LÀM TUYỂN DỤNG – ĐỪNG NGẠI HỌC THÊM

Trong các cuộc phỏng vấn và trao đổi với ứng viên, ngoài những yếu tố về Năng lực (Competence), những đóng góp của ứng viên (Contribution) với công ty, thành tích (Achievement) trong công việc hay kết quả thực hiện công việc (Performance) thì một vài yếu tố mà tôi rất quan tâm đó là khả năng tự học (self-study) và mong muốn phát triển bản thân (self-development).

Năng lực thực hiện công việc hay các thành tích trong các tổ chức khác nhau là rất khác nhau. Năng lực đôi khi không phải là các yếu tố quan trọng nhất trong việc thực hiện các công việc trong một tổ chức. Có nhiều trường hợp năng lực rất giỏi nhưng vẫn không có kết quả tốt ở tổ chức khác vì nhiều yếu tố: quy trình làm việc, văn hoá, hay công nghệ… Trong khi đó, thành tích của ứng viên trong tổ chức khác thì đã là quá khứ. Không có một bằng chứng nào xác thực rằng, ứng viên có thành tích tốt ở tổ chức này, cũng sẽ có thành tích tốt ở tổ chức khác. Thành tích và năng lực đó cũng chỉ có thể ở dạng tiềm ẩn (potential) mà thôi.

Tôi có phỏng vấn nhiều ứng viên, phần lớn các bạn mong đợi khá nhiều ở tổ chức mà họ đang muốn ứng tuyển: môi trường sử dụng tiếng Anh, đồng nghiệp thân thiện, sếp hỗ trợ hay có nhiều hoạt động gắn kết nhân viên, phúc lợi tốt…. Những mong muốn này của các bạn không sai, nhưng ở một góc độ nào đó, tại sao mình không tự tạo môi trường cho mình mà phải trông đợi từ tổ chức. Tôi hỏi bạn tại sao tiếng Anh của em chưa tốt hay tin học của em chưa giỏi? Bạn trả lời rằng: đó là lý do tại sao em muốn tìm môi trường làm việc bằng Tiếng Anh để trau dồi thêm và học hỏi thêm. Nhưng sự thật là nếu có môi trường hoàn toàn 100% bằng Tiếng Anh thì chắc gì bạn đã có cơ hội vào làm việc vì bạn đã bị loại ngay từ đầu vì chưa đủ skills cho vị trí này rồi.

Có nhiều bạn làm Tuyển dụng vẫn tự tin rằng em đi học một vài khoá bên ngoài, nghe người này, người kia chỉ vài chiêu là có thể làm tuyển dụng được. Có thể, nếu người đó là cấp trên trực tiếp của bạn hoặc người am hiểu tường tận vấn đề mà bạn đang mắc phải trong mớ bòng bong trong tổ chức của bạn. Ngoài ra, không ai có thể hoàn toàn giúp được bạn thay bản thân bạn cả.

Ví dụ: Một nhân viên Tuyển dụng, khi tuyển một vị trí kế toán, bạn phải có một vài kiến thức nền cơ bản về kế toán, phải phân tích và đo lường được công việc của vị trí đó; quy trình làm việc, phần mềm sử dụng, tiếng anh hay các năng lực khác…Cái nào chưa biết thì bạn ngồi trao đổi và hỏi chi tiết với trưởng bộ phận Kế toán để hiểu rõ hơn. Đồng thời, bạn cũng chia sẻ với trưởng bộ phận để mô tả một cách chi tiết về cách xây dựng mộ tả công việc theo thuật ngữ chuyên môn, chân dung người muốn tuyển, cách thức đánh giá và phỏng vấn ứng viên phù hợp, với năng lực của mình về tuyển dụng: thông tin thị trường lao động, nguồn ứng viên, mức lương, lộ trình thăng tiến hay ở công ty nhất định nào đó, văn hoá team, văn hoá công ty, tính cách cá nhân… ngược lại cho bộ phận kế toán nên tuyển người như thế nào là phù hợp hơn, lâu dài hơn… 

Kiến thức đa dạng giúp đánh giá sự phù hợp của ứng viên

Tất nhiên, điều này phụ thuộc vào việc bạn đang ở vai trò nào trong quá trình/quy trình tuyển dụng tại tổ chức: người đăng tuyển chuyên nghiệp (copy và paste) lên các job site (website tuyển dụng), mạng xã hội, hay người thu thập thông tin ứng viên theo mẫu, theo form câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại/trực tiếp (face to face) rồi ghi nhận lại để trưởng bộ phận tuyển dụng hay trưởng bộ phận kế toán quyết định ứng viên có đủ điều kiện vào vòng tiếp theo hay không. Thật sự sẽ rất khó nếu bạn không hiểu về mô tả công việc của vị trí kế toán, không đọc được hồ sơ (CV) ứng viên với các thuật ngữ chuyên môn, chưa kể các đặc điểm tổng quan về cá nhân như: tính cách cẩn thận (CV chỉn chu, kỹ lưỡng đến từng dấu chấm phẩy, font chữ phù hợp…), người ham học hỏi (các khoá học chuyên môn khác…), thành tích trong công việc (bao gồm sự thăng tiến…), quy mô công ty, ngành nghề hay khả năng viết và trình bày CV tốt bằng Tiếng Anh…

Đó là chưa kể đến việc chuẩn bị trong suốt quá trình tuyển dụng diễn ra… rồi phỏng vấn qua điện thoại, phỏng vấn trực tiếp, đàm phán lương, chuẩn bị cho quá trình hội nhập, đánh giá thử việc…. Ứng viên có thể rời đi bất cứ lúc nào nếu chúng ta không hiểu họ, không đáp ứng được nguyện vọng hoặc tư vấn/giải thích cho họ được lý do tại sao họ nên chọn tổ chức mà chúng ta đang làm tuyển dụng. Tất cả, cần một quá trình học, thực hành và rèn luyện để tự trưởng thành thay vì cứ mãi loay hoay rồi tự hỏi tại sao không tuyển được người? Tại sao người giỏi lần lượt đội nón ra đi sau khi tuyển một thời gian ngắn…Và người ta sẽ đổ lỗi cho người làm tuyển dụng vì chọn sai người.

Tương lai luôn bất định và bạn không thể biết trước, việc tuyển dụng cũng sẽ thành công tuỳ thuộc vào việc học hỏi, nâng cấp bản thân của chính bạn. Sẽ đến lúc bạn không còn phải đi gặp ứng viên để phỏng vấn mà có thể phỏng vấn trực tuyến, đánh giá ứng viên bằng AI dựa vào những chỉ số cảm xúc trên gương mặt…Hãy chuẩn bị thật tốt cho công việc và nhất là tuyển dụng vì chi phí tuyển sai người có thể gấp nhiều lần chi phí lương trong 1 năm của người đó.

Chúc các bạn thành công!

Nguồn: Bùi Đoàn Chung

#buidoanchung #nghenhansuvietnam #tuyendung #recruitment #recruiter #training

Được thành lập từ năm 2011 bởi ông Hoàng Văn Nam, Headhunt Việt Nam đến nay đang ở vị trí hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn nhân sự đại diện cho ngành Dầu khí, FMCG và Sản xuất tại Việt Nam. Headhunt Việt Nam phục vụ hơn 500 khách hàng doanh nghiệp, bao gồm các công ty đa quốc gia lớn cũng như các công ty hoạt động tại Việt Nam, Đông Nam Á và hơn 1 triệu người tìm việc. 

Đội ngũ của chúng tôi đa dạng các thành viên ở nhiều lĩnh vực, đề cao một môi trường làm việc cởi mở và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Nếu bạn cần một dịch vụ tư vấn nhân sự chuyên nghiệp, hoặc đơn giản bạn muốn tìm cho mình một công việc hấp dẫn, đừng ngần ngại liên hệ cho chúng tôi tại info@headhuntvietnam.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.