Monthly Archives: March 2016

Petrolimex “bất ngờ” lãi lớn năm 2015

Trái ngược với kết quả kinh doanh “tồi tệ” năm 2014, năm 2015, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) báo lãi lớn dù xu hướng giá xăng dầu năm 2015 cũng giảm liên tục như năm trước, tức là điều kiện kinh doanh trong mảng hoạt động chính của Petrolimex ít thay đổi.

Hiện tại, các cây xăng trực thuộc Petrolimex đã có nhiều hình thức để gia tăng thu nhập, chẳng hạn như quảng cáo cho các nhãn hàng

Hiện tại, các cây xăng trực thuộc Petrolimex đã có nhiều hình thức để gia tăng thu nhập, chẳng hạn như quảng cáo cho các nhãn hàng

Báo cáo tài chính hợp nhất quí 4 -2015 (chưa soát xét) vừa được Petrolimex công bố cho thấy lợi nhuận mà tập đoàn này thu về trong quí báo cáo là 1.003 tỉ đồng, chênh lệch vô cùng lớn với cùng kỳ năm ngoái. Quí 4-2014, tập đoàn này báo lỗ 1.159 tỉ đồng.

Lũy kế cả năm 2015, Petrolimex lãi ròng 3.138,5 tỉ đồng trong khi năm 2014 lỗ hơn 9 tỉ đồng.

Riêng với công ty mẹ, báo cáo tài chính (chưa soát xét) ghi nhận con số 1.806,7 tỉ đồng lãi ròng trong quí 4-2015 và lũy kế 2.141,9 tỉ đồng cho cả năm 2015. Những con số này đếu vượt rất xa cùng kỳ.

Trong báo cáo giải trình do Petrolimex phát hành hôm nay, 28-2, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn, giải thích rằng sở dĩ lợi nhuận sau thuế của Petrolimex chênh lệch lớn với cùng kỳ như vậy là do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất là trong năm 2015, kết quả kinh doanh của một số công ty con, công ty liên kết của Tập đoàn kinh doanh trong các ngành nghề, lĩnh vực như hóa dầu, bảo hiểm, nhiên liệu bay, vân tải, dịch vụ … có tăng trưởng so với năm 2014.

Theo báo cáo, hiện Petrolimex có 27 công ty con mà đơn vị này nắm quyền chi phối, trong đó có một công ty liên doanh với đối tác nước ngoài, một công ty 100% vốn tại Singaporre và một tại Lào.

Thứ hai, giá xăng dầu thế giới quí 4-2015 tuy vẫn cùng xu hướng giảm như quí 4-2014 nhưng mức giảm giữa các tháng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nên việc phải đảm bảo dự trữ tồn kho theo quy định của kinh doanh xăng dầu không tác động trầm trọng như quí 4.

Thứ ba, sản lượng xuất bán xăng dầu tại thị trường trong nước của tập đoàn tăng trưởng 8% so với cùng kỳ.

Và đặc biệt, lần đầu tiên, Petrolimex thừa nhận một lý do mà trước đó không hề công bố chính thức, đó là kết quả kinh doanh “tồi tệ” của quí 4-2014 và năm 2014 nói chung có nguyên nhân trực tiếp là do Công ty Petrolimex Singapore (công ty con của Petrolimex) phát sinh lỗ cao.

Ngoài ra, với kết quả công ty mẹ, còn có thêm các nguyên nhân như lợi nhuận từ các công ty cổ phần, liên kết có vốn góp của tập đoàn tăng trưởng tốt đã đem lại nguồn cổ tức, lợi nhuận cho công ty mẹ tăng so với cùng kỳ; các khoản trích lập dự phòng do tác động của biến động xăng dầu cũng đã giảm.

Ở một diễn biến khác, báo Nikkei của Nhật cách đây vài ngày đưa tin, Tập đoàn năng lượng Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy muốn mua 10% cổ phần của Petrolimex.

Tìm việc làm ngành dầu khí / oil & gas jobs in vietnam

 

Tiền từ dân cư và doanh nghiệp đổ về ngân hàng

Dòng tiền từ dân cư và doanh nghiệp đang quay trở lại hệ thống ngân hàng dồi dào sau kỳ nghỉ Tết.

Tuần thứ hai sau kỳ nghỉ Tết dài, tiền đồng quay trở lại hệ thống ngân hàng mạnh khiến thanh khoản của các ngân hàng dồi dào. Nhu cầu vay mượn qua thị trường mở OMO và các kênh liên quan do đó hạ nhiệt rất mạnh.

Cụ thể, thị trường OMO trở về trạng thái trầm lắng khi lượng vốn các ngân hàng vay qua kênh này là không đáng  kể. NHNN tuần qua không có hoạt động bơm mới nào trong khi lượng vốn đáo hạn lên tới 48.285 tỉ đồng. Do đó  tổng khối lượng tiền được hút ròng mạnh qua kênh thị trường mở tuần qua đạt 48.023 tỉ đồng. Đây là mức hút ròng cao nhất trong vòng nhiều tháng qua.

Tiền dồi dào cũng khiến kênh tín phiếu đứng im. Tuần qua là tuần thứ mười một liên tiếp NHNN không có hoạt động phát hành mới, không có hoạt động bơm/hút qua kênh tín phiếu.

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm mạnh nhất trong nhiều tháng sau dịp Tết Nguyên Đán. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm chỉ còn 1,79%/năm; kỳ hạn một tuần chỉ còn 2,27%/năm; kỳ hạn hai tuần chỉ còn 2,69%/năm, đều giảm hơn 1%/năm so với mức lãi suất của tuần trước đó.

Thanh khoản hệ thống dồi dào khi nguồn tiền từ dân cư và doanh nghiệp đã quay trở lại kênh tiết kiệm trong khi nhu cầu giải ngân vốn tín dụng chưa tăng mạnh trong các tháng đầu năm là nguyên nhân chính giúp  lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt nhanh chóng hai tuần vừa qua.

Chớp lấy thời cơ các ngân hàng thừa tiền, Chính phủ huy động vốn mạnh qua kênh trái phiếu. Kho bạc Nhà nước trong tuần đấu thầu trái phiếu chính phủ tại các kỳ hạn 3 năm, 5 năm và 15 năm với những đợt phát hành thêm có lượng đặt thầu cao. Khối lượng đặt thầu tăng mạnh nhất tại kỳ hạn 5 năm, gấp 3,1 lần tổng giá trị đấu thầu kỳ hạn này với 44.902 tỉ đồng. Trái phiếu tất cả các kỳ hạn đều trúng thầu 100% trong tuần.

Giới kinh doanh tiền tệ nhận định rằng thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào sau Tết tiếp tục sẽ là yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho hoạt động phát hành trái phiếu huy động tiền cho ngân sách trong vài tuần tới. Với lượng đặt thầu kỷ lục như tuần qua, nhiều khả năng các phiên đấu thầu trong tuần tới sẽ tiếp tục sôi nổi với mức lãi suất cho các  loại kỳ hạn có thể tiếp tục giảm nhẹ khoảng 0,1 điểm phần trăm.

Và do đó, lợi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp tuần qua giảm nhẹ tại tất  cả các kỳ hạn. Theo Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, lợi suất các kỳ hạn 1 năm, 2 năm, 3 năm và 5 năm giảm lần lượt về mức 4,864%; 5,143%; 5,583% và 6,365%/năm. Các kỳ hạn 7 năm, 10 năm và 15 năm cũng đồng loạt giảm lần lượt về mức 6,858%; 7,108% và 7,7%/năm.

 

Các quỹ đầu tư nước ngoài nhắm tới cổ phiếu VN

Các quỹ đầu tư cổ phiếu thị trường cận biên (hay còn gọi là thị trường “tiền mới nổi” – pre-emerging market) đang sẵn sàng mua thêm cổ phiếu ở thị trường chứng khoán Việt Nam vì cổ phiếu Việt Nam đang được định giá rẻ và kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong gần một thập kỷ, hãng tin Bloomberg cho biết.

Quỹ Coeli Asset Management (Thụy Điển) và Quỹ Asia Frontier Capital (Hồng Kông) cho biết đang có kế hoạch tăng tỷ trọng cổ phiếu trong năm nay trong bối cảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài tại  Việt Nam tăng cao kỷ lục cũng như các hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam với các đối tác bên ngoài hứa hẹn giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Công ty quản lý Quỹ Tundra Fonder (Thụy Điển) cho biết muốn mua cổ phiếu của các công ty hàng tiêu dùng, xây dựng và sản xuất công nghiệp của Việt Nam.

Giá trị cổ phiếu Việt Nam trên giá trị sổ sách đang ở mức 1,68 lần, gần mức thấp nhất trong ba năm sau khi chỉ số VN-Index mấp mé bước vào thị trường giảm giá vào tháng 1-2016 khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất và làn sóng bán tháo cổ phiếu xuất hiện ở các thị trường mới nổi.

Bloomberg cho biết chính phủ Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2016 và đây là một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong bản báo cáo ngày 22-2, Ngân hàng HSBC đánh giá sự hồi phục kinh tế giúp Việt Nam trở thành một điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh nền kinh tế toàn cầu.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phân bổ thêm vốn vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi thích lĩnh vực hàng tiêu dùng vì nó sẽ được hưởng lợi nhờ mức lương của công nhân tăng khi họ chuyển từ các nhà máy trong nước sang làm việc cho các doanh nghiệp có vốn FDI. Chúng tôi duy trì triển vọng rất tích cực đối với Việt Nam”, James Bannan, một nhà quản lý danh mục ở Quỹ Coeli Asset Management, cho biết.

Ông Andreas Vogelsanger, Giám đốc điều hành của Quỹ AFC Vietnam Fund (thuộc Quỹ Asia Frontier Capital) nhận định các hiệp định thương mại và dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là các lý do quan trọng khiến Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt trội so với các thị trường châu Á khác.

Shamoon Tariq, nhà quản lý Quỹ Tundra Fonder ghi nhận rằng sức chi tiêu của người tiêu dùng và các cải cách cấu trúc sẽ tạo ra bước ngoặt cho  kinh tế Việt Nam.

 

Báo chí và chuyện Dung Quất dọa đóng cửa

Đầu tuần này, không hẹn mà nên hàng loạt báo chạy tít, đại loại nhà máy lọc dầu Dung Quất đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa gây bất ngờ ở nhiều người đọc.

cong_nhan_van_hanh_dan_khoan

Công nhân vận hành xuất sản phẩm tại Cảng xuất sản phẩm NMLD Dung Quất.

Một khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) có văn bản gửi Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ về việc tồn kho lớn của Nhà máy lọc dầu Dung Quất rồi cảnh báo nguy cơ “bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng nhà máy trong thời gian tới” thì các báo đưa tin là chuyện đương nhiên.

Tuy nhiên chọn lựa góc độ nào để đưa lại là trách nhiệm của báo chí. Với một người quan sát khách quan, nguy cơ Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải đóng cửa không phải là tin bởi nhiều lý do. Chuyện “dọa” đóng cửa như thế đã từng diễn ra vào năm ngoái. Quan trọng hơn, một nhà máy nếu vận hành lỗ một thì đóng cửa sẽ lỗ mười và chắc chắn các cơ quan hữu quan sẽ không để một nhà máy lọc dầu đóng cửa chỉ vì chính sách thuế.

Vậy yếu tố tin ở đây là gì?

Đó là từ đầu năm 2016 thuế nhập khẩu xăng từ các nước trong khu vực ASEAN giảm từ 20% về 10%  và thuế nhập khẩu diesel giảm về 0% theo lộ trình đã định sẵn. Ngoài ra, thuế nhập khẩu với sản phẩm xăng từ Hàn Quốc cũng được đưa về mức 10% theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc.

Trong khi đó, theo một cơ chế rất đặc thù, sản phẩm xăng dầu Nhà máy lọc dầu Dung Quất bán ra thị trường nội địa phải nộp điều tiết dựa trên thuế suất thuế nhập khẩu chung và mức thuế họ đang chịu là 20%.

Thử hỏi nếu là khách hàng mua xăng dầu, chúng ta sẽ mua từ đâu, từ các nước ASEAN hay Hàn Quốc để chỉ chịu mức thuế 10% (và 0% nếu mua diesel) hay mua từ Dung Quất và phải chịu mức thuế 20% (và 10% nếu mua diesel)? Đó chính là lý do vì sao các khách hàng lớn của Dung Quất tiếp tục giảm mạnh khối lượng mua hàng của Dung Quất; ví dụ như Petrolimex chỉ đăng ký mua 80.000 mét khối diesel/tháng, bằng 2/3 so với khối lượng 120.000 m3/tháng mà họ thường mua trước đây.

Năm ngoái cũng từng xảy ra hiện tượng tương tự khi thuế nhập khẩu xăng được giảm từ 35% xuống còn 20%; thuế nhập khẩu dầu diesel ở mức 30% được giảm xuống còn 5% cho năm 2015 và sau đó giảm về 0% cho năm 2016 đến năm 2018. Lúc đó Dung Quất kêu cứu, cũng “dọa” đóng cửa nhà máy và sau đó Bộ Tài chính phải điều chỉnh để mức thuế Dung Quất chịu cũng ngang bằng mức thuế xăng nhập từ Singapore.

Năm nay, trước thông tin Nhà máy lọc dầu Dung Quất có nguy cơ đóng cửa lẽ ra báo chí nên đưa thành tin: Dung Quất hay đúng hơn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang gây sức ép để được giảm mức thuế điều tiết bằng thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN hay Hàn Quốc.

Đó là chưa kể khi thuế suất nhập khẩu về 0% thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải bù 7% cho Dung Quất và phải gánh khoản lỗ này. Đây là câu chuyện phức tạp hơn (xin đọc lại ở đây).

Có lẽ rồi Bộ Tài chính cũng sẽ điều chỉnh mức thuế cho Dung Quất thôi nhưng đã đến lúc phải xem lại toàn bộ cơ chế tài chính cho nhà máy lọc dầu này. Bởi không lẽ năm nào báo chí cũng sẽ đăng tin Dung Quất có nguy cơ đóng cửa?

 

Doanh nghiệp với mối lo phí bảo hiểm xã hội

Điều 89.2 của luật này quy định từ ngày 1-1-2016 đến ngày 31-12-2017, tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm: (1) mức lương; và (2) phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động được ghi trong hợp đồng lao động (HĐLĐ). Như vậy, mỗi tháng doanh nghiệp phải chi thêm 18% các khoản phụ cấp lương để đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ.

Doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, tất nhiên không muốn gánh thêm chi phí này, nhưng cũng không thể cắt giảm toàn bộ phụ cấp lương đã trả cho NLĐ như trước đây. Theo điều 23.1 và điều 35 của Bộ luật Lao động, doanh nghiệp phải thỏa thuận với NLĐ để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ trước khi cắt giảm phụ cấp lương và lẽ thường, không NLĐ nào lại đồng ý với doanh nghiệp trong trường hợp này.

Còn về mặt quản lý nhân sự, nếu không đảm bảo thu nhập của NLĐ tăng lên theo thời gian mà chỉ tìm cách cắt giảm các khoản khác ngoài tiền lương, doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ không giữ được NLĐ lâu dài. Tình trạng mất NLĐ với số lượng lớn và thường xuyên trong các doanh nghiệp sản xuất sẽ gây ra khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp trong việc vận hành nhà máy và đảm bảo tiến độ, chất lượng đơn hàng.
Để giảm thiểu phần nào khoản chi phí BHXH phát sinh nhưng vẫn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, trên thực tế nhiều doanh nghiệp đang vận dụng một trong các cách làm sau:

Chuyển các khoản phụ cấp lương hiện tại thành tiền thưởng

Doanh nghiệp sẽ thỏa thuận với NLĐ để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ theo hướng định danh lại các khoản phụ cấp lương thành tiền thưởng vì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm tiền thưởng theo quy định tại điều 103 của Bộ luật Lao động(1), (lưu ý là các khoản khác như tiền ăn giữa ca, khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại… chỉ chiếm một phần nhỏ trong phần chung “các khoản bổ sung khác mang tính chất chế độ và phúc lợi khác”). NLĐ sẽ dễ dàng đồng ý với đề xuất này bởi thu nhập của NLĐ từ tiền lương vẫn không thay đổi trong khi NLĐ cũng không bị khấu trừ thêm 8% phụ cấp lương để đóng BHXH (trong trường hợp NLĐ được trả lương trước thuế).

Xét câu chữ thì rõ ràng khoản tiền thưởng không phải là phụ cấp lương theo tinh thần của điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH và sẽ không được gộp vào tiền lương để làm cơ sở tính tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ, nhưng bản chất của khoản tiền thưởng mới được gọi tên này dường như chưa đúng cả ở quy định pháp luật lẫn nghĩa thông thường.

Cơ bản thì bản chất của tiền thưởng là một khoản thu nhập bổ sung mang tính khuyến khích NLĐ để họ nhiệt tình, có thêm những đóng góp có ích cho doanh nghiệp và NLĐ được nhận tiền thưởng như vậy phải đáp ứng các điều kiện để xứng đáng nhận tiền thưởng hơn những NLĐ khác. Điều 103 của Bộ luật Lao động cũng đã quy định tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.

Sẽ là khập khiễng khi xác định ngay từ cuối năm Dương lịch này tất cả NLĐ đều sẽ nhận được hàng tháng khoản tiền thưởng cố định trong suốt năm làm việc tiếp theo dù bản thân doanh nghiệp cũng chưa biết kết quả hoạt động kinh doanh của mình ra sao trong tương lai. Và càng khiên cưỡng hơn nữa khi nhiều doanh nghiệp cơ cấu tiền lương thấp hơn tiền thưởng hàng tháng. Dù vậy, ở phía ngược lại, doanh nghiệp vẫn có thể lập luận rằng tiền thưởng này đã căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ trong năm vừa qua, nhưng thay vì trả một lần vào cuối năm thì doanh nghiệp chia đều để định kỳ trả khoản tiền thưởng này trong suốt năm làm việc sắp tới của NLĐ.

Cách làm này rất phổ biến nhưng trong quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp quên rằng theo Bộ luật Lao động, quy chế thưởng phải được công bố tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, phải cụ thể hóa điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ như HĐLĐ hay thoả ước lao động tập thể. Do vậy, nếu chưa thực hiện đầy đủ những việc này, doanh nghiệp vẫn có thể bị xem là chưa tuân thủ quy định và không được chấp nhận loại khoản tiền thưởng định kỳ hàng tháng ra khỏi cách xác định tiền lương tháng dùng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ. Ngoài ra, khoản tiền thưởng đã trả còn có thể không được ghi nhận là chi phí được trừ theo các quy định thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ghi giảm mức lương theo HĐLĐ và trả tiền lương làm thêm giờ bù đắp

Một số doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp sản xuất, gia công đang vận dụng điều 21 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP và điều 3.2 của Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH để chia nhỏ tiền lương của NLĐ bao gồm tiền lương làm thêm giờ. Theo đó, tiền lương ghi trong HĐLĐ do doanh nghiệp thỏa thuận với NLĐ sẽ bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, nhưng mức lương không bao gồm khoản tiền trả thêm khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Doanh nghiệp sẽ giải thích và thuyết phục NLĐ ký kết phụ lục sửa đổi, bổ sung HĐLĐ hoặc HĐLĐ mới ghi nhận mức lương NLĐ nhận theo HĐLĐ sẽ thấp hơn mức lương trước đây nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng, và ngầm hiểu với nhau rằng phần chênh lệch sẽ vẫn được doanh nghiệp trả đủ cho NLĐ dưới một tên gọi khác là tiền lương làm thêm giờ. Như vậy, doanh nghiệp chỉ phải đóng BHXH bắt buộc hàng tháng cho NLĐ theo mức lương bằng hoặc cao hơn chút ít so với lương tối thiểu vùng, chứ không phải đóng trên toàn bộ tiền lương của NLĐ.

Chưa rõ, cơ quan BHXH sẽ có ý kiến như thế nào về việc tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ có bao gồm tiền lương làm thêm giờ hay không, nhưng trước mắt, cách làm này của doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn nhất định trong việc cấu trúc lại hệ thống tính toán tiền lương và các công việc hành chính kéo theo.

Do (số) tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân(2) nên NLĐ sẽ được lợi hơn so với việc phải đóng thuế thu nhập cá nhân trên toàn bộ tiền lương theo HĐLĐ như trước. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp với doanh nghiệp sau này, NLĐ sẽ gặp khó khăn trong việc chứng minh tiền lương thực tế của họ.

Về phía doanh nghiệp, nếu áp dụng cách này, sẽ rất vất vả cho các phòng ban nội bộ khi phải xem xét hệ thống chứng từ kế toán nội bộ, cơ cấu lại hệ thống tiền lương và chi trả lương, tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ trong toàn bộ doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sử dụng hàng ngàn lao động sản xuất. Bởi lẽ, doanh nghiệp phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho NLĐ và phải xuất trình khi cơ quan thuế yêu cầu.

Hơn nữa, với việc tháng nào NLĐ cũng phải làm thêm giờ theo cách này, doanh nghiệp có thể rơi vào trường hợp sử dụng NLĐ làm thêm quá 200 giờ trong một năm hoặc quá 300 giờ trong một năm trong các trường hợp đặc biệt được Chính phủ quy định, tức là đã vi phạm điều 106.2 của Bộ luật Lao động và có thể bị xử phạt lên đến 100 triệu đồng(3).

Nghiêm trọng nhất là việc tách tiền lương làm thêm giờ để giảm số thuế thu nhập cá nhân cho NLĐ có thể bị xem là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Hậu quả doanh nghiệp phải gánh chịu có khi lớn hơn nhiều lần so với số tiền doanh nghiệp đã không đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ từ việc áp dụng cách làm này.

Kết hợp cả hai cách trên

Để khắc phục những rủi ro pháp lý và sự phức tạp của công tác tiền lương, kế toán trong cách làm thứ hai, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt áp dụng kết hợp hai cách làm trên đây. Sự mềm dẻo này phần nào giúp doanh nghiệp khắc phục được khả năng NLĐ có thể làm quá số giờ làm thêm tối đa theo quy định, không áp dụng đối với bộ phận NLĐ làm văn phòng, đồng thời xem ra cũng có vẻ hợp lý hơn khi xen kẽ tháng trước NLĐ làm thêm giờ, tháng sau NLĐ được thưởng vì đã có thành tích tốt trong tháng trước. Dù vậy, doanh nghiệp chắc chắn không thể né tránh được một thực tế là phải có hệ thống tính toán tiền lương, nhân sự, kế toán rất tốt với đầy đủ các hồ sơ pháp lý, chứng từ chứng minh tính hợp pháp và hợp lý của cách làm mà doanh nghiệp đang thực hiện.

Tuy nhiên, dù đang làm cách nào, tâm lý chung của doanh nghiệp là “vừa làm, vừa lo”.