Gặp Thông vào bữa ăn theo kiểu fast food để chàng trai giữ vị trí quan trọng tại Lazada Việt Nam kịp họp vào đầu giờ chiều ngày cuối tuần, mới thấy “độ nóng” của sức trẻ lan toả đến người đối diện mạnh như thế nào.
Câu chuyện mà Thông chia sẻ khá đơn giản nhưng rồi hấp dẫn, lôi cuốn người nghe lúc nào không hay. Ba mươi tuổi, Thông được đề bạt giữ vị trí then chốt tại một công ty toàn cầu, chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý thương hiệu, lập chiến lược hỗ trợ bán hàng, tiếp thị, quảng cáo và trực tiếp điều hành phòng marketing với 36 nhân viên.
Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế, Thông đầu quân về Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, sau đó là Vinamilk, P&G ở Thái Lan. Tính đến thời điểm này, sau 8 năm ra trường, Thông đã có kinh nghiệm làm việc tại nhiều công ty trong nước cũng như tập đoàn đa quốc gia. Thú vị hơn khi chàng trai sinh năm 1986 này cũng đã từng là đồng sáng lập và sở hữu một công ty thương mại điện tử chuyên về ngành trang trí nội thất.
Hoạch định mục tiêu cá nhân
Trao đổi với Thông liên quan đến vấn đề nhảy việc của cá nhân và sau đó là quan điểm của anh khi nhân viên, cộng sự vừa quen việc lại có ý định đi nơi khác, Thông cho rằng nhảy việc là điều không mới với giới trẻ nhưng quan trọng là nhảy như thế nào để đó là bước nhảy tiến. Trước khi quyết định nhảy thì phải có câu trả lời cụ thể: “Đó có phải là bàn đạp giúp bản thân tiến bước đến gần mục tiêu cá nhân hay không”.
Hãy cân nhắc xem mình có thể học được những gì ở chỗ cũ, học được những gì ở nơi mới, nếu chỗ mới thực sự tốt hơn thì quyết định nhảy việc là điều cần khuyến khích. Ở vai trò quản lý, chuyện đào tạo nhân sự và đối diện với việc nhân sự thay đổi là chuyện thường ngày. Công việc của người quản lý là làm việc với con người, nhân sự có thay đổi cũng là cơ hội cho người quản lý thử thách vai trò của mình.
* Thông là tuýp người yêu thích cái mới?
– Cũng tuỳ. Trong công việc, tôi thấy hứng thú với các chiến dịch mới và những gì chưa có quy trình. Tôi yêu thích và muốn gắn bó lâu dài với nơi làm việc cho tôi cảm giác như đang học một văn bằng thứ hai. Còn trong cuộc sống, tôi lại cảm thấy hài lòng với những gì thuộc về thói quen, chẳng hạn như tôi thường đọc đi đọc lại một quyển truyện yêu thích, mặc đi mặc lại một màu áo mà cảm thấy thoải mái.
* Thông có thể chia sẻ về hành trình làm thuê trước khi đến vị trí điều hành cấp cao tại Lazada Việt Nam khi vừa 30 tuổi?
– Tôi đi làm 8 năm và trải qua khoảng 8 công ty, như vậy chắc cũng được xem là nhảy việc (cười). Nhưng như tôi chia sẻ, trước khi đến một công ty mới, tôi luôn tự đặt câu hỏi ở nơi mới tôi sẽ học được gì hơn so với nơi cũ. Có thể nói, tôi may mắn được làm việc với nhiều công ty chuyên nghiệp nên thu thập được khá nhiều kiến thức.
Chẳng hạn như lúc làm ở Vinamilk, tôi tham gia trực tiếp các chiến dịch Quỹ sữa Việt Nam, ba ly sữa mỗi ngày, hay khi làm ở P&G Thái Lan, là một trường học rất bài bản về truyền thông, xây dựng thương hiệu từ ngay chính dữ liệu khách hàng. Hay như tại Lazada Việt Nam, tôi đã đi từ vị trí thấp nhưng may mắn là đã có điều kiện đi nhanh, để trước khi giữ vai trò điều hành, tôi đã làm việc qua hầu hết các phòng ban trong bộ phận marketing.
Tôi nghĩ đó là một trong những điểm mạnh giúp tôi được Tập đoàn chọn. Tôi hiểu rõ vai trò và cách làm việc của các bộ phận tôi đang điều hành vì đã trải qua các vị trí này. Thêm vào đó là những gì mình làm đều tạo ra những thay đổi, kết quả thấy được qua bảng báo cáo bằng con số. Tôi cũng cần cộng sự như thế, nên tuyển nhân viên theo tiêu chí linh động, nhiều năng lượng, vì ngành thương mại điện tử thay đổi rất nhanh, phải luôn biết cách thử và điều khiển cái mới.
* Sau thời gian dài làm tại Lazada, Thông đã học được những gì và đến giờ còn thấy mình vẫn được học?
– Vẫn vừa làm vừa học. So với những công ty thương mại lớn nhất trên thế giới thì mình còn thua, cho nên phải biết dựa vào đâu để lập nên cái chuẩn mà so sánh và phấn đấu. Từ tháng 4/2016, Lazada Việt Nam đã có sự góp sức của ông khổng lồ Alibaba, cùng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ, tôi thấy Lazada Việt Nam đang có những bước tiến nhanh.
Năm 2015, trong vòng 4 ngày với chiến dịch Cách mạng mua sắm, Lazada Việt Nam đạt doanh thu khoảng 4,2 triệu đô la Mỹ. Tương tự, năm 2016, chỉ trong vòng một ngày (11/11), chiến dịch này đã đạt 6,6 triệu USD, tăng gần gấp rưỡi so với toàn chiến dịch năm ngoái. Nhưng nếu so sánh với 17,6 tỷ USD mà Alibaba đạt được cũng trong ngày 11/11/2016 thì quá thấp. Cho nên đó là những điều mà mình cần phải tiếp tục học hỏi.
Thương mại điện tử không chỉ có việc vận hành trên website mà còn có chuỗi dịch vụ đi kèm, như hàng hóa, giao vận, chăm sóc khách hàng, hậu mãi, đổi trả. Khi người mua sử dụng dịch vụ và cảm nhận tốt về khâu vận chuyển, thanh toán mới là quan trọng, chứ không chỉ ở sản phẩm và giá cả. Tôi cho rằng Lazada Việt Nam đang đi đúng hướng.
Người tiêu dùng đến với Lazada cần có thời gian thử, cảm nhận rồi đến tin tưởng. Thời gian sắp tới thì việc marketing của Lazada cũng như thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam sẽ rất khác. Đã đến lúc phải kết hợp với nhiều thương hiệu lớn, phối hợp nhiều hơn marketing truyền thống để hỗ trợ cho các chương trình từ TVC, billboard ngoài trời và cùng sử dụng nguồn tài nguyên marketing của đối tác.
Còn nếu đứng mỗi một mình sẽ không thể nào đủ sức. Kết hợp, tận dụng sức mạnh của nhau cũng như khai thác tối đa tính ưu việt của từng công cụ truyền thông, quảng bá, tôi tin sẽ mang lại kết quả cao trong thời buổi phải chạy đua với thời gian.
* Sẽ không phiền nếu Thông chia sẻ thêm về công ty riêng?
-Start up này là một công ty thương mại điện tử bán đồ trang trí nội thất, hiện vẫn đang hoạt động tốt. Công ty cũng đã có showroom. Nhưng tôi chỉ giữ một phần nhỏ gọi là cổ đông sáng lập. Chính việc mở công ty này là bước đệm để ngày hôm nay tôi có thể làm tốt tại Lazada.
Tổng hợp và tối giản
Học quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế, nhảy việc có chọn lọc, xây dựng và phát triển một công ty start up để được trải nghiệm nhiều hơn nữa, có thể thấy Thông tự xây dựng kiến thức từ việc cọ xát thực tiễn. Ba mươi tuổi, Thông đã khẳng định vai trò cá nhân ở lĩnh vực thương mại điện tử tại một tập đoàn đa quốc gia với hơn một ngàn nhân viên. Những con số tăng trưởng của Lazada Việt Nam trong thời gian gần đây cũng phần nào khẳng định công thức Thông thực hiện đang giải được bài toán khó.
* Lịch làm việc mỗi ngày của Thông?
7 giờ 30 đến 8 giờ 30: gym và ăn sáng.
9 giờ: xem lại lịch công việc trong ngày, xử lý email.
10 giờ: nhận báo cáo kinh doanh đầu ngày và báo cáo tổng kết ngày hôm trước.
11 giờ: gặp các trưởng bộ phận cập nhật tình hình.
12 giờ: ăn trưa tại văn phòng cùng đồng nghiệp hoặc ra ngoài cùng đối tác.
13 giờ: trao đổi với các phòng ban liên quan về diễn biến của các chiến dịch và hoạt động thương mại.
14 giờ: quan sát thị trường.
15 giờ: trao đổi với văn phòng cấp khu vực, cập nhật tình hình và kế hoạch mới.
16 giờ: họp giao ban cập nhật tình hình giữa các cấp quản lý.
17 giờ đến khi nào hết việc: xử lý các công việc tồn đọng, xem xét kết quả kinh doanh trong ngày.
* Ngắn gọn nhất, làm marketing tại Lazada Việt Nam là làm gì?
– Làm cho người tiêu dùng Việt Nam biết, thử, tin tưởng, yêu thích và thường xuyên mua sắm tại Lazada.
* Vai trò của marketing trong sự phát triển của Lazada Việt Nam?
– Marketing là một trong những bộ phận quan trọng nhất đóng góp vào sự phát triển của Lazada, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh và tăng trưởng thông qua truyền thông, chương trình khuyến mãi, quảng cáo trực tuyến.
* Ở Lazada, KPI để đo thành công một chiến dịch marketing được xây dựng như thế nào?
– Doanh số bán và số khách hàng mua hàng trên Lazada là những chỉ tiêu cơ bản nhất. Song song đó là những chỉ tiêu về hiệu quả marketing, như chi phí để tìm kiếm một khách hàng mới, chi phí marketing trên tổng doanh thu (ROI).
* Quan điểm cá nhân về phong trào khởi nghiệp của các bạn trẻ?
– Khởi nghiệp là một trường học lớn, mang lại nhiều thử thách và trải nghiệm thú vị. Việc trang bị cho bản thân một bệ phóng vững chắc về kinh nghiệm, kiến thức, mối quan hệ và nguồn lực là rất quan trọng để khởi nghiệp thành công. Tôi cũng giống như các bạn trẻ, luôn hứng thú với cái mới. Nhưng như chia sẻ, luôn phải đủ tỉnh táo để trả lời một câu hỏi đơn giản, quen thuộc của bản thân: Mục tiêu cá nhân dài hạn là gì? Việc làm này có là bàn đạp để mình tiến lại gần mục tiêu cá nhân không?
Đại dương xanh hay đỏ?
Hiện đang có nhiều quan điểm trái chiều về lĩnh vực thương mại điện tử. Đây có phải là “cuộc chơi” của những công ty có đầy đủ tài lực, trí lực, nhân lực và cả thời gian chịu đựng? Thị trường thương mại điện tử phải chăng luôn đủ không gian cho các công ty trong ngành vẫy vùng? Và cuối cùng, “cuộc chơi” này đã và đang dành cho đối tượng nào?
– Làm việc tại Lazada Việt Nam, cá nhân tôi không quan tâm đến đối thủ. Vì nói một cách đơn giản, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam còn quá rộng, chỉ mới đạt 1% của toàn bộ thị trường bán lẻ.
Tôi chỉ quan tâm phải làm thế nào để người ta biết đến thương mại điện tử và bắt đầu sử dụng cũng như làm quen với nó. Là người đang làm trong lĩnh vực này, quan điểm của tôi hiện nay là tập trung để thay đổi thói quen người tiêu dùng hơn là cố lấy thị phần của đối thủ cạnh tranh, vì tất cả chỉ đang chiếm phần nhỏ.
* Thay đổi thói quen người tiêu dùng, có nghĩa là…
– Người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với việc mua sắm trên mạng, mặc dù thời gian họ “sống” trên internet khá nhiều. Có nhiều lý do và đã được nhiều chuyên gia phân tích về hành vi mua sắm này. Nhưng theo tôi, cái chính là họ chưa thật tin và chưa thấy được tính tiện dụng của mua sắm online. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải làm sao cho người tiêu dùng Việt Nam cảm nhận được điều này một cách nhanh nhất. Đó cũng chính là lý do tại sao Lazada Việt Nam có câu “Thảnh thơi mua sắm”.
*Thương mại điện tử đang dần phân chia thị trường theo từng phân khúc khách hàng?
– Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, phần lớn người tiêu dùng vẫn đang ở giai đoạn làm quen. Việc phân chia phân khúc khách hàng chưa thật sự rõ nét, nhưng dần hình thành. Ví dụ khách hàng nhiều tiền tìm kiếm các trang có nhiều sản phẩm nhập khẩu, độc quyền. Có một điều chắc chắn, thương mại điện tử là tương lai gần của ngành bán lẻ.
* Bên cạnh Lazada, Tiki, Adayroi… có phải các trang khác như Chợ tốt, 5S… có hướng đi khác?
– Một bên là mô hình kinh doanh B2C, bên còn lại là mô hình kinh doanh C2C, trao đổi mua bán giữa người dùng với người dùng. Khi các mô hình kinh doanh C2C phát triển có nhiều khách hàng hơn, nhiều đơn hàng hơn, sẽ phải mở rộng kinh doanh và vận hành, kiểm tra nguồn hàng, tồn kho, giao hàng, chăm sóc khách hàng một cách quy mô hơn, lúc này đó chính là hình thức B2C.
Ở Lazada, việc đầu tư và xây dựng mô hình kinh doanh B2C không chỉ là bài toán ở việc nguồn hàng, chất lượng hàng hóa, mà còn là khâu giao vận, kho bãi, chăm sóc khách hàng và các dịch vụ hậu mãi. Khi các nhà bán hàng phát triển theo quy mô lớn hơn, ắt hẳn họ sẽ tìm đến B2C.
Nhưng như tôi đã nói, thị trường này vẫn còn rất rộng, có thể thoả sức thử và sửa sai để đạt được kết quả tốt nhất, trong khoảng thời gian ngắn nhất.
* Cám ơn về những chia sẻ của Thông!