Category Archives: Vietnam company

Doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp Việt đã “bật nhảy” hay vẫn đang ở thế chạy đà?

Doanh nghiệp Việt đã “bật nhảy” hay vẫn đang ở thế chạy đà? khi ngày 5/10, Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) sẽ chuyển sang chế độ thương mại tự do với Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với hơn 59% mặt hàng từ EAEU, trong đó có sản phẩm thịt, bột mì, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép, may mặc…, thuế suất đối với 30% mặt hàng khác sẽ được giảm dần về 0% trong giai đoạn quá độ.

Hơn 90% dòng thuế cho ngành thủy sản, dệt may, da giày đã đứng trước mốc thời hạn về 0%. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tất cả những mặt hàng được cắt, giảm thuế đều là những mặt hàng mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao và có bề dày xuất khẩu, liệu đã sẵn sàng “bật nhảy” hay vẫn đang ở thế chạy đà?

Doanh nghiệp Việt

Sẽ tiết kiệm 40 triệu USD

Theo tính toán của Ủy ban kinh tế Á – Âu, thành lập khu vực thương mại tự do giữa EAEU với Việt Nam có thể tăng kim ngạch song phương từ 4 tỷ USD hiện tại lên 8 – 10 tỷ USD. Trong năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, các nhà XK của EAEU sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế.

Được đánh giá là một thị trường tiềm năng và không “khó tính”, hàng hóa Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn đến với thị trường có hơn 183 triệu dân này. Bà Nguyễn Hoàng Anh – Trưởng phòng xuất nhập khẩu, công ty trách nhiệm hữu hạn Trung Thành, cho biết gần một năm nay, công ty đã tìm kiếm nhiều đơn hàng xuất khẩu sang thị trường EU với mức thuế vào khoảng 35%, nay giảm về 0% doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được hàng tỷ USD.

“Bởi vậy, từ tháng 10, doanh nghiệp sẽ tăng lượng hàng xuất sang EU lên gấp đôi. Bên cạnh đó, sẽ thành lập văn phòng đại diện tại Nga, sau đó sẽ mở rộng sang thị trường các nước như Belarus, Kazakhstan… để cung cấp những sản phẩm phù hợp với mỗi thị trường này”, bà Hoàng Anh cho biết.

Ông Đinh Tuấn Anh – Tổng Giám đốc công ty cổ phần Ladoza, cho biết: Đón đầu Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU, công ty đã tập trung nhập các nguyên liệu da từ Ấn Độ và các thiết bị máy móc, với thuế suất hiện tại là 0%.

“Hiện giờ, chúng tôi đang tìm kiếm các đối tác nước ngoài như Mexico và tiến hành xuất khẩu sang nước này với các sản phẩm ba lô – túi xách. Cùng với đó, thiết kế khoảng 20 sản phẩm mới để đưa sang các thị trường trong năm 2017”, ông Đinh Tuấn Anh chia sẻ.

Trong số những mặt hàng tiềm năng và chủ lực của Việt Nam, dệt may là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ EAEU. Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng đây sẽ là lợi thế tạo thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam vươn lên phát triển mạnh và có đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác.

Doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp cần chủ động

Mặc dù Việt Nam đang rất thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa sang các nước EU, song ông Đặng Hoàng Hải – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), cho rằng trên thực tế, thị trường EU không “dễ tính” như chúng ta nghĩ, những đòi hỏi về chất lượng và mẫu mã cũng bắt đầu khắt khe hơn. Bên cạnh đó là không ít thách thức mà các doanh nghiệp Việt phải đối mặt. Đó là sự cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng nhập khẩu từ phía Liên minh để có thể trụ vững trên sân nhà.

Bài toán đặt ra là doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì để khắc phục hạn chế, chủ động khai thác tối đa lợi thế từ những điều khoản trong Hiệp định thương mại tự do với thị trường rộng lớn này?

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tốt điều kiện hạ tầng, tuân thủ những quy định nghiêm ngặt cũng như cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa các nước khác. “doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu kỹ từng dòng thuế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ… Chẳng hạn đối với thủy sản, EAEU và FTA quy định nguyên liệu phải có xuất xứ từ nội khối, nhưng với mặt hàng tôm, cá ngừ, Việt Nam lại được phép sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để chế biến hàng xuất khẩu và phải bảo đảm tỷ lệ nội địa trên 40%”, ông Hải khuyến nghị.

Ông Nguyễn Quang Thái – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kinh tế Việt Nam, cho rằng: “Không phải có thuận lợi về thuế, về giá là chiếm lĩnh được ngay thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét kỹ các mặt hàng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu của thị trường mới”.

Ngoài ra, ông Thái cũng cho rằng một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt phải ứng phó hiện nay là việc chuẩn bị, tìm hiểu đối tác của thị trường châu Âu chưa được đầy đủ. Khi bán hàng sang một thị trường mới, phải tìm hiểu những quy định của đất nước sở tại, như môi trường, con người, tập quán…

Theo các chuyên gia kinh tế, cái khó của doanh nghiệp Việt hiện nay là chưa có hệ thống kho hàng, bến bãi, vì vậy khi giao thương với khu vực này chi phí vận chuyển cao. Điều này sẽ khiến lợi ích của việc giảm thuế không còn trọn vẹn.

Theo thoibaokinhdoanh

Trường Hải và áp lực ngôi vương

Trên thị trường giao dịch các cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) những tháng gần đây, có một cổ phiếu đang tạo sự chú ý đặc biệt cho các nhà đầu tư. Giá giao dịch nhiều phiên của cổ phiếu này đã được đẩy vọt lên đến mức 90.000-100.000 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn khan hiếm.

Đó là cổ phiếu THA của Công ty Ôtô Trường Hải. Công ty này dự kiến sẽ chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán trong khoảng từ đây đến năm 2017, có thể sẽ trở thành phiên bản thứ hai của Thế Giới Di Động hay Vinamilk với vai trò dẫn dắt thị trường.

Tuy nhiên, những hoài nghi cũng dần xuất hiện về vị thế của Trường Hải trong tương lai, nhất là khi những áp lực cạnh tranh mới xuất hiện từ 2018 trở đi dành cho công ty này. Câu hỏi đặt ra: Chủ tịch Trần Bá Dương sẽ làm gì để giữ vững được phong độ mà Trường Hải đã dày công vun đắp gần 20 năm qua?

Các chữ T trong quản trị

2014 và 2015 có thể xem là hai năm kinh doanh thuận lợi của Trường Hải với doanh thu và lợi nhuận tăng gần gấp đôi so với các năm trước. Với doanh thu năm 2015 xấp xỉ 2 tỉ USD và là doanh nghiệp nội địa hiếm hoi sở hữu chuỗi giá trị hoàn chỉnh (từ lắp ráp, sản xuất xe đến hệ thống showroom bán hàng và các dịch vụ hậu mãi trên toàn quốc), Trường Hải ghi dấu ấn trong nền công nghiệp xe hơi Việt Nam trước câu chuyện hội nhập toàn cầu.

Ảnh: Ôtô Trường Hải.

Theo báo cáo của Jardine Cycle & Carriage, cổ đông đang nắm giữ 25,1% cổ phần của Trường Hải, thị phần của công ty này tính đến cuối năm 2015 vào khoảng 28%, tăng thêm 4 điểm phần trăm so với năm trước đó. Trong năm nay, tham vọng mà ông Trần Bá Dương đặt ra là bán được 100.000 xe, tăng hơn 20% so với năm trước. Các nhóm xe mà Trường Hải kinh doanh khá đa dạng từ xe tải, xe khách, xe buýt, xe chuyên dùng cho đến xe du lịch. Với sức nóng của thị trường xe hơi thì mục tiêu này nhiều khả năng sẽ đạt được và có thể tạo ra kỷ lục cho một hãng xe nội địa mà tuổi đời chỉ mới 20.

Sự tăng trưởng của công ty này mang đậm dấu ấn của người lãnh đạo. Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP.HCM vào những năm đầu giải phóng, với hoài bão lớn, kỹ sư trẻ Trần Bá Dương ngay lập tức thể hiện năng lực tại doanh nghiệp cơ khí giao thông Đồng Nai khi dần nắm giữ những vị trí chủ chốt.

Nhận thấy cơ hội lớn sau mở cửa kinh tế, ông Dương đã đi đến quyết định thành lập Công ty Ôtô Trường Hải vào năm 1997 với một xưởng sản xuất nhỏ tại Biên Hòa (Đồng Nai). Mô hình khởi đầu là nhập khẩu xe đã qua sử dụng về tân trang lại để cung cấp cho thị trường, kết hợp với cung cấp các dịch vụ sửa chữa xe. Ngay năm đầu tiên hoạt động, Công ty đã bán được 137 xe các loại. Doanh số bán hàng các năm sau đó tăng khá nhanh.

Nhưng ông Dương sớm nhận ra là con đường này không thể tiến ra biển lớn. Trường Hải sẽ cần phải xây dựng thương hiệu riêng với những mẫu mã và thiết kế độc đáo. Cũng giống nhiều doanh nghiệp Việt vào thời điểm đó, ông đã lựa chọn chiến lược “đứng trên vai những người khổng lồ”.

Năm 2001, ông đã cho thành lập Công ty Sản xuất và Lắp ráp Ôtô Tracimexco – Trường Hải, chuyển đổi từ mô hình bán xe cũ sang kinh doanh sản xuất và lắp ráp dòng xe thương hiệu Kia tải hạng nhẹ, với công nghệ được chuyển giao từ Hàn Quốc. Đây là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp ôtô tại Biên Hòa 2 với công suất 5.000 xe/năm. Đến tháng 9.2001, sản phẩm đầu tiên của dòng xe tải nhẹ được xuất xưởng mang tên Trường Hải nhanh chóng được thị trường chấp nhận.

Trần Bá Dương

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Ôtô Trường Hải. Ảnh: thanhnien.com.vn.

Sự ăn nên làm ra của Trường Hải được thừa hưởng từ nguồn lao động giá tốt tại Việt Nam. Vào năm 2003, Trường Hải bắt đầu đầu tư thêm vào Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, và xây dựng nên Khu Phức hợp sản xuất và lắp ráp Ôtô Chu Lai – Trường Hải với quy mô lên đến hơn 600 ha.

Và từ các dòng xe tải ban đầu, Trần Bá Dương đẩy mạnh đầu tư vào dây chuyền lắp ráp xe du lịch. Năm 2007 là cột mốc quan trọng khi Trường Hải khánh thành dây chuyền lắp ráp dòng xe du lịch mang thương hiệu Trường Hải-Kia tại Chu Lai với công suất 20.000 xe/năm.

Rõ ràng quá trình phát triển của Trường Hải thể hiện một tư duy rất logic của người lãnh đạo, đó là lấy cái đơn giản làm trước, nỗ lực học hỏi để tiến lên cái khó. Ngành công nghiệp xe hơi của Việt Nam vẫn còn non trẻ, vì thế xe tải, xe buýt là sở trưởng mà doanh nghiệp Việt có thể làm tốt, rồi dần dần tiến lên phát triển các dòng xe du lịch có thiết kế và công nghệ phức tạp hơn.

Cuối năm 2008, Jardine Cycle & Carriage, một trong những nhà kinh doanh xe hơi hàng đầu của Singapore và khu vực Đông Nam Á, đã chi ra 77 triệu USD để mua 20% cổ phần của Trường Hải, đưa tên tuổi của công ty này vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Lần lượt các đối tác nước ngoài tìm đến hợp tác với Trường Hải như Mazda hay Peugeot. Tính riêng trong năm 2015, sản lượng xe du lịch Công ty bán được lên đến hơn 41.000 chiếc, tăng gấp đôi so với năm 2014. Bên cạnh các dòng xe ôtô du lịch, các dòng xe buýt mang thương hiệu THACO từ 25-47 chỗ ngồi cũng dần lấy được vị trí trên thị trường, đặc biệt với phân khúc xe buýt giường nằm, thị phần của Trường Hải chiếm khoảng 75%.

Nhưng không phải mọi con đường đều thuận buồm xuôi gió. Năm 2012, ảnh hưởng của biến động vĩ mô, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc phá sản, nền kinh tế tăng trưởng chậm khiến sức mua xe rớt thảm, cộng thêm lãi suất tăng mạnh khiến chi phí hoạt động tăng lên. Kết quả là tình hình kinh doanh của Trường Hải sụt mạnh, thậm chí lợi nhuận sụt giảm đến 2/3.

Bối cảnh khắc nghiệt ấy đã giết chết không ít doanh nghiệp kinh doanh và nhập khẩu ôtô. Trần Bá Dương khi đó đã nhanh chóng chuyển bớt nguồn nhân lực, tập trung phát triển mạnh mảng xe thương mại, xe chuyên dụng vốn có nguồn cầu ổn định hơn. Quyết định này là một trong những nhân tố quan trọng để vực dậy ngay Công ty trong năm kế tiếp với lợi nhuận ròng vượt cột mốc 1.000 tỉ đồng.

Không chỉ đơn thuần là lắp ráp xe, giấc mơ về một chiếc xe được nội địa hóa hoàn toàn là điều mà ông Dương luôn khát khao. Đến đại bản doanh Chu Lai của Trường Hải các ngày gần đây, có thể nhận ra những nhà máy phụ trợ cho ngành ôtô được ông Dương lần lượt cho ra đời, như nhà máy ghế, nhíp xe, ống xả, nhà máy sản xuất khung gầm và thùng xe, gia công các chi tiết cơ khí hay nhận chuyển giao công nghệ chế tạo động cơ từ phía Hyundai. Năm 2012, Trường Hải cũng đã thâu tóm Công ty Soosung (Hàn Quốc) để tiếp nhận công nghệ sản xuất và lắp ráp xe chuyên dụng.

Tỉ lệ nội địa hóa của các dòng xe tại Trường Hải hiện dao động 16-46%, thuộc nhóm cao nhất Việt Nam và nhiều khả năng sẽ đủ điều kiện để hưởng được thuế xuất khẩu 0% khi xuất sang các quốc gia Đông Nam Á khác kể từ năm 2018 trở đi (yêu cầu tỉ lệ nội địa hóa ít nhất phải là 40%).

Quản lý hơn 14.000 nhân viên và hệ thống trải dài trên 3 miền là một điều không hề dễ. “Đối với tôi, lãnh đạo phải là người biết cho những gì nhân viên muốn nhận, nhưng cũng biết sử dụng biện pháp mạnh để đủ sức răn đe khi cần thiết. Cái “được” và cái “sợ” từ cả hai phía phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và hoàn toàn không nên tùy hứng theo cảm xúc”, ông Dương chia sẻ trong những lần hiếm hoi xuất hiện trước giới truyền thông.

Nếu như ông Đoàn Hồng Việt của Digiworld quản lý Công ty bằng “3 chữ C”, ông Lê Phước Vũ của Tôn Hoa Sen quản lý nhân viên bằng “10 chữ T”, thì ông Trần Bá Dương cũng có công thức cho riêng mình, đó là nguyên tắc “8 chữ T”: Tận tâm, Trung thực, Trí tuệ, Tự tin, Tôn trọng, Trung tín, Tận tình và Thuận tiện. Bởi ôtô là ngành công nghiệp đòi hỏi chất lượng và sự phát triển bền vững, Trần Bá Dương tâm niệm rằng một nền văn hóa đặc sắc lấy kỷ luật làm trung tâm sẽ tạo nên một đội ngũ nhân sự có ý chí mạnh mẽ với thái độ làm việc tích cực, sáng tạo. Ông Dương cho rằng đây là nền tảng sức mạnh nội tại của Công ty.

Mất chiếc dù bảo vệ

Năm 2018 sẽ là thời khắc quan trọng của ngành ôtô Việt Nam bởi theo Hiệp định Thương mại tự do nội khối ASEAN, thuế nhập khẩu ôtô vào Việt nam sẽ chỉ còn 0%, tức chiếc ô bảo vệ mang tên “hàng rào thuế quan” sẽ không còn tác dụng. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) một khi có hiệu lực cũng có thể mang đến những thay đổi căn bản về cấu trúc ngành, nhất là từ các quốc gia có thế mạnh về xe hơi như Nhật và Mỹ.

Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chưa thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ ngoại bởi hạn chế về vấn đề công nghệ. Theo các chuyên gia trong ngành đánh giá, việc nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam từ sau năm 2018 sẽ thấp hơn đáng kể với chi phí lắp ráp trong nước, đặt ra thách thức lớn hơn bao giờ hết cho các doanh nghiệp Việt, thậm chí đã có một số doanh nghiệp ngoại lắp ráp xe ở Việt Nam đã “đánh tiếng” sẽ đóng cửa nhà máy nếu không nhận được các hậu thuẫn về mặt chính sách từ Nhà nước.

Đối thủ lớn nhất cho Việt Nam sẽ là các dòng xe có xuất xứ từ Thái Lan. Công suất các nhà máy lắp ráp ôtô tại Thái Lan hiện lên đến 2,85 triệu chiếc, thậm chí nếu chạy hết công suất thì có thể đạt đến 4 triệu chiếc. Trong bối cảnh sức tiêu thụ của Thái Lan đã bão hòa thì xuất khẩu sẽ là chiến lược được các doanh nghiệp đẩy mạnh. Với con số sản xuất khủng nói trên, có lý do để tin rằng sau năm 2018, các dòng xe “Made in Thailand” sẽ tràn ngập thị trường các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Bởi thế, dù dư địa thị trường vẫn còn rất lớn khi số lượng xe trên đầu người của Việt Nam còn khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia (3 xe/100 dân so với 20 xe/100 dân), nhưng nhiều khả năng chiếc bánh này sẽ khó rơi vào tay các doanh nghiệp trong nước. Áp lực cạnh tranh trong ngành thậm chí còn bị tác động bởi những phương tiện giao thông thay thế. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày càng mọc lên các loại hình giao thông công cộng hiện đại như metro, các đường sắt đô thị một ray. Những phương tiện này sẽ ảnh hưởng phần nào đến tâm lý sở hữu xe hơi của người tiêu dùng.

Thực tế thì ông Dương đã cảm nhận mối nguy này từ khá lâu và dường như “canh bạc bất động sản” đang là cuộc chơi “hậu kỳ” của ông.

Năm 2011, Trường Hải cùng một số đối tác thành lập Công ty Đại Quang Minh. Tổng vốn điều lệ của công ty này lên đến 2.700 tỉ đồng và tập trung vào các dự án hạ tầng lớn tại Khu Đô thị Thủ Thiêm (quận 2). Bên cạnh đó, Đại Quang Minh cũng được chấp thuận đầu tư các khu đô thị quy mô hàng trăm hecta tại trung tâm tài chính mới của Thành phố. Chỉ trong năm 2015, Đại Quang Minh thu về 6.400 tỉ đồng.

Trường Hải có thể có thể phải tạm gác lại giấc mơ tạo ra một chiếc xe 100% “Made in Vietnam” cho những tính toán thực tế hơn như bất động sản. Ảnh: Ôtô Trường Hải.

Ngoài TP.HCM, Trường Hải còn sở hữu một số dự án quy mô hàng trăm hecta tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Đó là chưa tính đến hệ thống 89 showroom nằm tại nhiều vị trí đắc địa trên toàn quốc mà phần lớn quyền sử dụng đất thuộc về Trường Hải. Tính tổng quát, các dự án bất động sản có thể mang lại cho Trường Hải hằng trăm tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm, nhưng cũng sẽ mang theo rủi ro nếu thị trường biến động.

Thị trường địa ốc Việt Nam vẫn được xem là còn tốt. Đó cũng là lý do vì sao bên cạnh Trường Hải, nhiều doanh nghiệp xuất thân từ các ngành công nghiệp khác cũng dần xuất hiện trong mảng kinh doanh bất động sản như Tôn Hoa Sen hay Cơ Điện Lạnh REE.

“Xe hơi vẫn là chủ đạo nhưng phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành là định hướng của chúng tôi trong lộ trình hội nhập khu vực ASEAN. Thực tế đã chứng minh, phát triển đa ngành là xu hướng tất yếu của các tập đoàn lớn trong khu vực và trên thế giới. Khi ngành nghề cốt lõi đã lớn mạnh, đã có thể làm trụ cột và tích lũy được tài chính, kinh nghiệm thì họ đều vươn tay sang các lĩnh vực khác. Chúng tôi cũng không ngoại lệ”, ông Dương nói.

Nhưng cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra khi Trường Hải bắt đầu mở rộng đa ngành. Liệu năng lực quản trị của công ty có thể đáp ứng cho sự “phân thân” vào cả 2 lĩnh vực khó là ôtô và bất động sản, trong khi bất động sản chưa phải là thế mạnh? Ông Dương sẽ đối mặt những áp lực về tài chính khi lấn sân sang lĩnh vực địa ốc ra sao? Và ông đã có những chiến lược dự phòng rủi ro nào khi tham gia vào địa ốc vốn được xem là một ngành nhạy cảm, nhiều rủi ro từ chính sách?

Những câu hỏi này cần thời gian chứng minh. Nhưng trước mắt, đặt trong bối cảnh ngành ôtô gặp nhiều thách thức cạnh tranh, cuộc phiêu lưu mới của Trần Bá Dương có thể cũng là một phép thử.

Vinasun có thêm xe hạng sang Lexus, cước 30.000 đồng/km

Sau khi chính thức được phép thí điểm dịch vụ gọi xe bằng ứng dụng Vcar, mới đây Vinasun lại bất ngờ bổ sung thêm hai dòng xe hạng sang mới có giá cước cao gần gấp đôi so với cước taxi Vinasun.

Hãng xe Vinasun taxi vừa mới bổ sung thêm vào dịch vụ gọi xe Vcar các dòng xe hạng sang là Toyota Land Cruiser và Lexus trong tháng 8. Trước đó, dịch vụ gọi xe Vcar của Vinasun taxi đã có các dòng xe 4 chỗ Toyota Camry và 7 chỗ Fortuner; đều thuộc nhóm xe có chất lượng khá.

Từ tháng 8-2016, người tiêu dùng có thể gọi các dòng xe hạng sang kể trên thông qua ứng dụng Vinasun app khi chọn mục Vcar 4 chỗ (Camry) hoặc 7 chỗ (bao gồm các xe Toyota Fortuner; Land Cruiser hoặc Lexus). Theo đại diện hãng Vinasun taxi, hiện tại các dòng xe hạng sang Toyota Land Cruiser và Lexus mới chỉ thử nghiệm nên số lượng còn ít.

Mức cước dòng xe hạng sang mới cập nhật này cao hơn so với mức cước taxi thông thường; cước gọi xe Toyota Land Cruiser cho quãng đường dưới 30 km là 25.000 đồng/km; còn trên 30 km là 22.000 đồng/km. Đối với dòng xe hạng sang Lexus, mức cước lần lượt là 30.000 đồng/km và 26.000 đồng/km.

Cước taxi Vinasun hiện tại đối với xe 7 chỗ là 16.000 đồng/km; còn xe 4 chỗ là 14.000 đồng đối với quãng đường dưới 30 km.

Hiện tại, khách hàng sẽ không thể chọn dòng xe hạng sang Toyota Land Cruiser hoặc Lexus trực tiếp trên ứng dụng gọi xe Vinasun, vì ứng dụng Vinasun vừa cập nhật chỉ cho phép chọn xe Vcar 4 chỗ hoặc 7 chỗ; không phân biệt theo nhãn hiệu xe.

Theo thông tin từ Vinasun taxi, nếu khách hàng chọn xe bất kỳ trên ứng dụng Vinasun app; hệ thống sẽ tự động chọn một chiếc xe ở gần vị trí khách hàng gọi xe; không phân biệt là đó là Vcar hay Vinasun taxi. Vì thế, nếu khách hàng muốn yêu cầu xe Vcar, cần chọn mục Vcar 4 chỗ hoặc 7 chỗ.

Khi gọi tới số điện thoại hotline của Vinasun taxi để yêu cầu trực tiếp các dòng xe hạng sang Toyota Land Cruiser hoặc Lexus; nhân viên Vinasun taxi cho biết, nếu khách hàng muốn yêu cầu các loại xe này thì cần liên hệ trực tiếp với tổng đài Vinasun, chứ không thể yêu cầu trực tiếp hai loại xe này trên ứng dụng gọi xe.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép Vinasun được thí điểm dùng ứng dụng công nghệ để hỗ trợ và quản lý kết nối đối với loại xe hợp đồng từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Việc thí điểm này sẽ được thực hiện ở 8 địa phương gồm TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa–Vũng Tàu, Khánh Hòa và Đồng Tháp. Dù xe Vcar không cần gắn biển hiệu taxi cũng như số điện thoại tổng đài nhưng các xe hợp đồng muốn tham gia hệ thống này phải dán tem Vcar để nhận diện.

 

6 tháng, Vingroup lãi 3.000 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch năm

6 tháng đầu năm, Vingroup ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi, còn lợi nhuận tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016.

Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2016 là 24.197 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Vingroup cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.926 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần.

So với kế hoạch đã được thông qua tại Đại hội Cổ đông thường niên năm 2016, Tập đoàn đã hoàn thành 54% kế hoạch doanh thu và 98% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Riêng trong quý II, doanh thu chuyển nhượng bất động sản đạt 4.533 tỷ đồng, tăng 31%. Doanh thu cho thuê TTTM/Văn phòng và doanh thu đến từ mảng kinh doanh khách sạn, du lịch và vui chơi giải trí cũng tăng mạnh lần lượt 39% và 59%. Hai mảng này góp tương ứng 735 tỷ đồng và 1.102 tỷ đồng vào tổng doanh thu quý II của Vingroup.

Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động giáo dục đạt 147 tỷ đồng, tăng 58%. Còn doanh thu cung cấp dịch vụ bệnh viện và các dịch vụ liên quan đạt 263 tỷ đồng, tăng 53%.

Đáng chú ý, Vingroup ghi nhận mức doanh thu tăng đột biến từ mảng bán hàng tại siêu thị và cửa hàng tiện ích với 2.465 tỷ đồng, tăng 226% so với cùng kỳ năm trước.

Tại ngày 30/06/2016, tổng tài sản Vingroup đạt 159.280 tỷ đồng, tăng hơn 13.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 44.560 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2015.

Canh bạc đầu tư ‘Uber bất động sản’ của doanh nhân Mỹ gốc Việt

Hái quả ngọt từ 3 công ty công nghệ tài chính Mỹ, ông John Le bất ngờ về Việt Nam khởi nghiệp và thử sức trên một sân chơi còn kém minh bạch là thị trường nhà phố tại TP HCM.

Nhiều thập niên sống và làm việc tại Mỹ, doanh nhân Việt kiều – John Le chia sẻ chưa từng nghĩ đến việc dừng niềm đam mê khởi nghiệp bằng công nghệ vốn đã thấm vào máu thịt. Ông tốt nghiệp ngành Toán học và Khoa học thống kê tại Đại học California (UCLA). Kể từ khi ra trường đến nay, ông có 25 năm làm việc với hầu hết các ngân hàng thuộc Top Fortune 100 tại Bắc Mỹ và đã huy động hơn 35 triệu USD cho các công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ tài chính.

Trong các năm 1998-2008, John từng tham gia thành lập 3 công ty (LoanTrader, Portellus và Mozaik) hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hiện đại để quản lý tài chính. Mô hình start-up quen thuộc của ông luôn đậm phong cách Mỹ. Đó là cùng với các đối tác xây dựng, phát triển ổn định một công ty non trẻ trên nền tảng công nghệ hiện đại, giúp doanh nghiệp gặt hái nhiều thành công, rồi sau đó chuyển nhượng lại để đi chinh phục những thử thách mới.

Năm 2009, ngành ngân hàng Việt Nam lần đầu tiên biết đến John ở mảng công nghệ tài chính TransUnion (Việt Nam), một công ty tín dụng quốc tế tư nhân được thành lập bởi TransUnion toàn cầu và Mozaik. Trong 2 thập niên khởi nghiệp, ông từng 2 lần nhận giải thưởng Ernst & Young Entrepreneur và một giải thưởng  “Orange County/San Diego Technology Fast 50” do Deloitte & Touche trao cho công ty LoanTrader với thành tích là công ty tăng trưởng nhanh nhất.

Song con đường bằng phẳng là công nghệ tài chính đầy thành công hơn 2 thập niên qua dường như chưa đủ giúp ông thỏa chí chinh phục và khám phá. John gây bất ngờ lớn khi âm thầm chọn một ngã rẽ không phải sở trường để khởi nghiệp tại thị trường Việt Nam là bất động sản.

canh-bac-dau-tu-uber-bat-dong-san-cua-doanh-nhan-my-goc-viet

Doanh nhân Mỹ gốc Việt, John Le đang đặt cược hàng triệu USD vào dự án khởi nghiệp theo mô hình “Uber bất động sản” tại Việt Nam. Ảnh: Vũ Lê

Năm 2015 ông chuyển hướng sang thị trường địa ốc thông qua phát triển Propzy – dự án khởi nghiệp mới nhất. Chứng kiến cách Uber (dịch vụ taxi hiện đại được quản lý bằng phần mềm thông minh) từng bước xâm nhập thị trường vận tải tại Việt Nam, John đã ấp ủ kế hoạch phát triển mô hình “Uber bất động sản” cho công ty non trẻ của mình.

Vị doanh nhân Việt kiều chia sẻ, với nền tảng hàng chục năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, am hiểu về việc thế chấp tài sản nhà đất tại Mỹ, ông nhắm đến thị trường nhà phố tại Việt Nam ước tính 24 triệu căn để khai thác. Năm 2015 John đầu tư một triệu USD vào Propzy.

Từ tháng 6 đến tháng 12/2015, ông ra mắt công nghệ mới phục vụ cho phân khúc văn phòng, căn hộ và nhà lẻ bán hoặc cho thuê trên nền tảng đăng tin miễn phí. Tháng 3/2016 mở rộng thị trường sang phân khúc dự án mới. Tất cả các sản phẩm bất động sản được tích hợp trên cùng một cổng thông tin, có thể tìm kiếm nhanh, chính xác nhưng bảo mật và hỗ trợ quy trình giao dịch an toàn từ khâu tìm kiếm đến tư vấn, giải quyết vướng mắc pháp lý, thậm chí kết nối ngân hàng, sang tên, ra giấy chứng nhận.

Tháng 7/2016, John ra mắt ứng dụng dành riêng cho các nhà môi giới dùng trên smartphone, cho phép môi giới quản lý và thực hiện các giao dịch bất động sản theo phương thức mới tương tự Uber. Chỉ cần chọn đặt lệnh mua/bán, khách hàng được hỗ trợ quy trình giao dịch khép kín, có thể theo dõi từng khâu như người dùng taxi quan sát xe di chuyển và minh bạch thông tin tuyệt đối. Cộng đồng môi giới có thể chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau tìm kiếm và phục vụ khách hàng thông qua cổng thông tin mới này.

canh-bac-dau-tu-uber-bat-dong-san-cua-doanh-nhan-my-goc-viet-1

Vấn đề đặt ra cho start-up là làm cách nào có thể thay đổi thói quen giao dịch nhà đất truyền thống của người dân đồng thời tạo nên nguồn hàng hóa, thông tin bất động sản khổng lồ trong thời gian ngắn để lôi kéo khách hàng tìm đến địa chỉ này giao dịch. Ảnh: Vũ Lê

Mục tiêu đầu tiên của John là đánh chiếm thị trường nhà phố trên cả nước thông qua cộng đồng kết nối lớn, tích hợp và ứng dụng công nghệ hiện đại, quy trình giao dịch an toàn. Tròn một năm đầu tư vào dự án khởi nghiệp, vị doanh nhân này hội tụ được 500 nhà môi giới chuyên nghiệp về đầu quân cho công ty, chuyển giao và kết nối 800 giao dịch thành công cho khách hàng. Sau thị phần nhà phố tại TP HCM, ông tính đến việc sẽ mở đường ra Hà Nội và lan sang những tỉnh thành khác.

John tiết lộ giai đoạn tiếp theo phát triển mô hình “Uber bất động sản” từ cuối năm 2016 đến 2018, ông cùng các đối tác sẽ rót thêm vốn, nâng tổng số tiền đầu tư cho mô hình khởi nghiệp lên mức 3- 5 triệu USD. Thời gian thu hồi vốn ước tính khoảng 2-3 năm. Tuy nhiên, chặng đường phía trước đang chờ đón vị doanh nhân này không trải đầy hoa hồng. Bởi lẽ những thách thức dành cho ông rất lớn.

Khảo sát của VnExpress, số lượng cổng thông tin bất động sản tại thị trường Việt Nam khá dày đặc và có cấu trúc cũng như cách hoạt động na ná nhau, không có sự cam kết minh bạch thông tin hay bảo đảm một quy trình giao dịch an toàn. Các làn sóng đầu tư vào công nghệ bất động sản tại Việt Nam đa phần ghi nhận bề nổi thời gian đầu, càng về sau càng mờ nhạt. Khá nhiều cổng thông tin sau một vài năm ra mắt chỉ hoạt động cầm chừng, không hiệu quả và không đủ sức đi đường dài.

Trong khi đó, môi giới bất động sản, đặc biệt là cò nhà đất địa phương ở lĩnh vực nhà phố, có đặc tính chỉ sống chết vì hoa hồng (phí môi giới). Có giao dịch, có hoa hồng thì mới duy trì lượng môi giới gắn kết lâu dài. Chỉ cần ế khách, rỗng túi từ 3-4 tuần đến vài tháng, môi giới đã bắt đầu xê dịch, tìm hướng đầu quân công ty mới.

Một chuyên gia có thâm niên gần 20 năm quan sát và tư vấn đầu tư bất động sản tại TP HCM đánh giá, canh bạc mà John đang chơi đặt ra 4 câu hỏi. Thứ nhất, làm cách nào lôi kéo được môi giới có thâm niên dạn dày kinh nghiệm gắn kết lâu dài cùng chia sẻ lợi nhuận.

Thứ hai, làm cách nào trong một thời gian ngắn có thể phát triển một cổng thông tin dữ liệu cực lớn với đầy đủ nguồn hàng hóa bất động sản đa dạng ở nhiều phân khúc, đủ sức lôi kéo người tiêu dùng tìm đến địa chỉ này để giao dịch.

Thứ ba, làm cách nào để sống còn (chứ chưa tính đến lời lãi) trong khi doanh nghiệp sẽ chỉ sống bằng mức phía hoa hồng chi sẻ theo tỷ lệ tương tự như Uber (công ty 20%, môi giới 80%) và không có thêm nguồn thu nào khác từ các hoạt đông quảng cáo. Thứ tư, làm cách nào thay đổi được thói quen của người Việt Nam vốn ưa thích giao dịch nhà đất theo cách truyền thống, âm thầm trong nhiều thập niên qua.

Tuy nhiên, đáp lại những hoài nghi, John chia sẻ ông có cơ sở khoa học để đặt cược vào dự án khởi nghiệp này. Đó là cộng đồng người dùng internet tại Việt Nam đang được mở rộng hơn bao giờ hết và cơn khát minh bạch thông tin tại thị trường bất động sản Việt Nam đang bức thiết. “Điều tích cực nhất tôi có thể tự hào là thông qua dự án này, khách hàng giao dịch bất động sản có thể chạm đến được những chuẩn mực an toàn, được bảo vệ và được tiếp cận thông tin xác thực nhất”, ông nói.