Category Archives: News

Nhà đầu tư học gì từ thư Warren Buffett gửi cổ đông?

Trong bức thư gửi cổ đông mới đây của mình, Warren Buffett đã cho rằng các trái phiếu kho bạc nhìn có vẻ an toàn, nhưng trên thực tế có thể gây rủi ro cho danh mục đầu tư có chứa chúng.

Nhà đầu tư học gì từ thư Warren Buffett gửi cổ đông?

Đôi khi, những bài học tốt nhất vẫn có giá trị khi được học lại nhiều lần.

Những bức thư của Warren Buffett gửi cổ đông của Berkshire Hathaway luôn là thứ được rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị đón đọc mỗi năm.

Trong suốt nhiều năm qua, nhà đầu tư huyền thoại đã không ngừng chỉ trích những khoản phí cao một cách vô lý mà các nhà quản lý quỹ đang thu từ những nhà đầu tư.Trong bức thư năm nay, vị tỷ phú tiếp tục đề cập tới vấn đề này.

Ngoài ra, Warren Buffett cũng nhấn mạnh tới rủi ro của những trái phiếu mà nhìn có vẻ an toàn. Ông cũng tiếp tục khuyên nhà đầu tư nên gắn bó với một chiến lược đầu tư đơn giản.

Về các khoản phí mà các nhà đầu tư vào quỹ đang phải chịu, Warren Buffett viết “lợi nhuận thì năm có năm không, nhưng các khoản phí thì luôn phải nộp”, bởi phần lớn các quỹ tính phí trên giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bức thư năm nay của huyền thoại xứ Omaha ngắn hơn đáng kể, chỉ có 17 trang, so với 29 trang của bức thư năm ngoái. Lần này, ông cũng không bình phẩm gì về một số khoản nắm giữ lớn nhất của Berkshire.

Để minh họa cho phê phán của mình với các nhà quản lý quỹ, vị chủ tịch và CEO của Berkshire đã từng đánh cược cho mục đích từ thiện với công ty quản lý quỹ Protégé Partner. Ông thách thức nhà quản lý tài sản ở đây lựa chọn một nhóm các quỹ phòng hộ có thể đánh bại một quỹ đầu tư theo chỉ số S&P 500 trong 10 năm. Vụ cá cược kết thúc vào ngày 31/12/2017, và kết quả là chỉ số S&P 500 đã chiến thắng một cách dễ dàng.

Ông cũng kể ra một bài học khác từ vụ cá cược này. Trong 5 năm qua, 2 bên đã mang số tiền đặt cược để đầu tư vào cổ phiếu của Berkshire, thay vì đầu tư vào trái phiếu kho bạc bởi lợi suất trái phiếu kho bạc giảm. Kết quả vượt trội của cổ phiếu Berkshire khiến giá trị số tiền từ thiện mà quỹ của Buffett nhận được từ vụ cá cược cao hơn gấp đôi so với cam kết ban đầu là 1 triệu USD. Qua đó, ông tiếp tục khuyên các nhà đầu tư nên gắn bó với cổ phiếu mặc dù đây là phương tiện rủi ro hơn trong ngắn hạn.

Lỗi lầm tệ hại

Ông cho rằng thật là một sai lầm tệ hại với các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn lại cho đo lường rủi ro của danh mục đầu tư bằng tỷ lệ trái phiếu so với cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình. Trớ trêu thay, đây lại là cách mà các quỹ hưu trí, quỹ tài trợ đại học hay các quỹ tiết kiệm tư nhân đang làm. Warren Buffett viết “thông thường, các trái phiếu được xếp hạng cao trong một danh mục đầu tư lại làm gia tăng rủi ro cho danh mục đó”. Đối với Warren Buffett, việc danh mục không sinh lời cũng là một loại rủi ro, như ông đã từng đề cập.

Lời khuyên về việc tập trung vào cổ phiếu của Warren Buffett đến trong bối cảnh chưa đầy một tháng trước thị trường cổ phiếu Mỹ vừa trải qua ngày sụt giảm tồi tệ nhất trong 7 năm qua. Ông cảnh báo và phản đối việc sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư vào cổ phiếu bởi nó có thể làm trầm trọng thêm sự tổn thương khi thị trường xảy ra biến động.

Ông cho rằng thậm chí khi khoản vay mượn là nhỏ và vị thế của nhà đầu tư đang hoàn toàn không bị đe dọa ngay lập tức bởi thị trường sụt giảm, tâm trí họ vẫn có thể bị giao động và sợ hãi khi đầu tư dựa trên tiền vay nợ. Một tâm trí như vậy không thể nào đưa ra những quyết định tốt.

Ông cũng dành nhiều phần trong bức thư để giải thích kết quả kinh doanh của Berkshire trong năm 2017, được hỗ trợ bởi một khoản thu khổng lồ từ cuộc đại tu chính sách thuế được thực hiện trong năm bởi chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm trong tập đoàn có trụ sở tại bang Omaha này lại báo cáo một khoản lỗ kế toán hiếm hoi trong nhiều năm.

Ngoài ra, bức thư cũng đề cập tới một số thách thức trong việc tìm kiếm các thương vụ lớn trong năm qua. Hiện tại, lượng tiền và tương đương tiền của Berkshire đã đạt tới 116 tỷ USD tại thời điểm cuối năm. Nhưng Buffett nói hầu hết các doanh nghiệp mà ông xem xét để mua trong năm vừa qua đều quá đắt.

Ông viết “Chúng tôi cần thực hiện một số vụ thâu tóm lớn. Nhưng chúng tôi chỉ thấy thỏa mãn chừng nào có thể giải ngân số tiền dư thừa của Berkshire vào những tài sản sinh lời hiệu quả”.

Tuy vây, trong năm qua, Buffett đã thực hiện một thương vụ mà ông cho là hợp lý khi mua một phần cổ phiếu trong một doanh nghiệp sở hữu chuỗi trạm dừng xe tải có tên Pilot Flying J. Ông viết “Tôi không thể nào cưỡng lại việc thực hiện thương vụ này”.

Đây là một công ty bán xăng và dầu diesel có tới hơn 5.200 trạm bơm trên những tuyến đường liên bang ở Mỹ.

Kế hoạch thành công

Buffett viết rằng mục tiêu của Công ty là nhằm gia tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong tập đoàn, ngoài lĩnh vực bảo hiểm, thông qua những thương vụ thâu tóm. Các mảng hoạt động ngoài bảo hiểm của Berkshire hiện được điều hành bởi Greg Abel – người đã được đề cử để phụ trách vị trí này trong tháng 1 vừa rồi. Trong khi đó, mảng bảo hiểm được quản lý bởi Ajit Jain. Cả hai cũng được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị như một phần kế hoạch chuẩn bị cho tương lai tại Berkshire.

Ông viết “Các bạn và tôi đều rất may mắn khi có Ajit và Greg làm việc tại Berkshire. Mỗi người trong số họ đều đã ở Berkshire nhiều thập kỷ, và dòng máu của Berkshire đã chảy trong mạch máu của họ. Tính cách và tài năng của mỗi người đều rất phù hợp với Berkshire. Điều đó nói lên tất cả”.

Vị doanh nhân 87 tuổi này nhắc lại rằng trong khi ông ấy “chưa bao giờ cảm thấy tốt hơn”, công ty đã có kế hoạch hành động trong trường hợp ông đột xuất không thể tiếp tục điều hành công ty được nữa.

Ông viết “các nhà quản lý của chúng tôi hiểu được những điều này. Và tất cả các ứng viên được giới thiệu đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho Berkshire và là những người mà tôi hoàn toàn tin tưởng”.

Tài chính, ngân hàng và cuộc chơi mới cùng Fintech

Trong những năm gần đây, cụm từ Fintech (Financial Technology) đã quá quen thuộc trong giới tài chính – ngân hàng, trở thành từ khóa trong các buổi hội thảo. Sở dĩ Fintech trở nên “hot” vì nó có thể làm thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh không chỉ của ngành tài chính – ngân hàng mà còn rất nhiều ngành khác.

Tài chính, ngân hàng và cuộc chơi mới cùng Fintech
Ảnh: Quý Hòa

Ảnh: Quý Hòa

Fintech là từ dùng để chỉ các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ. Theo nghiên cứu của Boston Consulting Group (BCG), gần 53 tỷ USD đã được dành cho các công ty Fintech và hiện có khoảng 3.500 công ty Fintech trên thế giới. Những công ty này hỗ trợ rất nhiều ngành nghề, trong đó lĩnh vực tài chính – ngân hàng được hưởng lợi nhiều nhất.

Fintech trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng kết nối người cho vay với người đi vay, thanh toán hóa đơn bằng một ứng dụng trên smartphone, quản lý danh mục đầu tư bằng robot tự động…

Rõ ràng, Fintech đang thay đổi diện mạo ngành tài chính – ngân hàng. Theo một khảo sát của PwC trong báo cáo Fintech toàn cầu năm 2017, tỷ lệ khách hàng sẵn sàng hợp tác với các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán chiếm 84%, ngân hàng điện tử chiếm 68%, tài chính cá nhân là 60%, cho vay cá nhân chiếm 56%, tiếp theo đó là tiết kiệm, bảo hiểm và quản lý tài sản.

Blockchain và tiền điện tử

Blockchain đang là chủ đề nóng nhất trong làng công nghệ, tuy nhiên Blockchain chỉ là một phần của Fintech.
Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian, do đó được gọi là chuỗi khối (blockchain).

Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.

Dựa trên công nghệ Blockchain, các đồng tiền kỹ thuật số đã được phát minh, điển hình là đồng Bitcoin, Ethereum, Zcash, Monero… đã tạo nên xu hướng đầu cơ, giao dịch tiền ảo với vốn hóa thị trường lên đến hàng trăm tỷ USD.

Xu hướng công nghệ tài chính – ngân hàng

Ứng dụng của Blockchain là khá đa dạng, tác động đến hầu hết lĩnh vực hoạt động của ngành tài chính – ngân hàng, như tiền gửi,  thanh toán và chuyển tiền, bảo hiểm, tín dụng tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ, quản trị rủi ro, an toàn bảo mật, tài trợ thương mại, bao thanh toán, giao dịch ngoại hối, giao dịch chứng khoán; các dịch vụ hỗ trợ khác như nhận biết khách hàng, phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.

Nhiều ngân hàng lớn trên thế giới như Morgan Stanley, Barclays, Goldman Sachs, BNY Mellon, JP Morgan Chase, HSBC… đang áp dụng công nghệ Blockchain trong kinh doanh và xu hướng này ngày một tăng. Điển hình là Barclays tiến hành một giao dịch đột phá (liên quan đến xuất khẩu bơ) bằng việc sử dụng công nghệ Blockchain vào năm 2016.

Ngân hàng Wells Fargo và Commonwealth Bank of Australia đã sử dụng công nghệ Blockchain để xử lý và thực hiện các giao dịch liên quan đến xuất khẩu bông vải từ Mỹ sang Trung Quốc. Hãng IBM đang xây dựng công nghệ Blockchain dành riêng cho bảy ngân hàng lớn nhất châu Âu, gồm Deutsche Bank, HSBC, KBC, Natixis, Rabobank, Societe Generale và Unicredit để tăng hiệu quả giao thương quốc tế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối với các giao dịch trên thị trường tài chính, trong tháng 6/2017, Hãng Daimler của Đức sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz hợp tác với Landesbank Baden-Wurttemberg đã phát hành 100 triệu euro trái phiếu doanh nghiệp dựa trên công nghệ Blockchain. Công nghệ Blockchain sẽ tự động hóa toàn bộ quá trình từ lập và thực thi hợp đồng đến xác nhận trả nợ và trả lãi của tổ chức phát hành và trái chủ.

Công nghệ Blockchain có thể ứng dụng cho hợp đồng hoán đổi nợ xấu (CDS) và các hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn trên thị trường tài chính phái sinh để quản lý và thanh toán. Điều này giúp tiết kiệm chi phí nhân lực để thực hiện một số bước thủ công cần yếu tố con người và giảm chi phí giao dịch, tăng tính bảo mật trong các giao dịch tài chính phức tạp như hiện nay.

Có thể thấy, Fintech là nơi dịch vụ tài chính và công nghệ giao thoa. Tại đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tận dụng sức mạnh của công nghệ để tạo ra sự thay đổi, trải nghiệm mua sắm hoàn toàn mới cho khách hàng về các sản phẩm và dịch vụ của các công ty dịch vụ tài chính cung cấp.

Bên cạnh đó, Fintech cũng giúp doanh nghiệp tài chính truyền thống tiết kiệm chi phí và tạo ra một kênh tiếp cận khách hàng hiệu quả trong bối cảnh sự thống trị của công nghệ đã thay đổi rất lớn hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Đây là xu hướng tất yếu và là một phần của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mở ra một kỷ nguyên mới không chỉ của ngành tài chính – ngân hàng mà còn là của các ngành nghề, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Hội nhập

Việt Nam với hơn 90 triệu dân, phần lớn là người trẻ, 80 – 90% dân số sử dụng internet, smartphone và mạng xã hội nhưng chỉ có 30% dân số sử dụng thẻ ngân hàng và 3% sử dụng thẻ tín dụng. Đây chính là một thị trường vô cùng tiềm năng để các doanh nghiệp Fintech, các công ty khởi nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh, bắt kịp với xu hướng của thế giới.

Trong 5 năm trở lại đây, starup trong các loại hình Fintech đã xuất hiện những tên tuổi như FundStart, Comicola, Betado, FirstStep (gọi vốn), Momo, Moca, ECPay, Mobivi,VT Pay, VNPay, 123Pay, Payoo, Napas, PeaceSoft, VTC Pay, Smartlink, WePay, Ví FPT (dịch vụ thanh toán), LoanVi, Trust Circle (dịch vụ cho vay trực tuyến), BankGo, Moneylover, Mobivi, remit.vn (chuyển tiền), F88 (quản lý dữ liệu tài chính cá nhân, cầm đồ online), Robo Invest (đầu tư tự động), sàn Bitcoin, Blockchain…

Các “ông lớn” trong ngành công nghệ của Việt Nam cũng không đứng ngoài “cuộc chơi” Fintech. Cuối tháng 12/2016, Zion – công ty con của VNG ra mắt ví điện tử ZaloPay hoạt động song song với cổng thanh toán 123pay trước đó, tích hợp cộng đồng 70 triệu người dùng chat Zalo. Vietnam eSports của dịch vụ chơi game  Garena đã cho ra mắt ví điện tử TopPay với hơn 20.000 điểm giao dịch trên toàn quốc và số lượt tải về TopPay trên Play Store vượt ngưỡng 100.000.

Đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng, Lienvietpostbank cung cấp dịch vụ Ví Việt cho phép khách hàng gửi, rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ và sử dụng các dịch vụ khác do LienVietPostBank cung ứng qua internet, điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử. Đối với lĩnh vực chứng khoán, Techcom Securities cung cấp Robo Advisor với công cụ TCWealth, với mỗi kế hoạch tài chính, TCWealth sẽ mô tả dòng tiền chi tiết, đưa ra thông tin cá nhân như thu nhập hằng tháng, thời gian muốn đầu tư…

Về mặt pháp lý trong lĩnh vực Fintech, từ năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nhiều công ty không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép hoạt động cho 20 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Tuy nhiên việc này về cơ bản mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực công nghệ tài chính trong thanh toán, chưa có khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các lĩnh vực tài chính khác.

 

Ngành du lịch: Cần bán trải nghiệm cho du khách

Doanh nghiệp du lịch, nhất là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn, cần thiết phải tung ra nhiều sản phẩm tour mới lạ và độc đáo mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Ngành du lịch: Cần bán trải nghiệm cho du khách

Du khách ngồi ghe ra đồng lưới cá mùa nước nổi – Ảnh: Minh Cúc

Quan sát cho thấy, sản phẩm du lịch cho khách inbound trong 10 – 15 năm nay vẫn nghèo nàn. Chẳng hạn, chương trình City Tour ở khu vực người Hoa, xe chỉ chở du khách lòng vòng Chợ Lớn, vào chợ Bình Tây, tham quan chùa Bà Thiên Hậu rồi về.

Còn sản phẩm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long có phát triển nhưng lại đi theo chiều rộng, không có gì đặc sắc. Ở mỗi tỉnh, thành đều có định hướng phát triển du lịch sinh thái nhưng đáng tiếc lại bị rập khuôn, không có chiều sâu và chưa tạo được ấn tượng với du khách.

Trước tình hình như vậy, nhiều doanh nghiệp đã có những nỗ lực tìm lối đi riêng.

Làm tour từ gợi ý của du khách

Một giám đốc công ty du lịch kể lại, trong một lần dẫn đoàn khách miền Bắc đi tour về Đồng bằng sông Cửu Long, vài du khách đã gợi ý rằng muốn được ở trong nhà dân để trải nghiệm thực tế đời sống của nông thôn miền Tây Nam bộ khác miền ngoài như thế nào.

“Từ gợi ý này, chúng tôi bắt đầu nhìn nhận lại các tour cũng như điểm đến và thấy đúng là chưa có gì đặc sắc. Với hình thức inbound, nếu xây dựng chương trình tốt, tìm tour mới, xây dựng sản phẩm sát với đời sống thực của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long sẽ rất hay” – vị giám đốc chia sẻ.

Quả thật, không chỉ khách Việt Nam mà cả du khách nước ngoài rất thích được ra đồng gặt lúa cùng với bà con nông dân. Họ thích đội nắng, lội ruộng gặt hoặc cấy lúa chứ không thích ngồi trên xe nhìn đồng lúa hoặc gặt lúa kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” trên các thửa ruộng mô hình tại các khu du lịch sinh thái.

Bà Phan Thị Ngọc Tuyết – Phó giám đốc Điều hành Công ty Du lịch Ngọc Minh – xác nhận: “Hiện nay, du lịch cộng đồng đang trở thành xu hướng. Du khách thích ở nhà dân và có hoạt động thực sự dân dã”.

Hai năm nay, Du lịch Ngọc Minh đầu tư vào tour Trải nghiệm văn hóa – ẩm thực người Hoa Chợ Lớn và tour Bến Tre – Cần Thơ. Với tour Bến Tre – Cần Thơ, du khách ngủ ở homestay, được ra ruộng tát cá, tối đi soi ếch, bắt chim, nghe đờn ca tài tử, thưởng thức các món đặc sản, vào vườn hái trái, hoàn toàn ở tại nhà dân chứ không phải tại địa điểm du lịch hay nhà hàng.

Bà Tuyết cho biết thêm: “Hai tour này xuất phát từ nhu cầu của khách. Khách là người gợi ý chúng tôi làm tour. Chúng tôi mong muốn du khách được trải nghiệm sự thân thiện, ấm áp như về quê thăm người thân chứ không phải làm khách”.

Để có nhiều tour mới đáp ứng nhu cầu của du khách, hiện nay, một số doanh nghiệp có chiều hướng liên minh thay vì cạnh tranh. Khi có tour mới, một số công ty liên minh thành một nhóm và cùng nhau khai thác. Rủi ro chia đều, lợi nhuận chia theo đầu khách. Liên minh này giúp đa dạng sản phẩm du lịch mà chi phí không đội lên cao, khiến du khách được hưởng lợi nhiều.

Ảnh: Cuộc thi Tự hào hàng Việt do báo DNSG tổ chức

Ảnh: Cuộc thi Tự hào hàng Việt do báo DNSG tổ chức

Phát triển “food tour”

Các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Singapore đã phát triển loại hình du lịch “food tour” từ nhiều năm trước. Trong khi đó, mặc dù được mệnh danh là một trong những thiên đường ẩm thực của thế giới, “food tour” ở Việt Nam chỉ mới xuất hiện vài năm đổ lại.

Đa số du khách đều muốn được khám phá món ăn, được trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, đời sống thực của người dân địa phương. Hiện chỉ có một số ít công ty du lịch hoặc cá nhân khai thác nhu cầu này, như Saigon Food Tour, Đà Nẵng Food Tour, Saigon Street Eats.

Hầu như các chương trình “food tour” trong thành phố đều diễn ra trong ngày, từ 4 – 6 tiếng đồng hồ. Hướng dẫn viên sẽ đồng hành với du khách vào khắp các hang cùng ngõ hẻm, nơi có món ăn ngon và những câu chuyện ẩm thực hay.

Theo đó, với tour Trải nghiệm văn hóa – ẩm thực người Hoa Chợ Lớn, du khách sẽ được tham quan một số chùa nổi tiếng linh thiêng, thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương tại các quán lâu đời. Còn với tour Bến Tre – Cần Thơ, du khách sẽ ngồi ghe ra nhà bè ăn lẩu, bắt ốc bươu luộc sả, lưới cá đồng kho tộ, nướng trui,…

Chị Trương Bích Ngọc – du khách ở quận Phú Nhuận – tham gia tour Trải nghiệm văn hóa – ẩm thực người Hoa Chợ Lớn cho biết: “Tôi rất thích các món Hoa, nên hầu như cuối tuần nào cũng dẫn hai đứa con vô Chợ Lớn ăn. Tôi tự tin biết hầu hết các quán ở đây, nên định đi tour thử coi có gì mới. Thiệt không ngờ có nhiều quán nằm trong hẻm hốc mà tuổi đời ít nhất cũng hơn 40 năm. Ngoài thưởng thức các món đặc sản, chúng tôi còn được hướng dẫn cách cúng sao cho làm ăn phát tài, gia đạo bình an. Tour tạo ấn tượng vì chúng tôi có cảm giác như được hòa nhập vào cộng đồng người Hoa vốn khá khép kín”.

Bà Tuyết cũng cho biết: “Đi du lịch cũng là trải nghiệm kỹ năng mềm. Chúng tôi không đơn thuần bán tour du lịch mà là bán trải nghiệm. An toàn, ẩm thực sạch, tự tay chế biến món ăn với sự hướng dẫn của dân địa phương, chỗ ngủ đàng hoàng. Cho khách thấy những gì họ không tưởng tượng được, ngoài sự mong đợi. Năm 2018, Du lịch Ngọc Minh sẽ phát triển hai dòng tour này vào hai ngày cuối tuần”.

Ngành y tế 2018: Bùng nổ nhiều ý tưởng độc đáo

Thị trường chăm sóc sức khỏe với quy mô hơn 90 triệu dân của Việt Nam đang trở thành đích đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngành y tế 2018: Bùng nổ nhiều ý tưởng độc đáo

Đặc biệt là các phát kiến mới về ứng dụng công nghệ cao trong chăm sóc sức khỏe (HealthTech). Thậm chí, một số chuyên gia dự báo năm 2018 có thể sẽ chứng kiến làn sóng bùng nổ của các startup trong lĩnh vực y tế với nhiều ý tưởng độc đáo.

Điển hình như bên cạnh sự phát triển rầm rộ của các mô hình kinh doanh offline như chuỗi nhà thuốc, chuỗi bệnh viện và phòng khám…, một xu thế mới chớm nở trong thời gian gần đây là mô hình chăm sóc sức khỏe trực tuyến (online medical). Không chỉ đi kèm với những ứng dụng công nghệ mới nhất trong y tế, đó còn là sân chơi để kết nối hữu hiệu giữa giới y bác sĩ và người dân, giúp tiết giảm các chi phí trung gian.

Hãng công nghệ nổi tiếng Microsoft cũng kết hợp với đối tác trong nước là CLAS Healthcare cung cấp các dịch vụ y tế thông minh như Basic24x7. Đây là một ứng dụng dựa trên công nghệ Microsoft Bot Framework cho phép nhân viên y tế kết nối và tư vấn trực tuyến với người bệnh. Hệ thống còn ứng dụng dữ liệu lớn (Big data), giúp các chuyên gia y tế đưa ra những lời chẩn đoán chính xác, nhanh chóng nhất cho bệnh nhân.

Basic24x7 bước đầu đã được thử nghiệm tương đối khả quan ở Huế và đang được nhân rộng ra cả nước.Có thể kể đến một số tên tuổi đang nỗ lực đầu tư vào mô hình này như mClinica (Singapore) sở hữu nền tảng SwipeRx với hơn 60.000 thành viên ở Việt Nam, Philippines và Indonesia, hay như các hệ thống HelloBacsi.com, CancerCare.vn cũng là những nền tảng chia sẻ đáng chú ý.

Trên thị trường chăm sóc sắc đẹp, Epomi cũng là một tên tuổi nổi lên gần đây với ý tưởng vừa tư vấn vừa cung cấp các sản phẩm làm đẹp có chất lượng cao dành cho giới nữ.

Còn hệ thống y tế tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay là Tập đoàn Hoàn Mỹ cũng xây dựng riêng ứng dụng tư vấn trực tuyến VieVie Healthcare, hướng tới hoàn thiện chuỗi kinh doanh từ offline đến online, tạo sự thu hút, dễ tiếp cận cho người bệnh cũng như giúp cải thiện vị thế cạnh tranh so với các đối thủ… “Tôi tin rằng các hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể kinh doanh trực tuyến, nhưng giống như bán lẻ và giáo dục, một mô hình nhiều hứa hẹn nhất sẽ là tích hợp được giữa online và offline”, ông Will Greene – Giám đốc của công ty tư vấn y tế TigerMine nhận định.

Được xếp vào nhóm những nước có ngành dược đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tổng số tiền chi thuốc của Việt Nam đã tăng với tốc độ trung bình năm 2011 – 2016 lên đến 12%. Tiêu dùng thuốc bình quân theo đầu người tăng 1,7 lần từ con số 27,1 USD/người/năm vào năm 2011 lên 45,8 USD vào năm 2016.

“Tuy nhiên, con số này chỉ mới bằng một nửa so với mức trung bình của các thị trường dược phẩm mới nổi, mang lại cơ hội tăng trưởng khả quan trong các năm tới do nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cũng như nhiều vấn đề phát sinh như dân số lớn, ô nhiễm môi trường…”, Công ty Chứng khoán ACBS đánh giá.

Một động lực tăng trưởng khác cho thị trường chăm sóc sức khỏe còn đến từ tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vốn đang diễn ra rầm rộ. Theo kỳ vọng của các chuyên gia y tế tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây, ngành y tế sẽ được hưởng lợi khi tận dụng được các công nghệ mới nhất mà cuộc cách mạng này mang lại.

Có thể kể đến các trường hợp tiêu biểu như bệnh ung thư sẽ được phát hiện sớm hơn so với trước đây nhờ những thiết bị theo dõi sức khỏe gắn trên cơ thể, máy tính sẽ giúp phát hiện các tổn thương mà trước đây rất khó để nhìn thấy bằng mắt thường, các ca phẫu thuật sẽ được tiến hành dễ dàng hơn nhờ sự trợ giúp của robot. Ngày càng có nhiều ứng dụng giúp người dùng nói chuyện trực tiếp với bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu, hình thành các bác sĩ 24/7.

Hay như sinh mệnh của hàng triệu người sẽ được cứu nhờ thế hệ xe cứu thương thông minh hơn khi phân tích dữ liệu về các tai nạn đã được số hóa trước đó, cũng như tự xác định con đường nào nhanh nhất đi đến bệnh viện. Trong khi đó, những phát kiến về phát hiện và can thiệp sớm bệnh tiểu đường sẽ giúp giảm chi phí điều trị bệnh cho người dân.

BCC Research, chuyên nghiên cứu các thị trường dựa trên nền tảng công nghệ, dự báo doanh thu toàn cầu của ngành y tế di động (m-health) sẽ đạt 21,5 tỷ USD vào năm 2018, trong đó châu Âu là thị trường lớn nhất.

Mặc dù còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực, nhưng theo ông Will Greene, Việt Nam vẫn là thị trường có tiềm năng tăng trưởng mạnh và ngày càng nhiều các công ty, tổ chức tham gia khai phá thị trường với hơn một nửa dân số đang sử dụng internet. “Tôi kỳ vọng sẽ nhìn thấy nhiều hơn các sáng kiến về HealthTech trong các năm tới”, ông Will Greene nhận định.

Năm 2017, tổ chức y tế phi lợi nhuận PATH đã thực hiện một vài chương trình y tế mang tính thử nghiệm tại Việt Nam, trong đó ứng dụng công nghệ mới nhất để tìm ra các giải pháp tối ưu cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe Việt Nam. 2 trong số các chương trình này được Bộ Y tế chính thức chấp thuận để trở thành chương trình y tế mang tầm quốc gia. Qua đó, Việt Nam hy vọng sẽ đạt những thành tựu mới trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.

CEO Vascara: Thành công không phải là “ăn may”

Yêu thích thời trang, sự logic cùng quan điểm mọi thứ phải vận hành chặt chẽ, CEO trẻ Lê Cảnh Bích Hạnh đã đưa Vascara trở thành điểm đến mua sắm đầy hứng thú cho các cô nàng hiện đại và tinh tế.

lecanhbichhanhgiamdocdieuhanhc-4697-3248

Nữ CEO Vascara – Lê Cảnh Bích Hạnh. Ảnh: baodautu

Khởi đầu màu hồng

Trong năm 2017, Vascara có doanh thu tăng 60% so với năm 2016. Số cửa hàng tăng 66% (thêm 40 cửa hàng), đạt tổng số 100 cửa hàng. Với việc đón tiếp 1,2 triệu lượt khách hàng, tỷ lệ mua hàng tại các cửa hàng của Vascara lên đến 83%. Mức độ nhận biết thương hiệu Vascara trên toàn quốc đạt 68%, đứng thứ 2 chỉ sau Biti’s trong ngành giày dép, túi xách. Cửa hàng online phát triển vượt bậc với doanh thu quý IV/2017 tăng 500% so với cùng kỳ năm 2016.

Đó là hàng loạt con số ấn tượng trong năm 2017 của Vascara – một thương hiệu thời trang nội địa dành cho nữ giới ở phân khúc trung bình. Thành công chung có sự góp mặt của tất cả “người Vascara”, nhưng trên hết, đó là màn “dậy thì thành công” của CEO 29 tuổi Lê Cảnh Bích Hạnh.

Hạnh ngồi vào ghế nóng của Vascara từ năm 2017, sau 6 năm phụ trách Bộ phận Tiếp thị và Bán hàng. Những thành công năm qua không hẳn là “cú ăn may” của Hạnh, mà nói đúng hơn là thành quả quá đỗi ngọt ngào sau gần chục năm lăn lộn với nghề.

So với các bạn cùng lứa, Hạnh may mắn vì được sinh ra trong một cái nôi về kinh doanh. Sau 2 năm học thạc sĩ ở Anh, Hạnh trở về, vừa tự mày mò, vừa vận dụng những kiến thức mình đã được giảng dạy để áp dụng khi vào vị trí Giám đốc Bộ phận Tiếp thị và Bán hàng của Vascara. Khi đó, Hạnh tập trung vào việc củng cố, phát triển hệ thống nhân sự, nền tảng chuyên môn trưng bày và hệ thống điều chuyển, dự báo hàng hóa, rút ngắn thời gian lưu kho và giảm đáng kể số lượng hàng tồn mà vẫn đảm bảo tăng trưởng.

Có lẽ Hạnh “nếm mật nằm gai” đã đủ lâu, hy sinh đã nhiều, chắt chiu từng chút một, được hỗ trợ hết mình của các đồng nghiệp, hay cũng có thể nói đây là thời điểm thích hợp, mà ở ngưỡng cửa tuổi 30, Hạnh đã được hai chữ “thành công” gõ cửa, khi được cất nhắc lên vị trí CEO.

Thống nhất chiến lược phát triển trong 5 năm tới của Vascara với chủ đầu tư và đội ngũ quản lý là điều Hạnh bắt tay làm đầu tiên cho Vascara khi lên làm CEO. Hiện Vascara có 100 cửa hàng trên cả nước. Trong năm nay, Hạnh đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 30 cửa hàng tập trung vào miền Bắc. “Vascara cần phải tìm hiểu kỹ hơn để đáp ứng gu mặc đồ đẹp và tinh tế của người tiêu dùng ngoài Bắc”, Hạnh nói.

Nhắc đến Hạnh – Vascara, người ta sẽ nghĩ ngay đến một cô nàng da ngăm, tóc dài, ít nói. Niềm yêu thích lĩnh vực bán lẻ đến với Hạnh sau khi cô sang Anh học thêm bằng thạc sĩ về marketing. Khi ở London, Hạnh tiếp xúc với nhiều cách làm bán lẻ hoàn toàn khác so với những gì Hạnh biết vào thời điểm đó.

Theo Hạnh, bán lẻ ở nước ngoài vừa là nghệ thuật, vừa là khoa học theo hệ thống và công nghệ mạnh kết hợp với thẩm mỹ khi thiết kế và trưng bày. Trong khi đó, tại Việt Nam lúc đó, các nhãn hàng quốc tế như Mango, Charles & Keith giúp những người trong nghề có thêm kiến thức, nhưng lại không dạy cách làm thế nào. Hạnh quyết tâm học và tìm hiểu.

“Một người yêu thích thời trang, sự logic và mọi thứ phải vận hành chặt chẽ như tôi đã bị lôi cuốn vào những bài toán phức tạp về vận hành của ngành bán lẻ thời trang”, Hạnh nói.

Ở tuổi 24, lúc chân ướt, chân ráo bước vào Vascara phụ trách Bộ phận Tiếp thị và Bán hàng, nhiều người tỏ vẻ hoài nghi về khả năng thành công của Hạnh, bởi ngành bán lẻ ở Việt Nam làm theo kinh nghiệm là chính. Nhiều người có vài chục năm kinh nghiệm, với đủ chiêu trò thị trường, cũng chưa chắc đã làm tốt.

Hạnh đã phải “vứt” bớt kiến thức bài vở đi để tìm cách cân bằng lại. Với kiến thức được học cùng với niềm yêu thích kinh doanh và cái duyên rất riêng, Hạnh đã chinh phục những đồng nghiệp và tệp khách hàng khó tính nhất.

Tên gọi Vascara hình thành ngẫu nhiên vào năm 2007 bởi hai cổ đông, trong đó có một người là chú của Hạnh. “Chú rất đam mê thời trang. Hai chú cháu thường đi công tác chung và trao đổi đủ thứ về kinh doanh thời trang. Có lẽ tôi không thích bán lẻ đến vậy nếu không có chú”, Hạnh nói về người chú hơn mình một giáp và cho biết ông đang làm thiết kế sản phẩm tại Vascara.

Độc và lạ

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa đối với mặt hàng giày dép mỗi năm đạt trên 1,5 tỷ USD. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 40%. Tuy hấp dẫn, nhưng thị trường này đang phân mảnh vì các tiểu thương nhập hàng chủ yếu từ Trung Quốc về kinh doanh. Bên cạnh đó, với sự đổ bộ đồng loạt của các thương hiệu quốc tế như Zara, H&M, thị trường thời trang trong nước đang trở nên sôi động và khắc nghiệt hơn.

Vascara vẫn trung thành với phân khúc khách hàng của mình, đó là những người phụ nữ công sở hiện đại và tinh tế. Vascara đã đầu tư vào phát triển Bộ phận Thiết kế sản phẩm. Quyết định này đã giúp Vascara nhanh chóng tăng số lượng cửa hàng trong một thời gian ngắn. Nhưng chìa khóa nằm ở việc công ty có thể tạo ra được những xu hướng thời trang trong giới văn phòng theo phong cách của Vascara.

Hạnh khá thận trọng, hay nói đúng hơn là không thích bị đem ra so sánh với các đối thủ trong ngành, vì như thế vô hình sẽ tạo sự thiệt thòi cho các bên, khi mỗi tên tuổi đều có thế mạnh riêng. Hạnh tin rằng, với bộ phận thiết kế có thâm niên, thì sản phẩm sẽ là yếu tố cạnh tranh của Vascara.

Yếu tố độc, lạ trong sản phẩm của Vascara thể hiện ở việc được chăm chút rất nhiều về thiết kế và chất lượng, với những quy trình nghiên cứu và dùng thử sản phẩm để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng. “Chỉ cần phục vụ tốt khách hàng của mình là được, vì sơ sẩy một chút sẽ mang đến những hậu quả khó lường. Tôi chỉ biết cố gắng hết sức”, Hạnh nói.

Nói thế không có nghĩa Vascara tránh được khó khăn. Việc phát triển hệ thống Vascara tại Việt Nam gặp 3 áp lực: thiếu nhân lực có kiến thức trong ngành, đồng nhất hình ảnh thương hiệu cửa hàng và thị trường giày dép, túi xách, ví nữ càng ngày cạnh tranh.

Ngành thời trang nói riêng và bán lẻ nói chung thay đổi rất nhanh và sai sót là khó tránh. Hạnh xem đó là một phần của công việc và thích ứng với những thay đổi nhanh nhất có thể. Hạnh không để tâm đến mình phạm những sai lầm nào, mà quan tâm nhiều đến việc sửa chữa các sai lầm đó trong bao lâu và hiệu quả đem lại ra sao.

Chẳng hạn, việc xây dựng bộ hướng dẫn thi công và trưng bày thống nhất cho hệ thống cửa hàng đã tốn của Vascara một năm “thử và sai”. Một cái bóng đèn đặt sai cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng. Vậy nên, nếu chỗ này sai thì lại thử ở chỗ khác. Khó như vậy, nhưng kết quả của việc “thử đúng” sẽ rất tuyệt vời.

Nhờ bộ hướng dẫn thi công và trưng bày nói trên, Vascara rút ngắn được một nửa thời gian thi công cửa hàng, tăng tuổi thọ công trình, tăng doanh thu các cửa hàng cũ được thiết kế và trưng bày lại thêm 20%.

Dễ dàng bắt gặp Hạnh ở các cửa hàng Vascara. Ngoài việc giúp ích cho quản lý, điều hành và lên kế hoạch kinh doanh, cũng như nắm bắt xu hướng thời trang, Hạnh còn là khách hàng thường xuyên của các cửa hàng và cả cửa hàng online của Vascara. Hạnh khoe vừa mới tậu một chiếc túi da thật mà Vascara mới tung ra thị trường.

Gần đây, Hạnh thích hàng nội thất của Muji và Chủ tịch Tadamitsu Matsui là một trong những thần tượng của Hạnh, vì cách quản lý chuỗi cực kỳ linh hoạt và sáng tạo. Hạnh đang học hỏi mọi lúc, mọi nơi, mọi góc độ, dù đã và đang dần hạ gục đối thủ trong ngành. Cô vẫn luôn tìm kiếm nét mới lạ cho sự thể hiện tiếp theo. Vậy nhưng vào lúc này, Hạnh chỉ biết dồn sức vào việc hoàn thành trọn vẹn từng kế hoạch, lộ trình cô đã vạch ra cho Vascara trong 5 năm tới.

Câu nói của Isaac Asimov: “Mọi quyết định sáng suốt thường phải lưu tâm đến những diễn biến có thể xảy ra trong tương lai” đang có sức ảnh hưởng nhất đến Hạnh. Cô gái thích nghe người đối diện kể chuyện nhiều hơn này nhận ra mình phải phát triển tầm nhìn và trí tưởng tượng của bản thân, cũng như khả năng nhận biết và phân tích những dữ kiện mới. Đó là cách Hạnh trải nghiệm trong cuộc sống riêng cũng như kinh doanh.