CEO Netflix tuyên bố công ty không là hãng công nghệ

CEO Netflix Reed Hastings vừa “chia tay” nhóm công ty công nghệ hôm 19.3 khi cho rằng doanh nghiệp thực sự là hãng truyền thông hơn là hãng công nghệ.

Theo Recode, trong khi nhiều hãng công nghệ lớn khác không tự gán mác doanh nghiệp là công ty truyền thông, thay vào đó là chọn hướng “các nền tảng” nơi người dùng cung cấp nội dung thì Netflix đi ngược lại.

Đơn cử, CEO Facebook Mark Zuckerberg nhiều lần chỉ ra sự khác biệt giữa doanh nghiệp của ông và các hãng truyền thông thông thường. Năm 2016, Zuckerberg cho hay: “Chúng tôi xây dựng công cụ, không sản xuất bất cứ nội dung nào”. Dù vậy, hãng có trả tiền để sản xuất một số chương trình gốc cho sản phẩm video Watch. Một số người cho rằng sự khác biệt giữa hãng công nghệ và truyền thông giúp giới doanh nghiệp thoái thác trách nhiệm với nội dung mà họ lưu trữ, quảng bá.

Song trong bối cảnh giới chính trị gia và các nhà quản lý chú ý hơn đến nhóm doanh nghiệp công nghệ, ông Hastings có cách tiếp cận khác khi gọi Netflix là công ty truyền thông. Bất chấp giá trị thị trường gần 159 tỉ USD rất giống một hãng công nghệ, Hastings cho hay việc phân phối chi tiêu giúp Netflix trở thành công ty truyền thông. Hãng chi 1,2 tỉ USD cho công nghệ, song chi đến 10 tỉ USD cho chương trình video.

CEO Netflix Reed Hastings. Ảnh: Reuters.

Hiện ứng cử viên tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ Elizabeth Warren, thượng nghị sĩ đến từ bang Massachusetts, đang kêu gọi Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google phải chia tách theo kế hoạch “chia nhỏ Big Tech”. Nếu được xem là một hãng công nghệ, Netflix có thể bớt bị chú ý hơn.

Cũng trong lần phỏng vấn hôm 19.3, ông Hastings cho hay dịch vụ phát trực tuyến hàng đầu thế giới sẽ không để chương trình và phim của họ có sẵn trên chương trình cung cấp video sắp tới của Apple. “Chúng tôi muốn khách hàng xem nội dung của chúng tôi trên dịch vụ của chúng tôi. Chúng tôi chọn không tích hợp với dịch vụ của họ”, CEO Netflix Reed Hastings cho hay.

Apple dự kiến tung dịch vụ truyền hình và video tại sự kiện diễn ra vào ngày 25.3 tới. Đây là động thái được cho là đẩy cao môi trường cạnh tranh với Netflix và nhiều dịch vụ khác cung cấp chương trình giải trí trực tuyến. Dịch vụ của Apple có thể bán lại các đăng ký từ CBS Corp, Viacom và nhiều doanh nghiệp khác. Walt Disney và WarnerMedia cũng có kế hoạch cung cấp dịch vụ phát trực tuyến thuê bao.

* Nguồn: Thanh Niên

Chân dung nhà sáng lập người Do Thái của Oracle

Do Thái là một dân tộc khá thần kỳ trên thế giới khi chiếm vô số vị trí trong bảng xếp hạng những người giàu nhất toàn cầu. Một trong số đó là Larry Ellison, nhà sáng lập tập đoàn Oracle nổi tiếng trên thế giới, người từng bỏ dở đại học tới 2 lần vì không đủ tiền đóng học phí và nay đứng thứ 7 thế giới về mức độ giàu có với 63,5 tỷ USD

Cậu bé Do Thái mồ côi nổi loạn

Lawrence Joseph Ellison sinh ngày 17/8/1944 tại Bronx, một quận của thành phố New York. Mẹ của ông, bà Florence Spellman là một bà mẹ đơn thân người Do Thái mới chỉ 19 tuổi.

Khi mới chỉ 9 tháng tuổi, Ellison mắc bệnh viêm phổi nên đã được mẹ gửi đến cùng chú dì là Lilian và Louis Ellison tại thành phố Chicago-Mỹ. Họ cũng trở thành cha mẹ nuôi của Ellison kể từ đó. Bản thân ông cũng không gặp lại mẹ ruột của mình cho đến tận năm 48 tuổi.

Nhớ lại thời gian đó, Ellison cho biết dì và là mẹ nuôi của mình rất ấm áp và tràn đầy tình yêu thương đối với ông, nhưng người chú lại có vẻ xa cách. Gia đình của ông lúc đó không quá giàu cũng chẳng nghèo. Cha nuôi của Ellison làm công chức nhà nước, kiếm được chút tiền đầu tư vào bất động sản nhưng hầu như mất trắng sau cuộc khủng hoảng kinh tế.

Ngay từ khi còn nhỏ, Ellison đã bộc lộ tính cách độc lập, nổi loạn của một cậu bé hiếu động. Tuy nhiên đi cùng với đó là năng khiếu toán học, khoa học. Chính sự tổng hợp này đã tạo nên một nhà tỷ phú đại tài, sẵn sàng mạo hiểm sau này.

Đến tuổi thành niên, Ellison theo học trường đại học Illinois và được đánh giá là một trong những sinh viên tiêu biểu của năm nhất. Bất hạnh thay, mẹ nuôi của Ellison qua đời khiến ông mất đi chỗ dựa tài chính và quyết định bỏ học năm thứ 2 để đi làm.

Dù khát khao với toán học và công nghệ nhưng Ellison lại phải bỏ dở việc học một lần nữa khi chuyển đến học tại đại học Chicago chuyên ngành máy tính.

Kể từ đây, Ellison đoạn tuyệt với con đường học hành và quyết tâm lập nghiệp để tìm kiếm thành công cho riêng mình.

Năm 1966, với chút tiền dành dụm, Ellison ở tuổi 22 chuyển đến California, gần thung lũng Silicon để lập nghiệp. Trong vòng 8 năm, Ellison đã trải qua rất nhiều công việc cũng như tự tích lũy kiến thức về vi tính, lập trình mà không qua một trường lớp bài bản nào. Từ vị trí kỹ thuật viên cho công ty dịch vụ tài chính Wells Fargo đến lập trình viên cho nhà sản xuất máy tính Amdahl.

Nhớ về quãng đời gian khổ đó, Ellison cho rằng chính những thử thách đã rèn luyện bản thân sự bền bỉ, nghị lực cũng như tích lũy kiến thức, quan hệ xã hội cho thành công sau này. Cũng chính quãng thời gian này, tỷ phú Ellison đã khám phá ra đam mê thực sự của đời mình: công nghệ máy tính.

Trong thập niên 1970s, khi làm cho công ty Ampex Corporation, Ellison đã tham gia 1 dự án xây dựng kho dữ liệu cho Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) mang tên Oracle và ông thực sự bị ấn tượng bởi hệ thống xử lý kho dữ liệu của dự án. Đây là bước tiền đề để Ellison thành lập nên thương hiệu Oracle nổi tiếng sau này.

Vào năm 1977, Ellison và đồng sự Bob Miner và Ed Oates thành lập công ty quản lý cơ sở dữ liệu có tên là Sofware Development Laboratories với số vốn ban đầu 1.400 USD, trong đó 1.200USD là do chính Larry tự bỏ tiền túi ra.

Hướng đi của công ty chịu ảnh hưởng bởi học thuyết của Edgar F. Codd – nhà khoa học máy tính nổi danh thuộc IBM, học thuyết đó xoay quanh một thứ gọi là “Mối quan hệ trong các cơ sở dữ liệu” – đó là cách mà các hệ thống máy tính lưu trữ và truy cập thông tin hết sức quen thuộc mà chúng ta hiện đang sử dụng hàng ngày hiện nay. Vào thời điểm thập niên 70’s thì đây là một học thuyết mang tính cách mạng lớn trong ngành công nghệ.

Vào năm 1979, công ty được đổi tên thành Ralational Software. Khi đó công ty của Ellison chỉ có 8 nhân viên bao gồm cả ông và 2 người bạn, còn doanh thu thì chẳng đến 1 triệu USD/năm.

Do nhiều yếu tố khách quan, Ellison bỏ qua Oracle 1 để tạo thẳng Oracle 2, phiên bản đầu tiên của hệ thống xử lý cơ sở dữ liệu. Đây là một bước đột phá khi thị trường này chưa có sự tham chiến của các ông lớn trong ngành.

Năm 1982, công ty đổi tên thành Oracle Systems Corpoảtion dựa trên sản phẩm chủ đạo Oracle 2 của mình và cái tên đó đã duy trì cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ cho đến ngày hôm nay.

Là một trong những start-up chọn hướng đi ban đầu đúng đắn, Oracle là một trong những cái tên phát triển nhanh chóng trong ngành công nghiệp máy tính. Năm 1986, Oracle lần đầu phát hành cổ phiếu, đưa doanh thu của công ty đạt mốc 55 triệu USD.

Suýt phá sản do thiếu kinh nghiệm

Tất nhiên, chặng đường lọt top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới của Ellison chẳng dễ dàng đến thế, nhất là với một người rành công nghệ nhưng yếu kỹ năng quản lý.

Đầu thập niên 1990, Ellison đã cho phép những nhân viên bán hàng của họ trực tiếp đặt ra doanh số bán hàng trong các quý tương lai ngay trong quý hiện tại, điều đó tạo ra những doanh thu ảo và khiến cho toàn bộ những số liệu kinh doanh bị lệch một cách trầm trọng so với báo cáo.

Trước thông tin này, nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu của Oracle, khiến tổng vốn hóa thị trường giảm 80%. Oracle trên bờ vực phá sản và họ phải sa thải 10% nhân lực khi đó (khoảng 400 người).

Chưa đến một thập kỷ sau khởi đầu trong mơ, Oracle đứng trước nguy cơ phá sản và trở thành “miếng thịt” béo bở khi các đối thủ cạnh tranh thi nhau “cắt xén” thị phần. Đây là sự kiện mà mãi về sau tỉ phú Larry Ellison mô tả là “một lỗi lầm kinh doanh đáng kinh ngạc” khi dính líu tới cả những vụ kiện tụng pháp luật.

Nhưng với bản lĩnh của một lãnh đạo giỏi và bộ óc quản lý, kinh doanh nhạy bén, tỉ phú Larry Ellison đã tiến hành một cuộc “thay máu” mạnh mẽ và toàn diện cho Oracle, phần lớn các nhân viên cao cấp ban đầu bằng các nhà quản lý có kinh nghiệm hơn.

Lần đầu tiên, ông giao việc quản lý kinh doanh cho các chuyên gia, và chuyển trọng tâm sang phát triển sản phẩm. Một phiên bản mới của cơ sở dữ liệu Oracle 7 phát hành vào năm 1992, đã “càn quét” thị trường phần mềm quản trị. Chỉ 2 năm, cổ phiếu của công ty đã tăng trở lại.

Trong thập niên 1990, Oracle và Ellison đã hưởng thụ đỉnh cao vinh quang khi đánh bại các đối thủ khác trong mảng dữ liệu trực tuyến. Thậm chí vào năm 1997, Ellison được bổ nhiệm làm Giám đốc của Apple Computer sau khi Steve Jobs quay trở lại làm CEO của hãng. Tuy nhiên ông đã phải từ chức vào năm 2002 do quá bận khi điều hành một lúc nhiều doanh nghiệp.

Một trong những nguyên nhân nữa khiến Ellison và Oracle làm ăn phát đạt là bong bóng dot com. Tên miền dot-com (.com) bùng nổ vào cuối những năm 1990 đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Oracle: Tất cả những công ty sử dụng tên miền “.com” cần cơ sở dữ liệu đều tìm đến Oracle.

Phải mãi đến khi Microsoft và IBM mở rộng kinh doanh ở mảng này thì công ty mới gặp được những đối thủ chân chính. Kể từ đó đến nay, Ellison tiếp tục thành công trong nhiều thương vụ đầu tư khác và được cả thế giới biết đến như một trong những tỷ phú giàu nhất toàn cầu.

Với nguồn tài lực khổng lồ và óc nhạy bén trong kinh doanh, Ellison chuyển hướng sang các mảng kinh doanh tiềm năng khác ngay trước khi cơn sốt tên miền “.com” hạ nhiệt. Vào năm 2009, Oracle mua Sun Microsystems, một công ty máy chủ khởi nghiệp cùng thời điểm năm 1982 với Oracle. Thương vụ thâu tóm này đem lại cho Oracle rất nhiều công nghệ quan trọng, bao gồm cả việc điều khiển cơ sở dữ liệu MySQL quen thuộc.

Vào năm 2014, Oracle thâu tóm nhà cung cấp phần mềm quản lý nhân lực PeopleSoft với giá 10,3 tỉ USD.

Kể từ năm 2010, tỉ phú Larry Ellison bắt đầu rút lui khỏi sân chơi của thế giới công nghệ, ông giao lại quyền điều hành cho những người tâm phúc của mình như Mark Hurd, Safra Catz,… để tập trung vào hưởng thụ cuộc sống xa xỉ hơn. Vào năm 2012, ông mua hẳn quyền sở hữu hòn đảo Lanai thuộc quần đảo Hawaii với mức giá khoảng 300 triệu USD.

Bí quyết thành công của tỷ phú thất học

Để có được những thành công đó, Ellison chắc chắn phải có những bí quyết riêng của mình. Nổi tiếng trong số đó là tính khí ngông cuồng mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được cái đầu “lạnh”, Ellison sẵn sàng nhục mạ không tiếc lời và thậm chí kiện tụng thẳng tay với các đối thủ của mình.

Vị doanh nhân này còn được ví như một con cáo già trong thương trường, ông thậm chí có thể xoay chuyển thế cục tài tình, từ một nguy cơ mất trắng toàn bộ trở thành một cú ăn đậm.

Tỷ phú Ellison cũng cho biết thành công chẳng bao giờ đến nhờ may mắn mà cần phải làm việc chăm chỉ, nỗ lực hết mình bên cạnh tài năng kinh doanh. Ông cũng là người phá vỡ quy tắc truyền thống khi coi bằng cấp không phải là tất cả hay học tập là con đường duy nhất dẫn đến thành công.

Quyết định táo bạo bỏ học giữa chừng của tỷ phú này đã chứng minh cho thế giới thấy một người quyết tâm làm điều gì thì có thể đạt được ngay cả khi bị mọi người cho là điên khùng, gàn dở.

Do vậy, ông còn từng khiến thế giới kinh ngạc khi hợp tác với Microsoft – đối thủ cạnh tranh lâu năm và củng cố lại mối quan hệ với CEO của Salesforce – Marc Benioff, khách hàng đồng thời là đối thủ lớn của Oracle.

“Trước khi bắt tay thực hiện những sáng kiến mang tính đột phá, bạn nên chuẩn bị tinh thần cho việc bị cả thế giới nói rằng mình gàn dở”, tỷ phú Ellison tiết lộ.

Tỉ phú Larry Ellison cũng là một người rất ghét những nhân viên chỉ biết phục tùng. Đối với ông, một nhân viên giỏi là người phải có chính kiến mạnh mẽ cũng như sẵn sàn phản bác lại cấp trên vì lợi ích phát triển chung.

Những nhà điều hành kỳ cựu trước đây của Oracle bao gồm Marc Benioff của Salesforce, Tom Siebel của Siebel Systems, Craig Conway của PeopleSoft và cựu Chủ tịch HP Ray Lane. Tất cả những người này sau này đều trở thành đối thủ của Oracle nhưng nếu không có họ thì tỉ Larry Ellison và Oracle không thể có ngày hôm nay.

Một trong những bí quyết thành công khác được ông Ellison chia sẻ đó là thường xuyên trò chuyện, quan tâm đến đội ngũ nhân viên. Để chiêu mộ và giữ chân nhân tài, tỷ phú Ellison trả lương và chia thưởng cho nhân viên khá hậu hĩnh.

Nhà sáng lập hãng phần mềm Oracle khiến nhiều người ngạc nhiên khi tuyên bố mức lương cơ bản 1 USD trong năm 2010 khi công ty gặp khó khăn. Ông Ellison sẵn sàng dùng tiền túi để điều hành hoạt động công ty, điều mà không phải ai cũng có thể làm được.

Mặc dù chỉ nhận mức lương tương trưng 1 USD/năm nhưng khối tài sản của vị tỷ phú này vẫn không ngừng tăng lên nhờ những khoản thưởng, trợ cấp/bổng lộc và quyền chọn cổ phiếu trị giá hàng chục triệu USD.

Với vai trò nhà lãnh đạo của cả 1 đế chế kinh doanh, Ellison nhiều khi cũng đưa ra quyết định sai lầm, nhưng cái đáng quý ở đây là ông biết cách nhận lỗi và sửa sai. Chính điều đó khiến Ellison trở thành một tỷ phú thất học gàn dở nhưng vẫn được lòng rất nhiều người, cũng như luôn nằm trong top 10 người giàu nhất thế giới qua thời gian.

AB
* Nguồn: Nhịp sống kinh tế

Thanh toán di động bứt tốc

Nhờ hạ tầng công nghệ đã sẵn sàng, thanh toán di động đang bùng nổ với sự tham gia của 4 nhóm người chơi: Fintech, ngân hàng, nhà mạng và các công ty công nghệ.

Mới đây, MoMo tiếp tục công bố nhận được khoản đầu tư Warburg Pincus, công ty quản lý quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân có nhiều năm kinh nghiệm ở thị trường Việt Nam. Không nói rõ giá trị đầu tư, phía MoMo chỉ cho biết: “Đây là khoản đầu tư cao nhất cho đến hiện tại của các nhà đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực fintech và e-commerce tại Việt Nam”. Khoản đầu tư bổ sung vào MoMo của quỹ đầu tư đang quản lý tài sản trị giá hàng chục tỉ USD như Warburg Pincus cho thấy sự hấp dẫn của thị trường thanh toán di động tại Việt Nam.

Nhà nhà làm ví

MoMo có vẻ như là “điểm đến” yêu thích của các nhà đầu tư ngoại, trước đó là Standard Chartered Private Equity và xa hơn nữa là Goldman Sachs. Trong công bố chính thức, ví điện tử này cho biết hiện có 10 triệu người dùng và khối lượng giao dịch tăng gấp 3 lần trong năm qua.

Những con số này cho thấy tốc độ thanh toán qua di động và tại điểm bán ngày càng được ưa chuộng ở Việt Nam. Ông Phạm Thành Đức, CEO ví điện tử MoMo, cho biết kế hoạch năm 2019 sẽ tăng gấp đôi lượng khách hàng này. Để làm được điều đó, chiến lược 2018-2019, MoMo sẽ tập trung phát triển nền tảng thanh toán trên di động mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi; đồng thời phát triển mạng lưới đối tác online, offline, O2O (online to offline) trên quy mô toàn quốc.

Tuy nhiên, MoMo không phải là ví điện tử duy nhất có tham vọng bành trướng tại thị trường Việt. Trong năm qua, bắt đầu rải tiền để quảng bá và hút người dùng còn có ví điện tử ZaloPay (của VNG) hay AirPay (của SEA), đều là các công ty internet có tên tuổi và thực lực.

Thị trường còn sôi động không kém với nhiều thương vụ mua lại và thâu tóm ví điện tử, như trường hợp Grab với Moca. Ứng dụng gọi xe này mới đây còn xuất hiện ở các điểm bán như nhà hàng, quán cà phê, thanh toán điện thoại để trả tiền chứ không còn đơn thuần là gọi xe nữa. Thậm chí, nhiều thông tin cho thấy Grab đang rốt ráo cho kế hoạch tham gia vào thị trường tài chính tín dụng tại Việt Nam.

Sự sôi động trên thị trường thanh toán di động cũng không thiếu phần các ngân hàng. Các ngân hàng tham gia rất năng động, thậm chí còn ra mắt những ứng dụng, nền tảng riêng dành cho việc thanh toán, bên cạnh ứng dụng mobile banking đặc trưng và phổ biến. Chẳng hạn, Vietcombank ra mắt VCB Pay, YOLO của VPBank, Sacombank Pay, QuickPay (TPBank) hay Ví Việt (LienVietPostBank).

Tính đến nay, đã có 76 đơn vị đã triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 41 đơn vị triển khai thanh toán qua di động. Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Nhà nước, còn có khoảng 26 ví điện tử đã được cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các thương vụ M&A sẽ diễn ra nhiều hơn và giấy phép hoạt động là “đích nhắm” quan trọng, theo một chuyên gia trong lĩnh vực fintech. Tuy nhiên, một xu hướng thấy rõ là các trung gian thanh toán đều mong muốn trở thành “siêu ứng dụng” hay hình thành hệ sinh thái với các dịch vụ cộng gộp càng nhiều càng tốt.

Điển hình như MoMo, ví điện tử này công bố mối quan hệ với 10.000 đối tác trong nhiều lĩnh vực như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, thanh toán dịch vụ tiện ích, thương mại điện tử, mua sắm, vận tải và ẩm thực và lên đến 100.000 điểm chấp nhận thanh toán tại nhà hàng, quán cà phê, siêu thị, cửa hàng thời trang cho đến thức ăn đường phố. Con số này sẽ còn được mở rộng trong năm nay, đặc biệt là khi có thêm vốn ngoại rót vào.

Các ngân hàng cũng tích cực chạy đua. Mới đây, công bố của Sacombank cho biết hiện có khoảng hơn 7.000 đơn vị chấp nhận thẻ (POS), trong đó có khoảng 2.500 đại lý cho phép thanh toán bằng hình thức QR Code. Dự kiến con số này sẽ tăng khoảng 30-40% trong năm nay.

Đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết, ứng dụng thanh toán của Ngân hàng không chỉ hướng đến đối tượng người dùng có tài khoản ngân hàng, mà bao gồm cả những người có tài khoản ở ngân hàng khác, hoặc những đối tượng chưa có bất kỳ tài khoản ngân hàng nào.

Trong khi đó, đại diện YOLO, nền tảng của VPBank, cho biết một ưu điểm của hệ sinh thái là cho phép ứng dụng giữ chân khách hàng tương tác trong nền tảng, ngay cả khi khách hàng không sử dụng sản phẩm của ngân hàng. Bên cạnh ví điện tử và ngân hàng, còn 2 nhóm có tiềm lực không kém, đó là các “ông lớn công nghệ” như Samsung, Google hay Apple và các nhà mạng như Viettel hay VNPT. Bản thân các tập đoàn này đều sở hữu “hệ sinh thái” là bộ dữ liệu khách hàng và rất nhiều dịch vụ kèm theo, theo cách thức riêng của mình.

Như vậy, có thể nhìn thấy ở trong ứng dụng sẽ là một cuộc chạy đua về số lượng dịch vụ kết nối. Thêm nữa, có thể thấy đa phần hiện nay các trung gian thanh toán đều tập trung vào đối tượng khách hàng là nhóm trẻ, có thu nhập từ mức trung bình đến khá, sống ở các địa phương có dịch vụ cộng thêm nhiều, quen thuộc với smartphone và cuộc sống kỹ thuật số. Tuy nhiên, chính công nghệ và các quy định của cơ quan quản lý cởi mở hơn mới là nhân tố quan trọng, dự kiến sẽ góp phần đẩy nhanh các ứng dụng thanh toán di động ra thị trường trong thời gian tới.

Sẵn sàng cho thay đổi lớn

Với các ngân hàng, năm nay tiếp tục là năm đầu tư cho công cụ thanh toán. Ông Thomas William Tobin, Giám đốc Khối bán lẻ Vietcombank, cho rằng: “2019 sẽ là năm thay đổi rất lớn trong công nghệ thanh toán, nhất là loại thẻ không tiếp xúc, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code. Tới đây, Vietcombank sẽ nâng cấp các điểm chấp nhận thẻ để chấp nhận được thẻ không tiếp xúc”.

Đến nay, rất nhiều ngân hàng công bố định hướng triển khai các giải pháp công nghệ mới trên thế giới vào thanh toán di động, chẳng hạn như xác thực sinh trắc học, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (contactless), công nghệ mPOS. Năm 2019 có thể nói là năm thay đổi mạnh mẽ của công nghệ trong lĩnh vực thanh toán. Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), “hạ tầng cho thanh toán di động đã sẵn sàng”.

Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước ban hành 2 tiêu chuẩn nội địa quan trọng: thẻ chip nội địa và mã giao dịch QR. Với những chiếc thẻ chip nội địa đầu tiên dự kiến sẽ ra mắt trong quý I năm nay, đây là lần đầu tiên ngành ngân hàng sẽ có một chuẩn chung về thẻ, giúp đồng bộ thẻ và các thiết bị chấp nhận thẻ với nhau.

Còn với QR Code, việc có chuẩn chung cũng sẽ giúp xóa bỏ tình trạng “mạnh ai nấy làm” đang diễn ra hiện nay. Chuẩn chung này sẽ giúp cho các ứng dụng của tổ chức tín dụng hay fintech này có thể được dùng để thanh toán dịch vụ đã kết nối với trung gian thanh toán khác. Tiêu chuẩn đồng nhất được xem là yếu tố cơ bản, giúp cho các giao dịch số AliPay hay WechatPay chiếm thị phần ở Trung Quốc. Vì vậy, điều tương tự cũng được kỳ vọng ở thị trường Việt Nam.

Một điểm nhấn khác là hệ thống thanh toán bù trừ tự động ACH, là cấu phần quan trọng giúp triển khai các dịch vụ thanh toán có giá trị nhỏ, hỗ trợ khách hàng của ngân hàng thực hiện giao dịch thông qua nhiều lựa chọn thông tin định danh khác ngoài số tài khoản hay số thẻ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã gợi mở hướng đi mới, với phương án định danh tài khoản bằng số điện thoại. Nhờ đó nhà mạng cũng sẽ là một fintech tiềm năng với hệ thống và dữ liệu sẵn có.

Nhìn chung, đồng bộ về nền tảng giao dịch sẽ giúp các bên có thể tham gia vào cuộc chơi chung mà tất cả đều có lợi. Điều này cho phép các tổ chức trung gian thanh toán có thể mở rộng mạng lưới kết nối, không tốn nhiều chi phí như trước, mà còn đem lại sự thuận tiện cho khách hàng, một chuyên gia tài chính nhìn nhận.

Chẳng hạn, ví điện tử này kết nối được với 10.000 điểm bán, ngân hàng có 5.000 điểm bán. Khi có chuẩn chung về thanh toán, các khách hàng của ngân hàng cũng có thể tiếp cận đến 10.000 điểm bán của ví điện tử mà không cần phải cài thêm ứng dụng khác. Nghe có vẻ rất hấp dẫn nhưng vẫn còn những trở ngại trên chặng đường phát triển thanh toán di động số, dù nhận được sự cổ vũ đáng kể từ phía cơ quan quản lý.

Từ góc nhìn của phía ngân hàng, các chuyên gia cho rằng yếu tố phí giao dịch vẫn còn quan trọng, ảnh hưởng đến câu chuyện cạnh tranh từ máy POS, phát hành thẻ cho đến các giao dịch trực tuyến. Trong khi đó, theo bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Trường Fulbright và cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, muốn thanh toán di động trở nên phổ biến, thì yếu tố đầu tiên là các ứng dụng đó làm sao phải thuận tiện nhất đối với người dân, bởi một khi trở thành thói quen sử dụng rồi thì sẽ khó bỏ được. Bên cạnh đó, vấn đề quan ngại tiếp theo chính là vấn đề chi phí và an toàn trong các giao dịch điện tử.

Lo ngại về an toàn cũng chính là nỗi lo chung của nhiều người dân, từ chuyện mất tiền trong thẻ cho đến lộ thông tin người dùng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh lưu ý rằng một xã hội không dùng tiền mặt không phải lúc nào cũng đem lại yếu tố tích cực.

“Thực tiễn diễn ra tại một số nước có mức độ phi tiền mặt cao với thanh toán điện tử phổ biến sâu rộng như Thụy Điển, Hàn Quốc ghi nhận mối lo của công chúng về việc đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu khách hàng, rủi ro an ninh mạng, rủi ro vận hành như mất điện, thiên tai, tình trạng phân cách số (digital divide) giữa nhóm người am hiểu công nghệ với nhóm yếu thế như người già, trẻ em… Đây là điều cần lưu tâm trong quá trình phát triển thanh toán điện tử”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

Chuỗi bán lẻ nổi tiếng Nhật Bản sắp vào Việt Nam

MUJI dự kiến lập công ty con tại Việt Nam năm nay và khai trương cửa hàng đầu tiên ở TP HCM đầu năm sau.

Ryohin Keikaku – công ty mẹ của thương hiệu bán lẻ MUJI vừa thông báo, đã quyết định thành lập công ty TNHH MUJI Việt Nam để phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Theo kế hoạch, công ty này sẽ được thành lập vào tháng 8, có trụ sở chính tại TP HCM và do Ryohin Keikaku sở hữu 100% vốn. Cửa hàng đầu tiên của MUJI sẽ được khai trường vào đầu năm 2020 tại TP HCM.

MUJI là một chuỗi cửa hàng bán lẻ nổi tiếng khắp thế giới với đa dạng các loại sản phẩm từ đồ gia dụng, nội thất cho đến quần áo, mỹ phẩm với giá phải chăng… Hiện tại, thương hiệu này có 928 cửa hàng trên khắp thế giới, trong đó 454 cửa hàng tại Nhật Bản. Dù chưa có cửa hàng tại Việt Nam, các mặt hàng mỹ phẩm của MUJI qua đường xách tay rất được khách hàng ưa chuộng.

Một trong 454 cửa hàng của MUJI tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

“Việt Nam là quốc gia có dân số đông thứ ba tại Đông Nam Á và kinh tế đang tăng trưởng nhanh. Chúng tôi thấy đây là một thị trường trọng điểm tại ASEAN, với mức tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,1%”, Ryohin Keikaku lý giải về quyết định thành lập công ty tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Nhật hy vọng, với kinh nghiệm và bí quyết trên thị trường toàn cầu sẽ giúp MUJI vận hành các hàng mỗi ngày và tăng lượng khách hàng trong khu vực.


Grab cán mốc doanh thu 1 tỷ USD

CEO Anthony Tan cho biết, kế hoạch của Grab năm nay là bắt tay các đối tác lớn và mở rộng thêm dịch vụ.

Trả lời Nikkei mới đây, Anthony Tan – CEO, kiêm đồng sáng lập Grab cho biết, doanh thu năm ngoái của hãng công nghệ này đã tăng gấp đôi lên 1 tỷ USD và một số mảng kinh doanh tại các thị trường trưởng thành đã có lãi.

Tan chia sẻ, kế hoạch năm nay của Grab là “bắt tay cùng các đối tác lớn”. Năm ngoái, Grab đã tập trung vào xây dựng quan hệ với các doanh nghiệp trong khu vực và cả toàn cầu, bao gồm Toyota Motor, Microsoft, hãng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến Trung Quốc – Ping An Good Doctor và huy động được khoản đầu tư trị giá 3 tỷ USD.

Ông cho biết, Grab sẽ cùng Ping An ra mắt một dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến khắp Đông Nam Á năm nay và bán bảo hiểm trực tuyến cho người dùng ứng dụng, tài xế cùng với đối tác ZhongAn. Cùng với Toyota, Grab sẽ cung cấp một dịch vụ hỗ trợ phương tiện. Hãng công nghệ này đã bắt đầu dịch vụ phát video trực tuyến trên ứng dụng Grab nhờ mối quan hệ với đối tác Hooq – startup có trụ sở tại Singapore.

“Nhiều dịch vụ mới chưa được cung cấp ở quy mô này tại Đông Nam Á. Chúng tôi sẽ tận dụng vốn và tất cả nguồn lực của nhà đầu tư để mở rộng”, Tan cho hay.

CEO Grab – Anthony Tan trả lời phỏng vấn Nikkei hôm 20/2. Ảnh: Nikkei.

Sau khi tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của Uber năm ngoái, Grab bắt đầu ra mắt nhiều dịch vụ mới, với hy vọng trở thành siêu ứng dụng. “Việc mở rộng Grab sẽ củng cố vị thế siêu ứng dụng tại Đông Nam Á của chúng tôi”, Tan nói. Hiện đối thủ lớn nhất của hãng là Go Jek – một startup có trụ sở tại Indonesia và cũng bắt đầu phát triển ra nước ngoài và tuyên bố muốn trở thành siêu ứng dụng từ năm ngoái.

Tan cho rằng, mọi người đang xóa các ứng dụng khỏi smartphone vì chúng có quá nhiều. “Để ứng dụng có thể tồn tại, đặc biệt ở trang đầu tiên của smartphone là rất, rất quan trọng. Để làm được điều này, bạn phải cực phù hợp và bạn phải cung cấp các dịch vụ phù hợp với thành phố đó”, CEO Grab nói.

Bên cạnh đó, CEO này nói rằng, Grab sẽ chưa IPO năm nay. Công ty muốn tập trung vào việc triển khai các dịch vụ. “Đây là trọng tâm cho năm 2019”, CEO Grab nói.

Đồng thời, Đông Nam Á cũng vẫn là thị trường Grab tập trung và không tìm kiếm nơi nào khác. Tan cho rằng, khu vực này vẫn còn những cơ hội kinh doanh lớn như những người chưa được tiếp cận với ngân hàng sẽ là khách hàng tiềm năng cho các dịch vụ thanh toán di động của Grab.

Thành lập tại Malaysia năm 2012, hãng cung cấp dịch vụ đi chung xe này đã chuyển đến Singapore hai năm sau đó. Hiện Grab hoạt động tại 336 thành phố tại 8 quốc gia Đông Nam Á, cung cấp dịch vụ từ vận tải, giao nhận cho đến thanh toán. Công ty này cho biết, ứng dụng Grab đã có 138 triệu lượt tải.

Tú Anh / Nikkei