Category Archives: C.E.O

5 lời khuyên khởi nghiệp của Richard Branson

Tỷ phú tự thân nổi tiếng người Anh với tài sản gần 5 tỷ USD đã chia sẻ trên blog cá nhân những kinh nghiệm dành cho doanh nhân trẻ.

1. Làm việc mình yêu và yêu việc mình làm

Khi bắt đầu kinh doanh, điều quan trọng là phải thử làm mọi việc, để xác định đâu là lĩnh vực mình giỏi nhất và thích làm nhất. Hồi còn đi học, tôi mắc chứng khó đọc, nên học những môn như Toán hay Khoa học rất khổ. Nhưng tôi lại cực kỳ quan tâm đến những chủ đề như văn hóa, âm nhạc hay thời sự (đặc biệt là cuộc chiến tranh tại Việt Nam và Nigeria).

Năm 16 tuổi, tôi bỏ học để mở tạp chí Student, tập trung vào các vấn đề tôi thích nhất. Sự yêu thích với công việc giúp tôi thức thâu đêm và tập trung suốt cả ngày. Nó cũng giúp tôi suy nghĩ tích cực trong những lúc căng thẳng nhất, và sẵn sàng đối mặt với bất kỳ thử thách nào. Chúng ta sử dụng đến 80% thời gian thức hằng ngày để làm việc. Vì thế, làm việc mình yêu và yêu cái mình làm là điều rất quan trọng.

2. Đừng ngại hỏi giúp đỡ

Richard Branson

Richard Branson là ông chủ Virgin Group. Ảnh: Reuters.

Chẳng ai giỏi tất cả mọi việc cả. Một số kỹ năng bạn phải mất hàng năm mới nắm vững được. Trong khi nhiều cái khác bạn chẳng hiểu chút nào. Khi bắt đầu làm Student, tôi đã thử tham gia mọi việc – viết bài, biên tập, quảng cáo, kế toán. Rất nhanh sau đó, tôi nhận ra mình chẳng phù hợp với những việc cần động đến số má tí nào.

Vì thế, tôi tìm đến những người tôi cho là sở hữu những kỹ năng mình thiếu, và đề nghị họ giúp đỡ. Bằng cách đó, tôi đã học được cách chuyển trách nhiệm cho những người làm việc đó tốt hơn mình.

Vì thế, hãy hỏi bản thân rằng: Anh hứng thú nhất với công đoạn nào trong kinh doanh? Bán hàng? Thiết kế? Marketing? Phân phối? Và nếu chưa có điều kiện thuê thêm người, bạn có thể tìm đến các sự kiện kết nối trong khu vực để hỏi ý kiến người có kinh nghiệm, hoặc các doanh nhân khác. Nói chuyện với họ không chỉ giúp bạn vượt qua khó khăn, mà còn khiến bạn thêm tập trung vào công việc.

3. Luôn mang sổ ghi chú

Tôi cực kỳ tin tưởng rằng những người có tham vọng lãnh đạo một công ty phải có thói quen ghi chú. Tôi luôn mang một cuốn sổ theo mình, và là người tích cực ghi chú, lên danh sách. Việc này giúp tôi tập trung vào công việc cần làm và khuyến khích tôi chăm chỉ hơn. Nó còn khiến tôi không bị chần chừ nữa.

Ảnh: Reuters.

Tôi không thể tưởng tượng hôm nay mình sẽ đi đến đâu nếu không kè kè chiếc bút để viết ra các ý tưởng của mình (và của người khác nữa) ngay khi bắt gặp. Một số doanh nghiệp thành công của Virgin Group đã ra đời từ các khoảnh khắc ngẫu nhiên đó.

4. Đi du lịch

Tôi sẽ chẳng được như ngày hôm nay nếu cứ ngồi một chỗ. Tôi chưa bao giờ có văn phòng cả, mà làm việc trên những chuyến đi luôn. Du lịch là cách tốt nhất để hiểu biết về thế giới, biết cái gì bạn yêu thích và cái gì bạn cần thay đổi. Nó là cách tuyệt vời để gặp gỡ mọi người, có được niềm vui và khám phá ra những ý tưởng mới. Hãy đứng lên, đi ra ngoài kia và xem bạn có thể tìm thấy thứ gì.

5. Đừng để tuổi tác làm rào cản

Quan trọng nhất là, đừng bao giờ để người khác nhìn tuổi để phán xét bạn. Những doanh nhân trẻ nhìn thế giới bằng cặp mắt đầy quyết tâm và năng lượng. Rất nhiều ý tưởng vĩ đại của thế giới đều đến từ những người chỉ ở độ tuổi 20 hoặc nhỏ hơn. Và bạn rất có thể là người kế tiếp.

“Bộ mặt thật” của Terry Gou, ông trùm đế chế Foxconn

Có thể miêu tả Terry Gou, “ông vua” của đế chế Foxconn bằng vài cách, song có hai từ trong tiếng Trung Quốc thực sự lột tả rất chính xác cá tính của nhân vật này. Một là “baqi” nghĩa là “khao khát”, hai là “qinglian” hay “trong sạch”.

"Bộ mặt thật" của Terry Gou, ông trùm đế chế Foxconn

Tính cách của Gou là thành quả của giáo dục từ cha mẹ. Hai cụ thân sinh ông là người nhập cư từ Trung Quốc đại lục. Cha của ông chưa bao giờ chuyển khỏi ngôi nhà nhỏ bé của mình ngay cả khi con cái đã trở thành những người giầu nhất Đài Loan.

Cha mẹ của Gou và chị gái rời tỉnh Sơn Đông đến Đài Loan năm 1949 sau nội chiến Trung Quốc và ông sinh ra một năm sau đó. Cha ông là cảnh sát nhưng không có nhà, cả gia đình phải đến sống tại một góc của ngôi đền cạnh nhà ga. Lớn lên, ông bị các đồng nghiệp bản xứ cô lập nên đã tự đứng lên tranh đấu cho bản thân.

Châm ngôn của Gou là “Nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực nhiều hơn”. Còn rất nhiều điều về nhà sáng lập kiêm CEO Hồng Hải (hay Foxconn) vượt quá sự tưởng tượng của nhiều người.

Chính điện của ngôi đền tại thành phố Đài Bắc, nơi Terry Gou sống cho đến khi học xong trung học.

Làm bạn với địch

Nhiều người hiếu kỳ tìm hiểu Foxconn mở rộng dây chuyền sản xuất như thế nào. Câu trả lời đơn giản: sự khát khao của Gou. Khi còn trẻ, Gou tìm được một việc tại công ty vận tải sau khi học quản trị kinh doanh tàu tại trường dạy nghề. Khi mở Foxconn năm 1974, ông không giới hạn hoạt động trong chuyên môn của mình mà thâm nhập vào các mảng mà ông tin là sẽ thành công, bắt đầu từ công tắc nhựa và nút bấm trên tivi, máy chơi game.

Khủng hoảng dầu hỏa những năm 1970 và suy thoái đã đánh gục công ty. Trong thời điểm khó khăn nhất, vợ của Gou thậm chí còn không có đủ tiền mua gạo nuôi con. Cha mẹ của bà phải cho Gou vay tiền để sinh sống qua ngày. Khi ấy, ông nhận thức sâu sắc rằng công nghệ đúc kim loại chính là con đường dẫn đến khác biệt hóa sản phẩm và tìm kiếm những sản phẩm có thể giúp mình cải tiến công nghệ trong khi vẫn thu được lợi nhuận.

Sau đó, Gou bắt đầu sản xuất giắc nối linh kiện và các thiết bị đầu vào/đầu ra trên máy tính cá nhân. Khi gia nhập thị trường vào khoảng năm 1983, ban đầu ông vẫn gặp khó khăn khi kiểm soát tỉ lệ sản phẩm hư hỏng. Nhằm phát hiện và xử lý tốt hơn, ông chuyển bàn làm việc đến gần bộ phận điều khiển tự động của nhà máy. Khi nhà sản xuất dây nối Toyo Tanshi – nay là Sumiko Tec – của Nhật Bản gặp rắc rối về tài chính, Gou đã nhanh chân đưa một số thành viên người Đài Loan về công ty mình.

Bỏ qua lòng tự trọng, ông thường xuyên tiếp cận tất cả người lạ như nhân viên của đối thủ và nhà cung ứng, để hỏi xin lời khuyên, theo một nguồn tin nội bộ Foxconn. “Làm bạn với địch” là một nét tính cách rất tự nhiên của Gou nhưng không mang tính hình thức. “Ông ấy biết rằng sẽ chẳng thể được ai giúp đỡ nếu chỉ tìm cách lợi dụng họ. Ông làm những việc nhỏ nhất từ mang trà khi họ bận, nói với họ về những gì ông ấy muốn và nhận thông tin cần thiết như ai là người quan trọng và khi nào họ xuất hiện”.

Ông ấy nói chuyện như thế nào và nói cái gì vẫn là một bí mật nhưng dường như không thay đổi nhiều kể từ khi bắt đầu. Gou sở hữu thần thái cuốn hút với mọi người. Khi ông trình bày, ông lấy đi sự chú ý của khán giả.

Khung sườn

Khi công ty đạt đến một mức độ nhất định, Gou bắt đầu vươn ra quốc tế. Gọi điện đến 32 bang của Mỹ, ở trọ tại các nhà trọ giá rẻ, ông đã giành được đơn hàng quan trọng từ Compaq Computer, nay là HP. Khách hàng mới của ông cũng đang khảo sát vỏ kim loại cho desktop. Nhân cơ hội này, Gou mua máy móc từ Nhật Bản, song sự thiếu hiểu biết của ông trong lĩnh vực đã bị bộc lộ. Máy móc đắt hơn những gì Compaq sẵn sàng trả và Gou đối mặt với khả năng không được bù đắp cho khoản đầu tư.

Dù vậy, rủi ro đã được loại bỏ với mô hình kinh doanh mới. Bằng cách giảm tổng chi phí linh kiện sản phẩm chứ không riêng gì vỏ, ông đã vượt lên đối thủ. Đặc biệt, ông phát minh ra mô đun khung sườn (“bare bone”) cho desktop và cung cấp cho Compaq. Mô-đun thiếu các linh kiện đắt tiền như chip và ổ cứng nhưng lại có lợi cho Compaq. Thứ nhất, họ có thể trì hoãn mua sắm cho đến phút cuối cùng. Tại thời điểm đó, linh kiện ngày một rẻ hơn theo thời gian cùng với sự phổ biến của máy tính cá nhân, đồng nghĩa với chi phí cho kinh kiện đắt đỏ sẽ rẻ hơn. Thứ hai, sự lãng phí trong việc chỉ giao các vỏ máy tính rỗng được loại trừ nhờ lấp đầy chúng bằng linh kiện cơ bản.

Model đã tạo ra cái gọi là “cú sốc Compaq”, nhanh chóng đẩy giá máy tính cá nhân xuống thấp và xóa bỏ vị thế thống trị mà NEC có được trên thị trường máy tính cá nhân.

Apple đã nhìn ra “cơn khát” của Gou và đặt niềm tin vào ông. Khoảng năm 2002, Apple đang không thể tìm ra một nhà cung cấp vỏ nhôm đáng tin cậy cho Power Mac G5. Không máy móc nào xử lý được hợp kim nhôm phù hợp cho máy tính dạng tháp. Trong khi các nhà sản xuất khác bó tay, Gou buộc nhân viên làm việc gấp đôi để đáp ứng nhu cầu Apple. Ông tham gia vào quá trình phát triển trong 2 tháng, theo nguồn tin Foxconn.

Không scandal

Từ khóa thứ hai miêu tả Gou chính là “trong sạch”. Vài người cho rằng một ông trùm như ông chỉ có thể là người xấu. Song không gì đúng với sự thật. Năm 2005, Gou trải qua nỗi buồn vô hạn khi vợ đầu tiên qua đời, người ông tin tưởng mọi thứ. Khi tái hôn với một biên đạo múa năm 2008, hai vợ chồng quyết định tặng 90% tài sản cá nhân làm từ thiện.

Gou quyên góp không ít trong khoảng 20 năm nay, trong đó có khoản 462 triệu USD cho nghiên cứu ung thư tại Đại học quốc gia Đài Loan. Ông còn hai lần tặng 100 triệu USD Đài Loan cho các nỗ lực cứu hộ động đất và sóng thần tại Nhật Bản tháng 3/2011, một từ Foxconn và một từ tiền riêng.

Nhân viên của Gou được trả lương khá hào phóng nhưng ông lại chi tiêu tiết kiệm. Chẳng hạn, khi ăn tối bên ngoài, ông bỏ qua các nhà hàng đắt tiền để ăn những món ưa thích như cơm thịt bò nướng hay một tô mỳ kiều mạch.

Ông còn nổi tiếng nghiêm khắc với các thành viên trong gia đình. Khi bắt gặp con trai, cũng làm một nhân viên Foxconn, ngủ quên bên máy móc, ông đã tát nhẹ vài cái vào mặt con mình để đánh thức. Không người con nào trong cuộc hôn nhân đầu tiên có hứng thú với Foxconn. Con trai ông làm việc trong lĩnh vực sản xuất phim và kinh doanh bất động sản, còn con gái quản lý tổ chức từ thiện thay cho người mẹ đã mất.