem là đủ sức cạnh tranh được với các hãng nước ngoài.

Nhà máy lắp ráp xe bus của Thaco.

Tập đoàn cũng nhanh chóng thâu tóm Euro Auto và trở thành đại lý phân phối độc quyền của hãng xe hạng sang BMW, giúp chuỗi kinh doanh ô tô của Thaco được phủ đầy các chủng loại, từ xe du lịch, xe bus, xe tải, xe chuyên dụng, xe máy phục vụ khách hàng ở hầu hết các phân khúc từ trung cấp, cao cấp đến hạng sang.

Cùng với động thái tấn công dồn dập của Thaco, Tập đoàn Vingroup cũng bất ngờ khởi động dự án ô tô mang thương hiệu Vinfast trị giá 3,5 tỉ USD. Dự án có công suất lắp ráp sẽ nâng dần lên 500.000 xe/năm vào năm 2025, hứa hẹn sẽ tạo nên những thay đổi đáng kể về thị phần của các hãng xe kể từ năm 2019.

Theo Tiến sĩ Oliver Massmann, CEO của Công ty Tư vấn Duane Morris, sau cuộc chiến về giá trong năm 2017, các đại lý ô tô sẽ rất cân nhắc giữa việc lựa chọn dòng xe nhập khẩu hay lắp ráp trong nước. Nhưng năm nay, nhiều khả năng các dòng xe nội địa sẽ tạo ra bước đột phá quan trọng về mặt thị phần. “Các doanh nghiệp ngoại cũng nên cân nhắc đầu tư vào dây chuyền lắp ráp và sản xuất tại Việt Nam thay vì nhập khẩu. Điều này sẽ đóng góp cho nền kinh tế và nhất là được Chính phủ ủng hộ”, Tiến sĩ Oliver Massmann nhận định.

Thực tế, một số hãng xe đã lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam để hưởng lợi từ Nghị định 125. Mitsubishi (Nhật) đã quyết định chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam dòng xe Crossover Mitsubishi Outlander từ tháng giêng năm nay. Dự kiến so với phiên bản nhập khẩu, giá thành phẩm của dòng xe lắp ráp tại Việt Nam sẽ thấp hơn tới 200 triệu đồng, nhờ đó kỳ vọng sẽ được thị trường đón nhận.

Theo Công ty Tư vấn Frost & Sullivan, sản lượng tiêu thụ ô tô của thị trường Việt Nam dự kiến phục hồi và tăng 6,8% trong năm nay (khoảng 256.191 chiếc), nhờ sức tiêu thụ nội địa gia tăng và kinh tế duy trì tốc độ lạc quan ở mức 6-7%/năm. Các hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay FTA giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu cũng giúp giảm dần các khoản thuế cho các dòng xe du lịch, tác động tích cực đến thị trường.

Hiện tỉ lệ sở hữu xe trên 1.000 người ở Thái Lan lên đến 196 chiếc, Malaysia là 341 chiếc và Indonesia 55 chiếc. Mặc dù còn gặp một số rào cản về hạ tầng giao thông nhưng nhìn chung dư địa để thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn là khá lạc quan. “Với tỉ lệ sở hữu xe ô tô hiện khoảng 20 chiếc/1.000 người, thị trường ô tô nội địa có tiềm năng rất lớn để tăng trưởng mạnh hơn nhờ xu thế tiêu dùng của các hộ gia đình có thu nhập trung bình”, báo cáo của Frost & Sullivan nhận định.

Giấc mơ tập đoàn tỉ USD

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 mới đây, Thaco đã khiến nhiều người bất ngờ khi công bố chiến lược phát triển mới kể từ năm 2018, đó là hướng tới một siêu tập đoàn với nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Bá Dương, việc trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành với nhiều lĩnh vực sẽ gây dựng một hệ sinh thái đa dạng, cùng hợp lực bổ trợ cho mảng chủ lực ô tô nhấn ga tăng tốc.

Cụ thể, mảng kinh doanh chiếm vị trí quan trọng thứ hai sẽ là xây dựng hạ tầng – đô thị – khu công nghiệp thông qua thành viên Đại Quang Minh. Hiện quỹ đất của Thaco đang có khá dồi dào. Ngoài Khu đô thị Sala rộng hơn 257ha tại trung tâm tài chính Thủ Thiêm, Thaco còn đang phát triển Khu công nghiệp và đô thị 650ha Chu Lai, cũng như sở hữu 100 showroom có vị trí tốt tại các đô thị lớn. Trong các năm tới, Tập đoàn sẽ phát triển quỹ đất dồi dào này và tích lũy thêm các lô đất mới thông qua các hình thức hợp tác công – tư (PPP) với Chính phủ.

Nhìn chung, tiềm năng đóng góp của mảng bất động sản là khá lớn. Tính đến cuối năm 2017, giá trị tồn kho các dự án bất động sản mà Đại Quang Minh đang phát triển lên đến hơn 10.620 tỉ đồng. Điểm rơi về ghi nhận lợi nhuận có thể sẽ nằm trong giai đoạn 2018-2019 nhờ dự án ở Thủ Thiêm đang tiến triển khá tốt.

Nói về dự án tại Thủ Thiêm, ông Dương nhớ lại: “Nếu Thaco đầu tư thành công vào Thủ Thiêm thì sẽ ghi dấu ấn đóng góp rất lớn vào phát triển Thủ Thiêm nói riêng và thành phố nói chung. Nhưng nếu muốn thành công thì bắt buộc phải đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng giao thông chính trong nội khu Thủ Thiêm và kết nối Thủ Thiêm với trung tâm thành phố hiện hữu và đồng thời xây dựng một khu dân cư đô thị có quy mô đủ lớn, có đầy đủ các dịch vụ giáo dục, y tế và thương mại, dịch vụ.

Đây là một thách thức rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ phá sản nếu không thành công.

Nhờ sự tiên phong của Thaco, tốc độ triển khai các dự án tại Thủ Thiêm đã được đẩy mạnh. “Những gì mà Đại Quang Minh đầu tư xây dựng trong những năm qua ở Thủ Thiêm đã đóng góp rất lớn giúp cho thành phố thu hút được các nhà đầu tư khác vào Thủ Thiêm và đưa giá trị của Thủ Thiêm lên rất cao so với trước đây. Đồng thời Thaco đã có thêm một ngành nghề kinh doanh thứ hai là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và đô thị thông qua Công ty Đại Quang Minh”, ông Trần Bá Dương cho biết.

Hiện giai đoạn 1 của Khu đô thị Sala đã bàn giao nhà cho người mua. Dự kiến cuối năm nay, Sala cũng sẽ đưa vào vận hành cao ốc Thaco Sala – tòa nhà văn phòng hạng B đầu tiên ở Thủ Thêm để cung cấp một lựa chọn mới về văn phòng làm việc cho các doanh nghiệp muốn tiến về khu Đông.

Chân kiềng thứ ba mà Tập đoàn bước chân vào chính là mảng nông nghiệp công nghệ cao, tương tự với nhiều tập đoàn khác như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, T&T Group, Hòa Phát, FPT. Theo ông Trần Bá Dương, từ lợi thế am hiểu về máy móc, Thaco sẽ tập trung cung cấp các giải pháp cơ khí cho tất cả các khâu: từ canh tác, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản về chế biến. Để chuẩn bị cho mục tiêu này, mới đây, Thaco đã khánh thành nhà máy sản xuất máy nông nghiệp Thaco tại Quảng Nam.

Trong giai đoạn đầu, nhà máy có công suất thiết kế 2.000 máy kéo một năm, 3.000 bộ thiết bị canh tác và 1.000 máy gặt đập liên hợp. Mục tiêu của nhà máy là từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, nâng cao hàm lượng công nghệ, tạo ra các sản phẩm máy kéo có chất lượng cao, phù hợp với địa hình và điều kiện canh tác của từng vùng miền tại Việt Nam.

Sản phẩm máy kéo được đưa ra thị trường trong nước với mục tiêu đạt 7% thị phần vào năm 2018 với 500 máy kéo và 38% thị phần với 2.100 máy kéo vào năm 2026. Ngoài ra, nhà máy sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm các loại máy nông nghiệp khác để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thị trường trọng điểm xuất khẩu là Lào, Campuchia, Philippines, Myanmar, Indonesia và các thị trường trong hệ thống kinh doanh của đối tác LS Mtron (Hàn Quốc). Cùng với đó, Tập đoàn cũng sẽ đầu tư khu công nghiệp chuyên về nông nghiệp và phát triển nông trường trồng cây ăn trái, cây công nghiệp…

Chân kiềng cuối cùng sẽ nằm ở mảng kinh doanh thương mại và dịch vụ là giải trí, bán lẻ, ăn uống, kinh doanh du lịch để tận dụng lợi thế có sẵn từ các dự án khu đô thị, cụm công nghiệp – nông nghiệp mà Tập đoàn đang sở hữu.

Nhìn chung, 2018 sẽ là năm bản lề cho tập đoàn 21 tuổi này thay đổi cấu trúc để trở thành một tập đoàn công nghiệp hùng mạnh, trở thành tập đoàn tiên phong không những trong nước mà còn ở xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.

“Chiến lược phát triển đa ngành của Tập đoàn dựa trên quan điểm liên doanh liên kết hợp tác cùng phát triển không cạnh tranh lẫn nhau và tạo ra hệ sinh thái doanh nhân – doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, ông Trần Bá Dương chia sẻ.

Với nhiều tham vọng mới, Thaco đã đặt ra mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất trong năm nay lên đến 82.953 tỉ đồng, sản lượng tiêu thụ 116.872 xe, tăng 31% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến sẽ tăng mạnh 41% lên 7.075 tỉ đồng và tổng số tiền nộp ngân sách sẽ đạt ngưỡng 1 tỉ USD.

Nhận định về mô hình mới của Tập đoàn, ông Trần Bá Dương cho biết: “Cùng với những thành quả đạt được và sự chuẩn bị trong những năm qua, Thaco đã xây dựng chiến lược phát triển sau năm 2018 với tầm nhìn là trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó ô tô là chủ lực”. Chiến lược mở rộng quy mô, trở thành một tập đoàn siêu lớn của Chủ tịch Trần Bá Dương là khá dễ hiểu khi đặt trong bối cảnh Thaco đang chịu áp lực cạnh tranh càng khắc nghiệt hơn với sự góp mặt của nhiều tay chơi mới có tiềm lực mạnh. Thị trường ô tô cũng chịu nhiều biến động rất khó dự đoán do chính sách thường xuyên thay đổi. Dù vậy, chiến lược mới cũng đi kèm với những rủi ro nhất định.

Đó là những thách thức về năng lực quản trị và khả năng bị phân tán nguồn lực. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng vốn vay ngắn hạn và dài hạn của Tập đoàn đã tăng thêm 3.600 tỉ đồng, tạo thêm một chút áp lực về chi phí lãi vay trong năm nay. Mặc dù được đánh giá là tiềm năng, thị trường bất động sản luôn được xem là một trong những lĩnh vực chịu nhiều biến động nhất theo chu kỳ của nền kinh tế. Hiệu quả về chiến lược đa ngành mà tỉ phú Trần Bá Dương vạch ra sẽ cần thêm thời gian để trả lời.

Trước mắt, để chuẩn bị cho chiến lược mới, đội ngũ nhân lực chủ chốt của Thaco đã thay đổi một cách khá triệt để với nhiều nhân vật trẻ trung hơn xuất hiện. Theo đó, ông Nguyễn Hùng Minh thôi vị trí CEO, được bổ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị để quản trị và điều hành các ngành nghề mới của Thaco.

Nhân vật thay thế ông Minh là Phạm Văn Tài, chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất – kinh doanh ô tô. Đồng thời với CEO mới là sự xuất hiện của ông Trần Bảo Sơn, lãnh đạo thuộc thế hệ 7x. Ông Sơn được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Thaco và được kỳ vọng sẽ trở thành nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn trong tương lai.

Cỗ xe đa ngành của Trường Hải đã có những động cơ và nhiên liệu mới. Đường đua trước mắt đã mở.

Thành công là phần thưởng dành cho người sẵn sàng mạo hiểm

5 cách làm việc thông minh hơn, tiết kiệm thời gian hơn

Sau đây là 5 cách đơn giản để bắt đầu làm việc thông minh hơn với quỹ thời gian ngắn hơn.

Blake Snow – cây bút có hàng ngàn bài viết trên các ấn phẩm nổi tiếng – cho biết, trong quá trình nghiên cứu để viết cuốn sách đầu tiên của mình là Log Off: How to Stay Connected after Disconnecting (tạm dịch: Cách tái kết nối sau khi bị ngắt kết nối), điều quan trọng nhất ông học được là cách để làm được nhiều việc hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn.

Blake cho biết trong 5 năm đầu tiên làm nghề viết lách, ông thường cảm thấy tràn đầy năng lượng khi làm việc về đêm, và nghĩ rằng cách đó sẽ giúp ông nhanh chóng tiến xa hơn trong nghề này. Nó dĩ nhiên có hiệu quả tức thời, nhưng sau này ông nhận ra, khoảng thời gian đó, ông thường xuyên bị căng thẳng và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những cơ hội và ý tưởng lớn hơn.

Rồi ông quyết định dành ra một tuần để thay đổi nhiều cách tiếp cận cơ bản và cải thiện mối quan hệ với… công việc. Sau một tuần đó, ông gần như có sự đổi mới hoàn toàn về phương diện cá nhân, xã hội lẫn sự nghiệp.

Và sau đây là chia sẻ của Blake Snow về những cách đơn giản để bắt đầu làm việc thông minh hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn – kỹ năng làm việc hữu ích đối với bất kỳ ai:

1. Tránh sự phân tâm từ điện thoại

Trong vòng một tuần, tôi vô hiệu hóa tất cả các thông báo hình ảnh lẫn âm thanh trên điện thoại (trừ những thông tin từ vợ và con). Tôi không để cho một ứng dụng nào gián đoạn mạch làm việc, bao gồm cả email, mạng xã hội… Tôi chỉ cho phép điện thoại rung khi có cuộc gọi đến, vì đây vẫn là phương cách truyền tải của tất cả các công việc khẩn cấp.

Cách này cho phép tôi chủ động ra quyết định, chủ động chọn cách mình đầu tư thời gian và giữ cho tôi luôn tràn đầy năng lượng.

2. Thiết lập những giới hạn công nghệ thật nghiêm ngặt

Tôi thiết lập ra những giới hạn sử dụng và kiểm soát các thiết bị điện tử. Chẳng hạn, tôi bật tính năng “không làm phiền” (do not disturb) từ 9h tối đến 7h sáng mỗi ngày. Điện thoại sẽ chỉ báo trong trường hợp một số điện thoại gọi đến 3 lần liên tục.

Khi đi ngủ, tôi cũng đảm bảo rằng mình không cầm theo điện thoại, không làm việc hoặc tập trung vào những thứ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Tất cả các ứng dụng, phần mềm, thiết bị mới đều bị tôi xem như thứ cần tránh xa, chỉ trừ khi chúng chứng minh được tính hữu dụng đối với tôi.

Và nhờ đó, tôi đã tiến đến bước không đụng đến công việc vào ban đêm, dịp cuối tuần hoặc kỳ nghỉ. Điều này cho phép tôi quay trở lại làm việc hứng khởi hơn và tràn đầy năng lượng hơn.

3. Giới hạn các “cam kết từ trong tiềm thức”

Có thể bạn đang đánh giá thấp tác động của những thông điệp từ các kênh kỹ thuật số mà bạn đã nhấn theo dõi hoặc đăng ký nhận tin nhắn. Thậm chí khi bạn không nhất thiết phải yêu thích một trong những nội dung đó, sự truyền tải đến bạn gần như liên tục sẽ tạo cho bạn có cảm giác cam kết từ trong tiềm thức: bạn có nghĩa vụ phải đọc hoặc xem nội dung đó.

Trường hợp điển hình là các chương trình truyền hình mới nhất, các dòng chảy thông tin vô tận từ mạng xã hội hoặc những dịch vụ khác mà bạn đã nhấn theo dõi.

Vì vậy, hãy chỉ tập trung vào những nguồn thông tin mà bạn thực sự yêu thích hoặc đánh giá cao giá trị mà chúng mang lại cho bạn.

4.  Nói “Không” với những cuộc họp vào buổi sáng

Nhiều nghiên cứu cho thấy mọi người trở nên sáng tạo và làm việc với hiệu suất cao hơn vào buổi sáng, khi cơ thể và tâm trí họ ở trong trạng thái sảng khoái nhất. Điều này có nghĩa là, bạn nên tận dụng thật tốt buổi sáng bằng cách tập trung vào những phần việc nhiều thử thách hoặc cần cường độ suy nghĩ lớn.

Nếu có thể lựa chọn, hãy dành những cuộc họp không quá quan trọng vào buổi chiều. CEO Amazon – tỷ phú Jeff Bezos là một trong những người theo “trường phái” này.

5. Chú trọng nhiều hơn đến tiềm thức

Ở giai đoạn đầu sự nghiệp, để giải quyết các vấn đề của mình, tôi đã đọc hàng tá sách về kinh doanh và phát triển cá nhân. Nhưng ngoại trừ 2 hoặc 3 cuốn vẫn còn lưu lại trong đầu, tôi gần như quên hết những cuốn còn lại. Nghiên cứu gần đây từ Carnegie Mellon giải thích cho trường hợp này: những suy nghĩ trong tiềm thức thường giải quyết các vấn đề của chúng ta hiệu quả hơn so với suy nghĩ có ý thức – cách tiếp cận trực tiếp vào vấn đề.

Vì vậy, hãy thường xuyên trao cho não những “khoảng thở”, để nâng cao tiềm năng của nó khi quay trở lại và tìm ra giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề.

5 chiến lược giúp bạn “thắt chặt” chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả

Theo các chuyên gia, dưới đây là 5 chiến lược đơn giản nhất giúp bạn quản lý tiền bạc một cách hiệu quả.

5 chiến lược giúp bạn “thắt chặt” chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả

Không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng kiếm được tiền, tuy nhiên, nhiều người không hiểu điều đó. Cho dù là một hóa đơn quá hạn hay một khoản nợ khổng lồ của sinh viên, hầu hết mọi người đều phải thừa nhận rằng chúng ta đang đương đầu với những vấn đề tài chính hàng ngày.

Một điều đáng buồn là chúng ta thường có xu hướng ‘bội chi’ mà không có giải pháp hiệu quả để tiết kiệm tiền. Có rất nhiều phương pháp, chiến lược và nguyên tắc giúp bạn xây dựng được các mục tiêu tài chính – một danh sách quá dài và có lẽ bạn không biết bắt đầu từ đâu.

Theo các chuyên gia, dưới đây là 5 chiến lược đơn giản nhất giúp bạn quản lý tiền bạc một cách hiệu quả.

1. Theo dõi chi tiêu của bạn

Điều quan trọng đầu tiên, nếu bạn muốn tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn, bạn cần phải biết số tiền của bạn được dùng cho những việc gì. Những công cụ quản lý tài chính trực tuyến như Mint, You Need a Budget, hay Personal Capital… đều giúp bạn theo dõi chi tiêu một cách hiệu quả.

Chuyên gia tài chính cá nhân, Stefanie O’Connell, cho biết: “Trước khi bạn muốn mua một thứ gì đó, hãy ‘tái hiện’ lại tình hình tài chính của mình bằng cách tự đặt ra những câu hỏi như ‘Tôi còn đủ tiền mua không?” hoặc “Khoản chi tiêu này sẽ giúp tôi đến gần hơn hay đẩy tôi ra xa hơn mục tiêu tài chính?”.

Khi xem xét toàn bộ các khoản chi như vậy, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt được tình hình tài chính hiện tại của mình. Bạn cũng có thể xác định chính xác hiệu quả của các quyết định tài chính bạn đã đưa ra. Chẳng hạn, bạn có thể cảm thấy rằng bạn đi ăn tiệm quá nhiều, nhưng chỉ khi nhìn vào số tiền bạn bỏ ra mỗi tháng cho việc này, con số đó mới tạo động lực giúp bạn thay đổi.

Bà O’Connell cho biết: “Chúng ta có thể sử dụng chiến lược theo dõi chi tiêu để kiểm soát sự tiến bộ của chúng ta khi bắt đầu áp dụng những thói quen tài chính tích cực như tăng tiết kiệm và giảm nợ nần”.

2. Giải quyết các khoản nợ từ khoản nợ có số dư nhỏ nhất (bằng phương pháp Snowball)

Nếu mục tiêu của bạn là thoát khỏi tất cả các khoản nợ trong năm nay thì bạn đã đi đúng hướng – khi bạn thanh toán hết nợ, bạn có thể ‘tự do hóa’ số tiền của bạn cho các mục tiêu tài chính khác.

Có 2 chiến lược trả nợ cơ bản: giải quyết các khoản nợ lãi suất cao nhất trước hay thanh toán các khoản nợ có số dư nhỏ hơn trước. Trong khi mọi người thường chọn cách thứ nhất vì cho rằng nó hợp logic và hiệu quả hơn thì các nghiên cứu chỉ ra rằng ưu tiên cách thứ 2 sẽ giúp bạn thanh toán các khoản nợ dễ dàng hơn. Cách này còn được biết đến dưới tên gọi “Phương pháp Snowball” (Phương pháp bóng tuyết), được phổ biến bởi Dave Ramsey.

Bạn hãy liệt kê các khoản nợ của bạn theo số dư, sau đó, giải quyết số dư nhỏ nhất trước tiên, đồng thời trả một phần nhỏ cho các khoản nợ khác. Khi bạn đã thanh toán được số dư nhỏ nhất, hãy sử dụng số tiền bạn dùng để chi trả cho khoản nợ đó giải quyết khoản nợ nhỏ nhất tiếp theo, cứ thực hiện như vậy cho đến khi bạn hoàn toàn thoát khỏi nợ nần. Ý tưởng của phương pháp này là, khi bạn đã trả được một khoản nợ, bạn sẽ có động lực và năng lượng để giải quyết các khoản nợ sau đó.

Qua một số khảo sát, các số liệu thu được đã chỉ ra rằng nhiều người có động lực với mục tiêu trả nợ của họ hơn khi sử dụng phương pháp Snowball.

Tuy nhiên, bạn vẫn nên cẩn thận. Một nhà nghiên cứu cho biết phương pháp này chỉ hoạt động hiệu quả nhất “trong phạm vi mà các khoản nợ của người sử dụng không chênh nhau nhiều về lãi suất”. Nếu một trong các khoản nợ của bạn có số dư cao hơn một chút nhưng lãi suất lại cao hơn rất nhiều, bạn nên ưu tiên giải quyết các khoản nợ có lãi suất cao trước. Hãy tư duy thật logic khi thanh toán nợ của bạn.

3. Pay Yourself First (Chi trả cho bản thân trước tiên)

Giảng viên, nhà kế hoạch tài chính tại Đại học California (Los Angeles) – Samuel Rad – gợi ý phương pháp “Pay Yourself first” – viết tắt PYF – (Hãy chi trả cho bản thân trước tiên).

“Mục tiêu của phương pháp này là chúng ta luôn luôn rút ra một phần lương để dự trữ trước khi chi tiêu vào những thứ khác”. Đây là một chiến lược dễ dàng thực hiện bởi bạn có thể cài đặt tự động. Hãy thiết lập chế độ chuyển một phần tiền lương định kỳ sang tài khoản tiết kiệm của bạn mỗi tháng. Thậm chí, nếu tiền lương của bạn chỉ có 20 đô, có thể bạn sẽ không được sử dụng số tiền đó ngay nhưng bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi nhìn vào tài khoản tiết kiệm của bạn sau một thời gian.

Giảng viên này nhấn mạnh: “Phương pháp PYF cũng đảm bảo cho bạn không bao giờ bị rỗng túi”.

Chúng ta thường có thói quen: sau khi nhận được lương thì đi ăn, mua sắm, đi xem phim… và cuối cùng, bạn nhận ra bản thân không còn đủ tiền để thanh toán bảo hiểm ô tô tháng này.

Khi bạn áp dụng phương pháp “Pay yourself first”, bạn có thể dự trù một phần tiền thiết yếu và không còn gặp phải vấn đề này. Hầu hết các dịch vụ hiện nay đều có hóa đơn tự động và bạn có thể định rõ một ngày trong tháng bạn muốn thanh toán hóa đơn đó. Khi mọi khoản tiền cần thiết như hóa đơn bảo hiểm ô tô được chi trả, bạn không còn phải lo lắng vấn đề tương tự sẽ xảy ra nữa.

Nói chung, ý tưởng này nhằm mục đích đảm bảo cho các khoản ưu tiên của bạn đều được thanh toán trước khi bạn chi tiêu số tiền của mình cho những thứ ít quan trọng hơn.

4. Đặt mục tiêu tiết kiệm 10% thu nhập mỗi tháng

Nếu bạn không biết nên tiết kiệm bao nhiêu tiền mỗi tháng thì hãy đặt ra quy tắc 10%. CEO của dịch vụ tài chính Sum180, Carla Dearing, gợi ý: “Nếu bạn thường xuyên tiết kiệm 10% thu nhập, cho dù số tiền bạn kiếm được là bao nhiêu, bạn sẽ luôn luôn tự tin rằng bản thân mình đang có một khoản dành dụm”.

Đây chỉ là một con số ước lượng, vì vậy, bạn đừng quá bận tâm nếu bạn không đạt được mục tiêu đó. Chúng tôi chỉ gợi ý quy tắc 10%, thậm chí, nếu bạn muốn tiết kiệm nhiều hơn, bạn cũng có thể thay đổi con số này sau đó. Bà Dearing khẳng định tình hình tài chính của bạn sẽ càng đạt hiệu quả cao hơn khi bạn kết hợp quy tắc này với phương pháp PYF.

Bà Carla Dearing cho biết: “Nếu ý tưởng này thực hiện quá khó, hãy cài đặt chế độ chuyển tiền đầu tháng tại ngân hàng tự động. Làm như vậy, số tiền mà bạn muốn dành cho tiết kiệm sẽ được tự động chuyển vào tài khoản tiết kiệm của bạn mỗi tháng trước khi nó đến được tay bạn. Hãy nghĩ đến việc tiết kiệm 10% như một cách bạn cho phép bản thân tiếp tục đầu tư tài chính lâu dài”.

5. Thử trải nghiệm một tháng không tiêu tiền

Những thách thức về tài chính rất thú vị bởi chúng biến những thói quen tài chính tốt mà hầu hết chúng ta không thực hiện được thành một trò chơi.

Bà Dearing gợi ý: “Hãy bắt đầu chiến dịch tiết kiệm của bạn bằng một tháng không tiêu tiền. Cách thực hiện rất đơn giản: Bạn hãy cam kết rằng bạn sẽ chỉ chi tiêu cho những thứ thiết yếu trong suốt 30 ngày. Đi bộ hay đạp xe thay vì lái ô tô, mang bữa trưa đi làm hàng ngày, lựa chọn cách giải trí miễn phí như đi công viên”. Nếu bạn không thực hiện được, đừng thất vọng! Mục tiêu có thể không hoàn thành nhưng toàn bộ ý tưởng chỉ đơn giản là thắt chặt chi tiêu và tiết kiệm nhiều hơn.

Thử thách này cũng giúp bạn xem xét lại nhiều khoản chi không cần thiết cũng như cân nhắc kỹ hơn đến vấn đề tiêu tiền trong tương lai. Bà Dearing cho biết: “Bạn sẽ không chỉ tiết kiệm được nhiều hơn trong tháng này mà còn có thể đánh giá lại thói quen tiêu tiền cũ, cũng như quyết định con đường chi tiêu phù hợp hơn”.