Monthly Archives: August 2016

Nếu đổ vỡ, TPP sẽ là “thảm họa” với uy tín Mỹ

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang có nguy cơ trở thành một thất bại về chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á, nơi Washington muốn sử dụng thỏa thuận thương mại này như một đối trọng trước sự nổi lên của Trung Quốc.

Mấy năm qua, giới chức Mỹ đã coi TPP, thỏa thuận với 12 quốc gia thành viên, như một trọng tâm trong sự dịch chuyển về quân sự và các nguồn lực khác của Mỹ về phía châu Á. Nhưng giờ đây, với sự phản đối từ cả cánh tả và cánh hữu ở Washington, khả năng TPP được Quốc hội Mỹ thông qua đang có chiều hướng suy giảm, tờ Wall Street Journal nhận định.

“Thảm họa”

Theo các chuyên gia, thất bại của TPP sẽ làm sứt mẻ uy tín của Mỹ trên tất cả mọi phương diện, từ thương mại cho tới cam kết của Washington đối với châu Á, khu vực mà Mỹ đã giữ vai trò đảm bảo an ninh kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

“Nói một cách đơn giản thì do Mỹ đã đầu tư quá nhiều vào TPP, thỏa thuận này có một giá trị toàn diện vượt ra khỏi những lợi ích kinh tế của nó”, ông Euan Graham, một nhà cựu ngoại giao Anh hiện đang nghiên cứu về an ninh khu vực tại Viện Chính sách quốc tế Lowy ở Sydney, nhận định. “Việc Mỹ để cho các đối tác trong TPP phải chờ đợi vào thời điểm này sẽ là một thảm họa đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực”.

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn đang tiếp tục hy vọng TPP được thông qua. “Chúng ta chỉ còn cách một cuộc bỏ phiếu là đến chỗ củng cố vai trò lãnh đạo của chúng ta trong khu vực, hoặc là sẽ trao chìa khóa mở cửa tòa lâu đài cho Trung Quốc”, đại diện thương mại Mỹ Michael Froman phát biểu mới đây.

Tuy nhiên, lập luận này chưa đủ để lôi kéo thêm được sự ủng hộ trong Quốc hội Mỹ cho TPP. Phần lớn các nghị sỹ Dân chủ đều phản đối TPP, và hiệp định này giờ đây còn thiếu đi sự hậu thuẫn của các nghị sỹ Cộng hòa chủ chốt, những người trước đây từng thúc đẩy TPP và các thỏa thuận thương mại khác.

Cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ đều phản đối TPP.

Tuần trước, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Pat Toomey, cựu Chủ tịch của Club for Growth, một tổ chức về kinh tế thị trường tự do, đã lên tiếng phản đối TPP nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri thuộc tầng lớp lao động trong cuộc đua tái tranh cử vai trò thượng nghị sỹ tại bang Pennsylvania.

Cùng lúc đó, bà Clinton, người từng tuyên bố phản đối TPP dưới dạng hiện nay, chịu sức ép ngày càng lớn từ cánh tả đòi bà phải có sự dứt khoát rõ ràng với hiệp định mà bà ủng hộ khi còn là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Obama.

Được Mỹ công bố vào năm 2011, chiến lược xoay trục về phía châu Á phản ánh mối lo của Washington về việc Trung Quốc tìm cách biến sức mạnh kinh tế của mình thành sức mạnh cứng tại một khu vực với vai trò quan trọng ngày càng gia tăng. Căng thẳng đã gia tăng ở châu Á-Thái Bình Dương trong mấy năm gần đây, khi Trung Quốc thách thức vị thế thống lĩnh quân sự của Mỹ trong khu vực bằng cách tỏ ra hung hăng hơn trong các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông và phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad ở Hàn Quốc.

TPP, thỏa thuận được đàm phán xong vào năm ngoái, sẽ cắt giảm khoảng 18.000 hạng mục thuế quan cho các quốc gia thành viên, và bao phủ khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu.

Không phải là một thành viên của TPP, Trung Quốc hiện đang đàm phán một thỏa thuận thương mại khác không có sự tham gia của Mỹ, và đó là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP). Trung Quốc cung cam kết cung cấp thêm vốn vay cho các nước trong khu vực thông qua Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) và quỹ “Con đường tơ lụa” trị giá 40 tỷ USD.

Sự hoài nghi sẽ nổi lên?

Nhiều chuyên gia thương mại cho rằng chính quyền Obama đã phóng đại khi nói TPP là một khoảnh khắc “sống còn” trong việc quyết định Mỹ hay Trung Quốc sẽ viết nên các quy tắc của thương mại toàn cầu. Thỏa thuận RCEP mà Trung Quốc theo đuổi không tạo ra những khuôn khổ thương mại mới mà chỉ chú trọng vấn đề cắt giảm thuế quan, với những nội dung kém tham vọng hơn TPP. Hai thỏa thuận này không hề loại trừ lẫn nhau, và các nước châu Á đều có dự định tham gia cả hai thỏa thuận.

Tuy nhiên, việc gắn TPP với các vấn đề địa chính trị đã làm gia tăng ý nghĩa của thỏa thuận này. “Đối với các nước bạn bè và đối tác của Mỹ, việc phê chuẩn TPP là một phép thử đối với uy tín và mức độ nghiêm túc của các vị”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nói tại Washington trong chuyến thăm Mỹ hồi đầu tháng 8 này.

Cần nhấn mạnh rằng nước Mỹ có mối ràng buộc mật thiệt với châu Á thông qua mối quan hệ thương mại quy mô lớn với Trung Quốc và các nền kinh tế khác, cũng như thỏa thuận quốc phòng với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Nhiều chuyên gia nói rằng, những mối quan hệ này giữa Mỹ và châu Á khó có thể thay đổi, cho dù số phận của TPP có ra sao đi chăng nữa.

Nhưng các nhà lãnh đạo châu Á đã sử dụng vốn liếng chính trị của mình để ủng hộ TPP sẽ khó lòng làm điều đó thêm lần nữa nếu TPP thất bại, giới chuyên gia nhận định. Những quốc gia nhỏ hơn muốn cân bằng quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ chuyển sang nghi ngờ Washington và ngả hơn về phía Bắc Kinh.

“Obama đã thuyết phục các quốc gia cùng nỗ lực để chứng tỏ rằng họ có thể đối trọng với Trung Quốc theo một cách nào đó. Nếu TPP không được thông qua, các quốc gia sẽ hoài nghi nhiều hơn”, ông Yukon Huang, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) tại Trung Quốc, hiện là một chuyên gia thuộc tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, nhận định.

Việt Nam được xem là một nước sẽ hưởng lợi lớn TPP, với GDP dự báo tăng thêm 11% đến năm 2025 nhờ thỏa thuận này. Việt Nam và Mỹ, hai cựu thù thời chiến tranh, đang xích lại gần nhau hơn và cùng chia sẻ những lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông. Mới đây, Mỹ đã dỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.

“Chúng tôi vẫn hy vọng ông Obama có thể đưa TPP được thông qua trong những tháng cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông ấy”, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, phát biểu.

Nỗi lo của Thủ tướng Nhật

Tuy nhiên, không nhà lãnh đạo nào có thể mất mát nhiều nếu TPP thất bại như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Ông Abe đã đưa TPP vào vị trí trọng tâm trong các chiến lược đối nội và đối ngoại của Tokyo, đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực. Làm như vậy, ông đã phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều nông dân Nhật Bản.

Kế hoạch chấn hưng tăng trưởng mang tên Abenomics của ông Abe nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài cũng phụ thuộc vào TPP, với tư cách một đầu tàu tăng trưởng và cải cách. Trên trường quốc tế, TPP còn là chìa khóa trong chiến lược rộng lớn của ông Abe về kiềm chế Trung Quốc thông qua tổ chức các nước Đông Á dưới một chiếc ô ảnh hưởng kinh tế của Mỹ.

Nếu TPP thất bại, “sẽ có những ảnh hưởng rất tiêu cực từ góc nhìn an ninh kinh tế” đối với nước Nhật – GS. Yorizumi Watanabe thuộc Đại học Keio, Nhật Bản, nhận xét.

Khi đàm phán TPP bắt đầu dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, thỏa thuận này không có nhiều ý nghĩa chiến lược như hiện nay, và thậm chí Trung Quốc còn định tham gia. Nhưng điều đó đã thay đổi kể khi Trung Quốc bắt đầu gửi đi những tín hiệu thể hiện rõ sự hung hăng và chính quyền Obama sử dụng TPP như một “mỏ neo” kinh tế để củng cố chiến lược của Mỹ ở châu Á.

Một điều trớ trêu là TPP giờ đây đang gặp trở ngại bởi thỏa thuận đã mang quá nhiều màu sắc chính sách đối ngoại thay vì là một thỏa thuận kinh tế đơn thuần – theo ông Michael R. Wessel, một thành viên của Ủy ban Rà soát kinh tế và an ninh Mỹ-Trung thuộc Quốc hội Mỹ.

“Thỏa thuận này đã dịch chuyển khỏi vấn đề ban đầu là việc làm sang nhu cầu hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại trong khu vực. Người lao động Mỹ đã quá chán ngán và mệt mỏi với cảnh phải mất việc làm vì các mục tiêu chính sách đối ngoại”, ông Wessels nói.

Theo An Huy
VnEconomy

Săn đầu người là gì? Nghệ thuật và đỉnh cao trí tuệ nhân sự thế kỉ 21

Săn đầu người – Một số bạn có thể từng nghe về thuật ngữ này. Đúng vậy, săn đầu người không phải là mới trong ngành nhân sự và tuyển dụng trên thế giới nói chung nhưng đối với các doanh nhân và ông bà chủ Việt Nam thì nó còn khá xa lạ.

Không ai biết thuật ngữ này xuất hiện từ bao giờ nhưng ai cũng đoán rằng nghề săn đầu người đã xuất hiện từ rất xa xưa, thậm chí còn xưa hơn cả Tam Quốc nữa.

săn đầu người

Săn đầu người ngày nay đã chứng tỏ được tầm vóc của mình trong ngành tuyển dụng nhân sự toàn cầu và từng được sử dụng ít nhất một lần bởi hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới. Nhưng có ai biết không phải mọi nhà tuyển dụng đều biết săn đầu người? Bởi vậy, trên thế giới có câu:

Headhunters are certainly recruiters but not all recruiters are headhunters”. Vậy săn đầu người là gì? Hãy cùng tôi tìm hiểu về thuật ngữ tuy xa mà gần này nhé.

Vâng, trong bài viết này, tôi sẽ cho bạn biết săn đầu người là gì?

săn đầu người

Thật sự, săn đầu người cũng là một hình thức lựa chọn và tuyển dụng nhân tài nhưng ở tầm cao và khó hơn cách chúng ta thường nghĩ về quy trình tuyển dụng truyền thống.

Ở đó, nơi mà các thợ săn đầu người sẽ bằng mọi cách tìm cách liên lạc với người đặc biệt nào đó, người mà có những phẩm chất và kĩ năng đặc biệt phù hợp cao với yêu cầu và vị trí mục tiêu đã định trước và sau đó là tạo mối quan hệ để rồi thuyết phục anh ta hay cô ấy tham gia vào quy trình tuyển dụng đặc biệt của mình.

Như vậy, săn đầu người là cả một nghệ thuật về lập kế hoạch, giao tiếp, thuyết phục, đàm phán, thương lượng và hiểu tâm lý con người ở mức đỉnh cao và đối tượng của thợ săn đầu người thường là các nhà quản lý và lãnh đạo cấp cao của các công ty, tập đoàn lớn ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung mà có thể ví von khó như lên trời, đôi khi là không tưởng nếu bạn nghĩ có thể chuyển Messi từ Barcelona sang Real Madrid vậy.

Tại sao các công ty cần thợ săn đầu người và khi nào họ làm điều đó?

săn đầu người

Các công ty thường sử dụng dịch vụ săn đầu người khi họ đã hết cách – khi mà mọi mối quan hệ và hồ sơ ứng cử viên tiềm năng thu được từ việc đăng trên quảng cáo hay LinkedIn đã trở nên vô dụng.

Một lý do nữa, họ không muốn lãng phí thời gian của mình mà tốt hơn là dành thời gian rút ngắn khoảng cách để vượt mặt đối thủ một cách nhanh nhất. Cuối cùng, vị trí cần tìm là bí mật quốc phòng và họ không muốn công khai, vì thế họ cần phải thuê thợ săn chuyên nghiệp.

Mục tiêu của thợ săn đầu người là gì?

săn đầu người

Không phải ai, tất nhiên, mà chỉ những trường hợp đặc biệt – chỉ những ứng viên có kỹ năng đặc biệt, nhân viên từ các đối thủ cạnh tranh lớn là mục tiêu hàng đầu. Nếu bạn là một sinh viên mới ra trường, có lẽ đừng bao giờ chờ đợi cho các thợ săn đầu người gọi tới, điều đó là sự thật.

Điều gì giúp một thợ săn đầu người thành công?

săn đầu người

Như tôi đã nói trước đó, không phải ai làm nhân sự thì cũng có thể làm được thợ săn đầu người.

Bạn cần phải có một số kỹ năng tương tự như những người bán hàng chuyên nghiệp. Bạn phải có một trí tưởng tượng sống động về làm thế nào để có được thông tin chi tiết liên lạc của ứng cử viên vì email và số điện thoại của ứng viên không ngồi đó sẵn chờ đợi để bạn tìm ra.

Bạn cần phải tìm kiếm hàng tuần trên internet, gọi tất cả các cuộc gọi có thể được, đôi khi phát minh ra những câu chuyện qua điện thoại hoặc email để kể những câu chuyện đáng tin cậy và chuyên nghiệp để bất cứ ai lần đầu tiên cũng vui vẻ và bị bạn cuốn hút; bạn phải có tính thuyết phục, không chỉ là thuyết phục họ đến gặp bạn bàn công việc mà còn phải tìm ra lý do phù hợp, rồi còn phải thuyết phục cả những thư ký và đồng nghiệp của họ, đôi khi bạn phải nói dối, để phát minh ra các chi tiết và tất cả chỉ để có được một số liên lạc.

Săn đầu người có hợp pháp?

săn đầu người

Vâng, tùy vào mức độ chuyên nghiệp và thỏa thuận của cả 4 bên – nhà tuyển dụng, thợ săn đầu người, ứng cử viên và bên bí mật thì việc săn đầu người sẽ được coi là hợp pháp hay bất hợp pháp. Cách thợ săn đầu người lấy thông tin và sử dụng thông tin của bạn sẽ quyết định mức độ của việc vi phạm. Nhưng tất nhiên, đặc điểm của nghề săn đầu người là tính bảo mật được đảm bảo tuyệt đối và rất cẩn trọng.

Thợ săn đầu người lấy thông tin của bạn ở đâu? Bạn có được phép hỏi họ về điều đó hay không?

săn đầu người

Trước hết, có, bạn được phép hỏi. Chỉ cần tự nhiên và cởi mở nếu bạn thực sự quan tâm quá nhiều như thế nào họ đã lấy được nó. Đầu tiên, từ một số nguồn – có thể là một kết nối bạn đã không nhận thấy trên LinkedIn, Facebook hay mạng xã hội khác.

Họ có thể có thông tin chi tiết của bạn từ một trong những địa chỉ liên lạc của họ từ người biết bạn. Họ có thể đã mua nó từ cổng thông tin việc làm cho phép nhà tuyển dụng mở khóa CV của bạn sau khi trả một số tiền nhất định (điều này là một chút trên khía cạnh của bất hợp pháp, nhưng nó có thể).

Họ có thể đã tìm thấy nó trực tuyến nơi nào đó nếu bạn có một trang web cá nhân hoặc là một người nào đó, tại một số điểm nào đó trong sự nghiệp của bạn hoặc công ty mà bạn từng làm việc cho và đã bị lãng quên từ lâu nhưng họ vẫn lưu thông tin của bạn.

Bạn có thể đã trao đổi danh thiếp của bạn cho họ tại một số cuộc họp mà bạn không còn nhớ. Nói chung, khả năng là vô cùng nhiều và nó chỉ còn phụ thuộc vào trí tưởng tượng của các thợ săn đầu người mà thôi.

Cư xử như thế nào khi tiếp cận với thợ săn đầu người lần đầu tiên?

săn đầu người

Không có gì đặc biệt. Nếu họ quan tâm đến bạn – đặt câu hỏi và đồng ý đến cuộc họp; nếu không, chỉ đơn giản là cảm ơn các thợ săn đầu người cho các cuộc gọi hoặc email của họ và giải thích rằng bạn không quan tâm tại thời điểm này.

Nếu dự án của bạn không cho phép bạn thay đổi công việc ngay lúc đó, khôn ngoan nhất bạn nên chấp nhận để các thợ săn giữ CV của bạn để liên hệ sau khi cần đến. Bạn không nên nghi ngờ và đặt câu hỏi kiểu như “Sao ông có được số điện thoại của tôi?” hoặc “Ai cho phép ông gọi cho tôi?”. Điều này chỉ làm bạn thêm xấu tính và con đường tương lai của bạn gập ghềnh và khó khăn hơn. Chỉ cần lịch sự như bạn có thể không bao giờ biết hết những vị trí tuyệt vời mà các thợ săn đầu người có thể mang đến cho bạn trong tương lai.

Read more: Những khó khăn và thách thức của nghề săn đầu người

452791102

Apple sẽ rót 1 tỉ đô la Mỹ vào địa phương nào?

Nhiều báo điện tử và trang mạng hôm cuối tuần đưa tin rằng tập đoàn Apple đang tìm địa điểm đầu tư ở Đà Nẵng khiến nhiều người nghĩ rằng thương hiệu “trái táo khuyết” đã quyết chọn Đà Nẵng để làm ăn.

Tuy nhiên, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một vị lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng tỏ ra lo ngại về sự hiểu nhầm của nhiều người.

Vị lãnh đạo này cho biết, nội dung thông tin trên được đưa ra trong buổi làm việc của UBND thành phố Đà Nẵng về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm của thành phố và trung tâm của ông đã báo cáo lại việc đón tiếp các đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Đà Nẵng tìm cơ hội đầu tư trong 6 tháng đầu năm, trong đó có Apple.

Tuy nhiên theo vị này, đề xuất trên của Apple với Đà Nẵng đã diễn ra khoảng 4-5 tháng trước đây, cùng với thời điểm tập đoàn công nghệ này đến một số địa phương khác như Hà Nội, TPHCM,… để khảo sát tìm cơ hội đầu tư, chứ không phải là thông tin mới. “Thế nhưng các báo đưa thông tin giống như Apple vừa mới đến Đà Nẵng và đã quyết định chọn Đà Nẵng để đầu tư dự án nói trên”, vị lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng nói, và lưu ý rằng từ đó đến nay Apple vẫn chưa có hồi âm hay khẳng định nào sau khi làm việc với địa phương.

Là một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới chắc chắn Apple sẽ được các địa phương săn đón, mời gọi. Nhưng với đặc thù là một tập đoàn về công nghệ cao, không riêng Apple mà bất cứ một doanh nghiệp công nghệ khác, khi quyết định chọn địa điểm đầu tư thì họ sẽ tìm đến những địa phương có khả năng đáp ứng tốt nhất về nguồn nhân lực để phục vụ cho dự án của mình, chứ không hẳn là sẽ ưu tiên cho địa phương có ưu đãi nhất.

Do đó, ngay khi thông tin bị rò rỉ, một số thông tin tiết lộ, nhiều khả năng dự án của Apple sẽ đặt tại Hà Nội. Nhưng khi đó, mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu địa điểm cũng như hướng dẫn nhà đầu tư về các thủ tục cần thiết. Trước đó, một số nguồn tin khác lại cho rằng TPHCM và Bình Dương cũng đang trong tầm ngắm của Apple và có cơ hội thu hút Apple không kém so với Hà Nội.

Và đến nay, việc thương hiệu “trái táo khuyết” chọn địa phương nào vẫn còn nằm trong vòng bí mật và đây cũng là nguyên tắc của các công ty đa quốc gia khi luôn yêu cầu các địa phương phải giữ bí mật thông tin trong quá trình họ tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Tuy nhiên, có một điều khẳng định là Apple ngày càng quan tâm đến Việt Nam như một thị trường tiềm năng trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ của mình. Điều này được chứng minh bằng việc cuối tháng 10 năm ngoái Apple đã thành lập một công ty con tại Việt Nam, lấy tên là Apple Vietnam LLC cho một dự án thương mại. Theo đó, giấy phép kinh doanh của Apple Việt Nam do TPHCM cấp cho ông Gene Daniel Levoff.

Được biết, ông Gene Daniel Levoff là Phó chủ tịch phụ trách về luật và giám đốc điều hành của tập đoàn (Vice President of Corporate Law and Director). Theo đăng ký với cơ quan thuế, Apple Việt Nam có trụ sở tại quận 1, TPHCM.

 

Thu hút FDI: những góc khuất nguy hiểm

Chính phủ cần phải có những ứng xử kịp thời với yếu tố quốc tịch trong chiến lược thu hút FDI. Làm như vậy không phải là phân biệt đối xử trong thu hút FDI mà ngược lại, chính ta đang thực hiện những động thái cần thiết để tiến tới một sân chơi bình đẳng.

Thu hút FDI và nguy cơ phân hóa thành hai nửa nền kinh tế

Trong một phân tích trên TBKTSG cách đây hai năm, Giáo sư Trần Văn Thọ đã mở đầu cho những phân tích nguy cơ kinh tế Việt Nam bị phân hóa thành hai nửa: một nửa là khu vực FDI và một nửa là khu vực kinh tế còn lại của doanh nghiệp (DN) nội địa. Các yếu tố chính cho những nhận định trên là chúng ta đang thiếu một chiến lược tổng thể thu hút FDI; chưa có cơ chế phát triển mạnh hình thức liên doanh giữa DN FDI và DN nội địa; thiếu liên kết hàng dọc giữa DN FDI và DN nội địa (DN FDI chủ yếu nhập nguyên liệu và phụ tùng từ nước ngoài thay vì từ các DN trong nước, khiến cho ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta không thể phát triển).

Về mặt lý thuyết, có thể tóm lược kênh truyền dẫn chính để FDI và các công ty đa quốc gia (MNC) tác động đến tăng trưởng kinh tế và các thành quả khác của nước ta là thông qua ba cơ chế: hiệu ứng quy mô, hiệu ứng kỹ thuật, kỹ năng và hiệu ứng cấu trúc. Tất cả các kênh truyền dẫn này đều không thực sự tạo ra hiệu ứng lớn như kỳ vọng ban đầu, thậm chí là gây thất vọng.

Các số liệu thống kê và những phân tích của nhiều chuyên gia sau đó đã ngày càng củng cố thêm rằng giả thuyết nguy cơ hai nửa nền kinh tế ngày càng khó bị bác bỏ.

Có lẽ do không đồng ý với những nhận định trên, hầu hết phản hồi từ các nhà hoạch định chính sách và một số chuyên gia Bộ Khoa học và Công nghệ đã không đi thẳng vào phản bác lập luận này. Thay vào đó, họ chỉ thừa nhận một vài yếu kém trong thu hút FDI và khẳng định FDI vẫn là trụ cột chính trong phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam. Thậm chí trong một hội thảo mới tổ chức ở Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư còn nhấn mạnh, các DN FDI cần phải chia sẻ với DN nội địa, hợp tác, bổ sung để cùng nhau có lợi, lúc ấy mới mong công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển; nếu không, muôn đời công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cũng không phát triển được.

Formosa nói riêng và các DN FDI có quốc tịch Trung Quốc nói chung chính là minh họa rõ nét nhất đóng góp của FDI nhìn từ thể chế kinh tế – chính trị quốc gia của các công ty đa quốc gia đã tác động lan tỏa đến tăng trưởng của Việt Nam ra sao.

Những tranh luận về thu hút FDI ở Việt Nam cũng như ở các nền kinh tế mới nổi luôn diễn ra như vậy. Một phía, các nhà kinh tế đưa ra những cảnh báo về nguy cơ. Phía còn lại, dù thừa nhận tác động lan tỏa yếu của FDI đến nền kinh tế, vẫn viện dẫn những số liệu thống kê tạo công ăn việc làm, bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán, đóng góp vào thu ngân sách, xuất khẩu và tăng trưởng để khẳng định tầm quan trọng của thu hút FDI. Nhưng có đúng là như vậy?

Cách tiếp cận mới: quốc tịch của các MNC và những nguy hiểm tiềm ẩn đến kinh tế, an ninh và quốc phòng

Những lập luận để chứng minh tầm quan trọng của FDI theo cách của các nhà hoạch định chính sách như trên vẫn còn nhiều điểm không thật sự thuyết phục, ít nhất để trả lời cho câu hỏi: vậy giải pháp sắp đến là gì để nâng cao hiệu quả thu hút FDI hoặc cần phải làm gì để nguy cơ nền kinh tế không bị phân hóa. Hoặc sát sườn hơn là phải làm gì với liên tục các thảm họa môi trường từ các DN FDI diễn ra dồn dập thời gian mới đây.

Nhiều nghiên cứu gần đây trên thế giới đã hướng vào một cách tiếp cận mới cho các tranh luận này. Theo đó, dòng vốn FDI và các MNC không thể được xem như một thể thuần nhất khi phân tích tác động của chúng đến tăng trưởng kinh tế của nước chủ nhà. Nếu xem dòng vốn FDI như một thể thuần nhất không có sự khác biệt sẽ không thể đánh giá được chính xác đóng góp FDI vào tăng trưởng của một quốc gia. Tức là ta chỉ mới thấy một bức tranh tổng thể FDI và tăng trưởng kinh tế mà không biết được những cấu trúc vi mô nào của các FDI kìm hãm hoặc tạo động lực phát triển.

Để xử lý vấn đề này, các nhà hoạch định chính sách có thể tập trung vào từng dạng đầu tư hay loại nhà đầu tư để xem tác động của từng loại hình FDI đến tăng trưởng kinh tế (thậm chí các đánh giá cơ bản này cũng chưa thấy từ các nhà làm chính sách?). Tuy nhiên các phân tích này cũng chỉ mới giải quyết được đóng góp của FDI vào thành quả của từng ngành công nghiệp mà không chỉ ra được tác động chung đối với toàn bộ nền kinh tế. Một số nghiên cứu đột phá gần đây vì vậy đã hướng đến phân tích quốc tịch gốc của các MNC và FDI.

Áp dụng cách tiếp cận này vào bối cảnh Việt Nam, ta sẽ phần nào nhận rõ được đóng góp của FDI vào tăng trưởng của Việt Nam theo quốc tịch. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào TPP, cách tiếp cận FDI theo nguồn gốc quốc gia của các MNC càng tỏ ra hữu ích; khi mà chính sách thu hút FDI và ứng xử với các MNC từ những quốc gia trong khối TPP, với những luật chơi riêng trong khối, phải khác với các nước như Trung Quốc chẳng hạn. Chúng ta cần phải đánh giá được trong tổng số xuất khẩu, thu ngân sách, việc làm được tạo ra hay tăng trưởng kinh tế thì FDI của quốc gia nào đã tác động thuận lợi hay bất lợi và góp phần bao nhiêu vào trong các thành quả này.

Về lý thuyết, nguồn gốc quốc gia của các MNC có thể tập trung vào các nhóm nhân tố chính là điều kiện thị trường, hệ thống kinh doanh, hành vi quản lý và thể chế ở các quốc gia của các MNC. Rất tiếc là các nhà làm chính sách nước ta chưa có nghiên cứu nào về các nhân tố trên theo nguồn gốc quốc gia của các MNC đã tác động như thế nào đến tăng trưởng (hay kìm hãm) kinh tế ở Việt Nam trong quá trình thu hút FDI. Điều may mắn là các nghiên cứu này lại mang yếu tố định tính nhiều hơn định lượng. Chỉ cần nhìn vào những vụ việc bê bối gần đây trong thu hút FDI, cùng với một vài dẫn chứng và liên hệ thêm ở cấp độ quốc tế, chắc chắn sẽ thấy ngay yếu tố quốc tịch của FDI là quan trọng như thế nào.

Các DN FDI có quốc tịch Trung Quốc nói chung chính là minh họa rõ nét nhất đóng góp của FDI nhìn từ thể chế kinh tế – chính trị quốc gia của các MNC đã tác động lan tỏa đến tăng trưởng của Việt Nam ra sao.
Trong một bài viết mới đây trên TBKTSG, tác giả đã có cảnh báo về đặc thù của MNC và FDI Trung Quốc đến tăng trưởng của Việt Nam (http://www.thesaigontimes.vn/147376/Thien-duong-o-nhiem-tu-FDI-Trung-Quoc.html). Theo đó, yếu tố thể chế lớn nhất, tác động lâu dài, chẳng những đến tăng trưởng mà còn liên quan đến an ninh, quốc phòng và bất ổn xã hội chính là do có gần đến 80% các MNC Trung Quốc có gốc gác là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện đang đầu tư ra nước ngoài. Đã là DNNN thì động cơ của các MNC tuyệt nhiên không bao giờ tuân theo những nguyên lý của một nền kinh tế thị trường khi họ đem FDI ra thế giới.

Đã là các DNNN thì FDI từ các MNC Trung Quốc tiến công vào Việt Nam sẽ tuân theo những chỉ đạo từ chính quyền trung ương Trung Quốc, và đương nhiên sẽ vượt khỏi phạm vi kinh tế thuần túy. Đây có lẽ là gót chân Achilles lớn nhất trong chiến lược thu hút FDI khi ta hầu như bàng quan về quốc tịch của các MNC. Trong khi đây lại là điều mà những lý thuyết mới gần đây về thu hút FDI thừa nhận là yếu tố không thể bỏ qua.

Chẳng hạn, ngày 12-6-2016, Reuters đưa tin các nhà lãnh đạo EU đã có những quan ngại sâu sắc về “an ninh và chính trị” khi ngày càng có nhiều DNNN Trung Quốc mua lại tài sản và liên doanh với các công ty khu vực EU. Lãnh đạo EU tuyên bố đã có những giám sát nghiêm ngặt và sẽ tạo ra những rào cản kỹ thuật đối với các hoạt động của các MNC có gốc gác là các DNNN. Họ làm vậy để ngăn chặn phần nào các vụ thâu tóm, mua tài sản và đầu tư của các DNNN Trung Quốc ở khu vực EU có liên quan đến an ninh và chính trị.

Việc bộc lộ ra những lỗ hổng quá lớn trong thu hút FDI thời gian gần đây cho thấy, trong khi ta vẫn chưa có những giải pháp cần thiết để tránh rơi vào nguy cơ phân hóa nền kinh tế, thì một cú sốc nữa có thể tác động còn khủng khiếp hơn đến kinh tế, an ninh và quốc phòng trong thu hút FDI lại liên quan đến yếu tố quốc gia có FDI đang ồ ạt đổ vào Việt Nam. Trong một phát biểu mới đây, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đã cảnh báo “vụ Formosa tiềm ẩn lâu dài vấn đề quốc phòng và an ninh”.

Động cơ của các MNC theo từng quốc tịch là gì, có chịu sự lãnh đạo từ chính quyền trung ương tại chính quốc, nguồn gốc của chúng, lý lịch hoạt động, tính minh bạch và giải trình trách nhiệm, các điều kiện tài chính và nhất là tiền sử gây ô nhiễm như thế nào?

Đây là những câu hỏi – vấn đề cấp bách cần sự ứng xử kịp thời của Chính phủ. Đó cũng là cách nhìn nhận lại chính xác đóng góp của FDI theo từng quốc gia để có thêm những chính sách khuyến khích thỏa đáng cho FDI ở vùng lãnh thổ nào đóng góp vào tăng trưởng ở nước ta bền vững nhất. Cách ứng xử và những giải pháp mang tính kỹ thuật của các nhà lãnh đạo EU mới đây đối với các MNC Trung Quốc sẽ là bài học vô cùng đáng giá cho Việt Nam trong việc biên soạn lại cẩm nang những giải pháp thu hút FDI trong thời gian đến.

 

9 kiểu người khó thăng tiến trong sự nghiệp

Những người ba phải, chuyện gì cũng xin lỗi hay thích đổ cho hoàn cảnh sẽ khó thăng tiến trong sự nghiệp.

1. Người hèn nhát

Nỗi sợ có tác động vô cùng mạnh mẽ. Ở nơi làm việc, những người bị nỗi sợ lấn át thường có những hành vi thiếu sáng suốt và gây hại cho người khác.

Những đồng nghiệp hèn nhát rất hay đổ lỗi cho người khác, lấp liếm mọi khuyết điểm và không dám đấu tranh vì lẽ phải.

2. Người bi quan

Đây là kiểu người luôn tiêu cực, và có khả năng khiến những người xung quanh cũng cảm thấy tồi tệ theo bằng cách áp đặt suy nghĩ bi quan của mình lên bất cứ ai họ gặp.

Họ luôn chỉ nhìn vào mặt xấu của vấn đề và tìm ra điều gì đó để lo sợ ngay cả trong những tình huống bình thường nhất.

3. Người kiêu ngạo

Những kẻ kiêu ngạo thường chẳng bao giờ công nhận cố gắng của người khác. Tính kiêu ngạo có thể xem là một phiên bản lỗi của tự tin, dùng để che đậy sự bất an bên trong.

Một nghiên cứu của Đại học Akron chỉ ra rằng kiêu ngạo dẫn đến một loạt các vấn đề ở nơi làm việc. Những người này thường có chất lượng công việc kém, luôn phản đối ý kiến của người khác và có vấn đề về nhận thức.

4. Người ba phải

Họ luôn chọn cách ít bị phản đối nhất và chẳng bao giờ có tư tưởng thay đổi. Nếu bạn cảm thấy mình đang dần bị tẩy não theo những gì mà số đông tin tưởng, hãy cẩn thận bởi điều đó chẳng bao giờ mang lại thành công.

5. Người thiệt thòi

Đây là những người luôn lấy lý do thiếu cơ hội cho mọi thất bại của mình. May mắn đúng là một yếu tố quan trọng, nhưng không làm việc chăm chỉ thì sẽ chẳng bao giờ thành công nổi.

Những người này lại không nhận ra rằng chính thái độ của họ mới khiến họ trở nên thiệt thòi, chứ không phải do hoàn cảnh.

6. Người tính khí thất thường

Có những người hoàn toàn không thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Họ sẽ liên tục đả kích và chĩa mũi dùi về phía bạn, cho rằng bạn chính là nguyên nhân khiến tâm trạng họ trở nên tồi tệ.

Những người này thường làm việc kém hiệu quả bởi họ hay làm hỏng các mối quan hệ và quyết định luôn bị cảm xúc chi phối. Hãy cảnh giác với người tính khí thất thường, bởi họ sẽ đem bạn ra làm đối tượng để xả những bức bối trong lòng.

7. Nạn nhân

Đây là kiểu người rất khó nhận ra, bởi ban đầu bạn sẽ dễ cảm thông cho vấn đề mà họ gặp phải. Nhưng thời gian qua đi, bạn nhận ra rằng họ là những người lúc nào cũng gặp khó khăn.

Những nạn nhân này luôn tìm cách thoái thác trách nhiệm bằng việc biến mọi thử thách thành những nhiệm vụ bất khả thi. Họ xem khó khăn là dấu chấm hết, chứ không phải là cơ hội để học hỏi và tiến bộ.

8. Người cam chịu

Những người này thực sự rất đáng thương. Họ chỉ biết đi theo đám đông và làm những gì người khác sai khiến.

Họ không dám thương lượng về lương bổng của mình, không dám từ chối ai và không nghi ngờ bất kỳ điều gì. Bạn sẽ nhận được nhiều sự tôn trọng hơn nếu biết đấu tranh đúng lúc.

9. Người hay xin lỗi

Những người này luôn thiếu tự tin và chỉ biết xin lỗi vì những ý tưởng và hành động của mình. Họ sợ thất bại và tin rằng nói xin lỗi là một giải pháp an toàn.

Sự thật là điều đó lại đang hạ thấp giá trị của họ trong mắt người khác. Bạn cần phải biết cách làm cho ý tưởng của mình trở nên quan trọng. Đừng nghi ngờ suy nghĩ của mình và hãy trình bày nó một cách tự tin.