Category Archives: Start up

10 startup được định giá lớn nhất thế giới hiện nay

Vượt qua Uber, công ty sở hữu ứng dụng Tik Tok đang là công ty startup giá trị nhất thế giới hiện nay.

1. Bytedance

  • Định giá: 75 tỷ USD
  • Quốc gia: Trung Quốc
  • Lĩnh vực: Truyền thông kỹ thuật số/Trí tuệ nhân tạo
  • Nhà đầu tư: Sequoia Capital China, SIG Asia Investments, Sina Weibo, Softbank Group

Ảnh: Bloomberg.

Thành lập năm 2012, đến nay Bytedance là một trong những công ty Internet hàng đầu tại Trung Quốc. Ứng dụng của Bytedance đang được giới trẻ quan tâm là dịch vụ video TikTok – hay còn được gọi là Douyin.

2. Uber

  • Định giá: 72 tỷ USD
  • Quốc gia: Mỹ
  • Lĩnh vực: Dịch vụ theo nhu cầu (On-Demand)
  • Nhà đầu tư: Lowercase Capital, Benchmark Capital, Google Ventures

Ảnh: Getty Images.

Ra đời năm 2009, ứng dụng gọi xe Uber nhanh chóng phát triển và mở rộng hoạt động tại nhiều thành phố trên toàn cầu. Công ty này cũng từng là startup giá trị nhất thế giới trước khi bị Bytedance vượt qua. Uber dự kiến chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2019.

3. Didi Chuxing

  • Định giá: 56 tỷ USD
  • Quốc gia: Trung Quốc
  • Lĩnh vực: Dịch vụ theo nhu cầu (On-Demand)
  • Nhà đầu tư: Matrix Partners, Tiger Global Management, Softbank Corp.

Ảnh: Didi Chuxing.

Đối thủ của Uber, Didi Chuxing được thành lập năm 2012. Hoạt động của Didi Chuxing trải rộng trên hàng trăm thành phố tại Trung Quốc, bao gồm các dịch vụ gọi taxi, gọi xe cá nhân cùng nhiều tiện ích khác.

4. WeWork

  • Định giá: 47 tỷ USD
  • Quốc gia: Mỹ
  • Lĩnh vực: Cơ sở vật chất (Không gian làm việc chung)
  • Nhà đầu tư: T. Rowe Price, Benchmark Capital, SoftBank Group

Ảnh: WeWork.

WeWork ra đời năm 2010 và có trụ sở chính tại New York. Công ty cung cấp không gian làm việc chung cho các doanh nhân, startup và cả các doanh nghiệp.

5. Airbnb

  • Định giá: 29,3 tỷ USD
  • Quốc gia: Mỹ
  • Lĩnh vực: Thương mại điện tử
  • Nhà đầu tư: T. Rowe Price, Benchmark Capital, SoftBank Group

Ảnh: Airbnb.

Airbnb là thị trường cộng đồng cho việc đặt và cho thuê phòng, căn hộ. Công ty được thành lập năm 2008 và có trụ sở tại Silicon Valley, California. Theo CB Insights, Airbnb là startup giá trị nhất lĩnh vực thương mại điện tử.

6. Space X

  • Định giá: 21,5 tỷ USD
  • Quốc gia: Mỹ
  • Lĩnh vực: Giao thông vận tải
  • Nhà đầu tư: Founders Fund, Draper Fisher Jurvetson, Rothenberg Ventures

Ảnh: Bloomberg.

SpaceX – công ty tư nhân về vận chuyển trong không gian – được thành lập năm 2002 bởi tỷ phú Elon Musk. Tham vọng của Musk với SpaceX là có thể đưa con người lên sống tại sao Hỏa với chi phí hợp túi tiền của nhiều người dân.

7. Stripe

  • Định giá: 20 tỷ USD
  • Quốc gia: Mỹ
  • Lĩnh vực: Công nghệ Tài chính (Fintech)
  • Nhà đầu tư: Khosla Ventures, Lowercase Capital, capitalG

Hai đồng sáng lập Stripe. Ảnh: Stripe.

Đặt trụ sở tại San Francisco, Stripe là nền tảng thanh toán trực tuyến được thành lập năm 2010 bởi hai anh em Patrick Collison và John Collison đến từ Ireland. Nhờ startup này, anh em nhà Collison trở thành những tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới.

8. Juul Labs

  • Định giá: 15 tỷ USD
  • Quốc gia: Mỹ
  • Lĩnh vực: Điện tử tiêu dùng
  • Nhà đầu tư: Tiger Global Management

Hai đồng sáng lập Juul Labs. Ảnh: Bay Area News Group.

Juul Labs là một công ty thuốc lá điện tử của Mỹ ra đời năm 2017. Adam Bowen và James Monsees – hai người đồng sáng lập startup này – vừa gia nhập câu lạc bộ tỷ phú của Forbes năm 2019.

9. Epic Games

  • Định giá: 15 tỷ USD
  • Quốc gia: Mỹ
  • Lĩnh vực: Game
  • Nhà đầu tư: Tencent Holdings, KKR, Smash Ventures

Ảnh: Epic Games.

Epic Games là công ty phát triển game của Mỹ nổi tiếng với loạt trò chơi Gears of War và công nghệ Unreal Engine. Các công ty con của Epic Games là Chair Entertainment, People Can Fly, Titan Studios.

10. Pinterest

  • Định giá: 12,3 tỷ USD
  • Quốc gia: Mỹ
  • Lĩnh vực: Truyền thông xã hội
  • Nhà đầu tư: Andreessen Horowitz, Bessemer Venture Partners, Firstmark Capital

Ảnh: WSJ.

Pinterest là trang mạng xã hội “kết nối mọi người trên khắp thế giới dựa trên phong cách và sở thích của chính họ”. Người sử dụng có thể tải lên và chia sẻ những tấm ảnh tự chụp hoặc sưu tầm đâu đó, tùy biến sắp xếp chúng theo những “bảng” chủ đề sở thích.

Năm 2008, Ben Silbermann – một cựu nhân viên Google – đồng sáng lập Cold Brew Labs Inc và sau đó tạo ra Pinterest, sản phẩm duy nhất của công ty này.

Checkout: HeadHuntVietnam a headhunting company

7 bài học khởi nghiệp từ CEO Dropbox Drew Houston

Mới đây, tại một buổi giao lưu doanh nhân – sinh viên với chủ đề startup tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Drew Houston – nhà sáng lập kiêm CEO của Dropbox – đã chia sẻ 7 bài học khởi nghiệp hết sức thiết thực của mình.

7 bài học khởi nghiệp từ CEO Dropbox Drew Houston

Drew Houston – nhà sáng lập kiêm CEO Dropbox đã chia sẻ 7 bài học kinh doanh cho startup tại MIT. Ảnh: digital.hbs.edu

Dropbox Inc. – công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến với tên gọi Dropbox – được Drew Houston và Arash Ferdowsi đồng sáng lập vào tháng 6/2007, một năm sau khi Houston tốt nghiệp từ MIT.

Sau 11 năm dựng xây và phát triển, Dropbox đã từ một startup với văn phòng chính nằm trong một căn hộ nhỏ trở thành doanh nghiệp nổi tiếng toàn cầu với hơn 2.000 nhân viên. Hiện nay, dịch vụ lưu trữ của Dropbox Inc. được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới và công ty này được định giá 12 tỷ USD sau lần phát hành cổ phiếu lần đầu hồi tháng 3 vừa qua.

Mới đây, Houston đã trở lại MIT và có buổi giao lưu, trò chuyện với các sinh viên tại nơi đây về những kinh nghiệm mà mình thu được sau chặng đường khởi nghiệp.

1. Đừng chờ đợi một thời điểm hoàn hảo

Houston chia sẻ rằng anh rất hiểu cho việc các kỹ sư phần mềm thường có xu hướng cố gắng sắp đặt mọi thứ sao cho đạt hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, chính suy nghĩ “chi li chuẩn bị tới tận răng” như thế này sẽ trở thành vật cản cho việc thành lập công ty.

CEO của Dropbox nói rằng nếu như chúng ta cố gắng xác định sẵn cho mình một lộ trình từ trước, ví dụ như từ làm việc cho một công ty nhỏ sang một công ty tầm trung, rồi chuyển sang một công ty lớn cùng lúc với việc lấy bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ, rồi sau đó mới thành lập công ty, chắc có lẽ khi thời cơ chín muồi, thì bạn đã đến tuổi nghỉ hưu rồi.

Houston nói: “Có lẽ, việc thành lập công ty ngay sau khi tốt nghiệp không phải là một sự lựa chọn lý tưởng, song đừng để bản thân bị ám ảnh với việc phải hoạch định ra một viễn cảnh hoàn hảo cả”.

Đồng thời, vị CEO cũng lưu ý các sinh viên MIT rằng: “Đừng quá căng thẳng về việc phải làm thế nào để chuẩn bị cho sẵn sàng, bởi vì sự rèn luyện tốt nhất để giúp bạn trở thành một người sáng lập hoặc một CEO chính là khi bạn trực tiếp đóng vai trò của một người sáng lập hoặc một CEO.

2. Cách học hỏi tốt nhất là đọc nhiều sách

Lúc mới học cách điều hành doanh nghiệp, Houston đã lên kế hoạch tìm gặp và trao đổi với nhiều doanh nhân thành công nhất có thể. Tuy nhiên, anh nhanh chóng nhận ra rằng, một buổi gặp mặt trò chuyện cà phê 15 phút là không đủ để các doanh nhân có thể chia sẻ bất cứ điều gì. Và, sau một thời gian, Houston cảm thấy hầu hết tất cả mọi thứ được đề cập đều có vẻ giống nhau.

Thế là, Houston chuyển hướng sang đọc sách. Để tìm hiểu về sales, anh đã mua 3 quyển sách được đánh giá cao nhất trên Amazon. “Những cuốn sách này không khiến bạn trở nên xuất sắc, song chúng giúp bạn biết nên tìm kiếm thứ gì tiếp theo”.

Houston nói rằng học tập một cách có hệ thống cũng giúp việc tiếp cận những chủ đề thoạt trông có vẻ “khó nuốt” trở nên dễ dàng hơn. Với một kỹ sư phần mềm như Houston, thì ấy là kỹ năng nói trước công chúng và quản lý. CEO Dropbox chia sẻ: “Cũng giống khi bạn tập đi xe đẹp, bạn không thể nản chí và dừng lại nếu bị ngã – từ từ rồi mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng”.

3. Tìm một người cố vấn đã có kinh nghiệm

Khi startup của Houston bắt đầu phát triển, anh cho biết vài trong số những cố vấn đắc lực nhất cho anh tại thời điểm đó là những người đã thành lập startup đã từ 6 tháng đến 2 năm trước Dropbox. Ngoài ra, Houston còn ưu tiên cho các cố vấn là những người có công ty đã gọi vốn thành công 1 triệu USD hoặc có số lượng nhân viên lớn

Việc có một cố vấn là rất quan trọng bởi bạn có thể hỏi họ những câu hỏi mang tính chiến lược và chi tiết về việc điều hành một startup. Ví dụ, nếu bạn thắc mắc về những yêu cầu từ phía một nhà đầu tư tiềm năng, bạn có thể hỏi cố vấn – người đã từng trải qua giai đoạn đó – để nhận được sự tư vấn thực tế.

Ngoài ra, tìm hiểu kinh nghiệm của những cố vấn này cũng giúp bạn biết được những điều mà mình cần phải học trong 1 hoặc 2 năm sắp tới, như: Lhi nào nên tập trung vào gọi vốn, thu hút người dùng hay thời điểm nào nên tuyển dụng nhân sự v.v.. CEO của Dropbox cho biết: “Bạn không cần thiết phải có một danh sách hoàn hảo từng bước đi cho doanh nghiệp, song nên có một bản đồ về những thứ cần phải học và lộ trình thực tế nhất để tìm hiểu chúng”.

4. Cân bằng giữa nhân sự cũ và nhân sự mới

Khi một startup phát triển, đặc biệt là nếu nó phát triển một cách nhanh chóng, những nhân viên đầu tiên sẽ tự thấy bản thân mình đang đảm nhiệm những vai trò to lớn hơn so với trước.  Tại thời điểm này, việc bắt đầu thuê thêm nhân sự cấp cao “không gắn bó với công ty từ những ngày đầu” sẽ có ích. Bởi những người mới và người cũ sẽ có điều kiện để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.

Vào năm 2014, Dropbox đã thuê Dennis Woodside khi ông đang điều hành một lĩnh vực kinh doanh có giá trị 17 tỷ USD tại Google. Năm ngoái, công ty cũng đã thuê Quentin Clark trở thành phó chủ tịch cấp cao về công nghệ, sản xuất và thiết kế. Công việc trước đây là Quentin là quản lý một đội kỹ sư ở Microsoft và SAP với số lượng còn lớn hơn cả Dropbox.

Tuy nhiên Houston cũng lưu ý rằng: “Thêm những nhân tố mới từ bên ngoài sẽ giúp công ty phát triển nhanh hơn, nhưng nếu ‘cấy ghép’ quá nhiều sẽ dễ dẫn đến một sự xung đột trong tổ chức”.

5. Làm ra sản phẩm khó có thể sao chép

Rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ tài liệu đám mây. Thậm chí một số đơn vị còn đi trước cả Dropbox, quy mô lớn hơn và có nhiều sản phẩm hơn.

Chiến lược của Dropbox là tạo ra một sản phẩm mà các đối tác khó có thể làm theo. Dropbox Paper là một sản phẩm hợp tác sử dụng tài liệu nhưng nhấn mạnh vào việc kết nối những cá nhân đang cùng làm việc trong tài liệu đó, chứ không phải là định dạng lại tài liệu.

Theo Houston, nếu các đối thủ cạnh tranh muốn học theo Dropbox, họ sẽ phải thay đổi rất nhiều thứ trong nền tảng của mình, gần như là cung cấp lại toàn bộ dịch vụ mà người dùng đang sử dụng.

6. Đáp ứng nhanh nhu cầu của thị trường

Dropbox đã chuyển đổi cốt lõi kinh doanh của công ty từ cung cấp dịch vụ lưu trữ tài liệu trên đám mây thành giúp người dùng làm việc một cách sáng tạo và hiệu quả. Houston cho biết: “Vấn đề mà tôi giải quyết với người dùng ngày hôm nay khác rất nhiều so với 10 năm trước”.

Những nhân viên văn phòng ngày nay làm việc nhiều hơn với màn hình máy tính, vì vậy, Dropbox cũng đang phải cải thiện các thiết kế, độ hữu ích để phục vụ người dùng chu đáo hơn.

7. Luôn phải giữ bình tĩnh

Houston chia sẻ, có nhiều thời điểm khó khăn đã xảy ra tại Dropbox khiến ông nghĩ rằng guồng máy công ty đang vận hành nhanh hơn mức ông có thể đáp ứng và có ý định nhường lại vị trí lãnh đạo cho một người khác.

Tuy nhiên sau khi đã trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn, Houston nhận ra rằng, ông vẫn muốn vượt qua những thử thách để tiếp tục chèo lái công ty. Với tư cách là CEO của một startup mới lên sàn chứng khoán, những vấn đề xảy ra sắp tới có thể chưa bao giờ trải qua, nhưng Houston cho biết, ông có thể kiểm soát cách bản thân phản ứng lại các khó khăn đó.

Chuẩn bị cho mình sự tự nhận thức, thái độ quan tâm và bình thản là việc rất hữu dụng, CEO của Dropbox chia sẻ: “Trở thành một CEO là trải nghiệm có ích nhất nhưng cũng đau đớn nhất của tôi”.

Ứng dụng hẹn hò online của nữ founder gốc Việt

Nữ founder Kate Truong tự tin khẳng định ứng dụng hẹn hò DatEat do cô đồng sáng lập sẽ sớm vươn lên top 1 tại thị trường hẹn hò trực tuyến châu Á.

Ứng dụng hẹn hò online của nữ founder gốc Việt

Trong thời đại cách mạng công nghiệp bùng nổ, với giá trị thị trường lên đến 5 tỷ USD và dự tính có thể tăng tới 7 tỷ USD vào năm 2020, dịch vụ hẹn hò là một trong những ngành công nghiệp trực tuyến phổ biến và ngày càng phát triển. Thị trường đã ghi nhận một số tên tuổi nổi bật, tuy nhiên trải nghiệm của người dùng vẫn còn hạn chế do 2 thiếu sót lớn trong nền tảng của các ứng dụng này.

Thiếu sót đầu tiên nằm ở cách hoạt động của các ứng dụng hẹn hò. Nhà cung cấp khó kiểm soát các tài khoản ảo mang mục đích xấu hoặc quấy rối người dùng chân chính, thu thập thông tin cá nhân của người dùng nhưng không đảm bảo an ninh, khiến những thông tin này bị rò rỉ. Những yếu điểm này đã được ngăn chặn và khắc phục nhưng vẫn để lại hậu quả.

Thiếu sót thứ hai là sự hạn chế trong các thuật toán để kết nối người dùng, khiến tỷ lệ thành công trong việc tìm kiếm và kết nối giữa các đối tượng hẹn hò chưa cao.

Hiểu được những vấn đề này, các nhà sáng lập DatEat đã nảy ra ý tưởng độc đáo khi kết hợp những thế mạnh của dịch vụ hẹn hò với các ngành công nghiệp giải trí khác để xây dựng một nền tảng hẹn hò trên nền công nghệ blockchain. Giải pháp này giúp người dùng tìm được đối tượng phù hợp qua các địa điểm hẹn hò lý tưởng cùng trải nghiệm hấp dẫn.

Một trong những điểm đặc biệt là hệ thống xác minh token của DatEat. Hệ thống này nhằm xác thực thông tin của người dùng, tránh những trường hợp khó xử trong buổi hẹn đầu tiên, đồng thời giúp các cặp đôi tìm được nơi hẹn hò phù hợp với giá cả phải chăng. DatEat sử dụng một hệ thống quản lý được xây dựng trên công nghệ sổ cái phân tán, kết hợp cùng những tính năng tiên tiến để tối đa hoá sự tin cậy của người dùng.

Bên cạnh đó, ứng dụng này áp dụng những giải pháp bằng hệ thống ưu đãi cải tiến, sử dụng trí thông minh nhân tạo và công nghệ blockchain để đem lại sự hài lòng cho khách hàng. DatEat đã có mặt trên iOS với tên gọi “Dateat Lite”.

DatEat là một startup của người Việt được khởi xướng bởi Kate Trương – nữ doanh nhân gốc Việt được đào tạo tại Anh Quốc. Đội ngũ của DatEat có sự góp mặt của nhiều chuyên gia gốc Việt đã theo học các ngành CNTT, tài chính, truyền thông đa phương tiện, nghiên cứu tâm lý học… từ các nước Anh, Pháp, Australia, Mỹ, Nhật Bản. Kate Trương muốn ứng dụng hẹn hò của mình phải thực sự đặc biệt để hấp dẫn người dùng.

Trụ sở chính của DatEat đặt tại Singapore và đây cũng sẽ là thị trường đầu tiên được nhắm tới. Đến tháng 8, DatEat dự kiến có ít nhất 500.000 người dùng tại thị trường này. Từ đó, DatEat sẽ được mở rộng sang các nước Đông Nam Á và dự kiến đạt 1,2 triệu người dùng vào cuối năm nay.

“Đến tháng 6/2019, DatEat sẽ có khoảng 5 triệu người dùng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trong 6 tháng tiếp theo, chúng tôi sẽ vươn ra toàn thế giới với khoảng 30 triệu người dùng”, Kate Trương chia sẻ về kế hoạch phát triển dự án của mình.

Khởi nghiệp có cần nghiên cứu thị trường?

Các startup thường bị đứng giữa 2 luồng quan điểm: Một là, mới khởi nghiệp, nghiên cứu thị trường chỉ lãng phí; Hai là, nghiên cứu thị trường càng kỹ càng tránh được nhiều sai lầm.

Khởi nghiệp có cần nghiên cứu thị trường?

Câu hỏi có nên nghiên cứu thị trường hay không thường làm các startup đau đầu. Ảnh: Coach Eduardo Corrêa

Nhà khởi nghiệp nên chọn theo hướng nào? Hãy phân tích:

Nghiên cứu thị trường chỉ là một sự lãng phí thời gian, công sức và chi phí ?

Những người theo quan điểm này cho rằng:

a/ Khách hàng không thật sự biết điều họ thật sự cần

Nếu ngày xưa Henry Ford hỏi khách hàng của ông họ cần gì, họ sẽ không nói rằng họ cần một chiếc xe ô tô mà sẽ nói rằng họ cần… một con ngựa có 5 chân và chạy nhanh hơn.

Steve Jobs không tin vào nghiên cứu thị trường nhưng ông và Apple đã tạo ra các sản phẩm làm thay đổi thế giới như iPod, iPhone, iPad… Những sản phẩm này dường như đến từ “trực giác thiên tài” của những “gã điên muốn thay đổi thế giới” hơn là từ kết quả của bất cứ bản khảo sát thị trường nào.

b/ Thị trường biến động quá nhanh và trong khi bạn đang nghiên cứu thì thị trường đã dịch chuyển sang một trạng thái khác rồi

Các công ty công nghệ thường chỉ lập kế hoạch cho vài tháng, không đến 1 năm; những kế hoạch kinh doanh 3 năm được lập ra có lẽ chỉ là một phần của “trò chơi” gọi vốn; còn những “ảo vọng” như kế hoạch đổi mới 5 năm lần thứ nhất, lần thứ hai… thì đã chứng minh mức độ hiệu quả của nó bằng thực tế.

c/ Nghiên cứu thị trường cần phải làm đúng cách, nếu không, chỉ mang lại hậu quả, mà khởi nghiệp thì chưa biết cách, hoặc không đủ tiền thuê đơn vị biết cách

Thực tế, có rất nhiều yếu tố gây ảnh hưởng và làm chệch độ chính xác của một bản market research: lấy mẫu quá ít, chọn đối tượng khảo sát không đúng, phương pháp phỏng vấn không phù hợp, thiết kế câu hỏi / loại câu trả lời không chính xác…

Thậm chí có những lý do mà thoạt nghe có vẻ hài hước, như người phỏng vấn có tác phong… thấy ghét nên gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả trả lời của khách hàng, khảo sát về một loại bia nhưng cô gái tiếp thị bia quá đẹp làm cho các quý ông trả lời… thiếu trung thực…

Nếu thuê ngoài, chi phí của các Market Research Agency hàng đầu hiện nay có thể lên đến vài chục ngàn đô la Mỹ, hoàn toàn không phù hợp với một startup.

Kết quả là các doanh nghiệp này “lờ đi” việc nghiên cứu và khảo sát thị trường, nhắm mắt nhắm mũi làm, “sai đâu sửa đấy”, trông chờ vào cái gọi là “may mắn”. Họ thuộc tuýp người thiên về trực giác (hoặc họ tin là như vậy) nhưng lại quên mất rằng họ chưa có đủ trải nghiệm để tôi luyện trực giác của mình. Họ có sự dũng cảm và nghị lực, nhưng còn thiếu sự khôn ngoan cần thiết để gia tăng tỷ lệ thành công cho startup.

Cần đầu tư rất nhiều để nghiên cứu thị trường?

Không ít startup quan niệm rằng phải đầu tư rất nhiều công sức, thời gian và cả tiền bạc cho công đoạn nghiên cứu thị trường. Những người này thuộc tuýp người có năng lực trí tuệ cao, khi đi học hay đạt điểm số cao và thường tin vào sức mạnh của tính logic.

Họ có khả năng “lượng hóa” tất cả mọi thứ. Họ quan niệm rằng mọi thứ cần phải hoàn hảo, khởi nghiệp cũng vậy. Họ muốn có những số liệu, từ nhỏ nhất trong tay. Triết lý mà họ theo là “Do the right thing at the first time” (Hãy làm đúng ngay từ lần đầu tiên).

Kết quả là sau một thời gian, những vị “giáo sư” này làm cho cỗ máy startup của mình không thể tiến về phía trước vì mãi cân nhắc các rủi ro.

Sự khác nhau giữa người thành công và người chưa thành công là ở khả năng tiên liệu trước các rủi ro và chuẩn bị các bộ giải pháp cho những rủi ro đó. Những người có thực tài không ngồi một chỗ chỉ để cân nhắc rủi ro, hoặc để cho tốc độ thử nghiệm của mình quá chậm và bỏ lỡ mọi cơ hội.

Vậy startup có nên làm market research khi khởi nghiệp không?

Thực tế, đã có nhiều startup thất bại vì không am hiểu về thị trường, hoặc coi thường việc nghiên cứu thị trường. Đây cũng là nhận định của nhiều nhà đầu tư trên thế giới lẫn Việt Nam. Tuy nhiên, cần đánh giá đúng sức mạnh của việc thử nghiệm.

Cho dù bạn có nghiên cứu thị trường kỹ bao nhiêu, thì có một thực tế là công ty nào đưa sản phẩm ra thị trường lần đầu sẽ là công ty hiểu về thị trường nhất.

Việc thử nghiệm bằng cách tung sản phẩm ra thị trường cũng là một cách làm nghiên cứu thị trường. Bạn cần phải nhanh chóng đưa ra những mẫu thử sản phẩm, có những tính năng tối thiểu mình muốn thử nghiệm (MVP – Minimum viable product) và thử nghiệm nó trên một nhóm nhỏ khách hàng mục tiêu.

Thay vì hỏi khách hàng nghĩ thế nào về sản phẩm thì hãy trao sản phẩm vào tay họ và quan sát họ sử dụng. Bằng cách đó, bạn sẽ thu nhận được nhiều thứ mà bạn đã chẳng nghĩ tới trong giai đoạn lập kế hoạch.

Điều quan trọng là hãy thử trên một mẫu nhỏ mà thôi. Vì sao? Vì bạn cần kiểm soát thương hiệu của mình ngay từ đầu.

Bài học quan trọng: Phân phối nguồn lực hợp lý

Startup khởi nghiệp theo phong cách “ném các đĩa spaghetti lên tường, đĩa nào còn dính lại thì đó là một cơ hội thật sự” sẽ đối diện với một nguy cơ là khi tìm ra một cơ hội thật sự thì đã hết thời gian hoặc hết nguồn lực để theo đuổi mục tiêu.

Còn startup đi theo phong cách “nghiên cứu bài bản, cẩn thận” thì nhìn thấy rất nhiều cơ hội nhưng lại không thực sự chớp được cơ hội nào cả.

Trong nhiều trường hợp, câu trả lời phù hợp là startup cần có cả hai: Nghiên cứu thị trường – lập kế hoạch – thử nghiệm để điều chỉnh kế hoạch liên tục. Điều quan trọng là startup cần chọn đúng tỷ lệ đầu tư nguồn lực (thời gian, chi phí, công sức) cho hai việc này.

Để chuẩn bị cho một trận đấu bóng đá kéo dài 90 phút, huấn luyện viên và các cầu thủ đã phải nghiên cứu về đối thủ và chuẩn bị kế hoạch từ trước rất lâu. Thật dại dột nếu bước vào trận đấu khi không có một phương án tác chiến nào.

Sự khác biệt giữa người khởi nghiệp thông minh và nhà khởi nghiệp thiếu khôn ngoan nằm ở chỗ: nếu xem “trận đấu startup” cũng chỉ có 90 phút, người khởi nghiệp thông minh chỉ dùng 10 phút cho việc nghiên cứu – lập kế hoạch, 80 phút còn lại là trải nghiệm thực tế để điều chỉnh kế hoạch đó; còn người khởi nghiệp thiếu khôn ngoan hoặc chẳng cần biết đối thủ là ai, hoặc mất đến 60 phút để chuẩn bị cho công đoạn nghiên cứu – lập kế hoạch và chỉ còn lại 30 phút để tác chiến. Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi nghiên cứu và kế hoạch là sai? Startup chỉ còn 30 phút để sửa sai. Tỷ lệ này là quá ít ỏi để tìm ra lời giải cho bài toán khởi nghiệp.

Bí quyết đánh thắng trận của các vị tướng thành công là họ biết cách điều chỉnh kế hoạch của mình cho phù hợp với thực tế, chứ không cố ép thực tế để phù hợp với kế hoạch.

Cuối cùng, khởi nghiệp là một hành trình bao gồm cả khoa học lẫn nghệ thuật, có những lúc bạn cần tin vào trực giác của mình, nhưng bạn cũng cần học cách kiểm soát những gì có thể.

Khởi nghiệp thông minh

Về mặt nhận thức, cần hiểu rằng nghiên cứu thị trường trong khởi nghiệp giống với ngọn hải đăng, chứ không phải bản đồ chi tiết.

Một bản đồ chi tiết sẽ cho bạn biết đi thêm 100m đến ngã tư cần rẽ phải, đi tiếp 300 mét cần né 1 ổ gà bên phải, đi theo làn đường giữa – quẹo trái, đi thêm 5 cây số, bỏ 3 ngã tư 1 ngã ba… và rồi đến đích.

Nghiên cứu thị trường ở trong khởi nghiệp không phải là “cây đũa thần” như vậy. Nó giống một ngọn hải đăng sẽ soi cho bạn thấy một vài nơi có đá ngầm – những “cạm bẫy” khi khởi nghiệp (không xác định đúng độ lớn của thị trường từ đó hoạch định vốn không phù hợp dẫn đến mâu thuẫn về kỳ vọng với nhà đầu tư, hoặc không phân tích đúng khách hàng mục tiêu từ đó định vị sai thương hiệu, không hiểu về thị trường từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh sai …), nó giúp bạn an toàn hơn khi ra khơi. Ánh sáng của ngọn hãi đăng giúp cho người thủy thủ tìm được đường vào cảng, xác định được vị trí của mình trên biển, và có thể biết được hướng đi nào là phù hợp.

Nếu ngay từ đầu, bạn đã đi đúng hướng rồi, sau đó việc linh động, mò mẫm để vẽ ra bản đồ chi tiết và rồi đến đích thì sẽ hiệu quả hơn. Đó cũng là phong cách của khởi nghiệp thông minh!

 (*) Tác giả là Chủ tịch TMT Group, YUP Education

SenseTime Group – startup trí tuệ nhân tạo đắt giá nhất thế giới

Giá trị của SenseTime Group đã tăng gấp đôi trong vài tháng qua, lên hơn 3 tỷ USD và là startup trí tuệ nhân tạo (AI) đắt giá nhất thế giới.

SenseTime Group vừa được rót thêm 600 triệu USD từ Alibaba Group và các nhà đầu tư khác, trong vòng huy động vốn định giá công ty này hơn 3 tỷ USD.

SenseTime Group tập trung vào các hệ thống phân tích khuôn mặt và hình ảnh trên quy mô khổng lồ. Công ty này thông báo vừa đóng vòng huy động vốn kéo dài vài tháng qua. Ngoài Alibaba, công ty đầu tư quốc gia Singapore – Temasek và hãng bán lẻ Suning.com cũng tham gia đổ vốn vào đây. SenseTime không nêu chi tiết từng khoản đầu tư. Dù vậy, Alibaba được cho là muốn có cổ phần lớn nhất trong startup 3 năm tuổi này.

Với thương vụ này, giá trị của SenseTime Group đã tăng gấp đôi trong vài tháng qua, lên hơn 3 tỷ USD và là startup trí tuệ nhân tạo (AI) đắt giá nhất thế giới. Được Qualcomm chống lưng, công ty này đang củng cố vị thế là một trong các công cụ giúp Bắc Kinh hiện thực hóa tham vọng dẫn đầu về AI trước năm 2030.

SenseTime Group cũng đang đóng góp cho hệ thống giám sát lớn nhất thế giới. Nếu một người từng chụp ảnh bằng một điện thoại của Trung Quốc hoặc đi bộ trên đường phố nước này, khả năng cao là khuôn mặt của người đó đã được lưu lại trong phần mềm của SenseTime được tích hợp trên hơn 100 triệu thiết bị di động.

Vòng huy động vốn này sẽ giúp họ có thêm tiền đầu tư cho các lĩnh vực tương đương, như công nghệ xe tự lái hay thực tế ảo, đồng thời chi trả cho nhân lực ngành AI và tăng cường sức mạnh máy tính. Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết công ty này đang đàm phán tổ chức vòng huy động vốn mới, đặt mục tiêu nâng giá trị doanh nghiệp lên hơn 4,5 tỷ USD.

“Chúng tôi đang tìm hiểu vài phương án chiến lược mới. Đó là lý do vì sao chúng tôi sẽ chi nhiều hơn cho cơ sở vật chất”, Xu Li – đồng sáng lập SenseTime cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Năm ngoái, công ty này bắt đầu có lãi và muốn tăng 30% nhân sự, lên 2.000 người cuối năm nay. “Trong 3 năm qua, doanh thu của chúng tôi tăng trung bình 400%”, Xu cho biết.