Category Archives: News

Jollibee tuyên bố sẽ cạnh tranh trực diện với KFC trên toàn thế giới

Jollibee Foods, công ty đồ ăn nhanh Philippines đang nhắm tới việc cạnh tranh với KFC để trở thành thương hiệu toàn cầu.

Ernesto Tanmantiong – CEO công ty nói rằng đang tìm thêm các thương vụ thâu tóm ở Mỹ và Trung Quốc đồng thời lên kế hoạch mở 25 nhà hàng tại Anh trong vòng 5 năm tới.

Ông nói rằng Jollibee sẽ tìm cách phục vụ cộng đồng dân cư gốc Philippines – dự kiến khoảng 300.000 người riêng ở Anh và thấy “cơ hội để phục vụ” những khách hàng không phải người Philippines vẫn chưa biết đến họ.

“Đó là tầm nhìn của Jollibee – để trở thành một thương hiệu toàn cầu”, ông Tanmantiong nhấn mạnh.

Công ty này hiện đạt vốn hóa thị trường 5 tỷ USD – đã mở cửa hàng đầu tiên tại châu Âu ở Milan vào tháng 3. Họ lên kế hoạch mở thêm nhiều cửa hàng nữa ở Ý, Guam và Tây Ban Nha vào năm 2020. Công ty hiện đã có 41 cửa hàng ở Bắc Mỹ – 1 ở Hong Kong và 1 ở Macau.

Ngoài thương hiệu đồ ăn nhanh Jollibee, công ty này còn sở hữu chuỗi đồ ăn Smashberger của Mỹ, quán cà phê Highlands và Phở 24 của Việt Nam; nhượng quyền Burger King tại Philippines và điều hành Dunkin’ Donuts ở một vài khu vực ở Trung Quốc.

Tanmantiong nói rằng “giấc mơ” của Jollibee là lặp lại thành công đạt được tại Philippines ở Việt Nam – một quốc gia có kích thước kinh tế tương tự và đang tăng trưởng ở mức 7% một năm.

Jollibee trước đó đã tuyên bố vào ngày 20/10 rằng họ sẽ mở cửa hàng đầu tiên ở London nhưng đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao chính thức nói về kế hoạch mở rộng ra nước Anh.

“Nước Anh có một lượng lớn dân số là người Philippines và chúng tôi cũng nghĩ rằng các sản phẩm của Jollibee có thể ‘vượt rào’ – đáp ứng nhu cầu của cả những người dân địa phương. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn của rất nhiều cửa hiệu ở Anh”.

Jollibee nổi tiếng tại Philippines với món gà rán chickenjoy, spaghetti ngọt và burger. Hãng này cho biết đang vẽ ra bản đồ những địa điểm sẽ mở tại London và những nơi khác ở Anh nhưng chưa đưa ra thông tin chi tiết.

“Chúng tôi tin rằng mình có sản phẩm tốt hơn KFC. Chúng tôi thấy rằng KFC có rất nhiều cửa hàng tại Anh, bán cùng một loại gà rán như vậy và chúng tôi nghĩ rằng mình có cơ hội tốt để phục vụ thị trường đó”.

Ông Tanmantiong nói rằng nếu 25 cửa hàng đầu tiên thành công, “tôi chắc chắn sẽ có cơ hội lớn để phát triển tại Anh”.

Một cửa hàng Jollibee tại Việt Nam.

Jollibee hướng sự chú ý tới Anh kể từ năm 2017 khi họ tổ chức buổi thảo luận về việc mua hãng Pret A Manger của Anh. Tuy nhiên, nhà sáng lập và chủ tịch Tony Tan Caktiong nói rằng mức giá quá cao.

Ysmael Baysa – Giám đốc tài chính của Jollibee nói rằng công ty “luôn sẵn sàng cho những thương vụ thâu tóm” và trên thực tế họ đang tìm cách thâu tóm những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu bằng tiền mặt.

Ông Baysa nói dự kiến SuperFoods – công ty sở hữu Highlands Coffee và Phở 24 sẽ niêm yết tại Việt Nam vào năm 2019.

Tháng trước, công ty đã trả 12,4 triệu USD cho 47% cổ phần Tortas Frontera – một chuỗi đồ ăn của người Mexico được thành lập bởi đầu bếp Rick Bayless nhằm đẩy mạnh vào mảng bữa tối “nhanh”.

Nhiều chuyên gia thì lo ngại rằng liệu thực đơn của Jollibee khó có thể phù hợp những khách hàng nước ngoài hay không, ông Tanmantiong tự tin khẳng định với FT rằng Jollibee có thể hấp dẫn cả những khách hàng không phải người Philippines.

Vân Đàm / FT

Chi hàng tỷ USD làm dự án, đại gia Việt giàu ra sao so với khu vực?

Người giàu nhất Việt Nam chỉ đứng thứ 11 tại Đông Nam Á. Tổng khối tài sản của các tỷ phú Việt nhỏ hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực, kém 5-8 lần.

Gần đây các doanh nghiệp Việt được truyền thông quốc tế nhắc tới rất nhiều với những dự án tỷ USD đầy tham vọng như sản xuất xe hơi của VinFast, hàng không của Bamboo Airways hay dự án thép Dung Quất của Hòa Phát… Gây được tiếng vang lớn với quốc tế, sở hữu khối tài sản nhiều tỷ USD nhưng so với các tỷ phú khác trong khu vực Đông Nam Á khối tài sản của những đại gia người Việt vẫn còn rất khiêm tốn.

Người giàu nhất chưa lọt vào top 10 Đông Nam Á

Ông Phạm Nhật Vượng hiện là đại gia giàu nhất Việt Nam sở hữu khối tài sản ròng lên tới 6,4 tỷ USD, theo xếp hạng của Forbes.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, khối tài sản của vị đại gia này đã tăng hơn 4 tỷ USD và là người có tốc độ gia tăng tài sản ròng nhanh nhất Đông Nam Á trong vòng một năm qua. Trong khi đó, tài sản các tỷ phú của quốc gia khác không tăng nhiều, thậm chí còn giảm mạnh so với một năm trước như trường hợp của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (Thái Lan) và Henry Sy (Philippines) cùng mất tới 3,5 tỷ USD.

Là người giàu nhất Việt Nam, nhưng chỉ tính tại Đông Nam Á, ông Vượng vẫn chưa thể gia nhập top 10 người giàu nhất khu vực. Với khối tài sản 6,4 tỷ USD, ông xếp thứ 11 trong danh sách tỷ phú USD Đông Nam Á, cùng vị trí với 2 người khác là ông The Hong Piow (Malaysia) và ông Wee Cho Yaw (Singapore). Đây là 2 đại gia có tiếng trong lĩnh vực tài chính không chỉ tại quốc gia họ mà trên thế giới. Trong khi ông The Hong Piow là Chủ tịch và cổ đông lớn sở hữu gần 1/4 vốn của Malaysia Public Bank thì ông Wee Cho Yaw cũng là Chủ tịch của United Overseas Bank, ngân hàng cho vay lớn thứ 3 tại Singapore hiện nay.

Xếp trên ông Vượng là hàng loạt đại gia có tiếng khác như Chủ tịch tập đoàn nông nghiệp lớn nhất Thái Lan và nổi tiếng tại Việt Nam C.P Group, ông Dhanin Chearavanont với 14,5 tỷ USD tài sản; ông chủ mới của Bia Sài Gòn – tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi = với hơn 14,1 tỷ USD; hay anh em nhà Robert và Philip Ng với “đế chế” bất động sản Far East Organization nổi tiếng của Singapore…

Chưa thể gia nhập top 10 người giàu nhất tại Đông Nam Á, nhưng so với đầu năm ông Vượng đã tiến thêm tới 9 bậc trong danh sách các tỷ phú Đông Nam Á với khối tài sản ra tăng hơn 2,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay.

Thậm chí, nếu so trong danh sách tỷ phú thế giới, chỉ trong chưa tới 1 năm, ông Vượng đã tiến thêm 257 bậc trên bảng xếp hạng, hiện đứng thứ 242 thế giới.

Tài sản tỷ phú Việt chỉ bằng 1/8 Thái Lan

Trong khi đó, các tỷ phú khác của Việt Nam hiện cũng xếp ở vị trí thấp trong danh sách người giàu Đông Nam Á. Đơn cử, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air (VJC), hiện sở hữu 2,8 tỷ USD và xếp thứ 812 thế giới. So với đầu năm, khối tài sản của bà đã giảm hơn 300 triệu USD. Nguyên nhân lớn nhất của việc sụt giảm này đến từ việc cổ phiếu VJC đã giảm mạnh từ mức đỉnh hồi đầu năm. Tại Đông Nam Á, bà Thảo hiện xếp thứ 33.

Khối tài sản ròng hiện tại của 4 tỷ phú USD Việt Nam.

Hai tỷ phú mới được Forbes đưa vào danh sách hồi đầu năm là ông Trần Bá Dương và Trần Đình Long đang sở hữu lần lượt 1,7 tỷ USD và 1,2 tỷ USD tài sản ròng, không thay đổi nhiều so với giai đoạn đầu năm. Hai đại gia trong lĩnh vực công nghiệp nặng của Việt Nam đứng lần lượt thứ 63 và 84 trong khu vực.

Hiện tại, trong 6 quốc gia Đông Nam Á có tỷ phú USD trong danh sách của Forbes, Việt Nam là nước có ít tỷ phú nhất với chỉ 4 cái tên. Trong khi con số bên phía Malaysia và Philippines là 13; Indonesia là 14; Singapore là 21 và Thái Lan nhiều nhất với 32 cái tên trong danh sách này.

Tổng tài sản của 4 tỷ phú Việt Nam hiện cũng thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác với chỉ 12,1 tỷ USD. Số này đã tăng gần 2 tỷ USD so với đầu năm, nhưng so với các quốc gia khác trong khu vực, khối tài sản này vẫn kém 5-6 lần so với Indonesia và Malaysia, thậm chí kém Singapore và Thái Lan tới 7-8 lần.

Hiện Thái Lan vẫn đứng đầu khu vực về số lượng tỷ phú cũng như tổng tài sản các tỷ phú được xếp hạng với hơn 92,6 tỷ USD. Trong khi tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á hiện nay là ông Henry Sy người Philippines với khối tài sản 16,5 tỷ USD.

Nokia đã trở lạ

Nokia đã bất ngờ lật đổ hàng loạt đối thủ để giành lấy ngôi vị số 1 tại Việt Nam.

Nokia nhanh chóng qua mặt hàng loạt đối thủ để giành lấy ngôi vương, chiếm hơn 25% thị phần, theo số liệu công bố của GfK, trong 7 tháng đầu năm 2018.

Trở lại đường đua

Đây là kết quả bất ngờ cho thị trường. Bởi lâu nay, người tiêu dùng vẫn cho rằng, điện thoại di động là cuộc chơi cơ trên của các hãng như Samsung, Oppo, Apple, LG, Huawei, Xiaomi… Nhưng với những ai quan sát thị trường nhiều năm qua thì Nokia đã âm thầm trở lại.

Cuối quý III năm ngoái, báo cáo nghiên cứu của IDC Indochina chỉ ra, Nokia chỉ đứng sau Samsung, Oppo về thị phần điện thoại di động ở Việt Nam. Nokia trở thành tên tuổi đầu tiên trong số các ông trùm một thời (Motorola, BlackBerry…) đã có một cuộc trỗi dậy ngoạn mục.

Giới phân tích vẫn ngỡ rằng, Nokia dựa vào thế mạnh từ dòng điện thoại phổ thông để tăng tốc. Nhưng theo Công ty Nghiên cứu Counterpoint Research, dù mới trở lại Việt Nam từ đầu năm 2017, chỉ sau 9 tháng, Nokia đã nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 4 trong làng smartphone. Từ đó đến nay, bất chấp cạnh tranh gay gắt từ hơn 30 thương hiệu điện thoại di động lớn nhỏ khác nhau, Nokia vẫn trụ vững trong cuộc đua giành thị phần.

Con số 25% thị phần là phần thưởng cho nỗ lực của Nokia tại Việt Nam. Theo ông Kyler Tan, Giám đốc Điều hành HMD Global tại Việt Nam, quá trình này không dễ dàng nhưng Nokia đã làm được nhờ vào nhiều yếu tố.

Thứ nhất, Nokia có những sản phẩm đủ tốt. Nokia đã hồi sinh những chiếc điện thoại huyền thoại, từng rất được yêu thích và sử dụng rộng rãi một thời như điện thoại 3310, điện thoại 8810… Khác chăng là ở phiên bản năm 2017, các điện thoại này được thiết kế trẻ trung, với nhiều tính năng hơn nhưng vẫn đảm bảo độ bền cao.

Vì thế, mặc dù vẫn ưu tiên lựa chọn smartphone nhưng nhiều thành viên ở các diễn đàn công nghệ cho biết, họ sẽ mua thêm “cục gạch” Nokia để dự phòng. Tính đến nay, theo chia sẻ của ông Kyler Tan, dòng điện thoại cơ bản của Nokia vẫn rất được ưa chuộng ở Việt Nam, đạt quy mô thị trường không kém gì dòng smartphone. Thậm chí, trong cơ cấu doanh thu Nokia hiện nay tại Việt Nam, sản phẩm điện thoại cơ bản vẫn đang nhỉnh hơn.

Ở phân khúc smartphone, sản phẩm được đón nhận nồng nhiệt nhất là Nokia 3, bên cạnh các mẫu Nokia 2, Nokia 5, Nokia 6, Nokia 7Plus… Các smartphone của Nokia đa phần thuộc phân khúc giá rẻ, trong khoảng 100-150 USD/chiếc. Đây là phân khúc chiếm 1/3 thị trường smartphone hiện nay của Việt Nam. Ở dòng cao cấp, Nokia có sản phẩm Nokia 8 Sirocco. Nhưng với giá 920USD, có vẻ như Nokia đang muốn bán danh tiếng hơn là doanh số.

Thứ 2, Nokia trở lại Việt Nam trong chiến lược đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh nhất. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Đông, đại diện HMD Global ở Việt Nam, Công ty đã tiếp cận thị trường cả nước, len lỏi đến các vùng sâu vùng xa. Điều này khác với một số thương hiệu chỉ tập trung bán hàng ở các thành phố lớn.

Nokia cũng không bán lẻ trực tiếp mà thông qua các đối tác phân phối. HMD không tiết lộ số lượng nhà phân phối nhưng theo thông tin NCĐT có được, có 3 đơn vị đang phân phối cho Nokia. Trong đó, Digiworld là tên tuổi mới nhất. Cái bắt tay hợp tác phân phối sản phẩm Nokia giữa HMD và Digiworld là minh chứng cho chiến lược phát triển thị trường sâu hơn của HMD ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hoàng Đông, nguyên nhân giúp Nokia trở lại ngôi vị dẫn đầu vì Nokia là cái tên thân quen ở Việt Nam. Thời hoàng kim, Nokia từng nắm giữ 60% thị phần điện thoại di động cả nước. Bây giờ, dù không tiết lộ chi tiết kế hoạch nhưng lãnh đạo HMD Global khẳng định, Công ty đang nỗ lực đưa Nokia trở lại vị thế ban đầu khi xưa.Digiworld là nhà phân phối sản phẩm công nghệ có tiếng của Việt Nam, từng phân phối cho Nokia trước kia. Ở lần bắt tay này, ông Đoàn Hồng Việt, CEO Digiworld, cho biết, hợp tác giữa đôi bên sẽ mở rộng, trên nhiều yếu tố chứ không chỉ ở sản phẩm. Dự kiến Digiworld sẽ bán sản phẩm Nokia từ quý IV/2018.

Lợi hại hơn xưa?

Sự trở lại của Nokia mang nhiều ý nghĩa. Bởi Nokia từng thua lỗ triền miên và buộc phải bán mảng thiết bị di động cho Microsoft (năm 2013). Không lâu sau, Microsoft cũng bán mảng này cho HMD Global (liên minh với FIH Mobile, một công ty con của Hon Hai/Foxconn trong thương vụ).

Trải qua nhiều thăng trầm, nhờ hợp đồng ký kết giữa HMD Global và Foxconn Technology Group, HMD đã kiểm soát hoạt động bán hàng, tiếp thị và phân phối điện thoại, máy tính bảng mang thương hiệu Nokia. Còn Foxconn trở thành nhà sản xuất độc quyền các thiết bị Nokia.

Nokia đang tìm lại hào quang đã mất, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Theo HMD Global, Nokia đã bán được 70 triệu chiếc năm 2017 tại 80 quốc gia. Sau quý I/2018, Nokia nằm trong top 5 thương hiệu smartphone phổ biến nhất châu Âu, theo Canalys. Còn theo thống kê của Counterpoint Research, quý II/2018 Nokia đã bán được 4,5 triệu smartphone trên thế giới. Điều này đồng nghĩa Nokia xếp thứ 9 trong 10 nhà sản xuất smartphone lớn nhất.

Mặc dù cuộc chiến cạnh tranh còn dài và giới đầu tư vẫn còn nghi ngại về chất lượng của Nokia, do Nokia giờ đã đổi chủ sở hữu, công nghệ và các tính năng…, nhưng người yêu mến thương hiệu Nokia vẫn tin tưởng, Nokia sẽ thích nghi thời thế và tạo ra những kỳ tích mới. Thành công trước mắt ở Việt Nam và thế giới có thể xem là bước khích lệ đáng kể cho Nokia trong lần trở lại này.Những sản phẩm của Nokia, khi quay trở lại thị trường, phần lớn thuộc phân khúc giá rẻ. Các sản phẩm được trang bị hệ điều hành Android nguyên bản chứ không còn dùng Windows Mobile. Smartphone Nokia cũng đảm bảo tính bảo mật cao nhất từ Google và cập nhật nhanh chóng. Ngoài ra, ở điện thoại Nokia, các ưu điểm về pin lâu, máy bền… vẫn được giữ lại.

Viết Nguyên

Snapchat kết hợp Amazon cung cấp dịch vụ mua sắm qua hình ảnh

Snapchat đang hợp tác cùng Amazon để hỗ trợ người dùng mua bất kỳ sản phẩm nào mà họ nhìn thấy qua ống kính máy ảnh điện thoại thông minh.

Người dùng có thể sử dụng camera của Snapchat để chụp hoặc quét mã vạch sản phẩm mà họ nhìn thấy ngoài đời thực. Nếu sản phẩm đó được bán trên Amazon, sẽ có một liên kết được tạo ra để người dùng mua sản phẩm trên ứng dụng hoặc trang web của hãng thương mại điện tử khổng lồ. Trong trường hợp sản phẩm cụ thể không có sẵn, Amazon sẽ đề xuất các lựa chọn tương tự, Bloomberg trích thông tin trong một bài đăng trên blog của Snapchat hôm 24.9.

Công cụ mua sắm hiện chỉ có sẵn cho một nhóm nhỏ người dùng ở Mỹ có thể sẽ đem đến nguồn doanh thu khác cho ứng dụng truyền thông xã hội đang gặp khó khăn. Trong một số quý gần đây, Snapchat đã báo cáo tình hình tăng doanh thu đáng thất vọng. Ngoài ra, hãng công nghệ có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) còn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân sự cấp cao. Snapchat từ chối bình luận về mối quan hệ tài chính với Amazon.

Amazon và đối thủ Ebay đều có chức năng tìm kiếm trực quan. Việc bắt tay với Snapchat có thể sẽ giúp Amazon thúc đẩy hoạt động tìm kiếm trực quan ở đối tượng người mua sắm trẻ, đồng thời giữ cho người dùng Snapchat không bị lạc ra khỏi các trang web thương mại cạnh tranh.

Bên cạnh đó, thỏa thuận này cũng có khả năng giúp Amazon dễ điều hướng trang web của mình hơn. Với hàng trăm triệu sản phẩm, việc tìm kiếm bằng văn bản sẽ là một trở ngại khi người dùng không thể mô tả chính xác những gì họ muốn. Trong khi đó, hình ảnh có thể cung cấp kết quả có liên quan nhanh hơn.

Động thái liên kết giữa Amazon và Snapchat là một phần của xu hướng kết hợp máy ảnh điện thoại thông minh vào hoạt động thương mại bằng cách sử dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh để hợp lý hóa quy trình tìm kiếm và mua sắm. Pinterest cũng có công cụ tương tự để mua hàng hoặc tìm kiếm ý tưởng thông qua hình ảnh. Ebay cũng đang cho phép các nhà bán lẻ dùng máy ảnh điện thoại thông minh trỏ vào sản phẩm, sau đó tự động điền mô tả sản phẩm, thương hiệu, đề xuất giá bán và kích thước hộp phù hợp nhất.

20 cột mốc quan trọng nhất trong lịch sử của Google

Google đã chính thức bước sang tuổi 20, một chặng đường với rất nhiều kỷ niệm và cột mốc đáng nhớ.

Từ dự án nghiên cứu của hai sinh viên đại học Stanford đến một trong những công ty thành công nhất lịch sử nhân loại, không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng to lớn của Google đến cuộc sống mỗi chúng ta ngày nay. Để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 của Google, hãy nhìn lại những sản phẩm, cột mốc đáng nhớ nhất trong lịch sử “gã khổng lồ tìm kiếm”.

1. Google Search

Đây là nơi mọi thứ bắt đầu. Tuy công cụ tìm kiếm trên internet đã có từ lâu trước khi Google xuất hiện, song điểm khác biệt của Google nằm ở cách sắp xếp kết quả tìm kiếm. Thay vì dựa trên từ khóa như những bộ máy khác, Google sử dụng backlink, số lượng liên kết hướng đến bất kỳ nội dung trong một trang web cụ thể.

Theo Android Authority, tiền thân của Google Search được vận hành vào năm 1996 trên máy chủ đại học Stanford, nơi mà Larry Page và Sergey Brin, hai nhà đồng sáng lập của Google theo học, với tên gọi BackRub. Hai năm sau, khi nhận thấy sự vượt trội của thuật toán tìm kiếm, BackRub được đổi tên thành Google. Page và Brin cũng bắt đầu tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Google.

2. Google Doodle đầu tiên

Năm 1998, toàn bộ hoạt động của Google vẫn do Larry Page và Sergey Brin quản lý. Tháng 8/1998, cả 2 tạm “rời xa” Google để tham dự lễ hội Burning Man tổ chức tại Nevada.

Để người dùng biết rằng Google sẽ không được quản lý trong thời gian 2 nhà sáng lập đi chơi, Page và Brin đã thêm logo Burning Man vào chữ O màu vàng trong logo trên trang chủ, trở thành Doodle đầu tiên của Google.

Từ đó đến nay, hàng ngàn Doodle đã được tạo ra để kỷ niệm những ngày lễ, con người và cho chính Google.

Google và Doodle dường như là 2 phần không thể tách rời nhau. Đây cũng là điều thú vị khiến người ta thích truy cập Google mỗi ngày.

Bạn có thể xem kho lưu trữ những Doodle từng xuất hiện tại đây.

3. Google từng muốn bán mình, nhưng bị từ chối

Năm 1999, Google bắt đầu “tự lực cánh sinh”, lúc này Page và Brin có ý định bán thuật toán và thương hiệu Google cho một công ty khác đó là Excite, một trong những công cụ tìm kiếm lớn nhất thời bấy giờ với giá… 750.000 USD.

Thật may bởi Excite đã từ chối vì cho rằng 750.000 USD cao hơn so với giá trị của công ty.

Mọi thứ sau đó thì ai cũng biết, Google trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới với giá thị thị trường hiện là 825 tỷ USD.

4. Google AdWords

Khi Google Search bắt đầu thành công, cùng với việc bị Excite từ chối mua lại, Page và Brin đã nghĩ đến việc kiếm tiền từ Google.

Năm 2000, Google giới thiệu AdWords, nền tảng giúp các công ty, thương hiệu quảng bá sản phẩm của mình trong Google. Trong thời gian đầu, nhà quảng cáo chỉ cần trả khoản tiền “cứng” hàng tháng là được chèn quảng cáo ngay.

AdWords nhanh chóng trở thành cỗ máy kiếm tiền cực kỳ hiệu quả. Hiện AdWords và các công cụ quảng cáo có liên quan chiếm đến 86% tổng doanh thu của Google.

5. Google được sử dụng như một động từ

Trong tập 5 của series Buffy the Vampire Slayer phát sóng ngày 15/10/2002, nhân vật Willow hỏi Buffy: “Đã ‘Google’ cô ấy chưa?

Chỉ là một câu thoại trong phim, nhưng đây chính là lần đầu tiên Google được sử dụng như một động từ, chỉ hành động tìm kiếm thông tin về một cái gì đó trên Google Search. Điều đó cho thấy sự phổ biến rộng lớn của Google tuy mới ra đời được 4 năm.

6. Yahoo ra giá 3 tỷ USD để mua lại Google

Năm 2002, Google kiếm được khoảng 240 triệu USD mỗi năm, con số không tưởng với một công ty chỉ mới 4 tuổi.

Nhưng 240 triệu USD của Google chẳng là gì so với doanh thu của Yahoo vào thời điểm đó: 837 triệu USD.

Nhận thấy tiềm năng của Google, Yahoo ngỏ ý muốn mua lại công ty với giá 3 tỷ USD. Đề nghị bị Page và Brin thẳng thừng từ chối, cả 2 tuyên bố sẽ không bán công ty với giá dưới 5 tỷ USD.

Thời điểm Yahoo ra giá cho thấy sự lớn mạnh của Google khi từ một công ty bị từ chối mua lại với giá chưa đầy 1 triệu USD đến thương vụ bạc tỷ chỉ trong 3 năm.

7. Googleple

Khi đã rủng tỉnh tiền, Page và Brin cần mở rộng quy mô hoạt động của Google. Lúc ấy các đội ngũ vẫn làm việc ở nhiều văn phòng trải dài trên San Francisco. Để tập trung lực lượng về một nơi, Google đã thuê một khu phức hợp tại Mountain View. Nơi đây được gọi vui là Googleplex và vẫn được duy trì làm trụ sở chính cho đến hiện nay.

8. Gmail

Dự án ban đầu có tên “Caribou”, được phát triển bí mật bởi Paul Buchheit, một kỹ sư tại Google. Ngay cả các nhân viên khác cũng không biết sự tồn tại của nó.

Sau khi hoàn tất, sản phẩm của Buchheit được sử dụng nội bộ với tên gọi Gmail. Năm 2004, Google cho thử nghiệm rộng rãi Gmail trước khi phát hành chính thức vào 7/7/2009 (Đúng vậy! Gmail được thử nghiệm trong 5 năm).

Hiện Gmail đang là dịch vụ email phổ biến nhất thế giới với 1,4 tỷ người dùng.

9. Google lên sàn chứng khoán

Tháng 8/2004, Google chính thức trở thành công ty đại chúng với giá cho mỗi cổ phiếu là 85 USD, giá trị vốn hóa đạt 1,9 tỷ USD. Sau 14 năm “lên sàn”, giá cổ phiếu của Google hiện vào khoảng 1.200 USD, giá trị vốn hóa thị trường là 825 tỷ USD.

Bằng việc lên sàn chứng khoán, Google buộc phải duy trì việc làm hài lòng các cổ đông, điều đó có thể thay đổi đáng kể cách hoạt động của một doanh nghiệp. Hiện nay tuy kiếm được rất nhiều tiền, Google vẫn dành thời gian thực hiện các dự án moonshot (dự án tham vọng, đột phá nhưng cơ hội thành công, có lợi nhuận thì không rõ ràng).

10. Google Maps

Đến năm 2005, sau khi thành công với dịch vụ tìm kiếm và email, Google quyết định “lấn sân” sang lĩnh vực định vị GPS với Google Maps.

Sử dụng Google Maps, người dùng có thể xem ảnh chụp vệ tinh trên cao, xem bản đồ và nhận chỉ đường chi tiết. Qua những bản cập nhật sau đó, bạn còn có thể làm nhiều thứ hơn với Maps: xem tình trạng giao thông, đánh giá địa điểm….

Google Maps hiện là một trong những ứng dụng phổ biến nhất trên smartphone, với đa số người dùng cho biết từng sử dụng nó ít nhất một lần.

11. Google mua lại YouTube

Năm 2004, một sự kiện đã trở thành cảm hứng cho một nhóm nhỏ lập trình viên tạo ra website nơi mọi người có thể chia sẻ video dễ dàng cho nhau. Website được đặt tên là YouTube, chỉ trong vài năm đã đạt 8 triệu lượt xem video mỗi ngày.

Năm 2006, Google mua lại YouTube với giá trị cổ phiếu tương đương 1,65 tỷ USD. Đây là thương vụ lớn nhất của Google vào thời điểm ấy.

Sau khi về tay Google, YouTube ngày càng lớn mạnh và phổ biến. Hiện YouTube là website được truy cập nhiều thứ hai trên internet, đứng sau chính công ty sở hữu nó: Google.

Tháng 5/2017, YouTube được định giá khoảng 160 tỷ USD, gấp gần 100 lần số tiền Google bỏ ra để mua nó.

12. Sự ra đời của Google Docs

Trong năm 2005 và 2006, Google đã mua lại hai công ty nhỏ, một công ty với sản phẩm là công cụ soạn thảo văn bản, công ty còn lại là công cụ tạo bảng tính, cả 2 đều dựa trên nền web.

Mùa hè năm 2006, Google phát hành 2 công cụ trên cho một nhóm nhỏ người dùng đăng ký trước, sau đó chính thức phát hành rộng rãi với tên Google Docs.

Hiện Google Docs là lựa chọn thay thế hoàn hảo, miễn phí so với những công cụ khác như Microsoft Word. Việc tích hợp vào Google Drive còn giúp Docs ngày càng mạnh mẽ, được nhiều người sử dụng hơn.

13. Phát hành chiếc điện thoại Android đầu tiên

Năm 2003, một nhóm lập trình viên đã tạo ra hệ điều hành Android với ý định tích hợp nó vào những chiếc camera kỹ thuật số. Sau đó 2 năm, Google mua lại công ty với giá trị (tin đồn) là 50 triệu USD, chuyển hướng sang phát triển Android cho thiết bị di động.

Sự ra đời của HTC Dream (hay T-Mobile G1) năm 2008 chính thức đặt nền móng cho Android trên smartphone. Chỉ vài năm sau đó, Android đã trở thành nền tảng di động phổ biến nhất thế giới.

Với mức giá 50 triệu USD, đây được xem là thương vụ “hời” nhất mà Google từng thực hiện.

14. Ra mắt trình duyệt Google Chrome

Tháng 9/2008 là khoảng thời gian bận rộn của Google, không chỉ với việc tung ra thiết bị Android đầu tiên mà còn là sự ra đời của trình duyệt mà sau này thống trị thế giới: Google Chrome.

Vào thời gian đó, điểm nổi bật của Chrome so với đối thủ chính là Omnibar, thanh địa chỉ và tìm kiếm được gộp thành một thay vì hai phần riêng biệt như các trình duyệt khác. Một giao diện đơn giản, cập nhật liên tục với những tính năng đột phá giúp Chrome trở thành sản phẩm không thể thiếu, trở thành tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp web.

Khi phát hành Chrome, Google đã thành lập được 10 năm với mức vốn hóa thị trường là 150 tỷ USD.

15. Đạt 1 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày

Năm 2009, Google đã “thống trị” mảng tìm kiếm trên internet với thị phần tại Mỹ là 65%. Đó cũng là lúc đánh dấu cột mốc quan trọng của Google: một tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày.

Hiện nay Google xử lý khoảng 40.000 lượt tìm kiếm mỗi giây, tức 3,5 tỷ lần mỗi ngày và 1,2 nghìn tỷ lần mỗi năm.

16. Ra mắt Nexus One

Tháng 1/2010, Google trình làng Nexus One, smartphone chạy Android hợp tác sản xuất cùng HTC. Đây là thiết bị đầu tiên của Google trong nỗ lực phát triển smartphone mang thương hiệu Google. Dòng Nexus được duy trì đến năm 2015, với 2 sản phẩm cuối cùng là Nexus 5X do LG sản xuất và Nexus 6P do Huawei (Trung Quốc) sản xuất.

Tuy đã được thay thế bằng dòng Pixel, nhưng Nexus vẫn là điểm khởi đầu cho mọi tham vọng phần cứng của Google.

17. Android Market trở thành Google Play

Kho ứng dụng đầu tiên của Android không phải Google Play mà là Android Market. Khi nhận thấy Android ngày càng phổ biến và sự hiện diện của Google trên smartphone cũng càng rộng lớn, cửa hàng trực tuyến chỉ dành cho “Android” là quá hạn hẹp.

Năm 2012, Google quyết định kết hợp Android Market với hai sản phẩm là Google Music và Google eBookstore thành một, đặt tên cho nó là Google Play.

Hiện tại, với Google Play bạn có thể truy cập tất cả nội dung số của Google như ứng dụng, phim, chương trình TV, sách báo, âm nhạc,… Chỉ trong năm 2017, Google đã kiếm hơn 20 tỷ USD từ Google Play.

18. Hướng tới tương lai với Google Glass

Trước năm 2012, Google đã có vài dự án moonshot khác nhau, nổi bật nhất là dự án xe tự lái, mà sau này trở thành công ty riêng mang tên Waymo.

Dù vậy không có sản phẩm moonshot nào gặp nhiều sóng gió như Google Glass, chiếc kính với màn hình hiển thị phía trước. Được giới thiệu tại hội nghị I/O 2012, Glass được đánh giá là bước khởi đầu của tương lai.

Đột phá là vậy, nhưng không nhiều người thực sự “mặn mà” với tương lai của Glass, sự riêng tư là vấn đề được quan tâm nhất. Glass đã “đi trước thời đại” quá nhiều, quá sớm.

19. Alphabet ra đời

Năm 2015, Google quyết định tái cấu trúc lại chính mình. Một công ty mới ra đời mang tên Alphabet, đóng vai trò là công ty mẹ của Google bên cạnh việc quản lý các dự án moonshot đã và đang trong quá trình thực hiện.

Việc tái cấu trúc không ảnh hưởng nhiều đến người dùng, song nó đã phục vụ các cổ đông muốn biết tình hình tài chính thực sự của Google mà không có những dự án moonshot, đặc biệt là sau những tranh cãi xung quanh Google Glass.

Cùng với việc tái cấu trúc công ty, Google cũng có logo mới được dùng đến hiện nay:

20. “OK Google”

Năm 2016, hai dấu mốc mới được Google thiết lập: trợ lý ảo Assistant lần đầu xuất hiện trên dòng loa thông minh Google Home, và dòng smartphone Google Pixel ra đời.

Kể từ đó, “OK Google” đã trở thành câu lệnh quen thuộc. Với câu nói trên, người dùng có thể kích hoạt, yêu cầu Assistant làm nhiều nhiệm vụ như trả lời câu hỏi, thêm ghi chú, cảnh báo thời tiết, phát nhạc hay những tác vụ khác.

Bộ máy tìm kiến được Page và Brin tạo ra tại Stanford năm 1998 giờ đã có tên và giọng nói của riêng mình (thậm chí là cơ thể nếu tính cả Google Home).

20 năm nữa, mọi thứ sẽ như thế nào?

Không có lý do gì để Google dừng lại. Mọi thứ tại Google vẫn sẽ tiếp tục, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa trong 20 năm tới.

Bạn nghĩ rằng trong 20 năm tiếp theo Google sẽ như thế nào?