FPT vừa chính thức xác nhận sẽ thu hút các nhà đầu tư cùng tham gia mở rộng mảng bán lẻ, phân phối của FPT. Dự kiến thương vụ bán cổ phần, thu hút đầu tư sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Tập đoàn FPT vừa xác nhận chính thức với TBKTSG Online về việc sẽ tìm kiếm nhà đầu tư cho mảng bán lẻ, phân phối (bao gồm công ty thành viên FPT Retail và FPT Trading). Hiện tại, FPT đã nhờ đến các công ty tư vấn thực hiện việc định giá, chuẩn bị bán cổ phần mảng bán lẻ và phân phối…
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng giám đốc tập đoàn FPT, nói với TBKTSG Online rằng hoạt động kinh doanh của mảng phân phối và bán lẻ của FPT đang rất tốt; tuy nhiên theo chiến lược mà Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên 2015, tập đoàn FPT sẽ thực hiện việc giảm sở hữu tại mảng phân phối và bán lẻ. “Chúng tôi đã nhờ đến các đối tác tư vấn, định giá mảng bán lẻ và phân phối và đặt mục tiêu hoàn tất thực hiện thương vụ này trong năm 2016”, ông Phương nói.
Hiện tại, FPT đã ký hợp đồng tư vấn với liên danh gồm Công ty chứng khoán Bản Việt và Công ty chứng khoán Nomura (Nhật Bản); đây chính là bước đầu tiên trong quá trình chuẩn bị bán cổ phần, tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng… trong thời gian tới.
Theo FPT, mục tiêu của việc giảm sở hữu tại mảng phân phối và bán lẻ sẽ giúp FPT tăng cường đầu tư hơn nữa vào mảng cốt lõi là công nghệ thông tin và viễn thông để tận dụng được những cơ hội lớn đang có. Đồng thời, chiến lược này sẽ giúp FPT có thể tìm kiếm được các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm kinh doanh và quản trị quốc tế để cùng đẩy mạnh sự phát triển của mảng phân phối và bán lẻ, một mảng kinh doanh gần đây đang được sự quan tâm lớn, nhất là từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Nói về tương lai của mảng bán lẻ FPT Retail, bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số (FPT Retail), khẳng định: “Hiện tại, tập đoàn FPT vẫn đặt mục tiêu phát triển mạnh cho khối bán lẻ (bao gồm chuỗi cửa hàng FPT Shop, F.Studio by FPT). Năm 2015, FPT Retail là công ty thành viên có mức tăng trưởng nhanh nhất tập đoàn; có sự đóng góp quan trọng vào doanh thu, lợi nhuận của tập đoàn (FPT Retail có doanh thu 7.832 tỉ đồng; đạt 19,6% doanh thu của tập đoàn FPT trong năm 2015)”.
Ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm phát triển kinh doanh FPT Shop, chia sẻ thêm về tin FPT bán mảng bán lẻ và phân phối, trong đó bao gồm FPT Shop: “Nói cho đúng là FPT Shop đang tính bán cổ phần, thu hút nhà đầu tư chứ không phải bán toàn bộ hệ thống bán lẻ. FPT Shop muốn bán cổ phần để tìm nhà đầu tư mới mở rộng quy mô hệ thống, phát triển FPT Shop hơn nữa”.
Ông Bảo nói thêm: “Nếu nói FPT Shop ngừng cuộc chơi, bán lại toàn bộ chuỗi bán lẻ FPT Shop là “oan” cho FPT quá!”
Trước đó, hãng tin Nikkei Asian Review (Nhật Bản) đăng tải thông tin FPT muốn bán mảng bán lẻ và phân phối nhằm tập trung vào mảng công nghệ và viễn thông. Hãng tin này cũng dẫn nguồn từ Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng về giá trị thương vụ chuyển nhượng mảng bán lẻ và phân phối của FPT vào khoảng 2.300-2.700 tỉ đồng (103-121 triệu đô la Mỹ).
Ngoài ra, đã có một website đăng tải thông tin FPT Shop “hụt hơi” trong cuộc chạy đua cạnh tranh với hệ thống bán lẻ Thế giới di động và cho rằng FPT Shop nên “bán mình” cho sớm. Chuỗi bán lẻ FPT Shop đã khẳng định mục tiêu mở rộng hệ thống bán lẻ, tiếp tục mở 50 cửa hàng FPT Shop mới trong năm 2016; hướng tới doanh thu 10.000 tỉ đồ