CEO tuổi 28 Nguyễn Hàm Tiến Thành có 8 năm khởi nghiệp, là đồng sáng lập 3 chuỗi F&B đình đám là Coffee Gemini, Coffee Bike và ETO Coffee.
Dám từ bỏ 2 ngôi trường Đại học danh tiếng để theo đuổi đam mê kinh doanh; trải qua vô số khó khăn, áp lực cấm cản từ gia đình, chặng đường khởi nghiệp của CEO sinh năm 1989 Nguyễn Hàm Tiến Thành đã khẳng định một triết lý: Cuộc sống là một chuyến hành trình, thường khó khăn và đôi khi tàn nhẫn không ngờ. Nhưng chúng ta đều được chuẩn bị tốt cho nó nếu chúng ta biết nắm lấy tài năng của bản thân và cho phép chúng nảy nở.
28 tuổi, 8 năm khởi nghiệp với 5 công ty/dự án được sáng lập và hoạt động trên 12 tháng: Happy Media, Vlog Plus, Thik, Suki, Sướng. Tham gia đồng sáng lập 3 chuỗi F&B (ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống) là Coffee Gemini, Coffee Bike, ETO Coffee. Nguyễn Hàm Tiến Thành hay ông “Sướng”, Thành Happy, Thik.. là cái tên không còn xa lạ trong cộng đồng Startup Việt.
8 năm khởi nghiệp với vô số vấp ngã. Nhưng đôi khi, thành công không chỉ là cố gắng trở nên hoàn hảo mà là hành động để khiến ngay cả những sai lầm lớn nhất của bạn cũng trở nên đúng đắn, thành công không phải bữa tiệc một đêm mà là sự từng trải để chiêm nghiệm cả cuộc đời. Chính nhờ việc tổ chức nhiều sự kiện với nhiều đối tượng khác nhau mà sau này, CEO Nguyễn Hàm Tiến Thành lại có những kinh nghiệm và kỹ năng thực tế khó có thể học được từ một trường lớp nào trong việc tổ chức các không gian với quy mô nhỏ tại các quán cà phê hiện tại – Đem lại cho anh thu nhập 12 tỷ đồng mỗi năm.
* Được biết, anh Thành khởi nghiệp kinh doanh mà không nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình?
– Gia đình tôi cực kỳ phản đối. Số tiền khởi nghiệp là từ việc làm các công việc part-time như phát tờ rơi, gia sư, bán hàng online trên các trang rao vặt.. có khi làm 8 công việc trong một ngày. Từ đó mà mỗi tháng tích lũy được 5 – 10 triệu mới có thể tự đứng ra kinh doanh.
* “Ổn định” là một tiêu chí luôn được đề cao trong sự nghiệp. Tại sao anh không chọn chuyên tâm ở thương hiệu được đánh giá là khá thành công như Gemini Coffee?
– Với vai trò là người kiến tạo ra những cái mới. Khi sản phẩm đã ổn định, tôi có hai lựa chọn: Một là “chôn chân” ở đó và không bao giờ tạo ra những cái mới. Hai là tìm con đường, hướng đi mới để không ngừng sáng tạo và kiến tạo.
Trong thời gian đầu làm việc, tôi luôn thống nhất với các bạn đồng sáng lập khác về khoảng thời gian làm việc. Như ở Gemini Coffee, tôi thống nhất làm ở đó 9 tháng và thực tế thì chỉ cần 6 tháng là tôi đã sẵn sàng rời Gemini rồi. Sau đó lại tìm kiếm một thử thách mới. Thật ra điều này cũng thuộc về một phần cá tính.
* Việc mở hàng loạt Gemini, Coffee Bike hay sắp tới là ETO trong một thời gian ngắn như vậy dường như là một xu hướng?
– Xu hướng chuỗi là tất yếu. Khi bạn ra đường sẽ nhìn thấy vô vàn các nhãn hiệu, và đôi khi bạn chẳng nhớ cái tên đó là gì cả. Nhưng nếu đầu đường có quán X, giữa đường có quán X và cuối đường cũng có quán X, cả thành phố đó có khoảng 30 quán X thì người ta sẽ nhớ đến cái tên X nhiều hơn. Tác dụng của chuỗi đó là: Độ phủ thương hiệu và độ lọc thương hiệu.
Một buổi sáng đi bộ trên đường Nguyễn Chí Thanh bắt gặp 4 quán Coffee Gemini. Ngày hôm đó bạn nhìn thấy thương hiệu Gemini 8 lần. Càng nhìn thấy nhiều độ “ám ảnh” càng tăng. Không phải ngẫu nhiên mà một con phố có thể có đến tới 3 – 4 cửa hàng cùng một thương hiệu. Câu chuyện là gì: Bạn nhìn vào thương hiệu đó 1 lần bạn không nhớ. Nhìn 5 lần có ấn tượng. Nhìn hàng trăm lần, ở mọi nơi từ quảng cáo truyền hình, trên tờ rơi, khi online Facebook… càng đi vào tâm trí khách hàng lâu hơn. Thương hiệu càng có độ phủ lớn và lặp lại càng nhiều dần dần sẽ trở thành tiềm thức.
Những tập đoàn họ đã làm thương hiệu từ cách đây 10, 20 năm, thậm chí là 30 năm, từ khi kênh phủ chủ yếu bằng truyền miệng như: “Nét như Sony”… Bởi vậy mới nói xu hướng chuỗi là tất yếu.
* Tham gia đồng sáng lập 3 chuỗi cà phê đình đám, điều khiến anh cảm thấy khăn nhất trong quản lý chuỗi? Có phải là vốn?
– Vốn thời gian đầu cũng là một khó khăn. Lúc đó cái gì cũng phải tiết kiệm nhưng đến nay vốn không còn là vấn đề nữa. Khó khăn nhất vẫn là quản trị tính đồng nhất và vận hành chuỗi. Việc quản trị từ 20 nhân viên tới 200 nhân viện trong hệ thống là hoàn toàn khác nhau. Đặc thù của nhân viên part-time là tính gắn bó và trung thành với một tổ chức không cao.
Bài toán đặt ra: Làm sao để ổn định và giữ được chất lượng dịch vụ. Như 14 Gemini Coffee phải là 14 điểm bán chất lượng tốt nhất và đồng nhất từ phong cách, đồ uống tới phục vụ. Bởi chúng tôi làm dịch vụ chứ không bán hàng. Khi làm F&B, dịch vụ tốt là cái lõi để khách hàng trân trọng bạn.
* Khi câu chuyện Coffee Bike được lan tỏa, nhiều người từng hỏi: “Tại sao anh lại chuyển từ Gemini sang Coffee Bike?”
– Thực ra, Coffee Bike phát triển, Gemini cũng hỗ trợ rất nhiều. Mối quan hệ giữa chúng tôi không còn là đối thủ cạnh tranh nữa, mà đã thành đối tác, thành những người bạn trên con đường phát triển Coffee Bike. Tất cả đều nhìn thấy: Kể cả 2 chuỗi có gộp lại với nhau thì vẫn là những thành phần quá nhỏ trên thị trường quá lớn như thế này. Cho nên chúng tôi không việc gì phải cạnh tranh với nhau cả.
Cũng hiếm có một mối quan hệ nào như 3 chuỗi cà phê: Gemini, Coffee Bike, ETO. Khi tôi phát triển bất cứ một chuỗi thương hiệu nào, tôi đều muốn nó trở thành đối tác, trở thành bạn để có thể giao lưu với nhau chứ không còn là đối thủ của nhau nữa.
* Có khi nào anh nghĩ mình sẽ chuyên tâm vào một thương hiệu và ngừng tìm kiếm, phát triển các thương hiệu mới không?
– Tôi nghĩ là mình vẫn còn trẻ, nên là cứ khám phá hết khả năng của bản thân thôi.
Dù đã 8 năm nhưng đối với tôi mọi thứ vẫn là bắt đầu khởi nghiệp. Và dù có là tỷ phú đi chăng nữa thì vẫn phải khởi nghiệp, vẫn phải liên tục cải tiến, đổi mới mình. Mục tiêu của 5 năm tới là giúp Gemini, Coffee Bike và ETO phát triển lên 500 điểm bán tại nhiều thị trường khác nhau. Sắp tới Gemini Coffee sẽ mở 3 điểm bán tại Mỹ. Lớn hơn, tôi muốn cả 3 chuỗi đều phải khẳng định tên tuổi, phải vận hành ít nhất trong vòng 15-20 năm. Rau nào sâu đấy, mỗi thị trường sẽ có những cái riêng mà doanh nghiệp phải linh hoạt. Như KFC ở Việt Nam, ở Châu Á thì có cơm đấy, thị trường khác không có cơm đâu. (Cười)
* Mảnh đất F&B quả thực rất “màu mỡ” và đã được hầu hết các “ông lớn” thâu tóm?
– Mỗi năm có đến 8.000 – 20.000 điểm bán F&B được mở ra tại Việt Nam. Trong đó hầu hết là điểm bán nhỏ lẻ do một vài cá nhân lập ra. Đó là lý do vì sao đối thủ chính của chúng tôi không phải là các chuỗi mà chính là các điểm bán nhỏ lẻ.
F&B là một thị trường đầy tiềm năng. Kể cả 10 năm nữa bạn mới bắt đầu gia nhập thị trường này thì nó cũng vẫn còn rất “màu mỡ”. Chỉ có điều câu chuyện, thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hay thậm chí là bạn có đủ may mắn để cạnh tranh hay không. Theo tôi, đây mới chính là thời điểm tốt nhất để khai thác mảnh đất F&B chứ không phải là 5 năm trước.
* Một lời khuyên của anh dành cho những bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp?
1. Đừng nghĩ theo cách mình nghĩ, đừng làm theo cách mình muốn mà hãy làm theo điều khách hàng muốn, đó là điều tôi nhận ra sau 20 quán cà phê.
2. Khởi nghiệp thường có 2 chiều hướng: Một là, đánh giá quá cao năng lực bản thân sinh ra ảo tưởng, bất chấp. Hai là, đánh giá quá thấp năng lực bản thân dẫn đến nảy sinh tâm lý không dám làm, sợ thất bại.
Dù bạn là start-up hay là nhân viên làm thuê, bạn cũng cần định vị đúng năng lực và mong muốn của bản thân. Tự mình đánh giá sai sẽ khiến bản thân bị “lắp” vào những cái không phù hợp.
3. Có động lực để làm những việc nhỏ nhất. Không cần phải khởi nghiệp hay vận hành doanh nghiệp vài chục, vài trăm người, chỉ cần bạn chiến thắng bản thân mình mỗi ngày: Dậy sớm mỗi ngày, thể dục mỗi ngày, học Tiếng Anh mỗi ngày, tạo dựng mối quan hệ mới mỗi ngày, đọc một cuốn sách mỗi ngày.. Thói quen nhỏ sẽ rèn luyện những kỹ năng lớn để khi gặp một sự việc cần quyết định thì bạn đã có sẵn bản lĩnh để đối mặt.
Giả dụ, nếu bạn không học Tiếng Anh, công ty bạn hoạt động 5 năm, năm thứ 6 bạn tìm được một đối tác người Anh rất lớn có thể khiến công ty bạn đổi đời. Nhưng vì ngoại ngữ kém mà bạn mất hợp đồng đó… bạn nghĩ sao? Đó chính là nhân quả, là gieo gặt. Những việc làm nhỏ nhất ngày hôm nay có thể giúp bạn đổi đời bất kỳ lúc nào đó trong tương lai! Biết đâu được!
“Mười năm trồng cây trăm năm trồng người” – Giáo dục không phải chỉ là việc học ở trường mà việc giáo dục tự thân – tự mình giáo dục mình là điều tôi đã theo đuổi 10 năm nay, trước cả khi tôi bắt đầu khởi nghiệp.
Bởi vậy, “cháy hết mình với hiện tại” là câu nói nhiều người cho rằng sáo rỗng nhưng chính là chân lý đối với tôi hiện tại.
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện rất thú vị!