Category Archives: M&A

[Infographic] “Ông hoàng” M&A của Thái Lan đang nắm giữ những tài sản gì ở Việt Nam?

rong những năm gần đây, Charoen Sirivadhanabhakdi không còn là cái tên quá xa lạ – bởi danh hiệu “ông hoàng” M&A, với những khoản đầu tư đình đám trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, phân phối, bán lẻ, bao bì, đồ uống… không chỉ ở Thái Lan mà còn các nước trong khu vực Châu Á và đặc biệt là Việt Nam.

Trung tâm thương mại: Người vui, kẻ buồn

Thị trường bán lẻ đã có một năm đầy sôi động khi đón chào nhiều thương hiệu quốc tế đổ bộ vào Việt Nam như thời trang có Zara, H&M và sắp tới có thể là thương hiệu thời trang nổi tiếng Nhật Uniqlo, lĩnh vực F&B có các thương hiệu PastaMania (Singapore), Hokkaido Baked Cheese Tart (Nhật)…

Điều này mang lại niềm vui cho một số chuỗi trung tâm thương mại, mà sự kiện EIO trị giá 740 triệu USD của Vincom Retail đã phản ánh phần nào sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư vào thị trường bán lẻ hiện nay.

Dù vậy vẫn có những chuỗi bán lẻ kinh doanh không mấy khả quan. Một số thậm chí đang tìm cách bán mình cho những nhà bán lẻ khác khi không kịp thay đổi để thích nghi với phong cách mới của người tiêu dùng, hay đối mặt với áp lực cạnh tranh khắc nghiệt hơn từ các đối thủ mới cũng như xu thế bán hàng trực tuyến ngày một phổ biến hơn.

Tái cấu trúc hay chuyển nhượng

Union Square, trung tâm thương mại sở hữu 4 mặt tiền đường cực kỳ đắt đỏ tại quận 1, gần như im hơi lặng tiếng trong cả năm qua. Lý do là chủ sở hữu Tập đoàn Vạn Thịnh Phát quyết định đóng cửa để tái thiết kế, đồng thời chuẩn bị tung ra một chiến lược kinh doanh mới để thu hút hơn các thương hiệu bán lẻ.

Ảnh: Sơn Phạm.

Như vậy, sau thương vụ thâu tóm đình đám trị giá gần 10.000 tỉ đồng vào năm 2013, Union Square đã trải qua 2 đợt tái cơ cấu. Dù vậy hiệu quả kinh doanh đến giờ vẫn còn phải chờ trong khi các đối thủ liền kề đó như Vincom Center Đồng Khởi hay Saigon Centre liên tục ký được các hợp đồng thuê mặt bằng rất lớn từ các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Chuỗi Parkson vẫn đang vật lộn với muôn vàn khó khăn. Đơn vị này đã liên tiếp đóng cửa các trung tâm thương mại không hiệu quả ở Hà Nội và TP.HCM. Việt Nam vẫn là một trong những thị trường góp phần khiến Parkson thua lỗ. Trong quý I năm tài chính 2017-2018 kết thúc vào ngày 30.8.2017, Parkson báo lỗ tổng cộng 9,5 triệu USD do doanh thu bán hàng suy giảm.

Nếu các công ty lớn còn gặp nhiều khó khăn thì những người chơi ít tiếng tăm hơn cũng không dễ thở. Trong năm qua, theo ghi nhận của CBRE Việt Nam, đã xuất hiện một số chủ đầu tư căn hộ muốn chuyển nhượng phần khối đế thương mại cho các đối tác bán lẻ chuyên nghiệp hơn. Số khác linh động hơn khi bắt tay với người thuê trong việc chia sẻ lợi nhuận từ hiệu quả kinh doanh từng tháng, chứ không bám vào mức phí cho thuê cố định.

Dù có nhiều khó khăn nhất định, nhưng thị trường bất động sản bán lẻ vẫn đón lượng cung mới trong năm qua, cho thấy niềm tin của một số nhà đầu tư vào thị trường. Quý IV/2017, toàn thị trường bất động sản bán lẻ chào đón thêm 21.300m2 diện tích cho thuê ròng (NLA) từ 2 trung tâm thương mại là The Garden Mall và khối đế bán lẻ của Viettel Complex (quận 10). Tính chung cho cả năm 2017, thị trường có 7 dự án cung cấp thêm 74.183m2 diện tích bán lẻ, nâng nguồn cung hiện hữu tại TP. HCM lên tới 820.840m2 NLA. Các nguồn cung mới đều tập trung tại khu ngoài trung tâm và không có diện tích mới nào tại khu trung tâm.

Về giá chào thuê, khu trung tâm giữ nguyên giá so với quý trước ở mức 115,4 USD/m2/tháng (hơn 2,6 triệu đồng) vì không có thay đổi nào về nguồn cung bán lẻ nhưng giảm khoảng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. So với khu vực trung tâm, mặt bằng ngoài trung tâm có mức giá mềm hơn khi chỉ khoảng 37,8 USD/m2/tháng (hơn 850.000 đồng), tương ứng tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cuối tháng 1 năm nay, nhãn hàng thời trang H&M sẽ tiếp tục mở cửa hàng thứ 2 tại TP.HCM với địa điểm được chọn là Vincom Mega Mall Thảo Điền, phần nào cho thấy khu vực ngoài trung tâm đang dần trở thành một thế lực mới trên thị trường bán lẻ TP.HCM đi cùng với sự mở rộng không gian đô thị ra các quận vùng ven.

Khó khăn tái định vị

Trên thực tế, bất động sản bán lẻ là một trong những thị trường được giới chuyên gia dự đoán sẽ bùng nổ trong các năm tới, nhất là nhờ kinh tế cải thiện, tầng lớp trung lưu gia tăng khá nhanh cùng sự đổ bộ ngày càng nhiều của các thương hiệu hàng đầu quốc tế.

Nếu loại trừ một số trung tâm thương mại tạm dừng hoạt động để tái cơ cấu thì theo ghi nhận của CBRE, tỉ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại tại khu trung tâm TP.HCM vẫn lên đến 99,7%, khu vực ngoài trung tâm lên đến 93,1%, mức kỷ lục từ năm 2012.

Nhưng trong ngắn hạn, áp lực đạt được kết quả tích cực về hiệu quả hoạt động không phải là nhỏ. Lý do là bất động sản tăng quá nóng kể từ năm 2015 khiến cho mặt bằng giá gia tăng chóng mặt, nhất là khu vực trung tâm vốn bị hạn chế về quỹ đất trống. Chi phí phát triển dự án gia tăng đột biến khiến cho các trung tâm thương mại đối diện với tình thế lưỡng nan: vừa phải đảm bảo mức phí cho thuê đủ cao để duy trì tỉ suất sinh lợi phù hợp, vừa phải đủ thấp để hấp dẫn người thuê. Tất nhiên, không dễ tìm được lời giải “vẹn cả đôi đường” cho bài toán cân bằng này.

Từ nay đến năm 2020, dự kiến sẽ có khoảng 13 trung tâm thương mại được đưa vào vận hành, cung cấp thêm tới 638.082m2 diện tích cho thuê (tương ứng tăng 77%). Tiêu biểu như dự án Sala Shopping Centre (quận 2), Estella Place (quận 2), khối đế của Vinhomes Central Park (Bình Thạnh) hay Elite Mall (quận 8). Các trung tâm thương mại mới được thiết kế với không gian hiện đại, hướng về sự trải nghiệm hơn sẽ trở thành các đối thủ đáng gờm trên thị trường.

“Dự báo trong 3 năm tới, cạnh tranh trong thị trường bán lẻ sẽ tăng cao do một lượng lớn mặt bằng bán lẻ ở dưới khối đế căn hộ sẽ được chào thuê. Cùng với đó là thương mại điện tử nhận được sự quan tâm hơn từ phía nhà đầu tư và người tiêu dùng. Tính đến năm 2020, doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng 60% so với năm 2017 và sẽ chiếm gần 1,5% tổng doanh thu bán lẻ”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cao cấp của CBRE Việt Nam, nhận định.

Techcombank chính thức thông qua thương vụ bán Techcom Finance

HĐQT ngân hàng đã phê duyệt Hợp đồng và các tài liệu liên quan về việc mua/bán chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV Tài Chính Kỹ Thương. Tuy nhiên giá trị chưa được tiết lộ.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa thông báo thông tin Hội đồng quản trị ngân hàng đã phê duyệt Hợp đồng và các tài liệu liên quan về việc mua/bán chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV Tài Chính Kỹ Thương (Techcom Finance – TCF) theo Nghị quyết của HĐQT ngày 28/9/2017.

Trước đó, hãng tin của Hàn Quốc đưa tin, Lotte Card Co., một thành viên của Lotte Group dự kiến mua lại 100% vốn của công ty Techcom Finance, tổ chức tài chính đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép phát hành thẻ tín dụng (giấy phép phát hành thẻ tín dụng), từ Techcombank.

Trong khi đó, tờ The Investor cho hay, Lotte Group sẽ mua lại toàn bộ cổ phần công ty con của Techcombank với giá thỏa thuận ước tính hàng chục tỷ won (hàng chục triệu USD).

Techcombank đã mua lại Công ty Tài chính cổ phần Hóa Chất Việt Nam (VCFC) và đổi tên thành Techcom Finance vào tháng 6/2015. Năm 2014, trước khi trở thành công ty con của Techcombank, lợi nhuận trước thuế của VCFC đạt gần 13 tỷ đồng, chỉ bằng 1/8 lợi nhuận trước thuế của năm 2013, nguyên nhân là công ty phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 100 tỷ đồng, so với mức 470 triệu của năm 2013.

Năm 2016, Techcom Finance ghi nhận tổng doanh thu thuần 33 tỷ đồng, chi phí hoạt động 6 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 28 tỷ đồng tiếp tục giữ ở mức ổn định.

Đại gia Thuỵ Sỹ bán xi măng Holcim Việt Nam cho Thái Lan

Đối tác mua lại 65% phần vốn của LafargeHolcim tại Holcim Việt Nam là Siam City với giá trị chuyển nhượng 19.900 tỷ đồng.

Tập đoàn LafargeHolcim – chủ của thương hiệu xi măng Holcim vừa ra thông báo đã bán hơn 65% cổ phần tại Liên doanh Holcim Việt Nam cho một doanh nghiệp sản xuất xi măng Thái Lan là Siam City (SCCC) với giá 867 triệu franc (19.900 tỷ đồng).

Holcim Việt Nam là một thành viên của Tập đoàn LafargeHolcim, thương hiệu dẫn đầu trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng thế giới với đội ngũ hơn 115.000 nhân viên, có mặt tại 90 quốc gia trên toàn thế giới.

dai-gia-thuy-sy-ban-xi-mang-holcim-gia-20000-ty-dong-cho-thai-lan

Đại gia Thuỵ Sỹ đã góp hơn 65% vốn vào Holcim Việt Nam, sau 22 năm gắn bó đã quyết định bán cho Thái Lan Siam City

Được thành lập năm 1994, đến nay Holcim Việt Nam có vốn đầu tư 441 triệu USD, trong đó LafageHolcim góp 65% vốn; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) nắm giữ 35% cổ phần.

Holcim hiện sử dụng hơn 1.500 lao động tại 5 nhà máy xi măng kỹ thuật cao. Đây là doanh nghiệp xi măng có vốn ngoại lớn bậc nhất tại Việt Nam.

SCCC là doanh nghiệp xi măng lớn thứ 2 ở Thái Lan, thành lập năm 1969. Với lịch sử 45 năm hoạt động, công ty bắt đầu phát triển mạnh tại khu vực Campuchia, Malaysia, Indonesia… Doanh thu năm 2015 lên tới 908 triệu USD.

Thương vụ được cho là sẽ hoàn thành vào quý IV năm nay. Lý do không được phía LafargeHolcim đưa ra, song nhiều chuyên gia trong ngành khẳng định việc đại gia Thuỵ Sỹ rời khỏi Việt Nam sau 22 năm đầu tư phát triển là do cạnh tranh gay gắt trong ngành này với bối cảnh cung vượt cầu, xi măng dư thừa như hiện nay.

Thực tế, năm 2015, sản lượng xi măng và clinker của Việt Nam xuất khẩu đạt 15,9 triệu tấn, tương ứng 668 triệu USD, giảm 24,9% về lượng và 26,8% về trị giá so với cùng kỳ.

Trong năm 2016, dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng cả nước đạt khoảng 75-77 triệu tấn, tăng 4-7% so với năm 2015. Tỷ lệ tiêu thụ nội địa năm tới dự báo tăng lên mức 59-60 triệu tấn, trong khi lượng xuất khẩu xi măng giảm xuống 16-17 triệu tấn.

Dù sản lượng tiêu thụ xi măng năm 2016 tăng so với năm nay, nhưng theo Bộ Xây dựng một số nhà máy xi măng trên cả nước vẫn không thể hoạt động hết công suất vì cầu trên thị trường không theo được cung. Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 76 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế đạt 82 triệu tấn một năm.

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết, trong khoảng 1-2 năm tới, ngành xi măng dự kiến sẽ có thêm khoảng 6 dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động với công suất lên tới hàng chục triệu tấn.

Dự báo trong vòng 5 năm tiếp theo, công suất thiết kế ngành xi măng của Việt Nam sẽ chạm mốc 99 triệu tấn. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ về sản lượng sản xuất xi măng đứng đầu thế giới.

Bạch Dương

Xúc xích Đức Việt “bán mình” với giá 32 triệu USD?

Trang tin Dealstreetasia thông tin, Tập đoàn thực phẩm Daesang Corp (Hàn Quốc) sẽ mở rộng hoạt động của mình trong lĩnh vực chế biến thịt tại Việt Nam bằng cách tiến hành thâu tóm CTCP Thực phẩm Đức Việt.

Mới đây, Dealstreetasia (Singapore) đưa tin, Tập đoàn thực phẩm Daesang Corp (Hàn Quốc) sẽ mở rộng hoạt động của mình trong lĩnh vực chế biến thịt tại Việt Nam bằng cách tiến hành thâu tóm CTCP Thực phẩm Đức Việt, một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực chế biến xúc xích tươi với mức giá 32 triệu USD, tương đương khoảng 770 tỷ đồng.

Như vậy, với giá trị thương vụ như trên, Deasang đang định giá mỗi cổ phần của công ty này vào khoảng 2,46 USD, tương đương khoảng 55.000 đồng.

Tờ Dealstreetasia cũng dẫn báo cáo của Deasang cho biết, Đức Việt có tổng tài sản 16 tỷ won (khoảng 320 tỷ đồng) và nợ phải trả 7 tỷ won (khoảng 140 tỷ đồng). Năm ngoái, Đức Việt đạt doanh thu 31 tỷ won (hơn 600 tỷ đồng) và lợi nhuận thu về là 2 tỷ won (40 tỷ đồng).

Cũng theo nguồn tin này, Tập đoàn đến từ Hàn Quốc sẽ hoàn tất việc mua lại 99,99% cổ phần Công ty thực phẩm Đức Việt vào ngày 5/8.

Phản hồi về thông tin nêu trên, sáng 28/7, đại diện CTCP Thực phẩm Đức Việt cho biết, hiện tại công ty mới đang trong quá trình đàm phán và chưa có quyết định cuối cùng. “Khi có thông tin chính thức, Công ty Đức Việt sẽ gửi các cơ quan báo chí sau”, đại diện CTCP Thực phẩm Đức Việt cho hay.

CTCP Thực phẩm Đức Việt được thành lập năm 2000, hiện vốn điều lệ công ty đạt 130 tỷ đồng và theo danh sách cổ đông được cập nhật tới tháng 5/2016, ông Mai Huy Tân là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 28,62%.

Tính đến thời điểm này, Daesang có 3 nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, Miwon là một thương hiệu do Daesang sở hữu. Daesang cho biết, việc thâu tóm Đức Việt sẽ giúp công ty củng cố thị phần trong lĩnh vực chế biến thịt, xúc xích đầy tiềm năng.