Gần đây, khi được hỏi công nghệ sẽ làm thay đổi ngành tài chính như thế nào, vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới đã dùng sự trỗi dậy của Ant Financial như một câu trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi này.
Ant Financial là bộ phận thanh toán kỹ thuật số của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba. Năm ngoái, Ant Financial đã thu hút được khoảng 100 triệu khách hàng mới, đưa tổng số khách hàng lên tới hơn 500 triệu, gần gấp 10 lần những ngân hàng lớn nhất thế giới. Vị Chủ tịch lâu năm nói trên (không muốn nêu tên) không giấu được nỗi ganh tị khi cho biết Tập đoàn Alibaba đã thu thập được “một lượng dữ liệu khổng lồ” và “khả năng tuyệt vời trong việc đưa ra các quyết định cho vay”.
Không chỉ vậy, Tổng giám đốc Eric Jing của Ant Financial được vinh dự phát biểu cùng các tên tuổi lớn khác trong ngành tài chính tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức ở Davos (Thụy Sĩ) từ ngày 17 – 20/1/2017. Lần đầu tiên ra mắt của người đứng đầu Ant Financial cho thấy công nghệ số đã làm thay đổi trật tự trong ngành tài chính như thế nào bằng chính khả năng “phá bĩnh” của nó.
Trả lời phỏng vấn Financial Times tại sự kiện Davos, các chuyên gia hàng đầu cho rằng sự thay đổi này có khả năng đưa đến một công cuộc tự động hóa rộng khắp, khiến cho ranh giới giữa tài chính và công nghệ trở nên lu mờ và cuối cùng là dẫn đến làn sóng sáp nhập trong ngành trên diện rộng.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng hàng trăm ngàn việc làm sẽ bị bốc hơi và những công ty tương tự như Ant Financial sẽ “đột kích” vào những lĩnh vực kinh doanh có giá trị nhất của các ngân hàng.
“Tôi nghĩ số lượng nhân viên trong ngành tài chính sẽ giảm xuống và những người làm việc trong ngành này sẽ phải làm nhiều loại công việc khác nhau”, Ralph Hamers – Tổng giám đốc ING nhận xét. Trong vài tháng qua, Hamers đã công bố kế hoạch cắt giảm 7.000 trong số 54.000 nhân viên của ngân hàng Hà Lan này.
Tổng cộng có tới 1,7 triệu việc làm dự kiến bị bốc hơi khi các ngân hàng số hóa các lĩnh vực hoạt động trong thập niên tới, theo dự đoán mới đây của Citigroup.
Việc đẩy mạnh dùng công nghệ thay thế nhân công ở lĩnh vực tài chính, cũng giống như robot đã và đang thay thế nhân công trong các nhà máy từ nhiều thập niên qua, chỉ là một phần trong chương trình nghị sự của diễn đàn Davos năm nay. Trong khi diễn đàn Davos năm ngoái rôm rả bàn luận về “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (về sự phá bĩnh của công nghệ ở hầu hết mọi ngành, mọi quốc gia), thì tại sự kiện năm nay, sự háo hức đối với những tiến bộ khoa học đã bị “lấn lướt” bởi các cuộc thảo luận sôi nổi về những tổn thất xã hội do công nghệ gây ra.
Tuy nhiên, đối với những ngân hàng chịu cảnh “lợi nhuận thấp” dai dẳng nhiều năm trời, công cuộc tự động hóa và “phép màu” công nghệ cho họ một cơ hội bấy lâu trông chờ nhằm cải thiện khả năng sinh lời (dù rằng về dài hạn hơn, chúng đe dọa đặt dấu chấm hết cho cách làm xưa nay trong ngân hàng).
Điều này đặc biệt có nghĩa quan trọng đối với các ngân hàng châu Âu, vốn chứng kiến lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) luôn duy trì ở mức thấp 1 con số, dưới mức khá xa so với chi phí vốn hơn 10%. Kết quả là nhiều định chế tài chính đang đua nhau tích hợp những công nghệ mới, trong đó có cả điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và nhận diện giọng nói nhằm cải thiện các dịch vụ tài chính cung cấp cho khách hàng.
“Nhờ vào năng lực máy tính hiện có, chúng tôi có thể dự đoán tốt hơn rất nhiều về tỷ lệ vỡ nợ, cho phép chúng tôi đánh giá chính xác hơn năng lực tài chính của khách hàng và đưa ra các quyết định cho vay ngay tức thì, cả đối với các khách hàng hiện tại lẫn những khách hàng mà chúng tôi chưa hề biết”, Hamers nói.
Tự động hóa cho phép các tập đoàn dịch vụ tài chính cắt giảm tỷ lệ chi phí trên doanh thu 15 điểm phần trăm, theo một nghiên cứu được hãng tư vấn Oliver Wyman công bố tại Davos vào tuần qua. Các ông chủ ngân hàng dự đoán họ sẽ phân tích, sàng lọc một cách hiệu quả hơn khối lượng dữ liệu khổng lồ thu thập được nhằm đưa ra các quyết định cho vay ngay tức thì và cung cấp nhiều dịch vụ tư vấn tài chính tự động hóa nhắm đến từng đối tượng khách hàng cụ thể hơn.
Các ông chủ ngân hàng cũng kỳ vọng sẽ tiết kiệm được khoản chi phí lớn nhờ blockchain – một công nghệ nền tảng cho tiền ảo và là công nghệ đứng sau đồng Bitcoin – cho phép dữ liệu số được ghi lại và chia sẻ. 8 trong số 10 ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới dự kiến dùng blockchain để cắt giảm 30% chi phí, tổng cộng lên tới 8 – 12 tỷ USD, theo một nghiên cứu được Accenture và McLagan công bố vào tuần qua.
Nhưng khi ngành ngân hàng bước chân vào những hoạt động như vậy, sự phân chia ranh giới giữa tài chính và công nghệ ngày càng trở nên mờ nhạt, đưa các định chế tài chính lâu đời vào thế so găng với những đối thủ mới đáng gờm, mạnh về công nghệ số trong bối cảnh họ cũng đang chịu nhiều sức ép (như các quy định mới từ phía các cơ quan quản lý, các hoạt động ngân hàng truyền thống ngày càng khó kiếm lời hơn…).
“Trong lúc này, đối với lĩnh vực ngân hàng, những công ty như Facebook và Google chỉ mới “nửa chân trong nửa chân ngoài” vì họ không muốn bị ràng buộc bởi các quy định tài chính từ phía cơ quan quản lý”, Francisco González – Chủ tịch HĐQT BBVA (Tây Ban Nha), nhận xét. “Nhưng không sớm thì muộn, họ sẽ nhảy vào sân chơi của chúng ta. Họ sẽ tìm cách tham gia vào một phần trong chuỗi giá trị này. Đó là một thách thức thực sự”, ông nói thêm.
Riêng đối với ngành ngân hàng châu Âu, thách thức còn đến từ những quy định mới của EU. Theo đó, các ngân hàng sẽ phải cho các bên thứ ba quyền tiếp cận kho dữ liệu của bất cứ khách hàng nào cho phép điều đó. Việc này giúp họ dễ dàng chiêu dụ khách hàng của ngân hàng đối thủ hơn cũng như cung cấp nhiều sản phẩm phù hợp hơn. Nhưng những quy định mới cũng sẽ mở toang cánh cửa cạnh tranh cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) và các gã khổng lồ công nghệ từ Thung lũng Silicon.
Oliver Wyman dự đoán nhiều ngân hàng sẽ bị bỏ lại đằng sau như là “những nhà cung cấp phụ tùng”, tức cung cấp các dịch vụ tài chính chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định như dịch vụ cho vay và tài khoản tiết kiệm – trong khi các mối quan hệ với khách hàng giúp ngân hàng hái ra tiền thì lại bị kiểm soát bởi các công ty công nghệ, đóng vai trò như những “nhà cung cấp nền tảng”.
Thay đổi công nghệ sẽ đòi hỏi đầu tư lớn. Vì thế, các ông chủ ngân hàng dự đoán sẽ có cuộc sáp nhập, liên kết sâu rộng giữa các ngân hàng, đặc biệt trong ngành ngân hàng châu Âu đang bị phân mảnh.
“Hệ thống ngân hàng sẽ như thế nào trong 5 năm tới? Sẽ có ít người chơi hơn. Những doanh nghiệp nào nắm vững được công nghệ sẽ là những kẻ đi thâu tóm. Nếu không nắm vững được công nghệ, bạn sẽ không tồn tại được”, González nói.