Câu chuyện đóng thuế thời thế giới phẳng

Sự phát triển của công nghệ luôn đi nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ ra đời của các luật định, nhất là trong vấn đề thuế.

Sự chênh lệch đó có thể được dễ dàng nhận thấy từ việc Google, Facebook kiếm hàng trăm triệu USD mỗi năm từ Việt Nam nhưng chưa nộp thuế, cho đến chuyện người Việt kiếm tiền từ các quốc gia khác thông qua internet cũng không đóng thuế.

Với sự hiện hữu của Visa, MasterCard hay Paypal, việc thanh toán không biên giới diễn ra trong tích tắc. Một người ngồi ở Việt Nam có thể mua hàng ở Singapore và trả tiền qua thẻ thanh toán quốc tế. Tùy mặt hàng mà người bán sẽ nộp thuế cho nước sở tại hoặc không, nhưng chắc chắn là họ sẽ thu lợi nhuận từ Việt Nam nhưng không đóng thuế cho Việt Nam. Trong khi đó, các đơn vị trung gian thanh toán ít ra cũng được vài phần trăm phí dịch vụ.

Tương tự, câu chuyện muôn thuở mà Việt Nam vẫn chưa tìm ra lời giải là việc Google và Facebook thu từ đất nước chúng ta hàng trăm triệu USD mỗi năm, nhưng cũng không chi một đồng tiền thuế nào.

Ngược lại, cũng có một số hình thức kinh doanh mà người Việt kiếm tiền từ các đơn vị khác trên các quốc gia khác, nhưng cũng không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Đơn cử là dịch vụ quảng cáo Google AdSense.

Ví dụ, cá nhân hoặc tổ chức có website hay video đăng tải lên YouTube có lượt truy cập cao sẽ có thể đặt quảng cáo của Google AdSense để kiếm tiền từ đó. Hằng tháng, Google sẽ trả tiền cho các nhà phát hành nội dung này. Hiện không có thống kê số tiền Google chi ra cho tất cả các nhà phát hành nội dung tại Việt Nam, nhưng chắc chắn con số đó là không nhỏ vì chúng ta có công thức để tính.

Cụ thể, một trang web tin tức có lưu lượng truy cập khoảng 42 triệu lượt xem/tháng thì sinh ra doanh thu 2.000 USD/tháng từ AdSense. Vào ngày 20 tháng kế tiếp, Google sẽ phát hành lệnh thanh toán. Nhà phát hành nội dung có thể khai báo để nhận trực tiếp bằng tài khoản ngân hàng tại Việt Nam, hoặc chọn nhận qua Western Union. Khi đó, Google sẽ phát hành séc và nhà phát hành chỉ việc cầm séc ra ngân hàng nhận tiền. Với cả 2 hình thức trên, nhà phát hành đều không bị thu một đồng tiền thuế thu nhập nào.

Cùng kịch bản với những câu chuyện kể trên, nhưng cha đẻ của Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông, vừa phải đóng 1,4 tỉ đồng tiền thuế tại Việt Nam. Với doanh thu đã nhận từ trò chơi này, có khả năng anh phải đóng số tiền thuế lên đến 10 tỉ đồng. Doanh thu Flappy Bird là từ AdMob, một dịch vụ quảng cáo của Google, tương tự như AdSense nhưng chuyên biệt cho phần mềm di động.

Có thu nhập thì phải đóng thuế, nhưng có vẻ con số 10 tỉ đồng là cái giá phải trả cho sự nổi tiếng của Flappy Bird. Vì nếu “im hơi lặng tiếng” như bao nhiêu nhà phát hành khác, sẽ chẳng ai biết Nguyễn Hà Ðông để đánh thuế.

Thậm chí, đến đơn vị lớn như Lazada cũng kinh doanh sản phẩm mà theo họ quảng cáo trên website là hàng nhập khẩu, còn mọi người quen gọi là hàng xách tay. Những sản phẩm này không nhập khẩu chính ngạch nên cũng sẽ không phải đóng thuế cho Việt Nam, nhất là khi đa số khách mua hàng là cá nhân nên không yêu cầu xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Còn nếu có ai đó yêu cầu, Lazada sẽ xoay bằng cách thương lượng với người mua nhận hóa đơn xuất cho mặt hàng khác, miễn sao đúng với số tiền họ mua. Ðã có tình huống Lazada gom nhiều hóa đơn điện thoại Nokia để xuất cho khách mua iPhone cần hóa đơn để nộp cho công ty.

Đồng tiền đi liền khúc ruột. Cá nhân và doanh nghiệp sẽ chỉ trả tiền thuế cho những khoản bắt buộc có thể hiện và ràng buộc bằng luật. Còn nếu muốn họ tự giác thực hiện nghĩa vụ, họ sẽ yêu cầu được đối xử công bằng. Nghĩa là ai kiếm tiền từ Việt Nam cũng phải đóng thuế cho Việt Nam. Quan trọng hơn, tiền thuế ấy cần được sử dụng đúng mục đích.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.