Category Archives: News

Facebook hắt hơi, dân buôn online lập tức cảm nặng

Những ngày qua vụ việc Facebook làm lộ thông tin người dùng đã khiến dân tình hoang mang. Liệu ai đã từng nghĩ đến việc bỗng nhiên một ngày Facebook không còn là “miền đất hứa” nữa thì người kinh doanh đang phụ thuộc nó sẽ như thế nào?

Lao đao vì Facebook

Facebook đỏng đảnh, “hắt hơi xổ mũi” liên tục khiến những người kinh doanh khó lường, phải lựa tính lựa nết. Bởi, họ hiện gần như quá phụ thuộc vào kênh Facebook và thiếu chiến lược đúng đắn khi tiếp cận khách hàng của mình, chưa tính toán được những rủi ro khi “bỏ hết trứng vào một rổ”.

Chị Đào Nguyên, chủ một shop thời trang tại Hà Nội, đã lo lắng suốt tuần nay vì hiệu quả quảng cáo Facebook giảm sút. Bình thường hàng ngày vẫn có trên dưới 30 đơn nhưng kể từ khi Facebook thay đổi thuật toán ưu tiên hiển thị địa phương nhiều hơn thì lượng đơn hàng của chị giảm 1 nửa.

Chị cho biết, Facebook là kênh mang lại doanh thu chủ yếu của cửa hàng, mỗi khi Facebook thay đổi, dù là thay đổi nhỏ cũng có ảnh hưởng ít nhiều. Nếu không nhanh nhạy thay đổi chiến thuật thì rất khó để trụ vững.

Liên quan đến việc đóng API kết nối với các bên dịch vụ thứ 3 của Facebook vài ngày gần đây, anh Nguyễn Minh Chiến, chủ cửa hàng phụ kiện điện thoại tại TP.HCM phải đăng lên Facebook tỏ vẻ bức xúc khi hiện tại không dùng được phần mềm quản lý Facebook mà phải mất thời gian, công sức chát và tạo đơn thủ công qua Messenger như bình thường.

Việc này làm ảnh hưởng rất nhiều tới hiệu suất làm việc và nguồn lực đầu tư vào kênh bán hàng này. Anh Chiến cho hay, sử dụng phần mềm quản lý bán hàng trên Facebook sẽ tiện hơn, thay vì mất nguyên 2 người chỉ để trực fanpage thì chỉ cần 1 người vừa trực vừa tạo đơn trực tiếp. Anh lo ngại về việc không biết khi nào Facebook mới mở API để có thể dùng bình thường.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều những cửa hàng, shop bán hàng chia sẻ sự ảnh hưởng khi Facebook thay đổi hoặc đưa ra một quyết định nào đó. Liệu có ai đã từng nghĩ đến việc bỗng nhiên một ngày Facebook không còn là “miền đất hứa” nữa thì người kinh doanh đang phụ thuộc nó sẽ như thế nào?

Chớ bỏ tất cả trứng vào một rổ

Theo khảo sát mới đây của phần mềm quản lý bán hàng Sapo, hơn 80% cửa hàng bán lẻ có sử dụng Facebook để bán hàng. Thực tế, rất nhiều cửa hàng kỳ vọng rất lớn vào kênh bán hàng này nên đầu tư chủ yếu về quảng cáo, công cụ quản lý, chatbot,…

Sau sự cố của Facebook lần này, mọi người cũng cần phải nhìn nhận lại về việc phân bổ nguồn lực cho các kênh bán hàng. Nếu chỉ tập trung vào riêng 1 kênh bán Facebook thì chỉ cần “một cái hắt hơi” của Facebook thôi cũng đã ảnh hưởng rõ ràng.

Anh Nguyễn Tuân, chủ shop Cặp túi da, một trong những shop không phụ thuộc vào Facebook, cho biết, anh đã tạm dừng chạy quảng cáo Facebook. Cửa hàng của anh không bị ảnh hưởng nhiều vì kênh chính là website thông qua tối ưu hóa công cụ tìm kiếm Google.

Ông Trần Trọng Tuyến – Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam, cho hay: “Phụ thuộc quá nhiều vào một kênh là một sai lầm của các doanh nghiệp, cửa hảng bán lẻ. Thay vào đó, ngoài kênh chính cần có ít nhất 1-2 kênh khác tạo ra doanh thu.

Không nên quá phụ thuộc vào Facebook.

Điều này đặc biệt quan trọng khi bán hàng trên các kênh mà bạn không kiểm soát hết 100% như Facebook. Website là một kênh bán hàng bền vững về lâu dài, là một kênh bán hàng mà mọi doanh nghiệp cần coi trọng và ứng dụng.”

Ông Tuyến cũng nói thêm, nếu đi theo hướng đa kênh này thì bài toán đặt ra là nguồn lực để quản lý và bán hàng sao cho “nhàn”, tiết kiệm và hiệu quả nhất. Sử dụng một nền tảng có thể vừa quản lý và vừa bán hàng đa kênh, xử lý tập trung sẽ có lợi hơn rất nhiều cho các doanh nghiệp, cửa hàng.

Xét về góc độ marketing, một chuyên viên marketing chia sẻ: Chạy quảng cáo thực chất là đang phó mặc hên xui may rủi cho Facebook. Với một marketer, một người kinh doanh cần kíp phải có thêm những phương án 2 để đối phó với những thay đổi đột ngột.

Đơn cử như Facebook thay đổi thuật toán tăng hiển thị nội dung quảng cáo fanpage địa phương thì người bán hàng có thể lựa chọn những giải pháp khác như quảng cáo trong Messenger, quảng cáo standard ads hoặc lựa chọn quảng cáo Zalo, Instagram,…

Quảng cáo Facebook là công cụ rất tiềm năng để thu hút khách hàng. Trên thực tế có không những trường hợp nếu dừng quảng cáo thì sẽ không bán được hàng. Điều này là sai lầm với tư duy của một người kinh doanh nghiêm túc.

Không nên bỏ nhiều trứng vào một rổ, cần phải đo lường và có những phương án kênh bán hàng khác để tạo ra doanh thu là thực sự cần thiết.

Thị trường cà phê Việt nằm trong tay ai?

Nếu trước đây, thị trường cà phê Việt chỉ vài cái tên chi phối như Trung Nguyên, Nescafe, Vinacafe… thì nay đã có sự cạnh tranh ráo riết của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Từ năm 2013, thị trường cà phê Việt Nam thực sự nóng lên khi Starbucks bắt đầu gia tăng sự hiện diện của mình và tiếp đến là chuỗi cà phê đến từ Hàn Quốc Coffee Bene, thương hiệu đến từ Mỹ PJ’s Coffee cùng chuỗi trong nước như The Coffee House, Trung Nguyên, Highlands, Phúc Long, Passio…

Ngay cả doanh nghiệp từ trước đến nay chưa tham gia trồng, chế biến cà phê cũng công bố bỏ vốn đầu tư, với tham vọng chia lại thị trường.

Doanh nghiệp “ngoại đạo” tham vọng xuất khẩu

Được biết đến với “chuyên môn” mở chuỗi quán cà phê, đầu năm 2018, The Coffee House công bố mua lại trang trại, kho, hệ thống rang xay để bắt đầu trồng cà phê tại Đà Lạt. Mới chỉ sở hữu 33 ha trồng cà phê, nhưng CEO Nguyễn Hải Ninh khẳng định đây là bước đi đầu tiên để hướng tới mục tiêu xuất khẩu trong 5 năm tới.

Nguyễn Hải Ninh cũng tự tin cho rằng có thể trong tương lai gần nhất, diện tích cà phê doanh nghiệp này sở hữu sẽ tăng mạnh hàng nghìn ha. Bởi doanh nghiệp quyết tâm chinh phục mục tiêu trồng và xuất khẩu ngành hàng này.

Thị trường cà phê Việt đang cạnh tranh gây gắt với hàng loạt tên tuổi trong và ngoài nước ở cả lĩnh vực trồng đến chế biến, xuất khẩu. Ảnh: Trang Quỳnh.

Thể hiện tham vọng mạnh mẽ hơn, năm 2017, NutiFood, doanh nghiệp chưa hề tham gia thị trường cà phê, đã công bố đầu tư 1.000 tỷ đồng trồng cà phê tại tỉnh Đăk Lăk.

Với khoản đầu tư này, công ty sữa cho biết sẽ phát triển ngành cà phê từ cây giống, trồng, thu hoạch, xây dựng nhà máy chế biến cà phê cao cấp… để nâng cao năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm sau cùng. Công ty sẽ tận dụng kênh phân phối có sẵn để đẩy mạnh khai thác thị trường xuất khẩu.

NutiFood cũng đồng thời được tỉnh Đắk Lắk chấp thuận trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Cà phê Phước An, một công ty có kim ngạch xuất khẩu trung bình hàng năm 12-15 triệu USD, sở hữu 1.400 ha diện tích cà phê. Đây là công ty Nhà nước đầu tiên của Đắk Lắk thực hiện thí điểm cổ phần hóa.

Trả lời hoài nghi chuyện một doanh nghiệp ngoại đạo đổ vốn nghìn tỷ vào cà phê, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT NutiFood, cho rằng công ty có tầm nhìn về việc cho ra đời những sản phẩm cà phê sạch, hữu cơ. Doanh nghiệp sẽ tiến tới đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu cà phê thành phẩm chất lượng cao, trước mắt nhắm đến 2 thị trường Nhật và Mỹ.

Đi trước một bước, Starbucks sau 2 năm gia nhập thị trường Việt Nam đã công bố bán dòng cà phê Việt Nam với tên gọi “DaLat Blend” tại hơn 21.500 cửa hàng ở 56 quốc gia của chuỗi cà phê này. Đây là dòng sản phẩm cao cấp, một gói cà phê bột khoảng 250 gr bán với giá 12,5 USD (tương đương hơn 280.000 đồng). Vùng đất trồng ra loại cà phê được giới thiệu là thượng hạng này chính là Đà Lạt (Lâm Đồng).

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội cà phê Việt Nam cho biết cả nước có hơn 150 doanh nghiệp xuất khẩu và 3.000 đại lý thu mua cà phê, nhưng chỉ 1/3 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu.

Cuộc chiến chuỗi cửa hàng cà phê vẫn diễn ra khốc liệt với hàng chục tên tuổi lớn trên thị trường, trong đó cũng có không ít chuỗi rời cuộc chơi. Ảnh: Thái An.

Cuộc chiến khốc liệt ở chuỗi quán cà phê

Đầu năm 2013, Starbucks vào Việt Nam, cuộc chiến trong kinh doanh chuỗi cũng thật sự bùng nổ, dù các chuỗi tên tuổi như Trung Nguyên, Highlands đã phát triển rầm rộ trước đó.

Thời điểm Starbucks vào Việt Nam với ầm ĩ các hoạt động truyền thông thu hút khách hàng cũng là lúc 2 chuỗi cà phê nội, là Phúc Long và The Coffee House ra mắt. Không ồn ào như Starbucks, nhưng Phúc Long lại khiến khách hàng, nhất là giới trẻ, mê mẩn với menu thức uống đa dạng, giá cạnh tranh nhưng cửa hàng hiện diện ở hầu hết vị trí đắc địa tại trung tâm TP.HCM.

The Coffee House không đầu tư cửa hàng tại những vị trí vàng, mà ghi điểm bằng thiết kế quán trẻ trung, ấn tượng, phù hợp với giới trẻ. Giá thức uống cũng ở mức khách hàng trung cấp chấp nhận.

Tính đến hiện tại, hệ thống Highlands đang sở hữu số lượng quán nhiều nhất với gần 150 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành. Starbucks có khoảng 30 cửa hàng, Trung Nguyên hơn 60 cửa hàng, The Coffee House 80 cửa hàng, Urban café gồm 30 cửa hàng… Chưa có chuỗi nào bày tỏ ý định dừng ở con số nhất định mà tiếp tục có kế hoạch đầu tư để mở rộng và phát triển.

CEO The Coffee House Nguyễn Hải Ninh cho biết ước thị trường có khoảng 20.000 quán cà phê lớn nhỏ và vẫn đang còn dư địa phát triển. Chuỗi cà phê này dự kiến mở đến 2.000 quán trong 5-10 năm tới.

Cả nước có khoảng 150 doanh nghiệp xuất khẩu cùng hơn 3.000 đại lý thu mua cà phê, nhưng chỉ 1/3 số này đầu tư nhà máy chế biến sâu. Ảnh: Trang Quỳnh.

Mỗi người Việt tiêu thụ 1,38 kg cà phê/năm

Theo báo cáo Ngành Nông nghiệp Việt Nam quý III/2017 của BMI Research, trong giai đoạn 2005-2015, lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam tăng trưởng từ 0,43 kg/đầu người/năm, lên 1,38 kg/đầu người/năm. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới, và dự báo lên 2,6 kg/người/năm vào 2021.

Báo cáo cũng cho biết sản lượng tiêu thụ cà phê rang xay của Việt Nam niên vụ 2017-2018 ước khoảng 2,55 triệu bao, do sự phát triển nhanh chóng của các cửa hàng cà phê.

Riêng với thị trường cà phê hòa tan, nếu trước đây chỉ xoay quanh 3 đại gia Vinacafe Biên Hoà, Nestlé và Trung Nguyên thì này thêm nhiều đối thủ như TNI (King coffee), Ajinomoto (Birdy), PhinDeli…

[Infographic] “Ông hoàng” M&A của Thái Lan đang nắm giữ những tài sản gì ở Việt Nam?

rong những năm gần đây, Charoen Sirivadhanabhakdi không còn là cái tên quá xa lạ – bởi danh hiệu “ông hoàng” M&A, với những khoản đầu tư đình đám trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, phân phối, bán lẻ, bao bì, đồ uống… không chỉ ở Thái Lan mà còn các nước trong khu vực Châu Á và đặc biệt là Việt Nam.

Vingroup gia nhập ngành dược phẩm

Tập đoàn thành lập Công ty Cổ phần Vinfa hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và xây dựng dự án nghiên cứu sản xuất thuốc 2.200 tỷ đồng.

Tập đoàn Vingroup vừa công bố tham gia lĩnh vực dược phẩm với thương hiệu Vinfa. Bên cạnh việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu dược phẩm, Vinfa sẽ tập trung bảo tồn, nghiên cứu và phát triển các bài thuốc Đông y cổ truyền có nguồn gốc từ dược liệu quý Việt Nam.

Thực hiện chiến lược mở rộng lĩnh vực y tế, tập đoàn thành lập Công ty Cổ phần Vinfa hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và đầu tư xây dựng dự án “Trung tâm nghiên cứu sản xuất thuốc Vinfa” tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, quy mô giai đoạn một gần 10 ha và được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế với các phân khu: nghiên cứu, sản xuất, hậu cần và các công trình phụ trợ.

Theo đại diện Vingroup, mục tiêu của trung tâm nghiên cứu sản xuất thuốc Vinfa là sản xuất và kinh doanh các bài thuốc Đông y và những loại thuốc Tây y chất lượng tốt, phục vụ thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Trung tâm nghiên cứu sản xuất thuốc Vinfa có vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng.

Trong đó, Vinfa đầu tư mạnh cho việc nghiên cứu, phát triển và bảo tồn các bài thuốc có nguồn gốc từ dược liệu quý Việt Nam, tiến tới xuất khẩu ra thị trường thế giới. Doanh nghiệp cũng sẽ tập trung vào các mảng sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, vaccine và thiết bị y tế với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Bên cạnh việc khai thác nguồn dược liệu quý của dân tộc, Vinfa cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với các đối tác uy tín từ những nền sản xuất dược phẩm nổi tiếng thế giới như Mỹ, châu Âu, Australia…, sẵn sàng nhận tư vấn và chuyển nhượng công nghệ, kỹ thuật và nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm.

Toàn bộ quy trình vận hành và quản lý chất lượng tại Vinfa đều đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế với 3 tiêu chí cốt lõi: sản phẩm chất lượng tốt; đội ngũ nhân sự trình độ cao và hướng đến các tiêu chí khoa học.

“Việc đầu tư nhà máy sản xuất dược phẩm được coi là một bước đi mới, phục vụ chiến lược mở rộng lĩnh vực y tế của Tập đoàn Vingroup. Thông qua Vinfa, chúng tôi mong muốn nghiên cứu, sản xuất, xuất nhập khẩu những sản phẩm chất lượng, đồng thời bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý và các bài thuốc cổ truyền của dân tộc”, bà Phan Thu Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty phát biểu.

Dự kiến, trung tâm nghiên cứu sản xuất thuốc Vinfa sẽ bắt đầu xây dựng vào quý III/2018.

Vinfa sẽ sản xuất và kinh doanh các bài thuốc Đông y và các loại thuốc Tây y chất lượng tốt.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên 80% dân số thế giới sử dụng y học cổ truyền, đặc biệt là các sản phẩm từ dược liệu, kể cả các nước phát triển. Tại Việt Nam, thuốc từ cây dược liệu trong nước chiếm ít nhất 30%; gần 4.000 loài trong tổng số hơn 12.000 loài thực vật có công dụng làm thuốc, trong đó nhiều loài được xếp vào hàng quý trên thế giới như sâm Ngọc Linh, sâm Vũ Diệp, tam thất hoàng, bách hợp…

Tuy có nguồn dược liệu quý và phong phú nhưng Việt Nam vẫn thuộc vào nhóm 17 nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển (pharmerging countries) với gần 55% nhu cầu dược phẩm phải nhập khẩu. Việt Nam phải nhập một lượng lớn các loại biệt dược là thuốc có bản quyền phát minh (patent drug) với giá thành cao.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), năm 2016, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,5 tỷ USD dược phẩm, trong đó các sản phẩm biệt dược được nhập khẩu chủ yếu từ 3 nước Pháp, Đức và Mỹ chiếm gần 200 triệu USD.

 

Jack Ma – ‘người khổng lồ’ ấp ủ những giấc mơ lớn

Ông chủ Alibaba có vẻ ngoài nhỏ nhắn nhưng bên trong ẩn chứa sức mạnh của những giấc mơ lớn khiến cả thế giới phải ngước nhìn

Từ một công ty được thành lập trong căn hộ khiêm tốn ở Hàng Châu năm 1999, Ma biến Alibaba thành đế chế hàng đầu ở Trung Quốc và vươn ra thế giới. Ông là minh chứng sống động cho câu nói bất hủ: “Tuy tôi không cao, nhưng mọi người vẫn phải ngước nhìn”. Thậm chí, Ma trở thành “người khổng lồ” thật sự nếu tính trên bình diện về cả vật chất lẫn sức mạnh lan tỏa tinh thần.

Năm 2018, ông xếp thứ 20 trong danh sách người giàu nhất thế giới do Forbes công bố với giá trị tài sản 39 tỷ USD. Ma từng nhiều lần là người giàu nhất Trung Quốc trước khi bị ông chủ Tencent Ma Huateng vượt mặt.

Người đàn ông này trở thành biểu tượng truyền cảm hứng khắp thế giới. Với khả năng tiếng Anh tốt, Ma càng dễ khiến thế giới cảm nhận về mình ở mức độ cá nhân nhất. Ông hài hước, thích chia sẻ nhưng không bao giờ khoe mẽ, có cuộc sống giản dị với những sở thích rất bình thường. Ma không ngần ngại thừa nhận từng bị Đại học Harvard từ chối đến 10 lần.

Nhưng đó không phải trái đắng duy nhất ông chủ Alibaba từng nếm trải.

Người chuyên bị khước từ

Jack Ma tên thật là Ma Yun, sinh ngày 15/10/1964 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ông là con thứ trong gia đình có ba anh em với mức thu nhập chỉ 7 USD một tháng. Từ nhỏ Ma đã là một cậu bé rất ốm yếu và thường đánh nhau với bạn bè.

Từ một công ty được thành lập trong căn hộ khiêm tốn ở Hàng Châu năm 1999, Ma biến Alibaba thành đế chế hàng đầu ở Trung Quốc và vươn ra thế giới. Ông là minh chứng sống động cho câu nói bất hủ: “Tuy tôi không cao, nhưng mọi người vẫn phải ngước nhìn”. Thậm chí, Ma trở thành “người khổng lồ” thật sự nếu tính trên bình diện về cả vật chất lẫn sức mạnh lan tỏa tinh thần.

Năm 2018, ông xếp thứ 20 trong danh sách người giàu nhất thế giới do Forbes công bố với giá trị tài sản 39 tỷ USD. Ma từng nhiều lần là người giàu nhất Trung Quốc trước khi bị ông chủ Tencent Ma Huateng vượt mặt.

Jack Ma trong ngày Alibaba lên sàn chứng khoán New York. Ảnh: Andrew Burton.

Người đàn ông này trở thành biểu tượng truyền cảm hứng khắp thế giới. Với khả năng tiếng Anh tốt, Ma càng dễ khiến thế giới cảm nhận về mình ở mức độ cá nhân nhất. Ông hài hước, thích chia sẻ nhưng không bao giờ khoe mẽ, có cuộc sống giản dị với những sở thích rất bình thường. Ma không ngần ngại thừa nhận từng bị Đại học Harvard từ chối đến 10 lần.

Nhưng đó không phải trái đắng duy nhất ông chủ Alibaba từng nếm trải.

Người chuyên bị khước từ

Jack Ma tên thật là Ma Yun, sinh ngày 15/10/1964 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ông là con thứ trong gia đình có ba anh em với mức thu nhập chỉ 7 USD một tháng. Từ nhỏ Ma đã là một cậu bé rất ốm yếu và thường đánh nhau với bạn bè.

Ma có những sở thích như bao đứa trẻ khác, trong đó có sưu tập dế và cho chúng đấu với nhau. Cậu bé có khả năng phân biệt kích thước và chủng loại dế chỉ dựa vào âm thanh chúng phát ra.

Sau chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Mỹ Nixon năm 1972, quê hương của Ma trở thành thánh địa du lịch. Ở tuổi trung học, ông đã bắt đầu thức dậy sớm, đến các khách sạn nổi tiếng và chủ động trở thành hướng dẫn viên cho khách nước ngoài để nâng cao khả năng tiếng Anh. Cái tên Jack chính là do một du khách đã đặt cho ông.

Không tiền bạc lẫn các mối quan hệ, cách duy nhất để thành công với Ma là thông qua giáo dục. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông đăng ký thi cao đẳng nhưng trượt đến 2 lần. Chỉ đến lần thứ ba, sau bao nỗ lực Ma mới vào được Học viện Sư phạm Hàng Châu.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 1998, ông bắt đầu tìm việc nhưng liên tục bị từ chối. Ma không hề kén chọn mà chỉ đơn giản muốn tìm một công việc kiếm sống nhưng hàng chục lần bị khước từ, kể cả KFC.

Cuối cùng, ông được nhận vào làm giáo viên tiếng Anh tại một trường đại học ở quê nhà với mức lương 12 USD một tháng. Tại đây, ông được biết đến là một thầy giáo có phong cách dạy học tự nhiên và thật sự yêu công việc của mình.

Ma không có bất cứ kinh nghiệm nào ở lĩnh vực máy tính hay lập trình nhưng hoàn toàn bị Internet quyến rũ khi lần đầu có cơ hội tiếp cận trong dịp đến thăm nước Mỹ vào năm 1995. Ma đã gõ từ “bia” trong dòng tìm kiếm và hoàn toàn bất ngờ khi không có bất cứ thông tin gì về sản phẩm Trung Quốc ở các kết quả. Đó chính là lý do nảy mầm khiến ông quyết định sáng lập một công ty về Internet tại đất nước mình.

Ông bắt đầu tìm đọc sách về các công ty nổi tiếng như GE, Microsoft, IBM và Walmart. Mọi người thường đọc sách tiếng Anh chỉ đơn giản để học tiếng, Ma thì khác, ông muốn tìm hiểu những ý tưởng thú vị của người Mỹ.

Bốn năm từ ngày trở về sau chuyến đi Mỹ, Ma tập hợp 17 người bạn tại căn hộ riêng và thuyết phục họ đầu tư vào tầm nhìn của ông về một thị trường online được đặt tên là “Alibaba” – nơi cho phép các nhà sản xuất đăng tải các sản phẩm mà khách hàng có thể mua trực tiếp.

Thời điểm đó, chỉ có ba thành viên trong công ty là có am hiểu về công nghệ. Porter Erisman, cựu Phó Chủ tịch Alibaba cho biết suốt thời gian làm việc, Ma luôn mô tả mình là một kẻ dốt công nghệ. “Ông luôn nói hai thứ duy nhất có thể làm là dùng email và lướt web. Rõ ràng Jack Ma không phải là người đàn ông của công nghệ”, Erisman nói.

Ma và các đồng sự Alibaba những ngày đầu. Ảnh: Phim tài liệu.

Bản thân Ma cũng tự nhận mình là “kẻ mù cưỡi những con hổ mù”. Không có bất cứ kiến thức gì về công nghệ và máy tính, họ đã xây dựng Alibaba những ngày đầu tiên. Vậy bí quyết của nhà sáng lập này là gì? Ông hiểu rất rõ sức mạnh của Internet trong kết nối giữa người mua và người bán. Ma cũng mong muốn có thể giúp đỡ cho các doanh nghiệp nhỏ.

Alibaba nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người trên khắp thế giới, trong đó có Masayoshi Son – tỷ phú hiện giàu nhất nước Nhật, đứng sau công ty đầu tư nổi tiếng Softbank. Son đề nghị đầu tư 40 triệu USD nhưng Ma chấp nhận số tiền 20 triệu USD. Thời điểm này họ cũng gọi được 5 triệu USD từ Goldman Sachs.

“Tôi chọn Alibaba vì đó là Jack Ma”

Jerry Yang – đồng sáng lập và cựu CEO Yahoo từng phát ngôn như thế sau khi hai bên công bố thương vụ hợp tác vào 2005. Theo đó, họ đầu tư một tỷ USD vào Alibaba để đối lấy 40% cổ phần công ty. Yahoo đã hưởng lợi lớn khi thu về 10 tỷ USD thời điểm Alibaba IPO năm 2014.

Jerry Yang nói muốn hợp tác bởi nhìn thấy vị thế và tầm ảnh hưởng của Alibaba trong nền kinh tế Trung Quốc. “Nhưng quyết định một phần cũng vì đó là Jack Ma, một người rất đam mê khám phá về nền công nghiệp Internet và có tư duy thật sự của một doanh nhân”, ông chia sẻ.

Phó Chủ tịch Alibaba Porter Erisman nhớ lại những ngày đầu gia nhập công ty, ông chứng kiến Ma đến gõ cửa từng nhà để nói chuyện và thuyết phục mọi người nên dùng tiền để đưa việc kinh doanh lên thứ gọi là Internet. Nhà sáng lập đi khắp Trung Quốc, trên các con đường mà 100-200 người có thể quay lại lắng nghe ông nói rằng tại sao các doanh nghiệp cần phải có tương tác trực tuyến.

Ma cũng dựa vào sức mạnh cá nhân của mình để thuyết phục các nhà đầu tư. Trong khi nhiều người khác thường đưa ra những bản kế hoạch chi tiết, Ma chỉ đơn giản là đứng dậy, kể về câu chuyện và sứ mệnh của mình. Nhiều người đã bị ông thuyết phục, trong đó có Masayoshi Son và Jerry Yang.

Ma xây dựng tầm nhìn dựa trên những công ty thành công tại Mỹ như Yahoo và eBay. Những năm 2000, ông chuyển các hoạt động chính sang thung lũng Silicon vì tin rằng đó là cách tốt nhất để xây dựng doanh nghiệp toàn cầu. Nhưng Erisman nhận định đó là một “thảm họa”.

Tại đây, Alibaba không tìm được đúng người có khả năng làm thương mại và phải tuyển nhân sự từ New York, Miami đến San Francisco làm việc. “Sau khoảng một hai tháng gì đó, chúng tôi nhận ra dường như có gì đó sai sai bởi những người được tuyển có thể biết kinh doanh nhưng lại chẳng có kiến thức gì về Internet. Và nếu không biết gì về Internet thì chẳng thể nào kinh doanh được tại đây. Chúng tôi đã mắc nhiều sai lầm”, Ma thừa nhận.

Đó là một trong những thời điểm khó khăn nhất với ông chủ Alibaba. Erisman kể ông nhận rất nhiều cuộc gọi của Jack Ma, trong đó có câu hỏi: “Porter à, anh có nghĩ tôi là một người đàng hoàng không?”.

Lúc đó, Erisman hơi bối rối vì người bên kia đầu dây là Jack Ma – CEO của họ – một người chưa bao giờ nghi ngờ bản thân mình. Thời khắc ấy đánh dấu bước chuyển mình của Ma từ tư duy của một giáo viên tiếng Anh sang giám đốc điều hành – một người làm kinh doanh thật sự.

“Ma nhận ra khi là một giáo viên, hầu như không bao giờ ông ấy phải nói không. Nhưng ở vai trò của một CEO, bạn cần phải đưa ra những quyết định khó khăn. Trong trường hợp này, đưa công ty trở về Trung Quốc là một quyết định đầy đắn đo mà Ma buộc phải làm”, cựu Phó chủ tịch Alibaba cho biết.

Năm 2003, công ty quyết định ra mắt mô hình tương tự eBay mang tên Taobao với điểm khác biệt là không tính phí người dùng. Với Ma, nếu có thể đưa người mua và người bán đến gần nhau, một khi người bán kiếm được tiền thì ông cũng sẽ tạo ra doanh thu. Lúc đó eBay đã phản ứng bằng tuyên bố: “Miễn phí không phải là một mô hình kinh doanh”.

Thực tế cho thấy Alibaba nhanh chóng nổi tiếng với mô hình miễn phí ấy. Ma từng chia sẻ với Bloomberg là ông biết công ty sẽ thành công khi có khách hàng đề nghị trả tiền cho ông tại nhà hàng.

“Tôi là khách hàng của ông ở Alibaba. Tôi kiếm được rất nhiều tiền và tôi biết ông chẳng kiếm được đồng nào cả. Tôi sẽ trả bữa ăn này cho ông”, vị khách hàng nói.

Hiện nay, mỗi ngày có 200 triệu người mua sắm qua nền tảng di động của Alibaba. Năm 2014, họ lên sàn với giá trị vốn hóa đạt 150 tỷ USD trong đợt chào bán lớn nhất lịch sử các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán New York, Mỹ. Qua đây, Jack Ma cũng trở thành người giàu nhất Trung Quốc thời điểm đó với giá trị tài sản 25 tỷ USD. Tháng 5/2017, tập đoàn công bố doanh thu hằng năm tăng 56% lên 23 tỷ USD.

“Những gì Jack Ma đạt được không có gì đáng ngạc nhiên, thậm chí còn ấn tượng hơn cả Jeff Bezos, Mark Zuckerberg và Elon Musk”, Gil Luria, Giám đốc nghiên cứu tại công ty dịch vụ tài chính DA Davidson Co ở Mỹ chia sẻ.

Giấc mơ không đứng yên một chỗ

Jack Ma từng chia sẻ về tầm nhìn dài hạn của công ty và tính toán rằng Alibaba thành lập năm 1999, nếu tính 102 năm thì có nghĩa họ sẽ tồn tại qua ba thế kỷ.

Giờ đây, chỉ cần gõ từ khóa “tôm hùm” trên Alibaba.com, ngay lập tức sẽ có trên 1.200 sản phẩm xuất hiện. Nếu người tiêu dùng Trung Quốc muốn ăn cherry tươi, họ có thể đặt mua từ công ty ở Maryland, Mỹ với giá 300-500 USD một tấn.

Ảnh: AP.

Nhưng Ma còn muốn nhiều hơn thế. Đầu năm ngoái, trong chuyến thăm Mỹ, chủ tịch Alibaba có dịp gặp gỡ Tổng thống Donald Trump. Hai nhân vật đã thảo luận về kế hoạch hỗ trợ một triệu việc làm cho người Mỹ trong vòng 5 năm tới và họ đều muốn những món hàng “made in America” được bán ở Trung Quốc.

Quốc gia đông dân nhất thế giới hiện có khoảng 300 triệu người trung lưu và nhóm này cần nhiều sản phẩm cũng như dịch vụ chất lượng. Ma nói đây là thị trường vô cùng tiềm năng cho các doanh nghiệp Mỹ.

Theo ông, trong 30 năm qua, tiêu thụ hàng nội địa của Mỹ đã dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu và hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ hay Trung Quốc bán sản phẩm ra nước ngoài. “Giờ đây, trong 30 năm tiếp theo, nhu cầu nội địa và sức mạnh của Trung Quốc sẽ thay đổi hàng triệu triệu doanh nghiệp nhỏ khắp thế giới”, ông nhận định.

Dù vậy, Ma cũng tỏ ra lo lắng với một thế giới mà ở đó trí tuệ nhân tạo và robot đang lấy mất rất nhiều việc làm của con người. Ông nói có thể bay 1.000 giờ trong năm nay để nói chuyện với Chính phủ và các lãnh đạo về sự chuyển dịch nhanh chóng của thế giới hiện nay. Nếu người làm kinh doanh không kịp thích ứng và đi chậm, vấn đề sẽ xảy ra.

Ông cảnh báo trong khi các ông lớn đang thống trị nền công nghiệp hiện nay, thế kỷ tiếp theo sẽ gọi tên những doanh nghiệp nhỏ. Theo Ma, cá nhân hóa chính là tương lai của 30 hay 100 năm tới và ông nghĩ rằng thách thức công nghệ sẽ xảy đến với các công ty lớn. Sức mạnh của doanh nghiệp nhỏ không chỉ ở mặt họ có thể bán hàng trong phạm vi khu vực của mình mà còn có thể tiếp cận thị trường thế giới thông qua Internet với chi phi tiết kiệm.

Còn tương lai Alibaba của Jack Ma thì không chỉ nằm ở thương mại điện tử. Họ có mảng điện toán đám mây với doanh thu ở mức 968 triệu USD tính đến hết tháng 3/2017, tăng 121% so với năm trước. Trong khi đó, mảng truyền thông số và giải trí, bao gồm cả nền tảng tương tự Youtube Youku Tudou và công ty bán vé sự kiện Damai có doanh số 2,1 tỷ USD, tăng 271%.

“Sứ mệnh của chúng tôi là mang đến cho người dùng trải nghiệm mua sắm vui vẻ và thật sự sống trong nền tảng của Alibaba. Vì thế ngoài mảng mua sắm, chúng tôi muốn họ dành nhiều thời gian hơn xem video, tìm kiếm thông tin, nghe nhạc, chơi game và làm nhiều việc khác với chúng tôi”, Yu Youngfu, Chủ tịch và CEO Youku Tudou cho biết.

Tháng 10/2016, Alibaba cũng công bố thông tin hợp tác với công ty sản xuất phim Amblin Partners của nhà làm phim Mỹ Steven Spielberg. Tập đoàn của Jack Ma nắm giữ 49,5% cổ phần Alibaba Pictures và tự sản xuất nội dung cũng như phát hành tại Trung Quốc.

Những mô hình kinh doanh khác cũng có thể được triển khai, không loại trừ hình thức kết hợp của tất cả các nền tảng lớn trên thế giới hiện nay như Amazon, Facebook, Google và Netflix.

Ảnh: Ryan Pfluger.

“Người khổng lồ” giữ đôi chân trên mặt đất

Thời điểm Alibaba lên sàn nghiễm nhiên biến Jack Ma thành một người cực kỳ giàu có. Tuy nhiên, cuộc sống của ông vẫn như vậy, ít khi mua sắm những thứ xa hoa đắt đỏ và vẫn giữ những sở thích khiêm tốn. Tỷ phú thích đọc và viết tiểu thuyết kung fu, chơi bài, thiền và tập thái cực quyền.

Ma thích mơ và mơ những giấc mơ rất lớn. Nhưng ông vẫn giữ đôi chân mình trên mặt đất với cuộc sống bình thường như bao người khác.

“Tôi không nghĩ là ông ấy có nhiều thay đổi, Ma vẫn là chính mình với phong cách của những ngày xưa ấy”, Xiao-Ping Chen, một người bạn của ông chủ Alibaba nói với tờ USA Today.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất của Ma là về môi trường. Ông bắt đầu chú ý khi một người thân trong gia đình vợ bị bệnh mà nguyên nhân đến từ ô nhiễm. Chủ tịch Alibaba là thành viên của ban quản trị Tổ chức bảo tồn thiên nhiên toàn cầu và từng phát biểu về chủ đề này trong một phiên thảo luận của Sáng kiến toàn cầu Clinton năm 2015. Ông cũng là nhà tài trợ cho một khu bảo tồn thiên nhiên rộng 27.000 mẫu ở Trung Quốc.

Ma rất thường tham gia các buổi chia sẻ nhưng giữ cuộc sống riêng của gia đình khép kín với truyền thông. Bạn đời của ông là bà Zhang Ying – một đồng nghiệp thời Ma còn là giáo viên và họ có hai con: một trai và một gái.

Ông chủ Alibaba còn được biết đến là một người rất hài hước và có DNA của một ngôi sao giải trí. Ma luôn duy trì không khí vui vẻ tại văn phòng Alibaba.

Khi công ty bắt đầu có lợi nhuận, ông đưa mỗi nhân viên một bình xịt tạo bọt để quẩy. Vào những năm đầu của thập niên 2000, khi công ty quyết định thành lập Taobao, Ma khuyến khích nhân viên cùng thực hiện tư thế trồng cây chuối trong giờ nghỉ để giữ vững nguồn năng lượng.

Tại một sự kiện kỷ niệm của công ty, vị chủ tịch từng ăn mặc như một rocker và trình diễn trước 20.000 nhân viên. Tháng 9/2017, ông cũng hóa thân thành Michael Jackson và biểu diễn trước 40.000 khán giả tại lễ kỷ niệm sinh nhật thứ 18 của Alibaba.

Ma từng nhắc về ba thứ không nên chạm đến trong đời là tiền bạc, quyền lực và danh vọng. Theo tỷ phú, nếu muốn giữ quyền lực nơi công sở, giữ tiền vào túi riêng hay nắm danh vọng trên tay mình, chắc chắn vấn đề sẽ xảy ra.

“Nếu có tiền, hãy dùng nó để giúp đỡ nhiều người hơn. Nếu có quyền lực, hãy truyền sức mạnh cho người khác. Nếu có danh vọng, hãy đảm bảo mọi người cũng hãnh diện như bạn. Chỉ cần làm thế, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc”, ông nói.

Tỷ phú từng chia sẻ thời gian hạnh phúc nhất của ông là khi làm giáo viên với mức lương 12 USD một tháng, mô tả đó là “cuộc đời đẹp nhất mà tôi từng có”. Với ông, nắm giữ quá nhiều tiền là một gánh nặng.

Jack Ma chỉ muốn là một người dám mơ và thực hiện những giấc mơ của mình. Ông không cần nhiều hơn thế.