Category Archives: Start up

Startup

Phong ba bão táp không bằng Startup Việt Nam !

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà khi bạn vỗ ngực tự xưng mình làm startup, là entrepreneur, là khởi nghiệp, thì cũng đồng nghĩa với việc bạn tài giỏi, dũng cảm, có tầm nhìn, vân vân và mi vân.
Gần đây bỗng dưng có nhiều bạn hỏi tôi về kinh nghiệm làm startup, mà cụ thể hơn là tech startup. Tôi thấy vừa vui lại vừa bối rối. Trong trường hợp bạn chưa biết, tôi chỉ là một người vẽ và vô cùng low-tech. Anh em Nhộng vẫn hay trêu tôi những câu kiểu “Ớ thằng Khương biết xài smartphone chúng mày ạ”. Hỏi tôi về tech startup thì có lẽ bạn nên hỏi con thạch sùng trên trần nhà hay đối thoại với đầu gối, lắm khi thu thập được nhiều thứ vi diệu hơn.

Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ hết sức cá nhân về cái mà các bạn vẫn hay gọi là startup. Vì là quan điểm cá nhân nên chắc chắn sẽ khó nghe với nhiều người. Nếu thế, tôi xin lỗi, nhưng tôi chỉ nói từ những kinh nghiệm của mình. Tôi cũng chả phải là “tấm gương” để các bạn soi lông chân của mình, tôi vẫn đang vô cùng vật vã với đứa con mình đẻ ra, cho nên nghe hay không nghe những ý kiến của tôi, tất cả đều tuỳ thuộc vào sự xem xét của bạn.

starup
Một điều tưởng chừng như cơ bản nhưng có rất nhiều bạn vẫn quên: nếu muốn làm startup, trước hết hãy tìm một chỗ ngứa, và gãi, gãi thật mạnh, thật sướng, kỳ hết ngứa thì thôi. Sẽ thật tào lao nếu bạn vỗ ngực tuyên bố “Tôi muốn tạo một thứ đánh bật Facebook khỏi Việt Nam”, “Tôi muốn có một search engine thay thế Google”, “Tôi muốn có một trang thương mại điện tử cho Amazon hửi bụi”. Này bạn, bạn đang đùa với tôi đấy ư? Những câu chuyện về startup mà các bạn thấy trên các trang tin công nghệ, khởi nghiệp này nọ là một bức tranh đèm đẹp nhưng không gì xa rời thực tế hơn chúng. Hãy tỉnh dậy và tìm chỗ ngứa của chính mình đi! Sau đó, hãy nghĩ cách gãi chỗ ngứa ấy, trước hết cho mình, và sau đó là cho người khác. Nếu người ta không ngứa, thì bạn gãi làm đếch gì? Điên à?

Có ai quan tâm đến việc bạn là ai trừ khi họ đã dùng thử cái mà bạn tạo ra. Và ngay cả khi họ đã dùng rồi thì cũng đ*o có gì chắc là họ quan tâm. Nếu bạn bắt đầu với tư tưởng sẽ trở thành “cái tốt thứ nhì”, thì tôi nghĩ bạn khỏi làm cái gì hết cho mất thời gian. Hãy đặt mục tiêu trở thành cái tốt nhất, hoặc thậm chí cái tệ nhất, chứ đừng bao giờ lập lờ ở giữa. Ít ra như thế người ta sẽ nhắc đến bạn.

Tiền là tất cả? Xin lỗi bạn, càng nhiều tiền bạn sẽ càng loay hoay mà thôi. Não bạn sẽ ỷ lại vào tiền để giải quyết những vấn đề mà tiền không bao giờ giải quyết được. Và nếu bạn đang dùng tiền của quỹ đầu tư, của mạnh thường quân, hay của gia đình, thì lại càng nguy hiểm hơn nữa. Không gì giết chết một tổ chức mới thành lập nhanh hơn một nhà sáng lập tham lam.

Tiền chả là gì cả? Xin lỗi bạn. Hoặc là bạn hâm hoặc là bạn rất hâm. Làm founder của startup tức là bạn sẽ làm việc không lương trong một thời gian rất dài, và nguy cơ trắng tay là 99%. Nếu không có tiền thì bạn cạp đất để sống chăng? Hay hít không khí cho no?

Phần lớn những bạn làm startup tôi có dịp nói chuyện đều rất mông lung. Muốn bán cơm sườn thì phải có cơm và có sườn. Lúc bạn mới bắt đầu, ai thèm quan tâm đến cái logo của tiệm cơm sườn nhà bạn đẹp hay xấu? Họ chỉ quan tâm đến cơm và sườn có ngon hay không thôi. Chẳng hạn như Cơm tấm Bụi, logo dùng font VNI-Thuphap, nhưng món cơm sườn nướng muối ớt ở đây là vô đối. Dùng VNI-Thuphap chứ có dùng Comic Sans tôi vẫn sẽ ăn cơm tấm Bụi hàng ngày.

starup-bg
Đã làm startup thì phải làm tech startup? Sách nào bảo bạn thế? Nếu thích cắm hoa, hãy mở cửa hàng hoa. Nếu thích chế tạo đồ chơi, hãy chế tạo đồ chơi. Nếu thích làm phim, hãy làm một bộ phim độc lập tuyệt vời. Vì sao bạn làm startup? Để bán công ty và trở nên giàu có ư? Nếu bạn nghĩ thế, xin bạn đừng đọc tiếp. Chúng ta không cùng hệ tư tưởng. Nếu được lựa chọn, tôi sẽ làm cái tôi đang làm với Nhộng đến hết đời và sẽ không đổi thương hiệu của mình dù để đút túi tất cả tiền bạc trên thế gian này. Tôi bắt đầu Nhộng vì tôi yêu nó, vì dù có được trả tiền để làm nó hay không, tôi vẫn sẽ làm, làm đến chết thì thôi. Nếu bạn cũng có thái độ như thế với ý tưởng khởi nghiệp của mình, thì một ngày nào đó tôi xin mời bạn cà phê.

Tôi từng nhúng bàn chân run rẩy của mình vào làn nước lạnh giá có tên gọi là “tech startup”. Và sau đó đã phải rút vội ngay lại. Tất cả những thứ gọi là tech startup ở nước ta, ngay cả những cái nổi đình nổi đám, được đầu tư hàng triệu triệu đô v.v… đa số là những thứ có thì hay mà chả có thì cũng chả chết thằng Tây nào, thậm chí chỉ tổ tốn tài nguyên mạng. Hoặc là chúng nhạt thật, hoặc là chúng cũng đậm đà ngon lành phết nhưng không biết cách truyền đạt tới người dùng của mình. Dù lý do có là gì đi chăng nữa, thì với tôi chúng là những thứ vô thưởng vô phạt.

Startup không dành cho mọi người. Nghe thì có hơi hướm phân biệt chủng tộc, nhưng tôi tin có một số kiểu người nhất định để làm startup. Và tuýp người này không chiếm đa số. Họ làm startup vì đơn giản là không thể làm được cái gì khác. Tôi từng làm trong những tập đoàn đa quốc gia lớn, và giờ đây, sau hơn một năm ra làm riêng, chỉ nghĩ đến việc phải quay lại chốn ấy thôi cũng đủ làm tôi lộn mửa. Xin đừng hiểu sai ý tôi. Tôi không có ý đả kích những người làm cho các công ty, tập đoàn lớn. Nhưng não bộ của tôi không được kết nối để làm việc này. Chỉ cần ngửi cái mùi thang máy của toà nhà nơi tôi từng làm việc thôi cũng đủ khiến tôi phát ốm rồi. Do đó cho nên, nếu sau một thời gian làm startup mà bạn cảm thấy không ổn, đừng lấy đó làm mặc cảm và cứ quay lại với công việc được trả lương tháng của mình. Bạn sẽ hạnh phúc hơn, sống vui vẻ hơn, ít lo lắng hơn, cả những người thân của bạn cũng vậy.

Một lời khuyên cuối cùng dành cho các bạn sinh viên muốn làm startup: Không phải là bất khả, nhưng 99,99% là bạn sẽ chết. Hệ thống giáo dục của ta ở tất cả các bậc là vô cùng lạc hậu, và thương trường, cuộc đời thật, chính là những người thầy tốt nhất. Những kinh nghiệm tích luỹ được trong khoảng thời gian đi làm công cho người khác sẽ giúp bạn rất nhiều, và trong một số trường hợp sẽ cứu sống cơ đồ của bạn. Do đó, đừng sốt ruột. Startup là một cuộc chơi đường dài đầy khó khăn và chỉ những con ngựa khoẻ nhất, hay nhất mới về đến đích.

1 tỉ đô la cho ý tưởng bán dao cạo râu

Ai cũng nghĩ thị trường dao cạo râu đã bão hòa, người mới không dễ gì chen chân vào. Thật thế ai cũng nghĩ một nhà đầu tư phải có tiền tỉ, đổ vào xây nhà máy, liên tục cải tiến công nghệ, xây dựng hệ thống phân phối, tuyển đội ngũ bán hàng rồi chi tiền quảng cáo… cũng chưa chắc bán được lưỡi dao nào so với các gã khổng lồ đã tại vị từ lâu như Gillette. Họ lại có lợi thế quy mô thị trường nên giá bán có thể ở mức thấp…

Thế nhưng có hai anh chàng Mark Levine và Michael Dubin lại nghĩ khác. Và chính cách hai anh này khởi nghiệp xây dựng công ty bán dao cạo râu (tuần trước Unilever mới bỏ ra 1 tỉ đô la Mỹ để mua lại) chứng tỏ mọi loại hình doanh nghiệp đã tồn tại trên thương trường cũng đều phải tìm cách “tái khởi nghiệp” nếu không muốn bị “ăn tươi nuốt sống” bởi làn sóng khởi nghiệp theo mô hình kinh doanh mới.

Dubin và Levine lập nên Dollar Shave Club vào năm 2011, ý tưởng cũng khá đơn giản. Giới mày râu mỗi tháng tiêu chừng 10-20 đô la mua dao cạo râu ở tiệm – nay ai muốn đơn giản lại tiết kiệm thì vào trang web của Dollar Shave Club, đăng ký mua dao cạo râu, có loại chỉ 1 đô la, có loại 6 đô la mỗi tháng. Đăng ký xong, cứ yên tâm hàng tháng dao cạo sẽ tự động được gửi đến nhà.

Quảng cáo thì hai anh sử dụng kênh quảng cáo miễn phí trên YouTube và nhờ Dubin biết dàn dựng một video clip vui nhộn, cái quảng cáo kêu gọi mọi người đừng tiêu tốn 20 đô la mỗi tháng mà lại phải nhớ vào tiệm để mua, cứ bỏ ra 1 đô la (cộng thêm 2 đô la tiền vận chuyển) là có dao xài thoải mái được trên 23 triệu lượt người xem cho đến nay.

Theo tường thuật trên tờ The New York Times, chỉ trong vòng 24 giờ, cái “câu lạc bộ” này nhận được 12.000 đơn đặt hàng và chỉ trong vòng vài năm giúp hai anh chiếm đến 8% thị phần dao cạo râu, doanh số đạt 240 triệu đô la. Còn theo Financial Times thì thị phần của Dollar Shave Club trong loại dao cạo thay phần lưỡi lên đến 15% và hơn 50% thị phần dao cạo râu bán qua mạng.

Hiện Dollar Shave Club có hơn 3 triệu khách hàng đăng ký mua hàng thường xuyên nhưng toàn công ty chỉ có 190 nhân viên. Bởi dao thì hai anh thuê hãng Dorco ở Hàn Quốc sản xuất; phân phối lúc đầu tự làm nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đã “outsource” cho một công ty khác ở Kentucky. Dollar Shave Club làm gì? – thiết kế, tiếp thị, dịch vụ khách hàng và nghĩ ra các món hàng khác phục vụ quý ông tận nhà như dao cạo râu.

Nay Unilever mua lại Dollar Shave Club giá 1 tỉ đô la, hai anh Mark Levine và Michael Dubin sau năm năm khởi nghiệp trở thành triệu phú.

Ngày trước hai anh làm chuyện đó được không? Ắt là khó bởi ngày trước tự mình xây dựng nền tảng hạ tầng phục vụ thông suốt 3 triệu khách hàng qua mạng Internet là chuyện khó cho một công ty khởi nghiệp.

Nay thì câu lạc bộ này thuê Amazon Web Services. Ngày trước rao bán dao cạo râu mà không có một mảnh đất làm nhà máy, ắt sẽ bị coi là lập dị hay thậm chí lừa đảo. Nay Dorco mà không thỏa mãn điều kiện hai anh đặt ra, họ có thể bỏ đi nơi khác thuê hãng khác gia công dễ dàng.

Sản xuất, vì thế, không còn mang nghĩa sản xuất như suy nghĩ truyền thống nữa. Sản xuất chỉ là một khâu rất nhỏ và thường là khâu vất vả nhất, ít lợi nhuận nhất.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump thường kêu gào phải bắt Apple sản xuất iPhone tại Mỹ chứ không cho làm ở Trung Quốc nữa. Tạp chí MIT Technology Review đưa ra hai kịch bản: giả dụ Apple vẫn đặt làm linh kiện iPhone khắp toàn cầu nhưng đem về lắp ráp ở Mỹ, giá một chiếc iPhone 6 Plus có thể sẽ tăng thêm 5%; nếu sản xuất toàn bộ linh kiện ở Mỹ, giá sẽ tăng thêm chừng 100 đô la.

Vấn đề ở chỗ chi phí cho nhân công chỉ chiếm một phần rất nhỏ (chừng 4-10 đô la) còn lại chi phí tăng do năng lực sản xuất của các công ty Mỹ không còn cạnh tranh nổi với các đối thủ khắp thế giới nữa. Và suy cho cùng, Apple vẫn đang hưởng phần lợi lớn nhất chứ không phải 7 nhà máy lắp ráp hay 766 nhà cung ứng linh kiện. Chiếc iPhone 6s Plus giá bán 749 đô la chỉ tốn chừng 230 đô la để sản xuất.

Giờ chúng ta hãy nhìn lại Dollar Shave Club – 1 tỉ đô la mà Unilever bỏ ra mua lại, đâu có xu nào lọt vào tay nhà sản xuất thật sự là Dorco ở Hàn Quốc? Cũng chẳng có xu nào cho nhà phân phối ở Kentucky. Hóa ra quả ngọt của mô hình mới chỉ sẽ chảy vào túi một số ít người có những kỹ năng thích hợp với nền kinh tế số (cũng không nhất thiết là kỹ năng thiết kế – Gillette năm ngoái kiện Dollar Shave Club về cáo buộc ăn cắp kiểu dáng), nó không chảy về túi công nhân, những người lao động tay chân. Bên cạnh người khởi nghiệp, tiền cũng chảy về các nhà đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư, thường đã giàu nay càng giàu hơn.

Hiện nay những người lao động này đang sống ở những nước đang phát triển nên dù sao cũng chưa tạo ra hố sâu ngăn cách và bất mãn lớn. Nhưng ở các nước phương Tây sự bất mãn đã hiển hiện và nếu các công ty nghe lời Donald Trump đem sản xuất về lại nước Mỹ, cái khoảng cách thu nhập giữa người có ý tưởng, ngồi vẽ vời ý tưởng và người phải cong lưng hiện thực hóa cái ý tưởng đó ắt sẽ làm dân lao động Mỹ càng bất mãn hơn.

Cái khoản người tiêu dùng tiết kiệm được chính là lấy đi hàng ngàn việc làm ở khâu bán lẻ, phân phối nên mô hình mới càng thành công, việc làm càng bị mất đi.

Quay trở lại với các doanh nghiệp truyền thống, đối đầu với các ý tưởng khởi nghiệp có khả năng xáo động lãnh vực yên bình của họ, tất cả đều phải chuẩn bị một tinh thần “tái khởi nghiệp”, tức nhìn lại cả chu trình hoạt động của mình để tái cơ cấu lại.

Hướng tái cơ cấu là gì? Trước đây các hãng truyền thống gầy dựng cơ ngơi từ từ, chiếm lĩnh thị phần dần dần và vừa kinh doanh vừa tái đầu tư để phát triển. Họ thường phục vụ một thị trường nhất định nào đó và tìm mọi lợi thế để củng cố vị thế trong thị trường này. Ngày nay các công ty kiểu Dollar Shave Club nhắm tới số đông, lãi ít hoặc thậm chí không có lãi nhưng ào ạt chiếm lĩnh trận địa theo kiểu lấy thịt đè người. Họ được hậu thuẫn bởi các dòng tiền khổng lồ đang chạy khắp nơi tìm cơ hội như Dollar Shave Club để rót vào.

Đó là cách các nhân vật như Mark Levine và Michael Dubin nghĩ về “khởi nghiệp” chứ không chung chung như nhiều người đang mơ hồ.

 

Tăng tốc khởi nghiệp: Hợp tác giữa doanh nghiệp và startups

Gần đây, khi khởi nghiệp ngày càng được sự quan tâm của cộng đồng và Nhà nước, chúng ta bắt đầu nghe nhiều về chuyện doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ khởi nghiệp, ví như các chương trình khởi nghiệp cùng Fbstart từ Facebook hay như Lotte, AIA hỗ trợ văn phòng khởi nghiệp…

Tuy nhiên, dường như tất cả chỉ dừng ở mức hỗ trợ chứ chưa có những hình thức hợp tác chiến lược, hai bên cùng có lợi, từ doanh nghiệp với các công ty khởi nghiệp – startups. Trong bối cảnh như vậy, các bài học hợp tác thông qua mô hình trung tâm tăng tốc khởi nghiệp (Business Accelerator – BA) từ thế giới có thể sẽ là một gợi ý hữu ích cho các Việt Nam.

Vì sao các công ty lớn xây dựng chương trình cho startups?

Trong một khóa học Đổi mới sáng tạo do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức gần đây, ông Amir Gelman, một chuyên gia từ The Junction – một BA nổi tiếng tại Israel – chia sẻ hiện nay trên thế giới có khoảng 200 tập đoàn lớn đã bắt đầu xây dựng BA để hỗ trợ các startups.

Trong số các doanh nghiệp lớn tham gia chương trình này, ngoài những tên tuổi lớn về công nghệ như Microsoft, Samsung, IBM…, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy trong danh sách này còn có cả những tên tuổi tưởng chừng như chẳng mấy liên quan đến hoạt động khởi nghiệp như CocaCola, Unilever.

BA sẽ tuyển chọn các startups phù hợp với tiêu chí do công ty mình đưa ra và cung cấp một chương trình hỗ trợ kéo dài 3-6 tháng, cơ bản gồm đào tạo, tư vấn, kết nối nhằm mục đích giúp các startups tăng tốc, phát triển nhanh nhất có thể. Và chương trình sẽ kết thúc bằng một buổi thuyết trình, thường gọi là Demo Day, để các startups trình bày ý tưởng của mình trước các nhà đầu tư nhằm kêu gọi vốn.

Lấy ví dụ như trường hợp của Microsoft, theo ông Amir, BA của công ty này tuyển các startups hoạt động trong lĩnh vực điện toán đám mây (cloud), internet hoặc ứng dụng di động – những lĩnh vực mà Microsoft có thế mạnh và quan tâm phát triển. Điều đặc biệt, Microsoft chỉ hỗ trợ hoàn toàn mà không yêu cầu quyền đầu tư hoặc sở hữu bất cứ tỷ lệ cổ phần nào trong các startups đó.

Chính điều này giúp BA của Microsoft có thể thu hút những startups giỏi nhất tham gia vào chương trình, Amir giải thích. Việc Micorsoft sở hữu cổ phần trong các startups dễ làm cho các công ty khởi nghiệp có cảm tưởng như mình chịu sự chi phối của gã khổng lồ công nghệ này và từ đó, có thể ảnh hưởng đến việc gọi vốn đầu tư của các startups về sau, ông Amir phân tích thêm.

Dĩ nhiên, đổi lại, Microsoft vẫn có được nhiều lợi ích từ chương trình BA và không phải ngẫu nhiên mà hiện nay Micorsoft đã có 7 BA trên toàn thế giới để hỗ trợ khởi nghiệp. Qua các startups, Microsoft xây dựng cho mình một hình ảnh gần gũi trong giới khởi nghiệp; cập nhật và nắm được nắm được xu hướng phát triển của thị trường. Trong thời đại công nghệ ngày nay, đây là một yếu tố rất quan trọng.

Nói rộng ra, theo Amir, việc xây dựng BA hay những chương trình tương tự khác hỗ trợ startups sẽ giúp các doanh nghiệp lớn đạt được năm lợi ích cơ bản sau: i. Giúp doanh nghiệp nắm được sự chuyển biến trong thị trường và duy trì tính cạnh tranh; ii. xây dựng hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp; iii. Xác định được nỗi đau của khách hàng (customer pains): thường các startups năng động hơn và làm tốt điều này hơn các doanh nghiệp lớn, vốn dễ giảm/mất đi tính linh hoạt do tổ chức ngày càng cồng kềnh; iv. Làm mới tinh thần doanh nhân cho nhân viên: khi các nhân viên và cấp quản lý của doanh nghiệp làm việc cùng startups, họ được tiếp xúc với một văn hóa khởi nghiệp đầy đam mê, khám phá những phương pháp làm việc mới cũng như bắt đầu sủ dụng những công cụ mới trong công việc hàng ngày của họ; v. Thử nghiệm chính những công nghệ mới từ các startups mà không phải tốn chi phí xây dựng và sử dụng.

Để xây dựng một BA thành công, một nguyên tắc quan trọng cần nhớ đó là “luôn vì startup trước, doanh nghiệp sau. Sự thành công của startups sẽ tự động mang lại những lợi cho doanh nghiệp”, ông Amir đưa ra lời khuyên.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp nhỏ?

Những lợi ích mà một BA mang lại cho doanh nghiệp là điều không phải bàn cãi, thế nhưng không hẳn lúc nào doanh nghiệp cũng có thể xây dựng được một BA cho riêng mình, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ như tại Việt Nam.

Để khắc phục tình hướng này, có hai giải pháp mà doanh nghiệp có thể nghĩ đến.

Cách thứ nhất, doanh nghiệp có thể tài trợ các BA do các quỹ đầu tư hoặc cơ quan nhà nước lập ra. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tham gia trong vai trò tư vấn và trực tiếp làm việc cùng các startups trong BA. Amir chia sẻ, trung tâm tăng tốc khởi nghiệp The Junction nơi anh làm việc thu hút được sự cộng tác của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ, trong số đó có cả SAP, một công ty lớn có trụ sở ở Đức, chuyên cung cấp phần mềm trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và quản lý khách hàng.

Cách thứ hai, đơn giản hơn là theo dõi thông tin hoạt động từ các BA để biết và tham dự Demo Day, nơi các startups – sau giai đoạn tăng tốc, sẽ trình bày dự án của mình để kêu gọi đầu tư.

Hiện, tại Việt Nam, mô hình trung tâm tăng tốc khởi nghiệp chưa nhiều và nổi bật nhất là BA do đề án Vietnam Silicon Valey trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Tuy vậy, các ngày Demo Day hay các buổi Pitching (Thuyết trình gọi vốn trước nhà đầu tư) vẫn được tổ chức khá thường xuyên từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như SECO EP, Viet Youth Entrepreneurs, Startup Vietnam Foundation; không gian làm việc chung DreamPlex …

Một phương pháp đánh giá startups

Thường, chúng ta quen nghe rằng khi đánh giá một startup, các nhà đầu tư quan tâm đến các yếu tố rất chung chung như thành viên sáng lập, độ lớn thị trường, giải pháp… Thế nhưng các thông tin như yếu tố nào quan trọng nhất, trọng số đánh giá như thế nào… vẫn chưa được đề cập nhiều.

Trong phần chia sẻ của mình, Amir đưa ra một bảng đánh giá đúc kết từ kinh nghiệm của anh ít nhiều làm các học viên ngạc nhiên. Khi đánh giá một startup, vị chuyên gia Israel quan tâm đến 5 yếu tố được đánh giá theo thang điểm 10 và sắp xếp theo tính quan trọng như sau:

1. Trực giác về startup. Trọng số: 5.

2. Kinh nghiệm và khả năng của các thành viên sáng lập. Trọng số 4.

3. Độ lớn thị trường. Trọng số 3.

4. Giải pháp/Sản phẩm. Trọng số 2.

5. Traction –  tạm dịch: Kết quả startup đạt được. Trọng số 1.

Các startups có điểm từ 80 trở lên sẽ được chọn. Tuy vậy, theo Amir, vẫn có trường hợp ngoại lệ nếu trực giác mách bảo bạn rằng đây là một đội với các thành viên sáng lập tốt đáng để đầu tư. Từ kinh nghiệm của mình, Amir nhìn nhận việc đánh giá một startup ở giai đoạn ban đầu thiên về nghệ thuật nhiều hơn là khoa học.

Xin lưu ý, phương pháp Amir đưa ra chỉ là một gợi ý, nó có thể đúng với người này nhưng chưa hẳn hợp với người khác.

 

Khởi nghiệp không đẹp như mơ!

Để phác thảo chân dung một người trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, người ta thường hình dung những gì?

Phải chăng đó là một chàng trai trắng trẻo, con nhà khá giả, đi du học nước ngoài, được vây quanh bởi những “đồ chơi” công nghệ cao, nói tiếng Anh như gió, có tài thuyết phục người đối diện và tự làm sang bằng những câu chuyện thất bại trong quá khứ? Đem điều này đi hỏi một số người sáng lập startup công nghệ có đôi chút thành công thì hóa ra không phải. Những người khởi nghiệp – họ từng thất bại, đang chịu nhiều sức ép và phải đối mặt với thất bại kế tiếp. Trương Phi Cường, CEO (giám đốc điều hành) của Utimai về ứng dụng kết nối các đầu mối công việc, cho biết: “Còn không có thời gian cho những nhu cầu tối thiểu của bản thân thì lấy đâu ra thời giờ để chải chuốt”.

Nuôi hy vọng bằng… đi hai chân

Cường không có điều kiện đi du học, bỏ đại học sau năm đầu và đã trải qua nhiều công việc như môi giới tuyển dụng, bất động sản, sàn vàng, thậm chí bỏ cả một dự án về tế bào gốc để tất bật với Utimai.

Cường cho biết để nuôi dự án khởi nghiệp, anh đã bỏ ra gần 2 tỉ đồng tiền tiết kiệm được sau hơn 10 năm làm việc và có một nhà đầu tư cá nhân góp thêm 300 triệu đồng. Trong khi triển khai kế hoạch phát triển cộng đồng người dùng Utimai, gọi vốn đầu tư tiếp thị cho Utimai, Cường vẫn nhận việc “outsourcing” để nuôi đội ngũ.

Bùi Thành Công, CEO của Vocab – ứng dụng mạng xã hội học từ vựng đa ngôn ngữ đầu tiên ở Việt Nam, khởi nghiệp từ Hà Nội. Cũng như Trương Phi Cường, “để nuôi Vocab – giấc mơ về một doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ công nghệ, công ty vẫn làm các việc khác liên quan đến công nghệ, kỹ thuật số, phần mềm…”, Công cho biết.

“Hơn 50% startup công nghệ ở Việt Nam phải đi hai chân như vậy. Nếu không tập trung toàn lực cho startup thì rất dễ thất bại, nhưng nếu không đi hai chân thì không có nguồn tài chính để duy trì startup!”, Hồ Đức Hoàn, CEO của startup EBIV, một công cụ để khách hàng đánh giá các thương hiệu thuộc mọi lĩnh vực, cho biết.

Bùi Tú Thanh là một trường hợp khác nữa. Với vẻ ngoài xinh đẹp, phong thái sang trọng, thoạt nhìn qua, ai cũng nghĩ Thanh là một tiểu tư khuê các, hiện đại, từng đi du học nước ngoài. Nhưng sự thực là Thanh chưa từng du học bao giờ. Sinh ra và lớn lên ở Gia Lai, tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, Thanh vào làm cho một công ty nước ngoài chuyên về game và tích lũy được một số vốn cũng như kinh nghiệm. Thanh cùng chị em gái của mình thành lập IPI Corporation chuyên phát triển ứng dụng mobile và nội dung Youtube cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Cô cho biết: “Tôi may mắn có người cha khuyến khích các con gái say mê công nghệ, chứ ngoài ra, gia đình không có điều kiện để hỗ trợ tài chính cho chúng tôi”. Cũng như các startup công nghệ khác, IPI vẫn làm game “outsourcing” để có nguồn tài chính giữ chân nhân viên.

Nhiều startup công nghệ không bật lên để thành công, cũng chẳng đứt gánh giữa đường, họ rơi vào trạng thái zombie (xác sống), ì ạch níu kéo sự sống để hy vọng có một phép màu nào đó.

Vốn quý nhất cho những người khởi nghiệp, theo Thanh, là kinh qua môi trường làm việc chuyên nghiệp của những công ty nước ngoài cùng lĩnh vực, phân vai rõ ràng trong một cấu trúc ổn định để thực hiện một kế hoạch dài hơi. Ở IPI, cô chị cả Bùi Thủy Tiên lo tiếp thị, tìm kiếm đầu tư, em út Bùi Thanh Thảo lo tài chính, quản lý dòng tiền còn Thanh quán xuyến toàn bộ quá trình thực hiện công việc. “Tôi biết rất rõ làm một công việc cần bao nhiêu người, hết bao nhiêu thời gian để tính toán giá cả cạnh tranh, để sử dụng nhân lực không lãng phí. Tôi biết tính chất công việc để thuê người có trình độ phù hợp, không quá cao để lãng phí, cũng không quá thấp để khiến công việc ì ạch”, Thanh tự tin.

Với Christian Hưng Nguyễn, CEO của Công ty Offpeak Việt Nam và ứng dụng Nóizì, vốn con người là quý nhất. “Trong 10 năm qua, tôi chưa bỏ một nhân viên nào. Tôi còn đào tạo cho một cậu bảo vệ thành kỹ sư phần mềm. Ngay cả khi tôi đói kém nhất, không còn tiền trả lương, họ cũng không bỏ tôi”, anh tâm sự. Từ Pháp về Việt Nam năm 2005 với 2.000 euro trong túi, khoản tiền lớn đầu tiên Hưng kiếm được là từ thù lao thiết kế nội thất cho một ngôi biệt thự và anh dùng nó làm vốn mở công ty. Hưng cũng đã nhiều phen “bầm dập” trước khi thành công. “Lúc đó tôi có biết startup là gì đâu, cứ làm thôi”. Đến giờ thì căn nhà của anh ở quận Bình Thạnh vẫn là chỗ mà ông chủ và các nhân viên độc thân ở chung.

Chuyên gia về khởi nghiệp Phạm Vũ Hiệp nhận xét: “Những bạn khởi nghiệp công nghệ trụ lại được là những người đam mê, tự vận động nguồn vốn và đã ít nhiều trải qua khó khăn trong kinh doanh. Còn có những bạn mà gia đình sẵn có điều kiện, thường thì ý chí phấn đấu lại không cao, sau khi tiêu hết tiền thì họ bỏ mục tiêu, không trở lại. Startup không phải là bữa cỗ để ai muốn xơi thì vào”.

Hết tiền, startup biến thành zombie?

Có lẽ không có nhiều người cảm nhận một cách sâu sắc về những khó khăn và thiếu thốn của buổi đầu khởi nghiệp như Hồ Đức Hoàn, CEO của EBIV. Anh chia sẻ: “Mẫu số chung của những người khởi nghiệp công nghệ vẫn là thiếu vốn, thiếu kiến thức và kinh nghiệm, thiếu người hợp tác nhưng lại có thừa… ảo tưởng! Họ không lường trước được những cạm bẫy đang chờ đón ở phía trước, như xin một tờ giấy phép phải mất vài tháng trời, phải xử lý những bất đồng trong đội ngũ, rồi những vấn đề quản lý đồng tiền, tiếp thị sản phẩm…

Khởi nghiệp sớm và thất bại không khác gì cơn ác mộng khi bạn đốt hết tiền của bản thân, gia đình và lâm vào cảnh nợ nần. Chỉ những người thực sự có dũng khí mới dám khởi nghiệp trở lại sau quãng thời gian dài bế tắc”.

Hoàn cũng đã ba, bốn lần thất bại với EBIV, rồi gượng đứng dậy. Anh cho biết: “Chủ yếu là sai về chiến lược và mỗi lần nhận ra, chỉnh sửa là đều tốn tiền. Trong 14 tháng qua, dự án EBIV đã “ngốn” 2 tỉ đồng, đến giờ chiến lược đã ổn định, cộng đồng đã bắt đầu tiếp nhận công cụ của EBIV, công ty có một chuyên gia tài chính người Canada đầu tư vào đồng thời giữ vai trò giám đốc tài chính, phụ trách các vấn đề về quản trị dòng tiền và tiếp xúc nhà đầu tư quốc tế”.

Theo số liệu từ Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), đơn vị khởi xướng và đồng tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp (Startup Wheel), trong những năm qua, trung bình các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực ICT chiếm hơn 40% tổng số các dự án tham gia cuộc thi. Khởi nghiệp công nghệ dễ mà khó, vì thứ nhất là phải cạnh tranh với nhiều đối thủ hơn, thứ hai là công nghệ luôn có tính làn sóng, thay đổi rất nhanh, bắt được đúng con sóng thì có thể lên cao, bắt chậm thì phải chịu sóng đè.

Điểm khó khăn thứ ba, theo Trần Nguyễn Lê Văn, CEO của cổng đặt xe trực tuyến Vexere.com và Nguyễn Hoàng Trung, CEO của ứng dụng ẩm thực Lozi, đó là thói quen sử dụng các nền tảng công nghệ ở người Việt chưa cao. “Phải mất nhiều thời gian và chi phí để xây dựng thói quen cho người dùng, nếu không kiên nhẫn và không đủ nguồn lực là rất dễ đứt gánh giữa đường”, Lê Văn cho biết. “Đó là chưa kể tới khả năng bị các đối thủ từ nước ngoài nhảy vào giành thị trường. Đã thành công ở các thị trường trưởng thành khác, họ đủ nguồn lực để tấn công vào thị trường mới”.

Nhiều startup công nghệ không bật lên để thành công, cũng chẳng đứt gánh giữa đường, họ rơi vào trạng thái zombie (xác sống), ì ạch níu kéo sự sống để hy vọng có một phép màu nào đó – Trương Phi Cường cho biết. “Trong số 17 dự án startup được đề án Vietnam Silicon Valley thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đỡ đầu thì có 5-6 dự án rơi vào tình trạng án binh bất động, có thể do họ thiếu nguồn lực, xác định sai thị trường hoặc hết niềm tin”. Hồ Đức Hoàn thì nhìn nhận một cách khắc nghiệt hơn: đến 95% startup công nghệ ở Việt Nam hoặc đứt gánh hoặc đang là những xác sống.

Nhìn lại, Trương Phi Cường cho rằng chính việc “đi hai chân” như câu chuyệnnêu ở đầu bài lại là điều hay cho những người trẻ khởi nghiệp công nghệ. Ngay cả trong môi trường mà thất bại là điều không dễ được chấp nhận, khi thất bại họ cũng không bị rơi vào tuyệt vọng. Họ có đủ những bài học kinh nghiệm cần thiết để đón những con sóng công nghệ mới. Và nếu không đón được sóng mới thì họ vẫn làm ra được sản phẩm cho xã hội.

 

Canh bạc đầu tư ‘Uber bất động sản’ của doanh nhân Mỹ gốc Việt

Hái quả ngọt từ 3 công ty công nghệ tài chính Mỹ, ông John Le bất ngờ về Việt Nam khởi nghiệp và thử sức trên một sân chơi còn kém minh bạch là thị trường nhà phố tại TP HCM.

Nhiều thập niên sống và làm việc tại Mỹ, doanh nhân Việt kiều – John Le chia sẻ chưa từng nghĩ đến việc dừng niềm đam mê khởi nghiệp bằng công nghệ vốn đã thấm vào máu thịt. Ông tốt nghiệp ngành Toán học và Khoa học thống kê tại Đại học California (UCLA). Kể từ khi ra trường đến nay, ông có 25 năm làm việc với hầu hết các ngân hàng thuộc Top Fortune 100 tại Bắc Mỹ và đã huy động hơn 35 triệu USD cho các công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ tài chính.

Trong các năm 1998-2008, John từng tham gia thành lập 3 công ty (LoanTrader, Portellus và Mozaik) hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hiện đại để quản lý tài chính. Mô hình start-up quen thuộc của ông luôn đậm phong cách Mỹ. Đó là cùng với các đối tác xây dựng, phát triển ổn định một công ty non trẻ trên nền tảng công nghệ hiện đại, giúp doanh nghiệp gặt hái nhiều thành công, rồi sau đó chuyển nhượng lại để đi chinh phục những thử thách mới.

Năm 2009, ngành ngân hàng Việt Nam lần đầu tiên biết đến John ở mảng công nghệ tài chính TransUnion (Việt Nam), một công ty tín dụng quốc tế tư nhân được thành lập bởi TransUnion toàn cầu và Mozaik. Trong 2 thập niên khởi nghiệp, ông từng 2 lần nhận giải thưởng Ernst & Young Entrepreneur và một giải thưởng  “Orange County/San Diego Technology Fast 50” do Deloitte & Touche trao cho công ty LoanTrader với thành tích là công ty tăng trưởng nhanh nhất.

Song con đường bằng phẳng là công nghệ tài chính đầy thành công hơn 2 thập niên qua dường như chưa đủ giúp ông thỏa chí chinh phục và khám phá. John gây bất ngờ lớn khi âm thầm chọn một ngã rẽ không phải sở trường để khởi nghiệp tại thị trường Việt Nam là bất động sản.

canh-bac-dau-tu-uber-bat-dong-san-cua-doanh-nhan-my-goc-viet

Doanh nhân Mỹ gốc Việt, John Le đang đặt cược hàng triệu USD vào dự án khởi nghiệp theo mô hình “Uber bất động sản” tại Việt Nam. Ảnh: Vũ Lê

Năm 2015 ông chuyển hướng sang thị trường địa ốc thông qua phát triển Propzy – dự án khởi nghiệp mới nhất. Chứng kiến cách Uber (dịch vụ taxi hiện đại được quản lý bằng phần mềm thông minh) từng bước xâm nhập thị trường vận tải tại Việt Nam, John đã ấp ủ kế hoạch phát triển mô hình “Uber bất động sản” cho công ty non trẻ của mình.

Vị doanh nhân Việt kiều chia sẻ, với nền tảng hàng chục năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, am hiểu về việc thế chấp tài sản nhà đất tại Mỹ, ông nhắm đến thị trường nhà phố tại Việt Nam ước tính 24 triệu căn để khai thác. Năm 2015 John đầu tư một triệu USD vào Propzy.

Từ tháng 6 đến tháng 12/2015, ông ra mắt công nghệ mới phục vụ cho phân khúc văn phòng, căn hộ và nhà lẻ bán hoặc cho thuê trên nền tảng đăng tin miễn phí. Tháng 3/2016 mở rộng thị trường sang phân khúc dự án mới. Tất cả các sản phẩm bất động sản được tích hợp trên cùng một cổng thông tin, có thể tìm kiếm nhanh, chính xác nhưng bảo mật và hỗ trợ quy trình giao dịch an toàn từ khâu tìm kiếm đến tư vấn, giải quyết vướng mắc pháp lý, thậm chí kết nối ngân hàng, sang tên, ra giấy chứng nhận.

Tháng 7/2016, John ra mắt ứng dụng dành riêng cho các nhà môi giới dùng trên smartphone, cho phép môi giới quản lý và thực hiện các giao dịch bất động sản theo phương thức mới tương tự Uber. Chỉ cần chọn đặt lệnh mua/bán, khách hàng được hỗ trợ quy trình giao dịch khép kín, có thể theo dõi từng khâu như người dùng taxi quan sát xe di chuyển và minh bạch thông tin tuyệt đối. Cộng đồng môi giới có thể chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau tìm kiếm và phục vụ khách hàng thông qua cổng thông tin mới này.

canh-bac-dau-tu-uber-bat-dong-san-cua-doanh-nhan-my-goc-viet-1

Vấn đề đặt ra cho start-up là làm cách nào có thể thay đổi thói quen giao dịch nhà đất truyền thống của người dân đồng thời tạo nên nguồn hàng hóa, thông tin bất động sản khổng lồ trong thời gian ngắn để lôi kéo khách hàng tìm đến địa chỉ này giao dịch. Ảnh: Vũ Lê

Mục tiêu đầu tiên của John là đánh chiếm thị trường nhà phố trên cả nước thông qua cộng đồng kết nối lớn, tích hợp và ứng dụng công nghệ hiện đại, quy trình giao dịch an toàn. Tròn một năm đầu tư vào dự án khởi nghiệp, vị doanh nhân này hội tụ được 500 nhà môi giới chuyên nghiệp về đầu quân cho công ty, chuyển giao và kết nối 800 giao dịch thành công cho khách hàng. Sau thị phần nhà phố tại TP HCM, ông tính đến việc sẽ mở đường ra Hà Nội và lan sang những tỉnh thành khác.

John tiết lộ giai đoạn tiếp theo phát triển mô hình “Uber bất động sản” từ cuối năm 2016 đến 2018, ông cùng các đối tác sẽ rót thêm vốn, nâng tổng số tiền đầu tư cho mô hình khởi nghiệp lên mức 3- 5 triệu USD. Thời gian thu hồi vốn ước tính khoảng 2-3 năm. Tuy nhiên, chặng đường phía trước đang chờ đón vị doanh nhân này không trải đầy hoa hồng. Bởi lẽ những thách thức dành cho ông rất lớn.

Khảo sát của VnExpress, số lượng cổng thông tin bất động sản tại thị trường Việt Nam khá dày đặc và có cấu trúc cũng như cách hoạt động na ná nhau, không có sự cam kết minh bạch thông tin hay bảo đảm một quy trình giao dịch an toàn. Các làn sóng đầu tư vào công nghệ bất động sản tại Việt Nam đa phần ghi nhận bề nổi thời gian đầu, càng về sau càng mờ nhạt. Khá nhiều cổng thông tin sau một vài năm ra mắt chỉ hoạt động cầm chừng, không hiệu quả và không đủ sức đi đường dài.

Trong khi đó, môi giới bất động sản, đặc biệt là cò nhà đất địa phương ở lĩnh vực nhà phố, có đặc tính chỉ sống chết vì hoa hồng (phí môi giới). Có giao dịch, có hoa hồng thì mới duy trì lượng môi giới gắn kết lâu dài. Chỉ cần ế khách, rỗng túi từ 3-4 tuần đến vài tháng, môi giới đã bắt đầu xê dịch, tìm hướng đầu quân công ty mới.

Một chuyên gia có thâm niên gần 20 năm quan sát và tư vấn đầu tư bất động sản tại TP HCM đánh giá, canh bạc mà John đang chơi đặt ra 4 câu hỏi. Thứ nhất, làm cách nào lôi kéo được môi giới có thâm niên dạn dày kinh nghiệm gắn kết lâu dài cùng chia sẻ lợi nhuận.

Thứ hai, làm cách nào trong một thời gian ngắn có thể phát triển một cổng thông tin dữ liệu cực lớn với đầy đủ nguồn hàng hóa bất động sản đa dạng ở nhiều phân khúc, đủ sức lôi kéo người tiêu dùng tìm đến địa chỉ này để giao dịch.

Thứ ba, làm cách nào để sống còn (chứ chưa tính đến lời lãi) trong khi doanh nghiệp sẽ chỉ sống bằng mức phía hoa hồng chi sẻ theo tỷ lệ tương tự như Uber (công ty 20%, môi giới 80%) và không có thêm nguồn thu nào khác từ các hoạt đông quảng cáo. Thứ tư, làm cách nào thay đổi được thói quen của người Việt Nam vốn ưa thích giao dịch nhà đất theo cách truyền thống, âm thầm trong nhiều thập niên qua.

Tuy nhiên, đáp lại những hoài nghi, John chia sẻ ông có cơ sở khoa học để đặt cược vào dự án khởi nghiệp này. Đó là cộng đồng người dùng internet tại Việt Nam đang được mở rộng hơn bao giờ hết và cơn khát minh bạch thông tin tại thị trường bất động sản Việt Nam đang bức thiết. “Điều tích cực nhất tôi có thể tự hào là thông qua dự án này, khách hàng giao dịch bất động sản có thể chạm đến được những chuẩn mực an toàn, được bảo vệ và được tiếp cận thông tin xác thực nhất”, ông nói.