Công Việc Thực Tập Đã Giúp Mình Nhiều Như Nào?

Hiểu bản thân hơn

Vào thời điểm năm cuối đó, mình đang rất lơ mơ với việc mình sẽ làm gì sau khi ra trường. Học về Truyền thông thì đương nhiên là nên nhắm cơ hội vào làm trong các phòng Marketing hoặc các agency lớn. Nhưng thời điểm đó mình tự audit lại bản thân, thấy mình hợp với công việc hỗ trợ người khác, tuy chưa biết cụ thể là gì. Vậy nên mình quyết định thay vì đi thực tập ở một agency quảng cáo, mình làm thực tập cho phòng Tư vấn hướng nghiệp của trường.

Lúc mình quyết định như vậy, nhiều người cũng ngạc nhiên. Vì học thì ở Hà Nội, mà lại quyết định khăn gói vào Sài Gòn thực tập. Rồi thì chọn chỗ nào không chọn lại chọn làm ở một chỗ nghe chẳng có vẻ gì là ‘truyền thông’ hay ‘sáng tạo’ cả. Nhưng mình kệ. Lúc đó đang thích thì phải thử. Phải làm rồi thì mới biết là mình hợp hay không. Ngày đầu tiên đi làm cũng hoang mang lắm, không biết công việc thực tập thật ra là làm gì. Ngây thơ đến mức bị mấy anh chị list ra một list các loại cafe họ thích uống và địa điểm mua, bảo mình là sáng nào cũng cần chuẩn bị những thứ đó trên bàn (troll thôi) – thế mà làm mình tin sái cổ.

Thế nhưng trăm hay không bằng tay quen. Làm một thời gian rồi mình cũng quen với môi trường ở đây. Mình học được rất nhiều thứ mà mình chưa biết khi còn đi học. Từ chuyện nhỏ nhặt như dấu chấm ở cuối mỗi gạch đầu dòng cho đến cách đặt label email, tổ chức một buổi họp phải có agenda, action plan như thế nào, vân vân và mây mây. Và quan trọng hơn cả là sau kì thực tập, mình đã tìm ra đúng niềm đam mê của mình. Đó không phải là truyền thông, là sáng tạo như mình nghĩ, mà đam mê thực sự của mình là được đem các kĩ năng, kiến thức của bản thân để giúp những người trẻ, những người đi sau được thành công hơn trong con đường sự nghiệp của họ.

Nhiều bạn tìm đến mình với câu hỏi là GPA của em thấp quá, em sợ không tìm được thực tập. Đừng lo các em ạ, GPA hay ngành học không quyết định được 100% em là ai và em sẽ làm gì sau này đâu. Tất cả những gì các em cần làm là khám phá, khám phá và khám phá. Phải tin tưởng vào bản thân, làm việc chăm chỉ và học một thứ mới mỗi ngày.

 Làm việc với nhiều kiểu người

Nếu bạn là người đọc nhiều tin tuyển dụng, chắc chẳng lạ gì với cụm từ ‘teamwork’ rồi đúng không. Teamwork là đòi hỏi bạn phải biết làm việc nhóm, và không chỉ làm làm việc nhóm với bạn bè hay những người mình đã quen đâu nhé, bạn phải sẵn sàng làm việc nhóm với tất cả mọi người.

Công việc thực tập của mình may mắn đó là mình là người duy nhất hỗ trợ Truyền thông cho gần 10 anh chị trong phòng. 10 người là hơn 5 dự án khác nhau, nhờ đó mình được hoạt động riêng lẻ và độc lập với các anh chị ở mỗi dự án. Mỗi người lại có một cách tiếp cận công việc khác nhau, cách nói chuyện khác nhau, cách giao deadlines khác nhau, các khen khác nhau nên từ đó mình tự tiếp thu, điều chỉnh bản thân sau cho phù hợp. Nếu công việc thực tập bạn gặp được một anh chị sếp tốt sẵn sàng chỉ dạy cho bạn, cũng như bạn chịu khó quan sát và học hỏi không chỉ chuyên môn mà còn ở cách thức làm việc, chắc chắn bạn sẽ áp dụng được rất nhiều cho công việc sau này (giống như cách mình đang áp dụng cho các dự án riêng của mình).

 Bạn sẽ được học giao tiếp

Giống như ‘teamwork’, ‘communication’ là kĩ năng bạn bắt buộc phải có dù bạn đang định chọn công việc nào. Không chỉ đơn thuần là có giỏi giao tiếp hay không mà bạn còn phải biết cách điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp với mỗi người. Ví dụ với các anh chị trong phòng nơi mình thực tập, có người thích làm việc qua email, có người lại thích gọi đến tận nơi giao việc trực tiếp. Có người thích gửi email phải chào hỏi thưa gửi đầy đủ, có người lại chỉ cần viết nhanh vài dòng tập trung vào nội dung là được. Không có gì đúng hay sai ở đây cả, mà quan trọng là bạn phải tập nhìn, quan sát và điều chỉnh bản thân mình cho phù hợp.

‘Communication’ là chìa khoá để tránh khỏi xung đột trong công việc. Nếu bạn được giao việc nhưng có gì không hiểu, hãy hỏi lại. Mình biết tính người Việt Nam mình hay nể và ngại, ngoài ra lại thấy mình đang là intern cấp dưới nữa, nên ai ở trên nói gì cũng nghe, nói gì cũng làm, đôi khi không hiểu cũng làm. Thế là thành ra mất hay, có khi vừa tốn thời gian của bạn mà công việc lại không hiệu quả. Vậy nên nếu có gì không hiểu, hãy hỏi nhiệt tình vào nhé. Giống như bạn hay đọc blog của mình, nếu có gì chưa hiểu về quá trình tìm việc, cách viết CV, phỏng vấn các thứ thì cứ thoải mái liên hệ với mình.

 Không ngừng học hỏi, không được bỏ cuộc

Khi phỏng vấn thì rất nhiều bạn háo hức, mong được nhận để đi làm ngay. Những ngày đầu tại công ty cũng có vẻ vui. Nhưng chỉ sau 2-3 tuần, một số bạn bắt đầu chuyển sang trạng thái chán. Lý do thì nhiều vô kể, vì công việc không hợp ngành mình học, vì sếp khó tính, vì bạn toàn phải làm việc chả liên quan, vì A, vì B, vì C.

Quan điểm cá nhân của mình là, nếu bạn đã quyết định chọn gắn bó với một công việc, hãy gắn bó với nó ít nhất 4 tháng. 4 tháng là con số tối thiểu để bạn nắm bắt được hết công việc, cũng như để bạn có thể tự tin phần nào để nói rằng mình đã hợp hay chưa. Còn các vấn đề mà bạn đang kêu than? Nếu sếp khó tính, hãy thử xem lại xem sếp vì sao lại như thế, tại mình hay tại 2 bên chưa hiểu nhau? Nếu công việc lặt vặt nhiều quá, hãy xem bạn đã đủ khả năng để đảm nhiệm các trọng trách lớn hơn chưa, nếu rồi hãy đề đạt. Đừng ngại.

Ngoài ra, trong thời gian thực tập, hãy cố gắng học. Không những học chuyên môn, mà học cả từ những kinh nghiệm của các anh chị đi trước. Mời các anh chị một buổi ăn trưa hoặc cafe, chém gió và xin anh chị chia sẻ kinh nghiệm làm việc, từ đó rút ra kinh nghiệm cho chính bản thân mình.

 Hãy học cho mình tính cách ‘Resilience’

Trong công việc thực tập của mình, không dưới 5 lần mình được đọc, được nghe, được khuyên về từ ‘Resilience’ này. Mình không biết dịch ra tiếng Việt như nào, nhưng đại ý của nó là ‘khả năng phục hồi’. Trong công việc cũng như cuộc sống, bạn chắc chắn sẽ thất bại đôi lần. May mắn thì 1-2 lần thôi, kém may hơn thì nhiều lần. Nhưng đó là chuyện thường tình thôi, đừng nản nhé. Chẳng có ai là hoàn hảo cả. Quan trọng là bạn biết đứng lên từ thất bại, can đảm nhìn vào xem vì sao mình thất bại để không lặp lại những sai lầm đó nữa. Và hãy tin tưởng bản thân. Chính bạn mà không tin vào bản thân mình, thì ai dám tin vào bạn nữa đây.

Theo anhtuanle.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.