Monthly Archives: July 2017

Làm việc tại nhà: Lợi bất cập hại

Năm ngoái, Richard Laermer – chủ một công ty quan hệ công chúng tại New York quyết định cho nhân viên làm việc ở nhà. Nhưng rất nhanh chóng, ông nhận ra đó là một sai lầm.

“Chúng ta thuê những người trưởng thành và họ thì không nên bị trói chân ở văn phòng 5 ngày/tuần”, Laermer từng nghĩ như thế. “Tôi luôn tự dối mình rằng bạn có thể làm việc ở bất cứ đâu, miễn là bạn thực sự làm được việc”, ông nói.

Laermer kể, nhân viên của ông tận dụng quy định này một cách nhiệt tình. Một người biến mất hàng giờ liền. Một người khác không liên lạc với các đồng nghiệp cả ngày. Cuối cùng, một người đã từ chối đến cuộc họp vì cô ấy có kế hoạch đến Hamptons – một vùng khác ở New York. “Đó là điều đáng tức giận nhất mà tôi từng nghe trong nhiều năm”, ông nói. Sau 10 tháng áp dụng, ông hủy bỏ đặc quyền đó và buộc mọi nhân viên phải đến văn phòng mỗi ngày.

“Làm việc từ xa” là một thuật ngữ miêu tả một người được làm bất cứ đâu bên ngoài văn phòng truyền thống, bùng nổ trong 20 năm qua, nhưng nhiều công ty đã bắt đầu suy nghĩ lại về chính sách quá dễ dãi này. Công việc linh hoạt về thời gian và địa điểm hiện vẫn phổ biến ở nhiều tổ chức, nhưng hầu hết các công ty vẫn muốn nhân viên dành nhiều thời gian hơn cho công việc.

Hơn 60% các tổ chức tham gia khảo sát của Society of Human Resource Management cho biết họ cho phép một số hình thức làm việc từ xa, tăng 20% so với năm 1999. Hầu hết các nhà sử dụng lao động cho phép nhân viên làm việc tại nhà, có kết nối internet trong trường hợp bất khả kháng, như phải trông chừng thợ sửa ống nước hay chờ đợi kiện hàng quan trọng.

Công nghệ hiện đại như chương trình chat hay các phần mềm cộng tác khiến làm việc từ xa trở nên khả thi hơn trong một vài thập kỷ gần đây. Đồng thời, cho phép nhân viên được làm việc từ xa cũng là một yếu tố hấp dẫn để thu hút hay giữ chân nhân tài, đồng thời giúp công ty cắt giảm chi phí thuê văn phòng đắt đỏ. Việc không giữ nhân viên cố định trong văn phòng cũng phù hợp với tính chất công việc hiện đại, khi nhân viên được tổ chức theo nhiều nhóm khác nhau để giải quyết nhiều dự án.

Ngày nay, chỉ 38% công ty được tổ chức theo chức năng với những nhân viên được phân nhóm theo loại công việc, khảo sát của Deloitte năm 2016 cho thấy. Hầu hết các công ty đã tổ chức các nhóm nhân viên hợp tác với nhau và thay đổi thường xuyên để hoàn thành các dự án.

Deloitte dẫn chứng một tổ chức ở California đã có đến 30.000 team được thay đổi liên tục. “Tôi nghĩ đó là lý do chúng ta nhìn thấy sự trở lại của khái niệm làm việc từ xa”, Erica Volini – nhà lãnh đạo nguồn nhân lực tại Deloitte cho biết, “Tuy nhiên để làm việc theo nhóm, làm việc từ xa, bạn cần mức độ hợp tác cao hơn”.

Một báo cáo năm 2012 của IBM cho thấy chế độ làm việc linh hoạt đã giúp Công ty cải tiến trong năng suất và tiết kiệm chi phí. Thế nhưng, đầu năm nay, gã công nghệ khổng lồ này đã nói với 2.000 nhân viên rằng họ không còn được làm việc tại nhà nữa mà phải chuyển sang chế độ làm việc ở văn phòng thường xuyên hơn. Đối diện với 20 quý liên tiếp sụt giảm lợi nhuận, IBM hy vọng việc đưa nhân viên trở lại với nhau sẽ giúp họ làm việc nhanh hơn, năng suất hơn, và sáng tạo hơn.

Văn phòng trống trải khi nhân viên được làm việc tại nhà

Việc chấm dứt cho phép nhân viên được làm việc từ xa sẽ vấp phải thách thức: làm sao để giữ cho nhân viên được hạnh phúc? Volini của Deloitte nói rằng điều này sẽ khiến các công ty suy nghĩ lại về cách thức cung cấp sự linh hoạt về giờ giấc lẫn nơi làm việc cho lực lượng lao động của họ.

Như IBM đã cẩn thận để không loại bỏ tất cả chế độ làm việc linh hoạt ngay. Công ty vẫn cung cấp các mạng kết nối làm việc tại nhà để giúp đỡ nhân viên dung hòa các nhiệm vụ giữa công việc và nhu cầu chăm sóc con cái hay có các cuộc hẹn với bạn bè, đối tác.

4 chiến lược trở thành triệu phú trước 40 tuổi

Nhiều người thường nghĩ rằng để kiếm được 1 triệu USD bạn phải có một công việc ở phố Wall, một quỹ uỷ thác lớn hoặc ít ra cũng phải trải qua vài thập kỷ tiết kiệm. Tuy nhiên, câu chuyện về những triệu phú dưới 40 tuổi dưới đây sẽ thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của bạn.

Câu chuyện về những triệu phú dưới 40 tuổi dưới đây sẽ thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của bạn. Họ đều đạt được mục tiêu 1 triệu USD trước khi bước sang tuổi 40 nhờ những chiến lược đầu tư thông minh, cách quản lý tiền bạc khôn ngoan và một chút hiểu biết về kinh doanh.

Nhiều người thường nghĩ rằng để kiếm được 1 triệu USD bạn phải có một công việc ở phố Wall, một quỹ uỷ thác lớn hoặc ít ra cũng phải trải qua vài thập kỷ tiết kiệm. Tuy nhiên, câu chuyện về những triệu phú dưới 40 tuổi dưới đây sẽ thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của bạn. Họ đều đạt được mục tiêu 1 triệu USD trước khi bước sang tuổi 40 nhờ những chiến lược đầu tư thông minh, cách quản lý tiền bạc khôn ngoan và một chút hiểu biết về kinh doanh.

Chris Reining (38 tuổi): Tiết kiệm sớm + kiên trì đầu tư

Đầu tư là cách tốt nhất để xây dựng tài sản, nhưng đó không phải là quá trình chỉ trong một đêm. Tôi bắt đầu từ những năm 20 tuổi, với số tiền 66$/tháng đầu tư vào các quỹ chỉ số thấp. Thành công tài chính của tôi đến sau 5 năm đầu tư khi kiếm được 1.000$ lợi nhuận đầu tiên. Tôi tiếp tục duy trì việc này và tăng số tiền đầu tư lên.

Đến năm 27 tuổi, tài khoản dành cho đầu tư chứng khoán của tôi đã tăng lên 100.000$ bao gồm tiền tôi tiết kiệm và lợi nhuận từ đầu tư. Cùng lúc đó, tôi vẫn duy trì công việc của một chuyên gia máy tính và kiếm được 75.000$ mỗi năm.

Tôi đã đặt mục tiêu sẽ kiếm được 1 triệu USD trước 35 tuổi. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu, tôi cắt giảm chi phí mọi thứ từ sữa đến các sở thích cá nhân. Việc này giúp tôi tiết kiệm được thêm 1.000$/tháng và chuyển thẳng vào quỹ đầu tư. Đồng thời, tôi cố gắng tăng thu nhập qua các năm. Đến năm 2013, tôi đã tiết kiệm và đầu tư một nửa tiền lương của mình.

Cuối cùng tôi đã đạt mục tiêu trở thành triệu phú năm 35 tuổi và nghỉ hưu sớm ở tuổi 37. Lời khuyên của tôi ở đây là: Sẽ có những thời điểm bạn bị mất rất nhiều tiền trên thị trường. Trong suốt 9 tháng suy thoái kéo dài, tôi từng bị mất 55.000$. Nhưng khi “cơn bão” đi qua, mọi việc sẽ trở lại bình thường. Vì thế, việc bạn cần làm là kiên trì đầu tư trong một thời gian dài và đừng lo lắng đến những khoản thua lỗ nhất thời.

Nick Friedman (35 tuổi): Bắt tay vào kinh doanh từ những thứ nhỏ nhất

Mùa hè trước năm cuối đại học, cậu bạn thân nhất của tôi Omar đã đưa ra một ý tưởng thay đổi hoàn toàn cuộc đời chúng tôi: Chúng tôi mượn chiếc xe chở hàng của mẹ Omar để làm công việc lặt vặt và kiếm thêm thu nhập. Chúng tôi tự gọi mình là “Biệt đội xe kéo đại học” và kiếm được 5.000$ trước khi kỳ học mùa thu bắt đầu.

Tôi tốt nghiệp năm 2004 và được nhận vào làm vị trí cố vấn kinh tế tại một công ty. Tuy nhiên, lịch làm việc 9-5 quá buồn tẻ với tôi; tôi và Omar đã quyết định tự tạo ra cơ hội cho chính mình. Tôi nghỉ việc vào năm sau đó và chúng tôi thành lập College Hunks Hauling Junk như một doanh nghiệp vận chuyển và chuyên chở hàng hoá bằng xe tải. Mỗi người chúng tôi đóng góp 10.000$ từ tiền tiết kiệm để đưa công ty đi vào hoạt động và tự làm mọi thứ, từ lái xe đến đóng gói đồ đạc.

Thật may mắn là chỉ 3 tháng sau chúng tôi đã kiếm được lợi nhuận. Và đến năm 25 tuổi, tôi đã đạt được “giấc mơ” 1 triệu USD. Tôi cảm thấy mình rất may mắn. Tôi đã có thể mua một ngôi nhà đẹp, có khả năng chi tiêu tiền bạc cho những người mà tôi thương yêu và có cơ hội để đầu tư vào bất động sản mang lại mức thu nhập 20.000$ mỗi tháng.

Một trong những điều giá trị nhất mà tôi đã học được trong quá trình làm giàu của mình đó là bạn phải chi tiêu cho bản thân trước tiên. Mặc dù luôn đầu tư tiền vào kinh doanh, nhưng tôi không bao giờ quên để dành cho mục đích tiết kiệm và đầu tư cá nhân.

Bên cạnh đó, bạn phải luôn mở rộng cửa chào đón các cơ hội mới đến và sẵn sàng bắt tay vào kinh doanh từ những thứ nhỏ nhất. Ngày đó nếu không chấp nhận làm kẻ vận chuyển xe tải thuê, tôi đã không thể có được một công ty trị giá 40 triệu USD với hơn 100 chi nhánh nhượng quyền trên khắp nước Mỹ như hiện nay.

Abhi Golhar (32 tuổi): Đầu tư bất động sản

Tôi luôn thích mày mò với máy tính. Khi còn học trung học, tôi đã kiếm được 25$/giờ nhờ công việc sửa chữa máy tính cho hàng xóm. Tuy nhiên, sau khi giành được tấm bằng kỹ sư điện, đam mê máy tính của tôi đã “nguội lạnh”. Tôi bắt đầu đọc hàng trăm cuốn sách về cách xây dựng tài sản và luôn thấy một chủ đề lặp đi lặp lại: bất động sản.

Tôi bắt đầu môi giới bất động sản ngay từ năm nhất đại học và kiếm được một chút lợi nhuận bằng cách kết nối những người bán nhà với người mua nhà. Họ là những nhà đầu tư mà tôi gặp thông qua các nhóm bất động sản địa phương. Sau đó, tôi đã thử trực tiếp môi giới những ngôi nhà ở Detroit nhưng bị mất tiền do thiếu kinh nghiệm.

Trước khi tốt nghiệp, tôi kiếm được 45.000$ bù lỗ từ các dự án môi giới bán buôn. Đến năm 2007, tôi thành lập công ty đầu tư của mình tại Atlanta – nơi tôi tiếp tục hoạt động môi giới bán buôn và chuyển sang bất động sản nhà ở khi thị trường hồi phục.

Đến nay công ty tôi không ngừng phát triển, nhưng tôi vẫn đa dạng hoá các nguồn thu nhập và kinh nghiệm của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tổng cộng các hoạt động kinh doanh mang về cho tôi vài triệu USD mỗi năm. Tôi vượt mốc 1 triệu USD khi chuẩn bị bước sang tuổi 30. Lời khuyên của tôi đó là các bạn hãy tìm một nhà cố vấn trước khi đầu tư vào bất động sản.

Michele Romanow (32 tuổi): Đầu tư cho bản thân và kinh doanh càng sớm càng tốt

Tôi không ngại gì khi phải xắn tay áo lên và bắt đầu làm việc. Từ năm 12 tuổi, tôi đã đi cắt cỏ thuê và thay lốp xe để kiếm tiền. Bố tôi dạy tôi cách tiết kiệm và quản lý những đồng tiền thực sự do chính mình làm ra. Tôi học kỹ sư, nhưng sau đó tôi sớm nhận ra rằng thứ mình muốn xây dựng nên là các công ty, chứ không phải những cây cầu.

Sau khi tốt nghiệp, tôi và hai người bạn cùng lớp đã dùng 120.000 USD tiền thưởng từ một cuộc thi để thành lập công ty thuỷ sản cung cấp trứng cá muối cho các khách sạn và nhà hàng. Mặc dù trải qua một giai đoạn suy thoái, nhưng chúng tôi không bỏ cuộc. Sau một thời gian ở Sears Canada, chúng tôi thành lập Buytopia – một cơ sở xử lý các deal hàng ngày trở thành một trong những công ty phát triển nhanh nhất ở Canada, đã thâu tóm 10 đối thủ cạnh tranh và có tới hơn 7 triệu nhà cung cấp.

Tôi luôn có một niềm tin mạnh mẽ rằng bạn không cần phải có chứng chỉ, bằng cấp cũng như hàng chục năm học hành để có thể xây dựng một doanh nghiệp. Thứ bạn cần hơn cả là chấp nhận rủi ro và tiến thẳng về phía trước. Lời khuyên của tôi ở đây là các bạn hãy đầu tư vào bản thân và cố gắng xây dựng doanh nghiệp của bạn càng sớm càng tốt, thậm chí ngay từ khi còn là một đứa trẻ và không có gì để thế chấp.

Trở thành triệu phú khi mới 18 tuổi nhờ… Bitcoin

Erik Finman nghĩ rằng những ngày tươi đẹp nhất vẫn còn ở phía trước. “Cá nhân tôi nghĩ rằng bitcoin sẽ có giá trị vài trăm nghìn đến cả triệu USD”.

Erik Finman đã đặt cược với cha mẹ mình rằng nếu cậu trở thành triệu phú vào năm 18 tuổi, họ sẽ không bắt cậu phải học đại học. Nhờ những khoản đầu tư khôn ngoan vào bitcoin, Finman đã thắng vụ cá cược này.

Finman nói: “Tôi có thể tự hào nói rằng tôi đã thành công, và tôi sẽ không đi học đại học”.

Hiện Finman đang sở hữu 403 bitcoin. Với mức giá 2.700 USD hiện tại, số bitcoin này có trị giá 1,09 triệu USD. Finman cũng có các khoản đầu tư nhỏ hơn vào các loại tiền ảo khác, bao gồm cả litecoin và ethereum.

Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng bitcoin có độ biến động rất cao, và giá trị của nó có thể giảm nhanh chóng. Một nhà phân tích kỹ thuật nói với CNBC rằng ông tin tưởng giá bitcoin sẽ tăng lên đến 2.800 USD trước khi giảm mạnh, trong khi những người khác cho rằng nó có thể đạt 100.000 USD trong một thập kỷ tới.

Finman nghĩ rằng những ngày tươi đẹp nhất vẫn còn ở phía trước. “Cá nhân tôi nghĩ rằng bitcoin sẽ có giá trị vài trăm nghìn đến cả triệu USD”, cậu nói.

Cú đầu tư đầu tiên: Biến 1.000 USD thành 100.000 USD

Finman bắt đầu đầu tư vào bitcoin vào tháng 5/2011 ở tuổi 12, nhờ số tiền 1.000 USD được tặng từ bà ngoại và anh trai Scott.

Mặc dù Finman có quan hệ tốt với gia đình, việc lớn lên ở tiểu bang thôn dã Idaho không phải là chuyện dễ dàng với anh chàng này. Finman đặc biệt nản lòng với các giáo viên cấp 3 của mình, và cầu xin cha mẹ cho phép cậu bỏ học lúc 15 tuổi.

“Trường cấp 3 có chất lượng khá thấp”, Finman nói. “Các giáo viên của tôi hầu hết là những người tiêu cực. Một thầy giáo bảo tôi nên bỏ học và làm việc tại McDonald’s bởi vì đó là tất cả những gì tôi có thể làm được trong suốt quãng đời còn lại của mình. Ít ra là tới giờ tôi đã làm được vế đầu tiên là bỏ học”.

Điều đáng ngạc nhiên là cha mẹ của Finman – vốn đã quen biết nhau lúc cùng theo học bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford – đã đồng ý cho con mình bỏ học cấp 3. Finman đã chốt lời các khoản đầu tư bitcoin đầu tiên của mình vào cuối năm 2013, khi chúng được định giá là 1.200 USD/bitcoin.

Với 100.000 USD từ cú đầu tư này, Finman đã thành lập công ty giáo dục trực tuyến có tên là Botangle vào đầu năm 2014, cho phép những người bất mãn với hệ thống giáo dục phổ thông như cậu có thể tự tìm giáo viên giảng dạy thông qua video. Finman cũng sử dụng số tiền để chuyển đến Thung lũng Silicon, làm một số điều thú vị như gặp đồng sáng lập Reddit là Alexis Ohanian, và đi du lịch.

Finman kể: “Tôi thực sự thích Colombia. Nơi đó khá vui, nhưng cũng có mấy chuyện đáng sợ. Tôi đã có lúc bị dí súng vào người, nhưng tôi có nút báo động khẩn cấp đã được lập trình trong điện thoại Android. Nó bật micro thu âm lên, tắt loa và gọi đến số điện thoại khẩn cấp ở địa phương. Có lẽ tôi sẽ biến nó thành một ứng dụng. Nó khá là tiện dụng”.

Finman cũng thừa nhận rằng thật khó để bắt mọi người phải chú ý đến mình, khi là một doanh nhân ở tuổi 15. Cậu nhớ lại lúc được mời đến phỏng vấn với một giám đốc điều hành “thực sự cao cấp” tại Uber. Thay vì lắng nghe Finman trình bày về dự án Botangle, người này lại cố làm nản lòng cậu và nói rằng Finman sẽ không bao giờ thắng cược với bố mẹ.

Cuối cùng, Finman đã tìm được người mua lại công nghệ của Botangle vào tháng 1/2015. Nhà đầu tư này đã chào giá 100.000 USD hoặc 300 bitcoin, lúc đó đã giảm xuống còn hơn 200 USD/bitcoin. Finman đã nhận thanh toán bằng bitcoin vì tin rằng đây là “cơ hội lớn tiếp theo”.

Finman kể: “Cha mẹ tôi hỏi ‘Tại sao con không lấy tiền?’. Nhưng tôi thì xem đó là một khoản đầu tư”.

Kể từ đó, Finman đã quản lý các khoản đầu tư của gia đình cậu cũng như số bitcoin của mình. Cậu cũng bận rộn với các dự án khác, bao gồm việc hợp tác với NASA để phóng tên lửa thông qua dự án ELaNa. Nhưng có một điều mà Finman sẽ không làm là trở lại trường học.

Finman nói: “Tôi chưa bao giờ có bằng tốt nghiệp phổ thông và tôi không thấy nó có giá trị gì. Tôi phải học cách vận hành một doanh nghiệp. Thay vì viết bài luận văn cho lớp văn học, tôi đã phải viết email cho những người quan trọng “.

Các thành viên còn lại của gia đình Finman đều có bằng cấp: anh trai Scott nhập học tại trường Johns Hopkins ở tuổi 16 và bây giờ sở hữu một công ty phần mềm doanh nghiệp, trong khi một anh trai khác là Ross đã nhập học tại Đại học Carnegie Melon ở tuổi 16 trong chuyên ngành robot và đang theo đuổi bằng tiến sĩ tại MIT. Tuy nhiên, Erin Finman lại thích học hỏi về thế giới thông qua thực nghiệm.

Finman nói: “Với hệ thống giáo dục như hiện nay, tôi không khuyến khích việc ở lại trong trường học. Nó không hiệu quả đối với bất cứ ai, tôi khuyên bạn nên sử dụng Internet vì nó miễn phí, và bạn có thể học được nhiều hơn gấp triệu lần từ YouTube và Wikipedia.”

Xe tự lái sẽ gây ra một “cuộc chiến đường phố”?

Trong tương lai, người đi xe đạp, người đi bộ và xe tự lái có thể “chung sống hòa bình” trên đường phố?

Một báo cáo về sự phát triển của đô thị và các phương tiện tự động do Bloomberg Philanthropies và The Aspen Institute đưa ra hồi tháng 5 ước tính, đến năm 2035, có 25% các phương tiện mới đang được bán ra trên thị trường có khả năng hoàn toàn tự vận hành. Trong khi con người được mô tả là “những tài xế tệ hại”, nhiều người tin rằng các phương tiện tự lái có thể làm giảm 1,3 triệu trường hợp tử vong vì tai nạn xe cộ hằng năm trên toàn cầu.

Tuy nhiên, theo The Guardian, hiện tại, các chuyên gia trên thế giới còn đang đau đầu tìm lời giải cho nhiều câu hỏi hóc búa phát sinh trong quá trình hiện thực hóa xe tự lái, đặc biệt là khi vấn đề này có liên quan đến nhiều đối tượng khác, như người đi bộ và người đi xe đạp.

Các “vấn đề” từ người đi xe đạp

Xe tự lái phát hiện các đối tượng cùng lưu thông trên đường nhờ vào sự kết hợp sử dụng các camera, bản đồ chi tiết, radar, và trong trường hợp các sản phẩm xe tự lái của Công ty Waymo (thuộc Google) thì còn sử dụng thêm một hệ thống cảm biến laser để quét lên các vật thể xung quanh.

Về lý thuyết, xe tự lái sẽ dừng lại nếu phát hiện ra một đối tượng, vật thể trên đường đi. Nhưng với đặc điểm “nhỏ gọn và nhanh nhẹn”, người đi xe đạp lại đại diện cho một… thách thức lớn. Xe tự lái phải “vật lộn” với sự kém ổn định của vận tốc xe đạp và các hình thù, kích cỡ đa dạng của loại phương tiện này. Chúng thậm chí còn gặp khó khăn trong quá trình xác định phương hướng di chuyển của một chiếc xe đạp đang lưu thông trên đường.

Deep3DBox – một chương trình được thiết kế để xác định các vật thể 3D từ các hình ảnh 2D – được xem là thành công nhất khi áp dụng thử nghiệm cho xe tự lái. Nhưng mức độ chính xác của nó khi phát hiện ra xe đạp chỉ là 74%, và xác định đúng phương hướng di chuyển của xe đạp chỉ được 59%. Mức độ này còn thấp hơn nữa trong điều kiện thời tiết xấu.

Hồi năm ngoái, Carlos Ghosn – cựu Giám đốc điều hành Renault-Nissan mô tả những người đi xe đạp là “một trong những vấn đề lớn nhất cho xe tự lái” và “không hành xử theo bất kỳ quy luật thông thường nào”.

“Điệp vụ bất khả thi”

Hành động nào nên được lập trình cho một chiếc xe tự lái khi nó phát hiện ra người đi bộ hoặc người đi xe đạp đang di chuyển trên phần đường của mình? Và điều gì sẽ xảy ra khi những người đi đường biết được rằng họ chỉ cần đơn giản là đi trước mặt một chiếc xe tự lái để khiến nó dừng lại?

TS. Robin Hickman, chuyên nghiên cứu về các chiến lược giao thông vận tải, quy hoạch đô thị và biến đổi khí hậu tại Trường Bartlett School of Planning (thuộc University College London) cho rằng, việc sử dụng xe tự lái không khả thi tại các khu vực đô thị đông dân.

“Nếu người đi bộ biết một chiếc xe là phương tiện tự lái, họ chỉ cần đơn giản là giành quyền ưu tiên bằng cách “cản đường” nó. Bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian để di chuyển bằng xe tự lái trong bất kỳ đô thị bận rộn nào… Và tại Ấn Độ hoặc Trung Quốc – nơi có nhiều phương tiện đa dạng, nhiều người đi bộ, nhiều người đi xe đạp, xe tự lái thậm chí gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong việc xử lý tất cả những đối tượng “không thể đoán trước” này”, ông nhấn mạnh.

Một giải pháp được đưa ra là biến đường phố thành một phần mở rộng của IoT (Internet of Things – vạn vật kết nối), nghĩa là tích hợp công nghệ kết nối ở khắp nơi. Nhưng lúc đó, một bài toán khác lại được đặt ra là người dân có được đảm bảo quyền riêng tư?

Một ý tưởng nữa được thảo luận là áp dụng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến (Radio Frequency Identification – RFID) cho những người lưu thông trên đường. Hệ thống này có thể được tích hợp vào các sản phẩm xe đạp điện trong tương lai. Nhưng còn phần lớn những người đi bộ, người đi xe đạp không sử dụng hệ thống thì sao?

Hoặc làm cách nào để xử lý những người đi bộ hoặc người đi xe đạp “giành đường” của xe tự lái? GS. David Levinson, thuộc Đại học Sydney có một đề xuất: Camera của xe tự lái sẽ ghi lại hình ảnh mình bị “quấy nhiễu” và gửi đến sở cảnh sát để họ xử lý những đối tượng này.

Vấn đề nằm ở người hay xe?

Mặc dù xe tự lái vẫn có thể cần nhiều năm nữa mới có thể được di chuyển thực sự trên đường phố, nhưng những công nghệ “mở đường” cho nó như hệ thống cảnh báo chuyển làn đường, phanh khẩn cấp phía trước, đỗ xe tự động… hiện đã được tích hợp trong nhiều loại xe hơi.

Quá trình phát triển của xe tự lái đang chậm lại, nhưng sau khi đã vượt qua được những chướng ngại, tốc độ hiện thực hóa sẽ được tăng tốc.

Sadik-Khan – Chủ tịch Hiệp hội quốc gia các quan chức giao thông vận tải thành phố (National Association of City Transportation Officials – NACTO, gồm nhiều thành phố thành viên ở Mỹ và một số nước khác) nhận định, các nhà điều hành đất nước trên khắp thế giới nên tự hỏi xem họ muốn quốc gia nói chung và các khu đô thị lớn nói riêng sẽ trở nên như thế nào.

“Đừng để bị phân tâm bởi các “món đồ chơi mới” hào nhoáng này. Vấn đề trọng tâm là tạo ra những thành phố, những khu đô thị như chúng ta mong muốn. Công nghệ không phải là tất cả, còn rất nhiều vấn đề khác cần lo nghĩ. Xe tự lái vẽ ra một số viễn cảnh thú vị nhưng tôi nghĩ, chúng ta cần nhớ điều gì sẽ tạo nên một thành phố tuyệt vời. Vấn đề nằm ở con người, chứ không phải những chiếc xe”, Sadik-Khan cho biết.

Insight của giới trẻ trong việc định hướng nghề nghiệp

Nhiều nhận định cho rằng: “giới trẻ ngày nay có quá nhiều lựa chọn, dễ dàng bị lạc lối, không biết mình thích gì, thích gì, cứ nhảy việc thường xuyên”. Sự thật có phải như thế không? Bài phân tích báo cáo “Định hướng nghề nghiệp của giới trẻ Việt Nam” sẽ giúp bạn khám phá một số insight của giới trẻ trong việc lựa chọn nghề nghiệp.

Báo cáo “Định hướng nghề nghiệp”, nằm trong dự án nghiên cứu Insight thế hệ trẻ Việt Nam của Bamboo – bộ phận nghiên cứu insight của agency đa quốc gia Havas Riverorchid.

1. Lí do chọn ngành nghề?

Khi được hỏi về chuyên ngành đang theo học, 40.3% các bạn trả lời rằng chọn ngành theo sở thích cá nhân và sở thích cũng chiếm số điểm 4.81/5 về lí do chọn công việc hiện tại. Lựa chọn theo sở thích, cũng đồng nghĩa là do tác động của xu hướng hay chỉ đơn thuần là chọn đại mà thôi. Nói theo cách khác, các bạn lựa chọn một cách đơn giản, dễ dàng, chỉ cần cảm thấy thích, tin rằng mình có thể theo được ngành đó, công việc đó là đủ.

Lý do chọn ngành đang theo học.

Nick Morrison(1) cũng đồng tình với kết luận trên. Khi ông khảo sát 300,000 học sinh nộp đơn đăng ký vào trường Đại học, lí do phổ biến nhất khi các bạn chọn ngành là đam mê. Ngoài ra, có đến 71.5% các bạn đang hoặc dự định làm theo đúng ngành mà mình đã học. Qua đó, chúng ta có thể thấy được rằng giới trẻ ngày nay có xu hướng làm công việc mình thích, theo đuổi đam mê, hoài bão của bản thân hơn là làm một công việc ổn định, thu nhập cao.

Nghề đang làm có đúng ngành bạn học?

Mặt khác, 40.3% các bạn không có dự định hoặc đang làm đúng ngành vì cảm thấy không phù hợp. Ở nước ngoài, ngay từ nhỏ các em được tạo điều kiện để khám phá những đam mê và lợi thế của bản thân, rồi tập trung phát triển thế mạnh đó.

Còn ở Việt Nam, sau 3 cấp học, các em luôn được hướng đến hình mẫu giỏi toàn diện, cái gì cũng nắm chắc. Xét về chiều ngang, học sinh mình được tiếp cận tổng quát hơn, nhưng về chiều sâu cũng như kiến thức về các khía cạnh liên quan, học sinh Việt Nam vẫn còn bị động nhiều. Nhưng không phải em nào cũng vậy, vẫn có em chủ đông và biết được mình muốn gì và có thể làm gì ngay từ đầu.

Aine Cain(2) đã gợi ý cho các bạn cách để tránh những trường hợp chọn sai ngành học, để rồi làm một công việc liên quan đến ngành học nhưng lại không phù hợp với bản thân, đó là hãy chọn ngành đem lại cho bản cảm giác thích thú nhưng vẫn có những chỗ trống để khám phá các khía cạnh khác khi theo học ở các trường Cao đẳng & Đại học. Tức là, mình chọn ngành mà mình cảm giác nó có thể lấp đầy những kiến thức bản thân còn thiếu, bên cạnh đó, luôn sẵn sàng khám phá và học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ từ bạn bè và thầy cô giáo.

2. Mức độ nhảy việc

Khi được hỏi bạn đã trải qua bao nhiêu công việc toàn thời gian, 54.1% trả lời đã từng làm 2-3 công việc và 44.7% chỉ gắn bó với công ty trong thời gian ngắn, 6 tháng đến 1 năm. Qua đó, ta có thể thấy rằng: tuy đã học và làm theo đúng ngành (số liệu phần 1), nhưng khi ra trường, bắt đầu vào công việc thực tế, các bạn lại mất đi cảm giác yêu thích và sự yêu thích với công việc đó, hoặc nhanh chóng nhận ra sự không phù hợp, và chủ động tìm và thử con đường khác, hướng đi mới.

Thời gian gắn bó với công việc.

Người ta nói an cư thì lạc nghiệp, khi làm một công việc ổn định trong thời gian dài, bạn sẽ gắn bó với đồng nghiệp, công ty và hình thành đam mê mãnh liệt với công việc mà mình chọn. Mặt khác, công việc vào guồng và lặp đi lặp lại khiến đôi lúc chúng ta cảm thấy ngán, muốn thay đổi môi trường, gặp gỡ người mới và cho bản thân mình nhiều cơ hội hơn. Không có gì là đúng hoàn toàn hay sai hoàn toàn. Các bạn trẻ cởi mở, chấp nhận nhiều phép thử, cho mình cơ hội đón nhận thử thách và sai lầm trong đời hơn những thế hệ trước.

Nói về vấn đề nhảy việc, Lily Herman(3) cho biết thế hệ Millennials (sinh năm 1982-2002) mong muốn gắn bó với một công việc khoản 1 năm hoặc ít hơn rồi tìm một công việc mới nhằm tìm kiếm trải nghiệm, tăng lương bổng và mở rộng mối quan hệ, chiếm 26%. Paige Magarrey(4) cho biết độ tuổi của Millennials dễ dàng nhảy việc là do họ có thể kiếm thêm thu nhập, phát triển sự nghiệp, thay đổi chỗ ở dễ dàng và tìm thấy môi trường phù hợp với bản thân.

Mặt khác, 62% người trả lời e ngại nhảy việc quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tín nhiệm cá nhân, lòng trung thành, an toàn nghề nghiệp và khả năng thăng tiến. Câu hỏi đặt ra là khi nào chúng ta nên nhảy việc? Khi gặp tình huống đó, các bạn nên cân nhắc các yếu tố sau: những điều bạn muốn đạt được từ công việc, bạn có làm hết khả năng hay chưa, bạn có muốn tìm kiếm thử thách mới và nơi nào mang lại cho bạn lợi thế lâu dài.

Chúng ta nhận thấy rằng, bất cứ quyết định nào đưa ra cũng có những lí do của nó, nhảy việc nhiều không có nghĩa bạn sẽ bị nhà tuyển dụng nhìn với ánh mắt tiêu cực, bằng chứng là 55% nhà tuyển dụng vẫn chọn những cá nhân nhảy việc thường xuyên. Khi công việc không còn phù hợp, không có môi trường và cơ hội để bạn cống hiến bản thân, hãy chủ động cho mình rẽ hướng, để tìm lối đi riêng. Nhưng khi công việc vẫn đang mang lại cho mình nhiều lợi ích và phát triển bản thân, hãy cố gắng hết mình để cống hiến cho nó và đạt được vị trí cao hơn trong công việc.

3. Mức độ gắn bó với công việc

Khi được hỏi về mức độ hài lòng với công việc, 3.96/5 điểm đồng tình với lựa chọn “Các mối quan hệ trong công việc” . Bởi vì thật sự đồng nghiệp cũng như các mối quan hệ khác liên quan đến công việc, mang lại cho chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng. Các mối quan hệ sẽ góp phần giúp mức độ gắn bó với công việc sẽ cao hơn, từ đó giúp ta càng yêu thích công việc hiện tại và cống hiến cho nó trọn vẹn hơn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của công việc.

Thời gian dự kiến gắn bó với công việc hiện tại.

Bên cạnh đó, có 3.95/5 điểm đồng tình với lựa chọn “Cơ hội phát triển bản thân” và có đến 36.8% các bạn chỉ muốn gắn bó với công việc trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 năm. David K. Williams(5) cũng đồng tình với ý kiến trên: trong 1 đến 3 năm đầu tiên, bạn sẽ học hỏi được nhiều thứ và phát triển bản thân. Theo ông, một công việc hoàn hảo là việc bạn ngừng đứng núi này, trông núi nọ, hãy làm thật tốt công việc hiện tại.

Vincent S. Flowers và Charles L. Hughes(6) cũng đồng ý với David, ở cấp độ nhân viên có kỹ năng chưa cao (do mới ra trường hoặc làm việc trong thời gian ngắn) thì có đến 72% chọn gắn bó với công ty vì không muốn bỏ nhiều thời gian để có được những lợi ích mà họ được hưởng khi gắn bó với công ty.

4. Giới trẻ chỉ đôi lúc mất thăng bằng chứ không lạc lối

Khi được hỏi về vấn đề mất phương hướng trong sự nghiệp, có 50.9% các bạn “Thỉnh thoảng có cảm thấy”, 23.2% “Không bao giờ cảm thấy” và chỉ có 14,3% là “Có và rất thường xuyên cảm thấy”. Trong cuộc phỏng vấn với Bamboo, một số bạn trẻ đã nói rằng sự lạc lối, mất định hướng mà mọi người hay đề cập đơn thuần là cảm giác băn khoăn, hơi do dự vì đứng trước nhiều lựa chọn cho nên không biết nên đi theo con đường nào. Qua đó, có thể thấy rằng thấy rằng việc cảm thấy lạc lối trong sự nghiệp thực chất chỉ mang tính thời điểm, tại một giai đoạn nào đó trong sự nghiệp.

Một số bạn học ngành mình không thích, kiếm được công việc một cách dễ dàng và nhanh chóng, nhưng đã quyết định từ bỏ để tìm một công việc thật sự phù hợp, khiến bản thân thấy hài lòng, trọn vẹn hơn. Cũng có bạn bước đầu khó khăn tìm việc, chỉ cảm thấy buồn và hoang mang trong một chút trong giai đoạn đầu, sau đó lại tìm lại đúng với đam mê nghề nghiệp của mình. Những lúc hoang mang như vậy, con người dễ rơi vào trạng thái lạc lối, nó kéo dài trong thời gian ngắn, có thể 1 tháng, 2 tuần, 1 tuần hay chỉ vài ngày mà thôi. Nó giống như phản xạ tự nhiên của chúng ta khi đối mặt với chuyện ngoài ý muốn trong cuộc sống, công việc.

Mức độ cảm thấy mất định hướng trong sự nghiệp.

Và khi có cảm giác đó, 67.9% sẽ chọn giải pháp trò chuyện và chia sẻ cùng người mình tin tưởng. Trong cuộc sống và công việc, việc tìm được người để ta tin tưởng và trải lòng thật sự không phải dễ. Khi ta có thể trò chuyện với họ trong những lúc như thế này, chứng tỏ người bạn đó mang lại cho ta cảm giác an toàn và là nơi đáng tin cậy tuyệt đối.

Giải pháp khi mất thăng bằng trong sự nghiệp.

Tóm lại, giới trẻ ngày nay không lạc lối như cách mà mọi người nhìn nhận. Có thể đôi lúc trong công việc, có nhiều áp lực và mất cân bằng, mà các bạn cảm thấy hoang mang, không biết mình có phù hợp với công việc này hay không.

Lạc lối trong trường hợp này chỉ là một trạng thái mang tính chất thời điểm, như bất kì ở thế hệ nào, cũng sẽ có lúc cảm thấy chán công việc hiện tại lặp đi lặp lại, cảm thấy những gì công việc mang lai không xứng đáng với những gì mình bỏ ra hay không tìm thấy điểm chung về mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và bản thân.

Quan trọng là các bạn trẻ đã phần nào ý thức được việc, cần phải biết mình thích gì, biết mình muốn gì, chấp nhận những phép thử để tìm được con được phù hợp nhất, chứ không thụ động chịu đựng một công việc nhàm chán, không phù hợp với bản thân.