Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao càng làm cho mục tiêu nâng cao năng suất lao động trở nên khó khăn hơn. Vậy, đâu là giải pháp?
Nền kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế hội nhập. Theo dự báo của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), Việt Nam có khả năng tạo thêm 6 triệu việc làm, tương đương 1/10 số việc làm tăng thêm đến năm 2025 của khối ASEAN do tác động từ việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng 14,5% vào năm 2025. Giai đoạn 2016 – 2025, nhu cầu tuyển dụng nhân sự hình thành 3 cấp nhân lực: Chuyên môn kỹ thuật bậc cao tăng 41%, khoảng 14 triệu chỗ làm việc; chuyên môn kỹ thuật bậc trung tăng 22%, khoảng 38 triệu chỗ làm việc; chuyên môn kỹ thuật bậc thấp chỉ tăng 24%, khoảng 12,4 triệu chỗ làm việc.
Tại Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là một trong ba đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020. Thế nhưng việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang là nguy cơ gây ra tình trạng suy giảm cạnh tranh.
Tài chính – ngân hàng là lĩnh vực có chu trình di chuyển lao động khắc nghiệt, kể cả sang các nước trong khu vực. Nhân sự cấp cao trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam đang khan hiếm và sẽ tiếp tục thiếu hụt ở các vị trí chuyên gia quản lý rủi ro, quản lý cấp trung và chuyên gia tài chính đầu tư, theo ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Việt Nam có khá nhiều chỉ số bị tụt hạng trong xếp hạng cạnh tranh nhân lực toàn cầu. Năm 2016 – 2017, năng lực cạnh tranh nhân lực của Việt Nam được xếp hạng thứ 63 trong số 138 nước được khảo sát với điểm số 4,3. Các chỉ số thành phần như tiền công và năng suất lao động tụt hạng 45 năm 2015 – 2016 xuống vị trí 62 năm 2016 – 2017, bất chấp sự cải thiện của chỉ số ảnh hưởng chính sách thuế đến khuyến khích công việc tăng từ vị trí 83 lên 76, hay năng lực thu hút nhân tài từ vị trí 77 lên 74.
Đặc biệt, tiền lương trả cho lao động trình độ cao và lao động giản đơn có sự chênh lệch rất lớn. Tại một nhà máy gia công giày ở Đồng Nai, tiền lương trả cho 70 chuyên gia nước ngoài tương đương với tiền lương trả cho 20.000 lao động Việt Nam.
Các nghiên cứu liên quan đều chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu của nguồn nhân lực Việt Nam. Dù đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, trên 90 triệu dân, với số lao động có việc làm khoảng 53 triệu người, nhưng tỷ lệ lao động trình độ cao chỉ khoảng 10%. Theo ILO, năng suất lao động của Việt Nam đạt 5.440 đô la Mỹ, theo giá so sánh 2005, cao hơn Campuchia, Myanmar và Lào nhưng chỉ bằng 6% của Singapore, 15% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 54% của Philippines và 55% của Indonesia.
Chưa hết, khả năng cạnh tranh về năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực đang có xu hướng đi xuống. Các tiêu chí năng suất lao động cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng theo chiều rộng và còn cách khá xa so với nhóm nước tăng trưởng dựa vào chiều sâu. Trong khi đó, khoảng cách chênh lệch năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước đang tăng theo từng năm, chênh lệch với Thái Lan năm 1980 là 5.988 USD, đến năm 2016 đã tăng lên 19.847USD. Giữa Việt Nam và Malaysia, con số chênh lệch còn lớn hơn rất nhiều, từ 21.504 USD năm 1980 lên 52.08 USD năm 2016.
Theo PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân), Việt Nam chưa có lao động trình độ cao với cơ cấu và chất lượng như mong đợi. Giai đoạn 2009 – 2014, số lao động trình độ cao tăng bình quân 175.000 người/năm và tỷ trọng của lao động trình độ cao trong số việc làm tăng từ 9,4% lên 10,2%. Tuy nhiên, so với thị trường lao động trình độ cao, số lao động này vẫn còn thiếu hụt đáng kể.
Gần 30% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động trực tiếp và nhân viên văn phòng, ý thức về chất lượng, đúng giờ và đáng tin cậy đang là thiếu hụt lớn nhất, bên cạnh những thiếu hụt khả năng ứng dụng công nghệ mới, khả năng làm việc nhóm và thích nghi với thay đổi. Ông Nguyễn Thường Lạng cho rằng, một trong những nguyên nhân của những hạn chế này là do “thiếu thông tin đầy đủ về thị trường lao động trình độ cao”.
Cạnh tranh nhân lực chất lượng cao trong khu vực và toàn cầu ngày càng gay gắt. Chính sách thu hút, sử dụng nhân tài đang được nhiều quốc gia cải thiện. Các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có chiến lược phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, kéo theo xu hướng “săn đầu người” tăng nhanh. Nhiều quốc gia đã học tập chiến lược quốc gia về thu hút nhân tài của Singapore. Số lượng các nhà khoa học, chuyên gia có trình độ cao từ các nước như Hoa Kỳ, châu Âu và cả Việt Nam đến làm việc tại quốc đảo này tăng nhanh cả về chất lẫn lượng.
Đang có nhiều nhà quản lý và chuyên gia trình độ cao nước ngoài tham gia vào thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt trong các dự án đầu tư nước ngoài, với số lượng lên tới 23.000 dự án đến đầu năm 2017 và không ít dự án đấu thầu quốc tế khác. Nguồn nhân lực của Việt Nam đang đòi hỏi phải được đầu tư nhiều hơn để thích nghi với cạnh tranh.
Môi trường và tiêu chuẩn lao động đang ngày càng minh bạch, tạo cơ hội thải loại các chiến lược, chính sách, công cụ không phù hợp hoặc không tương thích với điều kiện cạnh tranh toàn cầu. Sẽ không nhiều ý nghĩa, ngay cả khi Việt Nam có số lượng các văn bản quy định chính sách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao được ban hành nhiều nhưng lại thiếu tính hệ thống dẫn tới sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn với những quy định trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao.
Sự tụt hậu về hiệu năng thị trường lao động Việt Nam trong năm 2016 – 2017 so với năm 2015 – 2016 cho thấy cần cải thiện trên mọi khía cạnh, đặc biệt là giáo dục, đào tạo. Cạnh đó, tác động của cạnh tranh nhân lực toàn cầu đòi hỏi điều chỉnh các đạo luật liên quan đến lao động, như Luật Di trú, Bộ luật lao động cũng như chính sách an sinh xã hội khi nguy cơ thất nghiệp có thể không giảm.