Category Archives: News

WhatsApp bắt đầu chèn quảng cáo

Sau một thời gian bị Facebook mua lại, ứng dụng nhắn tin WhatsApp đã bắt đầu bước vào giai đoạn thương mại hóa bằng việc chèn thêm quảng cáo để tạo doanh thu.

Theo PhoneArena, thông tin trên đã được ông Chris Daniels – Phó chủ tịch WhatsApp xác nhận, và ứng dụng này sẽ nhận các hợp đồng hiển thị nội dung quảng cáo nằm ở thanh trạng thái của phần mềm.

“Tính năng mới sẽ giúp công ty tạo được thêm doanh thu, cũng như giúp doanh nghiệp tiếp cận với người dùng trên WhatsApp dễ dàng hơn”, ông Chris Daniels cho biết.

WhatsApp đã bắt đầu triển khai hiển thị quảng cáo. Ảnh: AFP.

Vào đầu năm nay, Jan Koum – đồng sáng lập và sau đó là CEO của dịch vụ nhắn tin WhatsApp đã rời công ty , một số nguồn tin cho biết là vì ông đã bất đồng với ban lãnh đạo của Facebook trong việc không muốn sử dụng ứng dụng này vào mục đích thương mại.

WhatsApp từng là ứng dụng nhắn tin trên di động có lượng người dùng lớn nhất toàn cầu, với động thái mới nhất này, nhiều người dùng cảm thấy không vui.

Được biết, Facebook mua lại WhatsApp vào năm 2014 và từng cam kết sẽ phát triển ứng dụng có nhiều tính năng hơn để thu hút người dùng.

Thành Luân

Samsung sẽ xây dựng nhà máy sản xuất smartphone thứ 3 tại Việt Nam?

Chuyến đi của đoàn lãnh đạo Samsung Electronics qua thăm Việt Nam lần này được cho là để bàn kế hoạch xây dựng thêm nhà máy smartphone tại Việt Nam.

Theo thông tin từ trang tin Hàn Quốc Thelec, Samsung đang có kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy sản xuất smartphone tại Việt Nam. Nếu đề xuất được thông qua, Samsung Electronics sẽ có tổng cộng 3 nhà máy smartphone tại Việt Nam.

Nhà máy đầu tiên của Samsung tại Việt Nam được đặt tại tỉnh Bắc Ninh, đi vào hoạt động năm 2009. Sau đó công ty Hàn Quốc tiếp tục mở rộng nhà máy ở Bắc Ninh, trước khi xây dựng thêm nhà máy thứ hai tại Thái Nguyên.

Hiện tại, công suất hàng năm của hai nhà máy này vào khoảng 120 triệu điện thoại. Nhà máy thứ ba dự kiến có công suất 60-120 triệu điện thoại/năm.

Hiện tại Samsung có hai nhà máy sản xuất smartphone ở Việt Nam, đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Ảnh: Samsung.

Tháng 7 năm nay, Samsung đã khai trương nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất của hãng tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Có tổng diện tích hơn 32,5 hecta, nhà máy mới có công suất 120 triệu smartphone mỗi năm, sản xuất từ dòng điện thoại giá rẻ tới những dòng máy cao cấp.

Theo thông tin từ Hàn Quốc, Samsung muốn mở thêm nhà máy tại Việt Nam trong bối cảnh hãng sắp đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc.

Vào tháng 8, thông tin từ giới truyền thông cho thấy Samsung muốn ngừng sản xuất smartphone tại nhà máy ở Thiên Tân. Công ty này còn có một nhà máy khác tại Huệ Châu. Tổng công suất hàng năm của hai nhà máy vào khoảng 100 triệu máy/năm.

Trong vài năm trở lại đây, thị phần smartphone Samsung tại Trung Quốc giảm mạnh, hiện chỉ còn dưới 1%. Phát biểu với giới truyền thông, đại diện Samsung cho biết họ đang tập trung vào việc tăng hiệu quả hoạt động của nhà máy tại Thiên Tân.

Tháng 7 vừa qua, công ty này cũng khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới với công suất 120 triệu máy/năm tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Thelec nhận định chính phủ Việt Nam có thể đưa ra chính sách hỗ trợ để Samsung quyết tâm đầu tư vào nhà máy thứ 3 tại Việt Nam. Nhà máy này sẽ tập trung sản xuất các điện thoại từ giá rẻ đến trung cấp, cung cấp cho các thị trường như Đông Nam Á, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Samsung Việt Nam hiện sở hữu 4 nhà máy là Samsung Electronics Vietnam (SEV), Samsung Display Vietnam (SDV) tại Bắc Ninh và Samsung Electronics Vietnam Thainguyen (SEVT) tại Thái Nguyên, Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) tại TP HCM.

Trong số này, SEV và SEVT là 2 nhà máy sản xuất smartphone, SDV chuyên trách về màn hình và SEHC sản xuất các thiết bị ngành hàng gia dụng.

Nhật Minh

Thị trường máy tính bảng sụt giảm

Apple vẫn giữ vững vị trí số một thị trường máy tính bảng khi sở hữu doanh số gần gấp đôi so với Samsung, nhà sản xuất lớn thứ hai hiện nay.

Theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường IDC, mảng kinh doanh máy tính bảng toàn cầu đã sụt giảm 8,6% trong quý 3/2018. Trong đó, tổng lượng máy bán ra giảm từ 39,9 triệu đơn vị xuống còn 36,5 triệu so với quý 3/2017.

IDC cho biết doanh số máy tính bảng loại đơn chiếm đa phần thiết bị bán ra (31,6 triệu chiếc), trong khi các loại máy tính bảng tháo rời (có phụ kiện gắn kèm như bàn phím, bút…) chỉ tiêu thụ được 4,8 triệu chiếc. Cả hai lần lượt giảm 7,9% và 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dòng máy tính bảng giá rẻ mới ra mắt không đủ sức kéo kết quả kinh doanh của Apple. Ảnh: AFP.

Lauren Guenveur, chuyên gia phân tích cao cấp mảng máy tính bảng của IDC nhận định thị trường máy tính bảng tháo rời đã không thể đạt được tăng trưởng trong năm 2018, nối dài những lo lắng của nhà đầu tư cũng như sản xuất trong phân khúc này kể từ năm 2016.

“Tháng 10 vừa qua, iPad Pro của Apple và Surface Pro của Microsoft tham gia thị trường, cùng với các sản phẩm mới của Samsung, Google. Sự bổ sung này có thể giúp quý cuối cùng trong năm sẽ là giai đoạn đảo chiều đối với dòng máy tính bảng tháo rời”, Lauren chia sể trên trang Neowin.

Các dữ liệu của IDC cũng cho thấy chỉ có Huawei là nhà sản xuất kiếm được lợi nhuận trong quý 3, trong khi Amazon chỉ giữ khoảng cách so với kết quả cùng kỳ năm ngoái. Còn lại, cả Apple, Samsung, Lenovo… đều sụt giảm doanh số máy. Trong đó, Samsung và Lenovo có chỉ số giảm mạnh nhất.

Anh Quân

Hãng đồ thể thao trị giá 100 triệu bảng Anh của chàng trai 26 tuổi

Ben Francis thành công nhờ tận dụng ảnh hưởng của người nổi tiếng trên mạng xã hội để bán các sản phẩm của mình.

Năm 2012, Ben Francis ban ngày là một sinh viên toàn thời gian, ban đêm là nhân viên giao pizza nhưng vẫn chạy song song startup Gymshark của mình.

Mỗi sáng, chàng sinh viên đến Đại học Aston ở Birmingham và hoàn thành chương trình vào buổi trưa. Sau đó, anh đến Pizza Hut làm việc từ 17h-22h. “Tôi có thể trả lời email công việc của Gymshark giữa những khoảng thời gian giao hàng, sau đó về nhà, phân loại trên website, thiết kế những sản phẩm mới”, anh nhớ lại khoảng thời gian đầu của hành trình khởi nghiệp.

Sau 2 năm kiệt sức với những chuỗi công việc liên miên ấy dù doanh thu hàng năm 250.000 bảng Anh, Ben bỏ học và nghỉ hẳn công việc giao pizza để tập trung hoàn toàn vào công ty. Từ đó đến nay, Gymshark liên tục tăng trưởng, dự đoán kết thúc năm nay công ty sẽ đạt giá trị 100 triệu bảng Anh.

Ben Francis

Ben Francis – ông chủ Gymshark. Ảnh: Gymshark.

Trước khi bắt đầu khởi nghiệp vào năm 2012, ngọn lửa kinh doanh đã sớm bùng phát trong chàng trai trẻ. Khi còn là một thiếu niên, Ben thành lập một website bán biển số xe. Là người thường xuyên đến phòng tập gym, anh xây dựng và ra mắt hai ứng dụng dành cho iPhone để theo dõi tập thể dục, một trong số đó bán được 8.000 bảng Anh.

Gymshark ra đời với ý tưởng ban đầu là trở thành kênh bán lẻ online, chuyên phân phối sản phẩm bổ sung tốt cho sức khỏe dành cho những tín đồ của gym.

“Tôi thường đi tập gym, rất hứng thú và muốn làm gì đó trong ngành công nghiệp này. Tôi muốn kết hợp tạo nên một website kinh doanh”, anh chia sẻ về ý tưởng. Khi Ben sáng lập công ty, lợi nhuận từ bán các mặt hàng này là cực thấp, vì vậy anh chuyển hướng sang mảng khác là quần áo.

“Tôi vẫn còn nhớ những khoảnh khắc phải lục tìm khắp nơi nhưng vẫn không thấy một bộ đồ tập ưng ý. Và thế là tôi nghĩ mình phải tự làm thôi”, anh kể tiếp.

Với sự hỗ trợ của anh trai và nhóm bạn, Ben mua một chiếc máy may và máy in, bắt đầu tự thực hiện những chiếc áo thun và áo tập thể dục ngay tại garage của bố mẹ. Nhờ có bà là thợ may màn cửa, Ben nhanh chóng học được cách may đồ.

6 năm sau khi thành lập, Gymshark đã có trên 1,2 triệu khách hàng và 215 nhân viên tại các trụ sở ở West Midlands.

Công ty tập trung làm những chiếc áo tập thể dục vừa vặn với các thiếu niên có ngoại hình gầy gò bởi hầu hết các sản phẩm trên thị trường đều thiết kế cho những người lớn tuổi – nhóm hầu như đã định hình các cơ bắp trên người.

6 năm sau, Gymshark đã có trên 1,2 triệu khách hàng và 215 nhân viên tại các trụ sở ở West Midlands. Thành công nhanh chóng của công ty một phần đến từ lượng người dùng trên mạng xã hội. Quan trọng hơn là thương hiệu quyết định tặng quần áo tập miễn phí cho những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội trong lĩnh vực này. Công ty kỳ vọng mỗi ngôi sao có thể nói những điều tích cực về sản phẩm cho người hâm mộ theo dõi trên Youtube và Instagram. Ý tưởng gây hiệu ứng mạnh hơn cả những gì mà Ben và cộng sự mong đợi với doanh số bán hàng nhanh chóng tăng trưởng thần tốc.

Cùng thời điểm, công ty nỗ lực đảm bảo các tài khoản mạng xã hội của mình thật thú vị và kích thích, gây hứng thú cho người dùng. Giờ đây, Instagram của họ có 2,1 triệu lượt theo dõi và Facebook đã đạt mốc 1,5 triệu.

Gần đây Gymshark thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện khắp thế giới, mời khách hàng của hãng đến gặp những nhân vật gây ảnh hưởng trên mạng xã hội. Hàng trăm người đã đến tham dự các sự kiện như thế.

Một yếu tố quan trọng nữa trong thành công tiếp nối của Gymshark là mời về nhiều cánh tay dày dạn kinh nghiệm để giúp Ben phát triển việc kinh doanh. Steve Hewitt – một nhân vật kỳ cựu trong ngành quần áo thể thao đã tham gia công ty với vai trò giám đốc quản lý vào năm 2015, trước khi trở thành giám đốc điều hành từ tháng 4 năm ngoái. Ben vẫn là chủ sở hữu phần lớn công ty, trong khi Hewitt và giám đốc chiến lược Paul Richardson cũng nắm giữ lượng cổ phần đáng kể. Một cổ đông khác là bạn của Ben – Lewis Morgan, người đã giúp anh ra mắt Gymshark nhưng rời công ty vài năm sau đó.

Tận dụng ảnh hưởng của người nổi tiếng trên mạng xã hội tạo nên thành công và doanh số tăng trưởng chóng mặt cho Gymshark. Ảnh: Gymshark.

Emily Sutherland, cây viết từ tạp chí Drapers, cho rằng việc tận dụng những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội chính là chìa khóa thành công của Gymshark, bởi “Những người này mang đến cho khách hàng lý do để mua đồ của Gymshark thay vì của các hãng khác, bởi họ cảm thấy có sự kết nối về mặt cá nhân”.

Sutherland nói thêm, thành công cũng bởi Gymshark là hãng chỉ bán duy nhất qua online và sản phẩm đến trực tiếp tay khách hàng, nhờ đó mà họ có thể linh động, tương tác nhanh chóng với những biến động trên thị trường và không bị ảnh hưởng bởi giá thuê cửa hàng vốn là một chi phí rất đắt đỏ.

Trong tương lai, Gymshark có kế hoạch mở rộng bán hàng ra nước ngoài. Hiện 40% doanh số của họ đến từ thị trường Mỹ và kỳ vọng sẽ có 25 cửa hàng online tại các quốc gia khác vào năm 2020 so với con số 11 của hiện tại.

Sắp tới công ty có kế hoạch sẽ mở cửa hàng offline đầu tiên. “Tôi không thường đi mua sắm nhưng đang cân nhắc cách làm tốt nhất để mở cửa hàng cố định ở đâu đó. Tôi không chắc là mình cần quá nhiều diện tích, điều quan trọng là một điểm đến thật độc đáo”, Ben giải thích về chiến lược sắp tới.

Trương Sanh / BBC

Top 10 CEO xuất sắc nhất thế giới: Jeff Bezos, Tim Cook vắng bóng

Tạp chí Harvard Business Review mới đây công bố danh sách 100 CEO xuất sắc nhất thế giới năm 2018. Theo đó, Pablo Isla, CEO của Inditex – gã khổng lồ thời trang đứng sau các thương hiệu nổi tiếng như Zara, Massimo Dutti và Pull and Bear năm thứ hai liên tiếp được xếp ở vị trí cao nhất.

Bảng xếp hạng được đưa ra dựa trên cơ sở xem xét ba tiêu chí tài chính chính: Sự thay đổi vốn hóa thị trường của công ty dưới sự điều hành của CEO; tổng cổ tức cổ đông nhận được xét theo quốc gia và tổng lợi tức cổ đông nhận được so với ngành.

Ngoài ra, Harvard Business Review còn xem xét thêm tiêu chí phụ là trách nhiệm xã hội, môi trường và quản trị. Ví dụ: lượng chất thải nguy hại mà một công ty thải ra môi trường hay các hoạt động xã hội của công ty.

Điểm của bốn tiêu chí sau đó được cộng gộp và chia trung bình để xác định điểm xếp hạng của các CEO.

Danh sách 100 CEO xuất sắc nhất thế giới năm 2018 đa số là đàn ông, chỉ có 3 nữ CEO. Tuy nhiên, số nữ CEO như vậy là đã tăng so với hai năm trước.

Dưới đây là chân dung 10 CEO xuất sắc nhất thế giới năm 2018:

1. Pablo Isla, CEO Inditex (Tây Ban Nha)

Pablo Isla

Ảnh: Reuters.

  • Ngành: Bán lẻ
  • Làm CEO từ năm 2005

2. Jensen Huang, CEO Nvidia (Mỹ)

Jensen Huang

Ảnh: Ethan Miller/Getty Images.

  • Ngành: Công nghệ thông tin
  • Làm CEO từ năm 1993

3. Bernard Arnault, CEO LVMH (Pháp)

Bernard Arnault

Ảnh: Michel Euler/AP.

  • Ngành: Hàng tiêu dùng cao cấp
  • Làm CEO từ năm 1989

4. Francois-Henri Pinault, CEO Kering (Pháp)

Francois-Henri Pinault

Pinault và vợ – nữ diễn viên Salma Hayek. Ảnh: Jordan Strauss/AP.

  • Ngành: Hàng tiêu dùng cao cấp
  • Làm CEO từ năm 2005

5. Elmar Degenhart, CEO Continental (Đức)

Elmar Degenhart

Ảnh: Thomson Reuters.

  • Ngành: Phụ tùng ô tô
  • Làm CEO từ năm 2009

6. Marc Benioff, CEO Salesforce (Mỹ)

Marc Benioff

Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images.

  • Ngành: Công nghệ thông tin
  • Làm CEO từ năm 2001

7. Jacques Aschenbroch, CEO Valeo (Pháp)

Jacques Aschenbroch

Ảnh: Reuters.

  • Ngành: Công nghiệp ô tô
  • Làm CEO từ năm 2009

8. Johan Thijs, CEO KBC (Bỉ)

Johan Thijs

Ảnh: Reuters.

  • Ngành: Ngân hàng
  • Làm CEO kể từ năm 2012

9. Hisashi Ietsugu, CEO Sysmex (Nhật Bản)

Hisashi Ietsugu

Ảnh: Sysmex.

  • Ngành: Y tế
  • Làm CEO từ năm 1996

10. Martin Bouygues, CEO Bouygues (Pháp)

Martin Bouygues

Ảnh: Thomson Reuters.

  • Ngành: Viễn thông
  • Làm CEO từ năm 1989