“Rong biển hiện được 20% dân số thế giới tiêu thụ. Đây là thị trường vô cùng tiềm năng”. Nhờ nhận định đó mà Itthipat Peeradechapan – cha đẻ của thương hiệu Taokaenoi đã lọt top 50 người giàu nhất Thái Lan, với sản phẩm snack rong biển.
Itthipat Peeradechapan, còn được gọi là Tob, năm nay 32 tuổi và đang sở hữu khối tài sản trị giá 610 triệu đô la Mỹ. Thương hiệu Taokaenoi, nghĩa là “Ông chủ nhỏ”, được Tob thành lập từ năm 2004, khi Tob vừa bước sang tuổi 20. Sau hơn 10 năm xuất hiện trên thị trường, snack rong biển Taokaenoi đã đưa Tob từ một cậu ấm nghiện game và bỏ học trở thành tấm gương cho nhiều thế hệ doanh nhân trẻ xứ Chùa Vàng.
Những miếng rong biển khô giòn tan, tẩm vị tom yum hay wasabi đã giúp “ông chủ nhỏ” đứng thứ 44 trong danh sách 50 người giàu nhất Thái Lan năm 2017 do Forbes bình chọn. Hiện, thương hiệu của Tob chiếm hơn 60% thị phần snack rong biển ở Thái Lan. Doanh số của hãng thức ăn nhẹ này đạt mức 136 triệu USD trong năm 2016, tăng đến hơn 30%.
Kể từ lần đầu tiên phát hành trước công chúng (IPO) vào năm 2015, cổ phiếu của Taokaenoi đã tăng gấp 5 lần.
Khi “cậu ấm” kinh doanh
Năm 1997, khi cơn bão khủng hoảng tài chính châu Á đổ bộ vào thị trường, công ty xây dựng của bố Tob bị phá sản, buộc Tob, lúc đó còn là cậu ấm nghiện game, phải tập tành kinh doanh, bắt đầu bằng việc bán đồ ăn vặt trong trường học. Và vào năm nhất đại học, Tob đã bỏ học hẳn để kinh doanh nhằm đỡ gánh nặng tài chính cho gia đình.
Trong một lần đi hội chợ ẩm thực, Tob đã nảy ra ý tưởng bán hạt dẻ nướng. Gom góp được 7.200 USD tiền tiết kiệm, Tob sắm sửa trang thiết bị và đặt một ki-ốt bán hạt dẻ tại khu ăn uống trong một trung tâm thương mại. Tuy nhiên, không nhiều khách hàng để ý đến quầy hạt dẻ nướng của Tob. Giữa lúc Tob sắp sửa dẹp tiệm để đi làm phục vụ thì chàng thanh niên trẻ có cuộc gặp định mệnh với chuỗi siêu thị Tesco Lotus.
Tob nhớ lại: “Doanh số bán hàng nhảy vọt khi ki-ốt hạt dẻ của tôi được dời sang gần quầy thu ngân của siêu thị. Mấu chốt để giải quyết toàn bộ vấn đề phụ thuộc vào việc bạn có nắm được địa lợi hay không”.
Chẳng mấy chốc, quầy bán hạt dẻ của Tob đã có mặt tại 30 địa điểm khác nhau với 50 nhân viên cùng doanh thu hàng tháng vào khoảng 87.000 đô la. Tob nói: “Đó là khởi đầu không tệ với chàng thanh niên 19 tuổi như tôi”.
Ở tuổi 19, Tob từng kiếm gần 90 ngàn đô la mỗi tháng. Nguồn: Forbes |
Thế nhưng, một thay đổi trong cung cách quản lý của Tesco Lotus đã dìm chết mô hình của Tob. Chuỗi siêu thị này muốn ki-ốt hạt dẻ nướng dời vào bãi giữ xe vì khói từ lò than khiến khách hàng khó chịu và làm đen trần nhà. Kết quả là, doanh số bán hàng lao dốc không phanh, buộc Tob phải kiếm đường kinh doanh khác.
Tái khởi nghiệp
Ngày nọ, Tob tình cờ tiếp cận với rong biển khô khi bạn gái mua tặng anh một bịch snack từ cửa hàng trong trường đại học. Chàng doanh nhân trẻ nhớ lại: “Snack rong biển đã khiến tôi yêu ngay từ cái… cắn đầu tiên”. Tob cảm nhận được cơ hội thành công lớn với sản phẩm này vì lúc đó nó đã khá phổ biến trong giới trẻ Thái nhưng chưa được sản xuất đại trà tại thị trường trong nước.
Nói là làm, Tob lân la tìm đến các chuyên gia thuộc đại học Kasetsart và mẹ để giúp tạo ra hương vị riêng cho sản phẩm. Tob kể: “Vị snack cay, mặn của Taokaenoi được dựa trên công thức của mẹ tôi”. Gom được 200.000 đô la từ việc thanh lý một số ki-ốt hạt dẻ, Tob mở nhà máy sản xuất snack rong biển vào năm 2006.
Wirode Tangwutthikaiwit, nhà sáng lập PAG Design, công ty chịu trách nhiệm thiết kế logo của Taokaenoi, nhớ lại ấn tượng ban đầu về Tob: “Cậu nhóc này khi ấy mới chỉ 19 tuổi mà đã có cái nhìn sâu sắc về con đường mình sẽ đi”.
Thoạt đầu, sản phẩm của Tob được ra mắt tại một cửa hàng 7-Eleven nhưng không mấy hút khách vì bị đặt ở những kệ thấp. Để khắc phục điều này, Tob thuyết phục người quản lý đưa những bịch snack rong biển ra gần quầy thu ngân. Thế là, chẳng mấy chốc, số lượng bán ra nhảy vọt. Và, vào năm 2008, doanh số bán ra của Taokaenoi đã cán mốc 30 triệu USD.
Năm 2008, doanh số bán ra của Taokaenoi đã cán mốc 30 triệu USD. Nguồn Wall Street Journal |
Thành công của Taokaenoi cũng kéo theo sự xuất hiện và cạnh tranh đến từ những công ty như Masita cùng hàng loạt các đối thủ “ăn theo” khác. Thử thách lớn đến với Tob năm 2011, khi lũ lụt ở Thái Lan nhấn chìm toàn bộ nhà máy. Đến 3 tháng sau, Tob mới có thể khôi phục được dây chuyền sản xuất và kế hoạch IPO phải hoãn lại.
Chàng doanh nhân trẻ chiêm nghiệm: “Đối với ngành công nghiệp thực phẩm mà nói, nếu sản phẩm của bạn không được liên tục lên kệ, thì người tiêu dùng sẽ chọn cái khác”.
Và kế hoạch táo bạo
Về kế hoạch trong tương lai, Tob cho biết: “Điểm đến tiếp theo của Taokaenoi sẽ là Mỹ, thị trường snack lớn nhất thế giới”. Tại đây, cũng giống như ở Trung Quốc, Taokaenoi sẽ phải đối đầu với những đối thủ Hàn Quốc và Nhật Bản vốn đã thành danh từ trước. Hiện, Tob đang gấp rút nâng sản lượng hàng năm của Taokaenoi lên 12.000 tấn. Anh đã dùng 50% số tiền thu được từ 42 triệu USD khi IPO để lập một nhà máy mới chuyên cho sản phẩm xuất khẩu.
Uraiwan Tantisuwannakul, chuyên viên phân tích tại công ty chứng khoán CIMB Thái Lan, chỉ ra rằng chính sách giảm thuế trong 8 năm dành cho Taokaenoi kết hợp cùng tăng năng suất và giảm chi phí sẽ tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ cho sản phẩm này. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu thô, do rong biển vốn không được trồng trong nước.
Dù Taokaenoi nhập rong biển từ Hàn Quốc, nhưng Tob khẳng định rằng sản phẩm của mình vẫn sẽ đảm bảo duy trì được “mức giá cạnh tranh”. Việc mở rộng năng suất và đẩy mạnh xuất khẩu là tối quan trọng để đạt mục tiêu gấp đôi doanh thu trong năm 2024. Tob kết luận: “Chúng ta cần thiết phải lớn mạnh hoặc sẽ chịu kết cục bị đào thải”.