Monthly Archives: August 2016

6 tháng, Vingroup lãi 3.000 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch năm

6 tháng đầu năm, Vingroup ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi, còn lợi nhuận tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016.

Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2016 là 24.197 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Vingroup cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.926 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần.

So với kế hoạch đã được thông qua tại Đại hội Cổ đông thường niên năm 2016, Tập đoàn đã hoàn thành 54% kế hoạch doanh thu và 98% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Riêng trong quý II, doanh thu chuyển nhượng bất động sản đạt 4.533 tỷ đồng, tăng 31%. Doanh thu cho thuê TTTM/Văn phòng và doanh thu đến từ mảng kinh doanh khách sạn, du lịch và vui chơi giải trí cũng tăng mạnh lần lượt 39% và 59%. Hai mảng này góp tương ứng 735 tỷ đồng và 1.102 tỷ đồng vào tổng doanh thu quý II của Vingroup.

Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động giáo dục đạt 147 tỷ đồng, tăng 58%. Còn doanh thu cung cấp dịch vụ bệnh viện và các dịch vụ liên quan đạt 263 tỷ đồng, tăng 53%.

Đáng chú ý, Vingroup ghi nhận mức doanh thu tăng đột biến từ mảng bán hàng tại siêu thị và cửa hàng tiện ích với 2.465 tỷ đồng, tăng 226% so với cùng kỳ năm trước.

Tại ngày 30/06/2016, tổng tài sản Vingroup đạt 159.280 tỷ đồng, tăng hơn 13.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 44.560 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2015.

Thương mại điện tử Anh dự kiến đạt hơn 100 tỷ USD

Ngày càng nhiều người mua hàng qua điện thoại thông minh giúp doanh số bán hàng trực tuyến tại Anh dự kiến lên 102 tỷ USD năm nay.

Kết quả nghiên cứu từ comScore MobiLens cho thấy sức mua qua thương mại di động (m-commerce) tại Anh cao hơn nhiều so với một số quốc gia khác ở châu Âu. Cụ thể 33,8% người dùng smartphone tại Anh từ 13 tuổi trở lên thực hiện giao dịch qua điện thoại. So với Tây Âu thì mua sắm qua điện thoại thông minh ở Anh phổ biến hơn.

Báo cáo của comScore MobiLens cũng chỉ ra rằng người dân xứ sở sương mù có thói quen chọn mua sản phẩm thông qua các ứng dụng di động với tỷ lệ 59,3%. Trong khi đó con số này ở Đức là 52,1%, những nước khác trong EU 5 (gồm Đức, Pháp, Anh, Italy, Tây Ban Nha) chỉ 40%.

Để đáp ứng thị hiếu mua sắm trên di động, các nhà bán lẻ cũng tăng cường trải nghiệm cho khách hàng, cải tiến ứng dụng cũng như giao diện website tương thích cao với smartphone.

eMarketer ước tính 57% chủ sở hữu điện thoại thông minh ở Anh sẽ thực hiện ít nhất một giao dịch qua smartphone trong năm 2016, tăng 55% so với năm 2015. Điều này sẽ thúc đẩy doanh số bán lẻ trực tuyến tại quốc gia này vượt mức 67 tỷ bảng, tương đương 102 tỷ USD trong năm nay.

Liệu CFO có thể đảm đương vai trò của CMO một cách hiệu quả, và ngược lại?

Ngày nay, vai trò của CMO và CFO đang bị chồng chéo lên nhau nhiều hơn khi nào hết.

Gần đây thì Twitter đã ra thông báo về việc chuyển quyền kiểm soát bộ phận marketing về cho ông Anthony Noto, CFO, người đã có công trong việc chào bán chứng khoán ra công chúng lần đầu tiên IPO (Initial Public Offering). Tương tự như khi công ty Kraft Heinz được thành lập thì việc kinh doanh trong khu vực APAC được giao cho bộ phận tài chính thay vì một người xuất thân từ marketing.

Đây có phải là dấu hiệu cho những gì sắp đến?

Rõ ràng là vai trò của họ không còn đơn thuần chỉ là cung cấp tài chính cho marketing. Theo như hai hội thảo Roundtable gần đây nhất của R3 với các lãnh đạo tài chính thì các CFO đang dần tham gia nhiều hơn vào các cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề tối đa hóa giá trị và tính hiệu quả của những khoản đầu tư vào marketing và digital.

Về bản chất, mối ưu tiên hàng đầu của các CMO luôn luôn là làm sao để xây dựng thương hiệu và dịch vụ. Mối quan tâm hàng đầu của họ là đạt được hiệu suất và hiệu quả trong mỗi chiến dịch, các kênh truyền thông và ngân sách. Tiếp theo có thể kể đến việc gia tăng nhận diện thương hiệu, tính liên quan và sự tăng trưởng. Nhưng trong thế giới của Big Data & Analytics, mọi thứ đang dần thay đổi.

Khi CMO vào vai CFO?

Với xu thế đó, trong tương lai, CMO sẽ khó mà tồn tại nếu không có khả năng chứng minh hiệu quả và hiệu suất của các chiến dịch thông qua các con số. Sẽ có lúc họ cần đến những kĩ năng tài chính để có thể truyền đạt được ý định của mình.

  • Tỉ lệ chi phí quảng cáo trên Doanh số Quảng cáo đến từ Tỉ lệ doanh số – Việc dự báo Ngân sách quảng cáo thay đổi: từ “Chúng ta đã chi trả cho những gì vào năm trước?” sang “Bao nhiêu phần trăm doanh thu đầu tư vào marketing là tốt nhất?” – và marketer dần trở thành những thành phần tham dự sôi nổi cho việc thảo luận này. Apple đang đầu tư 2% doanh số bán hàng vào marketing – và L’Oreal là 30%. Vậy thì đâu mới là tỉ lệ hợp lý?
  • Phân tích giá trị của dự án – Trước đây lĩnh vực marketing trực tiếp bị tách biệt cho quản lý khách hàng, CMO giờ đây có thể truy cập vào nguồn Big Data phù hợp để đầu tư nhiều hơn vào các khách hàng có khả năng tạo ra lợi nhuận tốt nhất. Cathay Pacific vừa cho ra mắt phòng chờ hạng nhất tại sân bay Hồng Kông, hay như Peninsula Group cung cấp dịch vụ F&B – nếu không phải khách hàng hàng đầu của họ thì chúc bạn may mắn để tìm cách sử dụng dịch vụ đó. Marketing giữ vai trò chủ đạo cho gói sản phẩm độc quyền này.
  • Chỉ số hiệu quả và không hiệu quả – Chúng ta đã có những dự đoán quá sớm khi mà thực trạng hiện nay từ yếu tố “viral” và miễn phí thì giờ đã trở thành “buyral” và trả phí – việc quản lý một khoản paid media (hiệu quả), thay vì chi phí trả cho agency và khâu sản xuất (không hiệu quả) là cuộc thảo luận thiết yếu. Bất kể chỉ số đó như thế nào nhưng nó nên được bắt nguồn từ một khuôn khổ đo lường marketing phù hợp những cách thức mới của việc “thử nghiệm, học tập và triển khai lại”. P&G công bố trong năm nay dự định cắt giảm 500 triệu đôla Mỹ về truyền thông marketing không hiệu quả – gần như là nhiều hơn tổng ngân sách tiếp thị của họ.

Và khi CFO vào vai CMO?

Việc trò chuyện với 20 CFO trong thời gian qua làm sáng tỏ một điều- họ mong muốn và xứng đáng một vị trí trong mỗi cuộc thảo luận về marketing.

  • Xu hướng về mặt vĩ mô- Tương tự như bức tranh kinh tế tổng thể, những thay đổi trong việc chi trả của người tiêu dùng và những thử thách tương tự. Đây không phải là thời gian tốt để làm việc trong ngành hàng xa xỉ, những phương pháp đo lường chặt chẽ được đưa ra, chẳng hạn như CFO của Pernod Ricard đang nắm giữ vai trò chủ động hơn trong việc đo lường các khoản đầu tư marketing để mang đến kết quả kinh doanh tốt hơn.
  • Thấu hiểu hệ sinh thái thị trường – Chẳng hạn như việc chuyển đổi từ bán hàng tại cửa hàng (in-store) sang thương mại điện tử (e-commerce) – và những ảnh hưởng đến lợi nhuận. CFO của thương hiệu bán hàng thể thao đã làm rõ rằng các cửa hàng của anh ta sắp trở thành “viện bảo tàng” với ngày càng nhiều giao dịch mua sắm qua mạng.
  • Diễn giải cho khoản đầu tư – Chúng ta không nói rằng mọi chuyện đang đi đúng hướng mong đợi và đáng vui mừng nhưng biết đâu được khi mà CFO sẽ giúp marketing trở nên quan trọng và hữu ích bằng cách trình bày việc đầu tư đã mang đến những kết quả khả quan như thế nào.

Một trong những người tham dự, Aashi Sanghvi là trưởng bộ phận tài chính từ Coca- Cola tin rằng “nên biết khi nào nói về “việc kinh doanh” và khi nào thì nói về “tài chính” để sớm có được vị trí trong mỗi cuộc thảo luận về marketing”. Cô cho biết thêm đằng sau thành công của chiến dịch “Share a Coke” là sự đóng góp của các yếu tố khác, ngoài marketing còn có quy trình đóng chai, logistic, trade marketing và ROI được nhìn nhận một cách toàn diện bao gồm nguồn vốn đầu tư ban đầu.

Radi Soemarjono -Lãnh đạo tài chính và chiến lược tại P&G cũng đã thực hiện theo một cách tương tự.

Soemarjono đã nói “Lời phàn nàn thông thường là về việc tài chính bị tiêu hao nhiều hơn để có ROI trong ngắn hạn thay vì mục tiêu nhận diện thương hiệu trong dài hạn”, “Đội ngũ tài chính cần nhận ra rằng sự giảm thiểu đầu tư vào marketing có thể tác động đến thương hiệu, đặc biệt là trong ngành FMCG thì đầu tư ban đầu là rất cần thiết.”

Marketing và tài chính cần song hành cùng nhau ngay từ khi bắt đầu. Điều này không những giúp cho việc xây dựng lòng tin giữa hai bên mà đồng thời còn bổ sung sức mạnh cho nhau. Quan trọng hơn cả là làm sao để cả hai bên đều phải nghĩ về việc kinh doanh trước khi thực hiện công việc chuyên môn của mình.

Hoán đổi vai trò của nhau sẽ không bao giờ là điều dễ dàng nhưng chỉ duy nhất cách đó mới có thể làm cho hai bên cùng nhau làm việc hướng đến kết quả chung.

Lợi nhuận ngân hàng quý II: Kẻ cười, người khóc

Một phần hai năm 2016 đã đi qua, bức tranh lợi nhuận ngân hàng đã dần hé lộ với những gam màu bừng sáng từ khối các ngân hàng thương mại cổ phần.

Thời điểm này, hàng loạt ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2016 với sự phân hóa rõ nét và chi phí dự phòng vẫn đang là một nỗi ám ảnh lớn, bòn rút lợi nhuận nhiều ngân hàng.

Theo số liệu tổng hợp của chúng tôi, dẫn dầu thị trường với những con số nghìn tỷ sau 2 quý đầu năm vẫn là nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước – 3 trụ cột của hệ thống ngân hàng: VietinBank, VietcomBank và BIDV. Tuy nhiên, đây lại không phải là những ngân hàng tỏa sáng và có sức bật nhất trong nửa đầu năm nay.

Ngân hàng nhỏ lãi đậm, ông lớn lại lao đao

Techcombank gây ngạc nhiên khi báo lãi lớn và tốc độ tăng trưởng tăng vọt so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2016 đạt 1.587 tỷ đồng, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ thu nhập lãi thuần tăng 17,3% và thu nhập thuần từ phí dịch vụ tăng 40,1%, ngay cả sau khi trích ngân sách chi phí dự phòng cao hơn.

Theo báo cáo tài chính của ngân hàng Maritime Bank gửi Ngân hàng Nhà nước tính tới 30/6/2016, doanh thu thuần lũy kế 6 tháng đầu năm ở mức 1.280 tỷ, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 151 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù xét về con số tuyệt đối đây là một trong những ngân hàng có kết quả lợi nhuận thấp nhất thị trường nhưng so với tình hình cùng kỳ năm trước, đây lại là ngân hàng có sức bật lớn nhất.

Trong khi đó, các ông lớn ngân hàng hầu như vẫn duy trì sự ổn định. Vietcombank đã vươn lên là ngân hàng lãi đậm nhất trong quý II/2016, lợi nhuận trước thuế tăng 16,2%, đạt 1.971 tỷ đồng. BIDV cũng báo hơn 1.200 tỷ tính riêng trong quý II, tăng trưởng 46% so với cùng kỳ năm trước.

Khác với 2 trụ cột ngân hàng còn lại là Vietcombank và BIDV, VietinBank đã có dấu hiệu suy giảm phong độ trong quý II/2016. Kết thúc quý vừa qua, VietinBank ghi nhận 1.867 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu trong kỳ, chi phí hoạt động tăng 25% và chi phí dự phòng tăng đột biến 52% đã ảnh hưởng lớn đến kết quả lợi nhuận của VietinBank.

“Khóc thét” giữa dòng

Eximbank – cái tên đang thu hút sự chú ý của thị trường, biết bao người tò mò không hiểu khi nội bộ ngân hàng đang bị chia rẽ sâu sắc trong cuộc tranh giành quyền lực cấp cao thì ngân hàng này hiện đang kinh doanh ra sao?

Trong quý II, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 372 tỷ đồng, tăng mạnh 90% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên dự phòng rủi ro cũng tăng gần gấp đôi lên 324 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi chi phí và dự phòng, Eximbank còn lợi nhuận trước thuế 49 tỷ đồng trong quý II, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên tính chung luỹ kế lợi nhuận trước thuế 6 tháng qua chỉ đạt vỏn vẹn… 79 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ năm trước (đạt 442 tỷ đồng), vẫn còn quá xa vời so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng của Eximbank mà ngân hàng này vừa công bố điều chỉnh (kế hoạch ban đầu là 720 tỷ đồng.

Sacombank 6 tháng đầu năm chỉ đạt 363 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm tới 76% so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6/2016 tăng lên 2,83%, trong khi cuối 2015 chỉ 1,85%.

Sacombank đã có thông tin giải trình về kết quả trên. Song có lẽ dễ hiểu nhất là khó khăn từ việc sáp nhập Southern Bank đang ghì lấy ngân hàng này, mà trước đó Hội đồng Quản trị đã dự trù phải phải mất vài ba năm nữa mới có thể cân bằng trở lại.

Theo số liệu tổng hợp của chúng tôi, sau 2 quý đầu năm, có đến 4 ngân hàng suy giảm mạnh về kết quả lợi nhuận, bên cạnh 2 trường hợp trên còn có ABBank và TPBank cùng giảm 40% lợi nhuận so với cùng kỳ, trong đó ABBank đạt 104 tỷ và TPBank là 205 tỷ đồng.

Trong khi đó, ngoài các tên tuổi đã công bố lãi đậm hay lỗ lớn thì thị trường vẫn đang chờ đợi sự chuyển mình tại những trường hợp đang bị kiểm soát đặc biệt, như Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), các “ngân hàng 0 đồng”.

Apple sẽ rót 1 tỉ đô la Mỹ vào địa phương nào?

(TBKTSG Online) – Nhiều báo điện tử và trang mạng hôm cuối tuần đưa tin rằng tập đoàn Apple đang tìm địa điểm đầu tư ở Đà Nẵng khiến nhiều người nghĩ rằng thương hiệu “trái táo khuyết” đã quyết chọn Đà Nẵng để làm ăn.

Tuy nhiên, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một vị lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng tỏ ra lo ngại về sự hiểu nhầm của nhiều người.

Vị lãnh đạo này cho biết, nội dung thông tin trên được đưa ra trong buổi làm việc của UBND thành phố Đà Nẵng về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm của thành phố và trung tâm của ông đã báo cáo lại việc đón tiếp các đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Đà Nẵng tìm cơ hội đầu tư trong 6 tháng đầu năm, trong đó có Apple.

Tuy nhiên theo vị này, đề xuất trên của Apple với Đà Nẵng đã diễn ra khoảng 4-5 tháng trước đây, cùng với thời điểm tập đoàn công nghệ này đến một số địa phương khác như Hà Nội, TPHCM,… để khảo sát tìm cơ hội đầu tư, chứ không phải là thông tin mới. “Thế nhưng các báo đưa thông tin giống như Apple vừa mới đến Đà Nẵng và đã quyết định chọn Đà Nẵng để đầu tư dự án nói trên”, vị lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng nói, và lưu ý rằng từ đó đến nay Apple vẫn chưa có hồi âm hay khẳng định nào sau khi làm việc với địa phương.

Là một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới chắc chắn Apple sẽ được các địa phương săn đón, mời gọi. Nhưng với đặc thù là một tập đoàn về công nghệ cao, không riêng Apple mà bất cứ một doanh nghiệp công nghệ khác, khi quyết định chọn địa điểm đầu tư thì họ sẽ tìm đến những địa phương có khả năng đáp ứng tốt nhất về nguồn nhân lực để phục vụ cho dự án của mình, chứ không hẳn là sẽ ưu tiên cho địa phương có ưu đãi nhất.

Do đó, ngay khi thông tin bị rò rỉ, một số thông tin tiết lộ, nhiều khả năng dự án của Apple sẽ đặt tại Hà Nội. Nhưng khi đó, mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu địa điểm cũng như hướng dẫn nhà đầu tư về các thủ tục cần thiết. Trước đó, một số nguồn tin khác lại cho rằng TPHCM và Bình Dương cũng đang trong tầm ngắm của Apple và có cơ hội thu hút Apple không kém so với Hà Nội.

Và đến nay, việc thương hiệu “trái táo khuyết” chọn địa phương nào vẫn còn nằm trong vòng bí mật và đây cũng là nguyên tắc của các công ty đa quốc gia khi luôn yêu cầu các địa phương phải giữ bí mật thông tin trong quá trình họ tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Tuy nhiên, có một điều khẳng định là Apple ngày càng quan tâm đến Việt Nam như một thị trường tiềm năng trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ của mình. Điều này được chứng minh bằng việc cuối tháng 10 năm ngoái Apple đã thành lập một công ty con tại Việt Nam, lấy tên là Apple Vietnam LLC cho một dự án thương mại. Theo đó, giấy phép kinh doanh của Apple Việt Nam do TPHCM cấp cho ông Gene Daniel Levoff.

Được biết, ông Gene Daniel Levoff là Phó chủ tịch phụ trách về luật và giám đốc điều hành của tập đoàn (Vice President of Corporate Law and Director). Theo đăng ký với cơ quan thuế, Apple Việt Nam có trụ sở tại quận 1, TPHCM.

Source kinh te Saigon