Category Archives: Bussiness

Trong 3 phút, startup học được gì từ CEO Tesla?

Cuộc phỏng vấn ngắn với CEO Tesla Elon Musk chứa đựng đầy những bài học giá trị và có ý nghĩa.

Elon Musk là một trong những nhà khởi nghiệp nổi tiếng nhất trên thế giới. Ông chính là người đứng đằng sau Tesla, SpaceX, OpenAl và một số công ty khác, đồng thời ông cũng đang phải đối mặt với nhiều thử thách ở phía trước.

Gần đây tôi đã có một bài phỏng vấn với Musk, và những lời khuyên của ông đã tác động sâu sắc đến tôi. Những bài học mà ông đưa ra chủ yếu tập trung vào các nhà khởi nghiệp, nhưng nói cho cùng thì tất cả mọi người đều có thể áp dụng.

1. Sẵn sàng chấp nhận đau thương

“Bắt đầu khởi nghiệp không phải là việc mà ai cũng có thể làm” – Musk nói, “Để có thể khởi nghiệp mà tôi đề cập ở đây, điều đầu tiên bạn phải có chính là một ngưỡng chịu đau khổ cao”.

Musk tiếp tục chia sẻ một trong những câu nói từ người bạn ông mà ông rất thích: “Khởi nghiệp giống như việc ăn thủy tinh và nhìn chằm chằm vào vực thẳm”. “Mọi thứ xảy ra đại khái là như vậy” – Musk giải thích. “Bởi vì khi lần đầu tiên mở một công ty, bạn sẽ nghĩ đến rất nhiều điều tốt đẹp và lạc quan. Đối với bạn, mọi thứ đều tuyệt vời. Bạn như ở trên đỉnh cao của hạnh phúc. Sau đó bạn sẽ gặp phải một loạt các vấn đề, sự vui vẻ, hạnh phúc của bạn sẽ bị giảm xuống. Cuối cùng, bạn sẽ thành công nếu vượt qua được những đau khổ ấy, còn nếu không thì bạn sẽ thất bại… Tesla suýt nữa cũng đã không thành công, chỉ thêm một chút nữa thôi là thất bại. Nếu bạn thành công, thì sau một thời gian dài, cuối cùng bạn cũng sẽ hạnh phúc trở lại”.

Điều này đúng. Khi tôi bắt đầu tự làm việc từ vài năm trước, tôi đã không lường trước được những đau khổ mà tôi sẽ phải chịu đựng. Và thường thì thất bại đến với tôi nhiều hơn là thành công.

Nhưng mỗi thất bại đều sẽ dạy cho chúng ta một bài học, và thành công sẽ không thể có nếu thiếu sự thất bại.

2. Đừng tốn thời gian để cải thiện những thứ không quan trọng

Musk cho biết, nếu bạn đang xây dựng một sản phẩm hoặc cung cấp một dịch vụ, thì nó không thể chỉ tốt hơn “một chút” so với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh – nó phải là hoàn hảo. “Khi bạn gia nhập vào một thị trường đã tồn tại, cạnh tranh với các đối thủ lớn thì các sản phẩm hay dịch vụ của bạn cần phải tốt hơn rất rất nhiều so với họ. Nó không thể chỉ tốt hơn một chút được, bởi bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của người tiêu dùng để suy nghĩ… Nếu như sản phẩm đó không có sự khác biệt cực lớn, thì bạn sẽ luôn luôn mua sản phẩm của những thương hiệu đáng tin cậy”.

Điều này khiến tôi nhớ đến bài học sống còn mà Guy Kawasaki đã học được từ Steve Jobs nhiều năm về trước: “Bạn phải có sự đột phá chứ không phải là tạo ra những sản phẩm giống nhau tốt hơn”. “Bạn không thể làm nó tốt hơn 10%, mà bạn phải làm nó tốt hơn gấp 10 lần” – Kawasaki cho biết. Hãy nghĩ xem iPod đã thay thế Walkman như thế nào? Cách mà Iphone thay thế Blackberry? Hay cách mà Ipad thay thế Palm Pilot?

Như Musk đã nói: “Nó không thể chỉ tốt hơn một chút. Nó phải tốt hơn rất nhiều”.

3. Luôn luôn tìm kiếm những lời phê bình

Musk cho biết: “Một lời bình luận hay, kỹ lưỡng về những gì bạn đã làm sẽ khiến bạn cảm thấy có giá trị như vàng”. Sau đó, người sáng lập Tesla nổi tiếng này đã khuyến khích mọi người nên đi tìm những lời chỉ trích, phê bình, “đặc biệt là từ những người bạn”.

“Thông thường, bạn bè của bạn sẽ biết bạn đang sai ở đâu. Nhưng họ không muốn nói với bạn vì họ không muốn làm bạn tổn thương. Điều này không có nghĩa rằng bạn bè của bạn sẽ luôn luôn đúng. Nhưng thường thì họ đều đúng”.

Điều này đúng. Khi bạn nói đến những ý định của mình, những người thân với bạn nhất sẽ luôn muốn cổ vũ bạn. Và điều cuối cùng họ muốn chính là khiến cho bạn thất vọng.

Nhưng những người này cũng là một nguồn “tài nguyên” có giá trị: Họ có thể cho bạn biết điểm yếu của bạn là gì và bạn cần những gì để cải thiện.

Tất nhiên, có thể bạn sẽ bị tổn thương khi biết mình đã sai. Điều đó cho thấy rằng bạn hay những gì bạn tạo ra là không hoàn hảo. Nhưng nếu có một chút trí tuệ cảm xúc, thì bạn sẽ thấy rằng đó là những phản hồi để cho bạn trở nên tốt hơn.

Và Musk đã đúc kết lại: “Bạn nên tiếp xúc với những thứ bạn đã làm sai, thì các mục tiêu của bạn sẽ ít sai hơn”.

Samsung công bố ba CEO mới và lợi nhuận kỉ lục

Kwon cho biết: “Thế hệ kế tiếp của các nhà lãnh đạo rất phù hợp để thúc đẩy tốc độ đổi mới và giải quyết nhu cầu của thế giới kết nối. Họ đã chứng minh được thành tích của họ với kinh nghiệm sâu rộng và chuyên môn xuất sắc trong lĩnh vực của họ.”

Giám đốc điều hành Samsung Electronics Kwon Oh-hyun đã bất ngờ tuyên bố kế hoạch từ chức vào đầu tháng này, với lý do nhu cầu lãnh đạo mới tropng bối cảnh “cuộc khủng hoảng chưa từng thấy”, và công ty đã tuyên bố người thay thế ông. Sẽ có ba nhà lãnh đạo từng khu vực cụ thể của tập trung:

  • Kim Ki-nam thuộc nhóm kinh doanh linh kiện.
  • Kim Hyun-suk (HS Kim) sẽ điều hành điện tử tiêu dùng.
  • Koh Dong-jin (DJ Koh) phụ trách về điện thoại di động và CNTT.

Yoon Boo-keun (Shin Yoon) và Shin Jong-kyun (JK Shin) đều từ chức hoàn toàn từ vai trò đồng giám đốc trước đây của họ sau khi trở lại từ sự kiểm soát trực tiếp vào năm 2015. Chưa rõ liệu một trong những nhà lãnh đạo mới sẽ có vị thế cao hơn như của Kwon – thông báo của Samsung mô tả cách sắp xếp mới là “duy trì cấu trúc quản lý – đồng quản lý hiện tại của ba công ty”.

Samsung công bố ba CEO mới và đăng hồ sơ lợi nhuận. Ảnh: CNBC.

3 CEO mới của Samsung

– Kim Ki-nam đã chịu trách nhiệm về việc kinh doanh bán dẫn tổng thể của Samsung Electronics, và trong quá khứ đã điều hành bộ phận bộ nhớ và là Giám đốc điều hành của Samsung Display.

– Samsung mô tả Kim Hyun-suk là một chuyên gia về công nghệ màn hình hiển thị, đã giúp dẫn dắt công ty thống trị thị trường truyền hình toàn cầu.

– Koh Dong-jin trước đây là người đứng đầu R&D về điện thoại di động và đã tiếp quản từ Shin như nhà lãnh đạo di động vào năm 2015.

Kwon cho biết: “Thế hệ kế tiếp của các nhà lãnh đạo rất phù hợp để thúc đẩy tốc độ đổi mới và giải quyết nhu cầu của thế giới kết nối. Họ đã chứng minh được thành tích của họ với kinh nghiệm sâu rộng và chuyên môn xuất sắc trong lĩnh vực của họ.”

Các tin tức được đưa ra khi Samsung công bố lợi nhuận quý từng cao nhất của họ. Trong tháng 7 và tháng 9, doanh thu đã đạt 14,53 nghìn tỉ won (khoảng 13 tỷ USD), đạt mức kỷ lục 14,1 nghìn tỷ won trong quý vừa qua. Samsung cho biết Galaxy Note 8 đã giúp doanh nghiệp điện thoại di động có doanh thu mạnh, nhưng lợi nhuận thực sự đã giảm từ quý trước do doanh thu của các mẫu đầu cuối thấp hơn.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Ngoại tấn công, nội chuyển hướng

Song hành với tiềm năng là sự cạnh tranh bán lẻ ngày càng khốc liệt khi có thêm nhiều thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam.

Ngoại tấn công

Khi thị trường càng trở nên hấp dẫn thì ngành bán lẻ phải đối mặt với sức ép của tiến trình hội nhập, xu hướng tiêu dùng thay đổi và sự tham gia của nhiều thương hiệu nước ngoài.

Thương hiệu 7-Eleven đã có mặt tại Việt Nam hồi tháng 6 vừa qua. Tính đến ngày 12/11, sau 5 tháng ra mắt, 7-Eleven đã mở 7 cửa hàng tại TP.HCM. Sức hấp dẫn của 7-Eleven là bên cạnh những sản phẩm thiết yếu, đơn vị này đã giới thiệu những sản phẩm mang thương hiệu riêng và suất ăn trưa. Chiến lược của thương hiệu này là mở thêm 100 cửa hàng trong 3 năm và 1.000 cửa hàng sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam.

Ở kênh cửa hàng tiện lợi, thị trường sắp có thêm thương hiệu GS25 Hàn Quốc, đầu tiên sẽ xuất hiện tại TP.HCM. Đây là thương hiệu được đánh giá là ngoài năng lực đầu tư còn có chất lượng dịch vụ tốt, phù hợp với khách hàng trẻ.

Theo khảo sát người tiêu dùng về ngành bán lẻ gần đây nhất của PwC (PricewaterhouseCoopers – một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay), 49% người tiêu dùng có thói quen mua sản phẩm qua smartphone.

Hiện có nhiều nhà bán lẻ, đặc biệt là những nhà bán lẻ hàng công nghệ như Thế Giới Di Động, FPT… có xu hướng tích hợp thương mại điện tử, kết nối với công nghệ để hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

Việc tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng sẽ làm tăng thêm hiệu quả bán hàng, tiết kiệm chi phí.

Cùng với các “tân binh”, những thương hiệu bán lẻ nước ngoài đã có mặt cũng làm mới mình và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

Cụ thể, hồi tháng 9 vừa qua, nhà bán lẻ Thái Lan Central Group đã đưa vào hoạt động Trung tâm Văn phòng phẩm B2S (business to school), tập trung vào nhóm mặt hàng phục vụ học sinh, sinh viên. Với thương hiệu bán lẻ mới này, Central Group Việt Nam lên kế hoạch mở khoảng 30 trung tâm tại Việt Nam trong 5 năm tới, và những điểm kinh doanh của B2S sẽ được đặt tại trung tâm các thành phố.

Trong khi đó, Big C đã thay đổi diện mạo, trở thành các trung tâm bán lẻ cao cấp sau khi về tay người Thái. Trong kế hoạch chuyển đổi, doanh nghiệp Thái sẽ đầu tư khoảng 30 triệu USD để nâng diện tích mặt bằng cho thuê của tập đoàn này lên gấp đôi so với diện tích cho thuê hiện có là 470.000m2.

Metro Cash & Carry Việt Nam đã thay đổi hình ảnh, thương hiệu thành MM Mega Market và phát triển thương hiệu này thành chuỗi bán buôn tại thị trường Thái Lan. TCC Group mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam sẽ tận dụng 2 hệ thống phân phối ở Việt Nam và Thái Lan để đưa sản phẩm Việt vào thị trường Thái Lan và ngược lại.

Các nhà bán lẻ nước ngoài còn đẩy mạnh kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ. Central Goup sau khi sở hữu 49% cổ phần của Nguyễn Kim, mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cũng đã mua lại mảng kinh doanh trực tuyến Zalora Việt Nam của nhà đầu tư Rocket Internet (Đức) để đẩy mạnh kinh doanh online trong lĩnh vực thời trang. Chiến lược này còn nhằm kết hợp sức mạnh của bán hàng qua mạng (online) và bán hàng trực tiếp (offline) trong lĩnh vực bán lẻ mà tập đoàn này đang đầu tư mấy năm gần đây.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành bán lẻ, hiện nay thị phần của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 50% kênh bán lẻ hiện đại và trong xu hướng ngày càng tăng.

Nội chuyển hướng

Trước sức ép của các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước buộc phải chuyển đổi cách kinh doanh để tồn tại và phát triển.

Không chỉ bán hàng, chuỗi siêu thị Vinmart+ của Vingroup đón đầu nhu cầu cung cấp thực phẩm và đồ ăn nhanh. Với mô hình “2 trong 1”, kết hợp giữa minimart và cửa hàng tiện lợi, cung cấp thực phẩm sạch và hàng hóa thiết yếu, người tiêu dùng có thể chọn mua thực đơn đã được chuẩn bị sẵn.

Một thương hiệu bán lẻ khác của Vingroup là Vincom Retail dùng chính sách đồng hành cùng khách thuê và nhà sản xuất.

Tính đến ngày 15/10/2017, Vincom đang sở hữu 41 trung tâm thương mại tại 22 tỉnh – thành với 4 loại hình: Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza, Vincom+. Mỗi loại hình có vị trí, diện tích, cách bố trí mặt bằng khác nhau, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu khách hàng của từng vùng miền.

Hiện Vincom Retail có 1,1 triệu m2 mặt bằng bán lẻ và 74 dự án đang và sắp triển khai. Dự kiến đến năm 2021, Vincom Retail sẽ vận hành khoảng 200 trung tâm thương mại.

Bà Trần Mai Hoa – Tổng giám đốc Công ty CP Vincom Retail cho biết, với chính sách này, khách thuê của Vincom có nhiều ưu đãi đặc biệt, trong đó có cơ hội bán hàng online trên trang thương mại điện tử Adayroi.

Trong khi đó, Saigon Co.op cùng với việc phát triển chuỗi siêu thị Co.opmart đã tận dụng các cửa hàng tạp hóa truyền thống để chuyển đổi thành đại lý bán lẻ hiện đại mang thương hiệu Co.op Smile.

Saigon Co.op hiện nay sở hữu hầu hết các mô hình bán lẻ hiện đại gồm 90 siêu thị Co.opmart, 170 cửa hàng tiện lợi Co.op Food, 2 đại siêu thị Co.opXtra, 65 cửa hàng bách hóa hiện đại Co.op Smile, 3 trung tâm thương mại Sense City, khu phức hợp SC Vivo City, kênh bán hàng qua truyền hình HTV Co.op.

Theo khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report được thực hiện trong tháng 9/2017, trong nhóm siêu thị, trung tâm thương mại bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh, Big C, Vinmart, Co.opmart là 3 nhà bán lẻ được nghĩ đến nhiều nhất trong tâm trí người tiêu dùng. Trong khi Co.opmart được biết đến là hệ thống bán lẻ có số lượng siêu thị nhiều nhất Việt Nam, tập trung ở phía Nam, Big C phủ rộng thương hiệu ở một số tỉnh – thành cả 3 miền. Chuỗi Vinmart đang mở hàng loạt siêu thị và cửa hàng tiện ích sau hơn 2 năm gia nhập thị trường.

Top 5 nhà bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh được khách hàng nhắc đến nhiều nhất lần lượt là Big C, VinMart, Co.opmart, Lotte Mart, Aeon Mall.

Cũng theo khảo sát này, hàng hóa đa dạng, chất lượng đảm bảo là nguyên nhân chính đưa người tiêu dùng đến với các nhà bán lẻ.

Ông Nguyễn Anh Đức – Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, trong năm 2017, Co.op Smile sẽ có từ 200 – 300 cửa hàng. Co.opmart đang trong giai đoạn hoàn chỉnh kênh bán hàng online, dự tính đến năm 2019 sẽ đưa vào hoạt động.

Một thương hiệu bán lẻ khác của Việt Nam là Satra cũng đang xoay chuyển theo hướng mở rộng mô hình cửa hàng tiện lợi. Từ đầu năm đến nay, Satra đã đưa vào hoạt động thêm 50 cửa hàng Satrafoods tại TP.HCM và Cần Thơ.

Ông Nguyễn Phúc Khoa – Phó tổng giám đốc Satra cho biết: “Chúng tôi rất tự tin trong việc phát triển mạng lưới bán lẻ khi chọn lối đi riêng thiên về thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống. Lối đi này phù hợp với thế mạnh của Satra khi Satra đang sở hữu các doanh nghiệp thành viên, các công ty con có thương hiệu và uy tín trong lĩnh vực thực phẩm như Vissan, CJ Cầu Tre, Cofidec, Heineken Việt Nam… và chợ đầu mối nông thủy hải sản Bình Điền có khả năng cung ứng hàng ngàn tấn hàng hóa mỗi ngày”.

Cũng theo ông Khoa, Satra đang triển khai các chương trình liên kết mới, chú trọng hỗ trợ nông dân hoàn thiện chất lượng sản phẩm mới để có thêm nhiều sản phẩm ngon phục vụ người tiêu dùng.

“Tân binh” của ngành bán lẻ là Bách Hóa Xanh đến ngày 12/11 đã có 226 cửa hàng. Nghĩa là chỉ trong gần 11 tháng qua, Bách Hóa Xanh đã mở 176 cửa hàng tại TP.HCM với mục tiêu đạt doanh thu 2.500 tỷ đồng. Điều hấp dẫn trong phương thức kinh doanh của đơn vị này là ngoài việc trực tiếp đến cửa hàng, khách hàng có thể mua sắm thông qua website hoặc gọi điện đến tổng đài đặt mua, được giao hàng tận nhà miễn phí dưới 4 tiếng đồng hồ đến các địa chỉ trong bán kính 20km tính từ siêu thị gần nhất.

Kinh doanh trực tuyến: Tầm nhìn dài hạn trên hành trình chông gai

Trong vòng một năm qua, hàng loạt trang web bán hàng trực tuyến đã phải đóng cửa do hoạt động không có hiệu quả. Tuy nhiên, mức tăng trưởng hấp dẫn của thương mại điện tử Việt Nam (35%) tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đổ tiền vào ngành này.

Hàng loạt cái tên mới gia nhập thị trường trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa các tên tuổi lớn vẫn khốc liệt. Ngoài chất lượng sản phẩm và dịch vụ, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có chiến lược dài hạn để sống sót trên thương trường đầy sóng gió này.

Thương mại điện tử Việt Nam đang được các chuyên gia nhìn nhận là đầy tiềm năng khi số người sử dụng Internet đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, sự thách thức với các doanh nghiệp nội địa là không nhỏ bởi ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào lĩnh vực này. Chưa kể thị trường đang bước sang giai đoạn tăng tốc, sự chênh lệch về hạ tầng kỹ thuật cùng mức chi tiêu của người tiêu dùng ở các địa phương ngày càng gia tăng và có thể dẫn đến nhiều sự thách thức mới.

Thị trường kẻ đến, người đi

Giữa tháng 6 vừa qua, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã tham gia vào thị trường thương mại điện tử bằng việc khai trương sàn giao dịch https://badasa.com.vn. Vietnam Post muốn sàn kinh doanh trực tuyến này là nơi gắn kết giữa các nhà sản xuất, nhà cung cấp các dòng sản phẩm chuyên biệt, đặc sản thuộc nhiều ngành nghề và người tiêu dùng trên mọi vùng miền đất nước.

Giao diện trang thương mại điện tử của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

Người mua và người bán sẽ giao dịch trực tiếp qua sàn badasa.com.vn, còn Vietnam Post sẽ cung cấp dịch vụ chuyển hàng và thu tiền trên toàn quốc thông qua việc tận dụng hệ thống phương tiện vận chuyển gồm sáu toa tàu đường sắt Bắc-Nam, 1.500 ô tô chuyên dụng mà công ty này đang quản lý và vận hành.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đánh giá việc Vietnam Post vận hành sàn trực tuyến là một bước đi nhanh nhạy của doanh nghiệp nhằm bắt kịp với xu hướng thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Vietnam Post, cho biết công ty có lợi thế về dịch vụ chuyển phát, thanh toán, thu tiền cùng lực lượng nhân sự đông đảo có mặt tại khắp các vùng miền từ đô thị đến nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, Vietnam Post lại là một gương mặt mới trong lĩnh vực thương mại điện tử, do đó, cần học hỏi và tích lũy những bài học kinh nghiệm cùng cơ hội kinh doanh trong quá trình vận hành các dịch vụ chính của mình hiện nay, trong đó có dịch vụ chuyển phát hàng hóa cho các doanh nghiệm thương mại điện tử.

Gia nhập thị trường Việt Nam hơn một năm, trang thương mại điện tử Shopee.vn, trực thuộc công ty công nghệ đình đám của Singapore là Garena (vừa đổi tên thành SEA), cho biết đã có hơn 5 triệu lượt cài đặt phần mềm ứng dụng và đạt mốc 4 triệu sản phẩm được bày bán hồi tháng 8 vừa qua. Shopee không tiết lộ con số doanh thu trong một năm hoạt động tại Việt Nam nhưng cho biết đây là thị trường đứng thứ ba trong khu vực về mức tăng trưởng, chỉ sau Indonesia và Đài Loan. Tại bảy quốc gia và vùng lãnh thổ mà Shopee đang có mặt, tổng giá trị giao dịch hàng hóa đã vượt qua con số 3 tỉ đô la Mỹ và nền tảng thương mại điện tử này đã có hơn 40 triệu lượt cài đặt ứng dụng.

Shopee có hơn 5 triệu lượt cài đặt phần mềm ứng dụng và đạt mốc 4 triệu sản phẩm được bày bán hồi tháng 8 vừa qua.

Để cạnh tranh, Shopee đã đưa ra chính sách miễn phí vận chuyển với các đơn hàng có giá trị trên 180.000 đồng trên toàn quốc. Để kiểm soát chất lượng hàng hóa, Shopee dựa trên hệ thống đánh giá (thông qua sự bình chọn) của người mua dành cho người bán, sau đó lọc ra danh sách các cửa hàng bán hàng hóa có uy tín. Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử này cũng làm việc với các thương hiệu lớn, các nhà cung cấp hàng hóa chính hãng, hàng hóa có sự bảo đảm cho người sử dụng. Ngoài ra, Shopee.vn còn tổ chức ngày mua sắm trực tuyến thường niên vào ngày 9-9 với nhiều mặt hàng được giảm giá và khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng.

Trước khi Shopee tham gia thị trường, tập đoàn VinGroup cũng đã đổ một số vốn khá lớn vào lĩnh vực thương mại điện tử bằng việc mở trang web adayroi.vn và mua lại công ty chuyển phát Hợp Nhất để gia tăng tính tiện ích cho trang web này. Khoản đầu tư vào các dự án kể trên không được VinGroup tiết lộ.

Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nhận định trong làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam, thương mại điện tử là một lĩnh vực được ưu tiên lựa chọn bởi tiềm năng và độ phát triển của thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều gương mặt mới xuất hiện thì cũng có không ít doanh nghiệp đã rời đi. Ví dụ, tập đoàn VNG đã bán trang web 123mua.vn cho FPT; Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h đã ngừng trang Deca.vn do hoạt động không có hiệu quả; Lingo.vn cũng phải đóng cửa sau khi tiêu hết tiền của nhà đầu tư nước ngoài và không còn vốn để tái đầu tư; Lazada đã chọn cách bán cổ phần chi phối cho “người khổng lồ” Alibaba để tiếp tục mục tiêu bành trướng ở Đông Nam Á.

Thị trường khó lường

Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc NextTech Group, kể rằng công ty của ông bước chân vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam ở giai đoạn đầu tiên, vào năm 2004, nhưng hiện tại chỉ còn duy trì trang ChợĐiệnTử.vn và đã dừng trang eBay.vn. Trang eBay.vn là dự án hợp tác giữa NextTech và sàn thương mại điện tử lớn của Mỹ eBay.com, nhưng hiện tại eBay Đông Nam Á đang đuối sức, không tiếp tục rót vốn đầu tư vào khu vực này.

Chodientu.vn vẫn được duy trì trong khi eBay.vn đã dừng hoạt động.

Ông Bình cho biết trong vài năm gần đây có nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính tham gia vào thị trường thương mại điện tử, chịu lỗ lớn trong giai đoạn ban đầu để đạt mục tiêu thu hút khách hàng, chiếm thị phần. Chính điều này khiến cho cuộc đua tranh trên thị trường những năm gần đây ngày càng trở nên khốc liệt, những doanh nghiệp không còn tiền đầu tư phải rời “sân chơi”.

Theo ông Bình, các doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn là những doanh nghiệp chấp nhận lỗ lớn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những doanh nghiệp đang có mặt trên thị trường sẽ là những cái tên có thể tồn tại đến cuối cuộc chơi. Bởi vì, đã có nhiều doanh nghiệp trong 1-2 năm đầu tiên được đầu tư vốn rất nhiều nhưng sau đó đã phải đóng cửa. Thực tế cho thấy thị trường kinh doanh trực tuyến luôn tồn tại những yếu tố bất ngờ, và những doanh nghiệp mạnh nhất hiện nay cũng khó lường hết những thử thách trước mắt. Đây là cuộc đua đường dài của những đối thủ có tiềm lực tài chính và nguồn nhân lực mạnh mẽ.

Theo ông Bình, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đi sau, phát triển chậm hơn các quốc gia phát triển ở châu Á nên doanh nghiệp nếu không có chiến lược dài hạn và tối ưu hóa nguồn lực thì sẽ chết. “Hiện tổng chi phí đầu tư vào thương mại điện tử của NextTech Group trong 15 năm qua mới khoảng 4 triệu đô la, ít hơn nhiều so với một số sàn thương mại điện tử. Tổng doanh số của sàn trong năm 2016 là 250 triệu đô la, NextTech là doanh nghiệp nội địa hiếm hoi kinh doanh hòa vốn và còn có lãi trên thị trường. Từ năm 2014, công ty đã chủ động trong việc thu – chi tài chính, nhà đầu tư nước ngoài đã ngừng cấp vốn từ năm 2012”, ông Bình nói.

Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam còn nhiều tiềm năng, bởi doanh thu mới chiếm 3% trong tổng doanh thu của thị trường bán lẻ.

Những lối đi riêng

Ông Bình cho biết quan điểm của NextTech là không tham gia vào cuộc chơi giảm giá sản phẩm để thu hút khách hàng. Công ty không đầu tư quá nhiều tiền cho Chợđiệntử.vn mà tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho thương mại điện tử, theo đuổi một mục tiêu lớn hơn là phát triển hệ sinh thái cho hoạt động kinh doanh trực tuyến và hướng mạnh ra thị trường nước ngoài.

Trong năm năm qua NextTech đã xây dựng được hệ sinh thái thương mại điện tử, bao gồm hệ thống mua bán xuyên biên giới Weshop ở bảy nước ở Đông Nam Á, Trung Quốc và Mỹ; cổng thanh toán Ngân lượng.vn; phát triển ví điện tử trên thiết bị di động Vimo.vn; cung cấp dịch vụ quét thẻ thanh toán trên các thiết bị di động Mpos; hình thành trang web cho vay trực tuyến Vaymượn.vn; mở cổng chuyển phát hàng hóa Shipchung.vn phục vụ người bán hàng trực tuyến; đầu tư hệ thống lưu kho và hoàn tất đơn hàng Boxme.vn để người bán hàng không phải lo về dịch vụ hậu cần…

Mới đây NextTech còn hợp tác với Booking.com của Mỹ và một số đối tác để mở trang web 12trip.vn chuyên về đặt phòng khách sạn trong và ngoài nước, cung cấp dịch vụ cho phép trả góp khi đi du lịch… “NextTech đã không chỉ làm sàn kinh doanh mà còn tìm cách đa dạng hóa giải pháp cho thương mại điện tử. Đây là cách công ty tìm hướng đi riêng để tồn tại và phát triển,” ông Bình nói.

Trong một năm qua, Garena đã đầu tư một khoản tiền khá lớn (không được tiết lộ) vào Shopee.vn. Theo ông Pine Kyaw, Giám đốc Shopee Việt Nam, so với các quốc gia khác, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam còn nhiều tiềm năng, bởi doanh thu mới chiếm 3% trong tổng doanh thu của thị trường bán lẻ. Trong khi đó con số này của Trung Quốc là 15% và con số trung bình của các quốc gia trên thế giới là 7%.

Pine Kyaw

Ông Pine Kyaw, Giám đốc Shopee Việt Nam.

Mục tiêu trước mắt của Shopee là góp phần thúc đẩy thị trường chung phát triển mạnh lên chứ chưa chú trọng nhiều vào việc cạnh tranh giành giật thị phần và doanh thu.

Ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DKT – nhà cung cấp giải pháp cho hơn 40.000 doanh nghiệp khai thác cơ hội kinh doanh từ thương mại điện tử – cho rằng ba yếu tố quan trọng khi khởi nghiệp trong lĩnh vực này là xuất phát nhanh, cải tiến liên tục và triệt để. Vốn đầu tư là yếu tố quan trọng nhất, nhưng không phải là duy nhất quyết định sự thành công với thương mại điện tử. “Để khởi nghiệp trong lĩnh vực này, đầu tiên nhà khởi nghiệp phải xác định được đối tượng khách hàng, tính ưu việt trong sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, cần phải lựa chọn các kênh bán hàng và có sự đầu tư phù hợp theo từng thời điểm, từng chiến lược và có sự cập nhật liên tục. Việc nâng cấp sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp có thể trụ vững trong môi trường này”, ông Tuyến nói.

Bên cạnh đó, yếu tố mang tính quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp là sự trải nghiệm về sản phẩm, quy trình mua hàng và chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng cần được tối ưu hóa thống nhất từ kênh trực tiếp đến kênh trực tuyến (xu hướng O2O – online to offline). Đó sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp thành công trong sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh trực tuyến hiện nay.

Techcombank chính thức thông qua thương vụ bán Techcom Finance

HĐQT ngân hàng đã phê duyệt Hợp đồng và các tài liệu liên quan về việc mua/bán chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV Tài Chính Kỹ Thương. Tuy nhiên giá trị chưa được tiết lộ.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa thông báo thông tin Hội đồng quản trị ngân hàng đã phê duyệt Hợp đồng và các tài liệu liên quan về việc mua/bán chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV Tài Chính Kỹ Thương (Techcom Finance – TCF) theo Nghị quyết của HĐQT ngày 28/9/2017.

Trước đó, hãng tin của Hàn Quốc đưa tin, Lotte Card Co., một thành viên của Lotte Group dự kiến mua lại 100% vốn của công ty Techcom Finance, tổ chức tài chính đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép phát hành thẻ tín dụng (giấy phép phát hành thẻ tín dụng), từ Techcombank.

Trong khi đó, tờ The Investor cho hay, Lotte Group sẽ mua lại toàn bộ cổ phần công ty con của Techcombank với giá thỏa thuận ước tính hàng chục tỷ won (hàng chục triệu USD).

Techcombank đã mua lại Công ty Tài chính cổ phần Hóa Chất Việt Nam (VCFC) và đổi tên thành Techcom Finance vào tháng 6/2015. Năm 2014, trước khi trở thành công ty con của Techcombank, lợi nhuận trước thuế của VCFC đạt gần 13 tỷ đồng, chỉ bằng 1/8 lợi nhuận trước thuế của năm 2013, nguyên nhân là công ty phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 100 tỷ đồng, so với mức 470 triệu của năm 2013.

Năm 2016, Techcom Finance ghi nhận tổng doanh thu thuần 33 tỷ đồng, chi phí hoạt động 6 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 28 tỷ đồng tiếp tục giữ ở mức ổn định.