Tư duy khác biệt của người giàu: Tiền bạc đến từ đâu?

Người giàu có vô số cách tư duy khác biệt. Họ có những chiến lược, niềm tin và triết lý sống “không giống ai”, CNBC nhận định.

Triệu phú tự thân Steve Siebold đã bỏ ra 26 năm để phỏng vấn những người giàu nhất thế giới trước khi đưa ra những phát hiện độc đáo của mình trong cuốn sách How rich people think (Cách suy nghĩ của người giàu).

Theo đó, triệu phú Steve Siebold nhận thấy, người giàu có vô số cách tư duy khác biệt. Họ có những chiến lược, niềm tin và triết lý sống “không giống ai”.

Và một trong những tư duy khác biệt nhất là người giàu tin rằng tiền bạc được tạo ra nhờ suy nghĩ, còn những người có mức thu nhập trung bình thì tin rằng tiền bạc được tạo ra nhờ thời gian và sự lao động.

“Phần lớn mọi người tin rằng cách duy nhất để kiếm nhiều tiền hơn là làm việc nhiều giờ hơn, trong khi đó, người giàu biết rằng suy nghĩ sáng tạo chính là kỹ năng đáng được trả mức lương cao nhất thế giới”, Siebold khẳng định.

Những người có thu nhập cao tin rằng tiền bạc luôn đến từ ý tưởng và việc tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề của số đông. Siebold nhận định: “Giải pháp của những vấn đề càng lớn, bạn càng kiếm được nhiều tiền… Kiếm tiền không dễ, nhưng rất đơn giản”.

Triệu phú Siebold không phải là người duy nhất tin rằng bí quyết làm giàu bắt nguồn từ chính tư duy của mỗi cá nhân. Được tôn vinh là “người tạo ra những triệu phú”, tác giả, diễn giả Napoleon Hill cũng đã từng đề cập đến vấn đề này trong cuốn sách nổi tiếng của ông được xuất bản năm 1937 Think and grow rich – thành quả của quá trình nghiên cứu 500 triệu phú tự thân.

“Sự giàu có bắt nguồn từ cách suy nghĩ. Người không thể làm giàu là những người bị hạn chế trong tư duy. Còn với những người giàu nhất, niềm tin sẽ giúp xóa bỏ tất cả những giới hạn”, Napoleon Hill viết trong cuốn sách thuộc hàng kinh điển của mình.

20 phẩm chất làm nên nhà lãnh đạo lớn- phần 1

Khoa học và thực tiễn đã chứng minh, trở thành nhà lãnh đạo không phải một định mệnh. Một người có thể được sắp xếp để ngồi vào chiếc ghế “số 1”, nhưng việc người đó có ngồi được và có vững được trên chiếc ghế đó không phụ thuộc gần như hoàn toàn vào chính họ.

Qua chia sẻ những trải nghiệm và kinh nghiệm của chính những “người trong cuộc”, bạn sẽ thấy rằng nếu tích lũy đủ, hoặc càng nhiều càng tốt, những phẩm chất dưới đây, dù không được “sắp xếp”, bạn vẫn hoàn toàn có khả năng trở thành lãnh đạo của một tổ chức, doanh nghiệp, và thành công trong vai trò đó.

1. Tập trung

Tim Ferriss – tác giả sách bán chạy nhất, người dẫn chương trình The Tim Ferriss Show: “Người ta nói lãnh đạo là người đưa ra những quyết định quan trọng, bất chấp việc chúng có thể khiến nhiều người không thỏa mãn. Đó chắc chắn chỉ là một phần của sự thật, nhưng theo tôi nó đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tập trung. Để làm một người lãnh đạo giỏi, bạn không thể chỉ làm tốt những việc nhỏ nhặt, và bạn cần giữ mình ít bị phân tâm hơn những người khác. Để hoàn thành những việc quan trọng, bạn phải tự tạo cho mình thái độ phớt lờ một cách có chọn lọc. Nếu không, sự tầm thường sẽ dìm chết bạn”.

Tim Ferriss

2. Tự tin

Barri Rafferty – CEO Ketchum North America: “Nhà lãnh đạo phải tự tin và trở thành chỗ dựa tin cậy của những người khác nhờ khả năng nhìn xa trông rộng và sự đồng cảm. Là một nữ lãnh đạo, để có thể khiến người ta chú ý đến mình, tôi thấy tôi càng cần phải thể hiện sự quyết đoán, nhưng đồng thời vẫn giữ được đặc điểm của người gốc miền Nam của mình, đó là tốt bụng và biết cảm thông. Hai yếu tố đó kết hợp hoàn hảo với nhau sẽ mang lại sự tôn trọng từ những người xung quanh”.

3. Minh bạch

Keri Potts – Giám đốc cấp cao mảng Quan hệ công chúng của ESP: “Tôi chưa bao giờ ủng hộ ý tưởng phải tạo ra một chiếc ‘mặt nạ’ cho riêng mình. Là một lãnh đạo, cách duy nhất mà tôi biết để mang lại niềm tin cho đội nhóm và đồng nghiệp của mình đó là cứ là con người thật 100% của tôi – cởi mở, có đôi lúc phạm lỗi, nhưng luôn nhiệt tình trong công việc. Điều này cho phép tôi đóng góp năng lực một cách toàn diện nhất và duy trì sự ổn định. Mọi người xung quanh luôn biết rõ họ có thể trông đợi gì từ tôi. Không có bất cứ một bất ngờ nào cả”.

4. Chính trực

Gunnar Lovelace – đồng sáng lập, đồng CEO Thrive Market: “Nhân viên của chúng ta sẽ phản ánh đúng những giá trị mà chúng ta trân trọng ở vị trí người lãnh đạo. Nếu chúng ta chỉ làm theo cái luật lệ lỗi thời là trở thành người nói đúng thay vì làm những việc đúng đắn và cần thiết, thì có nghĩa là chúng ta đang tự giới hạn tiềm năng của doanh nghiệp mình và để vụt khỏi tầm tay những cơ hội. Nếu bạn có thể tập trung vào việc trở nên chính trực trong mọi mối quan hệ, nó sẽ được phản ánh trong hình ảnh và văn hóa doanh nghiệp của bạn, phần còn lại sẽ tự khắc đâu vào đấy”.

5. Tìm cảm hứng

Arnold Schwarzenegger – cựu Thống đốc bang California: “Mọi người bảo rằng tôi sinh ra là để cho vị trí lãnh đạo. Thế nhưng làm gì có việc như vậy. Không có ai sinh ra là để trở thành lãnh đạo ngay lập tức, họ được truyền cảm hứng để lãnh đạo. Tôi chuyển tới Mỹ với bàn tay trắng, tài sản không có gì ngoài chiếc túi gym dùng để đựng đồ, thế nhưng tôi sẽ không nói rằng khi ấy mình chẳng có gì giá trị. Nhiều người đã cho tôi niềm cảm hứng to lớn và những lời khuyên tuyệt vời, và tôi bị thúc đẩy bởi niềm tin vào bản thân, cùng lòng nhiệt huyết và quyết tâm mãnh liệt. Vì thế tôi luôn sẵn sàng truyền cảm hứng cho mọi người – bạn bè và cả những người không quen biết. Tôi hiểu rõ sức mạnh của niềm cảm hứng, và nếu người nào cần đứng trên đôi vai của tôi để đạt đến sự vĩ đại, tôi sẵn sàng giúp đỡ họ vươn lên”.

6. Có đam mê

Joe Perez – đồng sáng lập Tastemade: “Bạn phải yêu thích công việc bạn làm. Để thật sự thành công trong một việc gì đó, bạn phải theo đuổi nó đến cùng và cho phép nó chiếm lấy tâm trí bạn. Không quan trọng việc doanh nghiệp bạn thành công đến cỡ nào, bạn phải không bao giờ thỏa mãn và luôn thúc đẩy bản thân một cách không ngừng nghỉ, tiến tới một thành quả tốt hơn, tuyệt vời hơn và vĩ đại hơn. Bạn lãnh đạo bằng cách hành động không phải vì bạn nghĩ rằng mình cần phải làm như vậy mà là bởi vì đó là cách sống của bạn”.

Joe Perez

7. Đổi mới

Aubrey Marcus – nhà sáng lập Onni: “Trong bất kỳ hệ thống nào với nguồn tài nguyên giới hạn và nguồn nhân lực liên tục nhân rộng, sự đổi mới là đặc biệt cần thiết, không những cho sự phát triển mà còn cho sự tồn tại của hệ thống đó. Những người dám đổi mới chính là nhà lãnh đạo. Bạn không thể tách rời hai cá thể này. Không quan trọng là bằng suy nghĩ, công nghệ, hay tổ chức, sự đổi mới là niềm hy vọng duy nhất có thể giúp ta giải quyết những trở ngại, khó khăn trong tương lai”.

8. Kiên nhẫn

Dan Brian – COO WhipClip: “Sự kiên nhẫn thực chất là lòng can đảm được đem ra thử nghiệm để xác định độ cam kết mà bạn dành cho mục tiêu. Con đường dẫn tới thành công bao giờ cũng khó khăn, nhưng những người lãnh đạo giỏi luôn hiểu được khi nào thì cần từ bỏ một mục tiêu và khi nào phải quyết tâm đi trên con đường đã lựa chọn. Nếu tầm nhìn của bạn đủ rộng, bạn sẽ thấy rằng có hàng trăm cái cớ để nói rằng “mục tiêu này không thể thực hiện được” và rất nhiều người sẽ nghi ngờ bạn. Bạn cần tỉnh táo kết hợp nhiều thứ lại với nhau – mở rộng thị trường, những mối cạnh tranh, tài chính, nhu cầu khách hàng, và tất nhiên là cả may mắn nữa – để có thể tạo nên một điều gì đó kỳ diệu”.

9. Khả năng chịu đựng

Ryan Holiday – tác giả cuốn “The Obstacle is the Way” và cựu Giám đốc marketing American Apparel: “Chúng ta chắc chắn sẽ bị vướng vào những tình huống khó khăn, có thể là một lỗi lầm trong vấn đề chi tiêu làm ảnh hưởng nặng nề tới ngân sách, là một thất bại không thể lường trước, hay gặp những đối thủ vô đạo đức. Khả năng chịu đựng, đúng như cái tên của nó, chính là khả năng chấp nhận và biết trước rằng những việc như vậy có thể xảy ra, để không bị hoảng hốt, phản ứng theo cảm tính và làm rối mọi việc hơn nữa. Chúng ta cần tự huấn luyện trí lực, cân nhắc mọi tình huống xấu nhất và điều chỉnh những phản ứng bản năng vô ích – đó là cách để chúng ta đảm bảo những tình huống khó khăn kia không ảnh hưởng tới bất cứ quyết định nghiêm trọng nào”.

10. Kiên định

Jeremy Bloom – đồng sáng lập và CEO Integrate: “Bắt chước là một trong những cách thể hiện tinh thần học hỏi tốt nhất, nhưng ta không nên áp dụng nó trong việc lãnh đạo. Mọi người lãnh đạo giỏi đều có nét đặc trưng riêng của mình. Học hỏi từ những người khác, đọc tiểu sử của những cá nhân mà bạn ngưỡng mộ, gom góp kỹ năng từ mọi nơi…, nhưng đừng bao giờ bỏ qua tiếng nói của chính mình. Hãy bảo vệ ý kiến riêng, và cả lý do mà bạn đưa ra quyết định”.

Tìm cơ hội việc làm CEO tại http://headhuntvietnam.com/job-searchheadhuntvietnam.com

Lời khuyên từ người thành công: 6 điều cần lưu ý khi hợp tác kinh doanh

Có rất nhiều doanh nghiệp vượt trội được tạo nên dựa trên các mối quan hệ hợp tác kinh doanh ăn ý. Và ngược lại, cũng có không ít các doanh nghiệp lớn bị phá hủy bởi các đối tác không phù hợp.

Sau đây là chia sẻ của các doanh nhân – thành viên của The Oracles, về những điều cần được xem xét trước khi gia nhập vào cùng một đội với đối tác kinh doanh.

The Oracles là một nhóm chuyên gia tư vấn bao gồm các doanh nhân hàng đầu thế giới, họ chia sẻ các chiến lược thành công hàng đầu của mình để giúp đỡ người khác phát triển doanh nghiệp, sống một cuộc sống tốt hơn, và đạt được thành công nhanh hơn. Đây là những kinh nghiệm được đúc rút từ những thăng trầm trong sự nghiệp kinh doanh vượt trội của họ. 

1. Jack Canfield:Tin vào linh cảm của bản thân và làm rõ tất cả các điều khoản hợp tác bằng văn bản

Jack Canfield là đồng sáng lập thương hiệu nhượng quyền trị giá tỷ đô Chicken Soup for the Soul, tác giả cuốn sách bán chạy nhất của New York Times – The Success Principles (Các nguyên tắc dẫn đến thành công), và Giám đốc điều hành The Canfield Training Group.

Tất cả thành tựu của tôi đều đến từ các mối quan hệ hợp tác thành công: Đồng tác giả với Mark Victor Hansen bộ sách Chicken Soup for the Soul  (tạm dịch: Món canh gà cho tâm hồn bạn); với Janet Switzer trong cuốn The Success Principles (Các nguyên tắc dẫn đến thành công); và cùng với Patty Aubery và Russ Kamalski điều hành các công ty của tôi.

Hai tiêu chí hàng đầu lựa chọn đối tác của tôi là: Một, tôi phải thích và tin tưởng con người họ. Hai, họ phải có những thứ mà tôi không có.

Thích và tin tưởng họ là những điều chủ quan, nhưng tôi đã học được cách tin vào linh cảm của mình. Nếu cảm thấy có bất cứ điều gì không đúng, tôi sẽ không tiến hành hợp tác.

Một trong những sai lầm lớn nhất, chúng ta hay mắc phải khi ký kết hợp tác là không làm rõ các điều khoản về vai trò, giới hạn, bồi thường, cũng như chiến lược hoàn vốn của các bên bằng văn bản.

Sự tin tưởng lẫn nhau trong quá trình hợp tác là rất quan trọng, nhưng sự rõ ràng bằng văn bản khi tiến hành hợp tác cũng quan trọng không kém. Chúng ta sẽ có cách hiểu và diễn giải khác nếu các điều khoản này không được hệ thống lại bằng văn bản.

2. Tai Lopez:Tìm hiểu đối tác ít nhất một năm

Tai Lopez là nhà đầu tư và chuyên gia tư vấn cho nhiều doanh nghiệp trị giá hàng triệu đô la, người xây dựng đế chế trực tuyến với hàng triệu lượt theo dõi, kết nối trên Facebook hay Snapchat.

Trước khi tiến đến hợp tác kinh doanh, tiêu chí hàng đầu của tôi là phải biết người đó ít nhất một năm. (Một số nghiên cứu tâm lý học và khoa học cho thấy con người sẽ thực sự cho thấy họ là ai sau một năm).

Cũng giống như hẹn hò vậy, bạn phải có thời gian tìm hiểu đối phương trước khi đi đến hôn nhân. Quan hệ đối tác kinh doanh là một cuộc hôn nhân, bạn cần một số “dự án hẹn hò” kinh doanh ngắn hạn. Qua đó, bạn hãy học cách quan sát đối phương và nếu cần thiết thì tham khảo thêm thông tin về đối tác từ các tổ chức, ban ngành có thẩm quyền.

Nếu “dự án hẹn hò” này không hiệu quả, bạn tiếp tục tìm kiếm đối tác tiềm năng khác. Giống như bạn quyết định không gặp lại đối phương sau 3 lần hẹn hò. Bạn không cam kết lâu dài nên hạn chế được tổn thất cho cả hai bên. Sai lầm lớn nhất bạn có thể mắc phải đó là đi đến hợp tác quá nhanh.

Trước tiên, bạn cần tóm tắt sơ lược trách nhiệm của từng bên khi quyết định hợp tác. Nếu không, có thể bạn sẽ phải làm tất cả mọi việc.

Trong bản hợp đồng hợp tác, cần ghi rõ trách nhiệm của phía đối tác, các quyền hạn của bạn và chiến lược thoái vốn. Ví dụ, bạn sẽ làm việc A, B, C trong khoảng 30 giờ và cần 5 giờ để làm việc Z.

Bạn càng chi tiết rõ ràng bao nhiêu, thì khả năng hợp tác thất bại ít đi bấy nhiêu.

3. Roberto Orci:Tính toán kỹ lưỡng nhưng không miễn cưỡng

Roberto Orci  là hà sản xuất và biên kịch nhiều tác phẩm điện ảnh Hollywood và các chương trình truyền hình trị giá hơn 5 tỷ USD trên toàn thế giới.

Quan hệ hợp tác có thể sẽ rất tuyệt vời, nhưng cũng có thể trở thành cơn ác mộng tồi tệ. Do đó, bạn cần tính toán kỹ lưỡng để lựa chọn đúng đối tác.

Nếu một cộng một bằng hai, thì đó không phải là sự hợp tác lý tưởng. Một cộng một phải bằng ba. Việc hợp tác phải mang lại nhiều hơn tổng giá trị ban đầu của cả hai bên; nếu không, nó chỉ đơn giản là đem phần việc bạn không chuyên ra ngoài thuê công ty khác làm giúp.

Bạn cũng nên tìm kiếm những đối tác giỏi hơn mình. Tôi từng chứng kiến rất nhiều người đã để cái tôi ngăn cản họ xây dựng các mối quan hệ hợp tác tuyệt vời. Họ cảm thấy bị đe dọa bởi kỹ năng của đối tác và không thể vượt qua nó để đạt được một tầm nhìn lớn hơn. David Ogilvy – người được mệnh danh là “cha đẻ của ngành quảng cáo” từng nói,  “Bạn nên thuê những người thông minh hơn bạn”.

Cuối cùng, bạn cần cảm thấy vui vẻ với sự hợp tác này. Sau tất cả, bạn tiến đến cam kết lâu dài với một “cuộc hôn nhân kinh doanh” và nó sẽ trở thành một phần quan trọng của cuộc đời bạn. Sẽ có rất nhiều khó khăn thử thách bạn. Và điều gì sẽ xảy ra, nếu bạn không thoải mái với sự hợp tác này? Bạn có xu hướng chống lại sức thuyết phục về năng lực cũng như uy tín của đối tác – chắc chắn việc hợp tác sẽ khó thể lâu dài.

4. James Swanwick:Chụp x-quang não bộ của đối tác

James Swanwick là Giám đốc điều hành của Swanwick Sleep và 30-Day No Alcohol Challenge (Chiến dịch Thử  thách 30 ngày không thức uống chứa cồn).

Đầu tiên, tôi yêu cầu đối tác tiềm năng thực hiện các bài kiểm tra tính cách như HEXACO (đánh giá đối phương qua 6 yếu tố: sự trung thực – khiêm tốn, cảm xúc, hướng ngoại hay hướng nội, sự dễ chịu – dễ tức giận, sự tận tâm và sẵn sàng trải nghiệm) và Bộ ba đen tối (đó là 3 đặc điểm: sự nham hiểm, sự ái kỷ, sự thiếu đồng cảm), nó giống như chụp X-quang não bộ của họ. Giống như trong cuộc sống hôn nhân, việc hiểu rõ tính cách của đối tác kinh doanh là rất quan trọng.

Thứ hai, tôi tìm kiếm những người có cùng tầm nhìn nhưng lại có những kỹ năng khác hoặc bổ sung cho mình. Nó không chỉ đơn giản là thích hay không thích con người họ. Nếu bạn là một người hướng ngoại, hãy tìm người sống hướng nội. Nếu bạn là “bộ mặt” của công ty, có thể bạn cần một người vận hành giải quyết các vấn đề phía sau “hậu trường”. Và ngược lại, nếu bạn đã là người vận hành công ty, có lẽ bạn cần một người hướng ngoại hơn.

Sai lầm lớn nhất tôi từng mắc phải là hợp tác cùng lúc với 3 đối tác khác nhau. Nó giống như một nồi súp bị nấu đi nấu lại quá nhiều lần, sẽ mất ngon. Tôi từng nghĩ có nhiều tính cách và ý kiến khác nhau là tốt, nhưng nó lại tạo ra quá nhiều xung đột, sự vị kỷ, trở ngại, và làm chậm lại tất cả mọi thứ. Một mối quan hệ hợp tác hoàn hảo là 2-3 đối tác, nhưng 4 dường như quá nhiều.

5. Chris Plough: Trao đổi cởi mở, thẳng thắn

Chris Plough là cố vấn doanh nghiệp và doanh nhân nối tiếp (serial entrepreneur).

Với tôi, quan hệ hợp tác là dựa trên mối quan hệ lâu dài và các bên cùng có lợi (win-win). Hợp đồng chỉ đơn giản là ghi lại sự đồng thuận của các bên và là chính sách bảo hiểm khi vị trị lãnh đạo thay đổi. Để đạt được điều này, chúng tôi cần ngồi xuống để bàn bạc và làm rõ 2 điều:

Một, những giá trị cốt lõi. Chúng tôi rà soát lại sự đồng thuận và cho cả hai bên phát triển sự tin tưởng lẫn nhau qua việc hiểu rõ các yếu tố then chốt tác động đến đối tác. Đó sẽ là nền tảng vững chắc cho chúng tôi khi gặp khó khăn hoặc khi mối quan hệ trở nên căng thẳng trong quá trình hợp tác.

Hai, hành trang của doanh nghiệp. Chia sẻ hành trang mình mang đến khi hợp tác kinh doanh, để chắc chắn rằng chúng tôi đang bắt đầu đúng hướng. Nó gồm sơ lược những kỳ vọng và cam kết của cả hai bên được chia sẻ công khai và có thể được đáp ứng. Chúng tôi cũng chia sẻ những lo ngại cũng như mong muốn từ sự hợp tác, để có thể cùng nhau giải quyết ngay trong giai đoạn lập kế hoạch hợp tác, chứ không phải khi bắt đầu xảy ra xung đột.

Tất cả những điều trên sẽ tạo nên các mối quan hệ hợp tác sinh lợi và lành mạnh, giúp bạn vượt qua những áp lực trên thương trường.

6. Phil Suslow: Đừng ngại chấm dứt hợp tác

Phil Suslow là chủ sở hữu Oznium (sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng và các sản phẩm công nghệ LED)

Bạn có thể tham khảo các bài kiểm tra tính cách như Trắc nghiệm tính cách – Myers-Briggs Type Indicator, giúp phát triển khả năng tự nhận thức về tác phong làm việc của bản thân cũng như hiểu hơn về cách thức điều hành của đối tác. Ở đây có một sự đối lập là bạn muốn sự cân bằng, nhưng không muốn làm đối phương “nổi điên” vì sự khác biệt. Khi gặp phải tình huống này, việc tham khảo thêm sự hòa hợp về mặt chiêm tinh học giữa bạn và đối tác tiềm năng có thể sẽ hữu ích.

Căn chỉnh các mục tiêu trong quá trình hợp tác. Ví dụ, bạn có muốn hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh cá thể thụ động hay xây dựng công ty để bán lại với giá cao ngất ngưởng? Bạn muốn dành bao nhiêu giờ mỗi tuần cho việc kinh doanh? Bạn muốn tuyển dụng nhân sự vị trí nào? Bạn có bất cứ dự án nào khác hoặc các cam kết nào xung đột với doanh nghiệp hoặc làm bạn sao nhãng quá nhiều? Gia đình bạn có tham gia vào điều hành công việc kinh doanh?

Sai lầm lớn nhất tôi mắc phải trong quan hệ hợp tác xuất phát từ nỗi sợ hãi đối đầu. Tôi phải gồng mình với những cuộc thảo luận khó khăn với đối tác. Có lần, tôi đã trì hoãn kết thúc một mối quan hệ hợp tác quá lâu mặc dù tôi biết nó không phù hợp. Nó gây ra rất nhiều bất ổn tinh thần và lãng phí năng lượng không cần thiết, thay vì tôi có thể xây dựng một mối quan hệ hợp tác phù hợp với mình hơn. 

2 xu thế và 3 thách thức của ngành vận tải và logistics Việt Nam

Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành vận tải và logistics.

Theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang xếp ở vị trí 39 với điểm số LPI (Logistics Performance Index – chỉ số năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể trong bảng xếp hạng hoạt động Logistics 2018.

Việt Nam xếp thứ 3 trong khối ASEAN (Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32) và được đánh giá là có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương.

Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành vận tải và logistics: trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế và việc ký kết thành công các hiệp định tự do thương mại, vị trí địa lý thích hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, cơ sở hạ tầng: kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không được cải thiện.

Bộ Công thương đánh giá năm 2018 ngành logistics có mức độ tăng trưởng khoảng 12 – 14%. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay là 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không…

Sự phát triển của ngành vận tải và logistics nhanh chóng được kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.

Các doanh nghiệp trong ngành cũng thể hiện niềm tin tăng trưởng, khi có đến hơn 73% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng, toàn ngành vận tải và logistics sẽ đạt mức tăng trưởng trên 2 con số và gần 27% còn lại dự đoán đạt mức dưới 10% trong năm 2019.

2 xu thế chủ đạo của ngành vận tải và logistics Việt Nam

Về xu thế phát triển logistics trong thương mại điện tử – bán lẻ, đa số các chuyên gia được Vietnam Report hỏi đều cho rằng năm 2018 – 2019 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của vận tải và logistics trong thương mại điện tử Việt Nam.

Sự gia tăng lưu lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải và logistics, đặc biệt là dịch vụ giao hàng nhanh tăng cao. Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, tăng trưởng 24%, số lượng đơn hàng qua công ty giao hàng nhanh tăng trưởng trung bình 45% giai đoạn 2015 – 2020 và có thể đạt 530 triệu đơn hàng vào năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ như Vincommerce, Thế giới di động, FPT, Lotte, Aeon… đang định hướng phát triển thương mại điện tử, hay việc các ông lớn ngành thương mại điện tử như Alibaba, Amazon… gia nhập vào Việt Nam đã làm thị trường logistics sôi động hơn, đi kèm theo đó là yêu cầu phải có sự đầu tư công nghệ và độ kỹ lưỡng trong dịch vụ vận tải và logistics.

Về xu thế M&A ngành logistics, Việt Nam hiện đang có chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư hạ tầng thông qua phương thức chuyển nhượng quyền khai thác một số hạ tầng (logistics, sân bay, cảng biển…), thu hút nhiều nhà đầu tư lớn với các thương vụ được dự tính sẽ có quy mô hàng tỷ USD.

Năm 2017 – 2018 chứng kiến nhiều vụ M&A lớn như Gemadept chuyển nhượng vốn cho CJ Logistics, Samsung SDS hợp tác với Minh Phương Logistics… Với đặc thù là ngành có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu cung cấp các dịch vụ 1PL và 2PL, sự tham gia của các tên tuổi lớn nước ngoài được kỳ vọng sẽ “vá lỗ hổng” về vốn, nhân sự, công nghệ… cho các doanh nghiệp trong nước.

3 thách thức tăng trưởng của các doanh nghiệp vận tải và logistics

Là ngành dịch vụ có nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng thách thức của ngành cũng không hề nhỏ. Theo khảo sát của Vietnam Report, 3 thách thức lớn nhất của ngành vận tải và logistics Việt Nam hiện nay bao gồm: cơ sở hạ tầng như hệ thống cảng biển, kho bãi, kết nối… còn hạn chế, bất cập; hạn chế về quy mô vốn, trình độ quản lý, trình độ chuyên môn chưa cao; các loại thuế, phí cầu đường và phụ phí cao.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong ngành, cơ sở hạ tầng mặc dù đã được cải thiện so với trước đây nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Tuyến trục vận tải Nam – Bắc vẫn phụ thuộc rất lớn vào đường bộ, rất cần sự tham gia hơn nữa của ngành đường sắt. Sự phát triển bất cân đối của hệ thống cảng biến Việt Nam khi hơn 92% lưu lượng container phía Nam tập trung ở Cảng Cát Lái dẫn đến tình trạng quá tải, kẹt cảng… gây ra sự lãng phí rất lớn.

Vốn và nhân lực là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Đa số trên 70% doanh nghiệp vận tải và logistics đang hoạt động hiện nay có quy mô vốn vừa và nhỏ, 7% có vốn trên 1.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu nhóm vốn lớn là các doanh nghiệp đa quốc gia.

Về vấn đề chi phí logistics, chi phí vận tải tại Việt Nam hiện đang ở mức cao (gấp 3 lần so với các nước trong khu vực và thế giới) và không đồng đều ở các khu vực. Nguyên nhân chủ yếu do các loại thuế, phí cầu đường và phụ phí hiện khá cao, gián tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh so với các nước khác.

Cải thiện hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng và ứng dụng IT

Khảo sát doanh nghiệp ngành vận tải và logistics của Vietnam Report cho thấy, họ rất kỳ vọng hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng và ứng dụng IT sẽ được ưu tiên cải thiện để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả dịch vụ vận tải và logistics tại Việt Nam trong năm 2019 tới đây.

Cùng với xu hướng phát triển của thương mại điện tử, sự gia nhập thị trường Việt Nam của các ông lớn bán lẻ nước ngoài làm gia tăng nguy cơ thâu tóm các kênh logistics địa phương khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều bất lợi.

Hiện nay chi phí logistics đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong chi phí doanh nghiệp, vô hình trung trở thành rào cản lớn nhất đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Để giảm chi phí logistics, hầu hết các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành đều cho rằng cần phải đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối giữa các phương thức vận tải, đồng thời phát triển sàn giao dịch vận tải nhằm kết nối tốt nhất các chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, tạo cơ sở cho doanh nghiệp logistics Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng, tránh tình trạng vận chuyển một chiều.

Ngành vận tải và logistics Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển. Đối với các doanh nghiệp, ngoài việc chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, việc xây dựng uy tín thương hiệu cũng vô cùng quan trọng.

Với các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài khi đặt chân vào Việt Nam, tìm kiếm và hợp tác với doanh nghiệp logistics uy tín là cầu nối trung gian kết nối vận chuyển an toàn hàng hóa tới tay đối tác và khách hàng, góp phần hoàn thiện chuỗi sản xuất – phân phối, tác động ngược trở lại giúp các doanh nghiệp vận tải và logistics Việt Nam tham gia sâu hơn, định vị tốt hơn trên bản đồ logistics toàn cầu.

(Theo The Leader)

Việt Nam thu 2,6 tỷ USD từ IPO

Năm 2018, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu Đông Nam Á trong hoạt động IPO và được đánh giá là thị trường nổi bật trong tương lai.

Số liệu của hãng kiểm toán Ernst & Young vừa công bố cho thấy, tổng số tiền huy động được từ các thương vụ IPO của sàn chứng khoán Việt Nam năm 2018 là 2,6 tỷ USD, cao gấp 3,7 lần so với năm 2017. Con số này đã giúp Việt Nam vượt Singapore và Thái Lan dẫn đầu thị trường Đông Nam Á.

Hai trong 3 thương vụ IPO có giá trị lớn nhất Đông Nam Á thuộc về Vinhomes với 1,34 tỷ USD và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam Techcombank với 923 triệu USD.

Trong khi hoạt động IPO ở Việt Nam tăng mạnh với các thương vụ đình đám thì tại Đông Nam Á, tổng số tiền thu về từ các thương vụ IPO trong năm nay giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7,1 tỷ USD. Số lượng thương vụ IPO cũng giảm 7% xuống còn 115. Trong số này, có 56 doanh nghiệp IPO huy động ít hơn 10 triệu USD.

Đứng thứ hai sau Việt Nam là Thái Lan với số tiền thu về từ các IPO là 2,5 tỷ USD, giảm 28% so với năm ngoái. Tiếp đến là Indonesia với 1,2 tỷ USD, tăng 66%. Còn Singapore, cả năm chỉ huy động được 500 triệu USD, giảm tới 85% so với năm trước.

Nguồn: Baker McKenzie, Oxford Economics.

Nguyên nhân tạo nên một năm im ắng với thị trường IPO của các nước Đông Nam Á, theo ông Theo Max Loh, chuyên gia kinh tế đang làm việc tại Ernst & Young là bất ổn kinh tế, căng thẳng thương mại, những vấn đề tồn tại ở các thị trường mới nổi. Đặc biệt, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã ảnh hưởng đến thị trường vốn của khu vực, bởi các nước Đông Nam Á đều có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc.

Dự báo về hoạt động IPO trong giai đoạn 2019 -2021, các chuyên gia quốc tế đều đánh giá, Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng và hút vốn ngoại trong tương lại. Báo cáo của Oxford Economics và Baker McKenzie cũng nhấn mạnh, thị trường Việt Nam sẽ giữ vững ngôi đầu Đông Nam Á về số tiền huy động được từ các thương vụ IPO cho đến năm 2021.

“Sự trỗi dậy của Việt Nam và các nước đang phát triển khác ở Đông Nam Á có thể làm tăng cạnh tranh cho các sàn giao dịch chứng khoán trong khu vực và điều đó sẽ làm tăng áp lực buộc Singapore phải nhìn nhận lại chính họ để nổi bật hơn”, ông Tham Tuck Seng, lãnh đạo thị trường vốn PwC Singapore đánh giá hồi tháng 12.

Hồng Châu