Author Archives: Hung Dao

Điện thoại thông minh tầm trung hút khách

Theo đánh giá từ các công ty phân tích thị trường, thị trường điện thoại thông minh (smartphone) tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh từ đầu năm và các nhà bán lẻ cũng xác nhận nhóm sản phẩm này có sức mua tốt.

Điện thoại mức giá 5-7 triệu đồng đắt khách

Theo số liệu từ công ty phân tích thị trường Counterpoint Research, thị trường điện thoại thông minh tại Việt Nam có sự tăng trưởng ở mức 2 con số trong quí 2-2018. Số lượng điện thoại thông minh bán ra vẫn tăng mạnh hơn so với điện thoại phổ thông.

Xét tổng quan, theo số liệu của Counterpoint Research, doanh số toàn thị trường smartphone tại Việt Nam tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ quí 4-2016. Điện thoại thông minh chiếm gần 52% toàn bộ số điện thoại bán ra trong quí 2-2018; trong khi đó, phân khúc điện thoại phổ thông giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù điện thoại phổ thông đang trên đà giảm sút nhưng các chuyên gia phân tích thị trường của Counterpoint Research vẫn cho rằng đây vẫn là một thị trường lớn ở Việt Nam.

Công ty phân tích thị trường IDC Việt Nam cho biết, trong quí 2-2018, IDC ghi nhận có tổng cộng hơn 3,5 triệu chiếc smartphone được phân phối tại Việt Nam, giảm 8.6% so với quí 1-2018 nhưng tăng 14.6% so với quí 2-2017. Mức giá trung bình một chiếc smartphone bán tại Việt Nam trong quí 2 là 214 đô la Mỹ (khoảng 5 triệu đồng, chưa bao gồm VAT).

Điện thoại thông minh tầm trung đang được rất nhiều người ưa chuộng.

Đại diện IDC Việt Nam cũng xác nhận top 3 trên thị trường smartphone đang thuộc về Samsung, Oppo và Xiaomi.

Nhóm smartphone tầm trung vẫn được đánh giá là bán chạy hơn so với các dòng smartphone cao cấp hoặc giá rẻ. Những chiếc điện thoại với giá 5-7 triệu đồng được các nhà sản xuất, nhà phân phối đầu tư vào hoạt động tiếp thị sản phẩm nhiều hơn.

Theo chuỗi bán lẻ FPT Shop, 10 smartphone bán chạy nhất trong 6 tháng đầu năm nay chủ yếu là dòng điện thoại tầm trung khoảng 6-7 triệu đồng/cái. Những mẫu smartphone bán chạy ở các chuỗi bán lẻ Thế giới Di động, FPT Shop… là những cái tên như Samsung J7 Pro, J7 Plus, Oppo F5, Oppo A83…

Smartphone Trung Quốc đang áp đảo

Ông Tarun Pathak, Phó giám đốc công ty Counterpoint Research, nhận định: “Thị trường smartphone tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh và những thương hiệu nội địa đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ thương hiệu Trung Quốc cũng như toàn cầu. Các thương hiệu smartphone Trung Quốc hiện thời đang nắm giữ khoảng 39% thị phần tại Việt Nam“.

Theo ghi nhận từ một số công ty phân tích thị trường, xếp sau thương hiệu Samsung đang dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh tại Việt Nam; lần lượt là những thương hiệu điện thoại Trung Quốc như Oppo, Xiaomi, Huawei… Các smartphone thương hiệu Việt Nam hầu như “đuối sức” trước điện thoại Trung Quốc.

Theo bảng xếp hạng của Counterpoint Research, trong quí 2-2018, Samsung xếp đầu bảng với 37% thị phần; Oppo đứng thứ nhì với 22% thị phần; kế đến là Xiaomi với 5% thị phần; Apple xếp thứ 4 với 5% thị phần và Huawei (bao gồm cả điện thoại Honor) đứng thứ 5 cũng với 5% thị phần. Như vậy, Xiaomi đã tăng tốc khi vào quí 2-2017 chỉ có 1% thị phần; đến quí 2-2018 đã lên 5% thị phần và chiếm vị trí số 3 trên bảng xếp hạng của Counterpoint Research.

Quí 2-2018, Samsung xếp đầu bảng với 37% thị phần; Oppo đứng thứ nhì với 22% thị phần; kế đến là Xiaomi với 5% thị phần; Apple xếp thứ 4 với 5% thị phần và Huawei (bao gồm cả điện thoại Honor) đứng thứ 5 cũng với 5% thị phần.

Theo bảng xếp hạng kể trên, 5 thương hiệu smartphone này chiếm tổng cộng 74% thị phần smartphone tại Việt Nam, còn các thương hiệu khác gộp lại cũng chỉ có 26% thị phần.

Gần đây, các thương hiệu như HTC, Sony… không tung ra các hoạt động tiếp thị rầm rộ như trước kia. Tuy nhiên những thương hiệu này vẫn chưa có thông báo cụ thể về hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh tại Việt Nam.

Một số nhà bán lẻ đã tung ra chương trình bán giảm giá cho các mẫu điện thoại cao cấp của Sony như XZ2, XZ Premium… với mức giảm giá tối đa 5 triệu đồng. Một số cửa hàng bán lẻ hầu như không còn bán điện thoại cao cấp của Sony, chỉ bán vài mẫu tầm trung.

Theo đánh giá của chuyên gia phân tích thị trường Counterpoint Research, trong khi các hãng điện thoại Trung Quốc đang tích cực đánh vào phân khúc điện thoại di động tầm trung thì các thương hiệu điện thoại nội địa thường chọn phân khúc giá rẻ. Tuy nhiên, Counterpoint Research cũng đánh giá cao sự cố gắng xây dựng thương hiệu Việt của công ty điện tử Asanzo và gần đây là Tập đoàn Vingroup cũng tham gia vào thị trường này với cái tên VinSmart.

Amazon và câu chuyện sáng tạo

Sáng tạo, cải tiến là xương sống của Amazon; kiên trì theo đuổi tầm nhìn đã vạch ra dù đôi khi bị người ngoài hiểu nhầm chính là những thứ giúp Amazon luôn mới mẻ, không bị bỏ lại phía sau, và đạt kỳ tích hiếm có: doanh nghiệp trị giá ngàn tỷ USD.

Amazon bán những mẫu máy đọc sách Kindle không lợi nhuận. Trước đó, từ công ty bán sách chuyển sang bán hàng đa lĩnh vực, nhiều người đã tự hỏi làm sao có thể bán quần áo trong một hiệu sách? Đó là những điều không phải ai cũng hiểu được trên con đường kinh doanh của Amazon.

“Bạn phải sẵn sàng bị hiểu lầm trong một thời gian dài”, Tiến sĩ Werner Vogles – Giám đốc công nghệ, Phó chủ tịch Amazon.com – nói như vậy trước hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam hôm 18/9.

Amazon.com thành lập năm 1994, niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ năm 1997, đến năm 2001 công ty mới có khoản lợi nhuận đầu tiên. Tháng 9 năm nay, Amazon trở thành công ty đại chúng thứ hai trên thế giới, sau Apple, đạt được giá trị thị trường 1 ngàn tỷ USD. Amazon cũng là nhà bán lẻ online lớn nhất thế giới xét về doanh thu.

Sáng tạo nằm trong DNA của công ty

Để đạt được những điều đó, Amazon đã không ngừng sáng tạo ra sản phẩm, công nghệ, dịch vụ mới. “Sáng tạo nên nằm trong DNA của các bạn”, người phụ trách việc thúc đẩy đổi mới công nghệ tại Amazon.com nói, ông đồng thời cho rằng phải chịu bị hiểu lầm.

Tiến sĩ Werner Vogles – Giám đốc công nghệ, Phó chủ tịch Amazon.com trên sân khấu Transformation Day. Ảnh: H.Đ.

Chẳng hạn, năm 2007, Amazon bán máy đọc sách Kindle với giá gần như không lợi nhuận. Nhiều người không hiểu được việc này nhưng theo ông Werner, mục đích của Amazon chính là bán sách điện tử. Phải có một thiết bị đọc sách hoàn hảo thì mới kích thích người mua mua sách điện tử để đọc.

Thời điểm đó, các máy tính bảng chủ yếu phục vụ mục đích lướt web, giải trí, và công việc, không có một thiết bị chuyên dụng nào cho đọc sách. Do đó, Amazon đã tạo ra một thiết bị chỉ phục vụ duy nhất mục đích đọc sách của người dùng, từ đó thúc đẩy doanh số bán ebook của công ty.

Sau khi IPO năm 2007, một năm sau Amazon bắt đầu bán những thứ khác ngoài sách. Ai sẽ mua quần áo, mắm muối ở một hiệu sách online? “Nhưng dần dần người ta sẽ hiểu”, Tiến sĩ Werner nói.

Trong ba yếu tố Sáng tạo, Công ty, Công nghệ, ông Werner cho biết Amazon đặt sáng tạo lên đầu trong việc thúc đẩy công ty phát triển.

Tuy vậy, sáng tạo không bao giờ là công việc dễ dàng và dễ được chấp nhận, do đó phải cam kết với việc sáng tạo của mình. Dù bị hiểu lầm cũng phải cam kết với công việc sáng tạo và tầm nhìn của công ty.

“Phải cực kỳ kiên định với mục tiêu nhưng cần linh hoạt khi triển khai chi tiết”, ông Werner nói tại sự kiện Transformation Day do Amazon Web Services (AWS) tổ chức.

Tiến sĩ Werner Vogles. Ảnh: H.Đ.

Amazon từ một website bán sách bình thường, nay phát triển lên thành tập đoàn bán lẻ đa ngành nghề. Công ty cải tiến không ngừng nghỉ hàng ngày, thay nhân viên bốc dỡ bằng rô bốt, bình thường nhân viên kho phải tìm đến kệ hàng thì nay xe rô bốt chở hàng tự chạy đến nhân viên, giao hàng bằng máy bay không người lái, rồi mở siêu thị Amazon Go – siêu thị không có nhân viên bán hàng lẫn thu ngân, thiết bị nhận lệnh giọng nói Amazon Echo, máy đọc sách Kindle,… Tất cả nhờ sáng tạo, cải tiến và tiếp tục cải tiến.

Nguyên tắc hai chiếc bánh pizza

Sau yếu tố sáng tạo là Công ty. Tại Amazon tồn tại một nguyên tắc được biết đến rộng rãi là nguyên tắc hai bánh pizza. Theo đó, mỗi đội nhóm tối đa vài chục người, làm sao để chỉ mua hai chiếc pizza thì đủ ăn cho cả nhóm.

Việc mỗi nhóm làm việc có ít người khiến ai cũng có thể đóng góp ý tưởng, ai cũng có thể biết tường tận công việc của nhau, các phát kiến vì thế sẽ có ảnh hưởng nhanh hơn.

Ngoài ra, mỗi nhóm đều có khả năng ra quyết định độc lập, không phụ thuộc phòng ban nào khác. Chẳng hạn nhóm bán sách có chỉ tiêu riêng và có quyền quyết định trong phạm vi của nhóm, nhóm bán giày cũng có mục tiêu cụ thể và các nhóm như vậy tự quyết định trong hầu hết mọi việc, hầu như không có lớp quản lý trung gian.

Sau cùng mới là yếu tố công nghệ. “Nếu một sản phẩm có công nghệ tuyệt đỉnh nhưng không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, không có thị trường thì cũng vô dụng”, Tiến sĩ Werner phát biểu. Đó là lý do các yếu tố sáng tạo, làm việc đội nhóm cần được triển khai trước đó. Phải có bản mô tả sản phẩm chi tiết, tự đặt bảng câu hỏi và trả lời cho sản phẩm,… trước khi bắt tay vào phát triển sản phẩm.

Một đội nhóm phải nhỏ để 2 bánh pizza là đủ ăn cho mọi người. Ảnh: Pexels.

Phá vỡ rào cản, chấp nhận sai lầm

Về công nghệ, các đội nhóm cần có không gian sáng tạo mở hoàn toàn, không có một giới hạn nào. Chẳng hạn, Amazon cho ra mắt Kindle Direct Publishing, một dịch vụ giúp người viết có thể tự xuất bản và bán tác phẩm của mình trên Amazon Kindle. Trong khi với phương thức xuất bản truyền thống, người viết phải đi tìm nhà xuất bản, được đồng ý mới có thể in và phát hành ra công chúng. Cách tự xuất bản sản phẩm trên Kindle phá vỡ các nguyên tắc và rào cản truyền thống.

Transformation Day nói về nhu cầu bức thiết của việc chuyển đổi số của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. AWS, đơn vị chủ trì sự kiện, là công ty con của Amazon, mang về lợi nhuận nhiều nhất cho cả tập đoàn, và là công ty cung cấp dịch vụ đám mây chiếm thị phần lớn nhất thế giới.

Trong thời đại Internet hiện nay, tất cả doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều cần chuyển đổi để phát triển. Trong đó, các dịch vụ trên nền tảng đám mây không thể thiếu.

Facebook, Spotify, Airbnb, Grab,… là những công ty đang tạo ra những ngành dịch vụ mới hoàn toàn trên toàn cầu, và đều không phải là những công ty lâu đời. Xương sống của những công ty này chính là đám mây, thiếu các dịch vụ và giải pháp về đám mây thì các công ty này không thể hoạt động.

“Amazon đều thử và sai, đồng thời học từ các sai lầm của công ty. Chúng tôi thử nhiều và sai nhiều, không thể đợi đến khi mọi thứ hoàn hảo 100% mới thực hiện được, vì khi đó đối thủ đã đi xa và bạn sẽ bị tụt hậu”, Phó chủ tịch công ty nghìn tỷ USD chia sẻ.

Dù vậy, theo ông Werner, phát triển nhanh nhưng cần phải tỉnh táo nhìn ra các sai lầm. Những sai lầm nào trả giá ít thì có thể thử, đồng thời giảm bớt chi phí trong những lần sai. Chỉ như vậy mới tìm ra được dịch vụ, sản phẩm đúng nhất.

Doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới tham dự sự kiện về đổi mới do AWS tổ chức tại Mỹ. Ảnh: H.Đ.

Mọi công ty đều có cơ hội như nhau thời Internet, kinh doanh không biên giới

Ông Werner cho rằng về phương diện Internet vật lý, các công ty nhỏ và lớn hiện nay đều có cơ hội như nhau, điều mà trước đây chưa từng có. Với việc cung cấp dịch vụ đám mây theo thời gian sử dụng, chỉ trả tiền cho những thứ mình dùng, các công ty nhỏ cũng có thể chi trả các giải pháp và nền tảng đám mây – giống với những thứ mà hiện các tập đoàn toàn cầu đang dùng. Các công ty không phải đầu tư máy chủ, trung tâm dữ liệu vật lý như trước đây và dễ dàng mở rộng quy mô hơn khi sử dụng nền tảng cloud.

Tại sao một thị trường nhỏ như Việt Nam lại được AWS quan tâm đến mức đích thân Phó chủ tịch Amazon đến tìm hiểu? Trả lời câu hỏi này, ông Werner cho rằng nhiều công ty khởi nghiệp hiện nay tại Việt Nam đều đang nhắm đến thị trường nước ngoài ngay từ đầu. Với đám mây, các công ty không có biên giới quốc gia, có thể cung cấp dịch vụ ra toàn thế giới, do đó thị trường không chỉ gói gọn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh, dự báo nằm trong các nền kinh tế lớn trong khu vực, do đó nhu cầu dùng các dịch vụ công nghệ thông tin sẽ rất lớn. Ngoài ra, kỹ sư Việt Nam được đào tạo bài bản, có tay nghề, do đó sẽ góp phần lớn đưa nền công nghệ trong nước mạnh lên.

Trong sự kiện này, công ty bóng đèn Điện Quang đã giới thiệu về những dịch vụ đám mây họ sử dụng. Công ty bắt đầu chú trọng phát triển đèn thông minh, các thiết bị dành cho nhà thông minh, IoT từ năm 2016, do đó đã chuyển đổi sang dùng dịch vụ đám mây từ thời điểm này.

“Nhiều startup Việt Nam ngay từ đầu đã chọn kinh doanh ở cả thị trường nước ngoài”, ông Werner nói. Ảnh: H.Đ.

Việc dùng trung tâm dữ liệu riêng, theo Điện Quang, có những hạn chế về bảo mật, nền tảng riêng nên không kết nối được với các sản phẩm công ty khác, khó mở rộng quy mô công ty. Sau khi dùng các dịch vụ đám mây, công ty cho biết giảm được 65% lực lượng lao động, tiết kiệm 80% chi phí đầu tư ban đầu, rút ngắn được khoảng 6 tháng trong việc tung sản phẩm ra thị trường.

Đại diện VPBank cũng trình bày sản phẩm Yolo, ứng dụng ngân hàng số tích hợp nhiều tiện ích khác như gọi xe taxi, gọi đồ ăn, mua vé máy bay,… mới ra mắt gần đây. Nền tảng đám mây chính là xương sống của ứng dụng này. Với việc dùng đám mây, VPBank đã phát triển sản phẩm và tung ra thị trường trong vòng 6 tháng, so với trước đây phải mất vài năm.

Chuyển đổi số (Digital Transformation) được nhắc đến nhiều thời gian gần đây, trong bối cảnh Internet phát triển vũ bão, nhiều dịch vụ và ngành nghề mới hoàn toàn được tung ra. Các công ty lớn không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải e dè những công ty khởi nghiệp vô danh ở bất kỳ đâu trên toàn cầu. Do đó, việc sử dụng những nền tảng tiên tiến hơn, như đám mây, là một trong những yếu tố quan trọng giúp các công ty cạnh tranh, phát triển trong giai đoạn này. Các công ty buộc phải chuyển đổi nếu không muốn bị tụt lại phía sau.

12 bài học từ Steve Jobs dành cho doanh nhân khởi nghiệp

Sự đơn giản và tập trung là hai trong số những yếu tố dẫn tới thành công của Steve Jobs – người đồng sáng lập Apple.

Dưới đây là những điều từ Steve Jobs mà giới doanh nhân khởi nghiệp có thể học hỏi, được tổng hợp từ cuốn tiểu sử Steve Jobs của tác giả nổi tiếng Walter Isaacson và đăng tải trên trang Tech In Asia.

1. Tập trung

Khi Steve Jobs trở lại Apple – công ty do ông sáng lập, vào năm 1997, công ty này đang sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi, gồm hàng chục phiên bản khác nhau của máy tính cá nhân Macintosh. Sau một vài tuần qua vài buổi xem xét lại các sản phẩm, Jobs nói với đội ngũ phát triển rằng chỉ cần tập trung vào 4 sản phẩm tốt nhất và hủy tất cả sản phẩm còn lại.

Tuy nhiên, chính việc đưa Apple chỉ tập trung vào sản xuất 4 dòng máy tính, Jobs đã cứu công ty này. “Quyết định không làm điều gì đó cũng quan trọng như quyết định làm vậy”, Jobs nói. “Điều này đúng với các công ty và đúng với các sản phẩm”.

Steve Jobs – người đồng sáng lập Apple. Ảnh: CNBC.

2. Đơn giản

Khả năng tập trung của Jobs đi kèm với bản năng đơn giản hóa mọi thứ bằng cách nhìn vào bản chất và loại bỏ những yếu tố không cần thiết. “Sự đơn giản là sự tinh tế tối thượng” chính là khẩu hiệu marketing đầu tiên của Apple.

Tình yêu dành cho sự tối giản trong thiết kế của ông được thể hiện ở các hội nghị thiết kế mà ông ông tham dự tại Viện Aspen và cuối những năm 1970, trên một khu vực được xây dựng theo phong cách Bauhaus – nhấn mạnh vào những đường nét dứt khoát và thiết kế không rườm rà để tránh sự xao nhãng.

3. Có trách nhiệm từ đầu tới cuối

Jobs biết rằng cách tốt nhất để đạt được sự tối giản là đảm bảo phần cứng, phầm mềm và thiết bị ngoại vi được tích hợp một cách liền mạch. Hệ sinh thái Apple – ví dụ như iPod kết nối với máy tính Mac với phần mềm iTunes – cho phép các thiết bị đơn giản hơn, đồng bộ được trơn tru hơn và ít gặp lỗi “sập” bất ngờ hơn.

Vì càng có nhiều nhiệm vụ phức tạp, ví dụ như tạo danh sách chạy nhạc mới có thể được thự hiện trên máy tính, nên iPod không cần có quá nhiều nút bấm trên thiết bị. Jobs cùng Apple đã có trách nhiệm từ đầu tới cuối trong trải nghiệm của người dùng – điều mà ít công ty làm được.

4. Khi bị tụt lại phía sau, hãy nhảy vọt

Dấu ấn của một công ty sáng tạo không chỉ là công ty đó có những ý tưởng mới trước tiên. Đó còn là những công ty biết cách nhảy vọt khi bị tụt lại phía sau. Điều này xảy ra khi Jobs phát triển chiếc iMac đầu tiên. Ông tập trung vào việc làm cho iMac hữu ích trong việc quản lý ảnh và video của người dùng, nhưng nó lại bị tụt hậu khi xử lý phần nhạc.

“Sự đơn giản là sự tinh tế tối thượng” chính là khẩu hiệu marketing đầu tiên của Apple.

Người dùng khi đó thường tải nhạc về rồi sau đó nén vào đĩa CD, trong khi đó ổ đĩa của iMac không thể ghi đĩa. “Tôi cảm thấy như một kẻ ngốc. Tôi nghĩ chúng tôi đã bỏ lỡ điều đó”, Jobs nói.

Tuy nhiên, thay vì đơn thuần bắt kịp xu hướng bằng việc nâng cấp ổ CD của iMac, Jobs quyết định tạo ra một hệ thống tích hợp mà sau đó làm thay đổi cả ngành công nghiệp âm nhạc. Kết quả của quyết định đó chính là sự kết hợp giữa iTunes, iTunes Store và iPod, cho phép người dùng mua, chia sẻ, quản lý, lưu trữ và chạy nhạc tốt hơn so với tất cả thiết bị khác.

Sau iPod thành công lớn, Jobs không dành nhiều thời gian để tận hưởng điều đó. Thay vào đó, ông bắt đầu lo về những thứ có thể gây nguy hại cho thiết bị này. Một nguy cơ là các nhà sản xuất điện thoại có thể bắt đầu thêm chức năng chạy nhạc vào thiết bị của mình. Vì vậy, Jobs quyết định “khai tử” iPod bằng việc tạo ra iPhone. “Nếu chúng ta không khai tử chính mình, người khác sẽ làm vậy”, Jobs nói.

5. Ưu tiên sản phẩm

Khi Jobs cùng một nhóm nhỏ thiết kế chiếc Macintosh đầu tiên vào đầu những năm 1980, yêu cầu của ông là phải tạo ra một sản phẩm “vô cùng tuyệt vời”. Ông không bao giờ nói về việc tối đa hóa lợi nhuận hay cắt giảm chi phí.

“Đừng lo lắng về giá cả, hãy định rõ năng lực của máy tính”, Jobs nói với trưởng nhóm khi đó. Châm ngôn của ông cho đội ngũ của mình là “đừng bao giờ thỏa hiệp”.

Chiếc Macintosh được tạo ra có chi phí quá cao và dẫn đến việc Jobs bị “hất cẳng” khỏi Apple. Tuy nhiên, chiếc Macintosh cũng “tạo nên sự khác biệt”, như Jobs nói, bằng việc thúc đẩy cuộc cách mạnh máy tính cá nhân. Và về lâu dài, Jobs đã hoàn toàn đúng: Tập trung vào việc tạo ra sản phẩm thật tốt và lợi nhuận sẽ theo sau.

6. Đừng trở thành nô lệ cho nhóm khách hàng mục tiêu

Khi Jobs cùng phát triển chiếc Macintosh đầu tiên, một thành viên trong nhóm đã hỏi rằng liệu họ có nên làm nghiên cứu thị trường để xem khách hàng muốn gì. “Không”, Jobs trả lời. “Bởi vì khách hàng không biết họ muốn gì cho đến khi chúng ta chỉ cho họ”.

Steve Jobs giới thiệu iPod lần đầu tiên vào năm 2001. Ảnh: Wired.

Ông nhắc lại lời của Henry Ford – người sáng lập hãng ôtô Ford Motor: “Nếu tôi hỏi khách hàng rằng họ muốn gì, họ sẽ nói muốn ‘một con ngựa nhanh hơn'”.

Quan tâm sâu sắc tới những điều khách hàng mong muốn hoàn toàn khác so với việc liên tục hỏi rằng họ muốn gì. Nó đòi hỏi bản năng và trực giác về những mong muốn còn chưa được hình thành của khách hàng.

7. Bẻ cong thực tại

Một khả năng nổi tiếng của Jobs là thúc đẩy nhân viên làm những điều tưởng như không thể. Một ngày Jobs ghé vào phòng của Larry Kenyon – kỹ sư phụ trách hệ điều hành của Macintosh và phàn nàn rằng máy tính này mất quá nhiều thời gian để khởi động.

Kenyon bắt đầu giải thích lý do vì sao giảm thời gian khởi động của máy là điều không thể, nhưng Jobs ngắt lời. “Nếu điều đó có thể cứu mạng người, liệu anh có thể tìm ra cách giảm 10 giây khởi động máy?, Jobs hỏi. Kenyon sau đó đáp rằng có thể.

Jobs nói rằng nếu 5 triệu người dùng Mac giảm được 10 giây khởi động máy mỗi ngày, tổng số thời gian tiết kiệm được sẽ là khoảng 300 triệu giờ mỗi năm. Vài tuần sau đó, Kenyon đã khiến máy tính khởi động nhanh hơn 28 giây.

8. Truyền tải giá trị vào mọi thứ công ty làm

Vào năm 1979, người cố vấn đầu tiên của Jobs – Mike Markkula gửi cho ông một bản nhắc nhở về 3 nguyên tác. 2 nguyên tắc đầu tiên chính là “sự cảm thông” và “sự tập trung”. Trong đó nguyên tắc thứ 3 là “impute” – được giải nghĩa trong cuốn sách viết về tiểu sử Markkula là truyền tải giá trị vào mọi thứ công ty làm.

“Bởi vì khách hàng không biết họ muốn gì cho đến khi chúng ta chỉ cho họ.”

Điều này trở thành một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà Jobs luôn tâm niệm. Ông biết rằng mọi người hình thành quan điểm về một sản phẩm hay một công ty dựa trên bề ngoài hay đóng gói sản phẩm. “Mike đã dạy tôi rằng người ta đánh giá một cuốn sách qua bìa của nó”, Jobs nói.

Năm 1984, khi chuẩn bị giao máy tính Macintosh tới tay khách hàng, Jobs bị ám ảnh bởi màu sắc và thiết kế của vỏ hộp. Do đó, ông đích thân dành thời gian thiết kế lại vỏ hộp giống như đựng đồ trang sức, mà sau này dùng cho cả iPod và iPhone. Jobs đã đăng ký bằng sáng chế với các thiết kế này.

9. Thúc đẩy tiến tới sự hoàn hảo

Trong quá trình phát triển hầu hết sản phẩm, Jobs nhiều lần dừng lại và xem xét bởi ông cảm thấy nó chưa hoàn hảo.

iPhone là một ví dụ. Thiết kế ban đầu của iPhone là màn hình kính trên vỏ nhôm. Một buổi sáng, Jobs tới gặp Jonathan Ive – hiện là giám đốc thiết kế của Apple và nói: “Đêm qua tôi không ngủ được vì tôi nhận ra rằng mình không thích nó”. Ive lập tức nhận thấy rằng Jobs đã đúng.

“Các bạn đã dành 9 tháng qua cho thiết kế này, nhưng chúng ta sẽ thay đổi nó”, Jobs nói với nhóm của Ive. “Chúng ta sẽ phải làm việc cả ngày lẫn đêm, cả cuối tuần”.

Thay vì phàn nàn, đội ngũ phát triển đã đồng ý. “Đó là một trong những khoảnh khắc tự hào nhất của tôi tại Apple”, Jobs nhớ lại. Điều tương tự cũng xảy ra khi Jobs và Ive hoàn tất thiết kế của iPad.

10. Làm việc với những người tốt nhất

Jobs nổi tiếng là người thiếu kiên nhẫn, nóng nảy và khắc nghiệt với những người xung quanh mình. Tuy nhiên, cách xử sự đó của ông xuất phát từ niềm đam mê với sự hoàn toàn và mong muốn chỉ làm việc với những người tốt nhất.

Steve Jobs (giữa) tại sự kiện ra mắt Macintosh mới vào năm 1984. Ảnh: ABC.

“Tôi nghĩ mình không thô lỗ với mọi người. Nhưng nếu có vấn đề, tôi sẽ nói thẳng vào mặt họ. Việc của tôi là phải trung thực”, Jobs nói.

11. Khuyến khích tương tác trực tiếp

Dù làm việc trong thế giới số, Jobs đặc biệt khuyến khích những cuộc họp trực tiếp. “Trong kỷ nguyên kết nối mạng của chúng ta, mọi người thường nghĩ rằng những ý tưởng có thể được phát triển qua email hoặc iChat”, Jobs nói. “Điều đó thật điên rồ. Sự sáng tạo đến từ những cuộc họp tự phát, hay những cuộc thảo luận ngẫu hứng”.

12. Nắm rõ cả bức tranh lớn lẫn các chi tiết

Một số CEO giỏi về tầm nhìn, một số khác lại quản lý tốt về chi tiết. Còn Jobs giỏi cả hai. CEO Jeff Bewkes của Time Warner từng nói rằng một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Jobs là khả năng cũng như mong muốn vừa đưa ra được chiến lược bao quát vừa tập trung vào những chi tiết nhỏ nhất của thiết kế.

Ví dụ, năm 2000, ông nảy ra ý tưởng về máy tính cá nhân trở thành trung khu quản lý tất cả nhạc, video, hình ảnh và nội dung của người dùng. Từ đó, ông đưa Apple vào mảng kinh doanh thiết bị cá nhân với iPod và sau đó là iPad.

 

Cách trí tuệ nhân tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh số

Với sự phát triển mạnh của công nghệ và các kênh truyền thông, ngày nay các doanh nghiệp đang đứng trước một thử thách rất lớn khi phải xử lý một khối lượng dữ liệu khổng lồ về hành vi của khách hàng đến từ nhiều kênh truyền thông khác nhau.

Ngày nay, những công ty lớn như Amazon, Facebook, Google đang là những công ty dẫn đầu thế giới về việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligent) vào trong công việc kinh doanh. Điều này giúp họ lôi cuốn được khách hàng với những chương trình marketing có tính chất cá nhân hóa cao, đánh đúng vào từng nhóm khách hàng mục tiêu, qua đó giúp họ luôn dẫn đầu ngành.

Không chỉ những công ty lớn và có thế mạnh về công nghệ nói trên mới áp dụng AI vào trong công việc kinh doanh, mà những công ty nhỏ hơn, ít tên tuổi hơn, không chuyên về công nghệ như Harley Davidson – một công ty sản xuất xe mô tô phân khối lớn của Mỹ – cũng có thể áp dụng dễ dàng. Cụ thể, một đại lý của Harley Davidson tại New York (Mỹ) đã áp dụng AI để giúp doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng lên 300% chỉ sau một năm áp dụng.

Những nhược điểm của cách làm marketing truyền thống

Theo cách truyền thống thì những nhà marketing thường xây dựng chân dung khách hàng – dựa trên số liệu về hành vi của những khách hàng cũ – để định hướng tìm kiếm những khách hàng mới. Những đặc điểm điển hình của mẫu khách hàng này được tạo ra dựa trên một phần từ những số liệu của những khách hàng trước đó, một phần từ sự suy đoán, một phần từ sự cảm nhận và một phần từ vốn kinh nghiệm của chính người làm marketing. Những nhà marketing này lại tiếp tục xây dựng các chương trình marketing dựa theo chân dung khách hàng đã xây dựng ra để tiếp cận đến đối tượng khách hàng tiềm năng.

Tuy nhiên, cách làm trên có hai nhược điểm lớn. Thứ nhất, người làm marketing không thể xử lý hết một khối lượng lớn dữ liệu của các khách hàng cũ, dẫn đến việc thiếu sót trong việc nhận diện các nhóm khách hàng tiềm năng. Thứ hai, kết quả phân tích thường có độ chính xác thấp và mức độ tin cậy thấp do có sự ảnh hưởng bởi những nhận định chủ quan và kinh nghiệm cá nhân.

Với sự phát triển mạnh của công nghệ và các kênh truyền thông, ngày nay các doanh nghiệp đang đứng trước một thử thách rất lớn khi phải xử lý một khối lượng dữ liệu khổng lồ về hành vi của khách hàng đến từ nhiều kênh truyền thông khác nhau, như trang web, e-mail, SMS, Facebook, Instagram, Google search, YouTube…, để thực sự thấu hiểu khách hàng. Trong khi đó, con người dù có được sự trợ giúp của những công cụ kỹ thuật và các phương pháp quản trị marketing hiện đại đi chăng nữa thì cũng chỉ có thể quản lý và phân tích được một phần số lượng dữ liệu khách hàng hữu hạn.

Những ưu điểm của việc sử dụng AI vào marketing

Để khắc phục những điểm còn hạn chế đó, con người đã tạo ra hệ thống AI và đem ứng dụng vào marketing. Hệ thống AI có thể xử lý hàng triệu tương tác trong 1 phút, quản lý hàng trăm ngàn từ khóa và chạy các thử nghiệm với hàng ngàn thông điệp cùng những thay đổi thử nghiệm để có thể đưa ra được những kết quả tối ưu.

Các hệ thống AI không cần phải tạo ra chân dung khách hàng, chúng tìm kiếm những khách hàng thực sự trên thị trường bằng cách xác định những hành vi nào của người tiêu dùng cho biết họ là khách hàng tiềm năng nhất thông qua việc phân tích các hành vi của những khách hàng cũ từ một bộ cơ sở dữ liệu được lưu giữ từ nhiều nguồn khác nhau. Sau đó, hệ thống AI sẽ xác định ra một nhóm khách hàng nhỏ và chạy những thử nghiệm các thông điệp truyền thông về sản phẩm ở từng kênh để tìm ra điều gì là hiệu quả giúp làm tăng tỷ lệ khách hàng mua sản phẩm.

Các hệ thống AI không cần phải tạo ra chân dung khách hàng, chúng tìm kiếm những khách hàng thực sự trên thị trường.

Để xác định điều gì là có hiệu quả, điều gì không, hệ thống AI chỉ dựa vào việc đánh giá kết quả, thông qua việc đặt những nghi vấn và thử nghiệm những nghi vấn này. Ngoài ra, hệ thống AI còn có thể tính toán và xác định chính xác một doanh nghiệp cần chi bao nhiêu tiền, chi vào kênh truyền thông nào để có thể đem lại kết quả tốt nhất.

Ưu điểm vượt trội nhất của hệ thống AI đó là khả năng tự học hỏi và cải tiến liên tục thông qua quá trình thử nghiệm và đánh giá kết quả, điều này giúp hệ thống ngày càng thông minh hơn, chính xác hơn và giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Cách hệ thống AI giúp doanh nghiệp tăng doanh số

Trước khi sử dụng Albert – một nền tảng marketing sử dụng AI, một đại lý của hãng xe Harley Davidson ở New York (Mỹ) chỉ bán được trung bình khoảng một đến hai chiếc mô tô mỗi tuần. Nhưng sau khi được áp dụng một tuần, Albert đã giúp đại lý này bán được 15 chiếc, số lượng người gọi điện hỏi sản phẩm đã tăng từ một người mỗi ngày lên 40 người. Sau ba tháng sử dụng Albert, số lượng người gọi điện để hỏi về sản phẩm đã tăng lên 2.930%. Nhờ có Albert, đại lý đã có doanh thu năm 2016 tăng 300% so với doanh thu năm 2015.

Vị giám đốc của đại lý này đã dự đoán rằng khách hàng tiềm năng chỉ chiếm khoảng 2% dân số của New York, nhưng Albert đã chỉ ra rằng lượng khách hàng tiềm năng còn nhiều hơn số khách hàng mục tiêu mà vị giám đốc có thể nghĩ tới. Sau khi được cung cấp những thông tin đầu vào gồm có các tiêu đề, hình ảnh và các chỉ số mục tiêu cần đạt được, Albert bắt đầu phân tích các dữ liệu của những khách hàng hiện tại từ hệ thống quản lý khách hàng (CRM- Customer Relationship Management) để xác định ra những đặc điểm và hành vi của những khách hàng đem lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp. Albert sẽ sử dụng thông tin này để xác định ra một nhóm khách hàng nhỏ để hệ thống chạy các chương trình thử nghiệm trước khi áp dụng rộng ra. Albert sau đó sẽ sử dụng những dữ liệu thu thập được từ những chương trình thử nghiệm để đưa ra những cách kết hợp các tiêu đề, hình ảnh và hàng ngàn biến số khác một cách tối ưu cho những phân khúc khách hàng khác nhau ở các kênh truyền thông khác nhau. Một khi đã xác định được cái gì hiệu quả cái gì không hiệu quả, nó sẽ tự động phân bổ ngân sách cho từng kênh, đưa ra những đề xuất về nội dung marketing phù hợp. Ví dụ, Albert đã phát hiện ra rằng những dòng quảng cáo có chữ “Call” – trong tiêu đề “Don’t miss out on a pre-owned Harley with a great price! Call now!” thu hút khách hàng tốt hơn 447% so với dòng quảng cáo dùng chữ “Buy” – trong tiêu đề “Buy a pre-owned Harley from our store now!”. Ngay lập tức, Albert đã thay đổi từ “Buy” bằng từ “Call” ở tất cả các kênh truyền thông và đã đem lại hiệu quả tức thì.

Không chỉ những công ty lớn và có thế mạnh về công nghệ mới áp dụng AI vào trong công việc kinh doanh, mà những công ty nhỏ hơn, ít tên tuổi hơn, không chuyên về công nghệ cũng có thể áp dụng dễ dàng.

Cơ hội áp dụng

Hiện tại đã có những công ty công nghệ như IBM, Salesforce, Albert Technologies… đang làm ra những phần mềm AI marketing giúp cho doanh nghiệp dễ sử dụng (không cần phải thuê chuyên gia phân tích dữ liệu để vận hành công cụ và phân tích kết quả), với chi phí phù hợp được tính theo mức độ sử dụng. Nhờ vậy, cơ hội được áp dụng công nghệ AI vào kinh doanh được mở ra cho tất cả các doanh nghiệp.

Cách tốt nhất để áp dụng là doanh nghiệp chạy thử nghiệm ở một phạm vi nhỏ như cho một vùng địa lý, cho một thương hiệu hay cho một kênh bán hàng. Sau đó, doanh nghiệp đánh giá hiệu quả trước khi mở rộng áp dụng cho toàn bộ. Nếu doanh nghiệp nào đã đầu tư nhiều vào marketing mà kết quả doanh số mang lại không như mong đợi, rất có thể đã đến lúc doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ AI để tạo ra những bước tăng trưởng thần kỳ mà trước đây chưa bao giờ đạt đến.

Triệu phú tuổi 28: Khởi nghiệp là con đường cô độc, nếu muốn thành công, bạn buộc phải làm quen với nó.

Từng sống một cuộc đời nay đây mai đó và phải làm đủ thứ nghề trước khi trở nên giàu có, triệu phú trẻ Jeremy Adams chia sẻ rằng, khởi nghiệp kinh doanh là con đường cô độc; nếu muốn thành công, bạn bắt buộc phải làm quen với nó.

Vốn có tuổi thơ khó khăn và phải sống hôm nay chỗ này, ngày mai chỗ khác trong căn nhà lưu động của gia đình, ngay từ thời thiếu niên, Jeremy Adams đã ấp ủ giấc mơ thoát nghèo cùng khát khao vươn lên trong cuộc sống. Ra đời và tập tành kinh doanh từ sớm, chàng doanh nhân trẻ đã trải qua vô số công việc, như làm vườn cho hàng xóm, phục vụ bàn, chép CD v.v. trước khi lần đầu khởi nghiệp thực sự ở tuổi 22 với dự án xe tải bán thức ăn lưu động mang tên Prestige Food Trucks.

Sau vài tháng triển khai, startup của Adams đã thu hút được sự chú ý từ Kevin Harrington – một doanh nhân, triệu phú và nhà đầu tư từng tham gia chương trình Shark Tank. Cũng từ cuộc gặp gỡ định mệnh này, mà con đường lập thân, lập nghiệp của Adams đã bước sang một trang mới. Đồng thời, nó cũng là tiền đề cho sự hợp tác thành lập một startup về marketing sau này giữa Adams và Harrington.

Từ đó đến nay, trong chưa tới 10 năm, Adams giờ đã là một doanh nhân thành đạt với danh mục quản lý đầu tư trị giá hàng triệu USD, bao gồm cả công ty mới nhất của anh – Unicorn Innovations. Theo người phát ngôn của chàng doanh nhân 28 tuổi, bản thân Adams đã là một triệu phú và anh còn may mắn được Forbes liệt kê vào danh sách 30 Under 30 năm 2018.

Chia sẻ với CNBC về những kinh nghiệm xương máu đã đúc kết trong suốt cuộc hành trình, Adams cho biết, có 8 bài học khởi nghiệp đã giúp anh vươn đến thành công như ngày hôm nay.

1. Học cách làm quen với sự cô độc

Có thể nói, khởi nghiệp kinh doanh là con đường của sự cô độc. Thời gian làm việc kéo dài, thử thách, vấp ngã kèm theo việc thường xuyên phải làm việc một mình là những gì mà bạn chắc chắn sẽ phải đối mặt và làm quen. Dẫu rằng, việc dành thời gian để duy trì các mối quan hệ ngoài xã hội và quan tâm đến những chủ đề khác ngoài kinh doanh cũng quan trọng, song một người doanh nhân cần thiết phải học cách làm quen với sự cô đơn nhất thời nếu muốn gặt hái thành quả sau này.

Adams chia sẻ: “Đối với một người khởi nghiệp kinh doanh, thì việc phải gác lại nhiều kế hoạch hay làm việc không nghỉ ngơi vào mỗi cuối tuần là những chuyện thường xuyên sẽ xảy ra. Nếu bạn muốn hoàn thành mục tiêu, bạn phải chấp nhận đánh đổi. Và, sự đánh đổi này có thể sẽ mang đến sự cô đơn trong một khoảng thời gian; thế nhưng, sẽ luôn có ánh sáng ở phía cuối con đường. Muốn có trớn leo lên nơi cao thì buộc chúng ta phải thả dốc, lúc nào cũng là như thế cả”.

2. Đôi khi, gia đình và bạn bè sẽ là những bạn đồng hành tuyệt vời, song thường sẽ là những kẻ thù đáng sợ nhất

Mặc dù bạn bè và người thân thường là những người luôn mong muốn điều tốt đẹp nhất dành cho bạn, lời khuyên của họ có thể trở thành một vật cản lớn, nhất là khi đôi bên không cùng chung tư tưởng. Adams nhấn mạnh: “Lý do top 1% những người giàu có và thành công nhất thế giới vươn tới vị trí 1% là vì họ tư duy và hành động hoàn toàn khác so với số đông 99% còn lại. Hãy tiếp thu lời khuyên từ gia đình cũng như bạn bè, nhưng hãy suy xét chúng và đi theo những gì mà con tim mách bảo, kể cả khi con đường bạn chọn có khác so với những gì mà gia đình đã cố công sắp đặt. Sau này, bạn sẽ cảm thấy sự lựa chọn của mình là hoàn toàn xứng đáng”.

3. Tất thảy chúng ta đều phải đối mặt với thử thách

Rất dễ để chúng ta nghĩ rằng, những người thành công là các cá nhân đã thấu suốt hết tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Song, trên thực tế, tất thảy mọi người mà không loại trừ bất cứ cá nhân nào, đều phải đối mặt với những thử thách giống nhau liên quan đến sự nghiệp, tài chính và các mối quan hệ v.v..

Để không cảm thấy bị áp lực từ thành công của người khác, hãy ngừng việc so sánh bản thân bạn với họ. Thay vào đó, hãy “so sánh bạn của ngày hôm nay với chính bạn của ngày hôm qua” – Adams trẻ chia sẻ, trích dẫn nội dung từ quyển sách gối đầu giường của mình mang tên 12 Rules For Life (12 Nguyên tắc Cuộc sống).

4. Chủ động xin giúp đỡ

Đừng ngại việc mở lời để tham khảo ý kiến từ người khác, đặc biệt là đối với những người sở hữu chuyên môn trong lĩnh vực mà bạn không thông thạo. Điều này cực kỳ quan trọng đối với những vấn đề đòi hỏi sự hiểu biết chuyên sâu mà một ví dụ điển hình là thuế. Những vấn đề này, nếu không được xử lý đúng đắn, có thể gây nhức nhối cho doanh nghiệp, Adams nói.

5. Mạnh dạn hợp tác hoặc chi mạnh tay để tuyển người tài

Trong những ngày đầu hoạt động, doanh nghiệp thường có khuynh hướng giữ chi phí ở mức thấp, kể cả chi phí dành cho thuê mướn nhân sự. Tuy nhiên, sự tiết kiệm này lại thường có tác dụng ngược, gây ảnh hưởng không tốt đến tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Thay vì thuê nhân viên giá rẻ để tiết kiệm, hãy mạnh tay trong việc tuyển mộ người tài, kể cả khi điều này đồng nghĩa với việc cắt giảm số lượng thành viên trong cả đội và chi nhiều tiền hơn. Người tài, theo lời của Adams, là những cá nhân sở hữu đam mê trong công việc và có định hướng sự nghiệp rõ ràng.

Vị triệu phú trẻ khẳng định: “Tôi đã nhận ra việc tuyển dụng nhân sự giá rẻ khiến bản thân phải trả giá bằng những cơn đau đầu dai dẳng và đánh mất nhiều cơ hội quý giá như thế nào. Nếu được quay trở lại, tôi sẽ sẵn sàng nhận lương ít hơn 1.000 USD mỗi tháng để tuyển được người phù hợp”.

6. Hãy gạt bỏ cái tôi của bản thân

Đam mê, đáng buồn thay, có thể che khuất tầm nhìn của bạn, nhất trong điều hành công việc kinh doanh. Thế nên, việc lắng nghe ý kiến, nhận sự giúp đỡ từ người khác và gạt bỏ cái tôi của bản thân là cực kỳ quan trọng. Với Adams, bài học xương máu này đến từ một cột mốc quan trọng, khi startup xe tải thức ăn lưu động của anh sáp nhập vào đối thủ lớn nhất của mình. Ở tuổi 27, chàng doanh nhân trẻ vô cùng háo hức với vị trí CEO, song cuối cùng đã bị buộc phải nhường lại chiếc ghế đó cho người cộng sự của mình – một CEO từng điều hành chuỗi 3.000 cửa hàng sữa chua đông lạnh thương hiệu TCBY.

“Hãy để những người thông minh hơn bạn làm những điều mà họ giỏi nhất. Đáng lý ra, tôi phải van nài người cộng sự của mình làm CEO mới là phải đạo”, Adams nói.

7. Tập trung vào một mục tiêu

Với quá nhiều ý tưởng trong đầu, hầu hết các nhà khởi nghiệp dễ rơi vào tình trạng cả thèm chóng chán, ngày hôm nay còn theo đuổi ý tưởng này nhưng ngày mai đã theo đuổi ý tưởng khác. Thay vì liên tục thay đổi ý tưởng, bạn nên tập trung hoàn thành xuất sắc một mục tiêu duy nhất rồi mới chuyển sang cái khác.

8. Không ngừng thúc đẩy bản thân

Cuối cùng, chàng doanh nhân trẻ khuyên, nếu muốn thành công, phải không ngừng phát triển bản thân. Adams thừa nhận sức học của mình chỉ ở mức trung bình, nhưng kể từ khi bắt đầu tập tành kinh doanh, chàng triệu phú trẻ đặc biệt yêu thích việc học. Cụ thể, trong suốt 3 năm qua, anh đã đọc hơn 1.000 quyển sách và làm việc với vô số chuyên gia cố vấn. “Dù việc học là khoản đầu tư tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc, nhưng nó chắc chắn là khoản đầu tư có lãi nhất mà tôi từng thực hiện. Và, các bạn biết đấy, tôi vẫn mình chỉ mới đạt được 1% hình mẫu mà tôi muốn trở thành thôi”, Adams nói.