Những nhà sáng lập Gcalls: Đồng hành từ một khát vọng chung

Cùng học Đại học Bách khoa, cùng đam mê công nghệ, hai chàng trai 9X Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng đã thành lập Gcalls sau nhiều lần thất bại. Năm 2016, ứng dụng công nghệ thông minh đã đưa hai bạn trẻ đến với Hội nghị Thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu (GES2016) tại Mỹ. Và mới đây, cả hai lại “gây sốt” khi được nhà đầu tư của chương trình Thương vụ bạc tỷ – Shark Tank Việt Nam cam kết rót 1 triệu USD vốn đầu tư.

Những nhà sáng lập Gcalls: Đồng hành từ một khát vọng chung

Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng

Phúc đến với kinh doanh như một định mệnh, và định mệnh ấy bắt nguồn từ một nỗi ám ảnh trong một chuyến thực tập khi còn là sinh viên. “Trong mười nhà máy sản xuất giày mà tôi thực tập có đến 90% lao động là nữ, có những em còn rất nhỏ. Tôi đã bị ám ảnh bởi những em nhỏ đó. Mỗi ngày tỉnh dậy và nghĩ cảnh trẻ em Mỹ đang đi học, tung tăng nhảy nhót trên những đôi giày được tạo ra từ sức lao động của trẻ em Việt Nam mà thấy xót xa. Tôi muốn làm gì đó để thay đổi điều này, muốn tạo một doanh nghiệp có trách nhiệm hơn và người Việt của mình bảo vệ lẫn nhau được, đi ra toàn cầu được” – Phạm Tấn Phúc, đồng sáng lập Gcalls tâm sự.

Từ sự đồng điệu… 

Nỗi ám ảnh đó của Phúc được chia sẻ bởi một người bạn học là Nguyễn Xuân Bằng. Nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực thương mại điện tử cộng với dịch vụ chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp với hệ thống giao tiếp chuyên biệt còn hạn chế, năm 2015, cả hai đã nghiên cứu để cho ra đời ứng dụng Gcalls. Đây là sản phẩm công nghệ giúp tạo lập một tổng đài nghe gọi nhanh chóng và đơn giản chỉ với một đầu số hotline, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí kinh doanh.

Gcalls của Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng được xem là hiện tượng trong giới khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam. Và cũng nhờ đó mà Phạm Tấn Phúc có mặt trong Hội nghị Thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu (GES2016) do Tổng thống Obama tổ chức tại Thung lũng Silicon.

Và cũng với Gcalls, Nguyễn Xuân Bằng cùng 20 doanh nhân, nhà quản lý được chọn để tham gia chương trình Entrepreneurship & Innovation tại Israel. Không chỉ vậy, Gcalls đã đoạt giải thưởng Ý tưởng sáng tạo nhất tại Startup Wheel và giải nhất AngelHack tại Việt Nam, giành vé đi Thung lũng Silicon trình bày với các nhà đầu tư Mỹ.

Mới đây nhất, Gcalls của Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng đã nhận được cam kết đầu tư 1 triệu USD từ Quỹ Đầu tư Vinacapital thông qua đại diện Thái Vân Linh trong chương trình Shark Tank Việt Nam. Đây là khoản cam kết đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của Shark Tank Việt Nam, đặc biệt dành cho một startup trong lĩnh vực công nghệ.

… đến “nghiệp khởi nghiệp”

Phạm Tấn Phúc cho rằng, khởi nghiệp như là cái nghiệp vậy. Trước khi thành công với Gcalls, Phúc và Bằng đã từng tạo lập Click Now (kết hợp game và quảng cáo online), HR Key (một ứng dụng cho lĩnh vực nhân sự). Và khi Bằng từ bỏ con đường khởi nghiệp sang Đức du học và làm việc cho hai tập đoàn của Đức và Hoa Kỳ thì Phúc tiếp tục với đề án “Bản đồ chống hàng giả”.

Đề án này đã được World Bank đầu tư 3.000USD nhưng phải dang dở sau 6 tháng triển khai vì kinh phí không đủ cho một ứng dụng tầm cỡ quốc gia. Thất bại, cạn vốn sau ba lần khởi nghiệp không làm chàng trai này nản chí. Phạm Tấn Phúc lại lập nhóm gia công phần mềm quản lý nội bộ doanh nghiệp và phần mềm cho các công ty thương mại điện tử Việt Nam ngay tại phòng trọ.

Gcalls là sản phẩm công nghệ giúp tạo lập một tổng đài nghe gọi nhanh chóng và đơn giản chỉ với một đầu số hotline. Với Gcalls, doanh nghiệp không cần đầu tư cơ sở hạ tầng, lắp đặt máy chủ hay các thiết bị  nội bộ khác nhưng có thể thiết lập ngay một tổng đài chuyên nghiệp với đầy đủ tính năng hỗ trợ việc chăm sóc khách hàng. Ứng dụng này giúp nhân viên doanh nghiệp tương tác với khách hàng tốt hơn, bất chấp sự khác biệt về múi giờ và không gian địa lý.
Hiện sản phẩm được phát triển với hai phiên bản là Gcalls softphone và Gcalls webphone, phù hợp với các doanh nghiệp cần phát triển dịch vụ chăm sóc khách hàng, cần nhu cầu nghe gọi và giải đáp thông tin nhanh, hiệu quả.

Không lùi bước trước khó khăn, năm 2014, Phạm Tấn Phúc tìm kiếm ý tưởng khác để tiếp tục giấc mơ “tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm”. Và khi nhận được “tâm thư” của Phúc, Nguyễn Xuân Bằng trở về Việt Nam và quyết tâm khởi nghiệp một lần nữa. Từ đây, hành trình khởi nghiệp, tìm nhà đầu tư của hai chàng trai đam mê công nghệ lại một lần nữa bắt đầu.

“Thật không dễ để có sự chia sẻ từ những người không quen biết và vì không có sản phẩm cụ thể nên rất khó để thuyết phục được nhà đầu tư. Phải mất đến 6 tháng rao trên mạng, tụi tôi mới được Telstra chú ý và đồng ý rót 40.000 đô la Singapore thông qua Quỹ Muru-D. Cùng với việc rót vốn đầu tư, Telstra yêu cầu phải đưa công ty sang Singapore lập nghiệp với lý do nơi đây là khu vực tập trung các bằng sáng chế về công nghệ” – Bằng cho biết.

Nhưng để có được sự đầu tư của Telstra là cả một quá trình khó khăn mà chỉ những người đam mê mới kiên trì bám trụ đến cùng. Và trong khi chờ đợi đối tác rót vốn, Bằng phải đi làm tại các công ty đa quốc gia của Đức và Hoa Kỳ để có tiền cho nhóm và để Phúc toàn tâm vào việc điều hành. Thời gian này, Gcalls lại tiếp tục gặp vấn đề về tài chính và hơn một nửa nhân viên nghỉ việc.

Các thành viên còn lại chấp nhận giảm 50% lương trong 4 tháng. “Phúc có tầm nhìn, có khát khao và sự kiên định, thôi thúc biến ước mơ thành hiện thực. Phúc giúp tôi hiểu khởi nghiệp không chỉ 6 tháng hay một năm mà là một quá trình, một chặng đường dài chinh phục ước mơ” – Bằng chia sẻ lý do trở về cùng Phúc khởi nghiệp với Gcalls.

Khó khăn này qua, khó khăn khác lại đến nhưng “Tôi muốn tạo một thứ gì đó mới, giúp đỡ được người lao động và doanh nghiệp địa phương phát triển. Những thứ mà tôi thiết kế sẽ thuộc về lĩnh vực công nghệ thông tin. Nếu Gcalls thất bại thì tụi tôi lại khởi nghiệp với một sản phẩm khác cũng hướng về người lao động và doanh nghiệp địa phương” – Phạm Tấn Phúc chia sẻ về “nghiệp khởi nghiệp” của mình.

… Và tham vọng khai phá thị trường thế giới

Phúc và Bằng định danh công ty là một Telco (nhà cung cấp dịch vụ viễn thông) thế hệ mới với nhiều khác biệt so với các Telco truyền thống lẫn các dịch vụ tổng đài khác. Hai bạn trẻ không giấu tham vọng gầy dựng startup này thành một “đại gia” công nghệ tại Đông Nam Á và là doanh nghiệp công nghệ có nhiều bằng sáng chế trong khu vực. Và sự “giúp sức” của Telstra chính là giấy thông hành để Gcalls có những bước phát triển xa hơn. Sau đầu tư của Telstra, nhiều công ty khác đã tin tưởng rót vốn và Gcalls đã nhận được đánh giá cao từ các doanh nghiệp Úc, Mỹ.

Hai chàng trai trẻ đang có kế hoạch đưa công ty lên sàn chứng khoán trong 7 năm tới. Và hiện tại Công ty đang chuẩn bị để đưa Gcalls sang Philippines, Malaysia, Indonesia. Bởi theo Phạm Tấn Phúc, thị trường Philippines có rất nhiều công ty kinh doanh dịch vụ tổng đài chăm sóc khách hàng toàn cầu nên sẽ là nơi phù hợp để Gcalls tung sản phẩm.

Hiện khách hàng của Gcalls là các công ty đa quốc gia có nhiều chi nhánh ở Đông Nam Á như Kova, Ezcloud… Với tầm nhìn “làm cho một doanh nghiệp địa phương có thể phục vụ khách hàng toàn cầu” và với số vốn đầu tư từ VinaCapital, Gcalls sẽ mạnh dạn hơn trong việc tung sản phẩm ra thị trường Đông Nam Á, và tiến tới toàn cầu.

Hiện tại, mọi thứ vẫn đang chạy, hai bạn trẻ vẫn tin tham vọng của mình sẽ thành hiện thực trong tương lai không xa. Bởi khách hàng hiện nay của Gcalls là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà chỉ tính riêng ở Việt Nam là hơn trăm ngàn đơn vị. Còn tính chung cả khu vực thì con số này sẽ rất lớn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.