Category Archives: Advice for employers

Doanh nghiệp đã sẵn sàng dùng lao động chất lượng quốc tế?

Với việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN… Việt Nam đang bước vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn bao giờ hết. Theo đó, thị trường lao động sẽ sôi động hơn, nhu cầu sử dụng lao động tăng lên, doanh nghiệp có cơ hội để tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng quốc tế. Nhưng liệu các chính sách và cơ chế đã sẵn sàng để đón nhận xu thế này?]

Cơ chế công nhận lao động rõ ràng

Với “Cam kết mở cửa cho 8 ngành nghề lao động” của AEC, người lao động có trình độ cao sẽ được tự do di chuyển giữa các quốc gia trong khối nếu họ có chứng chỉ hành nghề và được thừa nhận trong khối ASEAN. Trình độ lao động giữa các quốc gia tất yếu có chênh lệch, nên cần phải có được sự “thừa nhận” nếu muốn làm việc ở quốc gia thành viên AEC khác.

Chắc chắn rồi đây các quốc gia sẽ có cơ chế công nhận lao động rõ ràng, về năng lực, trình độ của người lao động khi làm việc tại quốc gia mình để tránh tình trạng người lao động nước ngoài có chất lượng tốt nhưng không được “thừa nhận” theo cơ chế. Đây là cơ hội cho các quốc gia muốn nâng cao tính cạnh tranh về chất lượng lao động của khối DN tư nhân.

Các chính sách pháp luật điều chỉnh cũng phải thay đổi để phù hợp. Bởi trong thời đại số, người lao động dù ngồi ở nơi đâu cũng có thể làm việc hầu như trên toàn cầu.

Họ có quyền chọn nơi làm việc, nơi để đóng thuế thu nhập, và quan trọng hơn là nơi họ sẽ cống hiến năng lực. Chính sách vì thế cần linh hoạt và thông thoáng để tạo điều kiện cho lao động nước ngoài có chất lượng, đồng thời không làm chảy máu chất xám trong nước.

DN cũng vậy, việc chiêu mộ nhân tài cũng bắt đầu từ chính sách tuyển dụng và cơ chế. Các vấn đề về đóng thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm, các thủ tục hành chính liên quan không nên là rào cản hay khó khăn, để họ được làm việc với năng suất cao nhất.

Người chủ DN cần có chiến lược phù hợp để nâng cao tính cạnh tranh vào thời điểm hội nhập này, tất cả phải bắt nguồn từ chính sách nội bộ DN trước khi đón chờ sự thay đổi chính sách của Chính phủ.

Giản lược các thủ tục hành chính

Việc tự do di chuyển lao động trong AEC nói chung yêu cầu phải cải cách chính sách và có sự đồng bộ thủ tục ở cả cấp quốc gia và khu vực.

Theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài thì lao động nước ngoài chỉ được làm việc tại Việt Nam khi có visa lao động. Thời gian cấp visa nên được rút ngắn và cần tạo cơ chế cho các lao động có chuyên môn cao có thể xin cấp visa lao động ngay tại Việt Nam với chi phí thấp.

Gần đây, thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã “nới lỏng” hơn. Nghị định 11/2016/NĐ-CP quy định lao động nước ngoài có thể làm việc ở Việt Nam với các chức danh như chuyên gia, quản lý, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật. Dù thời hạn sử dụng giấy phép bị hạn chế (2 năm), nhưng có thể gia hạn tùy vào nhu cầu công việc. Tuy nhiên, các quy định về visa lao động nên nới rộng thời gian và linh hoạt thủ tục hơn nữa để thu hút lao động lành nghề, có chuyên môn kỹ thuật cao.

Tự do liên kết lao động

Những tiêu chuẩn được đề cập trong TPP cũng chính là các tiêu chuẩn lao động được nêu tại Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam đã đáp ứng được đa số các tiêu chuẩn này. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề ở chính sách về quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động, hay về xóa bỏ lao động bắt buộc. Người nước ngoài thuộc đối tượng không kết nạp vào tổ chức công đoàn, như vậy sẽ không đảm bảo quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động trong TPP.

Theo quy định chung, Việt Nam và các nước thành viên phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở. Điều này có nghĩa tổ chức của người lao động tại cơ sở có thể lựa chọn gia nhập Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động với danh nghĩa “công đoàn độc lập”. Nhưng hiện nay, tại Việt Nam, chỉ có một tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động được công nhận, đó là công đoàn.

Chuẩn lao động theo TPP mang lại tính toàn cầu và công bằng cho các quốc gia thành viên trong quản trị lao động tại DN, DN cần thay đổi để phù hợp. Ở góc độ nhà làm luật, Nhà nước cần mở rộng cơ chế này để hướng đến việc sử dụng nhân lực lao động nước ngoài trong khối ngành kinh tế tư nhân. Từ đó nâng cao tính cạnh tranh của lực lượng lao động trong giai đoạn mới.

Tóm lại, nếu Nhà nước sẵn sàng gỡ bỏ dần các rào cản pháp lý để mở rộng thị trường cho lao động nước ngoài, DN cần tranh thủ. Bản thân DN cũng phải sẵn sàng cho cơ hội thoát khỏi thị trường nội địa, cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu bằng một lực lượng lao động mới – lực lượng lao động có chất lượng quốc tế.

3 cách phê bình nhân viên hiệu quả

Dù là trong công việc hay trong quan hệ cá nhân thì việc đưa ra những phản hồi, phê bình tuy cần thiết nhưng không hề dễ dàng.

Chúng ta có thể phá hỏng một mối quan hệ nếu gây ra những cảm xúc làm tổn thương. Đôi khi chúng ta chọn cách không nói gì cả, “nén giận” và vấn đề lại không thể giải quyết. Vì vậy, bạn nên cân nhắc những cách phê bình hiệu quả và thật sự có thể cải thiện được mối quan hệ.

Bất đồng ý kiến hay sự chỉ trích là một phần của đời sống công việc tại bất cứ môi trường làm việc nào.Tuy nhiên, tại một số công ty, vấn đề trở nên đến mức “cực đoan”. Hệ quả là một số quản trị viên quá mệt mỏi và họ quyết định chọn cách “tấn công từ phía trước” thay vì né tránh vấn đề.

Với các sếp này, việc đối mặt vấn đề, “phê và tự phê” vẫn thể hiện sự quan tâm và tích cực hơn kiểu “đâm sau lưng”. Dĩ nhiên, dung dưỡng văn hóa kiểu “đâm sau lưng” không thể là sự lựa chọn tốt nhưng chọn cách “tấn công từ phía trước” cũng có thể không khả quan hơn nhiều.

Việc phản hồi hiệu quả thay vì chỉ trích vô tâm sẽ giúp tăng năng suất làm việc, tránh hiểu sai vấn đề và nâng cao tinh thần hơn là làm nhụt chí nhân viên.

Chúng ta biết rằng một môi trường làm việc tích cực sẽ mang lại năng suất tốt hơn, nhân viên ít bỏ việc hơn, sức khỏe cũng tốt hơn; trong khi một môi trường bất an, thù nghịch và tiêu cực sẽ làm cho năng suất và hiệu quả công việc, sức sáng tạo và sự gắn bó giảm đi.

Sau đây là ba cách phản hồi hiệu quả dựa trên những kết quả khảo sát mà các nhà quản lý có thể áp dụng để xây dựng một môi trường làm việc tích cực, có thái độ xây dựng:

1. Phản hồi mang tính tích cực nhiều hơn tiêu cực

Trong những tổ chức mà hiệu quả công việc cao, những “phát ngôn tích cực” (thể hiện sự hỗ trợ, thái độ ghi nhận và sự khích lệ) thường nhiều gấp năm lần so với các “phát ngôn tiêu cực” (chỉ trích, bất đồng, phản đối).

Điều tệ hại bao giờ cũng mạnh hơn điều tốt đẹp và não của chúng ta tập trung vào những phản hồi tiêu cực hơn là phản hồi tích cực. Một cuộc đối thoại tệ hại là đủ để phá hủy cả một ngày làm việc.

Kết quả khảo sát cho thấy truyền thông nội bộ tích cực tương quan với sự gắn bó nhiều hơn của nhân viên. Bạn có thể “chỉnh” nhân viên của mình hay thậm chí phê bình họ nhưng bạn cần làm điều đó trong một bối cảnh tích cực. Khi đó, bạn sẽ nhận thấy những kết quả tốt nhất, duy trì được tinh thần và sự gắn bó của nhân viên.

2. Khi phản hồi, tập trung nhiều hơn về điểm mạnh và sự đóng góp của người khác

Thường thì chúng ta hay xoáy vào điều mà chúng đang cần phê bình, chỉ trích. Chúng ta vẫn nói tới điểm mạnh của người đối diện nhưng khá là qua loa, còn lại thì tập trung phê bình một cách rất là chi tiết.

Để không nhận được “hiệu ứng ngược”, các nhà quản lý nên làm ngược lại: nên chi tiết và cụ thể hơn khi nói đến các điểm mạnh, tích cực.

3. Nhấn mạnh sự hợp tác và những điểm chung

Hãy có thái độ khách quan khi nói về một việc tiêu cực. Miêu tả tình huống đã xảy ra thay vì đánh giá, phán xét. Nhận định về hệ quả khách quan hoặc đưa ra cảm xúc cá nhân của bạn liên quan đến việc này thay vì trách cứ và gợi ý những thay đổi có thể chấp nhận được hơn là tranh luận ai đúng, ai sai.

Những nhà lãnh đạo muốn nhận được hiệu quả tốt trong công việc cần chú ý nhiều hơn đến tầm quan trọng của việc tạo ra một môi trường an toàn về mặt tâm lý ở nơi làm việc bằng cách tập trung vào truyền thông nội bộ tích cực. Bạn có thể vừa công bình, vừa thể hiện sự quan tâm.

Đầu tư vào marketing, Oppo đang hái quả ngọt khi đe dọa cả Samsung

Công nghệ đã khiến nhiều ngành thay đổi chóng vánh. Và đương nhiên, bản thân ngành công nghệ cũng đổi thay nhanh hơn bao giờ hết. Ngành di động cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Chỉ trong vòng 3 năm, thứ hạng các thương hiệu trên thị trường di động Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng.

Theo thống kê từ GfK, ngôi vương thị phần di động tại Việt Nam vẫn thuộc về Samsung. Thương hiệu đến từ Hàn Quốc ngày càng tỏ ra vượt trội các đối thủ khi tiếp tục mở rộng thị phần, tăng từ hơn 30% năm 2014 lên xấp xỉ 35% trong 5 tháng đầu năm 2016.

Tuy nhiên, vị trí số 2 là mới là tâm điểm của cuộc cạnh tranh, khi chứng kiến “tân binh” OPPO vượt mặt Microsoft (thương hiệu smartphone Lumia, trước đây là Nokia). Mấu chốt nằm ở chỗ, kết quả đã sớm ngã ngũ chỉ sau 3 năm Oppo vào Việt Nam và Nokia về tay Microsoft.

Thị phần di động bao gồm cả điện thoại cơ bản và smartphone. Nguồn: GFK.

Khoảng dăm bảy năm trước, Nokia luôn là cái tên làm mưa làm gió trên thị trường di động tại Việt Nam. Dẫn đầu thị phần trong nhiều năm, người Việt luôn biết đến Nokia với cảm quan thương hiệu có độ bền cao & giá tốt.

Tuy nhiên, sau khi bị Samsung vượt qua vào đầu năm 2012, đặc biệt là sau khi bán mảng di động cho Microsoft năm 2013, thương hiệu điện thoại Nokia dần lu mờ và biến mất.

Thị phần di động của Microsoft nhanh chóng lao dốc sau khi thâu tóm Nokia, từ hơn 26% năm 2014, xuống 15,5% năm 2015.

Năm 2013, khi Nokia bán mảng di động cho Microsoft thì Oppo cũng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Bằng chiến lược gia nhập thị trường tốt, thương hiệu Trung Quốc này đã có bước tăng trưởng rất nhanh chóng.

Trong vòng 3 năm, từ 2014 đến 2016, thị phần của Oppo từ vỏn vẹn 7% đã tăng lên 15,1% (2015) và đạt 21,8% thị phần sau 5 tháng 2016.

Một điểm đáng quan tâm, đó là thị trường di động Việt Nam trong 3 năm qua vẫn tăng trưởng đều đặn. Năm 2015, thị trường tăng trưởng hơn 30%, từ 9,8 triệu máy lên gần 13 triệu máy. Từ đó, có thể thấy Oppo đã phát triển mạnh như thế nào. Con số 15,1% thị phần năm 2015, tương đương với gần 2 triệu điện thoại Oppo đã được bán ra tại Việt Nam.

Oppo “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, kết hợp với 1 chiến lược marketing rất khôn ngoan.

Có lẽ Microsoft/Nokia là nạn nhân lớn nhất của Oppo tại Việt Nam. Đây là hệ quả của vụ thâu tóm không đi đến đâu giữa Microsoft và Nokia. Kết quả là cả mảng smartphone và feature phone của doanh nghiệp này đều thất bại và dần biến mất khỏi thị trường. 5 tháng đầu năm 2016, thị phần di động tại Việt Nam của Microsoft chỉ còn chưa đầy 5%.

Oppo đã làm gì trong 3 năm tại Việt Nam?

Là thương hiệu điện thoại Trung Quốc, nhưng Oppo rất biết cách tấn công thị trường smartphone Việt thông qua việc liên kết với những ngôi sao trẻ “hot” nhất trên thị trường.

Từ năm 2014, người xem truyền hình Việt bắt đầu nhìn thấy Oppo ở khắp mọi nơi, đặc biệt là kênh truyền hình giải trí quốc gia – VTV3.

Oppo trở nên quen thuộc với khán giả với tư cách nhà tài trợ cho các chương trình thực tế/gameshow truyền hình giải trí trên VTV3, như Bố ơi mình đi đâu thế, The remix – Hòa âm ánh sáng (mùa đầu tiên có mặt Sơn Tùng MTP và Tóc Tiên – 2 gương mặt đại diện của Oppo), Táo quân 2015… Tất cả các chương trình này đều rating cao vút.

Năm 2014, bộ phim “Chàng trai năm ấy” (vai chính là ca sĩ Sơn Tùng MTP) do Oppo tài trợ đã “cháy vé” nhiều ngày sau khi ra rạp.

Chàng trai năm ấy

Poster phim “Chàng trai năm ấy”.

Ngoài Sơn Tùng, Oppo cũng kí hợp đồng được với một loạt sao “hot” được giới trẻ thần tượng như Tóc Tiên, Chipu, Hồ Ngọc Hà, Lý Quý Khánh…

Bên cạnh quảng bá là hoạt động phân phối, mạng lưới phân phối của Oppo được đầu tư phát triển khá mạnh với việc hiện diện ở hầu hết các điểm bán lẻ di động, siêu thị.

Xuất hiện với tần suất dày đặc, hãng điện thoại này đã tạo một làn sóng mới mà bất kì marketer nào cũng mong muốn tạo được cho thương hiệu của mình.

Quảng cáo hay việc tài trợ nhiều cho các chương trình trên truyền hình không giúp tăng doanh số trực tiếp. Nhưng sự xuất hiện thường xuyên của một thương hiệu mới như Oppo giúp thương hiệu được nhắc đi nhắc lại trong tâm trí người tiêu dùng.

Và khi đối thủ thất thế (ở đây, rất tiếc cho Microsoft), Oppo đã chiếm lĩnh thị trường, một cách chóng vánh. Thậm chí, ngay cả ông lớn như Samsung có lẽ cũng nên dè chừng “tân binh” vừa lắm tiền vừa khôn ngoan này đi là vừa.

Ý nghĩa thương hiệu: Kim chỉ nam định hướng kinh doanh

Nếu như các chiến dịch truyền thông có thể thay đổi, bản thân sản phẩm thay đổi thì ý nghĩa thương hiệu dường như là bất biến và luôn gắn chặt với thương hiệu.

Khi tìm được một lý do thực sự để tồn tại, hành trình phát triển của một thương hiệu không chỉ có ý nghĩa với những người sáng lập, đội ngũ nhân viên mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến với các đối tượng công chúng mục tiêu khác. Ý nghĩa thương hiệu (Brand Purpose) là điều mà các chủ doanh nghiệp cần xác định rõ, trước khi bắt đầu thực hiện các hoạt động marketing và truyền thông.

Ông Thanyachat Auttanukune (Thann), Trưởng bộ phận marketing của Wirpo Unza, chia sẻ với chùng tôi về chủ đề này.

* Thương hiệu tồn tại vì điều gì? Ông có thể kể tên một thương hiệu đã thành công trong việc lựa chọn “ý nghĩa thương hiệu” cho mình được không? Bí quyết của họ là gì?

Một ý nghĩa phù hợp với thương hiệu đòi hỏi sự nhạy bén và nhận thức sâu sắc về thương hiệu đó. Nó sẽ giúp công việc kinh doanh được tập trung đúng hướng và phát triển đến độ hoàn hảo. Hầu hết những tập đoàn lớn trên thế giới đều sở hữu những thương hiệu giàu ý nghĩa, cho thấy đây là một yếu tố không thể thiếu trong giai đoạn hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày nay.

Dưới đây là một vài ví dụ:

  • Coca-Cola: Trải nghiệm hạnh phúc.

Ông Thanyachat Auttanukune (Thann), Trưởng bộ phận marketing của Wirpo Unza.

Thương hiệu này luôn thành công trong việc tìm ra những cách thức mới mẻ để khơi gợi niềm vui trong số đông khách hàng, trong khi chất lượng sản phẩm gần như không có gì thay đổi.

  • Nike: Nguồn cảm hứng thể thao và sự cải tiến không ngừng cho mọi người.

Những sản phẩm của Nike được sản xuất với mục đích hàng đầu là giúp vận động viên chuyên nghiệp cũng như tất cả những người đam mê thể thao đạt được phong độ tốt nhất. Tính thời trang chưa bao giờ là ưu tiên của Nike.

  • Google: Sắp xếp kho thông tin của toàn thế giới một cách hữu dụng và dễ dàng truy cập ở mọi nơi.

Lợi nhuận của Google đến từ việc bán quảng cáo, điều đó thể hiện sự bám sát ý nghĩa thương hiệu. Khi người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm thông tin, dịch vụ của Google khéo léo đề xuất những quảng cáo phù hợp và hữu ích cho khách hàng.

  • Apple: Tái tạo những trải nghiệm công nghệ tuyệt vời nhất thế giới.

Công ty này đã tái tạo lại nhiều ngành công nghiệp để đặt trải nghiệm của người tiêu dùng làm ưu tiên số 1 thay vì chuyên môn kỹ thuật.

  • Subway: Đồ ăn nhanh tốt cho sức khỏe.

Thực khách dùng bữa ở Subway luôn có cảm giác thực đơn của họ lành mạnh và an toàn hơn hầu hết những chuỗi cửa hàng ăn nhanh khác.

  • Nintendo: Hoạt động dành cho những gia đình năng động.

Ngay từ những sản phẩm đầu tiên, game của Nintendo luôn đi kèm với nhiều hơn một chiếc điều khiển. Kể cả những thiết bị điện tử cá nhân của Nintendo này cũng có khả năng kết nối với những người chơi khác, thể hiện đúng tôn chỉ của hãng: dành cho gia đình.

  • IKEA: Những ý tưởng cải thiện cuộc sống hàng ngày.

Trong quá trình thiết kế sản phẩm, IKEA chú trọng nhất đến yếu tố giá cả. Họ nỗ lực đem đến cho khách hàng những sản phẩm nội thất với mức giá phải chăng, giúp cho việc trang trí nội thất trở nên đỡ tốn kém và dễ dàng hơn, qua đó cải thiện chất lượng sống của con người.

  • Starbucks: Nuôi dưỡng và truyền cảm hứng đến con người – từng người, từng cốc cà phê, từng khu dân cư một.

Bên cạnh giá trị thương hiệu, hệ thống cửa hàng và đội ngũ nhân viên là những điều quyết định thành công của Starbucks. Họ tập trung đầu tư vào việc đào tạo nhân viên và thiết kế không gian quán tạo cảm giác thoải mái nhất cho khách hàng (dù khá tốn kém), thay vì mở quá nhiều chi nhánh, nhưng chất lượng không tốt. Quả thật, với mỗi giao dịch họ tiếp cận tới từng khách hàng, từng cốc cà phê, từng khu dân cư một.

Ý nghĩa thương hiệu sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp xác định một cách dễ dàng hơn việc nào nên làm, việc nào không nên làm.

* Tại sao doanh nghiệp cần phải quan tâm đến “ý nghĩa thương hiệu”, thưa ông?

Khi đứng trước câu hỏi: “Tại sao thương hiệu của bạn tồn tại?”, việc tìm ra một câu trả lời có khả năng thuyết phục và thỏa mãn người tiêu dùng là không hề đơn giản.

Ý nghĩa thương hiệu rất quan trọng, bởi nó trả lời câu hỏi trên một cách khéo léo, qua đó đem về cho doanh nghiệp sự ủng hộ từ những nhóm đối tượng quan trọng (khách hàng, thị trường, cộng đồng,…)

Không chỉ vậy, ý nghĩa thương hiệu cũng chính là kim chỉ nam định hướng kinh doanh, là nguồn cảm hứng để doanh nghiệp mang lại cho cộng đồng những sản phẩm, dịch vụ hoàn thiện hơn. So với những con số khô khan về doanh thu và thị phần thì một ý nghĩa thương hiệu hay thể hiện rõ rệt hơn khả năng thấu hiểu sâu sắc và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, qua đó được đánh giá cao hơn nhiều.

* Vai trò của “ý nghĩa thương hiệu trong việc quyết định nhận thức và hành vi lựa chọn của người tiêu dùng như thế nào?

Ý nghĩa thương hiệu rõ ràng sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp xác định một cách dễ dàng hơn việc nào nên làm, việc nào không nên làm. Họ chỉ trả lời câu hỏi đơn giản “Liệu bước đi này có theo đúng định hướng nhận thức hay không?”, “Chúng ta có đang thảo luận trên cơ sở mối quan tâm của khách hàng hay không?” …

Bản thân ý nghĩa thương hiệu đã bao gồm ba vấn đề chính mà lãnh đạo doanh nghiệp cần quan tâm: (1) Thế mạnh của doanh nghiệp so với các đối thủ là gì? (2) Mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp là gì? (3) Người tiêu dùng/cộng đồng đang cần gì? Doanh nghiệp có thể giúp gì cho cuộc sống của họ?

* Những yếu tố nào doanh nghiệp cần quan tâm trong quá trình lựa chọn ý nghĩa thương hiệu?

Ý nghĩa thương hiệu hoàn toàn có thể bị lấy mất nếu như một thương hiệu thất bại trong việc cải tiến và thực hiện những giá trị mà họ cam kết.

Đầu tiên, doanh nghiệp cần định rõ họ quan tâm và muốn đóng góp vào lĩnh vực nào trong đời sống của người tiêu dùng, ví dụ như: y tế – sức khỏe, giáo dục, phát triển bền vững… Trong quá trình xem xét, sự nhạy bén và thấu hiểu thị trường sẽ cho thấy, liệu lĩnh vực mà doanh nghiệp quan tâm có tương đồng với mối quan tâm của người tiêu dùng hay không? Sau đó, doanh nghiệp cần đánh giá xem họ có đủ khả năng để đem lại những giá trị mà họ cam kết hay không. Một người lãnh đạo doanh nghiệp cần suy nghĩ một cách thấu đáo về mục đích kinh doanh của họ, bên cạnh lợi nhuận tài chính.

Khởi nguồn chiến lược Marketing

* Theo ông, việc xác định ý nghĩa thương hiệu nên nằm ở đâu trong quá trình hoạch định và triển khai chiến lược marketing?

Chiến lược marketing cần được xây dựng dựa trên ý nghĩa thương hiệu, bởi không giống như một chiến dịch truyền thông thay đổi qua từng năm, ý nghĩa thương hiệu gần như bất biến và gắn liền với thương hiệu. Tuy nhiên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tìm ra những ý kiến hoặc nguồn cảm hứng mới có khả năng làm rõ và tăng sức mạnh cho ý nghĩa ban đầu. Mục đích của marketing chính là nhằm đạt được ý nghĩa đó.

* Những mối quan tâm của xã hội không ngừng thay đổi, vậy cần điều chỉnh ý nghĩa thương hiệu như thế nào để giữ được tính thống nhất nhưng vẫn theo kịp xu thế?

Những thương hiệu thường đánh giá và điều chỉnh hoạt động kinh doanh vài năm một lần để phù hợp với thị trường và các xu hướng. Ý nghĩa của thương hiệu cũng có chu kỳ như vậy.

Tuy nhiên, sản phẩm hay dịch vụ có thể bị thay đổi rất nhiều, thậm chí loại bỏ hoàn toàn, dựa trên sở thích của khách hàng và nhu cầu kinh doanh, còn ý nghĩa của thương hiệu thì không. Cách giải thích và áp dụng ý nghĩa thương hiệu qua mỗi thời kỳ có thể khác nhau, nhưng bản chất của ý nghĩa đó thì không thay đổi. Coca-Cola là một điển hình, ý nghĩa của thương hiệu này vẫn luôn chỉ xoay quanh hai chữ “hạnh phúc” trong suốt bao nhiêu năm qua. Tuy nhiên, qua thời gian họ cũng luôn đổi mới, mở rộng: hạnh phúc là sẻ chia, là kết nối, là thể hiện cảm xúc… Nó cũng giống như bản chất của con người không thay đổi, nhưng chúng ta có thể luôn tiến bộ để trở thành một con người tốt hơn.

* Trong một chiến dịch marketing, việc những đối thủ cạnh tranh bắt chước sản phẩm của nhau là không hiếm. Ý nghĩa thương hiệu liệu có thể bị sao chép, vay mượn như vậy không? Điều gì khiến một ý nghĩa thương hiệu trở nên độc đáo và duy nhất?

Cũng như bất kỳ một yếu tố nào khác trong marketing (vị trí, dòng sản phẩm, màu sắc chủ đạo …), ý nghĩa thương hiệu hoàn toàn có thể bị lấy mất nếu như một thương hiệu thất bại trong việc cải tiến và thực hiện những giá trị mà họ cam kết. Có ba yếu tố mà doanh nghiệp cần theo sát để bảo vệ ý nghĩa thương hiệu khỏi các đối thủ.

Không giống như một chiến dịch truyền thông thay đổi qua từng năm, ý nghĩa thương hiệu gần như bất biến và gắn liền với thương hiệu.

1. Sự liên tục. Nó thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong việc thực hiện ý nghĩa thương hiệu mà họ đã đề ra. Chính khách hàng sẽ đánh giá việc doanh nghiệp có “thống nhất một cách đáng tin cậy” hay họ luôn “thay đổi xoành xoạch” và không tập trung vào ý nghĩa ban đầu.

2. Sự nhạy bén trong tầm nhìn. Để giữ được sự liên tục, tầm nhìn của doanh nghiệp cũng luôn phải nhạy bén trước những thay đổi dù nhanh hay chậm của khách hàng. Sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động của người tiêu dùng khởi nguồn từ những kiến thức mới, những biến động trong cuộc sống và cả tác động từ những đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp sẽ thất bại nếu như không cập nhật và bám lấy những đánh giá không còn chính xác.

3. Hiện thực hóa ý nghĩa thương hiệu. Điều tệ nhất một doanh nghiệp có thể làm là liên tục tuyên truyền về sứ mệnh của họ, nhưng không thể hiện bằng hành động hoặc “nói một đằng làm một nẻo”. Sau khi đã thu hút được người tiêu dùng về ý nghĩa của thương hiệu, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải thực hiện nó.

* Ý nghĩa thương hiệu có thể được truyền tải qua những kênh truyền thông như thế nào, thưa ông?

Nếu chúng ta chỉ in ý nghĩa thương hiệu lên những tờ rơi, banner quảng cáo mà không giải thích chúng cho người tiêu dùng thì không có ý nghĩa gì cả. Lý tưởng nhất là chúng ta tìm cách truyền tải một cách khách quan, tức là từ các khách hàng đã trực tiếp sử dụng sản phẩm hoặc tương tác với nội bộ doanh nghiệp truyền miệng, lan tỏa tiếp tới bạn bè của họ.

Trong quá trình truyền thông, doanh nghiệp phải làm việc thông qua những cơ quan, đối tác khác nhau, điều đó chắc chắn sẽ khiến luồng thông tin trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Một vài lưu ý sau đây sẽ giúp cho việc truyền thông được rõ ràng và mạch lạc hơn.

1. Tạo ra một bộ hướng dẫn về ý nghĩa thương hiệu. Vạch ra cụ thể ý nghĩa mà doanh nghiệp hướng đến, đặt nó trong những tình huống khác nhau. Viết ra cụ thể sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp không bị chệch hướng.

2. Thường xuyên trao đổi về ý nghĩa thương hiệu. Nếu không giao tiếp với nhau hiệu quả, việc hiểu lầm và diễn đạt sai là không thể tránh khỏi. Trao đổi đều đặn về ý nghĩa thương hiệu không chỉ giúp tăng sự thấu hiểu mà còn tạo điều kiện phát triển những ý tưởng mới trong những chiến dịch truyền thông sau.

3. Làm một tấm gương thực hiện ý nghĩa thương hiệu. Việc này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Ban điều hành, lãnh đạo doanh nghiệp nên chủ động dẫn dắt quá trình này. Ví dụ như khi lựa chọn đồ ăn lành mạnh làm ý nghĩa của thương hiệu, lãnh đạo doanh nghiệp nên trở thành một hình mẫu, hạn chế ăn đồ ăn vặt, tạo niềm tin và tác động tốt đến nội bộ thương hiệu.

* Xin cảm ơn ông!

12 cách thương hiệu có thể cộng tác với những blogger nổi tiếng

Người dùng ngày càng tiếp xúc nhiều nội dung trên mạng, và họ không biết họ có thể tin tưởng vào ai. Dự theo thông tin của Technorati, các trang blog được xem là một trong 5 nguồn tin trên mạng đáng tin tưởng nhất.

Vì các blogger đã xây dựng một hệ thống hình ảnh và bài viết thú vị và có chất lượng được nhiều người theo dõi qua một thời gian dài, nên các trang blog trở thành một nguồn tin được người dùng tin tưởng.

Nhiều thương hiệu giờ đây đã cộng tác với những blogger có tầm ảnh hưởng lớn để tiếp cận đối tượng người dùng mới và gắn kết với họ theo một cách thức mới. Những thương hiệu này đang tìm kiếm những cách thức để thông điệp của họ được kể lại bởi những người có khả năng tạo sự chú ý thực sự. Nhiều marketer sử dụng trang web The Shelf để chạy chiến dịch marketing thông qua những hot blogger và họ thấy rằng có “cả tấn” cơ hội để thương hiệu và blogger kết nối với nhau. Nếu bạn muốn cộng tác với một blogger, hãy xem 12 chiến thuật dưới đây:

Trên thực tế, 84% người dùng tham khảo trên mạng trước khi thực hiện quyết định mua hàng, và 7 trên 10 người đọc các bài đánh giá trước khi mua.

Tặng quà

Không nghi ngờ gì, tặng quà cho các blogger yêu thích của bạn là một trong những cách dễ dàng nhất để thương hiệu tiếp cận với khách hàng tiềm năng. Mấu chốt để thành công là bạn phải tìm được blogger có cùng phong cách và phù hợp với định vị thương hiệu. Nếu họ thích món quà bạn gửi, thì sẽ rất có khả năng họ sẽ nói tốt hay chia sẻ về thương hiệu của bạn. Cho dù đó là một kỳ nghỉ trọn gói tại một resort hay bộ sưu tập thời trang mới nhất của bạn, bạn phải làm việc với blogger để tạo ra những hình ảnh lung linh chất lượng cao khi họ sẵn lòng chia sẻ. Mục đích là để tạo ra nội dung làm nổi bật sản phẩm hay dịch vụ của bạn và nội dung đó có khả năng được chia sẻ cao.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn chắc chắn là người hot blogger sẽ chia sẻ về thương hiệu của bạn, thì tặng quà không phải là một cách hay. Đa số các blogger đều nhận quà tặng, nhưng không đảm bảo thương hiệu của bạn sẽ xuất hiện trong bài viết của họ. Thông thường, họ muốn một khoản chi phí cho việc đăng sản phẩm lên blog hoặc các kênh mạng xã hội của họ. Kết lại, hãy liên lạc với các blogger trước khi bạn gửi quà tặng. Còn gì tốt hơn nếu họ đồng ý ngay lập tức? Còn nếu blogger yêu cầu một khoản chi phí để viết lách và bạn thực sự muốn cộng tác với họ thì ít ra bạn cũng có thể sắp xếp trước.

Thương hiệu thời trang cao cấp Chanel đã tặng cho blogger về thời trang Rumi Neely một cái balo tuyệt đẹp, và cái túi đó đã xuất hiện trong hàng loạt hình ảnh của nữ blogger này trên bản tin Instagram và trên các bài đăng khác. Vì thương hiệu này không trả phí quảng bá sản phẩm, nên Rumi không hề đề cập đến nó. Tuy nhiên, cái balo vẫn xuất hiện trên bản tin của cô, và thế là đọc giả của Rumi đã liên tục tiếp cận với thương hiệu theo một cách gián tiếp.

Mặc dù tặng quà là một cách tuyệt vời, những cũng có cách khác để quảng bá hình ảnh sản phẩm hiệu quả. Đó là trường hợp của Desk. Khi Desk tài trợ một bài đăng trên blog của John Gruber, Daring Fireball, Sáng lập viên của Desk, đã được hàng loạt các blogger nổi tiếng khác trong giới công nghệ yêu cầu “bài mô tả ứng dụng”. Các bản sao miễn phí này trở thành những bài đánh giá và đã đẩy Desk trở thành ứng dụng có doanh thu lớn thứ 11 trong thị trường ứng dụng dành cho Mac.

Bài đăng trả phí

Tài trợ bài viết là một trong những cách dễ dàng và phổ biến nhất cho thương hiệu cộng tác với các blogger. Tài trợ bài viết là trường hợp blogger được trả một khoản chi phí để đề cập về thương hiệu theo phong cách riêng trên blog của họ. Ưu điểm của bài tài trợ là mỗi blogger có thể đăng nổi bật nội dung lên đầu trang blog để bài đăng có thể tiếp cận với đọc giả.

Lưu ý: Nếu blogger tuân theo quy định của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), họ phải đính kèm một ghi chú nhỏ trong bài đăng là nội dung được thương hiệu tài trợ nhưng thể hiện quan điểm riêng của người viết.

Các bài viết của blogger với hình thức này là một cơ hội lớn để tăng nhận biết thương hiệu, đồng thời đảm bảo một số lượng link liên kết đến từ những website đáng tin cậy.

Prada đã dùng chiến thuật này khi mời một nhóm blogger nổi tiếng đến thử nghiệm dòng sản phẩm mới là Prada Candy Florale. Các blogger được thử thách và yêu cầu chia sẻ hashtag #StopAndSmellTheFlorale lên blog và các kênh xã hội của họ.

Đánh giá sản phẩm

Các bài đánh giá của blogger về sản phẩm trong thị trường ngách sẽ có sức mạnh to lớn trong việc tiếp cận các khách hàng tiềm năng. Vì blogger được xem là nguồn tin đáng tin cậy, độc giả của họ sẽ quan tâm khi có bài đáng giá tốt về một thương hiệu. Trên thực tế, 84% người dùng tham khảo trên mạng trước khi thực hiện quyết định mua hàng, và 7 trên 10 người đọc các bài đánh giá trước khi mua. Các bài đánh giá này cũng rất có lợi trong trường hợp sản phẩm của bạn yêu cầu người dùng phải xem chi tiết hướng dẫn sử dụng.

Nếu bạn muốn chắc chắn sản phẩm của mình được nhiều người biết, đừng chỉ gửi sản phẩm của bạn cho blogger. Bạn phải liên lạc trước với họ và cùng thống nhất một số chi tiết. Bạn phải chắc chắn rằng blogger sẽ đề cập tới sản phẩm của bạn một cách tích cực. Hãy đọc các bài đánh giá khác trên blog của họ để xem họ có chấp nhận viết về các sản phẩm như của bạn hay không?

Bài đánh giá sẽ giúp sản phẩm trở nên phổ biến rộng rãi, nó có thể làm cho người dùng quyết định mua sản phẩm hay không. Trang điểm là lĩnh vực thường được nhiều blogger đánh giá. Ví dụ như trên Stuff Parents Need, tác giả của blog này đã viết một bài về tất cả sản phẩm trong bộ Beauty Box 5 để cho các độc giả có thể xem bộ sản phẩm này có phù hợp với họ hay không. Nếu người dùng có thể thấy một người thật sự dùng sản phẩm thành công, đó là một điều có sức mạnh vô cùng lớn. Nếu bạn có thể thu thập tiến trình sử dụng của người dùng như quá trình giảm cân, mọc dài tóc, hay thậm chí là quá trình răng trở nên trắng hơn trong một loạt các bài đăng, đó sẽ là một bộ sưu tập đánh giá hoàn hảo cho sản phẩm của bạn.

Tặng quà cho độc giả

Triển khai chương trình tặng quà trên một trang blog là một cách tuyệt vời làm người dùng hào hứng với thương hiệu của bạn. Chương trình tặng quà có thể giúp tăng gắn kết và tăng lượng theo dõi trên mạng xã hội, cũng như sẽ giúp tăng lượng đăng ký nhận newsletter.

Hãy chắc rằng bạn chọn đúng blogger phù hợp với nhận diện thương hiệu của bạn và có thể hấp dẫn độc giả của họ. Khi đưa ra một phần thưởng, hãy chọn cái gì đó có giá trị thật sự, nếu không thì độc giả sẽ không màn tham gia chương trình. Các blogger biết rõ độc giả của mình hơn bạn, vì thế hãy tham khảo ý kiến của họ để chương trình của bạn được phổ biến rộng rãi hơn.

Vì các chương trình tặng quà yêu cầu người tham dự phải thực hiện điều gì đó trong suốt chương trình, nên bạn hãy yêu cầu họ thực hiện các hành động xoay quanh mục tiêu của thương hiệu. Bạn có muốn tăng lượng theo dõi trên một kênh truyền thông cụ thể nào không? Hãy hỏi người tham gia theo dõi hoặc đăng trên twitter của họ với hashtag của thương hiệu. Nếu bạn muốn tăng lượng người nhận email, hãy yêu cầu họ đăng ký nhận bản tin trước khi tham gia chương trình. Rafflecopter là một platform rất hữu ích cho các thương hiệu thực hiện chương trình tặng quà theo những mục đích cụ thể kể trên.

Nên nhớ rằng blogger sẽ yêu cầu bạn trả phí cho việc đăng tin, hơn nữa đặc điểm của chương trình có thể yêu cầu blogger phải làm thêm để chạy chương trình, để quảng bá và chọn ra người được thưởng cũng sẽ tốn thêm chi phí.

Forever 21 đã thực hiện chiến lược này trong mùa lễ. Thương hiệu này đã cộng tác với một vài blogger để thực hiện chương trình tặng thẻ mua hàng trị giá 150USD dành cho độc giả. Mỗi blogger đều đăng tiêu điểm chiến dịch của Forever 21 trên trang blog và kêu gọi độc giả của mình tham gia chương trình trong suốt 1 tuần.

Chương trình tặng quà cho nhóm

Tặng quà cho nhóm được thực hiện khi thương hiệu cộng tác với 10 – 20 blogger chạy chương trình nhắm vào các nhóm độc giả mục tiêu hay nhóm đối tượng khác nhau.

Chương trình tài trợ sẽ được đăng trên tất cả các blog cộng tác trong cùng 1 ngày, và việc đăng ký sẽ được thực hiện ở cùng một platform. Kế hoạch nhóm như vậy sẽ giúp bạn tiếp xúc với nhiều độc giả hơn cách thông thường từ chương trình dành cho cá nhân. Và bởi vì bạn triển khai tất cả mọi thứ trên 1 platform, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạn đấy.

Tùy thuộc vào độ phổ biến của blogger thế nào mà bạn có thể dự đoán bao nhiêu người sẽ tham gia mà không tốn phí. Thông tin cho bạn, tất cả blogger cộng tác có thể quảng cáo lẫn nhau, qua đó cách tiếp cận sẽ được nhân rộng lên gấp nhiều lần, đây là trường hợp mọi người đều vui.

Nếu bạn muốn hợp tác với một nhóm blogger ít nổi tiếng hơn, thì công tác SEO sẽ bị hạn chế nhưng nó sẽ là cơ hội tuyệt vời để tạo ra nhiều nội dung được người dùng chia sẻ. Nội dung như thế này sẽ tạo nên một nguồn nguyên liệu nuôi dưỡng thương hiệu trên các kênh mạng xã hội của chính bạn và nó có thể phát tán rộng rãi trên các platform như Pinterest. Hợp tác với những blogger nhỏ hơn sẽ giúp bạn tiếp cận với đối tượng độc giả cụ thể hơn. Vì những blogger ít nổi tiếng hơn sẽ dành nhiều thời gian để phát triển mối quan hệ với thương hiệu lẫn với độc giả của họ, thế nên bạn sẽ thấy có nhiều lợi ích khi làm việc với họ. Thực tế cho thấy 72% blogger chia sẻ miễn phí những bài đăng khác của thương hiệu tài trợ, những bài chia sẻ này là sau khi chiến dịch hoàn tất và nằm ngoài thỏa thuận với thương hiệu. Bạn sẽ thấy điều này rất phổ biến đối với các blogger nhỏ.

Thương hiệu thời trang DSW đã chạy một loạt chương trình tặng quà với 17 blogger như thế. Mỗi blogger tặng một thẻ mua hàng trị giá 250 USD, như thế sẽ có 17 người dành được phần thưởng. Cộng tác với nhiều blogger là một cách tuyệt vời để thương hiệu mở rộng sự tiếp cận với đọc giả. Thông tin cho bạn, nếu mỗi blogger đăng link liên kết của những blogger khác thì họ sẽ gia tăng được lượng theo dõi trong cộng đồng.

Các cuộc thi trên Pinterest

Pinterest là một trang lý tưởng để chạy các chiến dịch thiên về hình ảnh. Pinterest rất dễ tạo cảm hứng, nó chứa đầy những hình ảnh chất lượng cao và dễ dàng chia sẻ. Độc giả của hot blogger có thể đăng hình ảnh của bạn trên trang tin của họ để thông báo về một cuộc thi, hoặc bạn càng được điểm nếu họ tạo riêng một bộ sưu tập đăng tất cả hình ảnh về chiến dịch của bạn. Nên nhớ rằng, những người tham gia sẽ đánh dấu sự tham dự của họ với hashtag của thương hiệu vì thế bạn có thể dễ dàng theo dõi bài đăng cũng như chiến dịch của bạn tạo ấn tượng như thế nào. Thông tin cho bạn, các cuộc thi trên Pinterest là cơ hội tuyệt vời để tăng lượng truy cập đến website của bạn.

Bows-N-Ties đã thực hiện một cuộc thi trên Pinterest nhắm vào những người đang lên kế hoạch đám cưới. Cuộc thi trở thành một cơ hội hoàn hảo bởi vì nhiều người đang lên kế hoạch tổ chức hôn lễ đã gắn sự kiện này lên trang của mình. Bows-N-tries đã liên kết với những trang blog nổi tiếng về cưới hỏi, như Style Me Pretty, để tăng lượng người tham gia cuộc thi. Thậm chí những hình ảnh đã được đăng hơn một năm trước đây vẫn còn được người dùng tìm kiếm cho ý tưởng hôn lễ của họ.

Đăng quảng cáo

Nếu bạn muốn tăng nhận biết thương hiệu, đăng quảng cáo là cách để bạn thu hút nhiều sự quan tâm trong lĩnh vực của mình. Bạn có thể thực hiện theo 2 cách: bạn có thể mua vị trí quảng cáo thông qua một hệ thống, hoặc liên hệ trực tiếp với blogger. Nếu bạn chọn cách đăng quảng cáo thông qua hệ thống, bạn sẽ ít kiểm soát được quảng cáo của mình, thông điệp của bạn có thể bị chìm đi. Đăng quảng cáo theo cách này sẽ có lợi nếu bạn không muốn phải mất công đi tìm kiếm những trang blog thích hợp để đăng.

70% kết quả 100 danh mục được tìm kiếm nhiều nhất của Google đều là video, các video được chia sẻ trên mạng xã hội có thể tạo ra tác động tự nhiên đến kết quả tìm kiếm của Google.

Liên hệ trực tiếp với blogger sẽ giúp bạn có thể kiểm soát quảng cáo của bạn xuất hiện ở trang blog nào. Nó có thể cho bạn thấy kết quả quảng cáo ra sao nếu sự hợp tác của bạn với blogger đó đủ lớn. Để thương hiệu được nhận biết nhiều, cũng như có được vị trí đẹp, thì việc đăng quảng cáo trên những blog thích hợp sẽ tạo nên sự khác biệt lớn.

Liên hệ trực tiếp với blogger có thể sẽ giúp bạn thấy được nhiều cơ hội quảng cáo tiềm năng khác, ví dụ như bài PR hoặc quảng cáo trong newsletter. Hãy chắc rằng bạn có thể phân tích xem quảng cáo của mình hoạt động có tốt không, có gì cần thay đổi, hoặc có nên tiếp tục quảng cáo trên blog đó không.

Những cuộc thi dành cho blogger nổi tiếng

Nếu bạn muốn sáng tạo với chiến dịch của mình và tạo sự chú ý cho thương hiệu của mình, hãy mời blogger nổi tiếng tham gia vào một cuộc thi. Với hình thức này, bạn được tự do sáng tạo. Giải thưởng có thể là sự hợp tác độc quyền với thương hiệu, cơ hội du lịch đâu đó với danh nghĩa là đại sứ thương hiệu, hoặc là góp mặt trong danh sách nhân vật mặc đẹp nhất… đây là một số lựa chọn để bạn tham khảo. Các blogger nổi tiếng này sẽ cần đến sự bầu chọn từ độc giả của họ trong cuộc thi, vì thế đây sẽ là dịp hoàn hảo để thương hiệu bạn tiếp cận với độc giả của những blogger này.

Gần đây, Skype đã tạo nên một cuộc thi có tên là “Your city, Your passion”. Những người nổi tiếng từ nhiều thành phố khác nhau trên khắp thế giới được khuyến khích chia sẻ niềm đam mê của họ, và giải thưởng là những buổi học chuyên sâu với một chuyên gia trong lãnh vực họ đang hoạt động, ví dụ như Yvan Rodic cửa Facehunter hay Darren Morenstein của Epic Meal Time.

Tài trợ các bài đăng trên mạng xã hội

Bản chất khoa học của mạng xã hội là thay đổi người dùng. Một vài blogger trở nên nổi tiếng và tài khoản Instagram của họ có thể trở thành những kênh hữu ích cho công việc marketing của các doanh nghiệp. Nên nhớ rằng, các marketer đã sử dụng mạng xã hội như một hình thức marketing độc lập khi làm việc với người nổi tiếng. Theo Izea, 52% công ty đã lập ngân sách riêng cho việc quảng bá thương hiệu của họ trên mạng xã hội.

Rất dễ tính số lượng người theo dõi, nhưng chú ý đến khả năng gắn kết lại quan trọng hơn. Nếu bạn đang đăng chia sẻ trên mạng xã hội, hãy chắc rằng các blogger đó “like” và thảo luận trên những bài đăng trước đó của họ, đây là yếu tố để làm người theo dõi cảm thấy hào hứng với nội dung cập nhật của blogger.

Có lẽ chỉ có một vài lượt xem trước khi người đọc bắt đầu theo dõi mạng xã hội của bạn, vì vậy hãy cố gắng thỏa thuận với blogger quảng bá mạng xã hội của bạn một vài lần trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch.

Trên tài khoản Intagram của mình, blogger Xander Vintage đã đề cập đến phong cách luồn vòng nhẫn vào những lọn tóc của Regel Rose khá nổi bật và bài đăng đã thu hút 1.260 lượt “like” cùng 20 thảo luận. Trong các thảo luận, độc giả của cô thậm chí còn tag bạn của họ vào xem phụ kiện độc đáo dành cho tóc này.

Video

Video sẽ giúp tăng nhận biết, gắn kết và chỉ dẫn người xem, nó cũng thôi thúc người xem hành động và là một cách SEO tuyệt vời. Trên thực tế, 70% kết quả 100 danh mục được tìm kiếm nhiều nhất của Google đều là video, các video được chia sẻ trên mạng xã hội có thể tạo ra tác động tự nhiên đến kết quả tìm kiếm của Google.

Hãy phát triển nội dung video một cách sáng tạo, hợp tác với một blogger có sức ảnh hưởng mạnh và đầu tư và công tác quảng bá, như vậy bạn đã tự tạo cho mình một viral clip.

OPI đã cộng tác với Refinery29 trong một dự án nhằm hướng dẫn người xem một vài mẹo vẽ móng tay hình bán nguyệt. Những video như vậy sẽ thu hút rất nhiều tín đồ làm đẹp, đồng thời cũng là một cách thể hiện sản phẩm tuyệt vời.

Affiliate / referral program (chương trình liên kết)

Lập một chương trình liên kết (affiliate program) dành cho các blogger mục tiêu có thể giúp gia tăng nhận biết sản phẩm của bạn và mang về nhiều độc giả mới. Nhưng cái hay nhất là gì? Sử dụng affiliate program sẽ giúp có lợi cả đôi bên. Nếu blogger có thể thành công trong việc đề cập tới việc kinh doanh của bạn, bạn có thể gửi họ một khoản chi phí xứng đáng. Tỷ lệ thành công thông qua liên kết (affiliate) rất đa dạng, nhưng đối với các công ty khởi nghiệp, tỷ lệ khoản 25%. Một quy luật, bất cứ cái gì tạo ra giá trị cho thương hiệu của bạn thì cũng có lợi cho blogger.

Theo một nghiên cứu của Nielsen, 92% người dùng tin vào đề nghị của người khác, thậm chí từ những người họ không biết, hơn là tin vào nội dung được tạo bởi thương hiệu.

Sử dụng phương pháp này, bạn có thể tham gia một mạng lưới liên kết thay vì chạy một chương trình của mình. Các nhà bán lẻ lớn thường sử dụng một trong các chương trình này bởi vì nó đem về số lượng truy cập lớn. Các mạng lưới liên kết cần biết gồm rewardStyle, ShopSense, Linksynergy, Skimlinks, LinkShare, CJ Affiliate, and VigLink.

Đầu tư vào hoạt động marketing với người nổi tiếng

Đây là sự thay đổi cách tiếp cận người dùng của marketer. Dựa theo một nghiên cứu của Nielsen, 92% người dùng tin vào đề nghị của người khác, thậm chí từ những người họ không biết, hơn là tin vào nội dung được tạo bởi thương hiệu. Đó là lí do thương hiệu cần đầu tư vào việc tạo ra nội dung và liên kết với các nhà sáng tạo nội dung được nhiều người tin tưởng và có thể giúp tăng nhận biết thương hiệu cũng như sản phẩm của thương hiệu này. Có vô vàn lựa chọn nhưng tìm đúng hot blogger phù hợp với đối tượng người dùng mục tiêu và định vị thương hiệu là yếu tố quyết định.