Category Archives: Bussiness

4 cách đơn giản để giảm stress

Stress là một khía cạnh không thể tránh khỏi tại nơi làm việc, nhưng chúng ta không cần phải ép mình làm quen với nó, mà hãy làm cho nó suy giảm đi.

Theo TS. Leah Weiss – nhà nghiên cứu, tác giả sách, giảng viên tại Trường Kinh doanh Stanford, để giảm stress, chúng ta chỉ cần đặt mình vào một trạng thái vật lý cụ thể nhằm neo giữ bản thân lại với hiện tại. Chẳng hạn như dành một khoảnh khắc để nhận thức rằng đôi chân mình đang đặt trên mặt đất, và đừng quên rằng cơ thể chính là công cụ đáng tin cậy và luôn hiện diện để giúp chúng ta giảm bớt căng thẳng.

Trong một bài viết trên Harvard Business Review, TS. Weiss cho biết, nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực tế là khi tâm trí bị quá tải, cơ thể mình chính là điều cuối cùng chúng ta nghĩ tới. Việc tập trung sự chú ý vào cơ thể lại có khả năng giúp “neo giữ” chúng ta lại trong khi một sự việc đang diễn ra, đặc biệt là những sự việc gây cảm xúc tiêu cực.

“Hãy hướng sự chú ý vào cơ thể, nhận thấy nó chứ không lảng tránh nó, mỗi khi có sự căng thẳng, nỗi đau đớn hoặc các cảm giác vật lý trung tính khác. Cách làm này giúp chúng ta luôn ở trong thực tại. Cơ thể chính là cách nhanh nhất, chắc chắn nhất để chúng ta hiện diện ở thực tại khi tâm trí bị ‘đi lạc'”, TS. Weiss nói.

Chúng ta tự gây ra cho mình nhiều đau khổ không cần thiết khi tâm trí bị mất tập trung. Hạch hạnh nhân nằm ở tâm của não chính là nơi phát hiện và xử lý cảm xúc, bao gồm cả nỗi sợ hãi. Khi hạch hạnh nhân bị kích hoạt bởi tình huống có vẻ như là một mối đe dọa tiềm năng (đôi khi chỉ đơn giản là nhận được một email mang nội dung tiêu cực), nó bắt đầu tạo nên một số thay đổi như gia tăng sự căng thẳng cơ bắp và làm nhịp thở trở nên nhanh hơn. Quá trình này mạnh mẽ đến nỗi chúng ta xem những phản ứng của cơ thể như bằng chứng của sự nguy hiểm. Và kết quả là, một vòng luẩn quẩn sẽ tiếp tục diễn ra, sự căng thẳng cơ bắp tiếp tục tăng lên và nhịp thở ngày cành nhanh hơn.

Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng một “cái neo” để thoát ra khỏi tình huống này. Dưới đây là một số bài tập đơn giản mà hiệu quả giúp bạn neo giữ bản thân mình lại với hiện tại, theo TS. Leah Weiss:

1. Thực hiện một hơi thở có chủ đích

Để thay đổi cách nhìn nhận sự việc, đôi khi chúng ta chỉ cần dùng một hơi thở. Hơi thở này gây ra tác động vào trong tâm trí, tạo ra sự thay đổi để cơ thể điều chỉnh lại sau khi tiếp nhận “mối đe dọa”.

Khi ở trong tình huống căng thẳng, chúng ta gần như hoàn toàn tin tưởng vào câu chuyện mà tình huống mang đến. Một hơi thở có chủ ý sẽ giúp chúng ta thoát ra khỏi câu chuyện đó và bớt “cả tin” hơn.

Hãy nương theo hơi thở khi nó tiến sâu vào cơ thể và đánh giá tình hình, xem liệu lý trí có đang đồng hành cùng bạn hay đang chống lại bạn. Sau đó, chủ động chọn lựa cách xử lý mình thực sự muốn.

2. Chú ý đến cảm xúc

Một trong những lý do nên “neo” vào cơ thể là vì đó là nơi bạn cảm nhận cảm xúc của mình – yếu tố rất quan trọng để nhận thức vấn đề, đặc biệt là trong quá trình làm việc. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu bạn nhận thức được các cảm xúc khó chịu, sự tác động của chúng đến bạn càng suy yếu đi.

Khi đặt sự chú ý vào cơ thể, bạn sẽ có khả năng nắm bắt được thông tin gốc rễ của vấn đề, trước khi nó “tấn công” vào “toàn bộ hệ thống”.

3. Nhớ rằng cơ thể có khả năng kết nối

Bạn đang bực bội với người quản lý? Bạn nghĩ rằng mình không thể làm việc thêm một ngày nào nữa với một đồng nghiệp? Khi rơi vào những hoàn cảnh đó, cơ thể bạn sẽ có khả năng kết nối với những người khác, thậm chí cả những người mà bạn không thể tiên đoán trước. Bởi cơ thể là một trong số nhiều điểm chung giữa người với người.

Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng mức độ tác động của sự kết nối này là rất lớn. Do đó, khi bỏ qua cơ thể mình, nghĩa là bạn đang bỏ lỡ cơ hội đồng cảm với người khác.

4. Phóng đại những niềm vui nhỏ

Đừng đánh giá thấp niềm vui nhỏ hằng ngày. Bản chất của con người là thường chú ý đến nỗi đau hơn niềm vui. Tuy nhiên, nếu tự nhắc nhở bản thân và rèn luyện thường xuyên, bạn có thể có được cảm giác tích cực suốt cả ngày trong những niềm vui đơn giản và đáng tin cậy đến từ việc… sở hữu một cơ thể. Chẳng hạn như ngồi xuống thư giãn khi đã đứng quá lâu, đứng lên duỗi dài cơ thể khi đã ngồi quá lâu, cười lớn khi nghe một câu chuyện vui, ăn uống khi cảm thấy đói hoặc khát, giải phóng bàn chân ra khỏi một đôi giày không thoải mái…

Mỗi ngày dù có xảy ra nhiều chuyện khó chịu đến đâu, hãy nắm bắt vô số cơ hội nho nhỏ đó để luôn cảm thấy thật tích cực.

Các tỷ phú dậy sớm rồi làm gì nữa để thành công?

Một khởi đầu ngày mới lành mạnh sẽ giúp bạn có nhiều hứng khởi hơn trong suốt một ngày dài.

Bạn ngưỡng mộ Bill Gates, Mark Zuckerberg hay Oprah Winfrey? Nếu câu trả lời là có, tại sao không “bắt chước” một số thói quen tốt của họ, ví dụ như những thói quen vào ngay buổi sáng sau khi thức dậy.

Thực tế, nhiều người thành công đều cùng có một điểm chung là họ yêu thích những buổi sáng và tận hưởng nó theo cách có thể giúp tối đa năng lượng cho cả một ngày dài.

Nữ doanh nhân quyền lực nhất Trung Quốc: Thành công trả giá bằng cô đơn

Để trở thành nữ doanh nhân thành công nhất Trung Quốc như ngày hôm nay, “bà đầm thép” Dong Mingzhu của Gree Electric trả giá bằng sự cô đơn.

CNBC ngày 7/2 đưa tin, trong bảng xếp hạng hàng năm của tạp chí Forbex xếp hạng 100 nữ doanh nhân hàng đầu của Trung Quốc, “bà đầm thép” Dong Mingzhu, Chủ tịch và là Giám đốc của công ty thiết bị điện gia dụng Gree Electric Appliances, là người phụ nữ thành công nhất.

Tuy nhiên, con đường đến thành công của bà không hề dễ bước. Chồng bà Mingzhu qua đời khi con trai họ mới chỉ hai tuổi. Bà chưa bao giờ tái hôn. Giờ đây, ở tuổi 63, bà đã không còn màng đến chuyện cân bằng công việc và cuộc sống. “Gree là cuộc sống của tôi” bà Mingzhu nói.

Tại Hội nghị Sản xuất Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái, bà Mingzhu kể, năm 1994, bà gia nhập Gree Elecric làm nhân viên kinh doanh, mang theo con trong các chuyến bán hàng.

Sự quyết tâm và tinh thần làm việc quyết liệt giục bà phá vỡ các kỷ lục bán hàng của công ty. Bà Mingzhu thăng tiến và nắm vị trí dẫn đầu của công ty vào tháng 5/2012.

Trong cuộc phỏng vấn với China News Network hồi năm ngoái, bà cho biết trong 26 năm làm việc tại Gree Electric, bà chưa bao giờ sử dụng một ngày nghỉ theo quy định hàng năm của công ty này.

Gree Electric là một công ty thiết bị gia dụng có trụ sở ở thành phố Chu Hải, Trung Quốc với 78.000 nhân viên. Trong thời gian bà Mingzhu nắm quyền quản lý, giá của cổ phiếu công ty đã tăng hơn gấp đôi.

Khi bà nắm quyền cao nhất tháng 5/2012, một cổ phiếu Gree Electric có giá 1,66 USD. Gần đây, một cổ phiếu Gree Electric có giá 3,65 USD. Giá trị vốn hóa thị trường của Gree Electric được công bố là 22 tỷ USD.

Để có được thành công này, bà Mingzhu phải trả giá không nhỏ. Tại hội nghị hồi tháng 12, bà cho biết không có nhiều thời gian dành cho gia đình, bà chưa từng có thời gian dự bất kỳ lễ tốt nghiệp nào của cậu con trai. “Con trai tôi học xong mầm non đến đại học… tôi chưa từng đến trường của con một lần”, bà Mingzhu nói.

Quyền lực đi với trách nhiệm và sự hy sinh. Trong trường hợp của bà, đó là các mối quan hệ. “Tôi không có bạn bè bởi vì tôi không thể có bạn bè. Điều này rất cô đơn”.

Cựu chủ tịch Daewoo: “Hội chứng vừa đủ” khiến bạn hiển nhiên thất bại

Có 3 loại đại diện công ty tại cảng: Loại thứ nhất thường bị thua cuộc. Loại thứ hai thua cuộc một hay hai lần trong tổng số 10 lần. Và loại thứ ba thì luôn luôn thành công. Lý do 2 loại đầu thua cuộc là bởi họ mắc phải “hội chứng vừa đủ”, cho rằng mình làm như vậy là đủ rồi, nhưng thường là thất bại…

Có rất nhiều người mắc phải “hội chứng vừa đủ”. Họ làm một lượng công việc chừng mực, và có một thời lượng giải trí vừa đủ.

Những người nỗ lực hết sức mình không bao giờ có biểu hiện của hội chứng vừa đủ này, khi làm bất cứ việc gì họ cũng không bao giờ phí phạm thời gian. Vừa đủ không tốt chút nào cho những người cố gắng hết sức mình.

“Từ khi bắt đầu kinh doanh, tôi không bao giờ chịu được kiểu “hội chứng vừa đủ” ở công nhân. Nó không mang lại cái gì cho cá nhân cũng như cho xã hội”, ông Kim Woo Choong – cựu Chủ tịch Tập đoàn Daewoo, người được coi như huyền thoại kinh doanh tại Hàn Quốc tâm sự trong cuốn hồi ký của mình.

“Làm thế là đủ rồi” và những kẻ thất bại

Vào năm 1967, khi Daewoo mới được thành lập, hầu như mọi sản phẩm xuất khẩu vẫn còn được chuyên chở bằng tàu. Kỹ nghệ chuyên chở lúc ấy không phát triển cho lắm, đồng thời kéo theo sự cạnh tranh gay gắt để xếp được hàng lên tàu rồi chở đi.

Nếu không giành được tàu đúng lúc, Daewoo phải chờ ít nhất là một tuần mới có chuyến khác và mọi nỗ lực sản xuất căng thẳng trước đó cho kịp thời gian giao hàng đều về con số 0.

Toàn bộ tài sản của công ty phụ thuộc vào việc có giành được tàu hay không, vì vậy áp lực và trách nhiệm của các đại diện tại bến cảng vô cùng quan trọng. Thậm chí, có trường hợp hàng một công ty đã bốc lên tàu rồi và sau khi người đại diện trở về mãn nguyện thì hàng bị dỡ xuống và thay thế bởi hàng của công ty khác.

Theo quan sát của ông Kim, điều thú vị là có 3 loại đại diện công ty tại cảng.

Loại thứ nhất cảm thấy rằng đi về sau khi xác nhận là hàng công ty mình đã tới bến tàu thì cũng đủ tốt rồi.

Loại thứ hai muốn là hàng tới bến cảng và ở lại cho tới khi người ta bốc hàng.

Loại thứ ba ở lại để xác nhận là tàu đã nhổ neo đi.

Và ông nghiệm ra rằng: Loại đại diện thứ nhất thường bị thua cuộc. Loại thứ hai thua cuộc một hay hai lần trong tổng số 10 lần. Và loại thứ ba thì luôn luôn thành công.

“Hai loại đại diện đầu chỉ làm điều họ nghĩ rằng đủ tốt vào những lúc ấy, nhưng thường là thất bại. Tôi ra lệnh cho đại diện công ty ở lại bến cảng cho đến khi thực sự tàu đã vượt quá tầm chân trời. Đó mới gọi là hoàn tất xong sản phẩm. Kết quả là chúng tôi không hề bị chuyến hàng nào tắc tại bến cảng và luôn giao hàng đúng hẹn”, ông Kim kể.

Từ những trải nghiệm của bản thân, dẫu làm gì vị cựu Chủ tịch này cũng muốn làm cho hoàn hảo, và ông cho biết đó là chìa khoá dẫn tới thành công. Ông cũng đã truyền nguyên tắc làm việc tới mức hoàn hảo này cho nhân viên, yêu cầu là nguyên tắc phải áp dụng cho mọi điều chứ không phải chỉ cho sản phẩm.

“Tôi hy vọng lớp trẻ ngày nay sẽ đắm mình vào những hoạt động mang tính sáng tạo và nổi bật chứ đừng chỉ học “vừa đủ” và làm theo một số đông người khác. Hãy chọn những gì đúng cho bạn, những khả năng cơ bản và dành cho những việc đó với tất cả nỗ lực của mình”.

“Chỉ lúc đó, mồ hôi của những nỗ lực ngày hôm qua mới tiếp tục đưa lại kết quả cho ngày mai. Dù đang học hoặc đang kiếm sống thì khái niệm ‘Vừa đủ không bao giờ là vừa đủ cho bạn cả’”, huyền thoại kinh doanh Hàn Quốc nay đã 81 tuổi khuyên nhủ.

Từ giấc ngủ trưa đến sự trì trệ của một nền kinh tế

Cách đây chừng 3 năm, FPT từng vấp phải sự phản đối của nhiều người khi cấm nhân viên ngủ trưa. Ông Đỗ Cao Bảo – Phó Tổng Giám đốc CTCP FPT, lúc bấy giờ là Chủ tịch HĐQT FPT IS – đã giải thích rằng: Việc cấm cán bộ nhân viên FPT ngủ trưa tại khu làm việc là vì sự nghiệp toàn cầu hóa.

“Các đối tác đã chân tình khuyên chúng ta muốn lấy được hợp đồng của họ, muốn vượt lên so với Ấn Độ và Trung Quốc thì nên bỏ thói quen ngủ trưa”, ông Bảo giãi bày.

Tư duy này khá trùng hợp với suy nghĩ của huyền thoại kinh doanh Hàn Quốc – ông Kim Woo Choong, cựu Chủ tịch Tập đoàn Daewoo.

Trong cuốn hồi ký của mình, ông chia sẻ: Mỗi khi du lịch sang Châu Âu, ông nhận thấy những miền ở Bắc nước Pháp, có nền kinh tế trù phú trong khi những miền ở phía Nam lại có nền kinh tế khá yếu kém.

“Có lẽ không có sự giải thích mang tính khoa học cho sự khác biệt này. Nhưng theo ý kiến của bản thân tôi, sự khác biệt đó có thể giải thích vì giấc ngủ trưa”, ông Kim nói.

Ở miền dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, dân thành thị và nông thôn đều có tập quán ngủ trưa trong một hay hai tiếng sau bữa cơm trưa.

“Tôi không hiểu nổi làm sao người ta có thể ngủ vào thời điểm quan trọng như thế. Mọi công nhân đều ngủ trưa, họ ra khỏi xưởng cùng giờ và phần lớn các cửa hiệu đóng cửa trước 8 giờ. Khi cả xã hội đều như vậy sẽ dẫn tới sự mất mát giờ lao động rất nghiêm trọng”.

“Vì vậy, tôi nghĩ rằng ngủ trong ngày là điều mà chúng ta cần phải suy xét lại”, ông Kim chia sẻ.

Và ở miền có thói quen ngủ trưa ấy, có một vẻ chậm chạp dường như ăn sâu vào trong hành động và tinh thần của những người dân nơi này. Ở một mức độ nào đấy, điều này có thể hiểu như là một đặc tính cá nhân hay của một vùng, nhưng với cựu Chủ tịch Daewoo, ông coi đó như là một “hội chứng vừa đủ”, nghĩa là làm một lượng công việc chừng mực và có một thời lượng giải trí vừa đủ.

“Giấc mơ Mỹ” của cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan

“Họ phải làm việc hoặc sẽ chết đói”, Alan Greenspan – cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (tại vị từ năm 1987 – 2006) mô tả về cách mà các gia đình trong khu phố thời thơ ấu của mình phải vật lộn với cuộc sống lúc Đại khủng hoảng – thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 1929 đến hết các năm 1930 và lấn sang đầu thập kỷ 1940.

Người góp công lớn giúp định hình chính sách tiền tệ của nước Mỹ trong suốt 4 đời tổng thống trưởng thành trong một gia đình nghèo ở Washington Heights, thành phố New Yorrk.

Cha mẹ ly dị nên Greenspan không có nhiều cơ hội gặp cha. Ông phải trải qua một tuổi thơ gần như cô độc vì mẹ ông phải làm việc suốt ngày đêm. “Tôi gần như luôn ở một mình”, ông chia sẻ trong một buổi phỏng vấn đặc biệt của CNNMoney với chủ đề “Giấc mơ Mỹ: New York”. Theo đó, ông chính là một trong 5 công dân New York nổi bật nhất vì đã vượt qua nghịch cảnh và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Sự nghiệp, tài năng và trải nghiệm sống khác nhau nhưng cả 5 “công dân New York tiêu biểu” này đều có điểm chung là niềm đam mê duy trì và phát triển nhân tài cho các thế hệ mai sau.

Ngoài Greenspan, 4 nhân vật còn lại được CNNMoney chọn để phỏng vấn là Mickey Drexler – CEO J. Crew, Ursula Burns – Chủ tịch, cựu CEO Xerox, huyền thoại hip-hop Russell Simmons và CEO Starbucks Howard Schultz. Mỗi người trong số này đều đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được thành công thậm chí vượt xa niềm mong đợi lớn nhất của chính mình.

Ở giai đoạn hiện tại, “giấc mơ Mỹ” dường như là một điều gì đó quá xa vời. Nhiều người Mỹ tin rằng đó là chuyện viển vông, rằng họ sẽ không bao giờ có thể chạm tới được. Và tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ như đã khá thành công khi đưa ra quan điểm về vấn đề này trong chiến dịch tranh cử của mình, rằng “giấc mơ Mỹ” đã chết và chỉ có ông mới làm cho nó sống lại. Tuy nhiên, dễ dàng nhìn thấy có một khoảng cách khá lớn giữa chính sách của Washington và những gì chính sách có thể làm được. Trong bối cảnh đó, cuộc đời của 5 nhà lãnh đạo kinh doanh tiêu biểu trên chính là một minh chứng sinh động nhất cho sức mạnh bền bỉ của “giấc mơ Mỹ”.

Được phỏng vấn trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, Greenspan cho biết ông vẫn rất lạc quan về “giấc mơ Mỹ”. “Trước khi băn khoăn, hãy nhớ rằng đây chính là cách mà nền kinh tế được nhìn nhận vào năm 1940. 10 năm sau đó, kinh tế Mỹ đã phát triển vượt bậc. Khi phải làm việc qua nhiều đời Tổng thống Mỹ như tôi, các bạn sẽ thấy, họ chẳng có gì đặc biệt. Họ chỉ là những người bình thường, đều có mặt tích cực và tiêu cực. Điều quan trọng là hệ thống của chúng ta làm việc rất hiệu quả”, Alan Greenspan nói.

Greenspan – người sẽ bước sang tuổi 91 vào tháng 3 tới – từng là một cậu thiếu niên học hành tốt nhưng không thích làm bài tập về nhà. Khi đó, ông dồn nhiều thời gian cho niềm đam mê âm nhạc. Sau khi hoàn thành bậc trung học, ông hoãn học đại học một năm để tham gia chơi trong một ban nhạc jazz swing. Nhưng thay vì hút cần sa mỗi khi giải lao giống như các thành viên khác trong ban nhạc, ông thích tránh đi một nơi để đọc sách hơn. Sau một năm, Alan Greenspan nhận ra mình thuộc về thư viện chứ không phải là những hộp đêm. Ông quyết định theo học Đại học New York và lấy bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ kinh tế tại đây.

Greenspan tin rằng rất nhiều thành công của ông đến từ thực tế rằng ông xuất thân từ tầng lớp có thu nhập thấp. “Càng ở dưới thấp, bạn càng có cảm giác cạnh tranh nhiều hơn. Nếu nhận được nhiều sự giúp đỡ, tôi không nghĩ rằng mình có thể gặt hái được những thành quả như vậy. Tôi luôn có một ý thức sâu sắc rằng những người được sinh ra thuộc tầng lớp giàu có trong xã hội thường có ít lợi thế hơn”, ông khẳng định.

Greenspan mở công ty tư vấn các vấn đề kinh tế vào năm 1954, khi mới 26 tuổi. “Tôi nhận ra rằng việc gia nhập vào một công ty rồi thăng tiến dần dần mất quá nhiều thời gian. Vì thế, tôi tự kinh doanh riêng, rồi “thăng tiến” theo cách đó”, ông chia sẻ.

Năm 48 tuổi, Greenspan được Tổng thổng Richard Nixon chọn làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế cho Tổng thống Mỹ – vị trí mà ông tiếp tục đảm nhiệm ở nhiệm kỳ sau đó của Tổng thống Gerald Ford. Năm 1987, Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm ông làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Kinh nghiệm làm việc lâu năm tại ngân hàng trung ương hàng đầu nước Mỹ giúp Greenspan có một góc nhìn thú vị về Phòng Bầu dục (Văn phòng Tổng thống, nằm ở cánh tây Nhà Trắng). Ông cho biết, vị tổng thống ông thích nhất là Gerald Ford, nhưng tin rằng Bill Clinton là tổng thống giỏi nhất.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Alan Greenspan từng sợ rằng quá khứ nghèo khó của mình sẽ bị nhiều người đánh giá, nhưng ông đã sai. “Tôi đã nghĩ sẽ không thể nào gia nhập vào hàng ngũ những “công dân cấp cao” của xã hội Mỹ, nhưng sự thật không phải như vậy. Trước năm 30 tuổi, tôi hầu như đã tham gia vào mọi câu lạc bộ đắt đỏ nhất. Tôi có cảm giác như nhiều rào cản đã được phá vỡ”, cựu Chủ tịch FED chia sẻ khi nhớ lại lần đầu tiên được tham gia Duquesne Club ở Pittsburgh (bang Pennsylvania) – một câu lạc bộ nổi tiếng với sự tham gia của nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng như Ronald Reagan, George H.W. Bush, Bill Clinton, Colin Powell… và có mức phí thành viên ban đầu 9.000 USD/người kèm theo phí thường niên 4.000 USD/người.

Sự chuyển động theo hướng ngày càng đi lên chính là trung tâm của “giấc mơ Mỹ”. Dựa vào khả năng hồi phục của kinh tế Mỹ, Alan Greenspan tin rằng “giấc mơ” này vẫn hoàn toàn khả thi trong thời đại ngày nay: “Nếu hỏi tôi có băn khoăn về những điều ở tương lai gần hay không, thì tôi phải nói là . Nhưng còn về lâu dài? Câu trả lời là Không!”.