Monthly Archives: August 2016

Vì sao người lao động muốn làm thêm?

Theo khảo sát của JobStreet.com Việt Nam, có đến 43% người lao động cho biết họ vẫn phải làm việc trong các kỳ nghỉ lễ, nghỉ phép. Điều này dẫn đến việc có trên 60% người lao động cảm thấy áp lực nặng nề khi phải làm việc ngoài giờ.

Để tìm hiểu rõ về việc người lao động có đang quá tải với công việc hay không, đồng thời đưa ra giải pháp phù hợp để doanh nghiệp thu hút và giữ nhân tài, trong tháng 7/2016, mạng việc làm JobStreet.com Việt Nam thực hiện khảo sát trên gần 5.500 người lao động về thời gian làm việc hàng ngày, sự can thiệp của công việc vào đời sống cá nhân, khối lượng công việc cũng như những chính sách mà họ đang nhận được để đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Kết quả khảo sát cho thấy, có trên 57% người lao động cho rằng họ đang không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trong khi có trên 63% người lao động dưới 1 năm kinh nghiệm không cân bằng được công việc và cuộc sống thì chỉ có khoảng 51% người lao động ở cấp độ quản lý rơi vào tình trạng tương tự. Điều này cho thấy, số năm kinh nghiệm càng tăng, tỷ lệ người lao động không cân bằng được giữa công việc và cuộc sống càng giảm.

Cũng theo kết quả khảo sát, chỉ 11% người lao động cho biết họ không làm thêm giờ nhưng có đến 34,4% phải làm thêm từ 2 – 5 tiếng/ngày. Nói về nguyên do phải làm thêm giờ, chỉ 20% người lao động cho biết họ tự nguyện để nâng cao trình độ, còn lại là do quá tải (32,7%), để kiếm thêm thu nhập (26%) hoặc theo yêu cầu của sếp (20,5%).

Việc không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng được phản ánh qua thời gian người lao động dành cho gia đình và bạn bè. Theo khảo sát, thời gian người lao động dành riêng cho bản thân và các hoạt động với gia đình, bạn bè ở mức khá thấp. Có đến 33% người lao động cho biết họ chỉ có thời gian dành cho gia đình, bạn bè và bản thân vào cuối tuần, 29% dành dưới 3 giờ mỗi ngày cho các hoạt động, sở thích cá nhân và 11% bị công việc chiếm hoàn toàn thời gian trong ngày.

Khi được yêu cầu chọn giữa tìm cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống hay chấp nhận làm thêm giờ để “rộng đường” phát triển sự nghiệp cũng như tăng thêm thu nhập bản thân, có đến gần 50% người lao động chấp nhận làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập, 24% chọn làm thêm giờ để có cơ hội thăng tiến trong tương lai, và 23% cho biết sẽ không làm việc thêm giờ để dành thời gian cho bản thân và gia đình.

Dù nhiều người lao động chọn việc làm thêm giờ để cải thiện thu nhập, khảo sát của JobStreet.com Việt Nam cũng cho thấy có gần 47% không được trả lương ngoài giờ kể cả khi họ làm những công việc mà sếp yêu cầu, 22% cho biết chỉ được trả lương ngoài giờ khi sếp có yêu cầu hoàn thành công việc.

Theo các chia sẻ của doanh nghiệp với JobStreet.com Việt Nam, tỷ lệ nhảy việc cao, khó thu hút ứng viên tài năng là các vấn đề mà họ đang phải đối mặt. Những khảo sát trong thời gian gần đây cũng cho thấy một số lượng lớn người lao động đang không hài lòng với công việc hiện tại và sẵn sàng chuyển việc khi tìm được cơ hội tốt hơn.

Trong đó, doanh nghiệp hiện vẫn thiếu các chính sách hỗ trợ nhân viên để họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chỉ 12% người lao động cho biết văn hóa của công ty khuyến khích họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống. 24% cho rằng công ty có chính sách nhưng chưa thực hiện tốt, và có đến 59% nhận định công ty chỉ chú trọng đến kết quả công việc và không có chính sách hỗ trợ nhân viên.

Với mặt bằng thu nhập chung còn thấp so với khu vực và tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, việc cân bằng giữa quyền lợi doanh nghiệp và người lao động vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, các “yếu tố mềm” như đảm bảo con đường sự nghiệp cũng như sự quan tâm đến đời sống tinh thần cho người lao động sẽ là yếu tố giúp doanh nghiệp thu hút và giữ nhân tài trong thời gian tới.

Xúc xích Đức Việt “bán mình” với giá 32 triệu USD?

Trang tin Dealstreetasia thông tin, Tập đoàn thực phẩm Daesang Corp (Hàn Quốc) sẽ mở rộng hoạt động của mình trong lĩnh vực chế biến thịt tại Việt Nam bằng cách tiến hành thâu tóm CTCP Thực phẩm Đức Việt.

Mới đây, Dealstreetasia (Singapore) đưa tin, Tập đoàn thực phẩm Daesang Corp (Hàn Quốc) sẽ mở rộng hoạt động của mình trong lĩnh vực chế biến thịt tại Việt Nam bằng cách tiến hành thâu tóm CTCP Thực phẩm Đức Việt, một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực chế biến xúc xích tươi với mức giá 32 triệu USD, tương đương khoảng 770 tỷ đồng.

Như vậy, với giá trị thương vụ như trên, Deasang đang định giá mỗi cổ phần của công ty này vào khoảng 2,46 USD, tương đương khoảng 55.000 đồng.

Tờ Dealstreetasia cũng dẫn báo cáo của Deasang cho biết, Đức Việt có tổng tài sản 16 tỷ won (khoảng 320 tỷ đồng) và nợ phải trả 7 tỷ won (khoảng 140 tỷ đồng). Năm ngoái, Đức Việt đạt doanh thu 31 tỷ won (hơn 600 tỷ đồng) và lợi nhuận thu về là 2 tỷ won (40 tỷ đồng).

Cũng theo nguồn tin này, Tập đoàn đến từ Hàn Quốc sẽ hoàn tất việc mua lại 99,99% cổ phần Công ty thực phẩm Đức Việt vào ngày 5/8.

Phản hồi về thông tin nêu trên, sáng 28/7, đại diện CTCP Thực phẩm Đức Việt cho biết, hiện tại công ty mới đang trong quá trình đàm phán và chưa có quyết định cuối cùng. “Khi có thông tin chính thức, Công ty Đức Việt sẽ gửi các cơ quan báo chí sau”, đại diện CTCP Thực phẩm Đức Việt cho hay.

CTCP Thực phẩm Đức Việt được thành lập năm 2000, hiện vốn điều lệ công ty đạt 130 tỷ đồng và theo danh sách cổ đông được cập nhật tới tháng 5/2016, ông Mai Huy Tân là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 28,62%.

Tính đến thời điểm này, Daesang có 3 nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, Miwon là một thương hiệu do Daesang sở hữu. Daesang cho biết, việc thâu tóm Đức Việt sẽ giúp công ty củng cố thị phần trong lĩnh vực chế biến thịt, xúc xích đầy tiềm năng.

Cạnh tranh khốc liệt từ hàng tiêu dùng nhanh

Hiện thị trường tiêu dùng VN đang là đích ngắm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, do đó nhận biết được các lợi thế sẽ giúp doanh nghiệp VN nâng cao sức cạnh tranh của mình.

Trong khi nhiều doanh nghiệp chật vật để trụ vững tăng trưởng hoặc chặn đà giảm tiêu thụ hàng hóa thì không ít nhãn hiệu ngành hàng tiêu dùng nhanh đã tăng tốc đạt kết quả khá ấn tượng với sản lượng lẫn doanh số bán ra tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2016.

Sự biến đổi liên tục của thị trường đã tạo ra nhiều thách thức cho nhà sản xuất nhưng cũng là cơ hội để những doanh nghiệp nắm bắt tối đa hóa lợi nhuận, thay đổi cục diện thị phần.

Tăng trở lại

Theo đánh giá mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, sau một thời gian dài liên tục giảm, khoảng hai tháng gần đây thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của VN ở nông thôn lẫn thành thị đã tăng trưởng trở lại dù mức tăng còn khiêm tốn, chỉ khoảng 4-5%.

Tuy nhiên, đáng chú ý có không ít thương hiệu đạt tăng trưởng mạnh lên vài chục phần trăm.

Người tiêu dùng chọn mua mì gói tại một siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương.

Trong rổ hàng thực phẩm đóng gói, mì gói là ngành hàng cạnh tranh sôi động nhất. Theo Kantar Worldpanel, thị trường mì gói trị giá 5.000 tỉ đồng của VN đang chứng kiến những sự thay đổi đáng kể trong phân chia thị phần giữa các thương hiệu.

Đặc biệt, thời gian qua thị trường chứng kiến thương hiệu mì gói “3 Miền” của Công ty Uniben (H.Hóc Môn, TP.HCM) tăng trưởng đến hai con số, riêng doanh thu quý 2-2016 tăng 16% và khối lượng tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Vẫn theo báo cáo mới nhất của Kantar Worldpanel, mì “3 Miền” là nhãn hiệu mì gói được chọn mua nhiều nhất ở khu vực nông thôn VN.

Không chỉ mặt hàng mì gói, những ngày giữa tháng 7-2016, các cổ đông của một số cổ phiếu ngành bột giặt đang niêm yết trên thị trường chứng khoán VN như bột giặt Net, bột giặt Lix, bột giặt Đức Giang (DGC)… cũng khá phấn khởi trước thông tin chốt quyền trả cổ tức, thưởng cổ phiếu của các doanh nghiệp này.

Cụ thể, bột giặt NET sẽ chi ra gần 48 tỉ đồng để trả cổ tức trong đợt trả thưởng tới đây với tỉ lệ 30%/cổ phiếu, tức mỗi cổ phiếu được nhận 3.000 đồng; DGC cũng lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu gần 19%; Lix thưởng cổ phiếu theo tỉ lệ 2:1…

Giá trị cổ phiếu sẽ đánh giá kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, do vậy nếu nhìn vào mặt bằng cổ tức chung của toàn thị trường, mức cổ tức chia như vậy là không hề thấp.

Nằm trong ngành hàng có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, ngành bánh kẹo cũng chứng kiến sự tăng trưởng về doanh thu lẫn lợi nhuận của không ít doanh nghiệp như Công ty bánh kẹo Hải Hà có doanh thu thuần quý 2 tăng 18% lên 145 tỉ đồng, lãi gộp tăng gần 37%, chạm mức 25,7 tỉ đồng.

“Sức hấp dẫn của thị trường hàng tiêu dùng chưa bao giờ hết nóng. So với bối cảnh chung, đây là mức tăng khủng vì thị trường hiện không còn trông chờ vào sự tăng trưởng đạt mức hai chữ số nữa.”

Ông Nguyễn Huy Hoàng
Giám đốc phát triển kinh doanh Kantar Worldpanel

Ông Nguyễn Huy Hoàng, giám đốc phát triển kinh doanh Kantar Worldpanel, cho biết việc một vài nhãn hiệu vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt, thu hút thêm nhiều người mua hàng, chia lại ngôi vị thị phần trong bối cảnh thị trường chung chững lại hoặc giảm cho thấy nỗ lực bứt phá của các doanh nghiệp, đặc biệt ở thị trường nông thôn.

Chìa khóa đổi mới sáng tạo

Khảo sát của Kantar Worldpanel nhận định việc tiêu thụ sản phẩm tăng mạnh còn phản ánh khả năng tiếp cận người tiêu dùng của sản phẩm gắn với hệ thống phân phối bám sâu hơn, phủ rộng hơn.

Lý giải về mức tăng trưởng của mì “3 Miền”, ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, giám đốc tiếp thị Công ty Uniben, cho rằng câu chuyện của ngành thực phẩm đóng gói liên quan mật thiết đến việc đáp ứng những nhu cầu mới của người tiêu dùng.

Lâu nay thị trường mì gói được định hình bởi vị chua cay, hay nói cách khác, một thời gian dài hương vị chua cay thống lĩnh thị trường này, các nhà sản xuất thường lấy hương vị chua cay làm chủ đạo để phát triển các sản phẩm khác, trong khi thực tế người tiêu dùng vẫn thích khám phá những hương vị mới. Vấn đề là nhà sản xuất có thể cho ra được những hương vị mới đủ hấp dẫn để thay thế thói quen cũ.

“Các doanh nghiệp muốn lấy lại thị trường thì phải phát triển những hương vị khác với chua cay, những hương vị mà họ tin rằng sẽ ngon hơn như gần đây thị trường đang nổi lên với dòng mì gói hương vị bò bên cạnh tôm, thịt bằm chua cay…” – ông Luân nói thêm.

Theo ông Luân, trong ngành thực phẩm, yếu tố “ngon” thường xuất phát từ sự thân quen, gần gũi, đó là lý do vì sao bộ phận nghiên cứu phát triển của công ty không ngừng tìm tòi những sự tinh tế trong hương vị món ăn truyền thống, chắt lọc ra những hương vị tiêu biểu như sả, ớt hay các loại rau thơm để phát triển đa dạng sản phẩm.

Cạnh tranh khốc liệt

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, đặc thù ngành hàng tiêu dùng nhanh là số lượng doanh nghiệp tham gia khá đông, cạnh tranh vì thế cũng khốc liệt hơn.

Hiện thị trường tiêu dùng VN đang là đích ngắm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, do đó nhận biết được các lợi thế như am hiểu khẩu vị, thói quen địa phương sẽ giúp doanh nghiệp VN nâng cao sức cạnh tranh của mình. Nếu biết cách đáp ứng nhu cầu mới, hiểu được tâm lý người tiêu dùng thì nhà sản xuất hoàn toàn tăng được thị phần.

5 lời khuyên khởi nghiệp của Richard Branson

Tỷ phú tự thân nổi tiếng người Anh với tài sản gần 5 tỷ USD đã chia sẻ trên blog cá nhân những kinh nghiệm dành cho doanh nhân trẻ.

1. Làm việc mình yêu và yêu việc mình làm

Khi bắt đầu kinh doanh, điều quan trọng là phải thử làm mọi việc, để xác định đâu là lĩnh vực mình giỏi nhất và thích làm nhất. Hồi còn đi học, tôi mắc chứng khó đọc, nên học những môn như Toán hay Khoa học rất khổ. Nhưng tôi lại cực kỳ quan tâm đến những chủ đề như văn hóa, âm nhạc hay thời sự (đặc biệt là cuộc chiến tranh tại Việt Nam và Nigeria).

Năm 16 tuổi, tôi bỏ học để mở tạp chí Student, tập trung vào các vấn đề tôi thích nhất. Sự yêu thích với công việc giúp tôi thức thâu đêm và tập trung suốt cả ngày. Nó cũng giúp tôi suy nghĩ tích cực trong những lúc căng thẳng nhất, và sẵn sàng đối mặt với bất kỳ thử thách nào. Chúng ta sử dụng đến 80% thời gian thức hằng ngày để làm việc. Vì thế, làm việc mình yêu và yêu cái mình làm là điều rất quan trọng.

2. Đừng ngại hỏi giúp đỡ

Richard Branson

Richard Branson là ông chủ Virgin Group. Ảnh: Reuters.

Chẳng ai giỏi tất cả mọi việc cả. Một số kỹ năng bạn phải mất hàng năm mới nắm vững được. Trong khi nhiều cái khác bạn chẳng hiểu chút nào. Khi bắt đầu làm Student, tôi đã thử tham gia mọi việc – viết bài, biên tập, quảng cáo, kế toán. Rất nhanh sau đó, tôi nhận ra mình chẳng phù hợp với những việc cần động đến số má tí nào.

Vì thế, tôi tìm đến những người tôi cho là sở hữu những kỹ năng mình thiếu, và đề nghị họ giúp đỡ. Bằng cách đó, tôi đã học được cách chuyển trách nhiệm cho những người làm việc đó tốt hơn mình.

Vì thế, hãy hỏi bản thân rằng: Anh hứng thú nhất với công đoạn nào trong kinh doanh? Bán hàng? Thiết kế? Marketing? Phân phối? Và nếu chưa có điều kiện thuê thêm người, bạn có thể tìm đến các sự kiện kết nối trong khu vực để hỏi ý kiến người có kinh nghiệm, hoặc các doanh nhân khác. Nói chuyện với họ không chỉ giúp bạn vượt qua khó khăn, mà còn khiến bạn thêm tập trung vào công việc.

3. Luôn mang sổ ghi chú

Tôi cực kỳ tin tưởng rằng những người có tham vọng lãnh đạo một công ty phải có thói quen ghi chú. Tôi luôn mang một cuốn sổ theo mình, và là người tích cực ghi chú, lên danh sách. Việc này giúp tôi tập trung vào công việc cần làm và khuyến khích tôi chăm chỉ hơn. Nó còn khiến tôi không bị chần chừ nữa.

Ảnh: Reuters.

Tôi không thể tưởng tượng hôm nay mình sẽ đi đến đâu nếu không kè kè chiếc bút để viết ra các ý tưởng của mình (và của người khác nữa) ngay khi bắt gặp. Một số doanh nghiệp thành công của Virgin Group đã ra đời từ các khoảnh khắc ngẫu nhiên đó.

4. Đi du lịch

Tôi sẽ chẳng được như ngày hôm nay nếu cứ ngồi một chỗ. Tôi chưa bao giờ có văn phòng cả, mà làm việc trên những chuyến đi luôn. Du lịch là cách tốt nhất để hiểu biết về thế giới, biết cái gì bạn yêu thích và cái gì bạn cần thay đổi. Nó là cách tuyệt vời để gặp gỡ mọi người, có được niềm vui và khám phá ra những ý tưởng mới. Hãy đứng lên, đi ra ngoài kia và xem bạn có thể tìm thấy thứ gì.

5. Đừng để tuổi tác làm rào cản

Quan trọng nhất là, đừng bao giờ để người khác nhìn tuổi để phán xét bạn. Những doanh nhân trẻ nhìn thế giới bằng cặp mắt đầy quyết tâm và năng lượng. Rất nhiều ý tưởng vĩ đại của thế giới đều đến từ những người chỉ ở độ tuổi 20 hoặc nhỏ hơn. Và bạn rất có thể là người kế tiếp.

Sức mạnh của Rakuten, Alibaba và Amazon

Ba ông lớn đại diện cho thị trường phương Tây và Đông gặp nhau trong cuộc chiến toàn cầu hóa với những điểm khác biệt ở nền tảng dịch vụ.

Amazon là nền tảng thương mại điện tử số một và đang mong muốn lấn sân từ thị trường châu Mỹ sang các quốc gia, châu lục khác. Tuy nhiên, châu Á không phải là mảnh đất màu mỡ khi Rakuten của Nhật Bản và Alibaba của Trung Quốc đang ăn nên làm ra trên sân nhà của mình.

Theo dự đoán của eMarketer, đến năm 2017, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Trong ngày lễ Độc thân (Single’s Day) năm 2015 tại quốc gia này – đợt giảm giá mua sắm tương tự như dịp Black Friday với các quốc gia phương Tây, doanh thu bán hàng của Alibaba đạt 14,3 tỷ USD.

Rakuten lại được mệnh danh là Amazon Nhật Bản. Năm 2010, CEO Hiroshi Mikitani quyết định sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức với định hướng toàn cầu hóa, tiếp cận các thị trường ngoài lãnh thổ nước Nhật. Công ty cũng thể hiện rõ tham vọng này khi đã bỏ ra hơn 4 tỷ USD cho các thương vụ thâu tóm.

Toàn cầu hóa diễn ra, Amazon sẽ gặp những đối thủ như Rakuten, Alibaba. Câu hỏi đặt ra là mỗi nền tảng bán hàng này có những khác biệt và thế mạnh gì để trở thành người chiến thắng.

Nền tảng mở và một hệ thống khép kín

Ba ông lớn ngành thương mại điện tử được xây dựng với mô hình kinh doanh khác nhau.

Amazon là một hệ thống khép kín và công ty tự quản lý tất cả mọi thứ cho hàng hóa của mình, bao gồm quản trị kho bãi, logistics và dịch vụ khách hàng.

Trong khi đó, Alibaba và Rakuten duy trì hệ thống mở khi những công ty này cung cấp nền tảng mua sắm và phương thức thanh toán còn các bên bán phải tự quản lý hàng tồn kho, logistics và dịch vụ khách hàng của mình.

“Amazon có lợi thế với hệ thống khép kín khi có thể đảm bảo khách hàng luôn có trải nghiệm mua sắm như nhau, dịch vụ khách hàng đạt chất lượng cao; tận dụng lợi thế quy mô, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp, bền vững với người mua sắm”, Bessie Lee, người sáng lập, CEO của công ty tư vấn quản trị đầu tư LinkWithin đánh giá.

Alibaba cung cấp một nền tảng bán hàng và phương thức thanh toán để người mua, bán tự liên hệ với nhau.

Với vụ IPO năm 2014, Alibaba bắt đầu hợp tác với các công ty logistics nước ngoài ở những vùng có tự do thương mại để khiến việc vận chuyển hàng hóa vào quốc gia này trở nên thuận lợi hơn. “Sự thông minh trong chiến lược logistics giúp các nhãn hàng nước ngoài tránh được những rắc rối”, ông Lee cho biết.

Rakuten cũng là một nền tảng thương mại điện tử mở. Nhưng so sánh với Alibaba và Amazon, Rakuten lại xây dựng dựa trên nền tảng sự trung thành của các thành viên và họ sẽ nhận được những lợi ích trực tiếp bằng tiền mặt nhờ vào “siêu điểm thưởng” Rakuten Super Points. Điểm tích lũy này không chỉ có giá trị khi mua hàng online trên trang web công ty mà còn có thể sử dụng khi mua hàng truyền thống và nhiều trải nghiệm khác một cách linh hoạt trong hệ sinh thái hàng loạt dịch vụ khác của Rakuten.

“Mục tiêu của Rakuten trong năm nay là xây dựng một thị trường online phát triển, thông thoáng; giúp người dùng tiếp cận đến các sản phẩm phong phú hơn nhưng chú trọng chăm sóc từng cá nhân với những trải nghiệm riêng biệt”, một phát ngôn viên của Rakuten cho biết.

Thông qua các thương vụ sát nhập và mua lại, Rakuten đang hoạt động ở nhiều thị trường hơn, bao gồm Mỹ, Canada, Brazil và nhiều quốc gia châu Âu khác.

“Ở một số góc độ, Rakuten có phần chuyên nghiệp hơn Alibaba khi liên kết mua sắm online với các khoản đầu tư khác trong hệ sinh thái của mình. Vụ đầu tư vào Viber của Rakuten mang lại tiềm năng thương mại trên mạng xã hội lớn cho công ty trong khi Alibaba không có lợi thế này”, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu chiến lược thị trường China Skinny nhận xét.

Rakuten cũng là một hệ thống mở, nơi người bán phải tự quản lý kho bãi, vận chuyển và chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, hãng lại ghi điểm với chương trình tích điểm có giá trị trong nhiều lĩnh vực nhờ hệ sinh thái đa dạng của mình.

Amazon nên cẩn trọng, nhưng không cần phải lo lắng

Với cả Alibaba và Rakuten, thị trường phương Tây là một thử thách khó nhưng CEO của Aliababa – Jack Ma không hề che giấu tham vọng tiến vào thị trường nước Mỹ. Năm 2014, Alibaba từng hợp tác với mạng mua sắm xã hội New York để thành lập một trang thương mại điện tử mang tên 11 Main. Nhưng tập đoàn này đã bán hết cổ phần của mình một năm sau đó.

Trong khi đó, Rakuten vẫn còn là một cái tên xa lạ với người tiêu dùng Mỹ và Anh.

Trong thời điểm hiện tại, Amazon vẫn là lựa chọn tốt nhất cho các doanh nhân trên toàn thế giới nhờ hệ sinh thái khép kín này. Các nhãn hàng nước ngoài không phải tìm kiếm, gây dựng hệ thống phân phối, logistics còn đội ngũ marketing không phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt như khi là đối tác với Rakuten, Alibaba.