Category Archives: News

Thành công là phần thưởng dành cho người sẵn sàng mạo hiểm

5 cách làm việc thông minh hơn, tiết kiệm thời gian hơn

Sau đây là 5 cách đơn giản để bắt đầu làm việc thông minh hơn với quỹ thời gian ngắn hơn.

Blake Snow – cây bút có hàng ngàn bài viết trên các ấn phẩm nổi tiếng – cho biết, trong quá trình nghiên cứu để viết cuốn sách đầu tiên của mình là Log Off: How to Stay Connected after Disconnecting (tạm dịch: Cách tái kết nối sau khi bị ngắt kết nối), điều quan trọng nhất ông học được là cách để làm được nhiều việc hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn.

Blake cho biết trong 5 năm đầu tiên làm nghề viết lách, ông thường cảm thấy tràn đầy năng lượng khi làm việc về đêm, và nghĩ rằng cách đó sẽ giúp ông nhanh chóng tiến xa hơn trong nghề này. Nó dĩ nhiên có hiệu quả tức thời, nhưng sau này ông nhận ra, khoảng thời gian đó, ông thường xuyên bị căng thẳng và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những cơ hội và ý tưởng lớn hơn.

Rồi ông quyết định dành ra một tuần để thay đổi nhiều cách tiếp cận cơ bản và cải thiện mối quan hệ với… công việc. Sau một tuần đó, ông gần như có sự đổi mới hoàn toàn về phương diện cá nhân, xã hội lẫn sự nghiệp.

Và sau đây là chia sẻ của Blake Snow về những cách đơn giản để bắt đầu làm việc thông minh hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn – kỹ năng làm việc hữu ích đối với bất kỳ ai:

1. Tránh sự phân tâm từ điện thoại

Trong vòng một tuần, tôi vô hiệu hóa tất cả các thông báo hình ảnh lẫn âm thanh trên điện thoại (trừ những thông tin từ vợ và con). Tôi không để cho một ứng dụng nào gián đoạn mạch làm việc, bao gồm cả email, mạng xã hội… Tôi chỉ cho phép điện thoại rung khi có cuộc gọi đến, vì đây vẫn là phương cách truyền tải của tất cả các công việc khẩn cấp.

Cách này cho phép tôi chủ động ra quyết định, chủ động chọn cách mình đầu tư thời gian và giữ cho tôi luôn tràn đầy năng lượng.

2. Thiết lập những giới hạn công nghệ thật nghiêm ngặt

Tôi thiết lập ra những giới hạn sử dụng và kiểm soát các thiết bị điện tử. Chẳng hạn, tôi bật tính năng “không làm phiền” (do not disturb) từ 9h tối đến 7h sáng mỗi ngày. Điện thoại sẽ chỉ báo trong trường hợp một số điện thoại gọi đến 3 lần liên tục.

Khi đi ngủ, tôi cũng đảm bảo rằng mình không cầm theo điện thoại, không làm việc hoặc tập trung vào những thứ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Tất cả các ứng dụng, phần mềm, thiết bị mới đều bị tôi xem như thứ cần tránh xa, chỉ trừ khi chúng chứng minh được tính hữu dụng đối với tôi.

Và nhờ đó, tôi đã tiến đến bước không đụng đến công việc vào ban đêm, dịp cuối tuần hoặc kỳ nghỉ. Điều này cho phép tôi quay trở lại làm việc hứng khởi hơn và tràn đầy năng lượng hơn.

3. Giới hạn các “cam kết từ trong tiềm thức”

Có thể bạn đang đánh giá thấp tác động của những thông điệp từ các kênh kỹ thuật số mà bạn đã nhấn theo dõi hoặc đăng ký nhận tin nhắn. Thậm chí khi bạn không nhất thiết phải yêu thích một trong những nội dung đó, sự truyền tải đến bạn gần như liên tục sẽ tạo cho bạn có cảm giác cam kết từ trong tiềm thức: bạn có nghĩa vụ phải đọc hoặc xem nội dung đó.

Trường hợp điển hình là các chương trình truyền hình mới nhất, các dòng chảy thông tin vô tận từ mạng xã hội hoặc những dịch vụ khác mà bạn đã nhấn theo dõi.

Vì vậy, hãy chỉ tập trung vào những nguồn thông tin mà bạn thực sự yêu thích hoặc đánh giá cao giá trị mà chúng mang lại cho bạn.

4.  Nói “Không” với những cuộc họp vào buổi sáng

Nhiều nghiên cứu cho thấy mọi người trở nên sáng tạo và làm việc với hiệu suất cao hơn vào buổi sáng, khi cơ thể và tâm trí họ ở trong trạng thái sảng khoái nhất. Điều này có nghĩa là, bạn nên tận dụng thật tốt buổi sáng bằng cách tập trung vào những phần việc nhiều thử thách hoặc cần cường độ suy nghĩ lớn.

Nếu có thể lựa chọn, hãy dành những cuộc họp không quá quan trọng vào buổi chiều. CEO Amazon – tỷ phú Jeff Bezos là một trong những người theo “trường phái” này.

5. Chú trọng nhiều hơn đến tiềm thức

Ở giai đoạn đầu sự nghiệp, để giải quyết các vấn đề của mình, tôi đã đọc hàng tá sách về kinh doanh và phát triển cá nhân. Nhưng ngoại trừ 2 hoặc 3 cuốn vẫn còn lưu lại trong đầu, tôi gần như quên hết những cuốn còn lại. Nghiên cứu gần đây từ Carnegie Mellon giải thích cho trường hợp này: những suy nghĩ trong tiềm thức thường giải quyết các vấn đề của chúng ta hiệu quả hơn so với suy nghĩ có ý thức – cách tiếp cận trực tiếp vào vấn đề.

Vì vậy, hãy thường xuyên trao cho não những “khoảng thở”, để nâng cao tiềm năng của nó khi quay trở lại và tìm ra giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề.

5 chiến lược giúp bạn “thắt chặt” chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả

Theo các chuyên gia, dưới đây là 5 chiến lược đơn giản nhất giúp bạn quản lý tiền bạc một cách hiệu quả.

5 chiến lược giúp bạn “thắt chặt” chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả

Không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng kiếm được tiền, tuy nhiên, nhiều người không hiểu điều đó. Cho dù là một hóa đơn quá hạn hay một khoản nợ khổng lồ của sinh viên, hầu hết mọi người đều phải thừa nhận rằng chúng ta đang đương đầu với những vấn đề tài chính hàng ngày.

Một điều đáng buồn là chúng ta thường có xu hướng ‘bội chi’ mà không có giải pháp hiệu quả để tiết kiệm tiền. Có rất nhiều phương pháp, chiến lược và nguyên tắc giúp bạn xây dựng được các mục tiêu tài chính – một danh sách quá dài và có lẽ bạn không biết bắt đầu từ đâu.

Theo các chuyên gia, dưới đây là 5 chiến lược đơn giản nhất giúp bạn quản lý tiền bạc một cách hiệu quả.

1. Theo dõi chi tiêu của bạn

Điều quan trọng đầu tiên, nếu bạn muốn tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn, bạn cần phải biết số tiền của bạn được dùng cho những việc gì. Những công cụ quản lý tài chính trực tuyến như Mint, You Need a Budget, hay Personal Capital… đều giúp bạn theo dõi chi tiêu một cách hiệu quả.

Chuyên gia tài chính cá nhân, Stefanie O’Connell, cho biết: “Trước khi bạn muốn mua một thứ gì đó, hãy ‘tái hiện’ lại tình hình tài chính của mình bằng cách tự đặt ra những câu hỏi như ‘Tôi còn đủ tiền mua không?” hoặc “Khoản chi tiêu này sẽ giúp tôi đến gần hơn hay đẩy tôi ra xa hơn mục tiêu tài chính?”.

Khi xem xét toàn bộ các khoản chi như vậy, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt được tình hình tài chính hiện tại của mình. Bạn cũng có thể xác định chính xác hiệu quả của các quyết định tài chính bạn đã đưa ra. Chẳng hạn, bạn có thể cảm thấy rằng bạn đi ăn tiệm quá nhiều, nhưng chỉ khi nhìn vào số tiền bạn bỏ ra mỗi tháng cho việc này, con số đó mới tạo động lực giúp bạn thay đổi.

Bà O’Connell cho biết: “Chúng ta có thể sử dụng chiến lược theo dõi chi tiêu để kiểm soát sự tiến bộ của chúng ta khi bắt đầu áp dụng những thói quen tài chính tích cực như tăng tiết kiệm và giảm nợ nần”.

2. Giải quyết các khoản nợ từ khoản nợ có số dư nhỏ nhất (bằng phương pháp Snowball)

Nếu mục tiêu của bạn là thoát khỏi tất cả các khoản nợ trong năm nay thì bạn đã đi đúng hướng – khi bạn thanh toán hết nợ, bạn có thể ‘tự do hóa’ số tiền của bạn cho các mục tiêu tài chính khác.

Có 2 chiến lược trả nợ cơ bản: giải quyết các khoản nợ lãi suất cao nhất trước hay thanh toán các khoản nợ có số dư nhỏ hơn trước. Trong khi mọi người thường chọn cách thứ nhất vì cho rằng nó hợp logic và hiệu quả hơn thì các nghiên cứu chỉ ra rằng ưu tiên cách thứ 2 sẽ giúp bạn thanh toán các khoản nợ dễ dàng hơn. Cách này còn được biết đến dưới tên gọi “Phương pháp Snowball” (Phương pháp bóng tuyết), được phổ biến bởi Dave Ramsey.

Bạn hãy liệt kê các khoản nợ của bạn theo số dư, sau đó, giải quyết số dư nhỏ nhất trước tiên, đồng thời trả một phần nhỏ cho các khoản nợ khác. Khi bạn đã thanh toán được số dư nhỏ nhất, hãy sử dụng số tiền bạn dùng để chi trả cho khoản nợ đó giải quyết khoản nợ nhỏ nhất tiếp theo, cứ thực hiện như vậy cho đến khi bạn hoàn toàn thoát khỏi nợ nần. Ý tưởng của phương pháp này là, khi bạn đã trả được một khoản nợ, bạn sẽ có động lực và năng lượng để giải quyết các khoản nợ sau đó.

Qua một số khảo sát, các số liệu thu được đã chỉ ra rằng nhiều người có động lực với mục tiêu trả nợ của họ hơn khi sử dụng phương pháp Snowball.

Tuy nhiên, bạn vẫn nên cẩn thận. Một nhà nghiên cứu cho biết phương pháp này chỉ hoạt động hiệu quả nhất “trong phạm vi mà các khoản nợ của người sử dụng không chênh nhau nhiều về lãi suất”. Nếu một trong các khoản nợ của bạn có số dư cao hơn một chút nhưng lãi suất lại cao hơn rất nhiều, bạn nên ưu tiên giải quyết các khoản nợ có lãi suất cao trước. Hãy tư duy thật logic khi thanh toán nợ của bạn.

3. Pay Yourself First (Chi trả cho bản thân trước tiên)

Giảng viên, nhà kế hoạch tài chính tại Đại học California (Los Angeles) – Samuel Rad – gợi ý phương pháp “Pay Yourself first” – viết tắt PYF – (Hãy chi trả cho bản thân trước tiên).

“Mục tiêu của phương pháp này là chúng ta luôn luôn rút ra một phần lương để dự trữ trước khi chi tiêu vào những thứ khác”. Đây là một chiến lược dễ dàng thực hiện bởi bạn có thể cài đặt tự động. Hãy thiết lập chế độ chuyển một phần tiền lương định kỳ sang tài khoản tiết kiệm của bạn mỗi tháng. Thậm chí, nếu tiền lương của bạn chỉ có 20 đô, có thể bạn sẽ không được sử dụng số tiền đó ngay nhưng bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi nhìn vào tài khoản tiết kiệm của bạn sau một thời gian.

Giảng viên này nhấn mạnh: “Phương pháp PYF cũng đảm bảo cho bạn không bao giờ bị rỗng túi”.

Chúng ta thường có thói quen: sau khi nhận được lương thì đi ăn, mua sắm, đi xem phim… và cuối cùng, bạn nhận ra bản thân không còn đủ tiền để thanh toán bảo hiểm ô tô tháng này.

Khi bạn áp dụng phương pháp “Pay yourself first”, bạn có thể dự trù một phần tiền thiết yếu và không còn gặp phải vấn đề này. Hầu hết các dịch vụ hiện nay đều có hóa đơn tự động và bạn có thể định rõ một ngày trong tháng bạn muốn thanh toán hóa đơn đó. Khi mọi khoản tiền cần thiết như hóa đơn bảo hiểm ô tô được chi trả, bạn không còn phải lo lắng vấn đề tương tự sẽ xảy ra nữa.

Nói chung, ý tưởng này nhằm mục đích đảm bảo cho các khoản ưu tiên của bạn đều được thanh toán trước khi bạn chi tiêu số tiền của mình cho những thứ ít quan trọng hơn.

4. Đặt mục tiêu tiết kiệm 10% thu nhập mỗi tháng

Nếu bạn không biết nên tiết kiệm bao nhiêu tiền mỗi tháng thì hãy đặt ra quy tắc 10%. CEO của dịch vụ tài chính Sum180, Carla Dearing, gợi ý: “Nếu bạn thường xuyên tiết kiệm 10% thu nhập, cho dù số tiền bạn kiếm được là bao nhiêu, bạn sẽ luôn luôn tự tin rằng bản thân mình đang có một khoản dành dụm”.

Đây chỉ là một con số ước lượng, vì vậy, bạn đừng quá bận tâm nếu bạn không đạt được mục tiêu đó. Chúng tôi chỉ gợi ý quy tắc 10%, thậm chí, nếu bạn muốn tiết kiệm nhiều hơn, bạn cũng có thể thay đổi con số này sau đó. Bà Dearing khẳng định tình hình tài chính của bạn sẽ càng đạt hiệu quả cao hơn khi bạn kết hợp quy tắc này với phương pháp PYF.

Bà Carla Dearing cho biết: “Nếu ý tưởng này thực hiện quá khó, hãy cài đặt chế độ chuyển tiền đầu tháng tại ngân hàng tự động. Làm như vậy, số tiền mà bạn muốn dành cho tiết kiệm sẽ được tự động chuyển vào tài khoản tiết kiệm của bạn mỗi tháng trước khi nó đến được tay bạn. Hãy nghĩ đến việc tiết kiệm 10% như một cách bạn cho phép bản thân tiếp tục đầu tư tài chính lâu dài”.

5. Thử trải nghiệm một tháng không tiêu tiền

Những thách thức về tài chính rất thú vị bởi chúng biến những thói quen tài chính tốt mà hầu hết chúng ta không thực hiện được thành một trò chơi.

Bà Dearing gợi ý: “Hãy bắt đầu chiến dịch tiết kiệm của bạn bằng một tháng không tiêu tiền. Cách thực hiện rất đơn giản: Bạn hãy cam kết rằng bạn sẽ chỉ chi tiêu cho những thứ thiết yếu trong suốt 30 ngày. Đi bộ hay đạp xe thay vì lái ô tô, mang bữa trưa đi làm hàng ngày, lựa chọn cách giải trí miễn phí như đi công viên”. Nếu bạn không thực hiện được, đừng thất vọng! Mục tiêu có thể không hoàn thành nhưng toàn bộ ý tưởng chỉ đơn giản là thắt chặt chi tiêu và tiết kiệm nhiều hơn.

Thử thách này cũng giúp bạn xem xét lại nhiều khoản chi không cần thiết cũng như cân nhắc kỹ hơn đến vấn đề tiêu tiền trong tương lai. Bà Dearing cho biết: “Bạn sẽ không chỉ tiết kiệm được nhiều hơn trong tháng này mà còn có thể đánh giá lại thói quen tiêu tiền cũ, cũng như quyết định con đường chi tiêu phù hợp hơn”.

SenseTime Group – startup trí tuệ nhân tạo đắt giá nhất thế giới

Giá trị của SenseTime Group đã tăng gấp đôi trong vài tháng qua, lên hơn 3 tỷ USD và là startup trí tuệ nhân tạo (AI) đắt giá nhất thế giới.

SenseTime Group vừa được rót thêm 600 triệu USD từ Alibaba Group và các nhà đầu tư khác, trong vòng huy động vốn định giá công ty này hơn 3 tỷ USD.

SenseTime Group tập trung vào các hệ thống phân tích khuôn mặt và hình ảnh trên quy mô khổng lồ. Công ty này thông báo vừa đóng vòng huy động vốn kéo dài vài tháng qua. Ngoài Alibaba, công ty đầu tư quốc gia Singapore – Temasek và hãng bán lẻ Suning.com cũng tham gia đổ vốn vào đây. SenseTime không nêu chi tiết từng khoản đầu tư. Dù vậy, Alibaba được cho là muốn có cổ phần lớn nhất trong startup 3 năm tuổi này.

Với thương vụ này, giá trị của SenseTime Group đã tăng gấp đôi trong vài tháng qua, lên hơn 3 tỷ USD và là startup trí tuệ nhân tạo (AI) đắt giá nhất thế giới. Được Qualcomm chống lưng, công ty này đang củng cố vị thế là một trong các công cụ giúp Bắc Kinh hiện thực hóa tham vọng dẫn đầu về AI trước năm 2030.

SenseTime Group cũng đang đóng góp cho hệ thống giám sát lớn nhất thế giới. Nếu một người từng chụp ảnh bằng một điện thoại của Trung Quốc hoặc đi bộ trên đường phố nước này, khả năng cao là khuôn mặt của người đó đã được lưu lại trong phần mềm của SenseTime được tích hợp trên hơn 100 triệu thiết bị di động.

Vòng huy động vốn này sẽ giúp họ có thêm tiền đầu tư cho các lĩnh vực tương đương, như công nghệ xe tự lái hay thực tế ảo, đồng thời chi trả cho nhân lực ngành AI và tăng cường sức mạnh máy tính. Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết công ty này đang đàm phán tổ chức vòng huy động vốn mới, đặt mục tiêu nâng giá trị doanh nghiệp lên hơn 4,5 tỷ USD.

“Chúng tôi đang tìm hiểu vài phương án chiến lược mới. Đó là lý do vì sao chúng tôi sẽ chi nhiều hơn cho cơ sở vật chất”, Xu Li – đồng sáng lập SenseTime cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Năm ngoái, công ty này bắt đầu có lãi và muốn tăng 30% nhân sự, lên 2.000 người cuối năm nay. “Trong 3 năm qua, doanh thu của chúng tôi tăng trung bình 400%”, Xu cho biết.

Xây dựng bản sắc thương hiệu trong kênh phân phối

Nhắc đến kênh phân phối là nhắc đến nguồn thu, công cụ trực tiếp đem về lợi nhuận cho mỗi doanh nghiệp sản xuất.

Tuy nhiên trong thời buổi “nhà nhà, người người làm thương hiệu” với những chiến lược quảng bá rầm rộ trên Tivi, Internet, mạng xã hội, event, báo chí nhiều “tốn kém” và đòi hỏi tính sáng tạo, sự chuyên nghiệp… thì kênh phân phối lại nổi lên, trở thành lựa chọn hợp lý, “chạm” đến người tiêu dùng và ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng bản sắc thương hiệu của doanh nghiệp.

Tác động của kênh phân phối trong việc xây dựng thương hiệu thường theo hai cách: Đầu tiên, nó tăng khả năng tiếp cận thương hiệu, sự yêu thích thương hiệu có khả năng chuyển hóa thành quyết định mua sắm. Nhưng điều quan trọng hơn là nó giúp sản phẩm xuất hiện nhiều hơn, từ đó tăng sự nhận biết của thương hiệu đối với người tiêu dùng. Những ông lớn trên thế giới như Coca-Cola, Starbucks, Apple,… dựa vào điều này như một yếu tố quan trọng của thành công thương hiệu.

Bản sắc thương hiệu trong kênh phân phối nghĩa là gì?

Hiểu một cách đơn giản, bản sắc thương hiệu chính là màu cờ sắc áo của mỗi doanh nghiệp khi đi ra thị trường. Nó giống như việc một đội tuyển khoác trên người bộ áo truyền thống của mình. Chỉ cần người hâm mộ nhìn vào màu sắc, cách design, bố cục, logo xuất hiện trên mỗi bộ đồ là họ biết đó là của đội bóng nào. Hiểu thấu đáo bản sắc thương hiệu sẽ giúp xây dựng và triển khai chương trình truyền thông, chiến lược kinh doanh được nhất quán, không tạo ra các thông điệp “rối rắm”, phức tạp, khó hiểu,.. và làm khách hàng hiểu, cảm nhận được giá trị của thương hiệu.

Màu đỏ được Coca-Cola sử dụng trong mọi ấn phẩm quảng bá.

Trên thực tế, mỗi nhà quản lý đều có một cái nhìn nhất quán về bản sắc thương hiệu của doanh nghiệp. Họ xây dựng các chiến lược, hình ảnh, khẩu hiệu, đặc tính, câu chuyện, màu sắc… thống nhất xung quanh sản phẩm. Nhưng trong quá trình hoạch định, công cụ các doanh nghiệp quan tâm lại chủ yếu là phương tiện thông tin đại chúng (mass media) với những quảng cáo, bài PR, các video viral, ấn phẩm truyền thông… mà gần như bỏ qua kênh phân phối, không đánh giá được đối tượng này ảnh hưởng như thế nào đến việc xây dựng bản sắc thương hiệu. Không phải cố ý mà kênh phân phối chỉ được coi như là nơi tạo lợi nhuận trực tiếp cho doanh nghiệp. Lúc này, bản sắc thương hiệu – kim chỉ nam của các chương trình xây dựng thương hiệu, sẽ bị kênh phân phối với bản chất vốn có (đa phần hướng vào lợi nhuận, doanh thu thực tế ngắn hạn) “cuốn đi” theo các mục tiêu của nó.

Chẳng hạn, một người tiêu dùng mua một sản phẩm tại 2 nơi khác nhau trong cùng một thời gian và phát hiện ra giá ở mỗi nơi một khác, nơi rẻ nơi đắt. Điều này dẫn đến hình ảnh sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng không thống nhất, họ phân vân không biết đây là dòng sản phẩm chất lượng cao hay ngược lại. Bản sắc thương hiệu của sản phẩm bị hiểu sai, làm mất thậm chí bị lệch lạc chỉ vì các nhà phân phối trên kênh phân phối sẵn sàng cạnh tranh giá để giành thị trường hoặc thu lợi nhuận.

Vinamilk là một ví dụ tốt nhất về việc xây dựng bản sắc thương hiệu trong chính kênh phân phối. Thương hiệu của Vinalmilk gắn liền với nhãn hiệu sữa tươi ngon và truyền thống. Trong mỗi chiến lược xây dựng hay quảng bá, các nhà lãnh đạo luôn thống nhất định vị bản sắc thương hiệu rất rõ ràng về chất lượng sản phẩm, con người, người tiêu dùng, thị trường mục tiêu. Hình ảnh quảng cáo có thể được thay đổi phù hợp với từng thời điểm, từng loại sản phẩm tuy nhiên bản sắc là cái vốn có không bao giờ thay đổi.

Dù sở hữu hơn 250 đơn vị phân phối độc lập, hơn 140.000 nghìn nhà bán lẻ trải rộng khắp Việt Nam cùng với chuỗi cửa hàng trưng bày – giới thiệu sản phẩm; nhưng tất cả những thông tin như: hình ảnh, bao bì sản phẩm, giá, mẫu quảng cáo, slogan…, thậm chí là nhân viên bán hàng của Vinamilk đều phải nhất quán. Những cửa hàng trưng bày… đều được thiết kế thống nhất chung về màu sắc, hình ảnh, nội thất vui tươi, gần gũi thiên nhiên, khẳng định một lần nữa về bản sắc truyền thống và sự tươi nguyên

Vinamilk luôn tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược xây dựng bản sắc thương hiệu.

Tại sao việc xây dựng bản sắc thương hiệu lại thất bại?

Tất nhiên, sai lầm đầu tiên đến từ chính chiến lược của doanh nghiệp trong việc đánh giá hiệu quả của kênh phân phối đến xây dựng bản sắc thương hiệu. Sự thiếu định hướng thống nhất về vấn đề này khiến các bộ phận trong doanh nghiệp không hiểu được trách nhiệm của mình. Quan điểm xây dựng thương hiệu là vấn đề của bộ phận Marketing, thương hiệu hay Giám đốc điều hành; còn phòng kinh doanh chỉ là nơi bán hàng không phải là điều quá lạ lẫm hiện nay. Chính vì vậy, khi đề ra một chiến lược quảng bá nào đó, bộ phận truyền thông (Marketing) chỉ tập trung vào những phương tiện đại chúng, thu hút khách hàng bằng quảng cáo bắt mắt trên mạng xã hội; bộ phận chăm sóc khách hàng có một kịch bản riêng để tư vấn – giải đáp vấn đề; còn bộ phận kinh doanh thì dùng đủ mọi chiêu trò để sản phẩm bán được càng nhiều càng tốt. Thiếu sự nhất quán khiến người tiêu dùng bị loạn thông tin.

Bên cạnh đó, việc đánh giá kết quả bán háng chủ yếu lại dựa vào doanh thu, doanh số ngắn hạn, còn các chỉ tiêu khá quan trọng cho định hướng chiến lược kinh doanh, chiến lược xây dựng thương hiệu như sự gia tăng khách hàng, độ phủ điểm bán, việc quản lý trưng bày sản phẩm, tần suất chào bán hàng, sự hiện diện của hàng hóa… lại ít được quan tâm. Mặc dù căn cứ vào đó ta có thể phân tích và theo dõi được hiệu quả của các chương trình thể hiện “màu cờ sắc áo” của chúng ta đã đến đâu, từng đơn vị sản phẩm mang bản sắc thương hiệu của chúng ta đang mạnh yếu như thế nào tại nơi gần với khách hàng nhất là kênh phân phối..

Xây dựng thương hiệu là nhiệm vụ của bộ phận Marketing?

Còn một lý do khác khá quan trọng là: khâu lựa chọn kênh phân phối, hình thức phân phối để triển khai bán hàng,.. lại không dựa trên việc hình thành và phát triển bản sắc thương hiệu. Hay là do chính nhà phân phối, điểm bán tự phá vỡ những nguyên tắc về cạnh tranh hay làm sai lệch hướng đi của sản phẩm.

Dưới đây cùng phân tích hai ví dụ về việc xây dựng bản sắc thương hiệu trên kênh phân phối tại thị trường Việt Nam.

Cà phê hòa tan thương hiệu V. Thông điệp và chiến lược hướng đến: Một loại cà phê hòa tan có “gu” truyền thống và lâu đời, mang hương vị thiên nhiên của Việt Nam.

Phân tích thị trường: Dòng cà phê hòa tan đang chịu sự cạnh tranh gay gắt khi xuất hiện thêm nhiều thương hiệu mới, đặc biệt là những doanh nghiệp đa quốc gia tham gia vào việc cung ứng dòng sản phẩm này. Nếu chỉ xét về khía cạnh quảng cáo, những công ty này “ăn đứt” thương hiệu V, họ đầu tư nguồn ngân sách khổng lồ cho TVC, Event, Bài viết PR báo chí, xây dựng fanpage kết nối người tiêu dùng trẻ… với tần suất xuất hiện dày đặc.

Tuy nhiên, công ty V vẫn đứng vững và đang dần lên vị trí đứng đầu thị trường sản phẩm cà phê hoà tan tại Việt Nam. Công ty V đã làm điều đó như thế nào? Mặc dù rất tiết kiệm và “dè sẻn” cho các chương trình quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Có được thành công này bởi ban lãnh đạo công ty đã hiểu rõ đối tượng tiêu thụ và cách truyền bá bản sắc thương hiệu của sản phẩm đến với người dùng. Thương hiệu cà phê V đáp ứng cho nhu cầu sử dụng cà phê hàng ngày nhưng dễ pha chế, pha chế nhanh (như tính năng của các loại cà phê hoà tan khác). Đối tượng chính ở đây là hộ gia đình, tất cả các thành viên trong gia đình (theo kiểu truyền thống) bằng hương vị “gu” truyền thống (với mùi và hương vị xem là “gu” của người tiêu dùng Việt Nam) chứ không định hướng bản sắc là phục vụ giới trẻ, sành điệu.

Trước tiên, đối tượng khách hàng này thường xuyên đến các kênh phân phối truyền thống (chợ, điểm bán, đại lý…) để thực hiện hành vi mua sắm của mình. Theo nghiên cứu hành vì người tiêu dùng, họ (hộ gia đình, thành viên gia đình) thường yêu cầu chủ cửa hàng tư vấn, lấy sản phẩm và họ có khoảng 60s chờ đợi và quan sát những hàng hóa được trưng bày bên ngoài. Chính vì vậy thương hiệu V sử dụng kênh phân phối này làm nơi truyền tải các thông điệp, vừa dễ kiểm soát vừa không lo lắng về việc thay đổi giá cả (các cửa hàng tạp hóa ít khi thay đổi giá để cạnh tranh). Tuy nhiên, số lượng các điểm bán lẻ này rất lớn (1,1 triệu cửa hàng trên toàn quốc), không thể đầu tư hết bởi chi phí quá cao, tính chất phân tán khó kiểm soát. Vì vậy, thương hiệu V đã thống nhất chọn từng vùng, từng địa bàn… thực hiện chiến lược “càn lướt”, chào bán hàng đến đâu là xây dựng – xác lập “màu cờ sắc áo” đến đó. Trước tiên họ xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng khổng lồ với màu sắc riêng biệt. Khi đến điểm bán, nhân viên cung cấp công cụ truyền tải bản sắc thương hiệu: dụng cụ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu, kệ, tủ, sổ ghi chép bán hàng (P.O.P – Point of Purchase, P.O.S – Point of Sale, Billboard…).

“Màu cờ sắc áo” thể hiện trong tất cả những sản phẩm truyền thông của doanh nghiệp.

Kết hợp, là các chương trình “sampling”, tặng sản phẩm cho người tiêu dùng dùng thử sản phẩm trên khu vực đã triển khai bán hàng; các chương trình khuyến mãi như tặng muỗng inox gắn với mỗi hộp cà phê… Từng bước đi một, từng vùng thị trường một V đã xác lập được bản sắc thương hiệu thống nhất với một khoản chi phí bỏ ra hợp lý cho việc đầu tư xây dựng thương hiệu. Cũng với một mức chi phí đó, V cũng đã xác lập một kênh phân phối rộng khắp – hiệu quả – gia tăng doanh thu thực về cho công ty.

Nước tăng lực B, nước tăng lực có nhân sâm Hàn Quốc. Thông điệp hướng đến: Dòng sản phẩm cao cấp, tốt cho sức khỏe nhờ việc sử dụng loại cây – củ huyền thoại, sản phẩm mang dáng dấp Hàn Quốc.

Thương hiệu B có chiến lược đầu tư khác biệt. Họ đẩy sản phẩm vào kênh Horeca – phân khúc thị trường khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, quán cà phê cao cấp. Bởi khách hàng ở đây chủ yếu phân khúc hạng sang, những người có tiền cho nên nước tăng lực B có mức giá cao, sản phẩm cao cấp với chất lượng vượt trội. Bên cạnh đó, nhận thấy kênh bán lẻ truyền thống có lượng khách hàng lớn, thương hiệu B xâm nhập vào các kệ bán lẻ, cạnh tranh với những loại nước tăng lực giá rẻ, chất lượng vừa phải khác. Đồng thời B còn mở rộng thị trường vào những khu lao động bình dân tại các tỉnh tạo ra một hình ảnh bản sắc thương hiệu của B là bình dân, gần gũi với tầng lớp lao động.

Bản sắc thương hiệu nước tăng lực B xây dựng được sau khi tham gia vào các kênh phân phôi khác nhau: Thương hiệu cao cấp – vừa sành điệu – giá cao – vừa bình dân – dễ mua – giá hợp lý. Hệ thống nhận diện (các bảng hiệu, poster, tờ rơi, kệ bán hàng, kệ trưng bày,….) của B trải đều, rộng khắp nơi từ quán bar cao cấp tại trung tâm quận 1 – TPHCM cho đến quán cóc, vỉa hè tại quận vùng ven Bình Chánh,… Người tiêu dùng “rối trí”, họ không biết nên hiểu như thế nào về thương hiệu này. Điều này dẫn đến tình trạng: Người sành điệu tại kênh Horeca không mua bởi nó “nhà quê” quá “Tôi là người có tiền, giàu sang không thể dùng sản phẩm mà vỉa hè cũng bán được”. Còn với người tiêu dùng nông thôn họ cũng không dám mua bởi sợ thể hiện mình “đã nghèo còn thích mua hàng cao cấp”; hoặc nghe cái tên cao cấp quá sợ “đắt”.

Như vậy, từ 2 ví dụ trên ta có thể thấy một điều rằng: Xây dựng một cái nhìn nhất quán về sản phẩm trong con mắt của người tiêu dùng là yếu tố then chốt tạo nên thành công của chiến lược kinh doanh. Một sản phẩm hay dịch vụ chỉ nên mang trong mình một tích cách, tránh tạo cảm giác “lẳng lơ”, “anh nào cũng có thể chiều được”.

Khai thác kênh phân phối vào việc quảng bá thương hiệu, hay nói cụ thể hơn là tận dụng mặt tiền từng điểm bán; đầu tư hệ thống trưng bày sản phẩm (mang tên doanh nghiệp); “mua chuộc” chủ cửa hàng nói nhiều hơn về sản phẩm là hướng khai thác dù không phải là mới nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên hãy chú ý đến bản sắc thương hiệu, màu cờ sắc áo; đừng để sản phẩm của mình bị mờ nhạt trên kệ hàng, mang quá nhiều loại giá hay truyền tải nhiều thông điệp khác nhau. ĐỘC ĐÁO – DỄ NHÌN – DỄ NHỚ là cách bạn đánh cắp trái tim khách hàng ngay từ cái nhìn đầu tiên.