Author Archives: Hung Dao

Lời khuyên đắt giá của tỷ phú Bill Gates về việc “chọn bạn mà chơi”

Mặc dù nghỉ đại học để khởi nghiệp thành công, song tỷ phú Bill Gates vẫn thừa nhận rằng, việc học đại học sẽ dẫn tới một con đường thành công hơn nhiều. Đặc biệt, ông khuyên các sinh viên hãy biết “chọn bạn mà chơi”.

Lời khuyên đắt giá của tỷ phú Bill Gates về việc "chọn bạn mà chơi"

Tỷ phú Bill Gates là người đã từ bỏ trường đại học Harvard danh tiếng để lựa chọn con đường khởi nghiệp khó khăn hơn. Mặc dù không học đại học, song Gates vẫn nổi tiếng là người có nỗ lực học tập suốt đời và ông còn cho rằng, mọi người trẻ đều nên ghi danh vào các trường đại học.

Vào năm 2015, ông đã viết trên blog của mình rằng: “Mặc dù tôi bỏ học đại học và may mắn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực phần mềm, nhưng việc đi học và tốt nghiệp cũng có thể dẫn tới một con đường thành công”.

“Sinh viên tốt nghiệp đại học có nhiều khả năng tìm được việc làm xứng đáng hơn, kiếm được thu nhập cao hơn, và thậm chí, tấm bằng đại học là minh chứng cho thấy họ sở hữu một cuộc sống lành mạnh, ổn định hơn so với những người không có bằng cấp. Họ là những người trực tiếp mang kỹ năng và sự chuyên nghiệp vào lực lượng lao động của nước Mỹ, giúp nền kinh tế phát triển và tăng khả năng cạnh tranh. Và, điều đó có lợi cho tất cả mọi người”, Gates viết.

Đồng thời, tỷ phú Bill Gates cũng có một số lời khuyên cho những người trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường: Hãy chọn bạn bè một cách cẩn thận và tôn trọng tính đa dạng. Ông khẳng định: “Bạn càng sớm đạt được 2 điều này, cuộc sống của bạn sẽ càng trở nên phong phú.”

1. Hãy lựa chọn bạn bè cẩn thận

“Bạn nên tiếp xúc và kết giao với những người dám thách thức bạn, có thể dạy bạn và thúc đẩy bạn. Bởi vì họ sẽ giúp bạn trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân”, Gates chia sẻ.

Lời khuyên đó của Gates cũng là điều mà tỷ phú Warren Buffett rất ủng hộ. Trong một cuộc trò chuyện với sinh viên Đại học Columbia cùng với Gates vào năm 2017, Buffett nói: “Bạn sẽ bước đi cùng hướng của những người mà bạn kết giao. Vì vậy, điều quan trọng là phải chọn bạn mà chơi, hãy tìm đến những người tốt hơn mình và những mẫu người mà bạn muốn trở thành để kết giao.”

2. Tôn trọng sự đa dạng

“Việc học hỏi giúp chúng ta tôn trọng sự khác biệt cũng như phát hiện ra tài năng của người khác”, Gates chia sẻ trên Instagram. Đây cũng là điều mà ông tự rút ra được sau nhiều năm xây dựng sự nghiệp.

Ví dụ, trí thông minh cũng có rất nhiều hình thức khác nhau chứ không đơn thuần là chỉ số IQ. Và, bản thân sự thông minh thiên bẩm cũng không quan trọng như chúng ta từng nghĩ. Vào tháng Hai, Bill và Melinda Gates đã nói chuyện với nhà soạn nhạc “Hamilton” Lin-Manuel Miranda tại trường Hunter College ở Manhattan, New York. Trong cuộc trò chuyện đó, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã hỏi ông một câu: “Nếu có thể quay ngược thời gian và đưa ra một lời khuyên cho Bill Gates thời trẻ, ông sẽ nói điều gì?”

Đáp lại, Gates nói, ông ước giá như mình hiểu rõ hơn về giá trị của các loại hình thông minh khác nhau. Người đồng sáng lập Microsoft thừa nhận rằng: “Tôi đã từng rất ngây thơ khi nghĩ về các kỹ năng khác nhau. Tôi cũng từng cho rằng nếu ai đó có chỉ số IQ cao, thì đồng nghĩa với việc họ có thể giỏi mọi thứ. Và, ý tưởng rằng bạn cần vận dụng nhiều loại kỹ năng khác nhau trong cuộc sống luôn khiến tôi ngạc nhiên cho đến mãi sau này. Tôi ước tôi biết điều đó sớm hơn”.

Từ vụ thâu tóm Whole Foods, nhìn lại chiến lược của Amazon

Nếu bạn không nắm được mục tiêu của một công ty sẽ rất khó để bạn biết được các chiến lược và chiến thuật của họ. Càng khó khăn hơn khi phần lớn các công ty, đặc biệt là các công ty có tham vọng lớn thường không có mục tiêu cố định mà sẽ thay đổi tùy vào tốc độ phát triển của họ.

Quay về năm 2006 khi việc ra mắt dòng iPhone đầu tiên vẫn chỉ là tin đồn, Giám đốc điều hành (CEO) của Palm – công ty sản xuất điện thoại nổi tiếng tại thời điểm đó – ông Ed Colligan được hỏi liệu ông có lo ngại về sự xuất hiện của iPhone không? Lúc ấy, Colligan đã trả lời tự tin rằng “Chúng tôi đã dành nhiều năm để phát triển một chiếc điện thoại tốt, tinh tế. Những gã chuyên sản xuất các thiết bị điện tử sẽ khó có thể nắm được những bí quyết đó và khó có khả năng trụ vững ở thị trường điện thoại”. Ông Colligan còn phân tích thêm rằng nếu công ty của Steve Jobs đưa ra thị trường một chiếc điện thoại thì khả năng cao sản phẩm này sẽ tương tự iPod, sử dụng mạng WiFi, được phân phối qua các cửa hàng của Apple và không sử dụng dịch vụ của các nhà mạng viễn thông như Verizon hay Cingular.

Nay, việc Amazon thâu tóm Whole Foods với giá 13,7 tỉ USD khiến tôi nhớ lại những phát biểu đầy tự tin của ông Colligan về iPhone năm ấy. Hai năm trước, nhà sáng lập kiêm CEO của Whole Foods – John Mackey đã dự đoán việc lấn sân sang ngành hàng tiêu dùng sẽ là một thất bại của Amazon. Tuy nhiên sau này ông Mackey và ông Colligan đều ngậm ngùi vì những phát biểu vội vàng của mình khi Apple đã bỏ xa Palm từ những ngày đầu tiên ra mắt và hiện tại Amazon đã thâu tóm toàn bộ Whole Foods.

Ảnh: ABC.

Không chỉ trùng hợp khi có những nhận định quá vội vàng, mà cả Colligan và Mackey đều cùng mắc một sai lầm nghiêm trọng: họ đánh giá sai các mục tiêu, chiến lược và chiến thuật của đối thủ. Điều này dễ dàng nhận thấy qua trường hợp của Colligan và iPhone: mục tiêu của Apple không phải là sản xuất điện thoại mà là sản xuất một chiếc máy tính cá nhân siêu nhỏ; chiến lược của họ không phải là thêm tính năng vào một chiếc điện thoại mà là giảm vai trò của việc nghe gọi chỉ là một app nhỏ trong chiếc máy tính đó; và chiến thuật của họ không phải là đối đầu với các nhà mạng mà là tận dụng lượng khách hàng sẵn có của Apple để tạo ra giá trị cũng như ảnh hưởng lên các nhà mạng.

Với trường hợp của Amazon và Whole Foods, mục tiêu và chiến lược của Amazon có phần khó đoán hơn. Trong khi iPhone có lẽ đã trở thành sản phẩm công nghệ thành công nhất mọi thời đại, Amazon và Jeff Bazos – CEO của Amazon – đặt ra tầm nhìn và nhiệm vụ là trở thành công ty thống lĩnh mọi mặt trận kinh doanh từ online đến offline. Nếu dựa trên mục tiêu này thì việc Amazon mua lại Whole Food là điều có thể hiểu được.

Mục tiêu của Amazon

Nếu bạn không nắm được mục tiêu của một công ty sẽ rất khó để bạn biết được các chiến lược và chiến thuật của họ. Càng khó khăn hơn khi phần lớn các công ty, đặc biệt là các công ty có tham vọng lớn thường không có mục tiêu cố định mà sẽ thay đổi tùy vào tốc độ phát triển của họ. Có thể thấy điều này qua sự thay đổi mục tiêu của Amazon theo thời gian. Đầu tiên vào năm 1997, trong báo cáo thường niên công bố trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq, mục tiêu của Amazon là:

“Trở thành nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu về các sản phẩm và dịch vụ thông tin, cụ thể là một số loại nội dung sở hữu trí tuệ được lưu trữ ở định dạng kĩ thuật số như e-book, bản PDF, bản ghi âm, video… phù hợp để bán trên Internet. Trọng tâm Amazon sẽ tập trung chủ yếu vào sách.”

Kể cả khi bạn nhận ra được rằng sách và các sản phẩm thông tin chỉ là bước khởi đầu (điều mà hầu hết mọi người không nhận ra tại thời điểm đó) thì cũng khó để tưởng tượng được tốc độ phát triển và mở rộng nhanh chóng của Amazon.com khi chỉ một vài năm sau Amazon đã cập nhật sứ mệnh mới của công ty. Sứ mệnh này cho thấy tham vọng thực sự của họ đối với ngành thương mại điện tử: “Sứ mệnh của chúng tôi là trở thành công ty hàng đầu thế giới về việc lấy khách hàng làm trọng tâm; xây dựng nên một hệ thống mà khách hàng có thể tìm mua bất cứ thứ gì họ muốn trên online”.

“Mua bất kì thứ gì khách hàng muốn” là một phạm vi khá rộng. Tuy nhiên, sự ra đời của Amazon Web Services (AWS) – nền tảng dịch vụ đám mây an toàn, mang đến khả năng tính toán, lưu trữ cơ sở dữ liệu, phân phối nội dung và các chức năng khác nhằm giúp các doanh nghiệp mở rộng và phát triển – đã chứng minh Amazon hoàn toàn có thể cung cấp cho khách hàng “bất kì thứ gì họ muốn”. Do đó, một vài năm trước, mục tiêu của công ty này chỉ còn lại mệnh đề đầu tiên: chúng tôi đang tìm cách để trở thành công ty hàng đầu thế giới về việc lấy khách hàng làm trọng tâm. Từ sự chỉnh sửa mục tiêu của Amazon có thể thấy được rằng thị trường công ty này hướng tới là toàn thế giới và không còn bó hẹp trong lĩnh vực thương mại điện tử. Cụ thể hơn, mục tiêu của Amazon là có mặt trong tất cả các loại hoạt động kinh tế.

Từ đó, có thể thấy sai lầm của Mackey xuất phát từ việc không nắm rõ được mục tiêu của đối thủ: trong khi ông hiểu được rằng Amazon sẽ tìm đủ mọi cách để thành công với ngành hàng tiêu dùng – chiếm đến 20% lượng chi tiêu của người tiêu dùng – nhưng phán đoán của ông chỉ dừng lại ở việc các nỗ lực của Amazon sẽ giới hạn trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy nhiên, thương mại điện tử thực chất chỉ là một chiến thuật. Khi đối chiếu với cách tiếp cận hiện tại của Amazon có thể thấy thương mại điện tử không phải là chiến lược của họ.

Chiến lược của Amazon

Đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là “có mặt trong tất cả các hoạt động kinh tế” dẫn đến việc Amazon có vài chiến lược khác nhau để thực hiện điều này.

Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, sản phẩm chiến lược là AWS: nếu việc thực hiện các hoạt động kinh doanh trực tuyến dựa trên thuật toán đám mây là lựa chọn tốt và các công ty sẽ sớm chuyển sang hình thức này thì AWS sẽ là nơi thích hợp để Amazon tham gia vào tất cả các hoạt động kinh tế.

Về phía người tiêu dùng, sản phẩm chiến lược là Amazon Prime – gói dịch vụ nâng cấp thành viên với mức phí 99USD/năm hoặc 10.99USD/tháng cho gói dịch vụ Vip. Từ trước đến nay, Amazon luôn theo đuổi chiến lược áp đảo (dominant strategy) trong ngành hàng bán lẻ với 2 tiêu chí: giá ưu đãi và mặt hàng đa dạng. Tuy nhiên rất khó để có thể nổi bật và đứng vững trong thị trường chỉ với hai ưu thế trên khi các đối thủ cạnh tranh cũng dần theo kịp được tốc độ của họ.

Do đó sự xuất hiện của Prime là điểm sáng của Amazon. Nhờ vào độ tin cậy và thuận tiện của dịch vụ (hai ngày vận chuyển, thậm chí đôi khi nhanh hơn!) cùng với sự mềm lòng của người tiêu dùng khi cân nhắc đến chi phí chìm. Chí phí chìm (sunk cost) là chi phí bỏ ra và không thu hồi lại được, trong trường hợp của Prime thì phí nâng cấp 99 USD/năm chính là chi phí chìm. Vì bạn đã bỏ ra 99 USD để sử dụng dịch vụ trong một năm, nên không có lý do gì để bạn lựa chọn một nhà cung cấp khác ngoài Amazon cả. Có thể nói, Prime chính là “hàng rào” bảo vệ các sản phẩm tiêu dùng của Amazon trước sự cạnh tranh của thị trường. Giờ đây, người tiêu dùng lựa chọn Amazon không chỉ vì giá cả mà còn vì sự tiện ích của các dịch vụ hỗ trợ như Prime mang lại.

Tuy nhiên, ngành hàng tiêu dùng đồng thời cũng là lỗ hổng trong chiến lược của Amazon. Ngoài việc đây là ngành có nhu cầu cao, sự đa dạng sản phẩm sẽ tạo cơ hội cho các nhà bán lẻ khác tiếp cận với lượng thành viên của Prime và khiến họ nhận ra rằng ngoài Amazon vẫn có những lựa chọn khác thay thế. Do đó, Amazon rất chú trọng đầu tư vào lĩnh vực này để bảo vệ thị phần của mình. Điển hình là sự ra đời của AmazonFresh – dịch vụ giao và nhận mặt hàng thực phẩm dành riêng cho các thành viên Amazon Prime – vào năm 2007. AmazonFresh nhận được được nhiều khoản đầu tư lớn để mạnh tay chi tiêu vào những cải tiến như mở các cửa hàng tiện lợi và dịch vụ nhận hàng trực tiếp tại các cửa hàng theo giờ khách hẹn trước. Tuy nhiên dịch vụ nhận hàng trực tiếp vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm và hình thức cửa hàng tiện lợi vẫn chưa có tiến triển rõ ràng. Nhìn chung, có thể thấy Amazon vẫn đang cố gắng tìm mọi cách phát triển việc kinh doanh lĩnh vực hàng tiêu dùng nhưng vẫn chưa xác định được chiến thuật phù hợp nhất cho mình.

Chiến thuật của Amazon

Lý do khiến ngành hàng tiêu dùng trở thành thử thách của Amazon nằm ở sự khác biệt giữa mặt hàng này với sản phẩm sách – mặt hàng kinh doanh đầu tiên của công ty:

  • Số lượng sách được lưu trữ tại các kho là rất lớn do vậy khi kinh doanh sách bằng hình thức thương mại điện tử thì sẽ có lợi thế về sự đa dạng; trong khi các mặt hàng tiêu dùng thường bị hạn chế về số lượng sản phẩm lưu trữ (một cửa hàng tạp hóa bình thường sẽ lưu trữ khoảng 30,000 – 50,000 sản phẩm).
  • Khi bạn đặt một cuốn sách trên mạng, bạn biết rõ về nội dung, chất lượng của sản phẩm đó và chất lượng cuốn sách sẽ không thay đổi trong quá trình vận chuyển; nhưng với các hàng tiêu dùng thì chất lượng sản phẩm có thể rất đa dạng, không chỉ là sự khác nhau giữa các cửa hàng mà đặc biệt đối với các loại hàng thực phẩm, chất lượng sản phẩm sẽ thay đổi, có sự khác biệt qua từng ngày.
  • Sách có thể được lưu trữ vô thời hạn trong kho nhưng các mặt hàng tiêu dùng ngắn hạn như thực phẩm tươi sống thì chỉ có thể lưu trữ trong một khoảng thời gian nhất định và chất lượng sản phẩm có thể không còn tươi mới sau khi vận chuyển.

Ảnh: IMD business school.

Ông Mackey chắc chắn đã hiểu rằng, AmazonFresh sẽ là một bất lợi về chi phí cho các cửa hàng tạp hóa truyền thống. Để có thể tăng sức cạnh tranh, AmazonFresh cần có số lượng lớn thực phẩm; tuy nhiên theo bản chất tự nhiên của loại hàng thực phẩm, phạm vi cung cấp lớn nhất chỉ dừng ở mức thành phố để đảm bảo chất lượng của hàng hóa. Do đó vấn đề của Amazon là họ cần một lượng sản phẩm lớn để đạt được mức lợi thế kinh tế nhờ quy mô, do vậy phạm vi cung cấp nhỏ (thành phố thay vì toàn quốc) sẽ dẫn đến tổn thất về chi phí bảo quản cũng như tổn thất về số sản phẩm bị hư hại.

Kinh doanh mặt hàng thực phẩm là một lĩnh vực khác hoàn toàn với các sản phẩm trước đây của Amazon. Do đó, họ cần có một giải pháp chuyên biệt để giải quyết các vấn đề đang tồn tại. Amazon đã giải bài toán này bằng việc thu mua Whole Foods Market – chuỗi siêu thị chuyên cung cấp các thực phẩm hữu cơ, sở hữu 479 cửa hàng tại Mỹ và Anh. Whole Foods Market có độ phủ rộng và nguồn hàng phong phú sẽ là nhà kho hỗ trợ việc giao hàng hóa, giải quyết vấn đề hiện tại của Amazon.

“Khách hàng chiến lược” của Amazon

Những sản phẩm khác nhau của Amazon – như AWS, Amazon Fullfillment Services (AFS) và Prime – có sự kết nối chặt chẽ với nhau về mặt chiến lược, đây là gốc rễ trong cách Amazon vận hành.

Trước hết hãy xem thử mối quan hệ giữa AWS với nhánh e-commerce của Amazon có mối liên quan với nhau như thế nào.

Để vận hành “cỗ máy” công nghệ AWS, đòi hỏi Amazon phải đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng máy chủ, lưu trữ và xử lý, cơ sở dữ liệu… Cỗ máy AWS không chỉ được sử dụng bởi nhánh e-commerce của Amazon, mà còn được khai thác cho các đối tác bên ngoài (Facebook hay Google cũng có lượng lớn máy chủ đặt tại AWS).

Theo đó, vai trò của AWS đối với Amazon có một số đặc điểm như:

  • AWS có định phí lớn (đầu tư “nông trại” máy chủ lớn) nhưng cũng có thể mang lại lợi nhuận lớn nếu việc kinh doanh mang lại lợi thế về quy mô.
  • Tuy vậy, chi phí để đầu tư xây dựng AWS được khấu hao nhanh là do AWS đã có ngay một “khách hàng chiến lược” giá trị lớn ngay thời kỳ đầu, chính là nhánh e-commerce của Amazon (Nếu không có nhánh này, chưa chắc AWS đã có thể tối ưu chi phí và đạt lợi thế quy mô).
  • Phần công suất “dư ra” của AWS, có được nhờ lợi thế quy mô, có thể được bán cho các khách hàng nằm ngoài Amazon, giúp tăng hiệu suất theo quy mô và sức cạnh tranh của AWS.

Đặc điểm cuối cùng mang tính “đôi bên cùng có lợi” cho cả nhánh e-commerce Amazon và nhóm khách hàng doanh nghiệp của AWS: các khách hàng doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn tài nguyên máy chủ công nghệ cao với chi phí rất hợp lý; trong khi đó nhánh e-commerce của Amazon cũng đạt được quy mô lớn với mức chi phí tối ưu, trong đó chính họ đã là một “khách hàng chiến lược” giúp tạo ra lợi thế này. Bên này bán nhiều thì càng có lợi cho bên kia và ngược lại.

Áp dụng cách phân tích tương tự cho dịch vụ AFS và Prime. Nhắc lại một chút, Prime là dịch vụ khách hàng cao cấp, cung cấp những lựa chọn đa dạng, giá cả tối ưu, giao hàng tốc độ. Duy trì Prime tốn nhiều chi phí và cần có lợi thế quy mô để sinh lời. Mô hình này có thể hiểu sơ lược như hình sau:

Tương tự như mối quan hệ giữa AWS, nhóm KH doanh nghiệp và nhánh e-commerce của Amazon, mô hình mối quan hệ giữa AFS, Prime và nhánh e-commerce cũng có những đặc điểm tương tự:

  • Phân phối hàng hóa cho nhánh e-commerce của Amazon có chi phí cố định lớn và chỉ có thể sinh lời từ lợi thế về quy mô.
  • Do đó, chi phí để xây dựng hệ thống lưu kho và giao hàng sẵn có của AFS, vốn là một khoản đầu tư rất lớn, nhưng vẫn được cân đối tốt, là nhờ AFS có ngay một “khách hàng chiến lược” thời kỳ đầu chính là nhánh e-commerce của Amazon.
  • Đặc điểm cuối cùng có thể hơi khó hiểu, nhưng nếu bạn biết rằng, thực tế 40% sản phẩm của Amazon bán là đến từ các đối tác cung cấp (3rd-party merchant); hầu hết các nhà cung cấp này đều phải sử dụng dịch vụ lưu kho và giao hàng sẵn có của AFS. Và điều này cũng có nghĩa là hàng hoá của họ sẽ được ưu tiên giới thiệu đến thành viên Prime, giao hàng nhanh hơn với giá tốt hơn. Việc này quay trở lại, khiến có nhiều người muốn đăng ký dịch vụ Prime hơn, tăng công suất của AFS đạt đến mức lợi thế nhờ quy mô, và củng cố mảng e-commerce của Amazon.

Từ 2 phân tích trên, nếu áp dụng cách nhìn đó cho mảng logistic, cũng là một mảng mà nhánh e-commerce sử dụng nhiều, thì có thể thấy rõ chiến lược của Amazon: họ có thể xây dựng một mạng lưới giao nhận mới của riêng mình, và khách hàng chiến lược đầu tiên chính là nhánh e-commerce. Sau đó, mạng lưới giao nhận đó có thể hoạt động độc lập và cung cấp dịch vụ cho các đối tác bên ngoài.

Việc Amazon chưa thể xây dựng được mảng logistic, có thể lý giải được bởi lý do đơn giản: không có vị “khách hàng chiến lược” bao thầu chi phí cho mảng này thời gian đầu, như AWS và AFS. Sự vắng mặt của vị “khách hàng chiến lược” đã tạo ra những rào cản cho sự phát triển của AmazonFresh. Khi đó, việc thâu tóm Whole Foods có thể xem là mảnh ghép chiến lược cuối cùng để hoàn thiện bức tranh tham vọng thứ 3 này của Amazon.

Whole Foods: không chỉ là nhà cung cấp mà còn là “khách hàng chiến lược”

Nếu chỉ phân tích bề nổi thì chúng ta sẽ kết luận rằng việc Amazon thâu tóm Whole Foods là để có thêm một kênh bán lẻ hàng hoá. Tuy nhiên, thực tế Amazon đang “mua” thêm một khách hàng chiến lược nhằm phát triển các nỗ lực của công ty này trong ngành hàng tiêu dùng.

Hiện tại, hệ thống logistics đi và đến các cửa hàng Whole Foods vẫn tập trung vào việc lấp đầy các quầy kệ. Tôi hy vọng trong một vài năm tới Amazon sẽ thay đổi chuỗi cung ứng của Whole Foods thành một hình thức dịch vụ dựa trên các mặt hàng cơ bản như: thịt, trái cây, rau củ, thực phẩm sử dụng dài ngày (việc Whole Foods phụ thuộc rất nhiều vào thương hiệu cửa hàng truyền thống có thể là điều thu hút Amazon). Đặc biệt, điều khiến cho việc thâu tóm này hoàn toàn xứng đáng là dịch vụ logistic (tạm đặt tên là Amazon Grocery Services – AGS) hiện đã có một “khách hàng chiến lược” lớn và lâu dài: Whole Foods Markets.

Trong tương lai, các cửa hàng tạp hóa truyền thống sẽ chỉ là một trong những khách hàng của AGS: sẽ có dịch vụ giao hàng tận nhà của người tiêu dùng (không cần đến tạp hoá nữa), chắc chắn sẽ tiện lợi và hiệu quả hơn hơn so với đối thủ Instacart – công ty cung ứng đồ tạp hóa qua website và ứng dụng di động đang hợp tác với Whole Foods Markets.

Nhưng tôi đoán rằng tham vọng của Amazon không chỉ dừng lại ở đây; các dịch vụ tạp hóa của AGS sẽ được chuẩn bị kĩ lưỡng để bắt đầu cung cấp hàng tiêu dùng cho các nhà hàng, tăng khả năng tiếp cận của Amazon với một lĩnh vực kinh tế lớn khác. Đây lại là một ví dụ của mô hình AWS hay AFS mà chúng ta đã phân tích bên trên. Tuy nhiên, cũng như AWS, yếu tố then chốt để thu được lợi nhuận là phải có “khách hàng chiến lược” cho AGS để đạt được lợi nhuận ở mức quy mô có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh. Và Whole Foods, với lợi thế là một nhà bán lẻ lớn, có thể là một mắt xích khởi đầu cho việc tạo ra yếu tố khách hàng chiến lược này.

Như tôi đã đề cập ở phần đầu rằng Mackey đã đánh giá sai mục tiêu, chiến lược, chiến thuật của Amazon. Tuy nhiên còn có một lỗ hổng lớn trong nhận định của Mackey về Amazon: thực tế, Amazon không có tham vọng trở thành ông trùm của ngành hàng tiêu dùng cũng như trở thành nhà bán lẻ hàng đầu như đa số mọi người đánh giá và nhìn nhận; vai trò cốt lõi của Amazon là nhà cung cấp dịch vụ -trở nên hùng mạnh hơn, và được bảo vệ bởi sự quy mô của các dịch vụ mà họ cung cấp.

Trái với các dự đoán của ông Mackey, ngành hàng tiêu dùng không phải là sự thất bại của Amazon. Không chỉ phát triển ổn định, công ty này còn tìm ra được giải pháp phù hợp cho các vấn đề trong lĩnh vực này. Việc thâu tóm Whole Foods được xem là hành động giúp Amazon tiến gần hơn đến mục tiêu “tham gia vào tất cả các hoạt động kinh tế” trên thị trường.

Việc thâu tóm Whole Foods được xem là hành động giúp Amazon tiến gần hơn đến mục tiêu “tham gia vào tất cả các hoạt động kinh tế” trên thị trường.

Người giàu nhất hành tinh kiếm và tiêu tiền như thế nào?

Tài sản của Bezos lớn đến mức 88.000 USD đối với ông cũng chỉ như một USD với người Mỹ bình thường.

Jeff Bezos – nhà sáng lập kiêm CEO đại gia thương mại điện tử – Amazon là người giàu nhất thế giới hiện tại, với khối tài sản hiện lên tới 168 tỷ USD, theo Bloomberg.

Bezos thành lập Amazon – nguồn tài sản lớn nhất của ông – năm 1994. Cha mẹ Bezos khi ấy đã rất sốc vì con trai bỏ công việc thoải mái ở Wall Street để bán sách online.

Amazon làm IPO năm 1997. Đến nay, sau khi điều chỉnh qua các đợt chia tách, giá cổ phiếu này đã tăng hơn 97.000%. Suốt hai thập kỷ qua, Amazon cũng mở rộng sang nhiều lĩnh vực, từ sản xuất hàng điện tử tiêu dùng, điện toán đám mây đến chuỗi cửa hàng thực phẩm.

Bezos hiện là cổ đông lớn nhất của Amazon, với 16%. Ông cũng đầu tư vào nhiều công ty khác, cả ở cấp độ cá nhân lẫn qua công ty Bezos Expeditions.

Năm 1998, Bezos đổ tiền vào Google. Một triệu USD của ông khi đó cũng đủ biến Bezos thành tỷ phú, chưa kể đến khối tài sản tại Amazon.

Một trong những khoản đầu tư cá nhân nổi bật nhất của Bezos gần đây là mua tờ Washington Post với giá 250 triệu USD năm 2013.

Tài sản của Bezos lớn đến mức, theo Business Insider, 88.000 USD đối với ông cũng chỉ như 1 USD với người Mỹ bình thường.

Bezos cũng là một trong những chủ đất lớn nhất Mỹ. Trong đó có một bất động sản gồm 2 căn nhà trên diện tích 21.400m2 tại bang Washington, không xa trụ sở của Amazon tại Seattle.

Bezos cũng sở hữu một căn biệt thự kiểu Tây Ban Nha tại Beverly Hills, California.

Ngoài ra, ông còn có một trang trại ở Van Horn, Texas và một căn nhà khác ở thủ đô Washington.

Bezos khá tiết kiệm với phương tiện giao thông đường bộ. Tuy nhiên, ông lại sở hữu một chiếc chuyên cơ Gulfstream G650ER giá 65 triệu USD.

Ông chủ Amazon cũng có khẩu vị khá khác người, khi từng ăn sáng bằng bạch tuộc.

Bezos không làm từ thiện nhiều như các tỷ phú top đầu khác, như Warren Buffett hay Bill Gates. Dù vậy, ông cũng hỗ trợ nhiều tổ chức, như Mary’s Place – cung cấp nơi ở và đào tạo nghề cho người vô gia cư hay TheDream.US – hỗ trợ những người di cư bất hợp pháp đến Mỹ khi còn nhỏ.

Ông còn đóng góp số tiền lớn cho Trung tâm nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, Đại học Princeton và Quỹ của Đại học Washington.

Dự án tham vọng nhất của Bezos là Blue Origin – công ty nghiên cu du lịch vũ trụ.

Vì sự đam mê với vũ trụ, Bezos còn tài trợ cho chương trình tìm kiếm “những phần còn lại của động cơ tên lửa đẩy của phi thuyền Apollo dưới đáy Đại Tây Dương” từ năm 2013.

1/4 người dùng tại Mỹ đã xóa Facebook

Mạng xã hội lớn nhất thế giới đứng trước nguy cơ bị người dùng quay lưng.

Theo tài liệu của Trung tâm nghiên cứu Pew, khảo sát khoảng 4.500 người Mỹ trưởng thành, phần lớn họ đều có xu hướng rời bỏ Facebook. Cụ thể, có khoảng 54% người dùng thay đổi quyền riêng tư, 42% người sử dụng dừng kiểm tra Newsfeed trong nhiều tuần.

Đặc biệt, 26% người dùng đã xóa ứng dụng khỏi smartphone, điều này có nghĩa cứ 4 người thì có 1 người cai nghiện thành công mạng xã hội này.

Cứ 4 người thì có 1 người xóa bỏ Facebook. Ảnh: Bussiness Insider.

Trong năm nay, Facebook hứng chịu nhiều mũi dùi dư luận vì để lộ thông tin người dùng. Cambridge Analytica, công ty dữ liệu chính trị được thuê trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Trump năm 2016, đã thu thập dữ liệu cá nhân của hơn 50 triệu người dùng Facebook.

Ngày 11/4, Mark Zuckerberg đứng trước Nghị viện Mỹ điều trần về sự cố trên. Ông thừa nhận trách nhiệm thuộc về công ty. Cách vận hành và quản lý Facebook hoàn toàn sai lầm.

Chỉ trong hai ngày 19 và 20/3, cổ phiếu Facebook lao dốc khiến công ty này mất 60 tỷ USD.

Chưa hết, cổ phiếu công ty này tiếp tục mất hơn 4,4% trong phiên giao dịch ngày 20/3 sau khi có thông tin Ủy ban Giao dịch Liên bang Mỹ đang điều tra sự việc, và Giám đốc Bảo mật Alex Stamos của Facebook sắp nghỉ việc.

Vào thứ tư tuần này (5/9), tới lượt Sheryl Sandberg giải trình tại Thượng viện Mỹ về vấn đề chính phủ nước ngoài sử dụng mạng xã hội cho mục đích tuyên truyền chính trị.

Phong trào xóa bỏ Facebook ngày càng tăng mạnh. Ảnh: Bussiness Insider.

Mặc dù sự cố rò rỉ thông tin dần lắng xuống, phong trào xóa bỏ Facebook rộ lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, vấn đề bảo mật thông tin cá nhân vốn đã quá phức tạp.

Theo Guardian, xóa Facebook không thay đổi việc thông tin của người dùng bị mua bán và sử dụng. Các công ty theo dõi và tạo hồ sơ về bạn bằng nhiều nguồn khác nhau.

“Dù xóa Facebook, bạn vẫn sẽ bị theo dõi trực tuyến. Về cơ bản, điện thoại di động là một thiết bị theo dõi”, Frederike Kaltheuner của Privacy International chia sẻ.

Vingroup và Thế Giới Di Động lọt vào danh sách 50 công ty niêm yết hàng đầu châu Á Thái Bình Dương

Vingroup và Thế Giới Di Động, với giá trị vốn hóa lần lượt đạt 14,1 tỉ đô la Mỹ và 1,7 tỉ đô la Mỹ, là hai đại diện của Việt Nam lọt vào danh sách 50 công ty niêm yết hàng đầu châu Á Thái Bình Dương (Fab 50) năm 2018 do Forbes Asia vừa công bố hôm 6.9.

2018 là năm thứ hai liên tiếp Thế Giới Di Động lọt vào top 50 công ty niêm yết hàng đầu châu Á Thái Bình Dương. Công ty do ông Nguyễn Đức Tài dẫn dắt là nhà bán lẻ điện thoại, điện máy hàng đầu tại Việt Nam và đang trong giai đoạn mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ thực phẩm. Năm 2017, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Thế Giới Di động tăng trưởng 49% và 40% so với năm trước đó.

Vingroup là tập đoàn đầu tư đa ngành của ông Phạm Nhật Vượng – tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam. Vingroup đang định hướng trở thành tập đoàn công nghệ – công nghiệp, bên cạnh lĩnh vực hoạt động bất động sản, du lịch, bán lẻ, y tế, giáo dục… Năm ngoái, Vingroup tăng trưởng lần lượt 55% và 27% về doanh thu và lợi nhuận sau thuế.

Đây là lần đầu tiên có cùng lúc hai công ty của Việt Nam góp mặt vào danh sách Fab 50 trong cùng năm. Việt Nam chưa từng có công ty nào lọt vào danh sách Fab 50 của Forbes Asia trước năm 2016. Năm 2016, Vinamilk là công ty Việt Nam đầu tiên và năm 2017 đến lượt Thế Giới Di Động lọt vào danh sách Fab 50.

Danh sách Fab 50 do Forbes Asia sàng lọc từ 1.744 công ty đã niêm yết ít nhất một năm trong khu vực và có doanh thu tối thiểu hai tỉ đô la Mỹ. Forbes Asia không chọn những công ty thua lỗ hoặc có doanh thu ít hơn năm năm trước vào danh sách. Fab 50 cũng sẽ loại trừ những công ty có tỉ lệ nợ cao, do nhà nước hoặc do công ty mẹ niêm yết sở hữu trên 50% cổ phần. Sau đó, Forbes Asia phân tích tài chính các công ty để từ đó xác định những công ty kinh doanh hiệu quả, tăng trưởng ấn tượng.

Danh sách Fab 50 năm nay tiếp tục do các công ty Trung Quốc thống trị. Có đến 30 công ty đến từ Trung Quốc lọt vào Fab 50 năm 2018. Tencent là Alibaba là hai công ty dẫn đầu Fab 50. Ấn Độ có bảy công ty, Nhật Bản có năm công ty trong danh sách năm nay.