Category Archives: C.E.O

Tổng giám đốc Ford Việt Nam: Thử thách là trải nghiệm để trưởng thành

Đến với Ford từ những ngày đầu thương hiệu này vào thị trường Việt Nam ở cương vị kế toán viên, 19 năm sau, khi đã kinh qua nhiều vị trí ở Công ty, ông Phạm Văn Dũng đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam.

Ảnh: Đỗ Nhật

Cho đến thời điểm này, ông là CEO người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại khối doanh nghiệp FDI ngành ô tô. Hơn một năm qua, dưới sự điều hành của ông, Ford Việt Nam giữ vững vị trí trong Top 3 các thương hiệu có tốc độ phát triển nhanh nhất thị trường.

* Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2016 và 2017? Theo ông, các doanh nghiệp sẽ gặp thách thức gì khi nhiều hiệp định thương mại tự do đã và đang chuẩn bị thực hiện?

– Năm 2016, ngành công nghiệp ô tô tiếp tục phát triển. Chín tháng đầu năm nay đạt tốc độ tăng trưởng 30% và những tháng còn lại thị trường vẫn phát triển ổn định.

Theo tôi, năm 2017, ngành công nghiệp ô tô sẽ tiếp tục phát triển nhưng tăng trưởng nhẹ so với năm 2016. Hiện nay, số xe trên 1.000 dân của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực cũng như các nước đã phát triển. Chắc chắn trong tương lai, thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Hội nhập toàn cầu vừa mang lại cơ hội nhưng đồng thời cũng có nhiều thách thức vì đây là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ phải thể hiện thực lực để có thể mang lại dịch vụ, sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Nói rộng ra, doanh nghiệp sẽ tham gia vào một “sân chơi” rộng hơn, có cơ hội cọ xát với môi trường bên ngoài nhiều hơn.

Khi có cơ hội cọ xát nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ phải tự điều chỉnh chiến lược, xây dựng lại các lợi thế cạnh tranh để tồn tại và phát triển trong môi trường mới. Thực tế cho thấy, khi doanh nghiệp được thả trong môi trường cạnh tranh thì “sức đề kháng” sẽ cao hơn, năng lực cạnh tranh sẽ tốt hơn.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2018, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn vì khi đó ngành ô tô Việt Nam cũng có thể tham gia vào thị trường ASEAN, và ngược lại. Vấn đề quan trọng là cần có sự chuẩn bị, đánh giá lợi thế của Việt Nam và nếu có thể thì tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung vào một vài dòng xe để cung cấp cho thị trường trong khu vực.

* Có nhiều nhận định cho rằng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được ví như chiếc xe chạy thử nghiệm tại chỗ sau gần 20 năm xây dựng. Ông thấy sao?

– Tôi không bình luận về nhận định này, tuy nhiên, cũng muốn chia sẻ về quá trình phát triển hơn 20 năm qua của Ford Việt Nam. Năm đầu tiên vào Việt Nam, Ford chỉ sản xuất và bán ra 300 xe và số lượng nhân viên rất hạn chế. Qua hơn 20 năm phát triển, Công ty đã có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ mà cụ thể là trong năm 2015 đã đưa ra thị trường 20.700 xe.

Hiện tại, số lượng nhân viên Công ty hơn 700 người trực tiếp và hơn 5.000 người là lao động gián tiếp tại các đại lý, các nhà cung cấp. Các vị trí trưởng phòng của Ford Việt Nam trước đây do người nước ngoài nắm giữ thì nay đều do người Việt Nam đảm trách. Bản thân tôi cũng được tin tưởng giao trọng trách điều hành doanh nghiệp – điều chưa từng xảy ra đối với các doanh nghiệp FDI ngành ô tô.

* Chắc là do ông có những tố chất “đặc biệt” và phải trải qua quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ?

– Tôi nghĩ mình không có gì đặc biệt ngoài làm việc một cách nghiêm túc cùng với sự đam mê. Ford có quy trình phát triển nhân viên một cách chặt chẽ nên việc bổ nhiệm người Việt có sự chuẩn bị từ trước.

Hằng năm, Công ty đều tổ chức những cuộc thảo luận giữa lãnh đạo và nhân viên để chia sẻ kế hoạch phát triển bản thân, phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, giúp nhân viên phát triển tối đa tiềm năng. Công ty cũng có nhiều khóa đào tạo về kỹ năng lãnh đạo, tạo điều kiện cho nhân viên thay đổi công việc ở nhiều vị trí, có nhiều cơ hội cọ xát với nhiều môi trường, nhiều đối tác khác nhau để có thể phát triển.

Tôi đã gắn bó với thương hiệu này 20 năm nay, khi Ford bắt đầu vào Việt Nam. Tôi yêu mến thương hiệu này vì có tầm nhìn rất nhân văn. Hơn 100 năm trước, ông Henry Ford đã có tầm nhìn xa hơn việc kinh doanh là mang lại lợi nhuận đơn thuần: đặt thế giới lên bốn bánh xe, mở ra xa lộ cơ giới cho loài người.

Ngày nay, Ford vẫn tiếp tục tầm nhìn này. Tôi ngưỡng mộ người sáng lập và tầm nhìn của Ford. Tôi sẽ tiếp tục làm việc cho Ford với niềm đam mê và ngưỡng mộ ấy. Điều này tạo động lực để tôi có thể làm được những việc của ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua.

* Bản thân ông thay đổi thế nào khi “nắm vận mệnh” Ford Việt Nam?

– Hơn một năm qua tôi có điều kiện để làm những việc mà trước đây chưa có cơ hội để trải nghiệm, được gặp gỡ nhiều người mới, đi đến những nơi mình chưa từng đến. Mỗi một trải nghiệm đều là kinh nghiệm tốt trong việc điều hành doanh nghiệp cũng như tổ chức đời sống cá nhân. Với tôi, những thử thách như một trải nghiệm và cố gắng trải nghiệm trọn vẹn để trưởng thành hơn trong công việc và cả trong cuộc sống.

* Như ông đã nói, sự thành công của Ford Việt Nam là nhờ Công ty có đội ngũ nhân sự làm việc ăn ý và tận tâm. Làm thế nào để có đội ngũ này?

– Tài sản lớn nhất của Ford Việt Nam đến thời điểm này là đã xây dựng được đội ngũ nhân sự đạt tiêu chuẩn toàn cầu. Đội ngũ này có sự phối hợp với nhau rất tốt. Để xây dựng đội ngũ, chúng tôi có quy trình tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân viên đã được xây dựng hơn trăm năm qua.

Quan điểm của Ford là tạo cơ hội công bằng cho tất cả mọi người, không phân biệt nguồn gốc, quốc tịch. Hiện tại, đội ngũ của Ford Việt Nam được đánh giá là đội ngũ mạnh trong khu vực của Tập đoàn Ford. Họ là những người trẻ năng động, sẵn sàng học hỏi và có những đóng góp rất lớn trong việc đưa ra những ý tưởng mới.

* Từng có thời gian làm việc tại Úc, ông thấy có điểm giống và khác nhau gì giữa thị trường ô tô hai nước? Các doanh nghiệp Việt Nam có thể rút ra bài học gì từ thị trường này?

– Hai thị trường có nhiều điểm khác nhau. Năm 2004, khi tôi làm việc ở Úc thì thị trường này gần như bão hòa. Mỗi năm sản lượng của toàn ngành vào khoảng 1 triệu xe, và từ thời điểm đó đến bây giờ gần như không thay đổi.

Còn Việt Nam với dân số trên 90 triệu người, tỷ lệ sở hữu xe trên số lượng dân vẫn còn rất thấp, nhưng dư địa rất lớn và phát triển nhanh, những năm qua ở mức 30 – 50%. Đó là những điểm khác nhau cơ bản: một thị trường đã phát triển, bão hòa và một thị trường mới nổi, đang có đà phát triển cao.

Lãnh đạo của Ford khi đưa người sang các thị trường phát triển là muốn họ có tầm nhìn dài hơn bởi các thị trường đang phát triển đến một lúc nào đó cũng sẽ bão hòa. Vì thế, muốn điều hành tốt hoạt động của các đơn vị con, CEO phải nắm bắt nhu cầu thị trường, phải đưa ra chiến lược sản phẩm, chiến lược marketing phù hợp. Với thị trường đang phát triển nhanh như Việt Nam thì CEO phải nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

* Theo ông, với đà phát triển như hiện nay thì đến khi nào thị trường ô tô Việt Nam sẽ giống Úc?

– Tôi nghĩ phải mất một thời gian dài nữa, và phải trải qua thời kỳ “ô tô hóa”. Theo nghiên cứu của Bộ Công Thương, thời kỳ ô tô hóa sẽ bắt đầu diễn ra trong vòng 5 – 7 năm nữa. Khi thu nhập của người dân tăng cao sẽ có quá trình chuyển từ xe 2 bánh sang 4 bánh, và khi đó, ngành ô tô Việt Nam sẽ phát triển. Với kinh nghiệm từ các nước xung quanh, khi thu nhập bình quân đầu người đạt mức 5.000 USD/năm thì quá trình ô tô hóa sẽ diễn ra.

* Doanh số bán xe tăng nhanh đi kèm với nó là các vấn đề nảy sinh như ô nhiễm khói bụi, kẹt xe cũng tăng theo. Trước thực tế đó, Công ty sẽ làm gì?

– Ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã tích cực tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng tôi là nhà sản xuất ô tô đầu tiên tổ chức chương trình đào tạo về an toàn giao thông chuyên nghiệp cho cộng đồng. Từ năm 2008 đến nay, chúng tôi đã đào tạo 11.000 lái xe tại 14 tỉnh – thành.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có sáng kiến làm truyền thông về văn hóa tham gia giao thông như chương trình “Không còi”, “Không cồn”, khuyến khích các bạn trẻ thay đổi hành vi và thói quen khi tham gia giao thông, tạo ra văn hóa giao thông văn minh và an toàn hơn.

Trên toàn cầu thì Ford đang chuyển mình để trở thành một trong những nhà tiên phong trong việc nghiên cứu các giải pháp di chuyển thông minh, ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán giao thông đô thị. Hy vọng những ứng dụng, những giải pháp này sẽ sớm được cập nhật ở Việt Nam.

* Ông vừa nói đến nghiên cứu giải pháp và ứng dụng công nghệ. Việt Nam đang “bừng bừng khí thế” khởi nghiệp, ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ lập nghiệp?

– Giờ đây nền kinh tế thế giới là kinh tế tri thức và internet đã và đang thay đổi từng ngóc ngách xã hội. Cơ hội luôn mở ra cho những ai kiên trì và đam mê. Tôi tin rằng các bạn trẻ sẽ có nhiều khoảng trống để tỏa sáng với đà phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Tôi hy vọng các bạn trẻ biết tận dụng khoa học công nghệ và biết học hỏi cách tư duy tích cực để làm chủ cuộc sống và có những đóng góp tốt đẹp cho xã hội.

* Doanh nhân thường rất bận rộn, ông làm cách nào để cân bằng giữa công việc và gia đình?

– Nếu như chú ý lập kế hoạch một cách khoa học thì vẫn có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tôi thường cố gắng hoàn thành công việc ở Công ty để khi về nhà có thể dành hết thời gian cho gia đình. Khi lập kế hoạch công việc, tôi luôn đặt yêu cầu cân bằng giữa công việc và cuộc sống như một lời nhắc nhớ về gia đình.

Mỗi người tùy vào điều kiện của bản thân sẽ chọn cách tốt nhất để cân bằng cuộc sống. Có người hướng nội, cũng có người hướng ngoại, và có cách giải tỏa stress khác nhau. Những người hướng ngoại khi mệt sẽ tìm chỗ đông đúc, tham gia các hoạt động xã hội, còn người hướng nội sẽ tìm những chỗ yên tĩnh, cố quên hết những chuyện đã xảy ra và nạp “năng lượng mới”. Là người hướng nội nên tôi chọn môn chạy bộ, đạp xe đạp với cách mà cơ thể phù hợp.

* Ông có những sở thích nào đặc biệt?

– Thực ra giống như nhiều nhà kinh doanh khác, tôi thường đọc sách về quản trị và tài chính. Đó cũng là chuyên ngành yêu thích của tôi. Khi nắm giữ vị trí quản lý mới, tôi đọc thêm các sách về hành vi tổ chức và đắc nhân tâm. Đôi khi, những quyển sách cũ đọc lại lại mang nhiều lớp nghĩa mới và thú vị cho tôi. Bạn còn nhớ “7 habits for highly effective people” của Stephen R. Covey chứ, đấy là ví dụ tôi muốn nói đến.

Tôi thích đi bộ và ngẫm nghĩ, quan sát cuộc sống. Tôi không phải tuýp người hướng ngoại nhưng tôi cũng thích học hỏi điều mới và hòa đồng với môi trường xung quanh.

Buổi tối tôi thích chơi với các con. Đôi khi tôi phải phân xử khi chúng chành chọe nhau và cảm thấy cuộc sống của mình trẻ lại và có thêm động lực. Tôi nghĩ chơi với trẻ con cũng giống như đọc một cuốn sách mới mẻ và thú vị.

* Nghe nói ông cũng là người mê xe?

– Tôi không phải là dân kỹ thuật nhưng làm việc trong lĩnh vực này lâu nên cũng rất thích tìm hiểu về ô tô. Đặc biệt hiện nay hàm lượng công nghệ trong ô tô ngày càng tăng và trở thành một phần rất lớn trong mỗi chiếc xe. Khi tìm hiểu về xe, tôi cũng đồng thời tìm hiểu về công nghệ và từ tò mò dẫn đến thích thú khi thấy trong một chiếc ô tô có nhiều thứ hơn là một sản phẩm cơ khí.

Chiếc xe đầu tiên tôi sở hữu vào năm 2001 là Laser. Từ đó đến nay, tôi đã thay đổi nhiều dòng xe. Hiện tại tôi đang sử dụng chiếc Ford Escape vì thích thiết kế cổ điển, mạnh mẽ nhưng bền bỉ của dòng xe này.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

Cựu Chủ tịch Sacombank Đặng Văn Thành: Là doanh nhân, thân bại thì danh liệt

Một nền kinh tế không có cạnh tranh thì không thể phát triển, một tổ chức không có thi đua thì không tiến bộ. Chuyện cạnh tranh với doanh nhân là rất bình thường.

Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, cựu Chủ tịch HĐQT Sacombank đã nói như vậy khi chia sẻ về những thăng trầm trong đời doanh nhân của mình tại sự kiện “Chiến lược đến thực thi và trải nghiệm thương trường” (ngày 1/10, do BizLIVE và Group Quản trị & Khởi nghiệp tổ chức tại TP.HCM).

“Điều hành bằng trí óc, dẫn dắt bằng con tim”

Theo ông Thành, muốn giải mã được 5 chức trách đó phải thông qua công tác quản trị. Doanh nghiệp không có tuổi thọ, doanh nhân mới có tuổi thọ. Để tự tin, quyết đoán và nhất quán trong mọi quyết định, doanh nhân phải biết thu thập thông tin, lắng nghe ý kiến từ mọi phía, mọi cấp. Xây dựng theo hình thức kim tự tháp sẽ tạo ra khái niệm không có quyền mà lại có quyền. Hiền tài phải có ở mọi cấp, hiền tài là những người gắn bó với mình, còn nhân tài có thể thuê mướn bên ngoài. Phải tin vào những hiền tài để tạo sự thăng tiến cho họ ở tổ chức, nếu không họ sẽ ra đi. Phải gieo cho đội ngũ của mình ý nghĩa của kinh doanh, để họ cùng mình xây dựng nên một tổ chức đẹp.

Ông nói: “Chân dung của một doanh nhân theo tôi phải tạo giá trị gia tăng cho xã hội, cho khách hàng, cho nhân viên, cho nhà đầu tư và cho ngân sách Nhà nước. Nếu doanh nhân không giải mã được 5 chức trách đó sẽ khó tồn tại. Doanh nhân – chiến sĩ thời bình không được phép thất bại, vì thân bại thì danh liệt. Phải điều hành bằng trí óc, dẫn dắt bằng con tim”.

>> Những kinh nghiệm xương máu của ông Đặng Văn Thành

Nhấn mạnh đến quản trị con người, ông Thành nói: “Rủi ro của mọi rủi ro là con người. Con người là tài sản vô giá của doanh nghiệp nhưng không phải sở hữu của chúng ta. Ông chủ doanh nghiệp có thể mua chiếc xe hơi đắt giá, nhưng không thể mua con người bằng tiền được. Vậy làm sao giữ họ? Phải có chính sách, cơ chế. Tập đoàn của tôi bây giờ có 400 chiếc xe con. Sáng đi làm thấy nhân viên của mình đi xe hơi, đọc báo, tôi thấy vui lắm. Thực hiện chính sách lưu động đối với tổng giám đốc/giám đốc tại các công ty thành viên, cho họ nghỉ phép liên tục 15 ngày. Giám đốc hết hạn bổ nhiệm 1 nhiệm kỳ, hãy điều động về tập đoàn để được bồi dưỡng, nâng cao. Làm như vậy sẽ trị được bệnh ngôi sao, để họ thấy “không có mợ thì chợ vẫn đông”.

“Lợi nhuận là nhất thời, thị phần là vĩnh cửu”

Để phát huy khả năng làm việc theo nhóm, theo ông Thành, lãnh đạo không nên làm việc một mình, phải tin vào  bộ máy. Phải có nghệ thuật tạo sinh khí làm việc thân thiện, hiệu quả, đoàn kết nội bộ. Mình là chủ doanh nghiệp, phải truyền đạt đến toàn thể cán bộ công nhân viên biết chiến lược của công ty, cho họ thấy “Ngày sao nhanh quá, năm sao chậm quá” để họ yên tâm, gắn bó với công ty, không bị sao lãng bởi đối thủ, tự hào đứng trong tổ chức lớn, gìn giữ vun đắp nó. Chiến lược phát triển đâu cần bảo mật, hãy để cho nhân viên hiểu và tự hào với chiến lược đó.

Để cùng lớn mạnh và trưởng thành với công ty, hơn ai hết người lãnh đạo phải tự hoàn thiện bản thân. Ông Thành chia sẻ: “làm lãnh đạo thì lời nói và hành động phải chuẩn mực, gương mẫu trong công việc lẫn trong cuộc sống. Vị tha nhưng không dễ dãi đối với cán bộ công nhân viên, gần gũi nhưng không xuề xòa. Có tinh thần cầu tiến, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo. Suy nghĩ và hành động hệ thống, phát huy thời gian biểu cá nhân. Người lãnh đạo phải thấy mình yếu chỗ nào để bổ khuyết. Con người không bao giờ là hoàn thiện cả, phải lấy kinh nghiệm của mình cộng với sức bật của người trẻ, sẽ tạo cho mình hoàn thiện. Cán bộ Sacombank 80% do tôi đào tạo hết. Họ góp ý mình nghe, còn quyết là mình. Nếu mình tự tin, chuyên nghiệp, ai giật dây được mình”.

>> Ông Đặng Văn Thành: Tôi vẫn chọn làm doanh nhân

Theo ông Thành, người lãnh đạo giỏi phải là hạt nhân của những người tài, biết khơi gợi tinh thần trách nhiệm của cán bộ công nhân viên. Trau dồi khả năng hùng biện qua việc đọc sách. Một ngày đọc tối đa 2 tờ báo và tham khảo sách: “Nguyễn Hiến Lê là người ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất, để tập thói quen lắng nghe và thói quen khái quát, có kỹ thuật truyền lửa, hùng biện. Cái này có thể học được”, ông Thành nói.

“Những doanh nghiệp có thương hiệu quốc gia không được ăn xổi ở thì. Lợi nhuận là nhất thời, thị phần là vĩnh cửu. Mất tiền chưa là gì, mất tình mới mất một nửa, mất uy tín là mất hết. Nhận diện thương hiệu đòi hỏi giá trị thương hiệu. Tôi khái niệm về quảng cáo khác người ta, phải nhồi đi nhồi lại, nhắc tới nhắc lui để người ta nhớ về mình. Còn PR là người ta nói về mình. Dục tốc bất đạt, phải tự tin nuôi dưỡng, vun đắp cho thương hiệu. Nhớ là đừng vội. Thương hiệu không phải của mình đâu, mà của đất nước Việt Nam”, ông Thành kết luận.

Ông vua thời trang Armani – từ tay trắng đến tỷ phú huyền thoại

Cuộc đời Giorgio Armani được cho là phép màu kỳ diệu của nước Ý khi một tay thợ may vô danh trở thành huyền thoại sống trong làng mốt thế giới.

Giorgio Armani vẫn thường được nhắc đến như một “huyền thoại sống”, một “King George” của nước Ý. Những kiệt tác ông tạo nên bằng tài năng phi thường và niềm đam mê vô hạn đã trở thành tài sản độc đáo của kinh đô thời trang thế giới cũng như toàn nhân loại.

81 tuổi với 41 năm làm việc trong ngành mốt, Giorgio Armani vẫn còn nhiều ý tưởng kinh doanh đột phá và đang là tỷ phú với khối tài sản khổng lồ lên tới 8,5 triệu USD.

Suýt bị mù mắt vì chiến tranh

Giorgio Armani sinh năm 1934 tại Piacenze, một tỉnh lẻ còn khá nghèo thời bấy giờ ở Italia. Không may mắn lớn lên giữa thời chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, cậu bé Armani ngày ấy đã từng trải qua những hoàn cảnh hết sức khốc liệt.

Nhà thiết kế Armani sinh ngày 11/7/1934 tại Piacenza, Italia.

“Mặc dù bây giờ tôi có cuộc sống thoải mái, nhưng không phải luôn luôn là như vậy. Khi còn nhỏ, tôi lớn lên giữa chiến tranh tàn phá ở Italy”

“Một ngày, chúng tôi chơi với một vỏ bom chưa nổ, sau đó, nó bất ngờ phát nổ, giết chết người bạn của tôi và đốt cháy tôi từ đầu đến chân. Mắt tôi suýt bị mù và không nhìn thấy một thời gian, còn da phải ngâm trong rượu để làm dịu những vết bỏng. Đến giờ tôi vẫn còn có vết sẹo trên mắt cá chân”, Armani từng kể lại quá khứ không êm đềm.

Tốt nghiệp phổ thông, Giorgio Armani theo học ngành y với kỳ vọng sẽ trở thành một bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật. Nhưng sự khó khăn khi tiếp xúc với người bệnh đã khiến ông bỏ học, về nhà làm những công việc vặt vãnh.

Tưởng như cuộc đời Armani sẽ trôi đi trong bế tắc và sự tẻ nhạt, thì trong một lần du lịch tới Milan, ông đã bị kinh đô thời trang cuốn hút và bắt đầu suy nghĩ đến con đường đầy thú vị này. Từ đây thế giới của ông, những thứ xung quanh ông gắn liền với thế giới thời trang như một định mệnh đã được sắp đặt.

Tình yêu bén duyên cùng sự nghiệp

Sau lần tới Milan, Armani quyết định không quay trở lại trường đại học mà thử vận may của mình. Ban đầu, để kiếm tiền trang trải cuộc sống, chàng trai 25 tuổi ngày ấy phải đi làm công việc quảng cáo, giới thiệu sản phẩm.

Sau đó, ông được thuê làm người trưng bày tủ kính ở trung tâm thương mại La Rinascente rồi tiến tới là nhân viên bán quần áo nam giới. Chính từ thời gian này, Armani đã bắt đầu tiếp cận với ngành công nghiệp thời trang và học hỏi được những kinh nghiệm quý báu.

Sau một lần đến Milan, cuộc đời Armani thay đổi hoàn toàn.

Những năm 1960, sự nghiệp của Giorgio Armani sang trang khi ông gặp nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Nino Cerruti.

Cho đến lúc được công ty của Nino Cerruti tuyển vào vị trí thiết kế, chàng trai đến từ tỉnh lẻ Armani mới thực sự khởi đầu hành trình biến ước mơ thành hiện thực. Đây cũng là thời điểm ông nhận may và bán lẻ một số sản phẩm tại hệ thống các cửa hàng thời trang.

Cuối những năm 60, Giorgio gặp Sergio Galeotti, vốn là một họa đồ viên kiến trúc. Sergio gắn bó với Giorgio từ những ngày đầu sự nghiệp thiết kế thời trang và góp ý cho ông nhiều lời khuyên bổ ích,

Mối quan hệ của Sergio và Armani không chỉ là một tình yêu đồng tính mà còn là những người cùng chung ước mơ khởi nghiệp. Sergio Geleotti là người đồng sáng lập thương hiệu, đồng thời là bạn tâm giao, người yêu của nhà tạo mốt lừng danh.

Năm 1973, Sergio thuyết phục Armani mở một văn phòng thiết kế tại Milan. Một năm sau, hai người giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên cho nam giới, tạo tiền đề để thành lập công ty Giorgio Armani S.p.A. vào năm 1975.

Không chỉ dừng lại ở những thiết kế dành cho nam giới, công ty của Armani và Sergio còn ra mắt những bộ sưu tập thời trang nữ và được đông đảo khách hàng đón nhận.

Tính nhạy bén trong kinh doanh đã góp phần làm nên thành công của nhà thiết kế người Ý.

Trong những năm tiếp theo, Armani giới thiệu một số dòng sản phẩm mới, bao gồm Le Collezioni, Emporio Armani, đồ lót, phụ kiện, nước hoa và nhiều thứ khác.

Tuy mới mẻ nhưng thương hiệu của Armani nhanh chóng phát triển đến mức sau 2 năm thành lập, ông và Galeotti đã đủ tự tin để khởi động cuộc chinh phục thị trường châu Âu và Mỹ.

Năm 1979, công ty của Aramni và Sergio nâng cấp thành Tập đoàn, bắt đầu sản xuất cho Mỹ và giới thiệu các dòng trang phục chính dành cho nam và nữ.

Thời điểm đánh dấu bước ngoặt của nhà thiết kế là khi ông trình làng mẫu áo vest nam không có lớp lót và vải lót bên trong như truyền thống (áo vest một lớp). Khi Richard Gere mặc mẫu áo khoác này trong bộ phim năm 1980, “American Gigolo”, tên và nhãn hiệu Armani trở nên nổi tiếng thế giới.

Có thể nói thành công của Armani không chỉ trên phương diện nghệ thuật thẩm mỹ mà ông và bạn trai còn “đánh chiếm” lĩnh vực kinh doanh.

Sergio Galeotti là người bạn đồng hành của Armani những ngày đầu khởi nghiệp.

Năm 1988, dòng sản phẩm Emporio Armani được ông cho ra mắt nhanh chóng làm thị trường dậy sóng. Ông cũng cho xây dựng thêm nhiều xưởng may để phục vụ dây chuyển khép kín của công ty như Giorgio Armani Neve, Giorgio Armani Golf…

Từ năm 1998 đến 2000, hãng Armani bước vào thị trường thời trang thể thao và liên tục tung ra các dòng mỹ phẩm mới.

Hiện tại, thương hiệu Armani có trong tay khoảng 2.000 shop thời trang có mặt ở 36 quốc gia trên toàn thế giới. Tổng doanh thu của hệ thống các cửa hàng này đạt trên 1 tỉ USD mỗi năm.

Trong sự nghiệp lẫy lừng, Giorgio Armani đã nhận được nhiều giải thưởng, như Giải Thời trang Neiman Marcus năm 1979 và Giải GQ Phong cách Nam cho Nhà thiết kế xuất sắc nhất năm 1981, giải Thành tựu trọn đời từ Hội đồng các nhà thiết kế thời trang của Mỹ (CFDA) năm 1987.

Năm 1982, Armani trở thành nhà thiết kế thời trang thứ hai (sau Christian Dior) xuất hiện trên trang bìa của tạp chí “Time”. Đây là một vinh dự lớn bao bởi không phải ai cũng được lên trang bìa của tạp chí danh tiếng này.

“From Nothing to Everything” – đó là câu nói mà người ta thường nói về Armani.

Từ số vốn 10.000 USD với một nhân viên tiếp tân duy nhất là sinh viên. Sergio cùng Armani đã tạo nên một thương hiệu toàn cầu, sản phẩm của tập đoàn Giorgio Armani S.p.A đã trở thành một thứ hàng hiệu sang trọng và sành điệu cho rất nhiều đối tượng khách hàng.

Sau khi Galeotti qua đời năm 1985, Armani trở thành chủ sở hữu duy nhất của thương hiệu và trực tiếp điều hành mọi hoạt động kinh doanh cho tới tận bây giờ.

Từ đó đến nay, Armani đã có những cuộc tình với những phụ nữ và cả đàn ông, như nhiều lần ông thổ lộ với báo giới. Nhưng không có ai để lại dấu ấn sâu đậm như Sergio Galeotti trong trái tim ông. Và người ta vẫn gọi ông là “gã tỷ phú cô đơn”.

Triết lý của “ông vua thời trang”

Nếu Christian Dior mang đến cho thế giới thiết kế New Look, Yves Saint Laurent đặt nền móng cho thời trang ứng dụng, Chanel giải phóng phụ nữ khỏi các thiết kế gò bó thì Giorgio Armani với các mẫu áo vest đã làm nên một cuộc cách mạng thời trang.

Phương châm thiết kế của Armani: thời trang chỉ là công cụ và phương cách chứ không phải mục đích cuối cùng.

Bộ sưu tập Menswear Fall Winter 2016 của Armani.

Giống như câu ngạn ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, Armani coi trọng và đề cao những giá trị vô hình chứ không phải sự bộc lộ ra bên ngoài của thời trang.

“Quan điểm của tôi rất rõ ràng: Tôi tin vào việc loại bỏ những chất liệu giả tạo của trang phục. Tôi tin vào các màu trung tính”, Armani tuyên bố.

Trung thành với phương châm trên, mỗi thiết kế của Giorgio Armani luôn loại bỏ sự rườm rà, hướng đến sự tiện dụng nhưng không kém phần sang trọng, lịch lãm.

Triết lý của Armani thể hiện rõ nhất ở sản phẩm có tên gọi là “giacca destrutturata”. Từ chiếc áo comple cổ điển, Armani cải biên nó thành một loại áo hoàn toàn khác cho dù vẫn giữ nguyên dáng vẻ.

Nhà thiết kế loại bỏ lớp lót và chất liệu làm cứng vai áo, đồng thời cũng không sử dụng nhuộm màu và họa tiết phức tạp trên nền vải mà chỉ sử dụng màu vải tự nhiên, đơn giản chỉ có các màu nâu, xám hoặc nâu nhạt.

Từ chiếc comple truyền thống, giacca destrutturata hoàn thành là một chiếc áo buông thõng tự nhiên chứ không cứng nhắc, gò bó.

Những chiếc áo “giacca destrutturata” làm nên cuộc cách mạng thời trang.

Đã bao giờ bạn tự hỏi, bí quyết thành công của Armani đơn giản chỉ có lập trường “màu trung tính, nói không với chất liệu giả”?

Đây lại là một câu chuyện về “cơ may”. Vào thời điểm Armani và Sergio Galeotti cho ra đời thương hiệu này, thế giới thời trang đã đầy rẫy những thương hiệu sáng giá.

Cho nên thành công của Armani chỉ có thể lý giải được ở sự cộng hưởng tác động của một tác nhân bên ngoài mà Armani đã tranh thủ được. Tác nhân bên ngoài đó có tên gọi là Hollywood.

Những bộ suit đẳng cấp làm nên thương hiệu lịch lãm của hãng Armani.

Nhận rõ tầm quan trọng trong việc thiết kế trang phục cho các bộ phim, vài năm sau khi thành lập công ty, Armani đã hợp tác với một số nhà sản xuất. Sau thành công khi hợp tác với đoàn làm phim American Gigolo (1980), cơ hội làm ăn lâu dài với thế giới điện ảnh trở nên rộng mở.

Nhà tạo mốt Italy đã sáng tạo trang phục cho hơn 100 bộ phim, trong đó có tác phẩm điện ảnh nổi tiếng The Untouchables (1987).

Thành công của bộ phim này đã giúp Armani gây dựng được ảnh hưởng ở Mỹ. Rồi đến bộ phim “The Untouchables” với các ngôi sao như Sean Connery và Kevin Costner.

Nhiều sao Hollywood yêu thích thương hiệu đến từ nước Ý.

Hiện tại, thương hiệu Armani đã chinh phục được cả đội ngũ đông đảo sao lớn sao bé của Hollywood quảng cáo cho mình như Jodie Forster, Michelle Pfeiffer, Katie Holmes, Tom Cruise, Lindsay Lohan, Tom Hiddlesto, Naomi Watts…

Nhắc đến “King Armani”, giới mộ điệu sẽ nghĩ đến những phát ngôn đầy sâu sắc về thời trang của ông.”Tôi thích thời trang thiên hạ không nhìn thấy”, “Sang trọng không phải là nổi bật bề ngoài, mà là cái lắng đọng trong hồi tưởng” và “Armani không phải là thương hiệu về thời trang, mà là thương hiệu về phong cách sống”.

Một trong những phát ngôn của Armani.

Ngày nay, không chỉ nam giới mà phụ nữ cũng thích thời trang Armani. Nó giản dị nhưng cực kỳ sang trọng, rất tiện dụng mà lại mềm mại, nhẹ nhàng, giống như làn da thứ hai của thân thể.

5 “bí mật” đằng sau chặng đường xây dựng đế chế của Micheal Bloomberg

Năm 1981, ở tuổi 39, Bloomberg chính thức thất nghiệp khi mất đi công việc toàn thời gian duy nhất và cũng là công việc mình yêu thích nhất. Nhưng ông đã không quay đầu hay dừng lại mà đã nảy ra ý tưởng đáng giá nhiều tỷ đô.

Với xuất phát điểm chỉ là một nhân viên trông xe, Michael Bloomberg từng có 3 nhiệm kỳ liên tiếp làm thị trưởng thành phố New York. Ông cũng là người sáng lập và sở hữu 88% cổ phần Bloomberg LP, một tập đoàn truyền thông về tin tức và dịch vụ tài chính hàng đầu thế giới. Với khối tài sản 47,5 tỷ USD, Michael Bloomberg hiện là tỷ phú giàu thứ 8 thế giới ở tuổi 74 (theo Forbes).

Dưới đây là những chia sẻ về bí quyết tạo nên thành công của tỷ phú Michael Bloomberg – một người từng gây dựng nên tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới từ con số 0 tròn trĩnh, một thị trưởng thành phố New York với mức lương 1 USD mỗi năm và một nhà từ thiện nổi tiếng thế giới.

1. Chấp nhận rủi ro

Cuộc đời là quá ngắn ngủi để bạn lãng phí thời gian vào việc lo sợ mình sẽ thất bại!

Micheal Bloomberg

Ông Micheal Bloomberg. Ảnh: Getty Images / Bloomberg.

Năm 1981, ở tuổi 39, tôi chính thức thất nghiệp khi mất đi công việc toàn thời gian duy nhất và cũng là công việc mình yêu thích nhất. Tuy nhiên, tôi không thể quay đầu hay dừng lại bởi cuộc sống vốn dĩ vẫn tiếp tục. Chỉ ngay ngày hôm sau, tôi đã đưa ra một quyết định mạo hiểm mà hầu hết mọi người cho rằng nó sẽ thất bại: làm cho thông tin tài chính trở nên dễ dàng tiếp cận hơn ngay từ bàn làm việc của mỗi người. Thời điểm đó máy tính cá nhân vẫn là một thứ xa lạ với nhân viên văn phòng.

Năm 2001, một lần nữa khi tôi đang đấu tranh tư tưởng xem có nên chạy đua vào chức thị trưởng thành phố hay không, hầu hết mọi người đều khuyên tôi nên từ bỏ ý định này. Họ lo sợ tôi sẽ thất bại. Nhưng một người bạn của tôi đã nói rằng: “Nếu anh có thể khiến mọi người hiểu về anh chỉ bằng một bài diễn thuyết thì tại sao lại không thử chứ?”

Có lẽ đó là lời khuyên tốt nhất tôi từng nhận được. Để có thể thành công, bạn cần phải sẵn sàng chấp nhận thất bại và đủ can đảm để đối mặt với nó bất cứ lúc nào.

2. Tự tạo ra may mắn cho chính mình

Không thể phủ nhận rằng may mắn luôn đóng một vai trò quan trọng quyết định thành công. Nhưng nếu bạn làm việc chăm chỉ, may mắn cũng sẽ mỉm cười với bạn.

Cuộc đời là quá ngắn ngủi để bạn lãng phí thời gian vào việc lo sợ mình sẽ thất bại!

Khi bạn làm bất cứ một việc nào đó dù nó không phải là công việc trong mơ của bạn, hãy cố gắng làm việc chăm chỉ hết sức mình. Hãy là người đầu tiên đến văn phòng mỗi sáng và là người cuối cùng ra về buổi tối. Làm việc chăm chỉ sẽ mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn là bản CV của bạn.

3. Luôn kiên trì

Sự kiên trì luôn được đền đáp xứng đáng. Khi mới thành lập công ty, mỗi sáng tôi đều đi đến trung tâm thành phố, mua vài tách cà phê, sau đó mang chúng đến toà nhà Merrill Lynch và tiếp cận các khách hàng mục tiêu của mình.

“Xin chào, tôi là Mike Bloomberg. Tôi mang đến cho bạn một tách cà phê, liệu tôi có thể nói chuyện với bạn được không?” Đó là cách tôi bắt chuyện với họ. Ngay cả khi họ tò mò tự hỏi xem tôi là ai và tôi đến từ đâu, họ vẫn nhận lấy tách cà phê.

Tôi tiếp tục quay lại nơi này, ngày qua ngày bắt chuyện và xây dựng mối quan hệ với các khách hàng tiềm năng của mình. Từ đó, tôi hiểu được nhu cầu của họ, biết được khách hàng cần gì và áp dụng vào các sản phẩm của mình. Ba năm sau khi bắt đầu Bloomberg LP, Merrill Lynch đã mua 20 cổng dữ liệu và trở thành khách hàng đầu tiên của chúng tôi.

4. Không ngừng học hỏi

Tôi cho rằng, trong tiếng Anh từ quan trọng nhất chính là “Why” (tại sao). Đó là một từ mang ý nghĩa gợi mở, giúp chúng ta học hỏi và mở rộng đầu óc. Dù bạn chọn lĩnh vực nào để khởi nghiệp kinh doanh, hãy cố gắng là một sinh viên suốt đời.

Tập đoàn truyền thông Bloomberg. Ảnh: Internet.

Trong cuộc sống, bạn sẽ gặp những người luôn cho rằng họ không cần phải học nữa vì họ đã có đủ kiến thức cần thiết. Từ yêu thích của họ là “Không” và họ đưa ra hàng trăm lý do để biện minh cho thất bại hay khuyên bạn nên bỏ cuộc.

Điều bạn cần làm là bỏ qua những người này, đừng nản lòng vì những lời nói của họ. Khi nào bạn còn muốn học hỏi và cải thiện bản thân, thì khi đó bạn sẽ góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

5. Biết cho đi

Bạn phải chịu trách nhiệm cho những thành công hay thất bại của chính mình nhưng bạn sẽ chỉ thành công thật sự khi bạn biết chia sẻ nó với người khác. Vào cuối mỗi ngày, hãy tự hỏi bản thân rằng: “Liệu mình có đang thay đổi cuộc sống của những người khác theo hướng tốt hơn hay không?”

Tôi vẫn còn nhớ khoản từ thiện đầu tiên mà tôi làm là đóng góp 5 USD cho trường cũ -Đại học Johns Hopkins, không lâu sau khi tốt nghiệp. Ngày hôm nay, tôi quay trở lại với một tấm chi phiếu lớn hơn nhưng vẫn với tinh thần năm xưa. Bạn không cần phải quá giàu có để biết cho đi. Bạn có thể đóng góp bằng sức lực, thời gian và tài năng của mình. Hãy cố gắng mở lòng với những người xung quanh và trao cơ hội cho họ khi bạn có thể!

Elon Musk: Từ đứa trẻ bị bắt nạt trở thành CEO quyền lực

Từng nhút nhát và thường xuyên bị bắt nạt ở trường, Elon Musk giờ đã trở thành CEO của SpaceX, Tesla, và đồng sáng lập OpenAI, phát triển nhiều công nghệ mới đình đám thế giới.

Elon Musk sinh ngày 28/6/1971 tại Pretoria, Nam Phi. Cha của Elon, ông Errol Musk cho biết: “Elon là cậu bé sống hướng nội. Khi bạn bè tới các bữa tiệc để giao lưu, ăn uống và trò chuyện về đủ thứ chuyện trên đời thì nó lại ngồi lỳ trong thư viện và đắm mình trong những quyển sách”.

Còn mẹ Elon, bà Maye Musk, là người mẫu, chuyên gia dinh dưỡng người Canada. Bà từng xuất hiện trên tạp chí Time và quảng cáo trên vỏ hộp ngũ cốc Super K.

Năm 1979, Errol và Maye Musk ly hôn. Elon khi đó 9 tuổi cùng em trai Kimbal quyết định sống cùng cha.

Năm 1983, ở tuổi 12, Elon Musk đã bán game đơn giản có tên Blastar của mình cho một tạp chí máy tính với giá 500 USD. Ông từng chia sẻ rằng ”đây chỉ một game không đáng kể nhưng còn hay hơn Flappy Bird”.

Thời gian ở trường là khoảng thời gian khó khăn với Elon. Trong một cuốn sách của mình, Elon từng kể ông đã phải nhập viện vì bị đẩy ngã cầu thang và đánh cho tới ngất.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Elon chuyển tới Canada cùng mẹ, em gái Tosca và em trai Kimbal. Ông theo học trường đại học Queen’s tại Kingston, Ontario trong 2 năm.

Sau đó ông hoàn thành khóa học tại trường Pennsylvania, sở hữu 2 tấm bằng chuyên ngành vật lý và kinh tế.

Khi học tại trường Pennsylvania, Musk cùng bạn học Adeo Ressi thuê một căn hộ 10 phòng ngủ và biến nó thành một câu lạc bộ đêm. Đây là một trong những dự án kinh doanh đầu tiên của ông.

Sau khi tốt nghiệp, Elon quyết định theo học tiếng sĩ tại trường đại học Stanford. Tuy nhiên, trước khi nhập học 2 ngày, ông đã quyết định hoãn việc học và thử vận may với cơn bùng nổ dot-com. Đến giờ, ông vẫn chưa bắt đầu khóa học tại Stanford.

Musk và em trai Kimbal (trong ảnh) đã mượn 28.000 USD từ cha để mở Zip2, công ty web chuyên hướng dẫn du lịch cho các từ báo như New York Times và Chicago Tribune.

Khi Zip2 bắt đầu thành công, Elon gần như sống luôn ở văn phòng. Cuối cùng, Zip2 được Compaq mua lại với giá 341 triệu USD bằng tiền mặt và cổ phiếu, mang về cho Elon 22 triệu USD.

Năm 1999, Elon dùng 10 triệu USD có từ việc bán Zip2 để thành lập X.com, một công ty ngân hàng trực tuyến. Khoảng 1 năm sau đó, X.com sáp nhập với Confinity, một công ty tài chính khởi nghiệp do Peter Thiel đồng sáng lập, tạo thành một công ty mới có tên PayPal. Elon trở thành CEO của PayPal.

Cuối năm 2000, Elon Musk có kỳ nghỉ dài đầu tiên. Khi ông còn đang ngồi trên máy bay tới Australia, hội đồng quản trị PayPal đã quyết định sa thải ông và đưa Thiel lên thay. “Đó là vấn đề với kỳ nghỉ”, Elon Musk chia sẻ với tạp chí Fortune nhiều năm sau đó. Dù không còn là CEO của PayPal, Elon vẫn là cổ đông cá nhân lớn nhất. Năm 2002, khi eBay mua lại PayPay với giá 1,5 tỷ USD, Elon bỏ túi 165 triệu USD.

Trước khi bán PayPay, Elon Musk vô cùng bận rộn với tham vọng “điên cuồng” là đưa chuột hoặc cây cối lên sao hỏa. Thậm chí ông còn cố mua một quả tên lửa đã ngừng hoạt động từ thời Liên Xô để phục vụ mục đích đó. Nhưng người bán hàng Nga muốn bán với giá trên 8 triệu USD/quả tên lửa và Elon cho rằng ông có thể tự chế tạo với giá rẻ hơn.

Đầu năm 2002, Elon Musk thành lập công ty Space Exploration Technologies, hay còn gọi là SpaceX. Mục tiêu của ông là xây dựng quy trình để giảm khoảng 1/10 chi phí cho các chuyến đi vào vào không gian.

Sản phẩm đầu tiên của Space là tên lửa Falcon 1 và 9.

Và sau đó là tàu vũ trụ SpaceX Dragon, được đặt tên theo bài hát “Puff the Magic Dragon”. Cái tên là đòn trả đũa của Elon cho những kẻ từng nói rằng SpaceX không bao giờ đưa được tàu vũ trụ vào không gian.

Mục tiêu dài hạn của SpaceX là đưa con người lên sao Hỏa với mức giá vừa túi tiền. Elon cho biết SpaceX sẽ không thực hiện IPO (niêm yết cổ phiếu lần đầu) cho tới khi “cỗ máy vận chuyển cư dân sao Hỏa” của ông bay đều đặn ổn định.

Cùng lúc với dự án SpaceX, năm 2004, Elon Musk đầu tư 70 triệu USD vào Tesla Motors, công ty xe điện đồng sáng lập bởi Martin Eberhard.

Elon Musk giữ vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty. Ông đã giúp phát triển xe điện Tesla Roadster, dòng xe đầu tiên của công ty, ra mắt vào năm 2006.

Cũng trong năm 2006, Elon thành lập công ty năng lượng mặt trời SolarCity nhằm mục đích đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu. Ông cấp vốn cho em họ Peter và Lyndon Rive để đưa SolarCity lên đỉnh thành công.

Tuy nhiên, tình hình ở Tesla lại không được khả quan. Dưới sự quản lý của Eberhard, Tesla đốt nhiều tiền hơn lợi nhuận thu về. Năm 2007, Elon thực hiện cải tổ và sa thải Eberhard.

Năm 2008, khủng hoảng tài chính ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc kinh doanh của Elon. Ông đã đầu tư 40 triệu USD vào Tesla và phải cho vay thêm 40 triệu USD để cứu công ty khỏi phá sản. Trong năm này, ông trở thành CEO của Tesla.

Tuy nhiên, đầu tư vào SpaceX, Tesla, và SolarCity, khiến Musk cháy túi. Ông mô tả năm 2008 là “năm tồi tệ nhất cuộc đời” bởi Tesla liên lục thua lỗ, còn SpaceX gặp trục trặc với việc phóng tên lửa Falcon 1. Năm 2009, Musk phải sống bằng các khoản vay cá nhân.

Cùng thời gian đó, Elon ly hôn với Justine Musk, người có với ông 6 đứa con.

Nhưng tới giáng sinh năm 2008, Musk có 2 tin tốt: SpaceX ký hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD với NASA để vận chuyển hàng lên vũ trụ và Tesla cuối cùng cũng tìm được thêm nhà đầu tư bên ngoài. Mọi thứ bất ngờ tiến triển theo hướng tốt.

Tháng 6/2010, Tesla thực hiện IPO và huy động được 226 triệu USD, trở thành công ty xe hơi đầu tiên niêm yết cổ phiếu kể từ sau Ford năm 1956. Trong đợt IPO này, Musk đã bán cổ phần trị giá 15 triệu USD của mình để cải thiện tình hình tài chính.

Cuộc sống cá nhân của Musk là câu chuyện khá kỳ quặc. Năm 2008, ông bắt đầu hẹn hò với diễn viên Talulah Riley. Họ kết hôn vào năm 2010 và ly hôn năm 2012. Tháng 7/2013, họ tái hôn và tới tháng 12/2014, Musk lại đệ đơn ly hôn nhưng sau đó lại rút đơn. Tháng 3/2016, Riley đệ đơn ly hôn.

Dù vậy, việc kinh doanh của Musk lại thành công rực rỡ. Cuối năm 2015, SpaceX 24 lần bay vào vũ trụ để thực hiện các nhiệm vụ như vận chuyển hàng hóa cho Trạm Vũ trụ Quốc tế, thiết lập nhiều kỷ lục.

Không chỉ dừng lại ở đó, Musk còn thiết kế Hyperloop, hệ thống vận chuyển có thể đưa bạn từ Los Angeles đến San Francisco chỉ trong 30 phút. Tuy nhiên, ông chưa thành lập một công ty riêng để phát triển công nghệ đặc biệt này.

Cuối 2015, Musk cho thành lập OpenAI, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên thực hiện các nghiên cứu để đảm bảo rằng trí thông minh nhân tạo không hủy diệt nhân loại.

Musk cũng phát triển dòng xe không người lái của Tesla.

Tháng 6/2016, Musk tiết lộ kế hoạch Tesla mua lại SolarCity, đưa hai ý tưởng tiên tiến của ông về dưới một mái nhà.