Category Archives: C.E.O

5 bí quyết thành công của một nhà đầu tư Shark Tank

Bạn phải thiết lập mục tiêu. Nếu không biết mình muốn gì, bạn sẽ không bao giờ có được nó.

Chia sẻ trên kênh CNBC, doanh nhân Daymond John – nhà sáng lập thương hiệu quần áo FUBU trị giá 6 tỷ USD, đồng thời là nhà đầu tư trên chương trình Shark Tank cho biết, thành công ông có được ngày hôm nay nhờ vào hàng loạt vấp ngã, sai lầm cộng với lòng quyết tâm và kiên trì.

Ông từng bị từ chối nhiều lần, mất mát không ít và đôi lúc bế tắc, không tìm thấy lối ra. Tuy nhiên, chặng đường gian khổ ấy đã giúp John nhận ra sự dũng cảm được sinh ra khi bạn buộc phải đứng lên và leo qua bức tường thử thách.

Shark Tank là chương trình truyền hình thực tế của Mỹ, phát sóng trên kênh ABC. Trong chương trình, người chơi – các doanh nhân khởi nghiệp thực hiện các bài thuyết trình trước một hội đồng các nhà đầu tư (Shark), và những nhà đầu tư này sẽ lựa chọn đầu tư hoặc không. Shark Tank  đã hai lần giành giải thưởng Primetime Emmy Award cho hạng mục Cấu trúc chương trình truyền hình thực tế xuất sắc nhất.

Dưới đây là 5 bí quyết đầu tư thành công được tỷ phú Daymond John đúc kết từ sự nghiệp kinh doanh của mình:

1. Thiết lập mục tiêu

Bạn không thể đạt mục tiêu nếu bạn không biết mình đang theo đuổi điều gì.

Cha của John mất khi ông mới 10 tuổi. Mẹ ông phải làm mọi việc để kiếm sống và cho rằng ông cũng nên phụ giúp chi trả hóa đơn trong nhà. Joh được giao các việc lặt vặt như phát tờ rơi quảng cáo hay làm việc tại trung tâm thương mại tại thành phố New York – nơi ông lớn lên.

Ông đã bắt đầu công việc kinh doanh khi còn là đứa trẻ: Ông trộm bút chì của những cậu bé trong trường mà ông không thích, sơn tên các cô bạn chung lớp lên sau đó bán chúng cho họ. Khi là thiếu niên, John đã cố gắng tổ chức một bữa tiệc khổng lồ trên thuyền. Ông đã dùng hết số tiền trong thẻ tín dụng, vay mượn thêm để có được 20.000 USD thực hiện sự kiện lớn đó. Về sau John thừa nhận, đó là một canh bạc thực sự.

Vì không đủ tiền thuê chiếc thuyền sang trọng Princess Cruise Line, ông thuê chiếc Circle Line giá rẻ hơn. Ông chi 8.000 USD để thuê DJ, 3.000 USD cho hệ thống âm thanh, 3.000 USD cho việc phát tờ rơi quảng cáo, 2.000 USD cho nhân viên trên thuyền và phần còn lại dùng để mua rượu.

Cuối cùng, sự kiện đã thất bại thảm hại khi có rất ít khách đến dự. Bữa tiệc chỉ thu về 4.000 USD, và John lỗ 16.000 USD. Ông nhìn vào chiếc thuyền Princess Cruise Line kế bên tấp nập người ghé thăm mà không hiểu tại sao chương trình của mình lại thất bại.

“Thành công được hội tụ từ nhiều yếu tố. Ngày đó, tôi đã không biết rằng chỉ với việc phát tờ rơi và mạo hiểm mọi thứ mình có cũng không giúp tôi thành công được. Mãi nhiều năm sau tôi mới nhận ra ngoài đam mê làm giàu, thành công còn cần có niềm đam mê. Tôi thất bại vì tư duy của mình”, ông chia sẻ.

Lớn hơn một chút, ông không biết mình muốn gì. “Tôi không có ước mơ hay khát vọng nào vào thời điểm đó – John kể – Cho đến khi hip-hop bùng nổ và du nhập vào Queens”. John cho biết, đó là lần đầu tiên ông cảm thấy thích một thứ hơn tất thảy mọi thứ khác. Ông cho biết: “Tôi muốn trở thành một phần của hip-hop dù chưa biết làm thế nào. Nó ảnh hưởng mạnh đến tôi. Tôi sẽ sống, chết và thành công trong thế giới đó”.

Tuy nhiên, ước mơ đó có phần bất khả thi bởi John không thể hát rap, cũng không biết nhảy hip-hop. Dù vậy ông bị hấp dẫn bởi Russell Simmons, người mà theo John, là “một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất mà tôi được tiếp xúc trong cộng đồng hip-hop, kiếm tiền từ việc bán nhạc”. Russell Simmons là nhà đồng sáng lập hãng đĩa hip-hop Def Jam, người tạo ra thương hiệu thời trang Phat Farm. Russell được xem như người giàu thứ ba trong làng nhạc hip-hop với tổng tài sản là 325 triệu USD.

Một đêm nọ, khi  John đang tham dự một buổi biểu diễn hip-hop từ cánh gà, ông nhìn ra sân khấu và nhận ra rằng tất cả mọi người trong khán phòng đều mặc một loại đồng phục. Ông nhận ra mình vừa phát hiện một điều mới mẻ. Ông muốn thiết kế trang phục cho cả cộng đồng hip-hop.

“Trước đó, cuộc sống của tôi chỉ toàn màu trắng và đen. Tôi đã không biết mình muốn làm gì trong đời nhưng nó chính là khoảnh khắc đó, lần thứ hai cuộc đời tôi thay đổi từ trắng, đen sang màu sắc sặc sỡ”, John nói.

Khoảnh khắc nhận ra đó dẫn John đến với bí quyết thành công đầu tiên của mình: Bạn phải thiết lập mục tiêu. Nếu không biết mình muốn gì, bạn sẽ không bao giờ có được nó.

Khi nhận ra mục tiêu của mình là gì, John bắt đầu nỗ lực hết sức để đạt được nó. Ông gọi cho mẹ và nói: “Con muốn thiết kế quần áo cho dân chơi hip-hop. Họ rap, họ hát nhưng chẳng có ai may đồ đậm chất hip-hop cho họ cả. Con sẽ làm điều đó”.

2. Chuẩn bị mọi thứ

Bước đột phá đầu tiên của John trong việc kinh doanh là may và bán mũ. Mẹ ông đã biến mảnh vải giá 40 USD thành những chiếc mũ và ông kiếm được 800 USD từ việc bán chúng. Với số tiền lời lớn thế này, ông vui vẻ lái xe về nhà và đâm vào chiếc xe khác. Tai nạn đó chính xác đã tốn của John 800 USD.

“Mùi vị thành công đầu tiên của John đi nhanh như lúc nó đến, nhưng tôi vẫn không quên cảm giác đó”, John cho biết.

Sau này, khi sáng lập thương hiệu thời trang FUBU (viết tắt của cum từ “For Us, By Us”), thành công cũng nhanh chóng đến với John. Ông cầm 10 chiếc áo sơ mi đến những buổi quay video âm nhạc hip hop của các ca sĩ nổi tiếng. Ông từng ngồi lì trước nhà của LL Cool J và thuyết phục chàng ca sĩ rapper, diễn viên tài năng vốn kín tiếng này chụp một bức hình mặc áo sơ mi in thương hiệu FUBU.

Ông đem bức ảnh đó cùng các mẫu áo FUBU đến buổi trình diễn thời trang dành cho nam giới tổ chức một năm 2 lần tại Las Vegas để giới thiệu và tìm kiếm khách hàng. Tại đó, ông nhận được nhiều đơn đặt hàng với tổng trị giá 300.000 USD.

Sự thành công làm ông choáng váng: “Tôi có nhiều tiền! Tôi thật giàu! Tôi sẽ chuyển đến Tahiti”, ông tự nói với mình trên chuyến bay trở về nhà.

Để có vốn lưu động sản xuất lô quần áo FUBU đầu tiên, John  đi vay nợ ngân hàng. Tuy nhiên, ông cho biết mình bị từ chối không dưới 27 lần. Sau đó, mẹ ông cầm cố ngôi nhà của gia đình tại Hollis, Queens với giá 100.000 USD để John xây dựng một nhà máy tạm thời.

Số tiền này nhanh chóng giảm còn 500 USD khi John mua thêm máy may và vải thô. Tuy nhiên, John không thể hoàn thành đủ số lượng áo sơ mi trong đơn đăt hàng. Trong nỗ lực gọi vốn cuối cùng, mẹ John đăng một mẩu quảng cáo trên báo địa phương và đại diện xưởng may của “gã khổng lồ” Samsung đã gọi cho John. Họ đề nghị tài trợ vốn cho ông với điều kiện ông phải kiếm được 5 triệu USD doanh thu trong vòng 3 năm tới.

“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Tôi đã mất nhà. Tôi cũng cạn sạch tiền. Nhưng tôi cũng biết mình sẽ không thể nào tự bán được 5 triệu USD tiền quần áo chỉ trong 3 năm”, John nói.

Tuy nhiên, sau đó, nhờ nghiên cứu kỹ thị trường, chiến lược kinh doanh, ông tự tin mình có thể làm được. Và quả thực, ông đã bán được 30 triệu USD quần áo chỉ trong ba tháng đầu tiên.

Những sự kiện xảy ra trong thời gian đầu ra mắt FUBU đã dạy John bài học về tầm quan trọng của việc lên kế hoạch kỹ càng. Khi ông chưa đầu tư nghiên cứu chi phí sản xuất và tìm hiểu công việc điều hành, ông gần như tự giết chết công ty và làm mất nhà của mẹ. Nhưng khi ông biết mình phải làm gì, dự trù được các khoản tài chính cần có, ông đã đồng ý hợp tác với Samsung, vì ông biết mình có khả năng làm được.

3. Yêu những gì mình làm

Thành công mà John có được là nhờ vào niềm đam mê sâu sắc của ông dành cho công việc, CNBC nhận định. John xác nhận điều này: “Tôi yêu những gì tôi làm. Và tôi biết những người thành công đều có một đặc điểm chung, đó là họ yêu công việc của mình”.

4. Bạn chính là đại diện thương hiệu của mình

Sau thành công của FUBU, John bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên truyền hình, chia sẻ về công việc kinh doanh cũng như hành trình đưa những chiếc áo sơ mi từ đường phố vào trung tâm thương mại tại Queens, và sau này phát triển thành một thương hiệu trị giá 6 tỷ USD. Với phong thái đĩnh đạc, cách thể hiện chân thành một cách thuyết phục, John đã được mời làm một nhà đầu tư trên chương trình khởi nghiệp Shark Tank.

John cho biết, tham gia Shark Tank giúp ông nhận ra một điều, đó là các nhà đầu tư không đầu tư vào công ty, họ đầu tư vào con người. Và trong thời đại kỹ thuật số, thương hiệu cá nhân là thứ đặc biệt quan trọng.

John khuyên mỗi người nên có riêng 2 đến 5 từ có thể miêu tả bản thân, bao gồm việc bạn là ai và bạn làm gì với cuộc sống của mình. Tuy nhiên, đó phải là những từ dễ nhận biết, không dành riêng cho bạn trong trường hợp bạn đang đứng trước các nhà đầu tư mạo hiểm. Các nhà đầu tư sẽ có những cách đánh giá khác nhau về bạn và công ty trước khi quyết định rót vốn. Do đó, bạn nên lựa chọn kỹ càng và kiên định với những từ miêu tả bản thân và công ty, dù là đang mời tài trợ, quảng cáo facebook hay gặp gỡ người mới.

5. Đừng từ bỏ

Bí quyết thành công cuối cùng của John được lấy hình tượng từ cô cá Dory trong loạt phim hoạt hình nổi tiếng Finding Nemo (tạm dịch: Truy tìm Nemo). “Bạn có thể nghĩ mình giống như cô cá xanh đãng trí Dory hoặc có thể không. Nếu bạn nghĩ rằng có nhiều thứ trong cuộc sống đang cố kéo bạn tụt lại phía sau thì tôi sẽ chia sẻ câu chuyện của mình. Tôi vốn mắc chứng khó đọc. Tôi còn lùn. Tôi lại nghỉ học giữa chừng, không học tiếp lên đại học. Tôi chẳng quen ai nổi tiếng, cũng không có họ hàng với bất kỳ ngôi sao nào. Tôi có thể nói mình là con trai của Elton John nhưng ai tin tôi chứ”, ông nói.

“Tôi không thể hát rap, cũng không biết ném bóng rổ, chơi bóng chuyền hay bất cứ thứ gì mọi người có thể chơi với một trái bóng. Nhưng tôi đã thành công và ngồi đây chia sẻ với bạn những điều này. Một phần vì tôi là người kiên trì”, John chia sẻ.

Ông cho biết, lý do khiến FUBU thành công trong những ngày đầu ra mắt là vì ông liên tục tìm thấy giải pháp giải quyết vấn đề vào những khoảnh khắc mà ai cũng có thể buông bỏ.

“Tôi từng thất bại nhiều hơn thành công. Dù vậy, cánh cửa thành công không bao giờ khép lại với những người luôn cố gắng và nỗ lực. Bạn phải luôn nỗ lực và đừng bao giờ từ bỏ”, nhà đầu tư Shark Tank Daymond John nhấn mạnh.

Chiến dịch bí mật của con rể giúp Trump lên đỉnh cao quyền lực

Jared Kushner tổ chức một chiến dịch dữ liệu bí mật nhằm giúp bố vợ tranh cử hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất.

Jared Kushner là người đóng vai trò chủ chốt trong một chiến dịch dữ liệu bí mật, phức tạp góp phần giúp bố vợ, tỷ phú Donald Trump, giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, theo Forbes.

Là một người rất kín tiếng, Kushner lần đầu tiên đồng ý trả lời phỏng vấn tạp chí Forbes sau khi ông Trump đắc cử. Trong cuộc phỏng vấn diễn ra ở tòa nhà số 666 Đại lộ số 5, nơi đặt trụ sở công ty bất động sản Kushner, người đàn ông 35 tuổi đầy lịch lãm này kể về những nỗ lực của mình để tiếp cận với các chuyên gia công nghệ nhằm giúp bố vợ giành lợi thế trong cuộc bầu cử.

“Tôi gọi cho một vài người bạn ở Thung lũng Silicon, những nhà tiếp thị kỹ thuật số giỏi nhất trên thế giới, và hỏi xem họ thực hiện công việc của mình như thế nào”, Kushner tiết lộ. “Họ liền giới thiệu tôi với các nhà thầu phụ”.

Jared Kushner

Từ phải qua: Trump, con gái Ivanka, con rể Kushner. Ảnh: AP.

Sự kín tiếng của Kushner đã tạo được niềm tin với nhiều người, khi họ không muốn ra mặt ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa nhiều vạ miệng Trump. “Tôi đã giúp kết nối quan hệ với nhiều người, bởi họ cảm thấy yên tâm khi nói chuyện với tôi mà không sợ bị rò rỉ”, anh nói. “Nhiều người ở Washington nói rằng nếu họ bị phát hiện làm việc cho chiến dịch tranh cử của Trump, họ có nguy cơ không bao giờ được làm việc cho các chính trị gia đảng Cộng hòa nữa”.

“Tôi đã thuê một chuyên gia rất giỏi về chính sách thuế với hai điều kiện: Chúng tôi không được phép tiết lộ với bất cứ ai rằng ông ấy làm việc cho chiến dịch và ông ấy sẽ được trả thù lao gấp đôi”, Kushner tiết lộ.

“Jared Kushner là bất ngờ lớn nhất trong mùa bầu cử 2016”, Eric Schmidt, cựu CEO Google, người hỗ trợ thiết kế hệ thống công nghệ cho chiến dịch của bà Clinton, nói. “Tôi có thể nói rằng cậu ấy đã thực sự điều hành chiến dịch với nguồn lực gần như bằng không”.

Người chồng của Ivanka Trump – ái nữ của tỷ phú bất động sản – đã học được chiến thuật tập trung vào chi tiết trên Facebook (micro-targeting), để biến mạng xã hội thành một công cụ chủ yếu trong chiến lược hướng tới cử tri của cả chiến dịch tranh cử. Đây được coi là yếu tố then chốt giúp ông Trump truyền tải thông điệp của mình đến cử tri để giành chiến thắng, trong bối cảnh ông không giành được nhiều cảm tình từ báo giới.

Jared Kushner

Jared Kushner. Ảnh: Forbes.

Kushner chính thức đảm nhiệm vị trí phụ trách mảng phân tích dữ liệu cho chiến dịch tranh cử của ông Trump từ hồi tháng 6. Anh tổ chức một trung tâm dữ liệu bí mật với 100 nhân viên ở San Antonio, Texas, nơi được thiết kế “để thống nhất các hoạt động gây quỹ, truyền tải thông điệp và xác định cử tri mục tiêu”.

Không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm về truyền thông xã hội, Kushner và đội của mình đã áp dụng chiến thuật “thử và sai” một cách thần tốc trong việc đầu tư vận động tranh cử ở từng bang. Chiến thuật này đã góp phần đáng kể giúp tỷ phú giảm bớt chi phí ở những bang không cần thiết, và được coi là chìa khóa giúp Trump mở toang cánh cửa chiến thắng ở những bang quan trọng như Michigan hay Pennsylvania.

“Chúng tôi áp dụng chiến thuật Moneyball, đưa ra quyết định dựa trên những phân tích tỉ mỉ dữ liệu được ghi nhận, rồi tự hỏi những bang nào sẽ mang lại kết quả tốt nhất về phiếu đại cử tri”, Kushner nói. “Tôi hỏi họ: ‘Làm thế nào để chúng ta truyền thông điệp của Trump tới khách hàng với chi phí thấp nhất?’”

“Chúng tôi không ngại thay đổi, không sợ thất bại. Chúng tôi cố gắng hết sức để làm mọi thứ nhanh nhất với chi phí rẻ nhất. Nếu biện pháp đó không hiệu quả, chúng tôi sẽ loại bỏ nó nhanh chóng”, anh kể lại. “Điều đó có nghĩa là bạn phải đưa ra những quyết định nhanh chóng, khắc phục những điều còn thiếu sót và phát huy những việc hiệu quả”.

Chiến dịch tranh cử của Trump có thể gửi hơn 100.000 quảng cáo tùy chỉnh tới các cử tri đích trong một ngày.

Kushner cho rằng kỹ thuật “học máy” (machine learning) là mấu chốt của thành công trong chiến dịch của anh. Kỹ thuật này tương tự như việc đưa các công ty tiếp thị kỹ thuật số vào một sàn thương mại để họ cạnh tranh với nhau. Những quảng cáo không hiệu quả sẽ bị loại bỏ trong vài phút, trong khi những cái thành công sẽ được tăng cường. Với chiến thuật đó, chiến dịch tranh cử của Trump có thể gửi hơn 100.000 quảng cáo tùy chỉnh tới các cử tri đích trong một ngày.

Chiến dịch của Kushner đưa ra quyết định cuối cùng về hoạt động “đi lại, gây quỹ, quảng cáo, địa điểm vận động, thậm chí là chủ đề diễn thuyết” cho ông Trump, giống như các nỗ lực thu thập dữ liệu dựa trên thuật toán của bà Hillary Clinton.

Tin tưởng tuyệt đối

Với những nỗ lực này, Kushner trở thành cánh tay phải không thể thiếu của Trump trong suốt chiến dịch tranh cử, và rất có thể là trong 4 năm nắm quyền tiếp theo.

Chiến dịch dữ liệu bí mật của Kushner đã góp phần quan trọng trong việc dự báo cho ông Trump những bang chiến trường quan trọng có thể nghiêng về phía ông trong cuộc bầu cử. Kết quả bỏ phiếu cho thấy những dự đoán của Kushner là chính xác, khi ông Trump giành chiến thắng ở một loạt bang chiến trường quan trọng, thu được số phiếu đại cử tri áp đảo, dù kém hơn bà Clinton về phiếu phổ thông.

Kushner đã làm được điều đó bằng một chiến thuật sẽ thay đổi cách thức quyết định thắng thua trong các cuộc bầu cử tương lai ở Mỹ. Tổng thống Obama đã thu được thành công chưa từng có trong việc xác định mục tiêu, tổ chức và động viên cử tri đi bỏ phiếu, nhưng tình hình đã thay đổi rất nhiều trong 8 năm qua, đặc biệt là vai trò ngày càng lớn của mạng xã hội.

Kushner có thể là người thân cận nhất của Trump trong 4 năm tới. Ảnh: Politico.

Bà Clinton đã áp dụng thành công phần nào giáo trình của ông Obama, nhưng bà đã dựa quá nhiều vào truyền thông truyền thống mà bỏ quên chiến trường mạng xã hội. Chiến dịch của ông Trump đã biết cách khai thác mảnh đất màu mỡ này bằng những thông điệp được tối ưu hóa nhờ các dữ liệu mà Kushner thu thập được.

Thành tựu mà Kushner thu được trong chiến dịch tranh cử, cùng với uy tín cá nhân của anh đối với Trump, là nền tảng vững chắc để biến Kushner thành một “nhà môi giới quyền lực” trong 4 năm tới.

“Thật khó để nói hết được vai trò của Jared trong chiến dịch tranh cử”, tỷ phú Peter Thiel, người duy nhất ở Thung lũng Silicon công khai lên tiếng ủng hộ Trump, nhận định. “Nếu Trump là giám đốc điều hành (CEO), Jared chẳng khác nào một giám đốc tác nghiệp (COO)”.

“Các tổng thống Mỹ mà tôi biết đều có một hoặc hai người mà họ tin tưởng tuyệt đối”, cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, cố vấn của tổng thống đắc cử về các vấn đề đối ngoại, nói. “Tôi cho rằng Jared chính là người như vậy đối với ông Trump”.

Bill Gates và Richard Branson đều khuyên đừng bỏ qua bút và giấy

Rất nhiều doanh nhân thành đạt có thói quen ghi chép thường xuyên như Richard Branson – tỷ phú sáng lập Virgin – hay Bill Gates – đồng sáng lập Microsoft.

Hai tỷ phú tự thân Bill Gates và Richard Branson có điểm chung là họ đều là những người coi trọng việc ghi chép.

Là người đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates nổi tiếng là một trong những người sáng tạo nhất và có những ý tưởng tiên phong về công nghệ. “Mặc dù là nổi tiếng là thiên tài trong lĩnh vực máy tính, Bill Gates vẫn luôn gắn bó với bút và giấy”, Richard Branson – người sáng lập Virgin Group nói.

Cả hai tỷ phú mới đây đã có buổi chia sẻ trên sân khấu tại một hội nghị ở London, và Gates “đã có một bài phát biểu bế mạc… Anh ta rút một vài mẩu giấy từ trong túi ra”, Branson nhớ lại.

“Tôi cảm thấy rất hào hứng khi xem những ghi chép của Bill được viết vội trên một vài mảnh giấy nhàu mà ông mang theo trong túi áo khoác của mình”, Branson nói.

Mặc dù thành công trong hàng loạt lĩnh vực đầu tư, đủ làm bất kỳ một nhà đầu tư sừng sỏ nào phải choáng ngợp (giải trí, viễn thông, hàng không, nước giải khát, y tế, tài chính, đường sắt, du lịch…), tỷ phú người Anh Richard Branson vẫn luôn giữ thói quen đơn giản là ghi nhanh lại những ý tưởng.

Chưa hết, “có rất nhiều lần tôi nhận ra mình người duy nhất trong cuộc họp dùng bút để ghi chép”, ông nói. “Gần đây tôi đã gặp 30 vị giám đốc điều hành trong một cuộc trò chuyện tại một bữa ăn tối về thu hẹp khoảng cách giới tính. Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề làm thế nào con người có thể chống lại sự thiên vị tại nơi làm việc bằng cách lên tiếng và đấu tranh cho các đồng nghiệp nữ. Đó là một cuộc thảo luận mở tuyệt vời, đầy đủ các thông tin giá trị; nhưng tôi là người duy nhất ghi chép lại toàn bộ”.

Theo kinh nghiệm của vị tỷ phú này, 99% những người trong vai trò lãnh đạo không ghi chép. Tất nhiên, không phải mọi người đều áp dụng ý tưởng này, vị doanh nhân nói. “Nhưng nó rất đáng để lưu tâm”.

“Có lẽ bộ nhớ của tôi tệ hơn nhiều so với mọi người, tôi sẽ phải mất thời gian để nhớ một lượng lớn thông tin nếu tôi không ghi chép lại. Một ý tưởng không viết ra là một ý tưởng đã mất đi. Khi cảm hứng được khơi gợi, bạn phải nắm bắt nó”.

“Một số công ty thành công nhất của Virgin Group đã được sinh ra từ những khoảnh khắc ngẫu nhiên – nếu chúng ta không ghi chép lại, chúng sẽ không bao giờ xảy ra”, Branson chia sẻ.

Mặc dù Branson và Gates đều thích cách ghi chép truyền thống bằng bút và giấy, nhưng Branson cũng cho rằng ghi chép trên iPad, điện thoại, hoặc giấy kỹ thuật số cũng có hiệu quả. “Không quan trọng bạn chép bằng cách nào – miễn là bạn làm”.

Mắc chứng khó đọc bẩm sinh, ngay từ nhỏ tỷ phú Richard Branson (sáng lập tập đoàn Virgin) đã luyện cho mình thói quen ghi nhớ mọi việc thông qua ghi chép.

Richard Branson từng tiết lộ một trong những công cụ quyền lực nhất mà ông có trong bộ thủ thuật kinh doanh thành công. Trên thực tế, vũ khí bí mật của Branson đề cập tới chính là cuốn sổ tay cũ luôn đi cùng ông tới bất cứ đâu. Diễn đạt mọi suy nghĩ ra giấy, có lần không mang sổ tay, Branson còn viết lên cả hộ chiếu.

Branson đặc biệt ưa thích dùng bút để viết lên giấy hơn là lướt ngón tay lên bàn phím bởi nó không gây phiền phức hay làm ông tập trung trong một cuộc họp.

Nhà sáng lập Samsung: Hành trình đi sau – về trước

Samsung, LG, Huyndai là những cái tên quen thuộc, gắn liền với đời sống thường nhật của không chỉ người dân Hàn Quốc hay châu Á, mà cả với người tiêu dùng toàn thế giới. Những chaebol Hàn Quốc này đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề và mở rộng hoạt động trên quy mô toàn cầu. Và họ đang tiếp tục lớn mạnh.

Trong thế giới kinh doanh, sẽ không thể có những tập đoàn kinh tế hùng mạnh nếu thiếu những người khởi xướng, và quan trọng hơn, nếu họ không phải là những “bậc thầy kinh doanh”. Với 3 tập đoàn kinh tế là niềm tự hào của người Hàn Quốc kể trên, họ là Chung Ju-yung – người sáng lập Tập đoàn Huyndai, Lee Byung-chul – người sáng lập Tập đoàn Samsung, Koo In-hwoi – người sáng lập Tập đoàn LG.

Không ai sinh ra đã mang sẵn định mệnh là một “bậc thầy kinh doanh”. Để đạt được danh hiệu đỉnh cao của người làm kinh doanh ấy, như tất cả mọi người, họ cũng trải qua những chặng đường dài không chỉ gồ ghề mà còn đầy những chướng ngại vật “không thể vượt qua” theo cách nhìn nhận của đại đa số. Điều khác biệt là họ tìm được những bệ phóng mang tên “cơ hội”. Cuốn sách Bộ ba xuất chúng Hàn Quốc (của tác giả Jung Hyuk June) là một cuộc khám phá bản chất của những cơ hội ấy, từ đó tìm ra câu trả lời cho câu hỏi về cách họ – những nhà sáng lập của Samsung, LG và Huyndai – đã nắm bắt và tạo ra cơ hội để vươn tới đỉnh cao.

Cuộc đời và sự nghiệp của ba nhân vật xuất chúng kể trên chứng minh một điều xuất thân hay số vốn khởi nghiệp không phải điều kiện cần để kinh doanh thành công. Chung Ju-yung là con trai một gia đình bần nông. Koo In-hwoi được sinh ra trong một gia đình nho gia thất thế. Còn Lee Byung-chul được cha cho một khoản tiền để kinh doanh nhưng số vốn quá ít ỏi để gây dựng cơ nghiệp ở chốn thị thành như Seoul và Busan.

Giáo sư Ahn Cheol-soo (Đại học Seoul) nói: “Trong lịch sử nhân loại luôn có những cơ hội lập nghiệp mới xuất hiện, người làm ăn đích thực là người có thể tìm thấy các cơ hội mà người khác không thấy để tạo ra những giá trị mới”. Những bậc thầy kinh doanh đã nắm bắt được những cơ hội mà người khác không thấy để bền bỉ đương đầu đạt đến thành quả cuối cùng.

Khám phá hành trình nắm bắt cơ hội để trở thành một “bậc thầy kinh doanh” của doanh nhân Lee Byung-chul – người sáng lập Tập đoàn Samsung qua Bộ ba xuất chúng Hàn Quốc – Chân dung những nhà sáng lập Tập đoàn Samsung, LG và Hyundai do Alphabooks phát hành:

Bộ ba xuất chúng Hàn Quốc doanhnhansaigon

Lee Byung-chul là con út muộn trong một gia đình có hai con trai và hai con gái. Ông sinh năm 1910 tại thôn Junggyo, xã Jeonggok, huyện Yiryeong, tỉnh Gyeongnam. Gia đình ông thuộc hàng khá giả, trong nhiều đời, nhưng họ luôn giữ khoảng cách với chuyện chính sự, chỉ sống bình lặng tại quê nhà.

Thuở thiếu thời của Lee Byung-chul có thể được tóm gọn trong hai chữ “bỏ học”. Ông làm gì cũng bỏ cuộc giữa chừng.

Mùa thu năm 1937, sau khi mất sạch số tài sản kiếm được từ đầu cơ đất, Lee Byung-chul đi du lịch một chuyến dài hai tháng. Bắt đầu từ Busan, ông qua Seoul, đến Bình Nhưỡng, băng qua Sinuiju, Wonsan, Heungnam, đến Trường Xuân, Thẩm Dương ở Mãn Châu rồi sang tận Bắc Kinh, Thanh Đảo, Thượng Hải. Thời đó, giao thông không phát triển như bây giờ nên ông đi lại bằng tàu lửa là chính.

Chuyến du lịch này của ông vừa nhằm xoa dịu tinh thần, vừa để điều tra thị trường để bắt đầu một ngành kinh doanh mới. Trong thời gian này, Lee Byung-chul tập trung tìm hiểu giá cả hàng hóa và quá trình lưu thông phân phối. Ông nhận thấy ở Mãn Châu rất hiếm táo và đồ khô, hầu như không có tiệm nào chuyên nhập hàng của Hàn Quốc đem về Trung Quốc bán. Do đó, giá của táo và đồ khô ở đây đắt hơn rất nhiều so với ở Hàn Quốc.

Với những trải nghiệm có được qua hai tháng đi du lịch, Lee Byung-chul chuyển sang hoạt động trong ngành thương mại. Trở về nước, ông lập tức bắt tay vào điều tra cặn kẽ mặt hàng trái cây và hải sản khô để chuyển sang Trung Quốc bán. Ông tính đến cả rủi ro khi giá cả tăng đột biến do mất mùa và khả năng cung cấp đủ hàng đúng hẹn.

Điều Lee Byung-chul xem trọng nhất chính là mạng lưới giao thông. Mặc dù ở Trung Quốc có rất nhiều địa phương trồng táo nhưng người Mãn Châu hầu như không có cơ hội tiếp cận với mặt hàng này. Nguyên nhân chính là do mạng lưới đường sắt của Trung Quốc chưa thể hỗ trợ vận chuyển. Câu hỏi đặt ra là để chở táo và đồ khô bằng tàu hỏa đến Mãn Châu thì xuất phát từ đâu là tốt nhất? Đó chính là Deagu. Đây là điểm dừng lớn của tuyến Gyeongbu và cũng là một đầu mối giao thông quan trọng, nơi tập trung đặc sản của vùng Gyeongbuk.

Ngành thương mại là ngành đã tạo cơ hội cho Lee Byung-chul tích lũy vốn để bước vào sản xuất. Ngành này cũng góp phần quyết định vào việc bồi dưỡng ông thành một doanh nhân tiêu biểu của Đại Hàn Dân Quốc vào những năm 50, 60.

Ngày 1/3/1938, tấm biển “Samsung Thương hội” được treo trước tòa nhà gỗ bốn tầng với hai tầng hầm nằm ở số 61-1 phường Inguo, gần chợ Seomun, thành phố Deagu. Tổng số vốn của tiệm buôn là 30.000 won. Tập đoàn Samsung ngày nay có nguồn gốc từ Samsung Thương hội, có nghĩa là “Tam Tinh”. “Tam” là lớn, nhiều, mạnh – là con số yêu thích nhất của người Hàn Quốc. “Tinh” chỉ những vì sao sáng, cao và lấp lánh muôn đời.

Samsung Thương hội gom rau quả tươi ở gần Deagu và hải sản khô ở Pohang, sau đó đem đến Mãn Châu bán. Trong quá trình ấy, Lee Byung-chul lại thêm vào một mặt hàng mới là mì. Ông mua máy xay bột và máy ép mì để tự sản xuất. Đây chính là xuất phát điểm của Tập đoàn toàn cầu Samsung.

Lee Byung-chul tiến hành đồng thời hai lĩnh vực thương mại và chế biến mì sợi nhằm chia sẻ rủi ro. Ông đang làm theo phương pháp của James Tobin – người từng đoạt giải Nobel Kinh tế, rằng “không nên bỏ tất cả trứng vào một rổ”.

Sau những tháng ngày vất vả, cuối cùng, sau chưa đầy hai năm, số nợ 10.000 won vay để mua tòa nhà làm Samsung Thương hội cũng được trả hết. Sau khi gom góp được ít tiền từ kinh doanh tiệm buôn, Lee Byung-chul tiến vào ngành rượu, vì lúc này chính quyền đô hộ Nhật đang theo đuổi cuộc chiến tranh với Trung Quốc nên tăng cường nguồn thu thuế với các mặt hàng nhu yếu phẩm chính, chỉ có một mặt hàng không bị kiểm soát là rượu được sản xuất ở những cơ sở có giấy phép. Nhưng khi công việc kinh doanh vừa vào guống thì Lee Byung-chul lạc lối.

Lee Byung-chul sa vào con đường ăn chơi. Đêm nào ông cũng cùng các chủ cơ sở sản xuất rượu khác đến các tửu lầu đến sáng mới về. Không thể làm chủ được tiền bạc và thời gian. Rồi năm 1941 mẹ ông qua đời ở tuổi 70. Cú sốc khiến người con trai út như ông càng dựa vào rượu để giải khuây.

Hàn Quốc được giải phóng (ngày 15/8/1945) đã mang lại cho ông cơ hội nhìn lại bản thân cũng như cung cách làm ăn thiếu mục đích và sứ mệnh của mình.

Ông tự nhủ: “Ta có thể làm gì để cống hiến cho đất nước đã được giải phóng? Đúng vậy. Con đường phụng sự tổ quốc của ta chính là hiến thân cho kinh doanh”.

Lee Byung-chul - người sáng lập Tập đoàn Samsung doanhnhansaigon
Lee Byung-chul trong mắt nhân viên là một người nghiêm khắc, một doanh nhân cầu toàn

Công việc kinh doanh ở Deagu dần đi vào ổn định. Lee Byung-chul bắt đầu trăn trở không biết nên tiếp tục duy trì công việc ở Deagu hay nên mở rộng địa bàn lên Seoul. Nếu bỏ hết những thành tựu dày công gây dựng ở Deagu để đến Seoul làm lại từ đầu thì quá mạo hiểm. Tuy vậy, Lee Byung-chul lại nghĩ, nếu chỉ có được chút thành công đã thỏa mãn, không tiếp tục phấn đấu thì sau này làm sao làm được việc lớn. Thế là ông dẫn gia đình lên Seoul.

Ở Seoul, ông cũng không bắt tay vào kinh doanh ngay mà xem xét cặn kẽ tình hình trong và ngoài nước trước.

Tháng 11/1948, một năm sau khi đến Seoul, Lee Byung-chul thuê miếng đất rộng khoảng 330 mét vuông để dựng lên Công ty Samsung C&T (Construction & Trading) chuyên nhập khẩu đường, dược phẩm, phân bón và xuất khẩu mực, thạch rau câu, cặn dầu hạt bông sang Hồng Kông, Macao.

Khi mới mở công ty Samsung C&T, Lee Byung-chul cùng làm với một người đồng hương là Cho Hong-je. Ban đầu, ông giữ 75% cổ phần, còn lại 25% thuộc về 5 người trong đó có giám đốc điều hành Cho Hong-je và phó giám đốc kinh doanh Kim Seng-gi. Sau đó, ông tạo điều kiện để mọi nhân viên trong công ty đều có thể trở thành cổ đông. Lợi nhuận được chia theo tỷ lệ cổ phần. Đây chính là chế độ khuyến khích nhân viên công ty trở thành cổ đông, mục đích để gieo vào tư tưởng của nhân viên nhận thức của người làm chủ. Khi lợi nhuận được chia cho mình nhiều hơn, các nhân viên sẽ càng hăng hái hơn, càng vui vẻ làm việc giúp công ty phát triển hơn.

Tháng 3/1950, chỉ hơn một năm sau, Samsung C&T đã lãi đến 130 triệu won. Công ty làm ăn thuận lợi được một thời gian thì chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Toàn bộ hàng hóa đều bị đốt phá. Vậy là tài sản lại tiêu tán một lần nữa. Toàn bộ số tiền kiếm được tan biến – như một giấc mơ.

Sau khi Nam Hàn giành được Seoul, Lee Byung-chul chuyển xuống Daegu với hai bàn tay trắng. Khi gặp nhau, Lee Chang-eop, người chịu trách nhiệm công việc kinh doanh ở Daegu của Lee Byung-chul đã đưa cho ông số tiền 300 triệu won là khoản lợi nhuận kiếm được ở Deagu trong thời gian qua. Lee Byung-chul gây dựng lại sự nghiệp từ số tiền mà người đồng sự trung thành đã giữ cho ông.

Lee Byung-chul đến vùng tị nạn Busan, thành lập lại Công ty Samsung C&T, tiếp tục nhập đường và phân bón từ Hồng Kông về. Lợi nhuận ròng sau 6 tháng là 1 tỷ won, sau một năm là 6 tỷ won.

Mặc dù đã kiếm được bộn tiền, nhưng Lee Byung-chul vẫn trăn trở: “Tại sao chúng ta không thể tự sản xuất những thứ chúng ta dùng?”.

Sau khi phân tích tình hình, Lee Byung-chul quyết định ngừng kinh doanh thương mại để chuyển sang sản xuất, bất chấp sự e ngại của các chuyên gia và lãnh đạo các ban ngành, sự phản đối của ban giám đốc công ty…

“Nhiều trường hợp sẽ không thể có được kết luận cuối cùng nếu chỉ dựa vào những con số điều tra. Khi đó, trực giác của nhà lãnh đạo vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trực giác ấy phải được đặt trên nền tảng của kế hoạch chi tiết và kinh nghiệm phong phú trong cuộc sống, dựa trên kết quả điều tra cụ thể. Ngoài trực giác nhạy bén, một doanh nhân còn cần có sự quyết đoán để biến trực giác thành hành động thực tiễn”.

Với tư duy ấy, Lee Byung-chul đã lần lượt thành công trong việc sản xuất đường, dệt len, vải – những mặt hàng mang nhãn “Made in Korea”. Lee Byung-chul trở thành người giàu nhất Hàn Quốc vào thập niên 1960, đóng góp cho ngân sách nhà nước 4% tổng số thuế trên cả nước.

Quy mô của Samsung ngày càng lớn khiến Lee Byung-chul gặp khó khăn trong việc trực tiếp quản lý các công ty thành viên. Phòng thư ký Samsung, nơi được mệnh danh là “Nhà Xanh của giới tài chính” đã ra đời nhằm mục đích điều tiết hoạt động của tập đoàn. Chức năng của Phòng thư ký ban đầu chỉ là về nhân sự, sau đó mở rộng sang kế hoạch, tài vụ, kiểm tra, tín dụng, quản trị kinh doanh, quảng bá. Lee Byung-chul theo dõi và kiểm soát toàn bộ tổ chức của mình thông qua Phòng thư ký. Ông không trực tiếp kiểm tra nhà máy, mà chỉ cần yêu cầu Phòng thư ký phân tích, chẩn đoán và kiểm tra.

Do sự cầu toàn của Lee Byung-chul, Phòng thư ký luôn phải cố gắng hết sức và luôn trong trạng thái căng thẳng để không phạm phải bất kỳ lỗi nào dù nhỏ nhất. Lớn lên cùng người cha không mấy tình cảm, Lee Byung-chul cũng mang phong cách của một doanh nhân lạnh lùng. Hình ảnh ông trong mắt nhân viên là một người nghiêm khắc, một doanh nhân cầu toàn.

Không hài lòng với những gì mình có, chính sự nỗ lực ấy của Chủ tịch Lee đã trở thành nguồn động lực tạo nên một doanh nghiệp lớn như Samsung ngày nay. Không phải lúc nào thử thách cũng mang đến thành công. 90% thử thách mới sẽ mang lại thất bại. Nhiều người sợ thất bại nên không dám thử. Tuy nhiên an phận với hiện tại chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại.

Trong hơn 7 năm tiếp theo, Lee Byung-chul và công việc kinh doanh của Samsung C&T đã gặp nhiều khúc quanh, bao gồm cả việc ông về “ở ẩn” (được cho là để thoát khỏi sự chỉ trích của dư luận và ngầm xin chính quyền nương tay với người con trai thứ đang bị giam giữ). Những điều ông nói khi chứng kiến tang lễ của Tổng thống Park Chung-hee có để xem là đủ kể câu chuyện này:

“Người nằm trong quan tài kia là người đã khiến Samsung của chúng ta nhiều lần điêu đứng! Tuy nhiên, nghĩ ở một góc độ khác, chính ông lại là người đã nuôi lớn chúng ta. Không phải ông lúc nào cũng luôn để mắt, giám sát chúng ta, bắt bẻ mỗi khi chúng ta sơ suất dù chỉ là một chút đó sao? Cũng chính nhờ vậy mà chúng ta mới luôn nỗ lực để không phạm bất cứ sai lầm nào dù là nhỏ nhất. Từ khi Tổng thống Park nắm quyền, công việc kinh doanh của công ty chúng ta trở nên minh bạch và bền vững, có được điều này cũng là nhờ chúng ta lúc nào cũng phải cẩn thận để không bị nắm thóp. Ở một phương diện nào đó, có thể nói rằng chính Tổng thống Park là người đã hiện đại hóa công ty chúng ta, biến nó trở thành một doanh nghiệp tiên tiến”.

Trong bài phát biểu chúc mừng năm mới 1968 với chủ đề “Tiến bộ là sản phẩm quan trọng nhất”, Lee Byung-chul đã bày tỏ ý định quay trở lại thương trường. Ông nói: “Giữa thương trường khốc liệt như hiện nay thì đứng yên và bảo thủ cũng đồng nghĩa với đình trệ và suy thoái. Tư tưởng tiến bộ là sản phẩm quan trọng nhất của Mỹ có thể áp dụng được vào thực trạng các doanh nghiệp của nước ta. Theo đó, Tập đoàn Samsung sẽ cải tổ lại hệ thống, tạo nền tảng nội bộ vững chắc, tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo để dốc toàn lực vào việc tìm kiếm phương pháp quản lý vốn, phát triển ngành công nghiệp mới, qua đó bảo đảm cho sự phát triển không ngừng của doanh nghiệp”. Và lĩnh vực mà ông quan tâm lúc đó là ngành điện tử.

Lee Maeng-hee – con trai cả của Lee Byung-chul giải thích vì sao ông chọn ngành này mà không phải là ô tô: “Lý do cha tôi chọn ngành điện tử là vì giá trị thặng dư của sản phẩm được quyết định bởi kích cỡ, mà theo quan điểm của cha tôi thì 1 gam hàng điện tử sẽ có giá trị thặng dư là 17 won, trong khi 1 gam xe ô tô chỉ có giá trị thặng dư chưa đầy 3 won. Tôi tin rằng việc cha tôi khăng khăng bắt đầu làm ngành điện tử trước có liên quan đến mối quan hệ khăng khít của ông với các nhà doanh nghiệp Nhật Bản, những người từng qua lại với ông trước đây. Tất cả bạn bè, chiến hữu của cha tôi đều là những doanh nhân trong ngành công nghiệp điện tử”.

Việc bắt đầu ngành công nghiệp điện tử cũng gặp vô số khó khăn từ chính quyền cho đến các doanh nghiệp cùng ngành. Nhưng cuối cùng Lee Byung-chul đã tìm được cơ hội cho riêng mình.

Tháng 1/1969, Lee Byung-chul lập ra Công ty Công nghiệp Điện tử Samsung – tiền thân của Công ty Điện tử Samsung sau này. Ông đã sang Nhật gặp Iue Toshio – Chủ tịch Sanyo. Về nước sau chuyến tham quan nhà máy của Sanyo, Lee Byung-chul lập tức triệu tập ban giám đốc rồi chỉ thị cấp dưới tìm cho ra một khu đất xây dựng nhà máy rộng từ 410 nghìn pyeong (khoảng 120.000 mét vuông – bằng với nhà máy của Sanyo) trở lên. Quan điểm của Lee Byung-chul là: “Bây giờ khu đất 410 nghìn pyeong ấy có thể là quá rộng, nhưng không bao lâu nữa chúng ta sẽ còn cần nhiều hơn thế”.

Tháng 12/1969, Công ty Điện tử Samsung – Sanyo được thành lập với số vốn điều lệ 50 triệu đô la, trong đó Samsung đóng góp 50%, Sanyo 40%, phần còn lại của Sumitomo.

Năm 1972, khi nhà máy sản xuất tivi vừa hoàn thành, Lee Byung-chul đã quyết định chấm dứt mối quan hệ liên doanh với Sanyo.

Dù “sinh sau đẻ muộn” trong giới điện tử, nhưng đến năm 1974, Samsung đã bỏ xa các đối thủ cạnh tranh để trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong nước sản xuất được tivi màu. Bước vào những năm 1980, Samsung bị Goldstar soán ngôi và phải chấp nhận vị trí thứ hai suốt nhiều năm trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng điện tử gia dụng như máy giặt, tivi v.v…

Tháng 3/1982, Lee Byung-chul bay sang Mỹ nhận bằng tiến sĩ danh dự ngành Quản trị kinh doanh do Đại học Boston trao tặng. Trong chuyến đi này, ông đã đến hai nơi: trụ sở Hewlett-Packard (HP) ở San Francisco và nhà máy chất bán dẫn của IBM. Vừa trở về nước, Lee Byung-chul lập tức chỉ thị cho nhân viên lập kế hoạch kinh doanh chất bán dẫn.

Ngày 8/2/1983, sau một đêm thức trắng, Lee Byung-chul đã quyết định dấn thân vào ngành công nghiệp bán dẫn. Lý do khiến ông đưa ra quyết định này là bởi giống như ngành điện tử, chất bán dẫn có giá trị thặng dư cao hơn sản phẩm của những ngành công nghiệp khác.

Tháng 11/1983, Lee Byung-chul tiếp Steve Jobs tại văn phòng của mình. Jobs muốn đề nghị Lee Byung-chul hợp tác với mình thay vì với IBM. Jobs bị cuốn hút trước hệ thống đại lý của Samsung, bởi chỉ cần chiếc máy tính Mac của ông lọt được vào hệ thống phân phối trải dài trên cả nước này, chiếc PC của Apple rất dễ đến tay khách hàng Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Lee Byung-chul dường như không chấp nhận lời đề nghị của Jobs. Lúc này, toàn bộ mối bận tâm của ông dồn cho việc sản xuất chất bán dẫn, và ông cũng không lường trước được ngành PC lại lớn mạnh như vậy trong tương lai.

Sau đó, Jobs đã không trở thành nhân vật đối đầu với IBM mà lại đối đầu với Công ty Điện tử Samsung của Lee Byung-chul. Chắc hẳn Lee Byung-chul cũng không phiền lòng vì dự đoán sai lầm của mình, bởi nó chứng tỏ Samsung đã trở thành doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế, ngang hàng với Apple.

Một doanh nhân nhạy bén luôn biết điều mà thời đại cần nhất là gì. Có một thời Lee Byung-chul từng bị chỉ trích là chỉ sản xuất hàng tiêu dùng. Lee Byung-chul nhắm đến nhu cầu lớn nhất của mọi người lúc bấy giờ, trong bối cảnh ngành công nghiệp nặng và hóa chất dễ bị suy thoái trước các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khi nhu cầu đột ngột giảm mạnh. Một ngành khác cho thấy rõ sự nhạy bén của ông là ngành công nghiệp chất bán dẫn. Lúc bấy giờ, thị trường chất bán dẫn đang do Mỹ và Nhật chia nhau nắm giữ, Hàn Quốc tham gia sau nên cơ hội thành công rất mong manh. Dù vậy, Lee Byung-chul vẫn theo đuổi ngành này, đó là vì ông đã thu thập và nắm bắt rất kỹ về tình hình biến động của thế giới. Nhờ sự lựa chọn ấy mà Hàn Quốc đã gặt hái được thành công bước đầu trên con đường trở thành một cường quốc công nghệ thông tin.

Trước khi làm bất cứ việc gì, Lee Byung-chul đều bắt đầu từ việc thu thập tài liệu và thông tin. Từ đâu mà Lee Byung-chul có tố chất ấy? Lee Byung-chul luôn phải cố gắng hết sức để không phạm phải bất cứ sai lầm nào, dù là nhỏ nhất, với mong muốn được người cha lãnh đạm của mình công nhận. Muốn vậy, ông buộc phải làm việc với sự chuẩn bị chu đáo, không được phép vội vàng.

Trong tự truyện của mình, Lee Byung-chul viết: “Cha tôi không cho phép tôi vội vàng khi làm bất cứ việc gì. Ông nói không được xử lý mọi việc một cách quá sức”. Khi còn nhỏ Lee Byung-chul liên tục chuyển trường mà vẫn không thể thích nghi được với môi trường mới, nhưng khi trưởng thành và đủ chín chắn, ông lại làm theo những gì cha mình đã dạy – Trước khi kinh doanh bất cứ lĩnh vực gì, ông đều lập kế hoạch tỉ mỉ và điều tra cặn kẽ.

Lee Byung-chul là người cầu tiến, luôn cố gắng vươn lên vị trí dẫn đầu. Tuy sinh sau đẻ muộn so với LG, nhưng Công ty Điện từ Samsung đã vươn lên vị trí số 1. Samsung cũng đi sau Mỹ và Nhật trong ngành công nghệ bán dẫn nhưng cuối cùng đã giành được vị trí dẫn đầu trong giới.

Tháng 5/1986, Lee Byung-chul phải đến bệnh viện khám và được xác định bị ung thư phổi. 5 giờ chiều ngày 19/11/1987, Lee Byung-chul từ trần, hưởng thọ 87 tuổi. Nơi yên nghỉ cuối cùng của ông là một nông trại ở Yongin. Việc này đã được ông căn dặn trước khi mất: “Bên kia có vẻ được, phía trước có nước chảy, ngọn núi phía sau trông cũng ấm cúng. Chỗ này thì chắc mùa hè sẽ rất mát mẻ, còn mùa đông lại vô cùng ấm áp”.

KIM NGỌC

Bí quyết thành công của ông chủ hãng Zara

Trong cuốn sách về tiểu sử của mình, Amancio Ortega đã tiết lộ bí mật giúp ông thành công rực rỡ với thương hiệu thời trang Zara.

Bài học số 1: Tốc độ là tất cả

Khi thành lập Zara năm 1975, Ortega đã làm đảo lộn giới bán lẻ với kế hoạch ra mẫu quần áo mới nhanh và liên tục hơn bất kỳ đối thủ nào trong giới thời trang. Được mệnh danh là “thời trang siêu tốc”, chiến lược của Ortega là đổi mới mẫu mã cho các cửa hàng Zara 2 lần mỗi tuần và chỉ nhận đặt hàng trong 48 giờ, theo CNBC.

Chiến lược “tốc độ” này đã làm nên tên tuổi của Ortega và khiến các đối thủ không thể theo kịp. Trong khi các mẫu áo váy trong tuần lễ thời trang mất đến cả tháng để có thể bày bán tại cửa hàng, người ta có thể tìm những mẫu thiết kế tương tự tại cửa hàng Zara chỉ trong một tuần.

Bài học số 2: Luôn nghĩ về nhu cầu thị trường

“Khách hàng là yếu tố thúc đẩy mô hình kinh doanh. Nhu cầu của khách hàng chính là mối quan tâm chính của người làm kinh doanh. Nhu cầu của họ quyết định các mẫu thiết kế và các bộ sưu tập thời trang của chúng tôi và tất cả các hoạt động liên quan”, tỉ phú Ortega viết trong báo cáo Inditex 2009 hàng năm. Ông đã liên tục mắc kẹt với phương châm “bám sát nhu cầu thị trường” trong nhiều năm.

Ortega rất nhạy bén với thời trang. Thay vì lo lắng về số hàng tồn kho, ông luôn chú ý quan sát những gì người ta đang mặc, lắng nghe những nhu cầu về thời trang của đối tượng tiềm năng. Theo dõi các blogger thời trang và ghi nhận phản hồi từ khách hàng là cách Ortega theo sát nhu cầu của thị trường để có những thay đổi thích hợp.

Tương tự với Ortega, tỉ phú Jeff Bezos – CEO của Amazon cũng nhận xét rằng, các công ty công nghệ thường bị ám ảnh về đối thủ cạnh tranh của họ mặc dù họ biết đối tượng họ cần quan tâm hơn là khách hàng: “Nhiều công ty khẳng định họ tập trung vào nhu cầu của khách hàng nhưng ít ai có thể làm theo phương châm đó. Các công ty công nghệ lớn thường quan sát xem đối thủ của họ đang làm gì và ngay lập tức làm theo”.

Bài học số 3: Kiểm soát chuỗi cung ứng

Theo báo cáo của The Ecomomist 2012, trong khi hầu hết các hãng thời trang tận dụng nguồn lao động giá rẻ tại Trung Quốc để sản xuất, hầu hết các sản phẩm của hãng Zara được sản xuất tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Morocco.

Các thiết kế của Zara được cắt từ vải nguyên kiện và xử lý cơ bản tại nhà máy trước khi được hoàn thiện tại hệ thống sản xuất tại địa phương. Chuỗi sản xuất – cung ứng tối giản cho phép Zara phản ứng nhanh với những thay đổi của xu thế thời trang.

Như vậy, các cửa hàng luôn có mẫu thời trang theo nhu cầu của khách hàng và không có hàng tồn kho.

Bài học số 4: Trung thành với nguồn gốc

Câu chuyện cuộc đời của Ortega thực sự là bước ngoặt từ tay trắng làm nên nghiệp lớn. Sinh ra trong gia đình có bố làm công nhân đường sắt, mẹ nội trợ, Ortega bỏ học từ năm 14 tuổi để bắt đầu kiếm tiền khi chứng kiến mẹ mình không thể mua thực phẩm cho gia đình vì thiếu tiền.

Mặc dù rất thành công nhưng Ortega rất khiêm tốn. Ông chưa bao giờ có một văn phòng riêng đúng nghĩa. Ông chủ Zara thường làm việc tại một chiếc bàn nhỏ ở trụ sở Inditex tại quê nhà La Coruna, trò chuyện với các nhà thiết kế, các chuyên gia thời trang và các nhà cung cấp.

Hiện nay, ở tuổi 80, Ortega vẫn di chuyển hàng ngày qua các văn phòng của công ty để lắng nghe những ý tưởng mới.

Bài học số 5: Không ngừng đổi mới

Điều tệ nhất trong kinh doanh là sự tự mãn.

“Thành công không bao giờ là chắc chắn. Tôi không cho phép mình bằng lòng với những gì tôi đã làm được. Tôi luôn cố gắng học hỏi từ những người xung quanh. Phát triển hoặc chết. Nếu bạn muốn đổi mới, đừng chỉ tập trung vào kết quả”, ông chủ Zara khẳng định.