Stress là một khía cạnh không thể tránh khỏi tại nơi làm việc, nhưng chúng ta không cần phải ép mình làm quen với nó, mà hãy làm cho nó suy giảm đi.
Theo TS. Leah Weiss – nhà nghiên cứu, tác giả sách, giảng viên tại Trường Kinh doanh Stanford, để giảm stress, chúng ta chỉ cần đặt mình vào một trạng thái vật lý cụ thể nhằm neo giữ bản thân lại với hiện tại. Chẳng hạn như dành một khoảnh khắc để nhận thức rằng đôi chân mình đang đặt trên mặt đất, và đừng quên rằng cơ thể chính là công cụ đáng tin cậy và luôn hiện diện để giúp chúng ta giảm bớt căng thẳng.
Trong một bài viết trên Harvard Business Review, TS. Weiss cho biết, nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực tế là khi tâm trí bị quá tải, cơ thể mình chính là điều cuối cùng chúng ta nghĩ tới. Việc tập trung sự chú ý vào cơ thể lại có khả năng giúp “neo giữ” chúng ta lại trong khi một sự việc đang diễn ra, đặc biệt là những sự việc gây cảm xúc tiêu cực.
“Hãy hướng sự chú ý vào cơ thể, nhận thấy nó chứ không lảng tránh nó, mỗi khi có sự căng thẳng, nỗi đau đớn hoặc các cảm giác vật lý trung tính khác. Cách làm này giúp chúng ta luôn ở trong thực tại. Cơ thể chính là cách nhanh nhất, chắc chắn nhất để chúng ta hiện diện ở thực tại khi tâm trí bị ‘đi lạc'”, TS. Weiss nói.
Chúng ta tự gây ra cho mình nhiều đau khổ không cần thiết khi tâm trí bị mất tập trung. Hạch hạnh nhân nằm ở tâm của não chính là nơi phát hiện và xử lý cảm xúc, bao gồm cả nỗi sợ hãi. Khi hạch hạnh nhân bị kích hoạt bởi tình huống có vẻ như là một mối đe dọa tiềm năng (đôi khi chỉ đơn giản là nhận được một email mang nội dung tiêu cực), nó bắt đầu tạo nên một số thay đổi như gia tăng sự căng thẳng cơ bắp và làm nhịp thở trở nên nhanh hơn. Quá trình này mạnh mẽ đến nỗi chúng ta xem những phản ứng của cơ thể như bằng chứng của sự nguy hiểm. Và kết quả là, một vòng luẩn quẩn sẽ tiếp tục diễn ra, sự căng thẳng cơ bắp tiếp tục tăng lên và nhịp thở ngày cành nhanh hơn.
Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng một “cái neo” để thoát ra khỏi tình huống này. Dưới đây là một số bài tập đơn giản mà hiệu quả giúp bạn neo giữ bản thân mình lại với hiện tại, theo TS. Leah Weiss:
1. Thực hiện một hơi thở có chủ đích
Để thay đổi cách nhìn nhận sự việc, đôi khi chúng ta chỉ cần dùng một hơi thở. Hơi thở này gây ra tác động vào trong tâm trí, tạo ra sự thay đổi để cơ thể điều chỉnh lại sau khi tiếp nhận “mối đe dọa”.
Khi ở trong tình huống căng thẳng, chúng ta gần như hoàn toàn tin tưởng vào câu chuyện mà tình huống mang đến. Một hơi thở có chủ ý sẽ giúp chúng ta thoát ra khỏi câu chuyện đó và bớt “cả tin” hơn.
Hãy nương theo hơi thở khi nó tiến sâu vào cơ thể và đánh giá tình hình, xem liệu lý trí có đang đồng hành cùng bạn hay đang chống lại bạn. Sau đó, chủ động chọn lựa cách xử lý mình thực sự muốn.
2. Chú ý đến cảm xúc
Một trong những lý do nên “neo” vào cơ thể là vì đó là nơi bạn cảm nhận cảm xúc của mình – yếu tố rất quan trọng để nhận thức vấn đề, đặc biệt là trong quá trình làm việc. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu bạn nhận thức được các cảm xúc khó chịu, sự tác động của chúng đến bạn càng suy yếu đi.
Khi đặt sự chú ý vào cơ thể, bạn sẽ có khả năng nắm bắt được thông tin gốc rễ của vấn đề, trước khi nó “tấn công” vào “toàn bộ hệ thống”.
3. Nhớ rằng cơ thể có khả năng kết nối
Bạn đang bực bội với người quản lý? Bạn nghĩ rằng mình không thể làm việc thêm một ngày nào nữa với một đồng nghiệp? Khi rơi vào những hoàn cảnh đó, cơ thể bạn sẽ có khả năng kết nối với những người khác, thậm chí cả những người mà bạn không thể tiên đoán trước. Bởi cơ thể là một trong số nhiều điểm chung giữa người với người.
Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng mức độ tác động của sự kết nối này là rất lớn. Do đó, khi bỏ qua cơ thể mình, nghĩa là bạn đang bỏ lỡ cơ hội đồng cảm với người khác.
4. Phóng đại những niềm vui nhỏ
Đừng đánh giá thấp niềm vui nhỏ hằng ngày. Bản chất của con người là thường chú ý đến nỗi đau hơn niềm vui. Tuy nhiên, nếu tự nhắc nhở bản thân và rèn luyện thường xuyên, bạn có thể có được cảm giác tích cực suốt cả ngày trong những niềm vui đơn giản và đáng tin cậy đến từ việc… sở hữu một cơ thể. Chẳng hạn như ngồi xuống thư giãn khi đã đứng quá lâu, đứng lên duỗi dài cơ thể khi đã ngồi quá lâu, cười lớn khi nghe một câu chuyện vui, ăn uống khi cảm thấy đói hoặc khát, giải phóng bàn chân ra khỏi một đôi giày không thoải mái…
Mỗi ngày dù có xảy ra nhiều chuyện khó chịu đến đâu, hãy nắm bắt vô số cơ hội nho nhỏ đó để luôn cảm thấy thật tích cực.