Category Archives: Oil & Gas

2 thái cực của doanh nghiệp dầu khí

Biến động giá dầu thời gian qua đã tác động rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam.

2 thái cực của doanh nghiệp dầu khí

Trong khi khối sản xuất có kết quả kinh doanh không như mong đợi, các doanh nghiệp phân phối dầu khí lại lãi lớn

Là doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khí, đảm nhiệm hầu hết các dịch vụ khoan tại các mỏ dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhưng hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) không tăng tương ứng. 6 tháng đầu năm 2018, PVD đã lỗ hơn 300 tỷ đồng. PVD lý giải lỗ do tăng chi phí bảo dưỡng, hoạt động dưới giá vốn và biến động tăng tỷ giá.

Ông Đỗ Văn Khạnh – Chủ tịch HĐQT PVD cho rằng, doanh thu của PVD được cấu thành từ đơn giá nhân với số ngày hoạt động và số lượng giàn khoan hoạt động. Do dịch vụ khoan là nền tảng kinh doanh cốt lõi của PVD nên chỉ cần các yếu tố trên suy giảm sẽ tác động tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào hoạt động cốt lõi của PVD là cung cấp giàn khoan thì việc lỗ lại nằm ở nguyên nhân khác. PVD là công ty chuyên cung cấp dịch vụ khoan nhưng giá dầu quá thấp khiến các nhà thầu dầu khí thắt chặt hầu bao, tạm dừng các đợt khoan thăm dò khiến nhu cầu về thuê giàn thấp. Tại khu vực Đông Nam Á, có đến hơn 50% số giàn khoan thiếu việc làm.

Đã vậy, một lượng lớn giàn khoan đang đóng, chờ đưa vào vận hành, tạo ra lượng cung dư thừa trên thị trường. Các yếu tố này khiến giá thuê giàn khoan ngày càng sụt giảm. Cách nay vài năm, PVD từng cho thuê giàn khoan với giá hơn 150.000 – 200.000 USD/ngày nhưng nay chỉ còn khoảng 55.000 – 60.000 USD/ngày.

Tổng công ty CP Dịch vụ – Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) dù không thua lỗ như PVD nhưng thời gian qua, lợi nhuận đã giảm mạnh. Năm 2014, Công ty có lãi ròng 1.800 tỷ đồng nhưng đến năm 2017, khoản lãi chỉ còn 800 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính quý II/2018, PVS có khoản lợi nhuận sau thuế là 68 tỷ đồng, nếu so với quý cùng kỳ 2017 là 317 tỷ đồng, có thể thấy đây là một sự chênh lệch khá lớn.

Theo chia sẻ của đại diện PVS, trong năm qua, hầu hết các chương trình phát triển mỏ dầu khí biển trong và ngoài nước tiếp tục giãn, dừng triển khai dẫn đến khối lượng công việc giảm sút. Dịch vụ dầu khí biển (dịch vụ chính của PVS) bị cạnh tranh khốc liệt, giảm rất sâu về cả khối lượng công việc lẫn giá trị dịch vụ.

Tương tự, Công ty CP Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PXS) cũng có kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Quý II/2018, PXS lỗ 26,5 tỷ đồng, đưa lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 lên 46,6 tỷ đồng, và đây cũng là quý lỗ thứ ba liên tiếp của PXS.

Ngược lại với khối sản xuất, các doanh nghiệp phân phối dầu khí lại có kết quả kinh doanh rất tốt. Tổng công ty CP Khí Việt Nam (GAS) là một điển hình. Là đơn vị thu mua khí tại các mỏ và phân phối cho các doanh nghiệp khác trên thị trường, biến động giá dầu không ảnh hưởng đến hoạt động của GAS. Năm 2017, lợi nhuận sau thuế của GAS đạt gần 10.000 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, lãi ròng đạt gần 6.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá dầu bình quân đạt mốc 70 USD/thùng, giúp GAS có kết quả kinh doanh rất lạc quan.

Trong khi đó, dù lợi nhuận của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) có ảnh hưởng đôi chút vì giá dầu giảm nhưng mỗi năm PLX vẫn kiếm được hàng ngàn tỷ đồng. Bệ đỡ cho điều này là PLX là một “ông lớn” trên thị trường với hệ thống bán lẻ xăng dầu trải dài trên cả nước.

Trong mô hình kinh doanh, PLX đã thực hiện một chuỗi giá trị khép kín từ nhập khẩu hàng, hệ thống kho hàng tiếp nhận, vận chuyển cho đến hệ thống bán lẻ tận tay người tiêu dùng. Mặt khác, Nhà nước gần như giữ lại quyền điều hành giá và cho doanh nghiệp một mức lợi nhuận cố định không bị chi phối bởi giá nguyên liệu đầu vào nên PLX không có rủi ro.

Mặc dù các doanh nghiệp trong ngành có “người khóc, kẻ cười” nhưng các dự án khai thác dầu khí vẫn liên tục được triển khai. Chẳng hạn, mới đây Tổ hợp hóa dầu Miền Nam có tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD tại Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) và dự án Sao Vàng Đại Nguyệt (gồm 2 mỏ Sao Vàng và Đại Nguyệt) đã khởi công.

Các cổ đông của GAS đã thông qua dự án đầu tư xây dựng công trình đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 với vốn đầu tư 6.483 tỷ đồng, dự kiến thời gian hoàn thành vào quý III/2020.

ngành dầu khí

Ngành Dầu khí: Nghề lương khủng chỉ dành cho người giỏi

Là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, trong những năm qua, ngành Dầu khí đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặc dù cũng phải đối mặt với một số khó khăn, nhưng ngành Dầu khí đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò là ngành kinh tế then chốt, phát triển trong tương lai…

Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành khai thác Dầu Khí với trữ lượng dầu thô lớn. Các nhà máy lọc dầu đã đi vào hoạt động nhưng công suất chưa cao. Lương của các kỹ sư giỏi trong ngành có khi lên tới 10.000 USD/tháng.

ngành dầu khí

Đặc trưng của ngành Dầu Khí: Ngành Dầu Khí có ý nghĩa vô cùng lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp, là nền tảng để duy trì sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dầu khí còn đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu. Mỗi năm, thế giới tiêu thụ khoảng 30 tỷ thùng (4,8 km³) dầu, trong đó các nước phát triển tiêu thụ nhiều nhất.

Vai trò ngành dầu khí đối với kinh tế Việt Nam: Ngành dầu khí đóng góp phần lớn ngoại tệ cho quốc gia với các sản phẩm phục vụ nền kinh tế như điện khí, xăng dầu, khí nén cao áp và năng lượng sạch. Trong giai đoạn vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã cung cấp gần 35 tỷ m3 khí khô cho sản xuất, 40% sản lượng điện của toàn quốc, 35-40% nhu cầu ure và cung cấp 70% nhu cầu khí hóa lỏng cho phát triển công nghiệp và tiêu dùng dân sinh.

Xuất khẩu dầu thô có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, đóng góp phần lớn kim ngạch xuất khẩu cả nước, đặc biệt là giai đoạn trước đây, bình quân khoảng 15%. Hiện nay, tỷ trọng này đã giảm và chỉ còn chiếm khoảng 7,5%.

Thực trạng và triển vọng phát triển ngành dầu khí Việt Nam: Ngành dầu khí Việt Nam hiện nay khá non trẻ với nguồn nhân lực còn hạn chế nên năng lực cung cấp chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Nước ta chủ yếu xuất khẩu dầu thô, nhập khẩu dầu tinh phục vụ cho nhu cầu nội địa. Một số nhà máy lọc dầu đã đi vào hoạt động như nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn… nhưng mới chỉ cung cấp được khoảng 35% nhu cầu trong nước. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dầu mỏ ngày càng tăng, không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn do sự bùng nổ dân số, các ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, đặc biệt là sự tăng tốc của ngành giao thông do nhu cầu đi lại ngày càng nhiều… Theo OPEC, nhu cầu sử dụng nguồn nhiên liệu dầu khí ngày càng tăng nhanh, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, và đến năm 2025, nguồn cung sẽ không đáp ứng kịp nhu cầu.

Sản lượng dầu khí khai thác hàng nămở mức thấp, bình quân khoảng 24 triệu tấn. 5 tháng đầu năm 2012, PVN chỉ khai thác được 10,86 triệu tấn dầu khí. Trong khi đó, trữ lượng khai thác ở Việt Nam đang đứng thứ 4 về dầu mỏ và thứ 7 về khí đốt trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương (Theo BP, 2010), đồng thời đứng thứ 25 và 30 trên thế giới. Chính vì vậy, Việt Nam có hệ số trữ lượng/sản xuất (R/P) rất cao, trong đó R/P dầu thô là 32,6 lần (đứng đầu khu vực Châu Á-TBD và thứ 10 thế giới) và R/P khí đốt là 66 lần (đứng đầu Châu Á – TBD và thứ 6 thế giới). Điều này cũng cho thấy tiềm năng phát triển của ngành trong tương lai còn rất lớn.

ngành dầu khí

 Ngành dầu khí trong nước đang từng bước phát triển vững chắc. Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tiến hành mở rộng quy mô nâng công suất lên 9,5 triệu tấn/năm và ứng dụng công nghệ hóa dầu đầu tiên ở Việt Nam đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu trong nước. Khả năng khai thác được nâng cấp, kể từ năm 2010, PVN đã có những mỏ được khai thác ở mức sâu hơn 200m so với mực nước biển. Ngoài ra, Việt Nam còn liên doanh khai thác dầu khí ở các quốc gia khác như Cuba, Indonesia, Iran, Tuynidi, Myanmar, Lào, Campuchia, Công gô, Madagasca, Nga, Venezuela, Algeria và Malaysia.

Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp: Trong lĩnh vực khai thác dầu khí, bạn sẽ làm việc cở các viện nghiên cứu chuyên ngành cùng với những máy móc hiện đại trong các phòng thí nghiệm đẳng cấp quốc tế. Bạn cũng có thể làm việc trực tiếp ở các giàn khai thác dầu khí trên biển với hệ thống máy móc tự động hóa rất hiện đại. Bạn sẽ có rất nhiều cơ hội được đi tu nghiệp, tham quan, khảo sát thực tế ở nước ngoài, được tiếp cận với nhiều tri thức và phương pháp mới tiên tiến nhất trên thế giới.

Dầu khí đang là ngành kinh tế trọng điểm với yêu cầu rất lớn về nhân lực cùng những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Nếu bạn ham mê với sự nghiệp dầu khí nói chung và ngành Khai thác dầu khí nói riêng, cơ hội lớn và nhiều điều thú vị đang chờ đón bạn.

Một số nghề nghiệp trong ngành Khai thác dầu khí:

  • Nhà nghiên cứu khoa học
  • Kỹ sư và Kỹ thuật viên thực hành
  • Nhà tư vấn, nhà quản lý

Lương ngành Dầu khí: Cao cho người giỏi

Theo tiến sĩ Tạ Quốc Dũng – phó khoa phụ trách đào tạo, khoa kỹ thuật địa chất – dầu khí, ĐH Bách khoa TP. HCM, hơn 50% kỹ sư dầu khí ra trường đều có việc làm phù hợp với nguyện vọng. SV tốt nghiệp ngành dầu khí có thể làm các công việc như: kỹ sư thực hành, nhà quản lý các dự án về dầu khí, các công tác hỗ trợ dịch vụ cho các công ty dầu khí, nhà tư vấn… Trong nước, ngoài Đại học Bách khoa TP.HCM còn có một số trường khác đào tạo ngành dầu khí.

Ông Dũng cho biết thêm ở ngành này, tùy các bạn trẻ làm việc cho công ty, doanh nghiệp trong hay ngoài nước mà mức lương khởi điểm sẽ dao động từ 500-1.000 USD/ tháng. “Có trường hợp sau năm năm đi làm, có những cựu sinh viên bách khoa làm dầu khí có mức thu nhập trên 10.000 USD/tháng. Đây là những người thực lực xuất sắc, giỏi tiếng Anh và có trình độ kỹ năng mềm đạt theo chuẩn quốc tế” – tiến sĩ Dũng nói. Kỹ năng mềm đó là năng lực lãnh đạo, khả năng thuyết trình, xử lý tình huống, điều hành nhóm…

Đánh giá về thị trường lao động ngành dầu khí, theo ông Dũng, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này ở hiện tại và tương lai ít nhất 5-10 năm tới rất dồi dào bởi ở nước ta hiện nay đang tiếp tục mở rộng khai thác dầu tại các mỏ nhỏ và các dự án hợp tác với đối tác nước ngoài ngày càng tăng. Song ông Dũng lưu ý: nghề này áp lực cạnh tranh rất cao, phải thật sự giỏi nghề và yêu nghề mới trụ vững.

Tiếng Anh giỏi là một lợi thế trong ngành Dầu Khí: Là một người làm việc trong ngành, kỹ sư khoan Bùi Thanh Sơn – Công ty Baker Hughes tại VN – cho biết điều kiện làm việc nghề này nhiều thử thách và áp lực cao khi kỹ sư dầu khí thường xuyên phải làm việc tại nhà giàn hay đi khảo sát dài ngày ngoài hiện trường, nhất là trên biển. Do đó, ngoài chuyên môn giỏi còn yêu cầu sức khỏe, thể lực tốt. “Trong lĩnh vực dầu khí, hiện nhân lực về ngành khoan – khai thác dầu và lọc hóa dầu cần nhân lực nhất” – ông Sơn cho biết.

Về phía nhà tuyển dụng, bà Đặng Thị Thanh Thảo – trợ lý tuyển dụng Công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí Schlumberger VN – cho biết hiện công ty có nhu cầu tuyển ở nhiều vị trí, làm việc tại văn phòng hoặc tại nhà giàn. Theo bà Thảo, để làm việc trong ngành dầu khí, nhà tuyển dụng đặt ra những yêu cầu cao cho các ứng viên. Đó là phải giỏi chuyên môn lẫn kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tổng hợp và phân tích thông tin…”. Bên cạnh đó, thành thạo tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc. Nghề này thu nhập được đánh giá khá ổn nên đầu vào tuyển chọn cũng không hề dễ dàng” – bà Thảo nói.

Tổng hợp internet

Khai thác dầu của Việt Nam, Nga thu về 11 tỷ đô la

Sau 35 năm hoạt động khai thác dầu khi ở Việt Nam, Công ty liên doanh dầu khí Việt – Nga (Vietsovpetro) doanh thu gần 75 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nươc gần 47 tỷ USD và nguồn thu cho phía Liêng bang Nga 11 tỷ USD.

Khai thác dầu của Việt Nam, Nga thu về 11 tỷ đô la

ảnh minh hoạ: Nguồn Internet

Thông tin từ Công ty Liên doanh Dầu khí Việt – Nga cho thấy, 6 tháng đầu năm, Vietsovpetro đã khai thác 2,5 triệu tấn dầu, cung cấp 906 triệu m3 khí vào bờ. Doanh thu 6 tháng đạt 763 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước 423 triệu USD. Lợi nhuận phía Nga đạt 72,5 triệu USD, phía Việt Nam là 75,5 triệu USD.

Vietsovpetro dự kiến, năm 2016, với sản lượng khai thác vượt 5 triệu tấn dầu, giá trung bình mỗi thùng khoảng 45 USD, doanh thu của Vietsovpetro sẽ ở mức 1,7 USD. Lợi nhuận của việt Nam nhận về khoảng 129 triệu USD, Nga nhận về là 124 triệu USD.

Tổng kết trong 35 năm qua, Vietsovpetro đã khai thác được 220 triệu tấn dầu thô, doanh thu bán dầu đạt trên 74 tỷ USD. Nộp ngân sách nhà nước gần 47 tỷ USD. Và Liên bang Nga thu lợi nhuận khoảng 11 tỷ USD.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương thành tích của các thế hệ cán bộ, chuyên gia, công nhân lao động Vietsovpetro đã đạt được trong suốt 35 năm qua.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Vietsovpetro tiếp tục hoạt động ổn định, hiệu quả.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, với vai trò là ngành kinh tế chủ lực trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Vietsovpetro cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tìm kiếm, thăm dò để gia tăng trữ lượng dầu khí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, đẩy mạnh xuất khẩu và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Trong đó, ưu tiên tìm kiếm, thăm dò ở các vùng nước sâu, xa bờ trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…