Sumitomo hợp tác với Tập đoàn BRG thành lập liên doanh và dự kiến mở siêu thị đầu tiên trong năm nay.
Fujimart Vietnam Retail, liên doanh giữa Sumitomo và Tập đoàn BRG cho
biết sẽ mở siêu thị đầu tiên tại Hà Nội vào cuối năm nay. Hai siêu thị
tiếp theo dự kiến được mở tại thủ đô của Việt Nam vào năm 2019.
“Tuy lĩnh vực bán lẻ rất cạnh tranh, nhưng kinh tế vĩ mô Việt Nam gần
đây cho thấy thị trường này vẫn đang tăng trưởng ở mức hai con số.
Chúng tôi nhận thấy xu hướng đó vẫn tiếp tục bởi triển vọng kinh tế của
Việt Nam rất tích cực, làm cho mức sống ngày càng tốt hơn”, đại diện
Sumitomo chia sẻ.
Sumitomo Corporation là tập đoàn thương mại và đầu tư có lịch sử gần
100 năm của Nhật, đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1995. Đơn vị này cũng
hoạt động 50 năm trong ngành bán lẻ. Tại Việt Nam, thông qua Quỹ đầu tư
ACA Investments là đơn vị trực thuộc Sumitomo, Tập đoàn này cũng đầu tư
vào Bibomart – một thương hiệu bán lẻ dành cho mẹ và bé.
Khu đồ tươi sống trong siêu thị FujiMart.
Trong khi đó Tập đoàn BRG (BRG Group) đầu tư và hoạt động tập trung
trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và sân golf… BRG hiện nay đang
vận hành hàng loạt sân golf nổi tiếng ở miền Bắc như Kings’ Island Golf
Resort (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Đồ Sơn Seaside Golf Resort (Đồ Sơn,
Hải Phòng), Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội)… BRG cũng là đơn
vị sở hữu chuỗi siêu thị Intimex Việt Nam.
Trước dự án này, Sumitomo đã hợp tác với 4 nhà đầu tư Việt Nam, trong
đó có Tập đoàn BRG trong việc triển khai một dự án đầu tư thành phố
thông minh 4 tỷ USD tại Đông Anh, Hà Nội.
Hiện thị trường bán lẻ Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều tên tuổi
đến từ Nhật Bản với các hình thức đầu tư, hợp tác khác nhau như Aeon,
Takashimaya, 7-Eleven…
Trên thực tế, các chuyên gia đã khẳng định rằng
những nỗi sợ này hoàn toàn có thể khắc phục được. Hãy xem 5 trong số
những nỗi sợ phổ biến nhất khi bán hàng và cách để loại bỏ chúng.
Việc bán hàng về bản chất cực kỳ đơn giản. Bất cứ ai cũng đều có thể
bán được hàng nếu hiểu quy luật của nó. Thế nhưng, trừ những người sinh
ra là để bán hàng thì hầu hết chúng ta đều sẽ cảm thấy lo lắng và sợ hãi
khi phải bán hàng cho người khác. Chính điều này là nguyên nhân khiến
bạn làm mãi mà vẫn không đủ doanh số. Thậm chí, nó còn ngăn cản bạn phát
huy năng lực và tố chất của bản thân.
Trên thực tế, các chuyên gia đã khẳng định rằng những nỗi sợ này hoàn
toàn có thể khắc phục được. Hãy xem 5 trong số những nỗi sợ phổ biến
nhất khi bán hàng và cách để loại bỏ chúng.
1. Sợ không tạo được ấn tượng tốt trong lần tiếp xúc đầu tiên
Trong việc bán hàng, ấn tượng đầu tiên đóng vai trò vô cùng quan
trọng. Nếu bạn tạo được ấn tượng tốt thì đó chính là một khởi đầu thuận
lợi và ngược lại. Chính vì thế, dân sales thường cảm thấy căng thẳng
trong lần tiếp xúc đầu tiên vì sợ không tạo được ấn tượng tốt với khách
hàng tiềm năng.
Bí quyết để vượt qua nỗi sợ này là hãy chuẩn bị. Hãy
chắc chắn rằng bạn biết mình cần phải nói gì và làm gì trong lần đầu
tiên tiếp tục với khách hàng tiềm năng. Một vẻ ngoài lịch sự, ưa nhìn
cùng với cử chỉ, hành động chuyên nghiệp và thân thiện sẽ giúp bạn tạo
được thiện cảm với họ. Đừng để khách hàng thấy sự căng thẳng, lo âu hay
rụt rè của bạn bởi nó sẽ làm ảnh hường đến mức độ tin tưởng của họ dành
cho bạn.
2. Sợ bị khách hàng từ chối
Dân sales có kinh nghiệm luôn hiểu rằng họ không thể thành công với
100% khách hàng. Trong khi đó, hầu hết sales mới sẽ cảm thấy sụp đổ tinh
thần khi họ bị khách hàng từ chối. Hãy nhớ rằng: Chừng nào bạn còn giữ
tâm lý sợ khách hàng từ chối thì bạn còn không bán được hàng.
Trước tiên, bạn phải xác định tư tưởng rằng việc khách hàng từ chối
là hoàn toàn có thể xảy ra. Hãy bình tĩnh đón nhận nó một cách khôn
ngoan bởi khách hàng mới là người nắm quyền đưa ra quyết định. Hiểu được
lý do đằng sau việc từ chối mua hàng có thể giúp bạn nhận ra những lỗ
hổng trong việc bán hàng và cải tiến nó tốt hơn. Các chuyên gia giàu
kinh nghiệm đã khẳng định rằng: Cách duy nhất để đánh bại nỗi sợ là đối
đầu với nó.
3. Không dồn dập thì sợ khách “quên”, liên hệ nhiều lại sợ bị khách “ghét”
Để bán được hàng, bạn buộc phải tương tác, kết nối và đôi khi là thúc
đẩy khách hàng đưa ra quyết định mua. Nhưng trớ trêu thay, không ít các
dân sales mới khiến khách hàng ác cảm và thậm chí là “chạy mất dép” bởi
họ cảm thấy bị gây áp lực và “tấn công” thái quá. Ngược lại, nhiều
người vì sợ liên hệ nhiều quá khách bực mình mà đánh mất họ.
Hãy
tập trung nhiều hơn vào việc có một cuộc trò chuyện với khách hàng tiềm
năng của bạn hơn là chỉ bán hàng. Đây chính là bí quyết giúp bạn vượt
qua nỗi sợ hãi này. Hãy tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và tự hỏi liệu
những gì bạn đang cung cấp có giá trị thực sự cho họ hay không. Khi bạn
quan tâm đến khách hàng tiềm năng của mình và phát triển cảm giác tin
tưởng, bạn sẽ có nhiều khả năng bán được hàng hơn.
4. Sợ không đáp ứng được tất cả nhu cầu của khách hàng
Dù đã nhận được câu trả lời “đồng ý” từ khách hàng tiềm năng nhưng
không ít dân sales vẫn cảm thấy sợ không đáp ứng được tất cả những mong
đợi của khách hàng. Nghe có vẻ hơi buồn cười nhưng trên thực tế, điều
này cũng khá phổ biến. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, có nghĩa là bạn
đang bắt đầu đặt những dấu hỏi về giá trị của các sản phẩm bạn đang bán.
Hãy kiểm chứng tất cả các thông tin về sản phẩm mà bạn nói với khách
hàng. Nếu đó đều là sự thật, bạn phải tự tin vào sản phẩm mình đang bán.
Hãy xem những phản hồi tích cực từ những người đã mua sản phẩm của bạn.
Điều này cũng giúp bạn cảm thấy tự tin về việc bạn có thể mang đến
những giá trị thực sự cho khách hàng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên có thái
độ cởi mở và chủ động đón nhận những ý kiến phản hồi từ khách hàng trong
quá trình tương tác với họ. Có thể những thông tin này sẽ giúp công ty
của bạn cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn.
5. Sợ vì không biết mình có đang làm đúng quy trình hay không
Nếu bạn luôn cảm thấy lo sợ không biết mình có đang làm đúng hay
không thì bạn vẫn chưa phải là một người làm chủ được quá trình bán hàng
của mình. Chính sự phân vân, lo sợ của bạn trong quá trình tương tác
với khách hàng là lý do khiến họ cảm thấy không tin tưởng. Việc bán hàng
hiệu quả đòi hỏi bạn cần có chiến thuật đúng đắn và cung cấp cho khách
hàng những gì họ cần.
Bạn sẽ tự tin về những gì mình làm khi bạn nắm chắc được quy trình,
những nội dung đã được hướng dẫn và những kĩ năng đã được đào tạo trước
khi bắt đầu công việc. Hãy nghiêm túc học hỏi và tích cực chủ động luyện
tập, chắc chẵn kĩ năng của bạn sẽ tiến bộ mỗi ngày. Việc đi đúng hướng
và áp dụng đúng chiến thuật sẽ giúp bạn tự tin hơn trong quá trình tư
vấn và thuyết phục khách hàng.
Tự nhận bản thân là kẻ thờ ơ với công nghệ, nhưng
chiếc máy tính Mac ra đời năm 1988 đã giúp ông tìm ra hướng đi của cuộc
đời mình.
Hội Liên Hiệp Cambridge, thuộc trường Đại học Cambridge là nơi tổ
chức những cuộc hội thảo về các chủ đề được xã hội quan tâm. Ngày
19/11/2018, Jony Ive, nhà thiết kế danh tiếng của Apple đã có bài phát
biểu tại đây.
Khán phòng Hội được chia thành 2 hàng ghế ngồi đối diện nhau với sức
chứa 400 người. Ngày hôm đó chật kín không còn một chỗ trống. Phần lớn
thính giả là sinh viên.
Ive đứng ở trung tâm khán phòng, quay qua quay lại để có thể giáp mặt
cả 2 hàng ghế. Ông mặc đồ thanh lịch và nhẹ nhàng, chủ yếu là tông xanh
nhạt với áo vest xanh, sơ mi xanh nhạt và cà vạt.
Jony Ive – nhà thiết kế đứng đằng sau thành công của iPhone. Ảnh: Time Magazine.
Một gã thờ ơ với công nghệ
“Những nhà thiết kế như chúng tôi tạo ra công cụ, để bạn có thể ngồi,
ăn, sống bên trong đó. Những công cụ giúp việc giao tiếp, học hỏi, sáng
tạo và cải thiện bản thân trở thành hiện thực. Các công cụ chúng tôi
tạo ra có thể rất mạnh mẽ, đẹp đẽ, và trong nhiều trường hợp, chúng thậm
chí không cần đi theo logic”, Ive nói, mở đầu bài diễn thuyết.
Dù cho rằng bản thân là người thờ ơ với công nghệ, cuộc gặp gỡ đầu tiên của Ive với Apple Mac đã thay đổi ông rất nhiều.
“Với chiếc Mac ra mắt năm 1988, tôi học được 2 điều. Đầu tiên, tôi
thực sự thích dùng cỗ máy này. Đó là một công cụ mạnh mẽ giúp tôi thiết
kế và sáng tạo. Thứ nhì, điều này khá xấu hổ, rốt cuộc tới tận năm cuối
cùng của 4 năm đại học tôi mới nhận ra rằng muốn trở thành ai là quyền
của bạn”.
“Tôi cảm thấy có một mối liên kết thực sự với những người đã chế tạo
ra chiếc máy này. Và lần đầu tiên, tôi bắt đầu quan tâm tới những thứ to
tát như là nhân loại và khả năng của bản thân”.
Điều này khiến Ive muốn tìm hiểu nhiều hơn về những người làm việc tại Apple. Năm 1992, ông chuyển đến California.
Jony Ive nhận học bổng Giáo Sư Hawking vào năm 2018. Ảnh: Apple.
Sáng tạo là thứ mong manh
“Tôi tận hưởng niềm vui lớn lao từ những ý tưởng nhỏ nhoi nhất, từ
những tiếng nói thầm lặng nhất bên trong mình, phát triển thành một sản
phẩm đẹp đẽ và có ảnh hưởng”. Theo Ive, dù dự án bắt đầu vào khoảng năm
2002 đến 2003, những ý tưởng về giao diện iOS đã xuất hiện từ rất lâu.
“Đó là một dự án mà chúng tôi có thể diễn tả bằng từ “đa chạm”. Nhiều
người vẫn còn nhớ lần đầu tiên trải nghiệm giao diện đó. “Đa chạm” là
cho phép bạn trực tiếp chạm và tương tác với các nội dung bạn muốn như
là phóng to, thu nhỏ hình ảnh, lướt qua các mục bằng ngón tay của mình”.
“Nó (iOS) có giao diện độc đáo, chưa bao giờ xuất hiện từ trước đến
nay. Vậy nên, hãy xác định cụ thể chức năng của một ứng dụng, chứ đừng
diễn tả đại khái. Thế là chúng tôi bắt đầu xem xét việc tạo ra các ứng
dụng hữu dụng, hấp dẫn và trực quan. Thế là quá rõ, bạn cần có một nơi
để đưa chúng lên kệ và App Store ra đời”, Ive cho biết.
Nhưng cần có thời gian để ý tưởng trở thành hiện thực. “Trong thực
tế, các công nghệ cần thiết mất nhiều năm trời để đuổi kịp ý tưởng.
Thành thật mà nói, trong quá trình làm, nhiều khi chúng tôi cũng suýt bỏ
cuộc”.
Những ý tưởng, như Ive nói, không ra đời để giải quyết vấn đề.
“Nhóm càng lớn, ý kiến càng bị nhầm lẫn với ý
tưởng. Ý kiến diễn đạt trong nhóm lớn phải hướng tới những thứ định
lượng được, có thể đo lường rồi triển khai.”
“Chẳng ai yêu cầu chúng tôi giải quyết vấn đề. Ý tưởng ra đời chưa
phải để đáp ứng cho việc phát triển công nghệ. Chúng không phải chỉ mơ
hồ trong một vài tuần hay một vài tháng, ý tưởng bạn có vẫn rất mong
manh sau nhiều năm trời”.
“Việc hợp tác với nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau là một
trong những điều tôi thích nhất khi làm việc ở Apple. Tuy nhiên nó cũng
đặt ra nhiều thử thách khi làm việc trong một nhóm lớn. Nhóm càng lớn, ý
kiến càng bị nhầm lẫn với ý tưởng. Ý kiến diễn đạt trong nhóm lớn phải
hướng tới những thứ định lượng được, có thể đo lường rồi triển khai”.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi luôn bị ám ảnh bởi những thứ như kích
thước, trọng lượng, tốc độ, dung lượng pin, lịch triển khai, giá thành”.
Chỉ có tầm nhìn và mục đích chung là chưa đủ, ông cho biết.
‘Hãy tạo ra những thứ tuyệt vời’
Ông cũng cho biết cách làm việc của mình đôi khi có những nghịch lý khá khó chịu.
“Có một xung đột nền tảng giữa 2 cách suy nghĩ hết sức khác nhau. Đó
là cách suy nghĩ tò mò và suy nghĩ tập trung giải quyết vấn đề. Tò mò,
đó là thứ năng lượng động viên, nhưng lại hết sức tham lam và đẩy bạn
lạc trong đống hỗn độn các ý tưởng”.
“Suy nghĩ giải quyết vấn đề dựa vào các kế hoạch và dự định. Thường
thì điều này mâu thuẫn với sáng tạo. Thực lòng mà nói tôi không thể tìm
thấy 2 cách làm việc, 2 sự tồn tại nào đối lập hơn tò mò và giải quyết
vấn đề.
“Bạn thấy đó, khi cần giải quyết các vấn đề khó, bạn phải kiên quyết,
đôi khi cứng đầu vô lý. Nhưng để giải quyết các vấn đề khó cần có các ý
tưởng mới. Thế là bạn chuyển sang chế độ cởi mở, tò mò và bắt đầu nghĩ
ra các ý tưởng. Việc này không chỉ diễn ra 1, 2 lần trong dự án kéo dài
hàng năm, nó diễn ra đều đặn mỗi ngày. Cá nhân tôi thấy việc chuyển đổi
qua lại này hóa ra lại là một yêu cầu tuyệt vời của công việc”.
Ive đề cao tinh thần học hỏi, cho đó là năng lượng vượt qua mọi thử thách. Ảnh: Apple.
Ive kết thúc bài diễn văn của mình bằng việc đề cập tới Steve Jobs.
“Tôi sẽ đọc cho bạn nghe một vài thứ mà người đồng hành, người bạn của
tôi, Steve Jobs đã nói 10 năm trước. Tôi nghĩ lời kết của ông ấy là vô
cùng hợp lý cho buổi nói chuyện này”.
“Sống có nhiều cách. Người ta biểu đạt sự biết ơn của mình cũng thông
qua nhiều cách khác nhau. Nhưng có một cách tôi tin rằng người ta dùng
để biểu hiện sự biết ơn của mình tới toàn nhân loại, đó là làm ra một
thứ gì đó đẹp đẽ và tuyệt vời rồi đưa nó cho mọi người”.
“Bạn chưa từng bắt tay hay gặp mặt họ, chưa từng nghe câu chuyện của
họ hay kể cho họ câu chuyện của mình. Nhưng bằng cách tạo ra một thứ
tràn đầy tâm huyết, bạn đã truyền tải được thông điệp. Đó là cách mà
nhân loại chúng ta chuyển tải sự biết ơn sâu sắc tới phần còn lại”.
Nhu cầu điện thoại di động chững lại có thể ảnh hưởng đến hoạt động của Samsung tại Việt Nam.
Vừa qua, hai nhà cung cấp của Apple là Lumentum và Foxconn đã giảm dự
báo doanh thu và lợi nhuận năm 2019. Theo đó, sẽ là cần thiết nhìn nhận
lại hoạt động của Samsung Electronics.
Áp lực cạnh tranh của Samsung chắc chắn đang tăng lên khi Huawei vượt
Apple một lần nữa trong quý III/2018 và vẫn là nhà cung cấp điện thoại
thông minh lớn thứ hai thế giới trong hai quý liên tiếp.
Huawei hiện đã gần bắt kịp Samsung. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây
với CNBC, Giám đốc Điều hành của Huawei Richard Yu cho biết: “Năm tới,
chúng tôi sẽ rất gần với vị trí số một, có lẽ chúng tôi sẽ ngang bằng
với Samsung. Và ít nhất là một năm sau, có lẽ chúng tôi có cơ hội (là số
một), [vào cuối] năm 2020”.
Samsung chiếm 6,1% tổng vốn FDI tại Việt Nam trong 10 năm qua, đã đầu tư tổng cộng 17 tỉ USD trong giai đoạn này.
Công ty chiếm gần 28% xuất khẩu của Việt Nam. Công ty khổng lồ điện
tử đã giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn
thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc.
Samsung đã tạo ra hơn 160.000 việc làm tại Việt Nam, chiếm 50% tổng số lao động của mình.
Ở miền Bắc của Việt Nam, chỉ riêng tại nhà máy Thái Nguyên, Công ty
tuyển dụng hơn 60.000 người. Căng tin của nhà máy sử dụng khoảng 13 tấn
gạo để phục vụ cho công nhân mỗi ngày. Nhà máy này sản xuất nhiều điện
thoại di động hơn bất kỳ nhà máy nào khác trên thế giới.
Ngành sản xuất điện thoại di động và công nghiệp điện tử là một phần
quan trọng trong lĩnh vực chế biến và sản xuất, chiếm 18,8% GDP của Việt
Nam và có tốc độ tăng trưởng thường xuyên hằng năm trên 10%. Để đánh
giá tầm quan trọng của Samsung đối với nền kinh tế Việt Nam, người ta
chỉ cần nhìn vào quý I/2017, khi tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1% do doanh
số bán hàng của Galaxy Note 7 sụt giảm.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Samsung Việt Nam đã tạo ra 23,5 tỉ USD
doanh thu từ phân khúc di động, chiếm 53% doanh thu sản xuất điện thoại
di động toàn cầu của Samsung. Tuy nhiên, trong báo cáo quý III/2018,
Công ty cho biết doanh thu và lợi nhuận hoạt động trong 9 tháng đầu năm
giảm lần lượt 5,4% và 8,1% so với năm ngoái.
Điều này có thể ảnh hưởng đến Samsung tại Việt Nam khi phân khúc di
động đóng góp 78% doanh thu doanh thu Samsung tại Việt Nam. Phân khúc
màn hình hiển thị của Samsung có doanh thu tăng mạnh trong quý III do
nhu cầu về iPhone XS và XS MAX.
Samsung cũng có thể nhận được cú hích vì khách hàng lớn nhất của
mình, Apple, tạo ra doanh thu gấp ba lần so với doanh thu từ khách hàng
lớn thứ 2. Thu nhập dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong vài quý tới cho đến
khi Samsung ra mắt điện thoại thông minh màn hình gập. Trong khi chờ
đợi, các nhà phân tích dự đoán các trở lực sau đây:
Nhu cầu thấp hơn trên toàn cầu khi nhiều thị trường đạt đến độ bão hòa.
Nhu cầu với mẫu Note 9 mới không cao, mẫu này có thiết kế tương tự như thiết kế năm ngoái nhưng lại có giá cao hơn.
iPhone mới với một màn hình lớn sẽ được tung ra vào năm tới, hứa hẹn cho phép người dùng sử dụng 2 SIM.
Nguồn: Bloomberg.
Mặc dù doanh thu năm nay của Samsung giảm so với cùng kỳ do thị
trường điện thoại di động bão hòa, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh
chóng trong các lĩnh vực khác như thủy sản và dệt may (do chiến tranh
thương mại Mỹ – Trung Quốc). Tăng trưởng GDP trong quý III/2018, tăng
6,9% so với 6,7% của quý II.
Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam đang cố gắng đưa ra các chính sách hỗ trợ
phát triển các ngành công nghiệp khác để ít phụ thuộc vào các công ty
nước ngoài lớn như Samsung hay Formosa. Điều này có thể mất thời gian
nhưng nó cần phải được thực hiện để giúp cân bằng nền kinh tế.
Khách hàng là thượng đế ở hầu khắp các thị trường trên thế giới. Và điều này đặc biệt đúng với châu Á.
Không giống với những nơi khác, người tiêu dùng ở khu vực này thường
xuyên gắn liền với các thiết bị di động, sẵn sàng chi tiêu nhiều tiền để
mua sắm các nhãn hiệu cao cấp. Trong thị trường như thế, những công ty
thành công nhất là những công ty thật sự chú trọng đến khách hàng và tạo
ra trải nghiệm tích cực cho họ. Đó là những nhận định của Blake Morgan,
một chuyên gia về trải nghiệm khách hàng. Theo Morgan, dưới đây là 10
công ty đang làm tốt nhất việc chú trọng khách hàng ở khu vực châu Á.
Ngân hàng DBS tiên đoán nhu cầu của khách hàng
Khách hàng luôn được đặt lên trên và là trọng tâm của ngân hàng
Singapore này. DBS thành lập một Ủy ban Trải nghiệm khách hàng (Customer
Experience Council) do tổng giám đốc (CEO) đứng đầu. Bộ phận này chủ
động tiên đoán và đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Bằng cách lắng
nghe khách hàng, DBS đã thực hiện cải thiện chất lượng dịch vụ với những
hành động thiết thực như giảm thời gian khách hàng phải chờ đợi ở các
chi nhánh và trên điện thoại, tạo ra trải nghiệm ưu việt khi sử dụng ứng
dụng của ngân hàng. Nhờ thực hiện tốt phương châm “khách hàng là ưu
tiên hàng đầu” mà DBS luôn đứng đầu bảng trong danh sách những công ty
làm hài lòng khách hàng nhất ở khu vực châu Á.
Celcom Axiata Berhad quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng ở cửa hàng
Là công ty viễn thông không dây lâu đời nhất ở Malaysia, Celcom hiểu
được tầm quan trọng của việc gắn kết với khách hàng. Trong khi các công
ty khác chỉ tập trung vào việc tạo ra trải nghiệm “số” cho khách hàng
thì Celcom lại nhận thấy rằng khách hàng của mình có vẻ thích sử dụng
các kênh giao dịch truyền thống bên ngoài có nhiều tương tác giữa người
với người hơn. Vì vậy, công ty này đã cải tạo hình ảnh của các cửa hàng
bên ngoài, đơn giản hóa quy trình đăng ký hay thay đổi các gói kết nối
không dây, hoàn thiện các chương trình đào tạo nhân viên nhằm trang bị
cho họ năng lực hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Tuy vẫn quan tâm đến kênh
giao dịch trực tuyến nhưng hệ thống cửa hàng bên ngoài mới là nơi mà
Celcom đang đem lại những trải nghiệm thật sự tích cực và dịch vụ chất
lượng cao cho khách hàng.
Maybank liên kết với các startup trong lĩnh vực công nghệ để hỗ trợ khách hàng
Với thái độ cởi mở và không ngừng sáng tạo, ngân hàng này thường
xuyên lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng, sau đó liên kết với các
công ty mới thành lập trong lĩnh vực công nghệ để đưa ra những cải tiến
mới về sản phẩm và dịch vụ. Trên thực tế, Maybank đã giành được rất
nhiều giải thưởng về trải nghiệm khách hàng.
Coca-Cola Nhật sử dụng ứng dụng qua thiết bị di động để kết nối với khách hàng
Coca-Cola có thể nổi tiếng như một công ty nước giải khát hàng đầu
thế giới, nhưng chi nhánh tại Nhật của công ty này lại được biết đến
nhiều hơn qua việc sử dụng truyền thông xã hội để kết nối với khách
hàng. Ứng dụng ON dành cho thiết bị di động của Coca-Cola tại Nhật đã có
hơn 5 triệu lượt tải về, giúp khách hàng tìm địa điểm của các máy bán
hàng tự động, thử nghiệm các mùi hương mới và nhận các giải thưởng cho
việc dùng sản phẩm mang nhãn hiệu này. Cách suy nghĩ mới mẻ của Coke đã
mang đến niềm vui cho khách hàng và giúp công ty tạo ra một cộng đồng
người hâm mộ.
Mobitel cung cấp dịch vụ địa phương mang tính cá nhân
Các trung tâm dịch vụ khách hàng của Mobitel, công ty viễn thông
không dây, được chia thành nhiều trung tâm nhỏ phục vụ cho từng thị
trường địa phương sử dụng ngôn ngữ riêng, qua đó phục vụ tốt hơn từng
nhóm khách hàng của mỗi vùng. Mobitel còn thành lập Trung tâm Trải
nghiệm khách hàng, tạo điều kiện cho khách hàng thử nghiệm sản phẩm mới
và được giải đáp các thắc mắc trước khi quyết định mua hàng.
Bộ Nguồn nhân lực Singapore chủ động liên hệ với khách hàng
Việc một cơ quan chính phủ lọt vào danh sách những công ty chú trọng
đến khách hàng nhất ở châu Á có vẻ là một điều lạ. Tuy nhiên, theo
Morgan, cách làm việc hướng đến khách hàng của cơ quan này là một điều
đáng để các doanh nghiệp cũng như các tổ chức công ghi nhận và học hỏi.
Cụ thể, Bộ Nguồn nhân lực Singapore đã thành lập Phòng Phản hồi khách
hàng chuyên tìm hiểu khách hàng và đáp ứng các nhu cầu của họ. Với
phương châm gắn kết với khách hàng và xem khách hàng là những đối tác,
Bộ Nguồn nhân lực Singapore đã cung cấp cho họ những dịch vụ thân thiện
và hiệu quả mà hiếm một cơ quan chính phủ nào làm được.
Titan đem đến nụ cười cho khách hàng
Mục tiêu của công ty bán lẻ đồng hồ và đồ trang sức lớn nhất Ấn Độ
này là làm cho khách hàng hài lòng và vui vẻ mỗi khi họ rời một cửa hàng
của Titan. Nhân viên của Titan ở hơn 1.400 cửa hàng luôn tập trung vào
việc tìm ra những khoảnh khắc tạo niềm vui cho khách hàng bằng những lời
tư vấn và dịch vụ mang tính cá nhân cao. Việc quan tâm đến khách hàng
được thể hiện ở mọi khía cạnh và hoạt động của công ty, từ thiết kế cửa
hàng đến sản phẩm và thái độ phục vụ của nhân viên.
ANZ Đài Loan đem đến cho khách hàng trải nghiệm đa kênh
Hiểu được khách hàng có xu hướng giao dịch dưới nhiều hình thức khác
nhau ở các nước khác nhau, ngân hàng này đã tạo ra cho họ trải nghiệm đa
kênh. ANZ luôn tạo ra những quy trình nhất quán và liền lạc dù cho
khách hàng giao dịch qua điện thoại, kênh trực tuyến hoặc trực tiếp. ANZ
cũng chủ động giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến khách
hàng, giúp khách hàng cải thiện trải nghiệm ngân hàng của họ.
Ocean Network Express không muốn quá lớn để phục vụ khách hàng chu đáo hơn
Xuất khẩu là một lĩnh vực lớn ở châu Á vốn không thể thiếu sự hỗ trợ
của dịch vụ vận tải. Ocean Network Express (ONE) chú trọng đến việc đặt
khách hàng lên ưu tiên hàng đầu. Mục tiêu của công ty vận tải này là
phát triển đủ lớn mạnh để đương đầu với cạnh tranh nhưng vẫn duy trì quy
mô vừa đủ nhỏ để có thể cung cấp những dịch vụ đáng tin cậy và có tính
cá nhân cao đến khách hàng. ONE xây dựng một cấu trúc tổ chức tinh gọn
để giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sự hỗ trợ mà họ cần. Tất cả nhân
viên của ONE đều được huấn luyện và trao quyền để giải quyết bất cứ vấn
đề nào của khách hàng. Trong thị trường vận tải quốc tế rộng lớn, ONE
chứng minh rằng việc quan tâm đến những chi tiết nhỏ cho từng khách hàng
cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho doanh nghiệp.
Intuit Singapore xem việc chăm sóc khách hàng là ưu tiên hàng đầu
Chi nhánh châu Á của công ty dịch vụ tài chính này thật sự “sống” với
một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản của mình: Quan tâm khách
hàng. Với phương châm đặt khách hàng vào vị trí trọng tâm, Intuit
Singapore hiểu rằng việc chăm sóc, quan tâm khách hàng mang tính cá nhân
sẽ giúp công ty khác biệt trong cạnh tranh và luôn lắng nghe, đáp ứng
các nhu cầu của từng cá nhân.