Author Archives: Hung Dao

Kinh tế Việt Nam và kịch bản Samsung

Nhu cầu điện thoại di động chững lại có thể ảnh hưởng đến hoạt động của Samsung tại Việt Nam.

Vừa qua, hai nhà cung cấp của Apple là Lumentum và Foxconn đã giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2019. Theo đó, sẽ là cần thiết nhìn nhận lại hoạt động của Samsung Electronics.

Áp lực cạnh tranh của Samsung chắc chắn đang tăng lên khi Huawei vượt Apple một lần nữa trong quý III/2018 và vẫn là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới trong hai quý liên tiếp.

Huawei hiện đã gần bắt kịp Samsung. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNBC, Giám đốc Điều hành của Huawei Richard Yu cho biết: “Năm tới, chúng tôi sẽ rất gần với vị trí số một, có lẽ chúng tôi sẽ ngang bằng với Samsung. Và ít nhất là một năm sau, có lẽ chúng tôi có cơ hội (là số một), [vào cuối] năm 2020”.

Samsung chiếm 6,1% tổng vốn FDI tại Việt Nam trong 10 năm qua, đã đầu tư tổng cộng 17 tỉ USD trong giai đoạn này.

Công ty chiếm gần 28% xuất khẩu của Việt Nam. Công ty khổng lồ điện tử đã giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc.

Samsung đã tạo ra hơn 160.000 việc làm tại Việt Nam, chiếm 50% tổng số lao động của mình.

Ở miền Bắc của Việt Nam, chỉ riêng tại nhà máy Thái Nguyên, Công ty tuyển dụng hơn 60.000 người. Căng tin của nhà máy sử dụng khoảng 13 tấn gạo để phục vụ cho công nhân mỗi ngày. Nhà máy này sản xuất nhiều điện thoại di động hơn bất kỳ nhà máy nào khác trên thế giới.

Ngành sản xuất điện thoại di động và công nghiệp điện tử là một phần quan trọng trong lĩnh vực chế biến và sản xuất, chiếm 18,8% GDP của Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng thường xuyên hằng năm trên 10%. Để đánh giá tầm quan trọng của Samsung đối với nền kinh tế Việt Nam, người ta chỉ cần nhìn vào quý I/2017, khi tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1% do doanh số bán hàng của Galaxy Note 7 sụt giảm.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Samsung Việt Nam đã tạo ra 23,5 tỉ USD doanh thu từ phân khúc di động, chiếm 53% doanh thu sản xuất điện thoại di động toàn cầu của Samsung. Tuy nhiên, trong báo cáo quý III/2018, Công ty cho biết doanh thu và lợi nhuận hoạt động trong 9 tháng đầu năm giảm lần lượt 5,4% và 8,1% so với năm ngoái.

Điều này có thể ảnh hưởng đến Samsung tại Việt Nam khi phân khúc di động đóng góp 78% doanh thu doanh thu Samsung tại Việt Nam. Phân khúc màn hình hiển thị của Samsung có doanh thu tăng mạnh trong quý III do nhu cầu về iPhone XS và XS MAX.

Samsung cũng có thể nhận được cú hích vì khách hàng lớn nhất của mình, Apple, tạo ra doanh thu gấp ba lần so với doanh thu từ khách hàng lớn thứ 2. Thu nhập dự kiến ​​sẽ tiếp tục giảm trong vài quý tới cho đến khi Samsung ra mắt điện thoại thông minh màn hình gập. Trong khi chờ đợi, các nhà phân tích dự đoán các trở lực sau đây:

  1. Nhu cầu thấp hơn trên toàn cầu khi nhiều thị trường đạt đến độ bão hòa.
  2. Nhu cầu với mẫu Note 9 mới không cao, mẫu này có thiết kế tương tự như thiết kế năm ngoái nhưng lại có giá cao hơn.
  3. iPhone mới với một màn hình lớn sẽ được tung ra vào năm tới, hứa hẹn cho phép người dùng sử dụng 2 SIM.

Nguồn: Bloomberg.

Mặc dù doanh thu năm nay của Samsung giảm so với cùng kỳ do thị trường điện thoại di động bão hòa, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong các lĩnh vực khác như thủy sản và dệt may (do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc). Tăng trưởng GDP trong quý III/2018, tăng 6,9% so với 6,7% của quý II.

Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam đang cố gắng đưa ra các chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp khác để ít phụ thuộc vào các công ty nước ngoài lớn như Samsung hay Formosa. Điều này có thể mất thời gian nhưng nó cần phải được thực hiện để giúp cân bằng nền kinh tế.

Những công ty chú trọng khách hàng nhất châu Á

Khách hàng là thượng đế ở hầu khắp các thị trường trên thế giới. Và điều này đặc biệt đúng với châu Á.

Không giống với những nơi khác, người tiêu dùng ở khu vực này thường xuyên gắn liền với các thiết bị di động, sẵn sàng chi tiêu nhiều tiền để mua sắm các nhãn hiệu cao cấp. Trong thị trường như thế, những công ty thành công nhất là những công ty thật sự chú trọng đến khách hàng và tạo ra trải nghiệm tích cực cho họ. Đó là những nhận định của Blake Morgan, một chuyên gia về trải nghiệm khách hàng. Theo Morgan, dưới đây là 10 công ty đang làm tốt nhất việc chú trọng khách hàng ở khu vực châu Á.

Ngân hàng DBS tiên đoán nhu cầu của khách hàng

Khách hàng luôn được đặt lên trên và là trọng tâm của ngân hàng Singapore này. DBS thành lập một Ủy ban Trải nghiệm khách hàng (Customer Experience Council) do tổng giám đốc (CEO) đứng đầu. Bộ phận này chủ động tiên đoán và đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Bằng cách lắng nghe khách hàng, DBS đã thực hiện cải thiện chất lượng dịch vụ với những hành động thiết thực như giảm thời gian khách hàng phải chờ đợi ở các chi nhánh và trên điện thoại, tạo ra trải nghiệm ưu việt khi sử dụng ứng dụng của ngân hàng. Nhờ thực hiện tốt phương châm “khách hàng là ưu tiên hàng đầu” mà DBS luôn đứng đầu bảng trong danh sách những công ty làm hài lòng khách hàng nhất ở khu vực châu Á.

Celcom Axiata Berhad quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng ở cửa hàng

Là công ty viễn thông không dây lâu đời nhất ở Malaysia, Celcom hiểu được tầm quan trọng của việc gắn kết với khách hàng. Trong khi các công ty khác chỉ tập trung vào việc tạo ra trải nghiệm “số” cho khách hàng thì Celcom lại nhận thấy rằng khách hàng của mình có vẻ thích sử dụng các kênh giao dịch truyền thống bên ngoài có nhiều tương tác giữa người với người hơn. Vì vậy, công ty này đã cải tạo hình ảnh của các cửa hàng bên ngoài, đơn giản hóa quy trình đăng ký hay thay đổi các gói kết nối không dây, hoàn thiện các chương trình đào tạo nhân viên nhằm trang bị cho họ năng lực hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Tuy vẫn quan tâm đến kênh giao dịch trực tuyến nhưng hệ thống cửa hàng bên ngoài mới là nơi mà Celcom đang đem lại những trải nghiệm thật sự tích cực và dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng.

Maybank liên kết với các startup trong lĩnh vực công nghệ để hỗ trợ khách hàng

Với thái độ cởi mở và không ngừng sáng tạo, ngân hàng này thường xuyên lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng, sau đó liên kết với các công ty mới thành lập trong lĩnh vực công nghệ để đưa ra những cải tiến mới về sản phẩm và dịch vụ. Trên thực tế, Maybank đã giành được rất nhiều giải thưởng về trải nghiệm khách hàng.

Coca-Cola Nhật sử dụng ứng dụng qua thiết bị di động để kết nối với khách hàng

Coca-Cola có thể nổi tiếng như một công ty nước giải khát hàng đầu thế giới, nhưng chi nhánh tại Nhật của công ty này lại được biết đến nhiều hơn qua việc sử dụng truyền thông xã hội để kết nối với khách hàng. Ứng dụng ON dành cho thiết bị di động của Coca-Cola tại Nhật đã có hơn 5 triệu lượt tải về, giúp khách hàng tìm địa điểm của các máy bán hàng tự động, thử nghiệm các mùi hương mới và nhận các giải thưởng cho việc dùng sản phẩm mang nhãn hiệu này. Cách suy nghĩ mới mẻ của Coke đã mang đến niềm vui cho khách hàng và giúp công ty tạo ra một cộng đồng người hâm mộ.

Mobitel cung cấp dịch vụ địa phương mang tính cá nhân

Các trung tâm dịch vụ khách hàng của Mobitel, công ty viễn thông không dây, được chia thành nhiều trung tâm nhỏ phục vụ cho từng thị trường địa phương sử dụng ngôn ngữ riêng, qua đó phục vụ tốt hơn từng nhóm khách hàng của mỗi vùng. Mobitel còn thành lập Trung tâm Trải nghiệm khách hàng, tạo điều kiện cho khách hàng thử nghiệm sản phẩm mới và được giải đáp các thắc mắc trước khi quyết định mua hàng.

Bộ Nguồn nhân lực Singapore chủ động liên hệ với khách hàng

Việc một cơ quan chính phủ lọt vào danh sách những công ty chú trọng đến khách hàng nhất ở châu Á có vẻ là một điều lạ. Tuy nhiên, theo Morgan, cách làm việc hướng đến khách hàng của cơ quan này là một điều đáng để các doanh nghiệp cũng như các tổ chức công ghi nhận và học hỏi. Cụ thể, Bộ Nguồn nhân lực Singapore đã thành lập Phòng Phản hồi khách hàng chuyên tìm hiểu khách hàng và đáp ứng các nhu cầu của họ. Với phương châm gắn kết với khách hàng và xem khách hàng là những đối tác, Bộ Nguồn nhân lực Singapore đã cung cấp cho họ những dịch vụ thân thiện và hiệu quả mà hiếm một cơ quan chính phủ nào làm được.

Titan đem đến nụ cười cho khách hàng

Mục tiêu của công ty bán lẻ đồng hồ và đồ trang sức lớn nhất Ấn Độ này là làm cho khách hàng hài lòng và vui vẻ mỗi khi họ rời một cửa hàng của Titan. Nhân viên của Titan ở hơn 1.400 cửa hàng luôn tập trung vào việc tìm ra những khoảnh khắc tạo niềm vui cho khách hàng bằng những lời tư vấn và dịch vụ mang tính cá nhân cao. Việc quan tâm đến khách hàng được thể hiện ở mọi khía cạnh và hoạt động của công ty, từ thiết kế cửa hàng đến sản phẩm và thái độ phục vụ của nhân viên.

ANZ Đài Loan đem đến cho khách hàng trải nghiệm đa kênh

Hiểu được khách hàng có xu hướng giao dịch dưới nhiều hình thức khác nhau ở các nước khác nhau, ngân hàng này đã tạo ra cho họ trải nghiệm đa kênh. ANZ luôn tạo ra những quy trình nhất quán và liền lạc dù cho khách hàng giao dịch qua điện thoại, kênh trực tuyến hoặc trực tiếp. ANZ cũng chủ động giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến khách hàng, giúp khách hàng cải thiện trải nghiệm ngân hàng của họ.

Ocean Network Express không muốn quá lớn để phục vụ khách hàng chu đáo hơn

Xuất khẩu là một lĩnh vực lớn ở châu Á vốn không thể thiếu sự hỗ trợ của dịch vụ vận tải. Ocean Network Express (ONE) chú trọng đến việc đặt khách hàng lên ưu tiên hàng đầu. Mục tiêu của công ty vận tải này là phát triển đủ lớn mạnh để đương đầu với cạnh tranh nhưng vẫn duy trì quy mô vừa đủ nhỏ để có thể cung cấp những dịch vụ đáng tin cậy và có tính cá nhân cao đến khách hàng. ONE xây dựng một cấu trúc tổ chức tinh gọn để giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sự hỗ trợ mà họ cần. Tất cả nhân viên của ONE đều được huấn luyện và trao quyền để giải quyết bất cứ vấn đề nào của khách hàng. Trong thị trường vận tải quốc tế rộng lớn, ONE chứng minh rằng việc quan tâm đến những chi tiết nhỏ cho từng khách hàng cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho doanh nghiệp.

Intuit Singapore xem việc chăm sóc khách hàng là ưu tiên hàng đầu

Chi nhánh châu Á của công ty dịch vụ tài chính này thật sự “sống” với một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản của mình: Quan tâm khách hàng. Với phương châm đặt khách hàng vào vị trí trọng tâm, Intuit Singapore hiểu rằng việc chăm sóc, quan tâm khách hàng mang tính cá nhân sẽ giúp công ty khác biệt trong cạnh tranh và luôn lắng nghe, đáp ứng các nhu cầu của từng cá nhân.

Nhất Nguyên / Forbes

25 công ty có doanh thu lớn hơn một số quốc gia

Những công ty lớn như Apple, Microsoft, Google hay Walmart đều có doanh thu hàng năm thuộc hàng “khủng”, và bạn sẽ bất ngờ nếu biết chúng còn vượt qua GDP (Gross Domestic Product – tổng sản phẩm quốc nội) của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong năm 2017, Walmart kiếm được nhiều tiền hơn cả nước Bỉ. Dựa trên thống kê từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), hãy xem những công ty lớn khác còn “vượt mặt” nhiều quốc gia về doanh thu hàng năm là ai, theo tổng hợp của trang Business Insider.

25. Spotify (4,794 tỷ USD) – GDP của Mauritanie (4,755 tỷ USD). Theo Business Insider, nếu là một quốc gia, Spotify sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 151 trên thế giới.

24. Netflix (11,693 tỷ USD) – GDP của Malta (11,278 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Netflix sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 126 trên thế giới.

23. Tesla (12 tỷ USD) – GDP của Albania (11,865 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Tesla sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 125 trên thế giới.

22. Visa (18,358 tỷ USD) – GDP của Bosnia (16,917 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Visa sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 115 trên thế giới.

21. El Corte Inglés (18,503 tỷ USD) – GDP của Libya (18,539 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 114 trên thế giới.

20. Starbucks (22,386 tỷ USD) – GDP của Trinidad và Tobago (22,296 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 104 trên thế giới.

19. McDonald’s (22,820 tỷ USD) – GDP của Papua New Guinea (22,586 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, McDonald’s sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 103 trên thế giới.

18. Mercadona (25,061 tỷ USD) – GDP của Nepal (21,132 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Mercadona sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 102 trên thế giới.

17. BBVA (30,229 tỷ USD) – GDP của Estonia (23,348 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, BBVA sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 99 trên thế giới.

16. Inditex (30,355 tỷ USD) – GDP của Paraguay (27,424 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Inditex sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 98 trên thế giới.

15. Nike (34,400 tỷ USD) – GDP của Cameroon (32,230 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Nike sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 96 trên thế giới.

14. Coca-Cola (35,410 tỷ USD) – GDP của Bolivia (34,053 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Coca-Cola sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 95 trên thế giới.

13. Iberdrola (37,299 tỷ USD) – GDP của Ivory Coast (36,375 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 91 trên thế giới.

12. Facebook (39,3 tỷ USD) – GDP của Serbia (38,3 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Facebook sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 90 trên thế giới.

11. Repsol (49,747 tỷ USD) – GDP của Lebanon (49,611 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 81 trên thế giới.

10. Walt Disney (55,137 tỷ USD) – GDP của Bulgaria (53,236 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Walt Disney sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 78 trên thế giới.

9. Banco Santander (58,089 tỷ USD) – GDP của Panama (57,821 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 75 trên thế giới.

8. Telefonica (62,341 tỷ USD) – GDP của Luxembourg (58,655 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 74 trên thế giới.

7. Johnson & Johnson (76,450 tỷ USD) – GDP của Ethiopia (73,151 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 67 trên thế giới.

6. Microsoft (89,950 tỷ USD) – GDP của Slovakia (89,806 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Microsoft sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 65 trên thế giới.

5. Alphabet (110,9 tỷ USD) – GDP của Puerto Rico (105,035 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 59 trên thế giới.

4. Amazon (117,9 tỷ USD) – GDP của Kuwait (110,873 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Amazon sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 58 trên thế giới.

3. Apple (229,234 tỷ USD) – GDP của Bồ Đào Nha (205,269 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, Apple sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 47 trên thế giới.

2. Volkswagen (276,264 tỷ USD) – GDP của Chile (250,008 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 43 trên thế giới.

1. Walmart (485,873 tỷ USD) – GDP của Bỉ (468,148 tỷ USD). Nếu là một quốc gia, đây sẽ là quốc gia có GDP cao thứ 24 trên thế giới.

Mạng xã hội Tiktok đang kiếm tiền từ đâu?

Những người tham gia mạng xã hội này thương hay gặp các video với độ dài 20 giây mà không rõ mình đang xem một đoạn clip bình thường hay xem quảng cáo.

Hiện nay mạng xã hội video Tiktok đang có khoảng 400 triệu người dùng. Con số này mới chỉ tính riêng ở Trung Quốc. Còn rất nhiều khu vực nữa trên thế giới chưa được thống kê.

Những thành viên của mạng xã hội này sẽ tạo ra những video ngắn với thời gian chỉ khoảng 15 giây nhưng có nội dung sáng tạo, độc đáo và người xem có thể xem đi xem lại.

Phần đông người dùng mạng xã hội này là những thành viên trẻ, sinh vào sau năm 2000. Và họ cũng là nhóm khách hàng sẵn sàng bấm vào quảng cáo. Các thương hiệu mua quảng cáo trên mạng xã hội này được khuyến khích tạo ra các video như những đoạn clip bình thường nhưng chèn thêm logo hoặc hình ảnh biểu trưng của họ.

Nhờ đó mà có những đoạn video quảng cáo được một người dùng xem đi xem lại hàng chục lần.

Ảnh minh họa.

Nikkei Asian Review đã phỏng vấn một số người dùng. Kết quả đều cho biết họ từng gặp và xem đi xem lại một clip tưởng của người dùng nhưng sau đó mới biết đó là quảng cáo.

Nội dung của các thương hiệu được lồng ghép khéo đến mức xem một lần thì không ai nhận ra đó là biểu trưng của thương hiệu.

Tiktok đang là ứng dụng có số lượt tải lớn nhất tại Trung Quốc. Mạng xã hội này cũng phát triển tại Nhật Bản, Việt Nam, Mỹ.

Các công ty Trung Quốc dự kiến sẽ bỏ ra khoảng 8,8 tỷ USD để thực hiện việc quảng cáo trên các nền tảng chia sẻ video. Con số này gấp 5 lần so với năm 2013 nhưng hiệu quả là thế hệ Z (những người sinh ra sau năm 2000) bị thu hút bởi các quảng cáo này nhiều hơn.

Theo giám đốc điều hành JD.com, một thương hiệu quảng cáo trên Tiktok: “Chúng tôi đang tìm cách thu hút thêm nhiều khách hàng mua sắm trẻ hơn vì vậy chúng tôi sẽ tăng cường sự hiện diện của mình trên nền tảng này và cả các nền tảng khác”.

Nguồn thu của Tiktok hiện nay đến từ 2 hoạt động. Với việc hiển thị quảng cáo, họ đang cung cấp 2 dạng là quảng cáo phát khi mở ứng dụng và quảng cáo hiển thị bằng tài khoản doanh nghiệp. Tuy nhiên doanh thu lớn nhất lại đến từ việc họ giúp các doanh nghiệp tạo ra quảng cáo như một video bình thường.

Ảnh minh họa.

Tuỳ thuộc vào số lượt bấm vào quảng cáo, mức giá trung bình cho mỗi lần hiển thị đang được tính 1 Nhân dân tệ (khoảng 3.500 đồng).

Ngoài ra Tiktok cũng cho các khách hàng của mình biết rằng họ đang dùng trí tuệ nhân tạo để phân tích việc hiển thị, tối ưu người xem cho quảng cáo.

Các thương hiệu tại Trung Quốc đang coi những nền tảng tin nhắn hay mạng xã hội như WeChat là nền tảng cũ và thực hiện dịch chuyển sang nền tảng mới. Tiktok lúc này chính là người hưởng lợi vì YouTube tại quốc gia này đang bị chặn.

Dự kiến trong năm 2019, Trung Quốc sẽ là nước triển khai thử nghiệm mạng di động 5G và đây cũng được nhận định là cơ hội cho các mạng xã hội video.

Tùng Linh

Facebook, Google và Amazon lớn mạnh thế nào?

Google và Facebook là lựa chọn đầu tiên của rất nhiều người khi muốn tìm kiếm. Và 1/3 người Mỹ sẽ truy cập Amazon ngay nếu có thứ cần mua.

Họ thay đổi luật theo thời gian. Vấn đề đặt ra là, ai có sức ảnh hưởng lớn nhất tới những quyết định này?

200 năm trước, nô lệ là một trong những tài sản quý giá nhất của nước Mỹ. Sau nội chiến, đất đai đã thế chỗ nô lệ. Đến những năm 1920, phần lớn người đi làm ở Mỹ là công nhân. Thứ họ tranh đấu nhiều nhất lại là quyền tự do thành lập các nghiệp đoàn.

Ngày nay, tài sản giá trị nhất là thông tin và ý tưởng. Phần lớn chi phí sản xuất những tài sản này dành cho việc phát hiện hoặc làm ra bản đầu tiên. Sau đó, chi phí sản xuất thêm thường bằng 0. Những tài sản trí tuệ như vậy là chìa khóa xây dựng nền kinh tế mới. Nếu không có các quy định của chính phủ về khái niệm hay quyền sở hữu chúng, nền kinh tế hiện đại đã không tồn tại.

Ngày nay, tài sản giá trị nhất là thông tin và ý tưởng.​​​​​​​

Tuy nhiên, cũng như điều từng xảy ra với nhiều loại tài sản khác, các chủ sở hữu tài sản trí tuệ có ảnh hưởng chính trị lớn cố gắng tăng lợi nhuận bằng cách tạo độc quyền.

Những tài sản trí tuệ giá trị nhất là tài sản được mọi người sử dụng rộng rãi như: Hệ điều hành Windows của Microsoft, Android của Google, công cụ tìm kiếm Google, Amazon hay Facebook. Với lượng người dùng áp đảo, các tài sản này đem lại lợi nhuận rất lớn.

Trong 10 năm qua, hàng loạt website mới đã ra đời. Tuy nhiên, lượt xem ngày càng chỉ tập trung vào một nhóm nhất định. Ở Mỹ, 10 website đứng đầu năm 2001 chiếm 31% tổng lượt xem của cả nước.

Con số này năm 2010 tăng lên đến 75%. Google và Facebook là lựa chọn đầu tiên của rất nhiều người khi muốn tìm kiếm thông tin. Trong khi đó, gần 1/3 người Mỹ sẽ truy cập Amazon ngay nếu có thứ cần mua.

Cùng xem đoạn video sau để thấy thêm sự lớn mạnh về những gã khổng lồ công nghệ này lớn mạnh thế nào.