Category Archives: Start up

Startup kinh doanh sữa chiết xuất từ… cây

Kể từ khi ra mắt vào tháng 4/2016, Ripple đã bán được 2,5 triệu chai sữa chiết xuất từ cây với doanh thu 20 triệu USD. Mới đây, Công ty nhận được 44 triệu USD vốn đầu tư từ Google và một số nhà đầu tư mạo hiểm của Thung lũng Silicon.

Theo Hãng nghiên cứu thị trường Mintel, năm 2015, tổng doanh thu ngành sữa của Mỹ giảm 7% (17,8 tỷ USD) và dự báo sẽ giảm thêm 11% vào năm 2020. Trong khi đó, doanh thu sữa hạnh nhân từ năm 2011 tới 2015 tăng tới 250%, theo Bloomberg.

Tuy nhiên, những sản phẩm mới này có một số điểm yếu như: sữa đậu nành có vị khá nhạt và hạt đậu nành thì thường bị gắn mác biến đổi gien; hay sữa hạnh nhân dù giàu protein nhưng chỉ bằng 1/8 so với sữa bò truyền thống và cần dùng lượng nước lớn trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, sữa gạo dù có vị ngon dịu nhưng lại ít protein.

Hiểu được những điều đó, startup Mỹ có tên Ripple tung ra loại sản phẩm sữa hoàn toàn mới được chiết xuất từ đậu Hà Lan vàng (yellow pea) – loại cây dễ trồng và cho hương vị thanh đáng kinh ngạc.

2 nhà đồng sáng lập startup này là Adam Lowry và Neil Renninger. Trước khi cùng thành lập Ripper, Adam Lowry đồng sáng lập Công ty sinh thái Ethod với doanh thu hơn 100 triệu USD và sau đó bán cho Công ty Ecover của Bỉ vào năm 2012. Còn Neil Renninger từng xây dựng Công ty Amyris Biotechnologies chuyên dùng công nghệ để tạo ra nhiên liệu tái chế với nguồn đầu tư ban đầu từ Gates Foundation của tỷ phú Bill Gates.

Năm 2014, Lowry và Renninger nhìn thấy cơ hội trước những thay đổi của ngành công nghiệp chế biến sữa. “Hệ thống sản xuất thực phẩm chiếm tới 20% lượng khí thải carbon trên thế giới và 25% trong số đó là từ sữa. Tác động tới môi trường là rất lớn. Nhiều hơn thịt bò và gà, sữa là nguồn thải carbon lớn nhất tính theo số lượng. Điều đó khiến tôi phải suy nghĩ”, Renninger cho biết.

Lowry và Renninger bắt đầu tìm kiếm một sản phẩm vừa có vị ngon vừa giảm tác động tới môi trường hơn so với các loại sữa truyền thống và chế phẩm thay thế sữa hiện có.

“Chúng tôi thấy tiềm năng rất lớn và còn nhiều ‘đất’ dành cho cải tiến thực phẩm bằng công nghệ. Thế giới đang ngày càng nhận ra rằng chúng ta cần có nhiều sản phẩm làm từ cây hơn, giống như burger không thịt vậy. Tuy nhiên phần lớn thực phẩm là từ cây, đặc biệt là sữa, lại cho hàm lượng protein thấp và vị không ngon”, Renninger nói.

2 nhà đồng sáng lập startup Ripple

Sử dụng công nghệ do Renninger phát triển, họ bắt đầu thử chiết xuất sữa từ nhiều loại cây nổi tiếng với hàm lượng protein cao nhưng đa số lại có vị khó uống. Sau đó, họ thử đậu Hà Lan vàng – loại cây dễ trồng, không đắt mà vị lại không gắt như các cây khác. Kết quả thu được loại thức uống có vị giống sữa bột cô đặc, sánh và mịn.

Mỗi chai sữa của Ripple chứa lượng protein tương đương với sữa bò truyền thống (nhưng cao hơn nhiều so với sữa hạnh nhân). Tuy nhiên, điểm khiến Ripple trở nên khác biệt là có lượng khí thải ra môi trường thấp hơn hẳn so với các phương pháp sản xuất sữa hiện tại.

Theo nghiên cứu của họ, mỗi chai Ripple hơn 1,4 lít (chai đựng làm 100% từ vật liệu tái chế ) giúp giảm được hơn 1.500 gram khí thải carbon dioxide và 3,5m3 nước so với một chai sữa truyền thống có thể tích tương đương.

Theo đó, 2,5 triệu chai Ripple đã bán ra giúp giảm được 3.500 tấn khí thải carbon dioxide, tương đương giảm hơn 600 xe hơi mỗi năm. Trong khi đó, để có được lượng protein tương đương, quy trình sản xuất sữa hạnh nhân cần tới gần 250 triệu m3 nước.

Hiện tại, 5 loại sữa gồm “cơ bản” và “thêm vị” của Ripple được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị như Whole Foods và Target Corp. Ripple dự kiến sẽ tung ra thêm loại sữa chua làm bằng tinh chất chiết xuất từ cây và thêm các vị như dâu tây, việt quất, vani… theo kiểu Hy Lạp trong thời gian tới.

“Chúng tôi đang thử các hương vị mới từ cây thích và chanh giấy”, Lowry nói. Sữa chua là bước đi tiếp theo hợp lý cho Ripple để được xếp vào danh mục món tráng miệng, ăn vặt.

“Hầu hết khách hàng muốn dùng các loại thực phẩm xanh hơn và xu hướng này đang ngày càng lớn hơn”, Renninger cho biết.

Nói về giá cả, Renninger cho biết, sản phẩm của Ripple đang ở mức cao hơn so một số loại sữa thông thường nhưng họ sẽ tìm cách giảm giá thành trong vài năm tới.

Khởi nghiệp kinh doanh: Đừng đi một mình

Theo David Nilssen – đồng sáng lập, CEO của Guidant Financial, khởi nghiệp cùng cộng sự mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ với riêng công ty mà còn với cá nhân nhà lãnh đạo.

Trước câu hỏi “Khởi nghiệp kinh doanh cùng cộng sự có ích lợi gì?” của diễn đàn The Entrepreneur Insider network, David nhấn mạnh, không nên xem nhẹ việc lựa chọn cộng sự. Nên xem mối hợp tác này như một cuộc hôn nhân. Đó nên là người cân bằng được các điểm mạnh, yếu của bạn, là người mà bạn tin tưởng, tôn trọng, và cuối cùng, là người là bạn muốn chia sẻ cả những điều tích cực lẫn tiêu cực trong quá trình lãnh đạo.

Aaron Harvey – đồng sáng lập, giám đốc sáng tạo của Ready Set Rocket đồng ý với quan điểm nên khởi nghiệp với cộng sự vì “hai bộ óc thì luôn tốt hơn một, đặc biệt nếu cả hai có cách nghĩ và cách làm khác nhau trong việc phát triển doanh nghiệp”, ông nói.

The Entrepreneur Insider network là một cộng đồng trực tuyến chuyên đặt ra những câu hỏi liên quan đến chủ đề tinh thần doanh nhân và nghề nghiệp, và thu hút nhiều cá nhân hiểu biết và có tầm ảnh hưởng tại cộng đồng khởi nghiệp Mỹ tham gia đóng góp ý kiến.

Dưới đây là những lý do và lợi ích từ việc có thêm người đồng hành cùng đi trên con đường kinh doanh, dưới góc nhìn của David Nilssen và Aaron Harvey:

1. Cân bằng những điểm mạnh của bạn

Theo David, điều quan trọng khi chọn cộng sự là người đó cân bằng được những điểm mạnh của bạn. Một nhóm làm việc tốt sẽ hội tụ đủ 4 kỹ năng: lên kế hoạch, đổi mới, giữ ổn định và thống nhất mọi thứ. Đó cũng là những yếu tố cần thiết giúp doanh nghiệp lớn mạnh. Tuy nhiên, một người thường chỉ tỏa sáng ở 2 trong 4 lĩnh vực kể trên.

Do đó, việc hợp tác cùng cộng sự giúp cả hai cân bằng điểm mạnh của nhau, đảm bảo công việc được xử lý suôn sẻ theo cách cả 2 mong muốn.

David là một ví dụ điển hình. Ông là người hiểu lý do tại sao mình phải làm việc cần làm và đi đến nơi cần đến, nhưng việc xác định làm thế nào để biến kế hoạch thành hiện thực và thời điểm nào thích hợp để bắt đầu lại không phải là thế mạnh của ông. Bù lại, chúng lại là thế mạnh của người cộng sự. “Anh ấy là số một trong việc nhìn ra bức tranh toàn cảnh và chia nhỏ chúng thành từng dự án nhỏ giúp cả hai từng bước hoàn thành chúng”, ông nói, “chính sự cân bằng đó đã giúp chúng tôi đi nhanh hơn và xa hơn”.

2. Thử thách bản thân

Hợp tác cũng là một cơ hội để nhà lãnh đạo thử thách bản thân. Bí quyết của David trong việc tìm cộng sự là “hãy tìm một người mà bạn vừa muốn hợp tác, vừa muốn “chiến đấu” với họ. Điều đó giúp cải thiện kỹ năng của bạn”, ông nói.

Lãnh đạo là công việc cô đơn, và khi tự điều hành doanh nghiệp, bạn sẽ rất dễ mắc bệnh chủ quan duy ý chí. Tuy nhiên, việc hợp tác với người khác sẽ thúc đẩy và thách thức bạn nghĩ khác đi. Đó cũng là một cách giữ doanh nghiệp đi đúng hướng.

3. Xem xét quan điểm đối lập

Những quyết định thông minh nhất hiếm khi được đưa ra bởi một người. Aaron nhớ lại, ngay từ đầu, ông và cộng sự đã có cách nghĩ khác biệt. Cả hai đánh giá rủi ro, nhìn nhận cơ hội không giống nhau và đôi lúc chìm trong những cuộc tranh luận sôi nổi. Tuy nhiên, vào cuối ngày, mọi thứ cân bằng trở lại. Quá trình này diễn ra thường xuyên trước khi cả hai thống nhất quyết định cuối cùng, ông cho biết.

Tuy nhiên, để tìm ra điểm chung, hai người nên thống nhất với nhau về tầm nhìn và mục tiêu. Những bất đồng về chiến lược hay phương pháp, trong trường hợp của nhóm Aaron, thường đem lại kết quả tốt hơn cho sự phát triển của công ty, miễn là cả hai đồng thuận về mục tiêu cuối cùng.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo lợi ích tốt nhất cho nhân viên sẽ giúp nhà lãnh đạo luôn giữ tầm kiểm soát.

4. Nâng cao tinh thần trách nhiệm 

Tinh thần trách nhiệm giúp bạn làm tốt công việc, không chỉ vì bản thân mà còn cho người khác. Có rất nhiều doanh nhân làm việc hiệu quả dưới áp lực trách nhiệm công việc. Trách nhiệm là thứ giúp bạn duy trì phong độ làm việc, tránh tình trạng hừng hực làm việc vào hôm nay nhưng uể oải vào ngày mai.

Chưa kể, trong trường hợp bạn “gục ngã” thì vẫn luôn có người để bạn dựa vào, che chắn và hỗ trợ. Việc cộng tác với một người đáng tin cậy giúp bạn vượt qua những giới hạn công việc thường ngày, chú tâm phát triển kinh doanh.

Ngoài ra, sự hợp tác khiến bạn có trách nhiệm hơn đối với công việc bởi đó không chỉ là việc của riêng bạn, nó còn ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của người khác.

5. Hợp tác vì… không đủ khả năng thuê

Trong những mối quan hệ hợp tác kinh doanh thành công, không ít lần David chứng kiến nhà kinh doanh đề nghị hợp tác với chuyên gia kỹ thuật với danh nghĩa “nhà sáng lập”. Nguyên nhân vì họ không đủ khả năng thuê người đó.

Trong trường hợp này, sự công bằng trong kinh doanh và lợi ích từ tên gọi “đồng sáng lập” đủ hấp dẫn để thu hút người ngoài gia nhập ban lãnh đạo công ty, cũng là cách để họ chấp nhận làm việc mà không cần được trả lương quá cao.

6. Hạn chế tổn thất

Công việc lãnh đạo không chỉ toàn màu hồng, nó còn gây ra những tổn thất nhất định, một trong số đó là tình trạng căng thẳng.

Áp lực là thứ thường xuyên tìm đến nhà lãnh đạo. Để căng thẳng không ảnh hưởng đến công việc, Aaron đã luyện tập để giữ đầu óc luôn minh mẫn, như lướt sóng hay tập yoga, đảm bảo bản thân càng ít bị kiệt sức càng tốt.

“Tắt lửa” là thứ dễ xảy đến, đặc biệt khi nhà lãnh đạo đã trải qua thời gian dài lao tâm khổ tứ phát triển công ty. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn bị “ngã ngựa”, vẫn còn cộng sự thay bạn gánh vác mọi thứ.

7. Có cơ hội gắn bó với ai đó

Các nhà cộng sự có nhiều thời gian làm việc chung với nhau. Đó cũng là một cách giúp họ thân thiết, gắn bó với nhau hơn.

Thực tế, chúng ta rất dễ bị phân tâm bởi nhiều mối quan hệ xung quanh. Nhưng việc hợp tác với ai đó tạo cơ hội để bạn gắn bó hơn với họ, nhờ đó hạn chế xảy ra lục đục nội bộ.

Về vấn đề này, David khuyến khích nhà lãnh đạo nên nhờ đến sự hỗ trợ của một huấn luyện viên kinh doanh.

8. Nên tránh kiểu hợp tác bình đẳng

David khuyên các cộng sự nên tránh kiểu hợp tác bình đẳng (50-50) vì cuối cùng, công ty vẫn cần có một người ra quyết định sau cùng. Thử tính đến trường hợp một trong 2 người muốn tăng giá cổ phần hoặc tệ hơn, chiếm hữu công ty. Trừ khi có sự đồng thuận đặc biệt, một thỏa thuận hợp tác bình đẳng rất dễ rơi vào bế tắc, đồng nghĩa với việc không có quyết định nào được đưa ra.

Chưa kể, kiểu hợp tác này có thể dễ khiến người trong cuộc oán giận, làm sứt mẻ tình cảm đôi bên. “Tôi từng nhìn thấy nhiều tình bạn ‘ra đi’ vì kiểu bình đẳng này. Nó làm tổn hại đến công ty, gia đình của họ”, ông nói.

9. Tìm ra đồng nghiệp ăn ý

Khi khởi nghiệp cách đây 7 năm, công ty của Aaron chỉ có 2 nhân sự gồm ông và người bạn cộng sự. Cũng nhờ vậy mà cả hai có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển công ty, từ lên chiến lược, duy trì mức tăng trưởng ổn định hay kiếm lời.

Đối với một doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô, người chủ cần có khả năng lập chiến lược và giải quyết những khó khăn. Đây cũng là công việc chiếm phần lớn thời gian của nhà lãnh đạo.

10. San sẻ gánh nặng

Việc có thêm cộng sự sẽ giúp nhà lãnh đạo san sẻ gánh nặng khi công ty rơi vào tình trạng thua lỗ. Hơn thế, đó cũng là người buộc bạn phải đứng dậy sau thất bại để tập trung giải quyết khó khăn kế tiếp.

“Tôi đã học được rằng tổn thất thực sự có thể biến mất theo thời gian. Nhưng việc cùng nhau san sẻ gánh nặng tổn thất có thể giúp cả hai tránh bị dao động và vững tâm hơn về mục tiêu chung. Bên cạnh đó, cộng sự cũng là người cùng bạn ăn mừng những chiến thắng nho nhỏ mà bạn không thể chia sẻ với cấp dưới”.

Sau cùng, một cộng sự ăn ý có thể là nguyên nhân cho sự thành công của doanh nghiệp. Hãy dành thời gian thích hợp để cân nhắc xem ai là người bạn muốn chung nhóm, và bạn có thể giữ mối hợp tác đó phát triển đến mức nào.

5 lưu ý khi khởi nghiệp kinh doanh qua mạng xã hội

Khởi nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính nói riêng và dịch vụ nói chung thông qua mạng xã hội đang được nhiều người trẻ quan tâm.

Nghiên cứu của PGS-TS. Phan Đức Dũng (Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) và Th.S Đặng Duy Dương (Vietnam Airlines) cho thấy, sự hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng là nền tảng thành công cho các nhà khởi nghiệp trẻ kinh doanh qua mạng xã hội.

Theo PGS-TS. Phan Đức Dũng và Th.S Đặng Duy Dương, để nâng cao chất lượng dịch vụ và mang đến sự hài lòng cho khách hàng, nhà khởi nghiệp trẻ kinh doanh qua mạng xã hội cần lưu ý 5 vấn đề sau:

1. Cải thiện giao diện website sao cho bắt mắt và gây ấn tượng được với người dùng nhưng vẫn đảm bảo yếu tố đơn giản, không cầu kỳ. Đội ngũ thiết kế phải là những người có khả năng thẩm mỹ và kỹ thuật thể hiện tốt để lên ý tưởng, định hình, xây dựng, sắp xếp bố cục, chọn màu sắc nhằm tạo ra giao diện đẹp mắt và hợp lý.

Thay đổi, nâng cấp giao diện định kỳ để tránh gây nhàm chán cho khách hàng. Sắp xếp bố cục trang gọn gàng, ngay thẳng, đơn giản sẽ mang đến hiệu quả cao hơn trong việc hiển thị thông tin.

Ngay khi nhận được thông tin liên quan đến khách hàng, phản hồi qua email hay điện thoại, cần bổ sung danh sách câu hỏi thường gặp nhất và trả lời rõ ràng, súc tích. Liên kết trang trong website hiệu quả sẽ giúp làm giảm thời gian tìm kiếm và thao tác.

2. Cung cấp thông tin chính xác, hữu dụng và cập nhật thường xuyên cho khách hàng. Các chương trình khuyến mãi cần công khai rõ ràng nội dung và thời gian thực hiện. Đồng thời, sử dụng những từ ngữ và đoạn văn ngắn gọn, dễ hiểu. Thực hiện đúng cam kết về thời gian hoàn thành giao dịch.

Đối với những trường hợp khiếu nại hoặc phàn nàn của khách hàng, cần phải giải quyết nhanh và hợp lý thông qua hỗ trợ online, đảm bảo mang lại sự hài lòng cho họ.

3. Cải thiện website theo hướng phù hợp với nhiều nhóm khách hàng như máy tính có cấu hình thấp, sử dụng các trình duyệt khác nhau, người có thị lực kém…

Khách hàng ngày nay không chỉ vào trang web qua PC (máy tính cá nhân) mà qua cả điện thoại thông minh, máy tính bảng. Việc luôn sẵn sàng cho mọi người dùng và không bị quá phụ thuộc vào cách truy cập của họ rất quan trọng.

Bảo đảm website luôn hoạt động tốt, thực hiện chính xác yêu cầu của khách hàng và luôn sẵn sàng cho việc giao dịch bất cứ thời gian nào trong ngày.

4. Giải thích rõ công nghệ bảo mật mà website sử dụng và cam kết với khách hàng rằng các thông tin cá nhân của họ sẽ được mã hóa khi đăng nhập vào website. Đảm bảo tất cả khách hàng đều đọc và hiểu rõ chính sách bảo mật. Điều này sẽ củng cố niềm tin và tạo cho khách hàng cảm thấy an toàn và đảm bảo khi sử dụng dịch vụ qua mạng xã hội.

Tăng cường mức độ bảo mật của hệ thống như áp dụng các công nghệ mới, kỹ thuật mã hóa thông tin hiện đại, sử dụng các phần mềm quản lý phiên bản mới nhất và tất cả các bản vá bảo mật cần phải được áp dụng ngay sau khi nó được phát hành.

Việc cải tiến sản phẩm, dịch vụ và chuyển giao công nghệ cũng sẽ góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của các định chế tài chính (các tổ chức tài chính có thể tiếp cận với một cơ sở khách hàng rộng lớn hơn nên có thể tận dụng lợi thế kinh tế do quy mô, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Các ngân hàng có thể huy động vốn nhiều hơn thông qua mạng lưới hoạt động khắp AEC và phân bổ nguồn vốn này đến các lĩnh vực đầu tư hiệu quả hơn. Đồng thời, cạnh tranh cũng sẽ gia tăng nên khách hàng sẽ được hưởng các dịch vụ tốt hơn với giá cả cạnh tranh hơn, người tiêu dùng cũng sẽ có nhiều sản phẩm dịch vụ tài chính để lựa chọn hơn).

5. Triển khai liên kết với nhiều ngân hàng hơn nữa để thực hiện thanh toán nhanh chóng, tiện lợi. Tích hợp thêm một số hình thức thanh toán khác như ví điện tử.

Đơn giản hóa quá trình thanh toán, xác nhận thông tin chủ thẻ một cách nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho khách hàng.

Tổ chức thường xuyên các chương trình khuyến mãi để kích thích việc thanh toán trực tuyến đồng thời giảm chi phí trên mỗi giao dịch cho khách hàng.

Nội dung trên được trích từ tham luận của PGS-TS. Phan Đức Dũng và Th.S Đặng Duy Dương tại hội thảo khoa học “Chất lượng nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng trong quá trình hội nhập” do Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM tổ chức.

Vì sao tôi khởi nghiệp?

LTS: Khởi nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vất vả, cho bạn nhiều cơ hội lẫn thách thức. Những lời cảnh báo có thể khiến bạn chùn chân. Thế nhưng, những chia sẻ từ chính nhà sáng lập đã từng là “con nợ” nay đã trở thành “bệ đỡ” cho cộng đồng khởi nghiệp sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bạn.

Startup Huỳnh Công Thắng là đồng sáng lập Fablab Saigon – mô hình hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp trong việc thực hiện các ý tưởng, GetSpaces – nền tảng đặt phòng sự kiện trực truyến đầu tiên tại Việt Nam, cũng như đang điều hành công ty Vicgo chuyên các mặt hàng da handmade cung cấp cho doanh nhân và các sự kiện.

Là người trở về từ thất bại, từng đứng giữa lựa chọn tiếp tục hay buông tay, anh Thắng đã vượt qua những thách thức trên con đường khởi nghiệp và mong muốn chia sẻ nhiều bài học, kinh nghiệm cho cộng đồng, cũng như tiếp sức, hỗ trợ cho những nhà khởi nghiệp theo đuổi ước mơ của mình.

Những chia sẻ dưới đây từ anh – một nhà sáng lập đã có những thành công nhờ kiên trì trên con đường khởi nghiệp sẽ tạo cảm hứng cho những ai đang nung nấu giấc mơ khởi sự kinh doanh và tự tay tạo dựng nên thành công của chính mình:

Mọi người thường rất tò mò và đặt cho tôi câu hỏi: “Vì sao bạn lại thành lập doanh nghiệp của riêng mình?”. Có rất nhiều lý do để một người quyết định bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của riêng mình. Và đây là những lý do của tôi cũng như của những bạn bè khởi nghiệp mà tôi biết:

1. Để tận hưởng sự tự do

Cảm giác ấy rất tuyệt vời. Tôi được nỗ lực cho chính mình, tận hưởng sự tự do và tự tay thiết kế nên sự thành công của bản thân. Tôi có toàn quyền quyết định khi nào tôi sẽ làm việc, làm với ai và tôi nên tập trung vào điều gì.

Và khi có một doanh nghiệp riêng, tôi cũng “giải thoát” mình khỏi mọi yêu cầu của cấp trên, vốn là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhân viên mệt mỏi.

2. Để có một câu chuyện để kể

Tôi thực sự rất thích lý do này. Mỗi khi gặp một người nào đó, tôi sẽ kể cho họ biết tôi đang kinh doanh riêng. Thế là, họ luôn muốn biết nhiều hơn về những gì tôi đang làm. Họ hay hỏi tôi về cách tôi thực hiện điều đó và mọi thứ đang ra sao. Chúng tôi có những câu chuyện thú vị để kể cho nhau nghe.

Tôi cảm thấy tự hào khi được kể về mỗi chương trong nhật ký đời mình bởi vì tôi chính là người quyết định chuyến hành trình này. Trong khi đó, nếu làm việc tại một công ty nào đó, đối mặt với cảm giác không thoải mái, tôi đang tự tạo ra một câu chuyện kém thú vị, kém hào hứng cho đời mình.

3. Để mở rộng quan hệ và học hỏi

Cuộc sống của một doanh nhân luôn tràn ngập những khoảnh khắc thú vị và tôi đặc biệt ưa thích những lúc được tạo dựng và kết nối với mọi người.

Nhiều người ưa thích việc gặp gỡ nhiều người, chia sẻ và học tập từ những kinh nghiệm của nhau. Trong suốt 2 năm qua, số lượng người mà tôi đã gặp gỡ trong cộng đồng khởi nghiệp đã tăng một cách đáng kể. Bởi vì các nhà sáng lập luôn cần sự giúp đỡ lẫn nhau, để tồn tại và để chia sẻ những thách thức, khó khăn mà chỉ họ mới biết được.

Những bài học từ những người khác nhau sẽ không bao giờ là vô ích nếu bạn chịu lắng nghe và học hỏi một cách cẩn thận. Bạn hãy tận dụng các sự kiện để gặp gỡ và tạo liên hệ với những nhà sáng lập, doanh nhân trong cộng đồng khởi nghiệp.

Khởi nghiệp cho bạn cơ hội mở rộng mối quan hệ, học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau . (Từ phải qua) tác giả, Tổng Lãnh sự Canada Richard Bale, ông Eddie Thái (quỹ 500 Startups), ông Phạm Anh Khoa (CEO Yola)

4. Để có thêm những kỹ năng mới

Để thành công, tôi phải tự mình học một khối lượng khổng lồ những kỹ năng mới, từ bán hàng, digital marketing cho đến kế toán… Tôi luôn thúc đẩy bản thân mình học mọi thứ. Điều này rất quan trọng để tôi có thể gia tăng số lượng sản phẩm được bán ra, quản lý hoạt động của các team (nhóm), duy trì dịch vụ và học cách cân bằng cuộc sống của mình.

Đối với tôi, mỗi ngày trôi qua luôn đầy những cơ hội lẫn các thử thách cho bản thân, và tôi muốn mình phải trở nên sáng tạo hơn, phải học được một điều gì đó mới mẻ.

Điều tuyệt vời khi sở hữu một doanh nghiệp nhỏ là tôi hiếm khi phải trải qua những ngày giống nhau. Khi làm việc cho một công ty, tôi không có được những trải nghiệm này, nơi mà mọi quy trình và khối lượng việc được giao đã rất rõ ràng, hiếm khi thay đổi và có sự đột phá.

Tại sao tôi lại buộc mình phải học những kỹ năng mới? Vì không có chúng, tôi sẽ không thể tồn tại. Một cách tích cực, những kỹ năng này sẽ trở thành tài sản vô giá theo tôi trong suốt cả đời.

5. Để tạo ra công việc

Không gì có thể diễn tả cảm hết giác hạnh phúc khi tôi có thể tạo ra công việc cho nhiều người và chịu trách nhiệm với sự thành công của họ.
Những ý tưởng của tôi – từng bị cho là điên rồ – nay đã mang đến cơ hội cho những người trẻ để họ kiếm sống và thực hiện những giấc mơ.

6. Để hoàn thành công việc nhanh hơn

Hầu hết các công ty lớn thì quá cồng kềnh để mọi việc được thực hiện một cách chủ động. Các nhân viên phải chờ đợi sự chấp thuận của nhiều cấp bậc quản lý và điều đó thường làm một vấn đề nhỏ trở nên phức tạp. Tôi thích tự mình giải quyết vấn đề và chịu trách nhiệm với kết quả đó.

Và cuối cùng, một trong những khác biệt lớn nhất giữa sở hữu công ty riêng và làm công cho ai đó, chính là bạn sẽ rất tự hào khi mỗi nỗ lực đều đang xây dựng nên sự nghiệp của chính mình.

Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc và hài lòng khi nhìn thấy những thứ mình ấp ủ đang đi vào một guồng quay hoạt động tốt.

Startup Trung Quốc được định giá triệu USD nhờ cho thuê xe đạp

Những chiếc xe đạp xinh xắn này có thể được dựng ở bất cứ vỉa hè, bãi đỗ nào trong thành phố để chờ người dùng nhấc máy đặt thuê với giá chỉ 1-2 tệ/giờ.

Trên những trận đấu khẩu có hồi kết của cư dân mạng Trung Quốc, người ta vẽ ra một con đường chung để đi tới thành công: Tìm một đại gia mạnh chống lưng rồi xin thật nhiều tiền để chiếm lấy thị phần.

Chương mới nhất trong cuốn sách thành công nay lại đang được hai doanh nhân trẻ nước này viết tiếp qua hình ảnh chiếc xe đạp từng là biểu tượng của xã hội Trung Quốc thời bao cấp.

Người đầu tiên là Dai Wei, 25 tuổi, hiện đang là CEO của công ty chia sẻ xe đạp Beijing Bikelock Technology, hay còn được biết đến với tên gọi Ofo. Ofo từng gọi được 100 triệu USD vốn mạo hiểm từ hồi tháng 9 với các nhà đầu tư bao gồm cả sáng lập viên Xiaomi Lei Jun và công ty Didi Chuxing, startup vừa thâu tóm Uber tại đại lục. Vòng gọi vốn này đã đưa mức định giá của Ofo lên 500 triệu USD.

Dai Wei CEO của Ofo

Doanh nhân thứ hai chúng tôi muốn đề cập Hu Weiwei, CEO của Beijing Mobike Technology, startup đối thủ của Ofo từng được Tencent và thật trớ trêu là cả…Didi rót vốn đầu tư.

Đây đúng là thời kỳ cạnh tranh rực lửa tại Trung Quốc với việc các startup công nghệ phải đốt hàng tỷ USD để chiếm lấy người dùng, rồi cuối cùng là bị sáp nhập vào hàng đối thủ chỉ vài tháng sau đó (tương tự như trường hợp của Didi Dache và Kuaidi Dache, và sau đó là Didi Chuxing và Uber).

Theo lời Cao Yang, chuyên gia phân tích của hãng tư vấn chiến lược Iresearch thì “việc Tencent và Didi mỗi bên lại tự chọn cho mình một startup để đầu tư khiến cho cuộc chiến cạnh tranh lại càng thêm phần máu lửa và khó đoán. Cuối cùng chính tốc độ thích nghi và khả năng tận dụng các nguồn lực của nhà sáng lập mới quyết định tất cả”.

Chia sẻ xe đạp thực tế không phải là một mô hình quá mới. Theo số liệu của Roland Berger, hiện có tới 600 hãng như vậy đang hoạt động trên toàn cầu; thị trường ngành này cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm và mang về doanh thu 5,8 tỷ USD tính đến năm 2020.

Một chiếc xe của Ofo

Những mô hình như Velib (Paris) hay Boris Bikes (London) hiện vẫn đang được chính các cư dân và chính quyền sở tại vận hành với sự tài trợ của các doanh nghiệp vẫn đang cung cấp xe đạp cho mọi người tại các “giá đỗ” xe ở những khu vực định sẵn. Điểm khác biệt giữa Ofo và Mobike với các dịch vụ kia chính là việc hai startup này cho phép người dùng tìm xe và thanh toán tiền thuê qua smartphone rồi bỏ chiếc xe lại bất cứ chỗ nào họ muốn.

Mỗi công ty lại nhắm đến những thị trường khác nhau. Trong khi Mobike hướng đến phân khúc cao với những chiếc xe đạp có giá lên đến 3.000 tệ (440 USD) sặc sỡ thời thượng hay được gắn định vị vệ tinh thì Ofo lại hướng đến nhóm đối tượng sinh viên với những chiếc xe đạp vàng hai bánh giá chỉ khoảng 250 tệ, không gắn định vị GPS; giá thuê cũng chỉ 1 tệ/giờ, bằng một nửa mức giá của Mobike.

Mobile sử dụng GPS để quản lý những chiếc xe của mình. Ofo thì lại dựa theo tín hiệu từ smartphone của người lái và gửi cho họ mã mở khóa số của chiếc xe.

Rawen Huang, nhà sáng lập quỹ đầu tư Petrel Capital cho biết: “Các CEO startup này đều nghĩ họ có thể trở thành Amazon, đốt tiền trước rồi thu về sau. Nếu quay lại về thời điểm 5 năm trước chúng ta hẳn đã khó mà tin nổi tại sao họ gọi được chừng đó vốn với mức định giá như vậy.”

Dẫn lời cố vấn Cheng Wei, cùng đồng thời là CEO Didi Chuxing, Dai cho biết: “Thời điểm mới thành lập công ty, chúng tôi vẫn coi trọng việc bánh trướng hơn là phòng vệ. Bạn càng đốt tiền nhanh và hiệu quả thì lại càng gọi được nhiều vốn hơn và công ty lại càng mạnh lên. Sau đó sẽ là lúc bạn thống trị thị trường.”

Chính chiến lược đốt tiền không tiếc tay này đã giúp Didi quật ngã hơn 30 đối thủ, trong đó có cả startup cũng gọi vốn mạnh không kém là Uber tại Trung Quốc. Vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến cạnh tranh, hai công ty này chi tới 1 tỷ USD/năm để trợ giá các chuyến đi. Bù lại, Didi hiện nay đã nắm quyền kiểm soát tới 11 triệu chuyến đi mỗi ngày trên hơn 400 thành phố toàn đại lục.

Trong khi chính bản thân Didi vẫn chưa thu được lời, Dai cho biết Ofo đã bắt đầu có lãi.

Là một học viên tiến sỹ tại ĐH Bắc Kinh, Dai đã bỏ học để sáng lập ra Ofo và nhận được sự ủng hộ của Allen Zhu đến từ quỹ GSR Ventures, nhà đầu tư từng rót tiền cho Didi ngay từ giai đoạn trứng nước.

Những lời khuyên của Wang đã giúp Ofo không chỉ gọi được một khoản vốn khổng lồ với Didi mà còn được tiếp cận với hơn 300 triệu người dùng của hãng này.

Một người dùng đang sử dụng xe của Mobike

Ofo cho biết hiện đang sở hữu tới 85.000 chiếc xe đạp, hầu hết đặt tại khuôn viên các trường đại học và dự kiến sẽ đưa dịch vụ của mình ra khắp các vùng khác tại Trung Quốc. Trong khi đó, Mobike hiện đang có 30.000 xe rải rác các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến,… với dân số khoảng 74 triệu người. Startup này dự kiến sẽ tăng lượng xe đạp tại mỗi thành phố lên mức 100.000 xe cho đến cuối năm nay cũng như bành trướng sang các thành phố khác nữa. Cả hai công ty cũng đều đang để mắt tới thị trường Châu Âu.

Đối với người dân Bắc Kinh, cuộc chiến giữa hai đối thủ Ofo và Mobike hóa ra lại đang khiến họ có một cuộc sống tiện nghi hơn. Guang Geng, một nhân viên làm việc tại khu Zhongguancun cho biết: “Thật tình mà nói thì có thể phân biệt xe của hai hãng qua màu sắc, nhưng tôi cũng chẳng quan tâm đó là xe của ai, miễn thấy xe nào là dùng xe đó bởi tôi lười đi bộ lắm.”