Monthly Archives: January 2018

Ai thành công hơn: CEO “gà trống” hay “cú đêm”?

CEO của Apple Tim Cook thức dậy 3h45 sáng, CEO của hãng xe hơi Fiat Sergio Marchionne dậy lúc 3h30 sáng, và tỷ phú Richard Branson dậy lúc 5h45 sáng. Bạn thức dậy lúc nào?

Ai thành công hơn: CEO "gà trống" hay "cú đêm"?

Khoảng 50% dân số không phải là người sống về sáng hay về đêm, mà là ở đâu đó giữa ngày. Khoảng cứ bốn người lại có một người có xu hướng mở mắt thức dậy sớm hơn, và cứ bốn người lại có một người sống kiểu cú đêm.

Có nghiên cứu cho thấy người dậy sớm hay thức khuya cho thấy sự phân chia thông thường giữa phần não trái và não phải: giữa phần phân tích và hợp tác với phần tưởng tượng và cá nhân.

Nhiều nghiên cứu cho thấy những người dậy sớm thường kiên trì hơn, tự định hướng và dễ chịu hơn. Họ lập mục tiêu cao hơn cho bản thân, lên kế hoạch tương lai nhiều hơn và hiểu biết hơn về sự thịnh vượng. Và so với những người thức khuya, họ ít căng thẳng, uống bia rượu hay hút thuốc hơn.

Mặc dù người dậy sớm có thể đạt được nhiều thành tựu hơn về mặt học thuật, những người thức khuya có xu hướng làm việc tốt hơn về trí nhớ, tốc độ xử lý và khả năng nhận thức tốt hơn, thậm chí dù họ phải thực hiện công việc đó vào buổi sáng.

Người thức khuya thường cởi mở hơn đón nhận trải nghiệm mới và tìm kiếm thêm nhiều kinh nghiệm hơn. Họ có thể sáng tạo hơn (dù không phải lúc nào cũng vậy).

Và trái với châm ngôn (khỏe mạnh, thịnh vượng và thông tuệ), một nghiên cứu từng chỉ ra người thức khuya cũng khỏe mạnh giống như người hay dậy sớm – và thậm chí là giàu có hơn một chút.

Nên dậy sớm hay thức khuya?

Bạn vẫn còn nghĩ dậy sớm là yếu tố tạo thành một CEO? Đừng vội bật đồng hồ báo thức lúc 5 giờ sáng. Vì hóa ra, giảm thời gian ngủ không đem lại nhiều hiệu quả gì.

“Nếu con người được tự nhiên tuân theo thời gian họ thích, họ sẽ thấy khỏe hơn. Họ nói họ hoạt động năng suất hơn. Khả năng làm việc của não bộ tốt hơn,” nhà sinh học Katharina Wulff từ Đại học Oxford chuyên nghiên cứu về nhịp sinh học và giấc ngủ, cho biết.

Theo bà, nói cách khác, đẩy một người ra quá xa khỏi thói quen tự nhiên có thể nguy hại. Ví dụ khi phải thức dậy sớm, cơ thể người thức khuya vẫn tiếp tục sản sinh ra melatonine, tức là một hormon điều chỉnh các hormon khác và duy trì nhịp sinh học.

“Khi bạn ngắt quãng và đẩy cơ thể sang trạng thái hoạt động ban ngày, điều này có thể có rất nhiều hệ quả sinh lý tiêu cực,” Wulff nói, giống như sự nhạy cảm với insulin và đường glucose – có thể khiến tăng cân.

47% của hành động là di truyền, nghĩa là nếu bạn muốn biết vì sao bạn dậy sớm mỗi ngày (hoặc không bao giờ dậy sớm), bạn có lẽ nên nhìn lại cha mẹ mình.

Thói quen của bạn cũng thay đổi theo tuổi tác. Trẻ con thường có xu hướng dậy sớm, với đỉnh điểm và bắt đầu chuyển qua kiểu sống về đêm khi khoảng 20 tuổi, và từ từ thay đổi lại thói quen dậy sớm vào khoảng tuổi 50. Nhưng so với những người cùng tuổi, bạn có thể luôn rơi vào cùng một dải thời gian.

Dậy sớm chỉ là định kiến?

Nếu bạn là người dậy sớm, sự kết hợp giữa thay đổi sinh học từ hormone đến nhiệt độ cơ thể sẽ giúp bạn vào việc sớm hơn những đồng nghiệp thức khuya. Điều này có nghĩa những người thích dậy sớm sẽ nhanh chóng thích nghi với ngày làm việc và có vẻ như đạt được nhiều thành tựu hơn.

Với một người thức khuya phải dậy sớm vào 7 giờ sáng, cơ thể của họ vẫn nghĩ họ buồn ngủ và dẫn đến hành động kéo theo, vì thế họ sẽ lập cập lâu hơn người dậy sớm đã thức dậy cùng giờ.

Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra đó là vì người thức khuya thường phải làm việc khi cơ thể họ không muốn, rõ ràng là họ có thể ở trong tình trạng cảm xúc tệ hơn hoặc ít hài lòng hơn về cuộc sống. Điều này cũng có thể có nghĩa là nếu họ phải xác định cách để sáng tạo hơn và thay đổi thói quen – có thể giúp khuyến khích sự sáng tạo và nhận thức của họ.

Vì định kiến văn hóa cho rằng người đi ngủ muộn và dậy muộn là lười nhác, nên hầu hết mọi người đều cố gắng trở thành người dậy càng sớm càng tốt. Những người không cố gắng làm vậy có lẽ là những người có tính cách nổi loạn hoặc mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ hơn.

Nhưng chuyển nhịp sinh học của một người không nhất thiết sẽ thay đổi những tính chất đó.

Một nghiên cứu gần đây nhận thấy thậm chí dù mọi người cố gắng trở thành người dậy sớm, điều đó cũng không giúp họ có cảm xúc tích cực hơn về sự hài lòng trong cuộc sống.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy thói quen ngủ của bạn có thể “gắn liền” với các tính cách khác. Trong một nghiên cứu gần đây chẳng hạn, Neta Ram-Vlasov từ Đại học Haifa phát hiện ra những người sáng tạo hơn về mặt hình ảnh thường khó ngủ hơn, hay thức dậy nhiều lần trong đêm hơn hoặc dễ bị mất ngủ hơn so với những người khác.

Những người thức khuya thường có nhịp sinh học dài hơn, họ sẽ thấy khó chịu hơn với thời gian biểu 24 giờ, và điều này có thể khiến họ khó thành công hơn.

Doanh thu bán lẻ Cần Thơ vượt trăm ngàn tỉ đồng

Năm 2017, doanh thu bán lẻ hàng hóa của thành phố Cần Thơ lần đầu tiên vượt qua con số 100.000 tỉ đồng, dẫn đầu các địa phương còn lại trong vùng ĐBSCL và xếp thứ ba cả nước, sau TPHCM và Hà Nội.

Thông tin trên được Sở Công Thương thành phố Cần Thơ công bố tại hội nghị báo cáo tổng kết “Tình hình hoạt động năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của ngành công thương thành phố Cần Thơ” diễn ra chiều hôm nay, 11-1 Sở này cho biết tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa của địa phương này trong năm 2017 đạt 106.041 tỉ đồng, tăng 10.416 tỉ đồng so với kết quả của năm 2016.

Nếu so với địa phương có tổng mức bán lẻ đứng vị trí thứ 2 ở ĐBSCL là An Giang, thì con số này của thành phố Cần Thơ cao hơn đến 11.074 tỉ đồng (An Giang đạt 94.976 tỉ đồng) và so với địa phương thấp nhất là Trà Vinh, thì con số chênh lệch đến 82.851 tỉ đồng (Trà Vinh đạt 23.190 tỉ đồng).

Trong khi đó, nếu so với các thành phố trực thuộc trung ương, thì tổng mức bán lẻ hàng hóa của Cần Thơ xếp vị trí thứ 3, sau TPHCM và Hà Nội, nhưng trên Đà Nẵng và Hải Phòng.

Doanh thu bán lẻ Cần Thơ lần đầu vượt 100.000 tỉ đồng và tiếp tục đứng thứ 3 cả nước. Ảnh: Trung Chánh.

Theo đó, địa phương có tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2017 cao nhất là TPHCM, đạt 923.843 tỉ đồng, tăng 241.140 tỉ đồng so với năm ngoái; thứ 2 là Hà Nội đạt 561.000 tỉ đồng, tăng 56.000 tỉ đồng; thứ 3 là Cần Thơ đạt 106.041 tỉ đồng, tăng 10.416 tỉ đồng; thứ 4 là Hải Phòng đạt 104.205 tỉ đồng, tăng 13.013 tỉ đồng và Đà Nẵng đạt 79.100 tỉ đồng, tăng 2.050 tỉ đồng so với năm 2016.

Nếu so với các địa phương còn lại ở ĐBSCL (ngoài Cần Thơ), thì tổng mức bán lẻ hàng hóa của Đà Nẵng thấp hơn cả An Giang (94.967 tỉ đồng) và Kiên Giang (84.000 tỉ đồng).

Đánh giá của Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết trong năm 2017, giá cả hàng hóa trên địa bàn tương đối ổn định, mạng lưới phân phối được phân bố rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Bên cạnh đó, các trung tâm thương mại, siêu thị thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại nên đã thu hút được sự quan tâm của khách hàng, góp phần kích cầu tiêu dùng, giúp tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2017 của Cần Thơ đạt gần 1,77 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,9% so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 1,4 tỉ đô la, tăng 16,3% so với năm 2016; dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện đạt gần 370 triệu đô la, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 428 triệu đô la, tăng 32,7% so với năm 2016.

Trung Chánh

Trung tâm thương mại: Người vui, kẻ buồn

Thị trường bán lẻ đã có một năm đầy sôi động khi đón chào nhiều thương hiệu quốc tế đổ bộ vào Việt Nam như thời trang có Zara, H&M và sắp tới có thể là thương hiệu thời trang nổi tiếng Nhật Uniqlo, lĩnh vực F&B có các thương hiệu PastaMania (Singapore), Hokkaido Baked Cheese Tart (Nhật)…

Điều này mang lại niềm vui cho một số chuỗi trung tâm thương mại, mà sự kiện EIO trị giá 740 triệu USD của Vincom Retail đã phản ánh phần nào sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư vào thị trường bán lẻ hiện nay.

Dù vậy vẫn có những chuỗi bán lẻ kinh doanh không mấy khả quan. Một số thậm chí đang tìm cách bán mình cho những nhà bán lẻ khác khi không kịp thay đổi để thích nghi với phong cách mới của người tiêu dùng, hay đối mặt với áp lực cạnh tranh khắc nghiệt hơn từ các đối thủ mới cũng như xu thế bán hàng trực tuyến ngày một phổ biến hơn.

Tái cấu trúc hay chuyển nhượng

Union Square, trung tâm thương mại sở hữu 4 mặt tiền đường cực kỳ đắt đỏ tại quận 1, gần như im hơi lặng tiếng trong cả năm qua. Lý do là chủ sở hữu Tập đoàn Vạn Thịnh Phát quyết định đóng cửa để tái thiết kế, đồng thời chuẩn bị tung ra một chiến lược kinh doanh mới để thu hút hơn các thương hiệu bán lẻ.

Ảnh: Sơn Phạm.

Như vậy, sau thương vụ thâu tóm đình đám trị giá gần 10.000 tỉ đồng vào năm 2013, Union Square đã trải qua 2 đợt tái cơ cấu. Dù vậy hiệu quả kinh doanh đến giờ vẫn còn phải chờ trong khi các đối thủ liền kề đó như Vincom Center Đồng Khởi hay Saigon Centre liên tục ký được các hợp đồng thuê mặt bằng rất lớn từ các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Chuỗi Parkson vẫn đang vật lộn với muôn vàn khó khăn. Đơn vị này đã liên tiếp đóng cửa các trung tâm thương mại không hiệu quả ở Hà Nội và TP.HCM. Việt Nam vẫn là một trong những thị trường góp phần khiến Parkson thua lỗ. Trong quý I năm tài chính 2017-2018 kết thúc vào ngày 30.8.2017, Parkson báo lỗ tổng cộng 9,5 triệu USD do doanh thu bán hàng suy giảm.

Nếu các công ty lớn còn gặp nhiều khó khăn thì những người chơi ít tiếng tăm hơn cũng không dễ thở. Trong năm qua, theo ghi nhận của CBRE Việt Nam, đã xuất hiện một số chủ đầu tư căn hộ muốn chuyển nhượng phần khối đế thương mại cho các đối tác bán lẻ chuyên nghiệp hơn. Số khác linh động hơn khi bắt tay với người thuê trong việc chia sẻ lợi nhuận từ hiệu quả kinh doanh từng tháng, chứ không bám vào mức phí cho thuê cố định.

Dù có nhiều khó khăn nhất định, nhưng thị trường bất động sản bán lẻ vẫn đón lượng cung mới trong năm qua, cho thấy niềm tin của một số nhà đầu tư vào thị trường. Quý IV/2017, toàn thị trường bất động sản bán lẻ chào đón thêm 21.300m2 diện tích cho thuê ròng (NLA) từ 2 trung tâm thương mại là The Garden Mall và khối đế bán lẻ của Viettel Complex (quận 10). Tính chung cho cả năm 2017, thị trường có 7 dự án cung cấp thêm 74.183m2 diện tích bán lẻ, nâng nguồn cung hiện hữu tại TP. HCM lên tới 820.840m2 NLA. Các nguồn cung mới đều tập trung tại khu ngoài trung tâm và không có diện tích mới nào tại khu trung tâm.

Về giá chào thuê, khu trung tâm giữ nguyên giá so với quý trước ở mức 115,4 USD/m2/tháng (hơn 2,6 triệu đồng) vì không có thay đổi nào về nguồn cung bán lẻ nhưng giảm khoảng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. So với khu vực trung tâm, mặt bằng ngoài trung tâm có mức giá mềm hơn khi chỉ khoảng 37,8 USD/m2/tháng (hơn 850.000 đồng), tương ứng tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cuối tháng 1 năm nay, nhãn hàng thời trang H&M sẽ tiếp tục mở cửa hàng thứ 2 tại TP.HCM với địa điểm được chọn là Vincom Mega Mall Thảo Điền, phần nào cho thấy khu vực ngoài trung tâm đang dần trở thành một thế lực mới trên thị trường bán lẻ TP.HCM đi cùng với sự mở rộng không gian đô thị ra các quận vùng ven.

Khó khăn tái định vị

Trên thực tế, bất động sản bán lẻ là một trong những thị trường được giới chuyên gia dự đoán sẽ bùng nổ trong các năm tới, nhất là nhờ kinh tế cải thiện, tầng lớp trung lưu gia tăng khá nhanh cùng sự đổ bộ ngày càng nhiều của các thương hiệu hàng đầu quốc tế.

Nếu loại trừ một số trung tâm thương mại tạm dừng hoạt động để tái cơ cấu thì theo ghi nhận của CBRE, tỉ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại tại khu trung tâm TP.HCM vẫn lên đến 99,7%, khu vực ngoài trung tâm lên đến 93,1%, mức kỷ lục từ năm 2012.

Nhưng trong ngắn hạn, áp lực đạt được kết quả tích cực về hiệu quả hoạt động không phải là nhỏ. Lý do là bất động sản tăng quá nóng kể từ năm 2015 khiến cho mặt bằng giá gia tăng chóng mặt, nhất là khu vực trung tâm vốn bị hạn chế về quỹ đất trống. Chi phí phát triển dự án gia tăng đột biến khiến cho các trung tâm thương mại đối diện với tình thế lưỡng nan: vừa phải đảm bảo mức phí cho thuê đủ cao để duy trì tỉ suất sinh lợi phù hợp, vừa phải đủ thấp để hấp dẫn người thuê. Tất nhiên, không dễ tìm được lời giải “vẹn cả đôi đường” cho bài toán cân bằng này.

Từ nay đến năm 2020, dự kiến sẽ có khoảng 13 trung tâm thương mại được đưa vào vận hành, cung cấp thêm tới 638.082m2 diện tích cho thuê (tương ứng tăng 77%). Tiêu biểu như dự án Sala Shopping Centre (quận 2), Estella Place (quận 2), khối đế của Vinhomes Central Park (Bình Thạnh) hay Elite Mall (quận 8). Các trung tâm thương mại mới được thiết kế với không gian hiện đại, hướng về sự trải nghiệm hơn sẽ trở thành các đối thủ đáng gờm trên thị trường.

“Dự báo trong 3 năm tới, cạnh tranh trong thị trường bán lẻ sẽ tăng cao do một lượng lớn mặt bằng bán lẻ ở dưới khối đế căn hộ sẽ được chào thuê. Cùng với đó là thương mại điện tử nhận được sự quan tâm hơn từ phía nhà đầu tư và người tiêu dùng. Tính đến năm 2020, doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng 60% so với năm 2017 và sẽ chiếm gần 1,5% tổng doanh thu bán lẻ”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cao cấp của CBRE Việt Nam, nhận định.

Thế giới di động mở cửa bảy nhà thuốc An Khang

Bên trong nhà thuốc, các loại thuốc chữa bệnh chiếm một nửa diện tích trưng bày, nửa còn lại là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế…

Thế giới di động, hệ thống bán lẻ điện thoại, điện máy có quy mô lớn nhất thị trường, đã chính thức bước chân vào lĩnh vực bán lẻ dược phẩm bằng việc mở cửa một loạt nhà thuốc An Khang tại TP.HCM hôm 06.01.2018.

Trước đó, ngày 28.12.2017, hội đồng quản trị của Thế giới di động đã thông qua quyết định mua lại cổ phần của Công ty cổ phần bán lẻ An Khang, chủ sở hữu nhà thuốc An Khang.

Toàn bộ bảy nhà thuốc An Khang hiện tại đều nằm trên các mặt bằng trước đây của nhà thuốc Phúc An Khang. Từ cuối năm 2017, hệ thống nhà thuốc Phúc An Khang đã tạm đóng cửa để tiến hành sửa chữa nhằm chuyển đổi sang chuỗi nhà thuốc mới với tên gọi An Khang.

Một nhà thuốc An Khang mới khai trương trên con phố sầm uất Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình). Ảnh: Forbes Việt Nam.

Các nhà thuốc An Khang có bảng hiệu màu xanh lá với biểu tượng hình người đặc trưng cho các thành viên của Thế giới di động như các chuỗi Thế giới di động, Điện máy xanh và Bách hóa xanh. Khác với các thành viên còn lại, An Khang có thêm một biển hiệu chữ thập nhấp nháy phía trước cửa, gây sự chú ý tới người đi đường.

Bên trong nhà thuốc, các loại thuốc chữa bệnh chiếm một nửa diện tích trưng bày, nửa còn lại là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế… Việc thanh toán, quản lý sản phẩm sẽ được nhân viên nhà thuốc An Khang thực hiện thông qua điện thoại di động như các cửa hàng bán lẻ của Thế giới di động. Đây là điểm khác biệt so với hệ thống Phúc An Khang, vốn trước đây sử dụng máy tính để quản lý.

Bên trong một nhà thuốc An Khang với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe được bày bán bên cạnh các loại thuốc chữa bệnh. Ảnh: Forbes Việt Nam.

Ứng dụng di động của nhà thuốc An Khang đã xuất hiện trên hệ điều hành Android. Tuy nhiên nhân viên của nhà thuốc cho biết hiện chưa triển khai việc đặt mua sản phẩm trên ứng dụng này. Website của nhà thuốc An Khang đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng người dùng có thể tra cứu thông tin về thuốc, bệnh viện, bác sĩ, các loại bệnh…

Nhu cầu tiêu dùng thuốc tại Việt Nam được dự báo ngày càng tăng cao do Việt Nam đã kết thúc giai đoạn dân số vàng và đang bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2017. Đây là động lực chính giúp ngành dược phẩm bắt đầu bước vào giai đoạn đầu của quá trình phát triển sau một thời gian dài phát triển tự phát và thiếu sự quy hoạch, kiểm soát bài bản, công ty chứng khoán FPT nhận định.

Mức tiêu thụ thuốc bình quân đầu người tại Việt Nam, theo ước tính của IMS Health, chỉ khoảng 33 đô la Mỹ vào năm 2015 và dự báo sẽ tăng lên gần 50 đô la Mỹ vào năm 2020. Dù vậy, mức tiêu thụ này vẫn thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung ở mức 180 đô la Mỹ của cả thế giới.

Một góc nhà thuốc An Khang. Ảnh: Forbes Việt Nam.

Các nhà thuốc An Khang vừa đồng loạt được mở cửa vào ngày 06.01.2018 sau khi tu sửa lại từ nhà thuốc Phúc An Khang. Ảnh: Forbes Việt Nam.

Lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, với quy mô khoảng 5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2016 nhưng chưa có doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường, đang là đích ngắm tiếp theo của các ông lớn trong ngành bán lẻ.

Để nhanh chóng thâm nhập thị trường, Thế giới di động lên kế hoạch mua bán sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới di động từng chia sẻ tham vọng trước Đại hội đồng cổ đông hồi cuối tháng 03.2017. Thế giới di động đã quyết định dành 2.500 tỉ đồng cho hoạt động M&A.

Tổng giám đốc FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp mới đây xác nhận đã đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Long Châu tại TP.HCM. Digiworld, công ty chuyên phân phối sản phẩm công nghệ cũng đang bắt tay vào phân phối thực phẩm chức năng.

Mai Linh lấy xe ôm dìu taxi

Học hỏi cách làm của đối thủ cũng là cách hiệu quả để cạnh tranh. Hãng taxi Mai Linh đã giới thiệu dịch vụ xe ôm công nghệ Mai Linh Bike.

Đây có thể xem là hành động kịp thời khi mở rộng thêm mảng kinh doanh hấp dẫn hơn. Nhưng là người đến sau, Mai Linh sẽ có chiến lược gì để cạnh tranh trên một thị trường mà Grab, Uber đang làm mưa làm gió?

Cuộc chiến giá

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Mai Linh, cho biết Tập đoàn đã chuẩn bị cho đứa con tinh thần Mai Linh Bike cách đây khoảng 2 năm nhằm hoàn thiện cả về quy trình vận hành và công nghệ. “Nếu nói ra đời sau là thua thiệt cũng không hẳn. Bởi Mai Linh Bike có thể học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước: tiếp thu cái hay, khắc phục cái dở, lường trước được các vấn đề phát sinh”, ông Huy chia sẻ.

Thực tế, Mai Linh cũng có thế mạnh riêng. Đó là độ nhận diện thương hiệu khá tốt nhờ hệ thống trải rộng trên khắp cả nước (54/63 tỉnh thành) hay khả năng am hiểu sâu thị trường bản địa. Bên cạnh các mảng kinh doanh hiện thời, chuỗi hoạt động của hãng taxi này dự kiến được mở rộng hơn với dịch vụ gọi xe cao cấp và giao nhận hàng hóa bằng xe máy – phân khúc có nhiều đất phát triển để phục vụ cho nhu cầu thương mại điện tử đang bùng nổ với sự tham gia của nhiều “ông lớn” nước ngoài như Lazada, JD.com hay sắp tới đây có thể là sự góp mặt của người khổng lồ Amazon.

Hiện số lượng đối tác đăng ký tham gia dịch vụ xe máy Mai Linh Bike được Tập đoàn công bố đã lên tới gần 10.000. Mai Linh sẽ áp dụng mức chiết khấu 15% cho các bác tài, thấp hơn so với mức 20-25% của Uber hay Grab. “Đối tác Mai Linh Bike sẽ được hưởng 85% và Mai Linh khẳng định sẽ áp dụng chính sách này về lâu dài. Trong 2 tháng đầu, đối tác sẽ được hưởng toàn bộ lợi nhuận”, ông Huy nói.

Với khách hàng, Mai Linh áp dụng chính sách giá cước được điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo ngang bằng và thấp hơn các đối thủ. Ví dụ, đối với dịch vụ xe thông thường, mức giá cước được Mai Linh áp dụng là 11.000 đồng cho 2 km đầu tiên và chỉ 3.700 đồng cho các km tiếp theo. “Chúng tôi cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm. Đó là sự khác biệt rõ rệt so với các đối thủ khác”, ông Hồ Huy chia sẻ.

Dù vậy, áp lực cạnh tranh dành cho Mai Linh Bike không hề nhỏ, nhất là khi so sánh với hai đối thủ Grab và Uber có tiềm lực tài chính hùng hậu. Thừa nhận thách thức này, ông Hồ Huy cho rằng các hãng xe công nghệ khác đã hoạt động khá lâu nên lượng khách hàng và đối tác chắc chắn nhiều hơn Mai Linh Bike. Mặt khác, các doanh nghiệp nước ngoài này chấp nhận tốn kém để đưa ra các chương trình ưu đãi thu hút khách hàng nhằm chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong thời gian ngắn nhất. Bởi vậy, không loại trừ khả năng sau khi chiếm được thị trường thì họ sẽ bắt đầu giảm khuyến mãi và tăng giá cước.

Nhìn chung, để giành phần thắng, bên cạnh chuẩn bị cuộc chiến khốc liệt về giá, Mai Linh sẽ buộc phải nâng cấp chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng và nhất là nhanh chóng mở rộng quy mô đầu xe để chiếm ưu thế về thị phần. Đây là thách thức không nhỏ. “Còn quá sớm để nói đến thành công của dịch vụ Mai Linh Bike, nhưng Mai Linh đang làm hết sức mình”, ông Huy nói.

Trong khi đó, nhận xét về động thái mới của Mai Linh, ông Trần Bằng Việt, Tổng Giám đốc Đông A Solutions và cựu Tổng Giám đốc Mai linh, chia sẻ trên The Leader.vn: “Họ không thể không thay đổi mô hình điều hành theo hướng ứng dụng công nghệ nếu muốn tồn tại. Còn việc thêm dịch vụ xe ôm thì không tăng thêm chi phí, nhưng lại làm tăng thêm lựa chọn cho khách hàng. Tôi nghĩ họ làm như thế là hợp lý. Dĩ nhiên, sẽ còn cần theo dõi thêm quá trình triển khai như thế nào”.

Hiện số lượng đối tác đăng ký tham gia dịch vụ xe máy Mai Linh Bike được Tập đoàn công bố đã lên tới gần 10.000.

Chiến lược bó đũa

Việc cho ra đời mảng vận tải bằng xe máy Mai Linh Bike nằm trong đề án tái cơ cấu của tập đoàn 25 tuổi này. Tính đến năm 2016, Mai Linh vẫn còn ghi nhận khoản lỗ lũy kế 803 tỉ đồng do cú sốc giai đoạn 2011-2013 để lại. Dù vậy, trong 3 năm gần nhất, Tập đoàn đều có lãi khi được các tổ chức tín dụng hỗ trợ tái cơ cấu nợ vay. Tình hình tài chính được kỳ vọng sẽ tốt dần lên trong các năm tới khi Tập đoàn đã dành hẳn 1 năm qua để tái cấu trúc, hợp nhất các thành viên nhằm tạo sức mạnh lớn hơn.

Theo đó, Tập đoàn đang hoàn thành các bước cuối cùng để hợp nhất 2 doanh nghiệp là Mai Linh Miền Bắc và Mai Linh Miền Trung bằng phương pháp hoán đổi cổ phiếu. Tổng vốn điều lệ sau khi M&A sẽ tăng 70% lên 1.728 tỉ đồng, giúp gia tăng năng lực tài chính và tiếp cận nguồn vốn ngân hàng tốt hơn. “Thực hiện hợp nhất sáp nhập các đơn vị chi nhánh ở cả ba miền thành một Mai Linh để đồng bộ hóa quản lý và chất lượng dịch vụ, cắt bỏ bộ máy trung gian, tiết giảm chi phí. Mai Linh cũng đang áp dụng công nghệ vào hoạt động điều hành taxi, triển khai ứng dụng taxi Mai Linh trên tất cả 54 tỉnh thành của Việt Nam mà Mai Linh có mặt”, ông Hồ Huy chia sẻ.

Bên cạnh gia tăng chất lượng dịch vụ cho các mảng kinh doanh Mai Linh Taxi, Mai Linh Bus và Mai Linh Bike, Tập đoàn sẽ lần đầu tiên tham gia mảng kinh doanh phụ trợ là cung cấp thiết bị, phụ tùng và bảo dưỡng sửa chữa xe. “Các dịch vụ tiện ích này được kỳ vọng sẽ tương tác và hỗ trợ tốt nhất cho việc phát triển các loại hình dịch vụ vận tải mà Mai Linh đang triển khai”, ông Huy nói.

Theo kế hoạch, doanh thu trong 3 năm tới sẽ tăng trưởng khoảng 10%, lợi nhuận ròng tăng 15%. Riêng năm 2018, doanh thu toàn Tập đoàn sẽ tăng gấp đôi lên 6.163 tỉ đồng và ghi nhận 120 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Mai Linh đặt kế hoạch chia cổ tức ở mức 5-6%/năm trong các năm tới.