Monthly Archives: September 2016

Nghệ thuật làm việc với Headhunter

Headhunter là cụm từ chỉ những người làm trong nhóm ngành Nhân Sự chuyên đi săn chất xám, nhân tài theo các đơn đặt hàng từ các công ty khách hàng. Xuất hiện không quá lâu nhưng cụm từ headhunter ngày càng quen thuộc, và người lao động trở thành nguồn vốn hữu hình trong mọi hoạt động, không mơ hồ chung chung như trước, đặc biệt là nhu cầu tìm đúng người đúng việc ngày càng trở nên bức thiết. Nếu bạn là một nhân viên có năng lực, hoặc mong muốn tìm một công việc mới, thì nếu một ngày nọ, bạn nhận được điện thoại từ công ty headhunter mời bạn về một vị trí làm việc tiềm năng và hấp dẫn, bạn sẽ xử trí ra sao?

 

Vì sao nói làm việc với Headhunter cần có nghệ thuật?

Như vấn đề câu hỏi trên đã đưa ra, có nhiều người thậm chí không bao giờ nghĩ có một ngày Headhunter sẽ gọi điện và mang đến cho họ một cơ hội làm việc tốt hơn, hoặc phù hợp hơn vị trí hiện tại của họ. Chính vì thế, nhiều người tỏ ra bối rối, và không biết cách xử trí khéo léo với cơ hội này.

Theo tư vấn của các chuyên gia “săn đầu người” nổi tiếng tại Việt Nam, nghệ thuật để làm việc với headhunter, chính là làm sao để họ hỗ trợ tốt nhất cho bạn trong quá trình thăng tiến của mình. Muốn như thế, bạn nên cho đi trước khi nhận được cơ hội mà bạn mong đợi. Ta nên cho đi điều gì?

– Thứ nhất, cho đi sự ghi nhận : khi một headhunter bỏ thời gian ra tra cứu CV và tìm đến bạn, thì bạn nên ghi nhận cố gắng đó của họ, cho dù trong thời điểm hiện tại, cơ hội họ mang đến chưa phù hợp với bạn. Không nên có thái độ bàng quan hoặc quá khó tiếp cận.

– Thứ hai, cho đi thời gian : nhiều người đánh giá các headhunter như những tư vấn viên điện thoại miễn phí mời gọi mua dịch vụ, và họ tìm cách kết thúc cuộc nói chuyện càng nhanh càng tốt. Nhưng vì sao bạn không tận dụng cơ hội này để hỗ trợ thông tin ngược lại cho headhunter : giới thiệu cho headhunter một người đủ tiêu chuẩn họ cần mà bạn biết, hoặc giới thiệu cho họ tiếp cận với các đối tượng tiềm năng trong lĩnh vực của bạn.

– Thứ ba, xây dựng sự sáng giá trong mắt headhunter : thông thường với một vị trí, headhunter sẽ tìm nhiều ứng viên cùng lúc. Nếu bạn thể hiện được sự chuyên nghiệp qua các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng email, trả lời phỏng vấn qua điện thoại… thì bạn sẽ luôn nằm trong danh sách ưu tiên với các vị trí cao cấp tương tự. Nó sẽ tạo nên nhiều cơ hội thay đổi công việc và cuộc sống của bạn về sau.

Đây là những động thái tạo mối quan hệ với các nhà tuyển dụng để họ có thể hỗ trợ bạn trong thời điểm bạn cần chuyển việc.

Yếu tố nào trong CV của bạn thu hút Headhunter?

Bạn đã từng tự hỏi, vì sao chuyên gia “săn đầu người” chú ý đến mình trong rất nhiều đồng nghiệp khác? Headhunter luôn làm việc theo đơn đặt hàng của khách hàng, để tìm những vị trí cao cấp hoặc có chuyên môn cao. Chính vì thế họ sẽ rất chú ý đến những ứng viên có những kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc trong lĩnh vực của mình. Headhunter cũng sẽ chú ý đến những thành tựu mà ứng viên đã đạt được tại những công ty mà họ trải qua. Thành tựu ở đây không chỉ là những loại kinh nghiệm đa dạng mà một người thể hiện hàng loạt trong CV. Nó liên quan đến khả năng kết nối và xây dựng tầm ảnh hưởng của thương hiệu cá nhân của người ứng viên trong những cộng đồng nhất định.

Theo Bà Nguyễn Việt Thanh – CEO của mạng cộng đồng doanh nhân Anphabe, người có nhiều năm trong công tác “săn đầu người” đã đưa ra ví dụ cụ thể như sau : thông thường một người Headhunter muốn đi tìm một giám đốc Marketing chẳng hạn, thì bước đầu tiên họ sẽ liên hệ với một vài chuyên gia Marketing để nhờ giới thiệu. Thì nếu như một nhân viên marketing nào đó đã có một lịch sử tốt trong việc tham gia các hội thảo chuyên ngành, hoặc có những quan điểm riêng nổi bật trên các diễn đàn Marketing… để tạo được mức độ nhận biết đối với người trong giới, thì chắc chắn bạn sẽ có lợi thế hơn. Như vậy, đầu tư cho hoạt động truyền thông nhân hiệu là quan trọng nhất trong sự nghiệp của bạn, nếu mong muốn là ứng viên sáng giá trong danh sách của Headhunter khi nhảy việc.

Cân nhắc trước khi nhận lời đề nghị của Headhunter

Chúng tôi muốn đề cập đến trường hợp, khi lời mời của headhunter đã khiến bạn phải đắn do suy nghĩ, thì bạn nên có những cân nhắc ra sao cho hợp lý.

Theo chia sẻ của một chuyên gia về nhân sự việc làm, thì chúng ta không nên cổ súy cho việc thay đổi công việc không chủ đích. Mỗi người trước hết phải hoạch định cho mình kế hoạch cá nhân, với lịch trình ít nhất trong 3 năm tới : tôi sẽ trở thành ai. Chính việc hoạch định rõ ràng này sẽ giúp bạn cân nhắc được cơ hội mà headhunter đưa đến có phù hợp với những nấc thang trong kế hoạch của bạn không.

Nguồn: CareerLink.vn

thúc đẩy sáng tạo

Thúc đẩy sáng tạo và đổi mới

Có một thời gian khi các khái niệm của sự sáng tạo chỉ gắn liền với các nhà văn, nhà thơ,họa sĩ, nhạc sĩ và những người tương tự như trong các ngành nghề nghệ thuật. Nhưng với xã hội ngày nay mọi lãnh vực và ngành nghề điều rất cần đến sự sáng tạo. Tư duy sáng tạo đã chuyển từ nghệ thuật vào kinh doanh hàng ngày và bạn có thể thấy Google, Apple hay Facebook là những ví dụ điển hình về những doanh nghiệp thành công dựa trên nền tảng sáng tạo của nhân viên. Tạo ra một nền văn hoá sáng tạo là một trong những cách hiệu quả để đưa doanh nghiệp nâng tầm trong thời đại cạnh tranh bằng ý tưởng như hiện nay.

thúc đẩy sáng tạo
Khuyến khích sự giao tiếp ở mọi cấp độ với bất kỳ nhân viên nào để họ đưa ra những ý tưởng tuyệt vời. Vì vậy, tạo ra một nền văn hoá mà ở đó các cá thể được thoả sức sáng tạo, phát biểu ý kiến cá nhân tại các cuộc họp là điều rất thiết yếu mà các doanh nghiệp cần cân nhắc. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng phải chú ý lắng nghe các ý tưởng, đừng gạt bỏ những ý tưởng chưa hoàn thiện ban đầu mà hãy thúc đẩy họ bằng cách gợi ý, đưa ra ý kiến cho nhân viên xem điểm gì cần phải thay đổi.

Để khơi nguồn cho dòng chảy sáng tạo trong doanh nghiệp, các nhân viên và quản lý cần có môi trường thích hợp để phát triển ý tưởng. Một trong những cách thức phổ biến và hiệu quả nhất là tổ chức các buổi “Brainstorming” thường xuyên để mọi người có được môt không khí thoải mái cùng nhau đưa ra ý tưởng.  Việc này không cần mang tính chất nghiêm túc và có bài bản như các cuộc họp mà hãy tạo ra một môi trường vui vẻ, năng động, sáng tạo, cùng nhau chia sẻ và build up ý tưởng như những buổi trò chuyện đơn thuần giữa các nhân viên.thúc đẩy sáng tạoCông nhận và khen thưởng cho các cá nhân có giải pháp sáng tạo phù hợp là một hình thức mang lại sự thúc đẩy rất lớn cho nhân viên. Nhân viên của bạn đã nổ lực hết sức để dưa ra các giải pháp sáng tạo cho công ty, do vậy các nhà lãnh đạo nên có sự khen thưởng cá nhân một cách công khai nhằm công nhận những cống hiến và tài năng của họ. Điều này sẽ khuyến khích tất cả mọi người trong công ty muốn bản thân mình trơ thành một phần trong công cuộc đổi mới và đồng thời phát triển nền văn hoá tích cực sáng tạo.

Cung cấp các công cụ hỗ trợ để nhân viên thúc đẩy sáng tạo là một điều rất cần thiết trong thời đại hiện nay, với một lực lượng lao động kỹ thuật số toàn cầu và ngày càng mở rộng, đổi mới và sáng tạo không thể được thực hiện mà không có tiến bộ công nghệ và các phần mềm. Do vậy, nhà lãnh đạo khôn ngoan nên đầu tư, cung cấp cho nhân viên những công cụ họ cần để đạt được các giải pháp sáng tạo.Thúc đẩy sáng tạo

Do đó sự tiến bộ phát triển của nhân viên cũng là chìa khoá cho các nhà lãnh đạo nếu họ muôn nuôi dưỡng một bầu không khí sáng tạo tại doanh nghiệp của mình.  Để có thể phát triển kỹ năng sáng tạo của nhân viên, các nhà quản lý cần tạo cơ hội cho các cá nhân tự quyết, lựa chọn hoặc thử sức với các vai trò khác nhau, giải quyết các vấn đề khác nhau trong công việc.

Chúc bạn thành công.

Startup

Phong ba bão táp không bằng Startup Việt Nam !

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà khi bạn vỗ ngực tự xưng mình làm startup, là entrepreneur, là khởi nghiệp, thì cũng đồng nghĩa với việc bạn tài giỏi, dũng cảm, có tầm nhìn, vân vân và mi vân.
Gần đây bỗng dưng có nhiều bạn hỏi tôi về kinh nghiệm làm startup, mà cụ thể hơn là tech startup. Tôi thấy vừa vui lại vừa bối rối. Trong trường hợp bạn chưa biết, tôi chỉ là một người vẽ và vô cùng low-tech. Anh em Nhộng vẫn hay trêu tôi những câu kiểu “Ớ thằng Khương biết xài smartphone chúng mày ạ”. Hỏi tôi về tech startup thì có lẽ bạn nên hỏi con thạch sùng trên trần nhà hay đối thoại với đầu gối, lắm khi thu thập được nhiều thứ vi diệu hơn.

Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ hết sức cá nhân về cái mà các bạn vẫn hay gọi là startup. Vì là quan điểm cá nhân nên chắc chắn sẽ khó nghe với nhiều người. Nếu thế, tôi xin lỗi, nhưng tôi chỉ nói từ những kinh nghiệm của mình. Tôi cũng chả phải là “tấm gương” để các bạn soi lông chân của mình, tôi vẫn đang vô cùng vật vã với đứa con mình đẻ ra, cho nên nghe hay không nghe những ý kiến của tôi, tất cả đều tuỳ thuộc vào sự xem xét của bạn.

starup
Một điều tưởng chừng như cơ bản nhưng có rất nhiều bạn vẫn quên: nếu muốn làm startup, trước hết hãy tìm một chỗ ngứa, và gãi, gãi thật mạnh, thật sướng, kỳ hết ngứa thì thôi. Sẽ thật tào lao nếu bạn vỗ ngực tuyên bố “Tôi muốn tạo một thứ đánh bật Facebook khỏi Việt Nam”, “Tôi muốn có một search engine thay thế Google”, “Tôi muốn có một trang thương mại điện tử cho Amazon hửi bụi”. Này bạn, bạn đang đùa với tôi đấy ư? Những câu chuyện về startup mà các bạn thấy trên các trang tin công nghệ, khởi nghiệp này nọ là một bức tranh đèm đẹp nhưng không gì xa rời thực tế hơn chúng. Hãy tỉnh dậy và tìm chỗ ngứa của chính mình đi! Sau đó, hãy nghĩ cách gãi chỗ ngứa ấy, trước hết cho mình, và sau đó là cho người khác. Nếu người ta không ngứa, thì bạn gãi làm đếch gì? Điên à?

Có ai quan tâm đến việc bạn là ai trừ khi họ đã dùng thử cái mà bạn tạo ra. Và ngay cả khi họ đã dùng rồi thì cũng đ*o có gì chắc là họ quan tâm. Nếu bạn bắt đầu với tư tưởng sẽ trở thành “cái tốt thứ nhì”, thì tôi nghĩ bạn khỏi làm cái gì hết cho mất thời gian. Hãy đặt mục tiêu trở thành cái tốt nhất, hoặc thậm chí cái tệ nhất, chứ đừng bao giờ lập lờ ở giữa. Ít ra như thế người ta sẽ nhắc đến bạn.

Tiền là tất cả? Xin lỗi bạn, càng nhiều tiền bạn sẽ càng loay hoay mà thôi. Não bạn sẽ ỷ lại vào tiền để giải quyết những vấn đề mà tiền không bao giờ giải quyết được. Và nếu bạn đang dùng tiền của quỹ đầu tư, của mạnh thường quân, hay của gia đình, thì lại càng nguy hiểm hơn nữa. Không gì giết chết một tổ chức mới thành lập nhanh hơn một nhà sáng lập tham lam.

Tiền chả là gì cả? Xin lỗi bạn. Hoặc là bạn hâm hoặc là bạn rất hâm. Làm founder của startup tức là bạn sẽ làm việc không lương trong một thời gian rất dài, và nguy cơ trắng tay là 99%. Nếu không có tiền thì bạn cạp đất để sống chăng? Hay hít không khí cho no?

Phần lớn những bạn làm startup tôi có dịp nói chuyện đều rất mông lung. Muốn bán cơm sườn thì phải có cơm và có sườn. Lúc bạn mới bắt đầu, ai thèm quan tâm đến cái logo của tiệm cơm sườn nhà bạn đẹp hay xấu? Họ chỉ quan tâm đến cơm và sườn có ngon hay không thôi. Chẳng hạn như Cơm tấm Bụi, logo dùng font VNI-Thuphap, nhưng món cơm sườn nướng muối ớt ở đây là vô đối. Dùng VNI-Thuphap chứ có dùng Comic Sans tôi vẫn sẽ ăn cơm tấm Bụi hàng ngày.

starup-bg
Đã làm startup thì phải làm tech startup? Sách nào bảo bạn thế? Nếu thích cắm hoa, hãy mở cửa hàng hoa. Nếu thích chế tạo đồ chơi, hãy chế tạo đồ chơi. Nếu thích làm phim, hãy làm một bộ phim độc lập tuyệt vời. Vì sao bạn làm startup? Để bán công ty và trở nên giàu có ư? Nếu bạn nghĩ thế, xin bạn đừng đọc tiếp. Chúng ta không cùng hệ tư tưởng. Nếu được lựa chọn, tôi sẽ làm cái tôi đang làm với Nhộng đến hết đời và sẽ không đổi thương hiệu của mình dù để đút túi tất cả tiền bạc trên thế gian này. Tôi bắt đầu Nhộng vì tôi yêu nó, vì dù có được trả tiền để làm nó hay không, tôi vẫn sẽ làm, làm đến chết thì thôi. Nếu bạn cũng có thái độ như thế với ý tưởng khởi nghiệp của mình, thì một ngày nào đó tôi xin mời bạn cà phê.

Tôi từng nhúng bàn chân run rẩy của mình vào làn nước lạnh giá có tên gọi là “tech startup”. Và sau đó đã phải rút vội ngay lại. Tất cả những thứ gọi là tech startup ở nước ta, ngay cả những cái nổi đình nổi đám, được đầu tư hàng triệu triệu đô v.v… đa số là những thứ có thì hay mà chả có thì cũng chả chết thằng Tây nào, thậm chí chỉ tổ tốn tài nguyên mạng. Hoặc là chúng nhạt thật, hoặc là chúng cũng đậm đà ngon lành phết nhưng không biết cách truyền đạt tới người dùng của mình. Dù lý do có là gì đi chăng nữa, thì với tôi chúng là những thứ vô thưởng vô phạt.

Startup không dành cho mọi người. Nghe thì có hơi hướm phân biệt chủng tộc, nhưng tôi tin có một số kiểu người nhất định để làm startup. Và tuýp người này không chiếm đa số. Họ làm startup vì đơn giản là không thể làm được cái gì khác. Tôi từng làm trong những tập đoàn đa quốc gia lớn, và giờ đây, sau hơn một năm ra làm riêng, chỉ nghĩ đến việc phải quay lại chốn ấy thôi cũng đủ làm tôi lộn mửa. Xin đừng hiểu sai ý tôi. Tôi không có ý đả kích những người làm cho các công ty, tập đoàn lớn. Nhưng não bộ của tôi không được kết nối để làm việc này. Chỉ cần ngửi cái mùi thang máy của toà nhà nơi tôi từng làm việc thôi cũng đủ khiến tôi phát ốm rồi. Do đó cho nên, nếu sau một thời gian làm startup mà bạn cảm thấy không ổn, đừng lấy đó làm mặc cảm và cứ quay lại với công việc được trả lương tháng của mình. Bạn sẽ hạnh phúc hơn, sống vui vẻ hơn, ít lo lắng hơn, cả những người thân của bạn cũng vậy.

Một lời khuyên cuối cùng dành cho các bạn sinh viên muốn làm startup: Không phải là bất khả, nhưng 99,99% là bạn sẽ chết. Hệ thống giáo dục của ta ở tất cả các bậc là vô cùng lạc hậu, và thương trường, cuộc đời thật, chính là những người thầy tốt nhất. Những kinh nghiệm tích luỹ được trong khoảng thời gian đi làm công cho người khác sẽ giúp bạn rất nhiều, và trong một số trường hợp sẽ cứu sống cơ đồ của bạn. Do đó, đừng sốt ruột. Startup là một cuộc chơi đường dài đầy khó khăn và chỉ những con ngựa khoẻ nhất, hay nhất mới về đến đích.

Sẽ thuê CEO về làm giám đốc bệnh viện​

(PL)- Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã đưa ra tham vọng như vậy về một tương lai cho các bệnh viện (BV).

Khi ấy giám đốc BV sẽ là những nhà kinh doanh tài ba, được tuyển mộ từ những nhân tài trong xã hội để về phát triển BV.

Sở dĩ bà Tiến có kỳ vọng như vậy bởi bà cho rằng có một thực tế đang tồn tại ở một số BV hiện nay là giám đốc tuy rất giỏi chuyên môn, mổ tốt, được người bệnh yêu mến vì có đôi bàn tay vàng nhưng trình độ quản lý hầu như không có. Có giám đốc BV không biết gì về quy trình đấu thầu, không nắm được các khoản chi tiêu tài chính, không biết được mức lương tối thiểu của nhân viên là bao nhiêu… như vậy thì làm sao mà quản lý nổi BV.

Tại hội nghị về đổi mới công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, tài chính y tế diễn ra ngày 28-9, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn rằng trong tương lai, để có một BV phát triển tốt, xanh-sạch-đẹp, thu hút người bệnh, giám đốc BV vừa có trình độ chuyên môn, vừa làm tốt được công tác quản lý thì nhất thiết ngành y tế phải họp bàn và có lộ trình đổi mới về tiêu chuẩn về bổ nhiệm giám đốc BV.

Bàn về vấn đề tuyển chọn để không bỏ lọt người tài, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, cho biết hiện Bộ đang xây dựng đề án tuyển chọn lãnh đạo quản lý. Theo đó, bước 1 sẽ tổ chức cho các ứng cử viên thi tuyển với khung điểm 1.000. Ai đạt trên 50 điểm mới được thi tiếp bước 2 là trình bày chương trình hành động của mình. Ai có chương trình hành động tốt, mang lại lợi ích cho ngành sẽ được bổ nhiệm.

Source Phap Luat

Cầu may khi tìm việc

Nộp đơn cầu may khi tìm việc

Nhiều bạn trẻ cầu may khi tìm việc vì không tìm được công việc phù hợp, không biết mình thích làm gì, có khả năng làm gì. “Đây là lần thứ tư em đến tìm việc ở sàn giao dịch việc làm. Tuy nhiên, lần nào em cũng không tìm được việc làm thích hợp. Nói thật lòng, em thấy báo đăng có tổ chức sàn giao dịch việc làm thì đến tìm thử coi có việc gì không, chứ cũng chẳng biết mình có thể làm việc gì”. Cô gái trẻ L.T.L.A ngập ngừng trả lời khi gặp chúng tôi tại sàn giao dịch việc làm, do Trung tâm Hướng nghiệp, Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên TP HCM tổ chức.

Cầu may khi tìm việc

Hy vọng “đổi đời”

Tương tự L.A là Trần Thị Thắm, đến từ quận 12, TP HCM. Thắm kể mỗi lần thấy báo đăng ở đâu sắp tổ chức hội chợ hoặc sàn giao dịch việc làm là cô lại lặn lội tìm đến, với hy vọng tìm được một công việc ổn định. Học xong lớp 11, Thắm phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình chăn nuôi, trồng trọt. Công việc vất vả nhưng thu nhập không bao nhiêu, nên nhiều lần cô muốn “đi làm trong cơ quan, xí nghiệp để đổi đời”.

Cách đây 7 tháng, Thắm xin được công việc trong một công ty chế biến thực phẩm ở quận Tân Bình, TP HCM, nhưng làm được 2 tháng thì phải nghỉ. “Công việc của em đòi hỏi phải đứng suốt ngày, tối nào về chân cũng sưng vù. Em không quen nên làm chậm, bị la hoài cũng nản. Làm được 2 tháng, em quyết định xin nghỉ vì không theo nổi”, cô hồn nhiên nói.

Lần gần đây nhất, Thắm xin làm nhân viên giao hàng của một công ty bán hàng qua mạng. “Mẹ em phải chạy vạy vay 5 triệu đồng để đóng thế chân cho công ty. Làm được 1 tháng, tiền lương lãnh ra trừ chi phí xăng xe, ăn uống, em chỉ còn dư 300.000 đồng. Thấy công việc cực quá, em không làm nữa. Đến giờ, em vẫn chưa lấy lại được tiền thế chân, vì người ta nói em phá vỡ hợp đồng. Trước đó, họ bắt em phải viết cam kết làm ít nhất 3 tháng mới được nghỉ”, cô kể.

Trả lời cho câu hỏi đây là lần thứ bao nhiêu đi tìm việc tại sàn giao dịch việc làm, cô gái trẻ lắc đầu: “Em không nhớ hết, chắc cũng khoảng 9-10 lần”!

“Thấy tuyển thì nộp đơn”

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Quốc Anh (quận 12), cho biết, nhiều lần phỏng vấn để tuyển lao động, ông nhận được những câu trả lời rất ngây thơ của ứng viên, như: “Em thấy công ty rao tuyển thì xin vô, chứ cũng chưa biết sẽ làm việc gì”, “Em nghĩ sau khi nhận vào thì công ty phải chỉ dạy rồi mới chính thức làm việc”.

Có thanh niên đã 22 tuổi mà khi đến xin việc phải có mẹ đi kèm. Mỗi khi nhân viên tuyển dụng của công ty hỏi, anh ta cứ quay sang hỏi lại mẹ. Thậm chí, có câu hỏi, bà mẹ trả lời thay cho con luôn! “Nói không phải quơ đũa cả nắm, rất nhiều thanh niên hoàn toàn không nghiêm túc khi đi tìm việc. Họ nghĩ được nhận thì tốt, không được nhận thì đi chỗ khác tìm. Thật tình mà nói, nếu nhận những người con cưng như vậy vô làm việc thì mình chiều không nổi đâu”, ông Sơn than phiền.

Để minh chứng cho chuyện kể của mình, ông Sơn mời chúng tôi tham dự một buổi phỏng vấn tuyển dụng của công ty. Hôm đó có 12 ứng viên dự tuyển vào 6 vị trí vận hành máy dập hộp carton đựng hàng xuất khẩu. Sau buổi phỏng vấn, có 4 người được chọn. Với 8 người bị đánh rớt, ngoài việc không trả lời được một số câu hỏi về chuyên môn, thì hỏi cái gì họ cũng “không biết”, “không quan tâm”.

Đơn cử là trường hợp ứng viên Ph.T.H (quê ở Vĩnh Long). Chị nhân viên nhân sự hỏi: “Tôi thấy trong hồ sơ bạn ghi là thích thể thao, vậy xin hỏi đội tuyển bơi lội Việt Nam tham dự SEA Games 28 có một nữ vận động viên rất xuất sắc, cô ấy tên gì?”. H. lắc đầu: “Em không quan tâm môn bơi lội”!

Sau khi bị đánh rớt, bước ra sân, khi chúng tôi hỏi có buồn không thì H. lắc đầu: “Có gì đâu mà buồn! Không làm chỗ này thì làm chỗ khác. Mà họ hỏi cũng vô duyên, chuyện đứng máy thì liên quan gì đến SEA Games mà hỏi?”. “Chắc tại vì thấy bạn ghi trong hồ sơ tìm việc là thích thể thao…”, chúng tôi thăm dò. Anh ta nhún vai: “Bạn tôi bảo ghi cho đẹp hồ sơ thôi”.

Bà Nguyễn Ngọc Minh Châu, Giám đốc Công ty Tư vấn Nguồn nhân lực Sao Việt: Phải xác định thích việc gì, có thể làm gì…

Tôi đã tham dự nhiều sàn giao dịch việc làm để khảo sát xu hướng tìm việc của lao động trẻ hiện nay. Điều rất bất ngờ với tôi, là rất nhiều bạn trẻ đến sàn giao dịch hoặc các trung tâm giới thiệu việc làm với tư tưởng “cầu may”. Đây là điều hoàn toàn không nên. Ít ra, các bạn phải xác định mình thích công việc gì và có khả năng làm gì. Có như vậy thì mới mong tìm được việc làm và bám trụ được với công việc.

Tổng hợp internet