Monthly Archives: December 2015

Công việc của người làm tư vấn SAP ERP

Ngày nay việc toàn cầu hoá các quy trình hoạt động của doanh nghiệp càng trở lên phức tạp với rất nhiều các yếu tố và thông số liên kết với nhau. Mặc dù mỗi doanh nghiệp đều có những cơ hội và thách thức riêng, nhưng nếu bạn tập trung nghiên cứu vào bất kỳ một doanh nghiệp nào bạn sẽ thấy rằng các quy trình cơ bản của tất cả các doanh doanh nghiệp là khá giống nhau.

Điều này là khởi nguồn cho việc phát triển hệ thống ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp – đôi khi còn được gọi là hệ thống quản trị doanh nghiệp tổng thể) làm thay đổi cách thức vận hành mà các doanh nghiệp đã sử dụng từ nhiều thập kỷ trước. SAP là một hệ thống ERP như vậy, nó không chỉ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi cách thức mà còn giúp đạt được sự vượt trội trong việc vận hành.

Công việc cơ bản của một tư vấn SAP là dựa trên những thực tiễn tốt nhất theo ngành, lĩnh vực để đưa vào trong doanh nghiệp và bổ sung thêm các giá trị theo đặc thù của các doanh nghiệp tương ứng. Các yếu tố chính và quan trọng nhất để xác định sự thành công của một người làm tư vấn SAP ERP là sự hiểu biết về các quy trình kinh doanh trong doanh nghiệp. Điều quan trọng đối với người làm tư vấn SAP ERP là hiểu rõ các quy trình cụ thể và làm thế nào để các chức năng, nghiệp vụ, quy trình liên kết và tích hợp được với nhau.

Có hai nhóm tư vấn chính trong việc triển khai hệ thống ERP của SAP là tư vấn nghiệp vụ (Functional Consultant) và tư vấn công nghệ (Technical Consultant). Nhóm tư vấn nghiệp vụ tương tác chặt chẽ với khách hàng để nghiên cứu và nắm được quy trình, tìm ra cái mấu chốt của doanh nghiệp và đối chiếu với các yêu cầu từ phía khách hàng. Họ sắp xếp tất cả các khía cạnh với nhau và thực hiện phân tích GAP (một phương pháp và công cụ phân tích về hiệu quả trong doanh nghiệp) và chuẩn bị làm theo mô hình AS/IS TO BE (một mô hình phân tích và mô phỏng hay được dùng trong lĩnh vực ERP) để phù hợp với các yêu cầu kinh doanh.

Sau khi nhóm tư vấn nghiệp vụ thực hiên xong các bước trên và khách hàng phê duyệt mô hình thiết kế mới, họ sẽ làm việc với nhóm tư vấn công nghệ về việc phát triển và tuỳ biến các module để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Quá trình này được gọi là quá trình chuyển giao kiến thức và thông qua quá trình này các tư vấn nghiệp vụ sẽ giúp các tư vấn công nghệ thiết kế lộ trình phát triển. Các tư vấn nghiệp vụ thì tuỳ biến các gói theo từng module trong SAP để phù hợp với yêu cầu kinh doanh của khách hàng trong khi các tư vấn công nghệ thì thực hiện công đoạn lập trình, viết mã và chuyển đổi dữ liệu.

Có rất nhiều module trong SAP như SD – bán hàng và phân phối, FI – Tài chính kế toán, CO – kiểm soát, CRM – quản trị quan hệ khách hàng, MM – quản lý nguyên vật liệu, HR – nhân sự,…các module này tương ứng với hầu hết các nghiệp vụ trong phần lớn các lĩnh vực chủ yếu của các doanh nghiệp. Các tư vấn làm việc trong cùng module hay trong các module khác nhau để đảm bảo việc tích hợp các quy trình đương trơn tru, thông suốt.

Nghề tư vấn SAP ERP là một sự lựa chọn lớn, tiềm năng và ngày càng có nhu cầu lớn. Sự phát triển của thị trường ngày càng lớn đồng nghĩa với việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt và doanh nghiệp cũng ngày một tăng trưởng và lớn hơn do đó công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp ngày các khó khăn, phức tạp và ERP chính là một xu hướng tất yếu và là một công cụ đắc lực để các nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp sử dụng để ra tăng hiệu quả quản lý và tạo ưu thế cạnh tranh.

Ngoài kiến thức về quy trình, nghiệp vụ kinh doanh, các tư vấn SAP còn phải có kiến thức và hiểu biết về gói phần mềm trong ERP. SAP là một sản phẩm rất linh hoạt và được thị trường đánh giá rất cao và ghi nhận từ trước tới nay. SAP phát triển rất nhiều giải pháp và khẳng định vị trí số một cho các lĩnh vực công nghiệp chuyên biệt như bán lẻ, xăng dầu,…

Khi đã có đủ kiến thức về chuyên môn và kinh nghiệm thực tế từ các dự án, các tư vấn sẽ trở thành các chuyên gia tư vấn SAP ERP. Lúc này công việc của các chuyên gia tư vấn sẽ ở cấp độ cao hơn như tư vấn cho doanh nghiệp theo nhu cầu phát triển và thay đổi hoạt động kinh doanh ở giai đoạn cuối và giúp doanh nghiệp phát triển giải pháp, cập nhật và các công việc liên quan. Trong trường hợp có một quy trình kinh doanh hoặc một tình huống cụ thể mà có thể không xử lý được với các tính năng hiện có của SAP thì chuyên gia sẽ đề nghị doanh nghiệp về việc phát triển các sản phẩm đi kèm (add-on) để giải quyết những vấn đề đó.

Mặc dù thị trường SAP có vẻ “hồng hào” và đầy hứa hẹn, nhưng có những thời điểm lĩnh vực này cũng khá khó khăn cũng như nghề tư vấn SAP ERP. Do đó để trở thành một tư vấn hay một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này đòi hỏi bạn phải tìm hiểu rõ các thông tin cần thiết về nghề, về lĩnh vực và những đặc thù, thuận lợi, khó khăn. Chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết, đầu tư thời gian và thậm chí là tiền bạc để học tập và nghiên cứu và tìm cho mình một môi trường để học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm và thêm vào đó là sự nhiệt huyết và say mê với nghề nghiệp và công việc.

Văn hóa học hỏi tại doanh nghiệp: Phải thay đổi!

Từ nhiều năm qua, các chuyên gia về đào tạo và phát triển đã cho rằng việc đào tạo và học hỏi trong doanh nghiệp sẽ có sự thay đổi lớn.

Josh Bersin – người sáng lập Bersin by Deloitte – dự báo từ hồi đầu năm rằng năm 2015 này “việc học hỏi trong nội bộ doanh nghiệp sẽ thay đổi và trở nên quan trọng hơn trước”. Bersin đã tập trung vào các xu hướng định hình lại nghề quản lý nguồn nhân lực và nêu ra 9 dự báo, theo đó, chính giới làm nhân sự đang góp phần làm mới việc đào tạo và học hỏi trong doanh nghiệp.

Các nghiên cứu dựa vào kết quả của hai trường đại học là MIT (Mỹ) và Oxford (Anh) cho thấy đang có sự gia tăng việc chuyên biệt hóa các kỹ năng ở các vị trí công việc do sự tác động ngoạn mục của kinh tế toàn cầu. Xu hướng này đang làm thay đổi cung cách làm việc hiện nay. Nghiên cứu từ Oxford kết luận là hơn phân nửa số vị trí công việc ngày nay có thể bị loại bỏ trong 10 năm tới.

Bersin ghi nhận: “Những công việc trong lĩnh vực kế toán, pháp luật và dịch vụ và hầu hết việc ở phạm vi công sở đang bị đe dọa sẽ bị loại bỏ hoặc thay đổi tận gốc do sự phát triển của công nghệ”.

Bên cạnh việc công nghệ đang làm thay đổi cách đào tạo và học hỏi các kỹ năng làm việc ngày nay thì Bersin cũng dự báo về sự lớn mạnh nhanh chóng của nội dung đào tạo.

Ví dụ ông nêu ra là xu hướng “MOOC” hiện rất đáng chú ý. Chỉ cần tìm kiếm trên Google từ “MOOC”, đã thấy xuất hiện ở khoảng hơn 9 triệu trang web khác nhau có liên quan. Hóa ra, đó là nguồn nội dung đào tạo được tổ chức như là các khóa học mở, trực tuyến, được xem như các khóa học đại trà, bắt đầu từ các giáo sư của Đại học Stanford (Mỹ), thu hút hàng trăm nghìn người tham dự trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, Bersin cũng dự báo về sự xuất hiện của một thị trường mới là thị trường nội dung đào tạo, mà Udemy và OpenSesame là những ví dụ.

Kết luận của Bersin như một lời tư vấn gửi đến những người phụ trách nhân sự tại doanh nghiệp là hãy tập trung vào tạo dựng một sự trải nghiệm học hỏi toàn diện, bao gồm cả việc tạo ra một văn hóa học hỏi, nhằm tập hợp mọi người lại để đáp ứng yêu cầu của nhau và của lãnh đạo. Đồng thời, hiện đại hóa việc đào tạo thông qua công nghệ số.

Những dự báo về xu hướng đó của Bersin được tạp chí HR Magazine quan tâm chọn quan sát thực tiễn của xu hướng, để thấy đây không thuần túy chỉ là một dự báo suông.

Bill Leonard – một cây bút chuyên về nhân sự của tạp chí SHRM, gần đây đã giới thiệu về thực tiễn của xu hướng được Bersin dự báo qua một bài viết nhan đề “2015: Một chuyển biến quan trọng trong học hỏi của doanh nghiệp”. Bài báo mới tập trung mô tả thực tiễn của xu hướng nói trên ở một công ty tên tuổi của Hà Lan, chứ chưa phải là một khảo sát diện rộng.

Đến nay, mọi việc chỉ mới là bắt đầu. Và còn phải có thêm thời gian để xem những dự báo này ứng nghiệm nhanh đến đâu. Hy vọng là sẽ sớm có những kết luận bổ ích về một đường hướng mới rõ ràng trong tổ chức đào tạo và học hỏi, để từ đó các doanh nghiệp có thể áp dụng hiệu quả nhanh hơn cho mình.

Dù vậy, nhận định của Bersin đến lúc này vẫn có ích cho những đơn vị có ý định đầu tư vào học hỏi và đào tạo trong doanh nghiệp và năm 2015 đã đánh dấu sự bắt đầu hiện thực hóa xu hướng trên.„

Câu chuyện đóng thuế thời thế giới phẳng

Sự phát triển của công nghệ luôn đi nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ ra đời của các luật định, nhất là trong vấn đề thuế.

Sự chênh lệch đó có thể được dễ dàng nhận thấy từ việc Google, Facebook kiếm hàng trăm triệu USD mỗi năm từ Việt Nam nhưng chưa nộp thuế, cho đến chuyện người Việt kiếm tiền từ các quốc gia khác thông qua internet cũng không đóng thuế.

Với sự hiện hữu của Visa, MasterCard hay Paypal, việc thanh toán không biên giới diễn ra trong tích tắc. Một người ngồi ở Việt Nam có thể mua hàng ở Singapore và trả tiền qua thẻ thanh toán quốc tế. Tùy mặt hàng mà người bán sẽ nộp thuế cho nước sở tại hoặc không, nhưng chắc chắn là họ sẽ thu lợi nhuận từ Việt Nam nhưng không đóng thuế cho Việt Nam. Trong khi đó, các đơn vị trung gian thanh toán ít ra cũng được vài phần trăm phí dịch vụ.

Tương tự, câu chuyện muôn thuở mà Việt Nam vẫn chưa tìm ra lời giải là việc Google và Facebook thu từ đất nước chúng ta hàng trăm triệu USD mỗi năm, nhưng cũng không chi một đồng tiền thuế nào.

Ngược lại, cũng có một số hình thức kinh doanh mà người Việt kiếm tiền từ các đơn vị khác trên các quốc gia khác, nhưng cũng không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Đơn cử là dịch vụ quảng cáo Google AdSense.

Ví dụ, cá nhân hoặc tổ chức có website hay video đăng tải lên YouTube có lượt truy cập cao sẽ có thể đặt quảng cáo của Google AdSense để kiếm tiền từ đó. Hằng tháng, Google sẽ trả tiền cho các nhà phát hành nội dung này. Hiện không có thống kê số tiền Google chi ra cho tất cả các nhà phát hành nội dung tại Việt Nam, nhưng chắc chắn con số đó là không nhỏ vì chúng ta có công thức để tính.

Cụ thể, một trang web tin tức có lưu lượng truy cập khoảng 42 triệu lượt xem/tháng thì sinh ra doanh thu 2.000 USD/tháng từ AdSense. Vào ngày 20 tháng kế tiếp, Google sẽ phát hành lệnh thanh toán. Nhà phát hành nội dung có thể khai báo để nhận trực tiếp bằng tài khoản ngân hàng tại Việt Nam, hoặc chọn nhận qua Western Union. Khi đó, Google sẽ phát hành séc và nhà phát hành chỉ việc cầm séc ra ngân hàng nhận tiền. Với cả 2 hình thức trên, nhà phát hành đều không bị thu một đồng tiền thuế thu nhập nào.

Cùng kịch bản với những câu chuyện kể trên, nhưng cha đẻ của Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông, vừa phải đóng 1,4 tỉ đồng tiền thuế tại Việt Nam. Với doanh thu đã nhận từ trò chơi này, có khả năng anh phải đóng số tiền thuế lên đến 10 tỉ đồng. Doanh thu Flappy Bird là từ AdMob, một dịch vụ quảng cáo của Google, tương tự như AdSense nhưng chuyên biệt cho phần mềm di động.

Có thu nhập thì phải đóng thuế, nhưng có vẻ con số 10 tỉ đồng là cái giá phải trả cho sự nổi tiếng của Flappy Bird. Vì nếu “im hơi lặng tiếng” như bao nhiêu nhà phát hành khác, sẽ chẳng ai biết Nguyễn Hà Ðông để đánh thuế.

Thậm chí, đến đơn vị lớn như Lazada cũng kinh doanh sản phẩm mà theo họ quảng cáo trên website là hàng nhập khẩu, còn mọi người quen gọi là hàng xách tay. Những sản phẩm này không nhập khẩu chính ngạch nên cũng sẽ không phải đóng thuế cho Việt Nam, nhất là khi đa số khách mua hàng là cá nhân nên không yêu cầu xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Còn nếu có ai đó yêu cầu, Lazada sẽ xoay bằng cách thương lượng với người mua nhận hóa đơn xuất cho mặt hàng khác, miễn sao đúng với số tiền họ mua. Ðã có tình huống Lazada gom nhiều hóa đơn điện thoại Nokia để xuất cho khách mua iPhone cần hóa đơn để nộp cho công ty.

Đồng tiền đi liền khúc ruột. Cá nhân và doanh nghiệp sẽ chỉ trả tiền thuế cho những khoản bắt buộc có thể hiện và ràng buộc bằng luật. Còn nếu muốn họ tự giác thực hiện nghĩa vụ, họ sẽ yêu cầu được đối xử công bằng. Nghĩa là ai kiếm tiền từ Việt Nam cũng phải đóng thuế cho Việt Nam. Quan trọng hơn, tiền thuế ấy cần được sử dụng đúng mục đích.

BIDV khó trở thành cổ đông chiến lược của ACV

Chiếu theo những tiêu chí về nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã được Bộ GTVT phê duyệt thì Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khó có thể trở thành cổ đông chiến lược của ACV.

Tính đến thời điểm này, chỉ có hai công ty là Tập đoàn Aeroport de Paris (ADP) của Pháp và Ngân hàng BIDV đã gửi văn bản đề nghị làm cổ đông chiến lược tại ACV. Tập đoàn ADP đề nghị mua toàn bộ số cổ phần bán ra tại đây (20% cổ phần – NV), còn BIDV đề nghị mua 5% cổ phần.

Theo tiêu chí đã được Bộ GTVT phê duyệt mới đây thì muốn đăng ký mua cổ phần tại ACV với tư cách nhà đầu tư chiến lược, cổ đông phải đáp ứng một trong số ba điều kiện sau:

(1) Nếu nhà đầu tư là doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực cảng hàng không thì phải có doanh thu tối thiểu hàng năm là 1,5 tỉ đô la Mỹ, hiện đang vận hành khai thác 10 cảng hàng không. Ngoài ra, báo cáo tài chính của doanh nghiệp năm 2014 không có lỗ lũy kế, lợi nhuận năm 2014 tối thiểu 10% doanh thu. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp không thấp hơn 2 tỉ đô la Mỹ hoặc tương đương.

(2) Nếu nhà đầu tư là tổ chức tài chính thì phải có vốn chủ sở hữu hết năm 2014 không thấp hơn 5 tỉ đô la Mỹ hoặc tương đương. Báo cáo tài chính năm 2014 không lỗ lũy kế và và lợi nhuận năm 2014 tối thiểu bằng 5% doanh thu.

(3) Nếu nhà đầu tư không thuộc hai trường hợp nêu trên thì có thể là doanh nghiệp được thành lập dưới hình thức tổ hợp các nhà đầu tư liên doanh với nhau (tối đa là 3 nhà đầu tư tổ chức thành một tổ hợp). Trong tổ hợp này có thể có các nhà đầu tư kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau song ít nhất phải có một nhà đầu tư là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực quản lý khai thác cảng hàng không với quyền quản lý khai thác hoặc được thuê để quản lý, khai thác 5 sân bay trở lên. Doanh nghiệp hàng không trong tổ hợp này phải có doanh thu năm 2014 tối thiểu 1 tỉ đô la Mỹ và vốn chủ sở hữu tại thời điểm hết năm 2014 không thấp hơn 2 tỉ đô la Mỹ.

Nếu chiểu theo các tiêu chí theo thứ tự nêu trên thì tập đoàn ADP là ứng cử viên số một. ADP đang quản lý vận hành 37 cảng hàng không trên toàn thế giới, trong đó có các sân bay lớn như Charles de Gaulle (Paris, Pháp) và các sân bay tại Nam Mỹ, Châu Âu, Châu Á với doanh thu hàng năm hơn 3 tỉ euro.

Riêng về trường hợp Ngân hàng BIDV, chiếu theo tiêu chí thứ hai thì vốn chủ sở hữu của BIDV hiện nay mới là 34.187 tỉ đồng, tính ra chưa đầy 2 tỉ đô la Mỹ trong khi tiêu chí nhà đầu tư tài chính phải có vốn chủ sở hữu khoảng 5 tỉ đô la Mỹ.

Theo một thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa ACV, nếu BIDV vẫn muốn trở thành đối tác chiến lược tại đây thì phải liên doanh với các nhà đầu tư khác để trở thành tổ hợp nhà đầu tư; sau đó tổ hợp này sẽ tham dự đấu giá (nếu có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia) hoặc mua bán thỏa thuận (nếu chỉ có một nhà đầu tư tham gia).

Chỉ vài ngày nữa, ngày 10-12-2015, ACV sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và giá IPO được xem là một căn cứ để bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

Tuy nhiên, việc chọn cổ đông chiến lược cho một doanh nghiệp lớn như ACV dự kiến sẽ kéo dài vì tính chất phức tạp và quy mô của đợt bán cổ phần. Như trường hợp của Vietnam Airlines chẳng hạn, hơn một năm sau cổ phần hóa, hãng vẫn chưa chọn được, chưa công bố được tên của đối tác chiến lược.

 

 

Thành lập công ty tư vấn: Khi nào, như thế nào? Thành lập công ty tư vấn: Khi nào, như thế nào?

Nếu bạn muốn mở một công ty không đòi hỏi quá nhiều vốn đầu tư ban đầu, nếu bạn có khả năng giúp các doanh nghiệp khác giải quyết những vấn đề của họ thì bạn có thể nghĩ đến việc thành lập một công ty tư vấn.

Nhưng những công việc thực sự của một công ty tư vấn là gì? Và cần làm gì để thành lập nên một công ty tư vấn? Business Know-How có một số gợi ý hữu ích sau đây:

Công ty tư vấn thường làm gì?

Các công ty tư vấn thường được các công ty/tổ chức thuê để:

– Xác định các vấn đề: Đôi khi nhân viên của chính công ty/tổ chức đó đã “sống chung với lũ” quá lâu nên không thể nhìn nhận được vấn đề mình đang mắc phải cũng như giải pháp để giải quyết vấn đề đó.

– Hỗ trợ tạm thời: Nhiều công ty thuê công ty tư vấn để hỗ trợ họ trong một quãng thời gian nhất định thay vì tuyển dụng nhân viên chính thức (việc này có thể tốn nhiều chi phí hơn).

– Mang lại sức sống mới cho một công ty/tổ chức: Công ty tư vấn cũng thường là lựa chọn phù hợp giúp thổi một làn gió mới vào môi trường làm việc của những công ty/tổ chức đã đi vào lối mòn sau một thời gian dài hoạt động.

– Truyền đạt một kỹ năng mới: Đây thường là chức năng chính của các công ty tư vấn lĩnh vực công nghệ. Khách hàng thường nhờ họ hướng dẫn cách thức sử dụng các trang thiết bị mới hoặc các tiện ích công nghệ hiện đại.

Công việc đa dạng đòi hỏi một chuyên gia tư vấn cần phải sở hữu những kỹ năng cần thiết sau đây:

– Lắng nghe: Khi khách hàng nói, nhà tư vấn sẽ lắng nghe. Việc tập trung tối đa vào các vấn đề của khách hàng mới có thể giúp họ tìm ra giải pháp hợp lý.

– Nghiên cứu: Một chuyên gia tư vấn giỏi phải có kỹ năng nghiên cứu tốt để tìm ra những dữ liệu cần thiết nhằm đáp ứng mục tiêu của khách hàng.

– Hành động: Hành động hợp lý hoặc đôi khi phải chấp nhận liều lĩnh để hoàn thành nhiệm vụ là trách nhiệm của nhà tư vấn.

Tại sao bạn nên trở thành một chuyên gia tư vấn?

Mặc dù tiền bạc thường là yếu tố quan trọng khiến một người muốn trở thành nhà tư vấn, tuy nhiên, vẫn còn một số lý do khác như:

– Được làm việc cho chính mình: Nếu bạn có ước mơ được trở thành ông/bà chủ của chính mình thì trở thành chuyên gia tư vấn là lựa chọn phù hợp, vì với nghề này, bạn chỉ phải chịu trách nhiệm cho sự nghiệp của chính mình chứ không phải của bất kỳ ai khác.

– Bạn sở hữu tài năng giúp hái ra tiền: Bạn là một “chuyên gia” kêu gọi tài trợ, một “phù thủy” máy tính hoặc một bậc thầy marketing? Chỉ cần nhận ra tài năng đặc biệt của mình, bạn sẽ tìm được khách hàng sẵn sàng chi tiền để được bạn tư vấn.

– Bạn tin rằng mình có khả năng tạo ra sự khác biệt: Nhiều người trở thành chuyên gia tư vấn vì thể hiện được sự xuất sắc trong một lĩnh vực cụ thể hơn bất kỳ ai khác trong lĩnh vực đó và luôn tạo ra sự khác biệt, dù là trong một tổ chức kinh doanh hay tổ chức phi lợi nhuận.

Các bước để thành lập công ty tư vấn

– Đánh giá và lựa chọn kỹ năng, sở trường của mình: Để gắn bó với sự nghiệp tư vấn, bạn phải nhận thức rõ về thế mạnh lẫn điểm yếu của mình một cách trung thực. Đặc biệt, đừng bao giờ chọn một chuyên môn tư vấn chỉ vì nó đang “hot” trên thị trường, mà phải chọn đúng lĩnh vực mà bạn có thể tạo ra sự khác biệt.

– Nghiên cứu sâu về lĩnh vực mà mình sẽ tư vấn: Nếu muốn trở thành một chuyên gia tư vấn về máy tính, hãy nghiên cứu cẩn thận tất cả mọi thứ về lĩnh vực máy tính. Ai sẽ sử dụng dịch vụ tư vấn máy tính? Việc tư vấn sẽ mang lại khoảng bao nhiêu tiền? Lĩnh vực này có dễ tìm kiếm khách hàng?…

– Xác định khách hàng mục tiêu: Dù hoạt động trong lĩnh vực nào, bạn cũng phải xác định rõ khách hàng mục tiêu ngay từ đầu. Ví dụ, họ là những công ty/tập đoàn lớn hay các tổ chức phi lợi nhuận, hay chỉ là khách hàng cá nhân?

– Thành lập công ty: Sau khi bạn tin rằng mình đã sẵn sàng, bước cuối cùng cần phải thực hiện là nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết. Đừng xem nhẹ bước này, dù là khi bạn chọn cách đơn giản nhất là làm việc trong chính ngôi nhà mình.

10 lĩnh vực tư vấn tiềm năng

– Kế toán: Mỗi doanh nghiệp đều cần có một đội ngũ kế toán giỏi. Vì thế, nhu cầu tư vấn trong lĩnh vực này rất lớn.

– Quảng cáo: Giá quảng cáo ngày càng đắt đỏ nên nhiều công ty mong muốn có thể đầu tư tiền sao cho hiệu quả nhất trong việc quảng bá thương hiệu/sản phẩm/dịch vụ.

– Hướng nghiệp: Nhu cầu tư vấn hướng nghiệp nảy sinh từ thực trạng ngày càng nhiều nhân viên bị sa thải vì nhiều doanh nghiệp muốn thu hẹp quy mô hoạt động.

– Máy tính: Từ phần mềm đến phần cứng và rất nhiều kiến thức/kỹ năng khác có liên quan đến máy tính là nhu cầu của rất nhiều công ty/tổ chức. Nếu là bậc thầy trong lĩnh vực này, bạn sẽ không cần phải lo lắng nhiều đến việc tìm kiếm khách hàng.

– Tìm kiếm nhân sự cấp cao: Mặc dù xu hướng hiện nay là tinh giản bộ máy quản lý, các công ty tư vấn về “săn đầu người” vẫn luôn ăn nên làm ra.

– Nguồn nhân lực: Miễn là doanh nghiệp/tổ chức còn gặp vấn đề về con người, lĩnh vực tư vấn này sẽ còn được săn đón.

– Quan hệ công chúng (PR): Gần như doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu xây dựng quan hệ hợp tác tốt với các cơ quan truyền thông, báo chí.

– Quản lý: Nếu bạn có khả năng giúp một doanh nghiệp quản lý việc kinh doanh và giải quyết các vấn đề khó khăn của họ, họ sẽ tìm mọi cách để có được sự tư vấn của bạn.

– Bảo hiểm: Mọi công ty đều cần mua bảo hiểm, và nếu đây là chuyên môn của bạn, hãy tận dụng nó.

– Giáo dục: Lĩnh vực này luôn có nhu cầu khá lớn, chẳng hạn như nhiều bậc phụ huynh muốn được tư vấn để tìm học bổng phù hợp cho con em hoặc các trường học cũng muốn được tư vấn để cắt giảm chi phí hợp lý.