Category Archives: Advice for employers

11 nơi dễ tìm việc nhất thế giới năm 2017

Một khảo sát mới đây của ManpowerGroup Outlook về tình hình việc làm trên toàn cầu cho biết, có 39 trong số 43 quốc gia dự định tăng đáng kể số lượng nhân viên. Phần lớn các quốc gia này đến từ khu vực Đông Âu và châu Á.

Dưới đây là 11 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong năm 2017, theo kết quả khảo sát trên.

1. Đài Loan

Đài Loan được xem là một trong những nơi tốt nhất trên thế giới dành cho người nước ngoài muốn phát triển sự nghiệp. Vùng lãnh thổ này đang trên đà phát triển, được đánh giá sớm trở thành trung tâm về công nghệ và tài chính của khu vực.

2. Nhật Bản

Nhật Bản được đánh giá có mức độ tin cậy cao nhất trong việc tuyển dụng nhân sự trên thế giới nhờ vào nền văn hóa làm việc nguyên tắc, môi trường làm việc cường độ cao, sôi động ở những thành phố lớn như Tokyo.

3. Slovenia

Trong khi các nhà tuyển dụng Tây Âu dè dặt hơn trong việc thuê thêm nhân sự so với các khu vực khác, thì tại Nam Âu, các công ty lại tăng cường mở rộng việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

4. Ấn Độ

Ấn Độ là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Quốc gia này đang thuê thêm nhân sự làm việc trong các lĩnh vực như dịch vụ chuyên nghiệp và sản xuất.

5. Hungary

Hungary hiện là đất nước có chi phí sinh hoạt thấp nhất ở châu Âu. Đây cũng là nơi mà thị trường việc làm tương đối sôi động, đặc biệt là trong năm 2017.

6. Mỹ

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc cũng là lúc các công ty nước này bắt đầu mở rộng quy mô nhân sự trở lại, Bussines Insider nhận định.

7. Romania

Romania đang trở thành điểm đến thu hút các công ty muốn mở rộng quy mô kinh doanh ở châu Âu vì chi phí sinh hoạt rẻ, tiền lương cho nhân viên tương đối thấp nhưng bù lại, chất lượng cuộc sống và văn hóa của nước này lại vô cùng phong phú.

8. Hong Kong

Được đánh giá là một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới nhưng Hong Kong đóng vai trò quan trọng trong việc là trung tâm tài chính của châu Á. Đồng thời, nơi này được xem như một cửa ngõ cho các dịch vụ tài chính ở Trung Quốc.

9. Bulgaria

Trong những năm gần đây, Bulgaria đã có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Các công ty ở nước này cũng đang mở rộng lực lượng lao động trên nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm dịch vụ chuyên nghiệp và khai thác mỏ.

10. Guatemala

Khu vực tư nhân hiện chi phối nền kinh tế của Guatemala và tạo ra khoảng 85% GDP cho nước này. Các công ty tại đây đang xem xét kế hoạch phát triển nhân sự trong những quý tiếp theo.

11. New Zealand

Không chỉ nổi tiếng với phong cảnh tự nhiên hùng vĩ và đứng hàng đầu thế giới về xếp hạng chất lượng cuộc sống, New Zealand hiện còn mở ra nhiều cơ hội cạnh tranh về việc làm cho người dân trong nước cũng như nước ngoài.

Số phận những công ty sống ký sinh vào iPhone

Có ít nhất 6 công ty lớn sẽ sẽ sụt giảm giá trị thảm hại chỉ sau một công bố không sử dụng sản phẩm của họ từ Apple.

Thành công của iPhone là vô tiền khoáng hậu. Với hơn 1 tỷ chiếc iPhone bán ra trong suốt 9 năm qua, smartphone mang tính biểu tượng của Apple không chỉ thay đổi cách người ta sử dụng công nghệ và còn biến Apple thành công ty thành công và có ảnh hưởng nhất thế giới.

Trong suốt con đường đó, Apple và iPhone được xem là mỏ vàng cho hàng loạt công ty, vốn là đối tác sản xuất hoặc cung cấp linh kiện cho họ. Do đó, mặc dù iPhone giúp một số công ty đạt lợi nhuận khổng lồ, việc phụ thuộc quá nhiều vào Apple chính là một mối nguy.

Trường hợp của Imagination Technologies mới đây là ví dụ điển hình. Cổ phiếu của hãng này sụt giảm gần 70% sau khi Apple hé lộ thông tin tự thiết kế kiến trúc GPU mới cho iPhone.

Tương tự, cổ phiếu của Dialog Semiconductor giảm hơn 30% khi có báo cáo cho rằng Apple có hứng thú với việc tự phát triển con chip quản lý pin.

Statista mới đây đưa ra danh sách một loạt công ty được xem là “sống ký sinh” vào Apple. Theo đó, doanh thu từ việc sản xuất linh kiện cho Apple thường chiếm hơn 50% doanh thu hàng năm của họ.

6 công ty có mức độ phụ thuộc lớn vào Apple. (% doanh thu dựa trên báo cáo tài chính năm 2016). Nguồn: Company Fillings.

“Phụ thuộc vào một đối tác duy nhất là mối nguy lớn. Đó cũng là lý do Apple đối xử với các công ty này một cách kém công bằng hơn so với những công ty có danh sách khách hàng dồi dào hơn. Nó cũng đưa Apple lên vị thế cửa trên khi đàm phán hợp đồng. Ở đó, họ có thể yêu cầu các điều khoản có lợi cho mình”, Statista cho hay.

Trong bảng thống kê trên, có thể thấy Dialog Semiconductor có lý do để lo lắng nhất khi họ phụ thuộc quá lớn vào Apple. Mặc dù vậy, không phải đối tác nào cũng cần lo sợ như vậy. Chẳng hạn, Apple khó tìm kiếm được đối tác nào có năng lực sản xuất lớn hơn Foxconn để lắp ráp iPhone.

Tuy nhiên, bảng thống kê nói trên chỉ nhắc đến những công ty lớn, niêm yết rõ ràng. Trên khắp thế giới, có hàng nghìn những công ty khác được xem là sống gửi vào Apple, từ các đơn vị sản xuất phụ kiện, cửa hàng buôn bán sản phẩm Apple mà người ta chưa thể thống kê hết được.

Chẳng hạn mới đây, động thái yêu cầu dỡ bỏ bảng hiệu có liên quan đến thương hiệu Apple của đại diện pháp lý Apple tại Việt Nam hay việc dấy lên tin đồn Apple cấm việc sửa chữa iPhone từ các đơn vị không được ủy quyền cũng gây sóng gió lớn cho giới kinh doanh trong nước.

Thành Duy
* Nguồn: Zing News

Sau Vinasun, đến lượt Mai Linh than khó vì Uber và Grab

Mở đầu báo cáo thường niên năm 2016 mới được công bố, ban lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh nhấn mạnh, năm 2016 là một năm cực kỳ khó khăn đối với tập đoàn.

Nguyên nhân do Uber, Grab hoạt động tràn lan, nhất là ở hai thành phố lớn như Tp.HCM và Hà Nội khiến thị trường taxi cạnh tranh khốc liệt, trong đó sự bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh khác đã gây thiệt hại lớn về doanh thu cho Mai Linh cũng như các hãng taxi truyền thống.

Theo số liệu chính thức, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, số lượng taxi Uber và Grab ở Tp.HCM đã lên tới 21.000 xe, nếu kể cả xe chạy “lụi” không đăng ký ước tính phải đến 25.000 xe (trong khi qui hoạch taxi của Tp.HCM đến nay chỉ cho phép tổng cộng 11.000-12.000 xe) làm trật tự giao thông đô thị bị phá vỡ, kẹt xe nghiêm trọng, nhà nước thất thu thuế…

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, các công ty taxi khác mới ra đời đã phá điểm, phá giá để tranh giành thị phần cũng gây nhiều khó khăn cho các đơn vị chi nhánh của Mai Linh.

Kết thúc năm tài chính 2016, doanh thu của Mai Linh vẫn tăng trưởng mạnh 32,3% so với năm 2015, đạt 3.730 tỷ đồng do tập đoàn đẩy mạnh đầu xe.

Lợi nhuận Mai Linh sụt giảm vì mất thị phần.

Doanh thu từ hoạt động taxi/tổng doanh thu năm 2016 là 86,22%; tỷ lệ này tăng so với năm 2015 (80,29%) cho thấy hoạt động taxi tiếp tục đóng vai trò là hoạt động kinh doanh chủ lực, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu toàn hệ thống tập đoàn.

Mặc dù doanh thu tăng đáng kể, nhưng do các khoản chi phí tài chính và chi phí quản lý tăng khiến lợi nhuận trước thuế năm 2016 giảm 62% so với năm trước, đạt 61,12 tỷ đồng.

Trong năm 2016, Mai Linh đã đầu tư 2.096 xe và thanh lý 789 xe, đưa tổng số phương tiện taxi của toàn hệ thống tính đến ngày 31/12/2016 là 14.358 phương tiện.

Về tình hình thực hiện thu lao, trong năm qua, công ty đã dự toán thù lao và chi phí hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát tối đa là 3,5 tỷ đồng.

Trong đó, 5 thành viên Hội đồng quản trị nhận 2,4 tỷ đồng, tương đương với mỗi thành viên nhận về 40,5 triệu đồng một tháng. 3 thành viên Ban Kiểm soát nhận 715 triệu đồng. Như vậy người sẽ nhận 20 triệu đồng một tháng.

Năm 2017, Mai Linh đặt mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận 68 tỷ đồng; đầu tư 2.404 xe và thanh lý 810 xe; xe cuối kỳ đạt 15.839 xe.

Kiều Linh
* Nguồn: VN Economy

Vì sao CEO nên “xóa mù” mạng xã hội?

Giáng sinh 2016, CEO dịch vụ đặt phòng, căn hộ Airbnb Brian Chesky đã làm một điều bất thường, đó là dành nhiều giờ trên Twitter để thực hiện một nghiên cứu thị trường, có thể giúp cho các chiến lược của công ty trong năm 2017.

Anh bắt đầu bằng câu hỏi đơn giản: Nếu @Airbnb ra mắt thứ gì đó năm 2017, nó sẽ là gì?

Hàng trăm ý tưởng được gửi đến, từ các sản phẩm dễ hiện thực hóa như bổ sung dịch vụ lau dọn, đặt bữa cho đến nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như giảm tình trạng phân biệt đối xử, quyên góp từ thiện nhiều hơn. Thậm chí, có người còn đề xuất dịch vụ cho thuê trên… Sao Hỏa.

Người dùng Twitter không bỏ lỡ cơ hội đưa ra gợi ý của mình và quan trọng hơn, họ biết rằng suy nghĩ đó đang được lắng nghe, đánh giá bởi người đưa ra quyết định cuối cùng của công ty. Còn phải xem nghiên cứu của Chesky hiệu quả đến đâu, song động thái có lẽ đã làm cho lòng trung thành với nhãn hiệu tăng lên.

Câu chuyện này dạy cho chúng ta bài học CEO dùng mạng xã hội để củng cố nhận thức nhãn hiệu đối với công chúng như thế nào, nó đồng thời truyền tải thông điệp mạnh mẽ rằng các lãnh đạo biết giao tiếp tốt trên mạng xã hội bộc lộ nhiều ưu điểm, khiến họ trở thành người cầm quân tốt hơn.

Trong nghiên cứu High Resolution Leadership của DDI, kỹ năng lãnh đạo của 250 ứng cử viên được phân tích và đối chiếu với hoạt động của họ trên mạng xã hội. Kết quả cho thấy, so với những người đồng cấp không tích cực trên mạng, các ứng cử viên còn lại: tốt hơn 89% trong việc trao quyền cho người khác; tốt hơn 52% trong thuyết phục; 46% có ảnh hưởng hơn; 36% nuôi dưỡng mạng lưới tốt hơn; 19% đam mê hơn và 16% ra quyết định tốt hơn.

Hình bản quyền bởi StockUnlimited.

Ngoài việc cho thấy hành vi lãnh đạo mạnh mẽ, các ứng cử viên CEO mạng xã hội cũng có các điểm tương đồng về tính cách để đưa ra phán xét tốt hơn. Không ngạc nhiên khi họ có tính xã hội cao hơn và tương tác với người khác nhiều hơn. Họ cũng ít tranh cãi, ít né tránh, có khuynh hướng hành động hơn. Họ không cố trở nên hoàn hảo, tránh được các sai lầm nhỏ trong quản lý hoặc chỉ trích người khác quá đáng. Tuy nhiên, nhược điểm là họ có xu hướng tìm kiếm sự chú ý hơn người khác, tức là yêu cầu phản hồi nhiều hơn.

Bất chấp mối liên hệ tích cực giữa lãnh đạo và hiện diện trên mạng xã hội, các CEO ngày nay còn khá e dè với mạng xã hội. Trong phân tích 100 CEO có năng lực nhất của Harvard Business Review, ngay cả tiêu chí thấp nhất để được cho là “có tính chất xã hội” là có ít nhất một bức ảnh đại diện và kết nối trên LinkedIn và/hoặc Twitter, kết quả khá thất vọng: chỉ 20% CEO làm được.

Trong số này, 18 dùng LinkedIn, 7 dùng Twitter và chỉ có 4 dùng cả 2 nền tảng. Tương tự, các nhà nghiên cứu của Đại học Bắc Calirona cho hay, chỉ có khoảng 8% đang dùng Twitter và khoảng 70% chủ động cập nhật.

Trong tương lai, mạng xã hội sẽ là lĩnh vực quyền lực, giúp các công ty xác định được CEO nào đã chuẩn bị kỹ càng để điều hành doanh nghiệp.

Du Lam / CNBC
* Nguồn: ICT News

Tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong quý 1/2017 đạt mức cao kỷ lục nhờ vào mùa Tết

Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) toàn quốc trong quý đầu tiên của năm 2017 đã đạt mức tăng kỷ lục trong suốt vài năm trở lại đây, với mức tăng trưởng dương, đạt 9.6% so với mức tăng trưởng 5.3% cùng kỳ năm trước.

Điều này được ghi nhân là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ba năm qua. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ mức tăng 8.5% từ tăng trưởng sản lượng, theo báo cáo Market Pulse Qúy 1, được công bố bởi Nielsen Việt Nam – công ty toàn cầu về thông tin và đo lường hiệu quả kinh doanh.

Báo cáo Market Pulse của Nielsen dựa trên kết quả đo lường bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh, trên những nhóm sản phẩm chính, để theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ được xác định. Các chỉ số bán lẻ được sử dụng sử dụng trong bài viết cho thấy nỗ lực của nhà sản xuất và các nhà bán lẻ cũng như sức tiêu thụ của người tiêu dùng.

Theo báo cáo, khi quan sát tổng quan ở 6 ngành hàng lớn (nước uống-bao gồm bia, thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc lá) sự phục hồi tăng trưởng đang diễn ra ở tất cả các ngành hàng. Đặc biệt, có 3 trong số 6 ngành hàng lớn đã có sự tăng trưởng 2 chữ số trong quý này. Những ngành hàng lớn đó là Thực Phẩm, Sản Phẩm Chăm Sóc Gia Đình và Sản Phẩm Chăm Sóc Cá Nhân, với 13.9%, 12.4% và 12.2% tương ứng. Theo sau, ngành hàng Sữa đạt mức tăng trưởng 10.3% và ngành hàng Nước Uống đạt 9.1%. Cuối cùng, Thuốc Lá tăng 5.6% trong quý này.

Đáng chú ý, ngành hàng Nước Uống tiếp tục là ngành hàng dẫn đầu trong việc đóng góp vào doanh số FMCG trong quí này, đóng góp khoảng 45% doanh số. Thuốc Lá và Thực Phẩm đóng góp vào tổng doanh số khoảng 19% và 13% tương ứng.

“Tin vui là tiêu dùng trong mùa Tết đã đạt được mức tăng cao kỷ lục trong nhiều năm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải chú ý đến sự tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong năm 2017. Sau khi tăng trưởng ấn tượng mức 18,7% vào tháng Giêng âm lịch, sự tăng trưởng của tháng Hai và tháng Ba đã giảm xuống chỉ còn 8,6% và 2,1% tương ứng. Đây có thể là một dấu hiệu sớm của sự chậm lại, hoặc chỉ là do mùa thấp điểm sau Tết.” ông Nguyễn Anh Dũng, Giám Đốc, Trưởng Bộ Phận Dịch Vụ Đo Lường Bán Lẻ Nielsen Việt Nam cho biết.

Vùng nông thôn đã được nhắc đến như là một nguồn tăng trưởng mới cho nhiều nhà sản xuất. Câu chuyện này một lần nữa được nhìn thấy rõ rệt trong quý đầu tiên của năm 2017. Báo cáo cũng cho thấy rằng vùng nông thôn tăng mạnh trở lại trong quý này ở mức 12.4%, đóng góp 51% vào tổng doanh thu ngành hàng tiêu dùng trên toàn quốc, trong khi khu vực thành thị chỉ tăng ở mức 6.5%. Điểm sáng trong báo cáo lần này là sự tăng trưởng của cả khu vực thành thị và vùng nông thôn chủ yếu đến từ tăng trưởng sản lượng.

“Mặc dù khu vực nông thôn đã tăng trưởng chậm lại do sự bất lợi về thời tiết và những thách thức trong năm vừa qua, nhưng thực tế cho thấy sự tăng trưởng trong nông thôn đã phục hồi trở lại với sự tăng trưởng ở tất cả các ngành hàng lớn” ông Dũng nhấn mạnh. “Vẩn có hơn 60% dân số Viêt Nam sống ở khu vực nông thôn và có rất nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất ở thị trường này. Người tiêu dùng nông thôn đang có mức thu nhập tăng lên và có tiếp cận tốt với nhiều thông tin hơn thông qua việc kết nối với internet, điện thoại thông minh để biết thêm thông tin sản phẩm và chất lượng. Với tầm quan trọng của thị trường nông thôn, các nhà sản xuất nên nắm bắt cơ hội ở thị trường này bằng cách trang bị cho mình những kiến ​​thức cập nhật về thị trường mới nổi này như nhu cầu của người tiêu dùng và xu hướng thị trường”.

* Nguồn: Nielsen