Author Archives: Hung Dao

Cách bán hàng online cho người không có Internet ở Indonesia

Công ty có tên Bukalapak đã tìm ra cách kết nối việc mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến cho người dân Indonesia thông qua các doanh nghiệp gia đình.

Indonesia, với dân số 240 triệu người, là một thị trường tiềm năng cho thương mại điện tử. Nhiều công ty đang tìm cách để khai thác và phục vụ cho khách hàng là tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo ở đất nước này. Tuy nhiên, dù Indonesia có số lượng người dùng Facebook cao thứ tư trên thế giới và cao thứ năm khi nói đến Twitter, mới chỉ có 55% dân số ở quốc gia này kết nối với Internet. 90% dân số chưa bao giờ mua hàng trực tuyến. Rất nhiều người còn không sở hữu điện thoại thông minh.

Theo SCMP, một công ty thương mại điện tử địa phương có tên Bukalapak đã tìm ra hướng đi bằng cách nhắm mục tiêu tới người dùng ngoại tuyến. Công ty được thành lập năm 2010 này có trụ sở tại Jakarta, với tên gọi có nghĩa là “mở một gian hàng”.

Cụ thể, công ty xây dựng mạng lưới kết nối với hơn 300.000 đại lý, chủ yếu là các kiốt bán đồ tiện lợi quy mô gia đình (được gọi là warung) hoặc các nhà hàng bán đặc sản địa phương. Học theo chợ điện tử Taobao của Alibaba, Bukalapak cho phép người dùng đăng ký và mở một cửa hàng trực tuyến, đồng thời trở thành đại diện của công ty trong việc quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng.

Một đại lý Bukalapak tại Indonesia, nơi người dân có thể tới đây nhờ trợ giúp mua hàng online. Ảnh: Nikkei.

Khách hàng không thể kết nối mạng Internet, muốn mua thứ gì đó trên Bukalapak có thể tiếp cận các đại lý này để được trợ giúp trong việc đặt hàng trực tuyến. Người mua sau đó trả tiền mặt cho warung sau khi đơn hàng được tạo. Các warung sẽ nhận được một phần “hoa hồng” nhỏ cho mỗi giao dịch mua hàng online thành công.

“Chúng tôi đang lấy yếu tố ‘e’ ra khỏi thương mại điện tử (e-commerce) bằng cách mở rộng sang không gian ngoại tuyến. Trong thực tế, chỉ có khoảng 10% dân số của Indonesia đã từng mua hàng online trước đây”, Muhammad Fajrin Rasyid, đồng sáng lập kiêm chủ tịch Bukalapak cho biết. “Phương pháp này là một trong những cách giúp chúng tôi tiếp cận 90% còn lại”.

Fajrin ước tính Bukalapak có khoảng 15 đến 20% thị phần của thị trường thương mại điện tử ở Indonesia. Đối thủ của công ty là các “đại gia” lớn như Tokopedia, Lazada và Shopee. Sau đợt gọi vốn tháng 11 năm ngoái, CEO Bukalapak Achmad Zaky tuyên bố công ty đã có trị giá vượt quá một tỷ USD.

Tuy nhiên ông cũng cho biết ngành công nghiệp thương mại điện tử của đất nước mình vẫn chủ yếu dựa trên rao vặt, nơi người bán quảng cáo sản phẩm của họ trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Instagram. Sau đó các thanh toán được thực hiện bằng chuyển khoản ngân hàng.

Hai người phụ nữ đang vào mạng xã hội bằng điện thoại di động ở Jakarta.

Để khuyến khích người bán và người mua sử dụng Bukalapak, công ty cung cấp dịch vụ ký quỹ, nơi họ giữ khoản thanh toán của người mua cho đến khi họ nhận được món hàng đã đặt. Khi quá trình giao nhận hàng kết thúc, tiền mới tới tay người bán. Fajrin cho biết cách làm này được lấy cảm hứng từ dịch vụ ký quỹ của Alipay, nhằm cải thiện lòng tin dành cho người dùng Taobao.

“Mọi người hiểu rằng Indonesia là một quần đảo và việc chuyển hàng từ đảo này sang đảo khác sẽ mất một vài ngày”, Fajrin nói. Do đó, ông cho rằng việc thanh toán và khâu hậu cần là rào cản lớn nhất đối với thương mại điện tử ở Indonesia. Việc thẻ tín dụng chưa phổ biến cũng đồng nghĩa với việc mọi người thường trả tiền mặt khi nhận hàng. Thói quen này có thể khiến các giao dịch thương mại điện tử có xu hướng ngày càng giảm.

Bảo Nam

Đằng sau thành công của ứng dụng video ngắn

TikTok, một ứng dụng cho phép đăng tải các video âm nhạc dài tối đa 15 giây đồng hồ, đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường ứng dụng mạng xã hội trên thiết bị di động.

TikTok là phiên bản quốc tế của ứng dụng video Douyin của Trung Quốc vốn mới chỉ ra đời từ năm 2016, nhưng chỉ mất có hai năm để làm mưa làm gió trên thị trường ứng dụng video trên các thiết bị di động. TikTok trở nên mạnh mẽ hơn một phần nhờ bổ sung lượng khách hàng từ ứng dụng musical.ly sau khi TikTok mua lại ứng dụng này năm 2017 với giá 800 triệu đô la Mỹ. Dữ liệu từ công ty khảo sát Sensor Tower cho biết TikTok đã qua mặt Facebook, Instagram, Snapchat và YouTube về số lần truy cập trong tháng 10-2018.

Loại hình ứng dụng dành cho video âm nhạc ngắn như TikTok tức Douyin cũng như Kuaishou ở Trung Quốc đang nhanh chóng áp đảo các ứng dụng phát video trực tiếp như YY, Huya, Momo và Bilibili. Hiện tượng này cũng đang dần xuất hiện ở các thị trường khác nơi ứng dụng TikTok xuất hiện.

Ít có nhà phân tích nào nghĩ TikTok sớm thành công ở thị trường nước ngoài, nhưng đó lại là một hiện tượng đang diễn ra. Nhờ đó, giá trị của công ty mẹ ByteDance đã dẫn đầu nhóm các công ty khởi nghiệp (start up) lớn nhất trên thế giới với 75 tỉ đô la, đẩy người khổng lồ Uber xuống hàng thứ hai với 72 tỉ đô la Mỹ.

Phương tiện truyền thông mới đang lên ngôi

Chỉ sau hai năm kể từ khi được tung ra, nền tảng video âm nhạc Douyin và phiên bản nước ngoài Tiktok đạt đến tổng số 500 triệu người sử dụng hàng tháng, trong đó 40% là người nước ngoài. Tỉ lệ này đang tiếp tục tăng lên rất nhanh, tạo ra một cơn sốt bất thường, đặc biệt là đối với những người trẻ. Trong một thời gian rất ngắn, các sản phẩm nội dung số trong “hệ sinh thái” TikTok của Bytedance đã có mặt ở trên 150 quốc gia và trở nên nổi tiếng ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á, vùng Bắc Mỹ, Âu châu, Brazil và Ấn Độ.

Sensor Tower cho biết các ứng dụng video đang là xu thế mới trong những năm gần đây. ByteDance có hai ứng dụng ở ngôi đầu và thứ hai trên bản xếp hạng ứng dụng video, TikTok và Vigo, vị trí còn lại thuộc về Instagram của Facebook. Với đặc điểm là thời lượng ngắn (15 giây trở xuống) và nhiều hiệu ứng độc đáo đi kèm, TikTok đã trở thành hiện tượng ngay tại Mỹ với số lượt tải xuống kỷ lục. Trên chợ ứng dụng AppStore của Apple, số lượng tải về của ứng dụng TikTok lên đến 104 triệu lượt, trong khi YouTube chỉ đạt 64 triệu lượt, WhatsApp đạt 60 triệu lượt, Instagram đạt 59,7 triệu lượt, Facebook chỉ đạt 53,8 triệu lượt trong nửa đầu năm 2018.

Trên AppStore của Apple, số lượng tải về của ứng dụng TikTok lên đến 104 triệu lượt, trong khi YouTube chỉ đạt 64 triệu lượt, WhatsApp đạt 60 triệu lượt, Instagram đạt 59,7 triệu lượt, Facebook chỉ đạt 53,8 triệu lượt trong nửa đầu năm 2018.

Bí quyết thành công

Cây bút Qian Chen của đài CNBC (Mỹ) cho rằng các video ngắn với âm nhạc bắt tai và hiệu ứng sặc sỡ đang trở thành một thứ giao tiếp, một hình thức thông tin liên lạc mới, đặc biệt với thanh thiếu niên. Xu hướng thông tin này đang tỏ rõ năng lực giải phóng trí tưởng tượng của người trẻ khỏi những ràng buộc về kỹ thuật, cho họ thỏa sức sáng tạo. Sự tham gia đông đảo của người dùng sẽ mang lại lợi nhuận cho số ít những người dùng khác là những nhà sản xuất nội dung số ngay trên nền tảng TikTok. Tại Trung Quốc, cái nôi của nền tảng video âm nhạc ngắn, Douyin có tới 300 triệu người tham gia vào nền tảng này, và một nửa trong số đó truy cập vào đó hàng ngày.

Với những video dài 15 giây, Douyin và phiên bản TikTok đã cô đọng lại nội dung muốn truyền tải bằng những hiệu ứng ngồ ngộ phụ trợ cho phần kịch bản gây cười cho người xem. Cấu trúc đơn giản và thời thượng đó đã giúp cho nền tảng video âm nhạc trở thành một chuẩn mực trong việc thu hút người dùng trẻ.

Với những video dài 15 giây, TikTok đã cô đọng lại nội dung muốn truyền tải bằng những hiệu ứng ngồ ngộ phụ trợ cho phần kịch bản gây cười cho người xem.

Nhiều người phàn nàn rằng việc xem các video trực tiếp (live streaming) thường mất nhiều thời gian và chuyển qua đam mê với loại video ngắn. Loại hình mới này cũng chẳng giúp người ta tiết kiệm chút thời gian nào vì khi đã mê xem thì người dùng có thể lướt hàng ngàn video với tổng thời lượng nhiều tiếng đồng hồ. Đương nhiên hình thức càng ngắn thì nội dung càng cô đọng, càng hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, video ngắn mạnh về nội dung trong khi lại ngắn về thời lượng, giúp người ta giết những quãng thời gian rảnh rỗi ngắn ngủi.

Nhưng còn một điều mà ít ai chú ý là loại hình video ngắn sinh ra trong thời đại trí khôn nhân tạo (AI). Trong trường hợp TikTok, ứng dụng này được tạo ra trên nền tảng AI, lấy việc thu thập xu hướng và sở thích xem video của người dùng làm cơ sở để điều chỉnh hướng đi của TikTok sao cho thu hút được càng nhiều người dùng hơn. TikTok chủ động định hướng nội dung các video, đưa ra các gợi ý cho chuyên viên của ByteDance tạo ra các sản phẩm số liên quan để chiều ý và giữ chân người dùng. Người ta không thể ngừng xem hết video này đến video khác. Nhờ đó, các video ngắn, vui nhộn trở thành con gà đẻ trứng vàng cho công ty mẹ, tạo ra một cơn bão trong truyền thông mạng xã hội.

Hoàng Xuân Phương

Người Việt ưa thích món ăn của châu Á hơn món Tây

Những năm gần đây, ngành thức ăn – đồ uống (F&B) tại Việt Nam chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể thị phần của các món ăn phương Tây sang những món phương Đông mà đặc biệt là những món ăn đậm nét châu Á, kết luận trong báo cáo mới công bố của công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab Việt Nam.

Nếu trước đây, khách hàng có thể bỏ ra hàng giờ để xếp hàng chờ đến lượt mua fastfood thì giờ đây xu hướng này có thể đã thay đổi.

Lượng khách hàng từ nhóm fastfood như hamberger, gà rán, pizza có xu hướng dịch chuyển sang những chuỗi nhà hàng kinh doanh các món ăn liên quan đến lẩu (hotpot), món ăn Nhật Bản và món nướng (BBQ). Đây là ba loại món ăn có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong bốn quý gần đây.

Theo Decision Lab, món ăn Việt Nam vẫn thống trị thị trường F&B Việt Nam với với thị phần 81%. Nhưng sự tiện lợi của các cửa hàng trên đường phố, trong những con hẻm khiến các chuỗi nhà hàng Việt Nam không phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng. Fastfood là dịch vụ chiếm thị phần thứ hai sau món ăn Việt Nam nhưng tốc độ tăng của nhóm này giảm 17% so với năm ngoái và đang có chiều hướng giảm.

“Người tiêu dùng muốn thử những điều mới mẻ, và mong đợi có thêm nhiều trải nghiệm khi bước chân ra ngoài ăn uống”, bà Nghiêm Vũ Phương Linh, giám đốc bộ phận nghiên cứu ăn uống công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab đưa ra lý giải. Khách hàng có sự tương tác với những món như BBQ và lẩu. Trải nghiệm nằm ở cách họ vừa thưởng thức món ăn cùng với bạn bè đối tác, người thân. Trong lúc thưởng thức món ăn, họ có thể cảm nhận âm thanh của thức ăn đang nấu, nhìn thức ăn nấu chín, nấu món theo cách họ muốn. Những nhà hàng này còn đem lại trải nghiệm cho khách hàng thông qua cách phục vụ và không gian bày trí.

Thị phần của các phân khúc F&B tại Việt Nam 2018. Ảnh: Decision Lab cung cấp.

Phụ nữ là nhóm khách hàng chi tiền cho ba nhóm thức ăn nhiều nhất, đặc biệt là BBQ. Nghiên cứu cho thấy, số tiền khách hàng sẵn sàng chi trả cho những món liên quan đến BBQ, lẩu và món ăn Nhật Bản thậm chí còn cao hơn so với các món ăn Việt Nam.

Giới chuyên gia về F&B nhận định, các món ăn tự nấu đang là xu hướng ẩm thực nhà hàng không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới trong những năm gần đây. Công ty chuyên về ẩm thực và gia vị McCormick & Company cũng đưa BBQ và lẩu vào danh sách những món ăn trong xu hướng tiêu dùng ẩm thực thế giới.

Yếu tố khiến các nhà đầu tư trong ngành F&B lưu ý nhất là sự thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng Việt Nam. Cùng theo dõi ngành F&B, công ty Kantar Worldpanel đưa ra nhận định, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng không trung thành vào bất kì thương hiệu, nhãn hàng nào. Thế hệ Millenial (những người sinh ra 1980 đến 1998) đang chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu dân số Việt Nam. Kantar cho biết, những mô hình kinh doanh hiện tại có thể mất thị phần trong ngày mai nếu không kịp đáp ứng với sự thay đổi nhanh chóng khẩu vị của khách hàng.

Bích Dâng

Instagram giải cứu ngành trồng hoa Mỹ

Trang trại hoa Wicked Tulips Flower ở Mỹ có diện tích khoảng 2 ha, trông không khác gì những trang trại hoa khác với 600.000 cây hoa tulip nở rộ. Tuy nhiên, trang trại này đang trở nên nổi tiếng nhờ việc bán vé cho khách vào tham quan và chụp ảnh với hoa.

Wicked Tulips Flower nay phụ thuộc vào nguồn thu nhờ việc bán vé hơn là bán hoa như truyền thống trước đây. Wicked Tulips Flower tuyên bố họ đang kinh doanh sự trải nghiệm và nơi đây thực sự đã trở thành một điểm du lịch tham quan nổi tiếng với khoảng 11.000 người theo dõi (follower) trên Instagram, mạng xã hội chuyên về chia sẻ hình ảnh và video.

Nguồn thu mới, hướng đi mới

Việc bán vé cho khác thích chụp ảnh với hoa tưởng chừng như là một hoạt động phụ trợ nay đã trở thành phao cứu sinh cho nghề trồng hoa ở nước Mỹ. Các thống kê chỉ ra rằng những người trẻ tuổi – nhóm khách hàng tiềm năng lớn nhất của ngành kinh doanh hoa – không mua nhiều hoa nữa. Ngành công nghiệp trồng và bán hoa nay đối mặt nguy cơ buộc phải thu gọn quy mô sản xuất vì thiếu hụt khách hàng. Các đơn vị kinh doanh đang phải nỗ lực để thuyết phục khách hàng mua hoa nhiều hơn bằng các chiến dịch tiếp thị tốn kém. Trong bối cảnh đó, dịch vụ cho khách tham quan và chụp ảnh cùng hoa trở thành “người hùng” không ai ngờ trước. Không những giúp mang lại nguồn thu lớn, dịch vụ này còn mang đến những mối quan hệ gắn bó giữa khách hàng tiềm năng và nhà sản xuất, cùng với khả năng tiếp thị lan tỏa trên mạng xã hội hoàn toàn miễn phí.

Khách đến tham quan và chụp ảnh ở trang trại Wicked Tulips Flower ở Rhode Island, Mỹ. Ảnh: WTFF.

Brigid Stevens, Phó chủ tịch thương hiệu của công ty bán lẻ hoa The Bouqs, cho biết: “Khách hàng của chúng tôi nằm trong độ tuổi 18 – 35, đa phần là những người đam mê phong cách sống thiên về cảm xúc, sáng tạo ra nhiều điều mới mẻ. Dịch vụ chụp ảnh cùng hoa giúp họ tạo ra câu chuyện của riêng mình, với dấu ấn cá nhân đậm nét”. Hiện trang Instagram của The Bouqs đã có hơn 120.000 follower.

Quỹ hỗ trợ nghề hoa Mỹ (AFE) là một tổ chức phi lợi nhuận độc lập, chuyên tài trợ các dự án nghiên cứu trong ngành trồng hoa và làm vườn, với mục tiêu tối đa lợi ích của người trồng cây, các nhà bán sỉ, các công ty bán lẻ, liên minh các tổ chức công nghiệp và người dân. Năm 2016, AFE đã ban hành một kế hoạch hành động dài 72 trang có tiêu đề “Các phương thức tiếp thị để gia tăng khách hàng mua hoa”. Kế hoạch này chủ yếu cung cấp các đề xuất giúp những người trồng hoa thu hút các khách hàng trẻ thông qua các chiêu quảng cáo độc đáo trên truyền thông xã hội. AFE tập trung vào những lợi ích của hoa và cũng khuyên mọi người nên tận dụng các xu hướng văn hóa đang lên trên nền tảng truyền thông xã hội. Mục đích là để cho những người trẻ tuổi bắt đầu xem hoa là một phần của phong cách sống hiện đại ngày nay. Theo AFE, ngày nay giới trẻ, những người biết cắm hoa và có kiến thức về hoa cũng rất thích chia sẻ ảnh chụp với hoa của họ trên Instagram.

Hỗ trợ khởi nghiệp

Được thành lập vào 2012 với sứ mệnh “phá vỡ hoàn toàn ngành kinh doanh hoa trị giá 100 tỉ đô la Mỹ toàn cầu, công ty khởi nghiệp bán lẻ hoa trực tuyến The Bouqs sử dụng mạng xã hội để tiếp thị theo một cách trực tiếp hơn. Khách hàng của The Bouqs chủ yếu là nữ giới trong độ tuổi 18 – 35 và tăng trưởng đều đặn trong vòng sáu năm qua. Họ đang tiếp cận khách hàng trẻ bằng cách thuê những tài khoản nổi tiếng trên Instagram tổ chức các sự kiện cắm hoa và phát những video về sự kiện trên nền tảng mạng YouTube.

The Bouqs tiếp cận khách hàng trẻ bằng những sự kiện được đăng trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: The Bouqs.

Những sự kiện này thường gồm những hoạt động phong phú, giúp khách hàng có thể gặp gỡ những người trồng hoa để học hỏi, chẳng hạn như làm sao để hồi sinh các cây hoa hồng bị héo. Cửa hàng hoa trực tuyến của The Bouqs đang nỗ lực định vị hình ảnh chính họ như một cơ sở kinh doanh hoa đáng tin cậy và tiếp thị trực tiếp sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Họ đã thành công trong việc tự tiếp thị trong kinh doanh hoa bằng cách tập trung vào trải nghiệm, biến người tiêu dùng thành những người sáng tạo sau đó người tiêu dùng sẽ đăng những hình ảnh hoạt động sáng tạo với hoa lên Instagram.

Công ty này còn nhanh chóng nắm bắt được những xu hướng tâm lý của người dùng, chẳng hạn như ý thức bảo vệ môi trường đang ngày một phổ biến. Khách hàng giờ đây bắt đầu quan tâm không chỉ là họ đã mua gì mà còn chú trọng việc thứ đó đã được tạo ra như thế nào, nguồn gốc từ đâu. Khách hàng là những người nổi tiếng lại càng muốn chọn thương hiệu đại diện cho giá trị của họ. Để chiều lòng khách, The Bouqs làm việc trực tiếp với các đối tác nông nghiệp để đảm bảo hoạt động kinh doanh không ảnh hưởng đến sự bền vững của môi trường, biến nó thành thế mạnh để hút người mua.

The Bouqs hiện là một trong số hàng loạt các dự án khởi nghiệp kinh doanh hoa dựa trên tiếp thị qua Instagram xuất hiện trong vài năm qua ở Mỹ. Nhiều dự án kiểu này đã gặt hái được thành công nhanh chóng, từ BloomNation ở Santa Monica cho đến BloomThat ở San Francisco. Một số cửa hàng hoa trực tuyến mới ra mắt cũng đang phát triển mạnh trên Instagram như Lewis Miller (114.000 followers), Erin Benzakein of Floret (533.000 followers), và Nicolette Camille (160.000 followers).

Linh Nguyễn

Đích đến chung của những gã khổng lồ thương mại điện tử

Sự phát triển của công nghệ thông tin và điện thoại di động, cùng sự dịch chuyển thế hệ tiêu dùng chủ lực, đã đặt ra đích đến mới cho những gã khổng lồ thương mại điện tử: xây dựng mô hình kinh doanh Online to Offline (O2O), nhằm mang lại trải nghiệm mua sắm trơn tru và hoàn thiện hơn cho khách hàng.

Thoạt nhìn, cả hai thị trường tiêu dùng lớn nhất nhì thế giới dường như đang hướng tới hai con đường khác biệt. Black Friday, Cyber Monday và ngày Lễ tạ ơn, ba dịp lễ mua sắm lớn nhất từng mang về tổng doanh thu 14,48 tỉ đô la Mỹ, đều đang tập trung vào khách hàng online, giữa bối cảnh các cửa hàng thực tại Mỹ đều đang “chết mòn”. Trong khi đó, Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc, lại đầu tư hơn 8 tỉ đô la Mỹ vào các cửa hàng thực trong khoảng thời gian 2016-2017.

Đó là trên bề mặt. Thực chất, cả hai thị trường bán lẻ Trung Quốc và Mỹ đều hướng tới một mục tiêu chung: áp dụng mô hình kinh doanh Online to Offline (O2O), nhằm đáp ứng trơn tru mọi nhu cầu của thế hệ trẻ sành công nghệ, nhóm khách hàng chủ lực hiện tại, đồng thời đảm bảo một tương lai phát triển bền vững.

Sự trỗi dậy của điện thoại di động

3/4 thế hệ Millenials chia sẻ rằng họ thích mua sắm trên điện thoại hơn trên máy tính. Các nhà bán lẻ cùng các công ty công nghệ như Google và Apple đang bắt đầu quan tâm tới mối tương quan giữa doanh thu và lượt truy cập website. Đó là lý do số lượng các ứng dụng mua sắm trên điện thoại di động ra đời ngày một đông đảo, từ đó giúp quá trình mua sắm của khách hàng trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.

Công nhân Trung Quốc sắp xếp các hộp hàng tại một công ty giao hàng ở Chiết Giang (Trung Quốc). Ảnh: STR / AFP / Getty Images.

Tại Trung Quốc, sự trỗi dậy của điện thoại đi động hết sức rõ ràng. Năm 2013, chỉ 21% doanh số của ngày Lễ độc thân đến từ mua bán thông qua điện thoại di động. Nhưng sau đó, con số này liên tiếp nhảy vọt: 42,6% năm 2014, 68% năm 2015, 82% năm 2016 và 90% năm 2017. Trong quãng thời gian bốn năm, doanh số bán hàng trong ngày Lễ độc thân nhanh chóng tăng gấp ba lần.

Trong khi đó, vào Cyber Monday tại Mỹ, mua sắm trên điện thoại di động cũng đóng góp 64% lượng truy cập các trang web bán hàng năm 2017, tăng 10% so với năm 2016. Xét về doanh số, doanh thu đến từ kênh bán hàng điện thoại di động chiếm 43% năm 2017, tăng khoảng 10% so với cùng kì năm ngoái.

Phát triển mô hình kinh doanh Online to Offline (O2O)

Những khách hàng trẻ thuộc thế hệ Millenials là những người rất nhạy với các dịp sales kích cầu. Thế nhưng dù có thể đang sải bước trong một cửa hàng bán lẻ ngoài đời thực, họ vẫn sẵn sàng săn lùng và so sánh giá cả trên mạng để tìm ra nơi bán giá tốt hơn. Như vậy bài toán đầu tiên đặt ra là đặt ra rào chắn ngay trên mạng và giữ chân khách hàng.

Amazon đã nhanh chóng tìm ra đường đi nước bước mới để giải bài toán trên. Năm 2017, gã khổng lồ công nghệ nhận được bằng sáng chế cho phát minh “Hệ thống kiểm soát mua hàng online tại cửa hàng thực”. Hệ thống này sẽ dùng wifi để rà soát nội dung tìm kiếm trên điện thoại khách hàng trong khi họ mua sắm tại cửa hàng của Amazon, từ đó can thiệp vào quá trình mua sắm bằng cách đưa ra các gợi ý hay thông báo các chương trình giảm giá. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro khách hàng tìm kiếm các “món hời” từ website của các đối thủ cạnh tranh.

Amazon cũng có Flow, một ứng dụng ra đời năm 2014, giúp khách hàng tạo ra danh sách những gì cần mua bằng cách quét (scan) hình dạng các sản phẩm của Amazon trên điện thoại. Như vậy nếu sản phẩm tại cửa hàng thực không may hết hàng, người tiêu dùng vẫn có thể đặt mua online.

Nguồn: Statista.

Không thua kém, Alibaba cũng đang hết sức hào hứng với việc phát triển mô hình kinh doanh O2O. Tại 13 siêu thị Hema Xiansheng, người mua hàng có thể dùng ứng dụng Hema để quét mã vạch sản phẩm để tìm kiếm thông tin sản phẩm hay để thanh toán. Đổi lại, ứng dụng này sẽ thu thập thông tin mua sắm của khách hàng để phụ vụ cho công tác marketing. Chuỗi siêu thị Hema cũng cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi sau khi khách hàng đã mua sắm tại cửa hàng.

Không như các thế hệ trước, Millenials rất kiên nhẫn đợi chờ các sản phẩm giảm giá. Ước tính thế hệ này chỉ “lỗ” khoảng 236 đô la Mỹ khi mua hàng. Điều này đồng nghĩa với việc họ ít khi mua hàng nguyên giá mà sẽ chờ đợi chúng giảm giá trong tương lai. Trong khi đó, thế hệ trước đó là Baby Boomers lại “mua hớ” những 413 đô la Mỹ, con số này của thế hệ X lên tới 585 đô la Mỹ.

Hiểu được tâm lý này, Alibaba sẵn sàng “trải ghế” trên mạng để khách hàng ngồi đợi giảm giá. Vào ngày lễ độc thân, ứng dụng mua sắm Tmall của Alibaba loại bỏ hạn mức số hàng khách có thể giữ trong giỏ. Người mua giờ đây có thể mua nhiều sản phẩm hơn trong cùng một giao dịch. Lúc cao điểm của ngày Lễ độc thân năm 2017, Alibaba đã từng xử lý 256.000 giao dịch trong một giây. Con số này giải thích cho doanh thu khổng lồ kênh bán hàng trên điện thoại di động mang lại.

August Rick