Monthly Archives: August 2016

Chỉ mất 2 tiếng đọc cuốn sách này, bạn sẽ trở thành tay sales cừ khôi

Làm sao để thuyết phục được khách hàng bỏ tiền ra mua sản phẩm của mình. Một câu hỏi không đơn giản.

Allan Pease

Và đó cũng là câu hỏi xuyên suốt trong cuộc đời bất cứ người bán hàng nào. Bán được hàng – một mục tiêu vô cùng quan trọng, là sự sống còn của người bán hàng lẫn doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải người bán hàng nào cũng làm được điều đó.

Quyển sách của tác giả hàng đầu thế giới về ngôn ngữ cơ thể:

Allan Pease sẽ chỉ bạn cách để mở ra một cuộc nói chuyện với khách hàng, từ đó, họ sẽ mở lòng ra và với cả chính bạn, một người bán hàng, việc họ có mua hàng hay không cũng không có quá quan trọng.

Quan trọng là mạng lưới khách hàng của bạn đã được mở rộng và có thể họ sẽ tiếp bạn lần sau, chắc chắn lần này, khả năng mua hàng của họ là rất cao.

Doanh nghiệp nào cũng cần phải bán được hàng mới có lợi nhuận để duy trì công ty cho nên doanh nghiệp nào cũng tuyển người bán hàng, và rất cần người bán hàng giỏi. Với người bán hàng, việc bán hàng không chỉ đảm bảo doanh số của công ty, mà đó còn là việc nuôi sống bản thân và được người khác coi trọng.

Tất nhiên, để trở thành người bán hàng giỏi là không dễ, mà không có công việc nào là dễ cả. Nếu bạn muốn trở thành người bán hàng giỏi thì quyển sách “Câu hỏi là câu trả lời” là cuốn sách được viết ra để dành riêng cho bạn.

Chí tốn 2 giờ đọc sách và kết quả sẽ mang lại nhiều điều bất ngờ!


Allan Pease là tác giả của cuốn sách “Câu hỏi là câu trả lời”

Allan Pease là tác giả của cuốn sách “Câu hỏi là câu trả lời”

Khi còn là cậu bé, ông đã gõ cửa từng nhà để bán từng miếng xốp rửa chén, năm 19 tuổi, Allan Pease bắt đầu bằng việc bán bảo hiểm nhân thọ và sau đó rất thành công.

Trong “Câu hỏi là câu trả lời” không chỉ giúp bạn bán được hàng mà bạn sẽ có được nhiều kỹ năng tuyệt vời như: Hiểu được ý muốn của khách hàng, hay cách để mở một cuộc nói chuyện với khách hàng, những ngôn ngữ cụ thể của cơ thể để tạo ấn tượng tốt với lần đầu gặp cũng như duy trì cuộc nói chuyện…

Khi ấy bạn sẽ là đối tác với khách hàng, chứ không phải là một người bán hàng đang mong chờ sự giúp đỡ hay thương hại của người mua để họ bỏ tiền ra mua món hàng của bạn.

Quyển sách bao gồm 5 phần với nhiều kỹ năng quan trọng:

Phần 1: Bước đầu tiên với năm quy tắc vàng để thành công trong đó có việc gặp gỡ nhiều người hơn, sử dụng luật bình quân và cải thiện hệ số bình quân của bạn.

Phần 2: Làm thế nào để đạt được sự đồng thuận với kỹ thuật bốn chiếc chìa khóa.

Phần 3: Sáy kỹ năng chiến lược để có phần trình bày ấn tượng.

Phần 4: Sáu phương pháp đặc biệt hiệu quả trong việc tạo ấn tượng tốt.

Và phần 5: Ngôn ngữ cử chỉ – Cách đọc mật ngữ cơ thể.

Thông tin về tác giả “Câu Hỏi Là Câu Trả Lời”:

Allan Pease được biết đến như một hiện tượng của thế giới với biết danh là “Ngài ngôn ngữ cơ thể” khi quyển sách Ngôn ngữ cơ thể của ông được xuất bản. Ông viết rất nhiều sách và hầu hết nằm trong danh sách bán chạy nhất.

Các quyển sách của Allan Pease đã được dịch ra hơn 51 thứ tiếng với hơn 25 triệu bản đã được bán tại 100 quốc gia. Không những vậy, chương trình truyền hình của ông cũng được khán giả nồng nhiệt, tính đến nay đã hơn 100 triệu lượt người xem trên toàn thế giới.

Allan Pease còn là một diễn giả nổi tiếng. Ông đã đi hơn 60 quốc gia để nói chuyện về đạo tạo và tư vấn bán hàng cũng như đọc vị đối tác. Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi ấy vẫn còn là trợ lý của thị trưởng thành phố St. Petersburg đã là học trò của ông và còn là một học trò xuất sắc.

Năm 2013, Allan Pease đến Việt Nam để nói về “Đọc vị đối tác trong đàm phán và bán hàng” cho hơn 300 doanh nhân. Thấy được hiểu quả từ buổi hội thảo này, Allan Pease đến Việt Nam lần 2 vào tháng 7 năm 2015 để chia sẽ tuyệt chiêu cho giám đốc bán hàng.

Tăng tốc khởi nghiệp: Hợp tác giữa doanh nghiệp và startups

Gần đây, khi khởi nghiệp ngày càng được sự quan tâm của cộng đồng và Nhà nước, chúng ta bắt đầu nghe nhiều về chuyện doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ khởi nghiệp, ví như các chương trình khởi nghiệp cùng Fbstart từ Facebook hay như Lotte, AIA hỗ trợ văn phòng khởi nghiệp…

Tuy nhiên, dường như tất cả chỉ dừng ở mức hỗ trợ chứ chưa có những hình thức hợp tác chiến lược, hai bên cùng có lợi, từ doanh nghiệp với các công ty khởi nghiệp – startups. Trong bối cảnh như vậy, các bài học hợp tác thông qua mô hình trung tâm tăng tốc khởi nghiệp (Business Accelerator – BA) từ thế giới có thể sẽ là một gợi ý hữu ích cho các Việt Nam.

Vì sao các công ty lớn xây dựng chương trình cho startups?

Trong một khóa học Đổi mới sáng tạo do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức gần đây, ông Amir Gelman, một chuyên gia từ The Junction – một BA nổi tiếng tại Israel – chia sẻ hiện nay trên thế giới có khoảng 200 tập đoàn lớn đã bắt đầu xây dựng BA để hỗ trợ các startups.

Trong số các doanh nghiệp lớn tham gia chương trình này, ngoài những tên tuổi lớn về công nghệ như Microsoft, Samsung, IBM…, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy trong danh sách này còn có cả những tên tuổi tưởng chừng như chẳng mấy liên quan đến hoạt động khởi nghiệp như CocaCola, Unilever.

BA sẽ tuyển chọn các startups phù hợp với tiêu chí do công ty mình đưa ra và cung cấp một chương trình hỗ trợ kéo dài 3-6 tháng, cơ bản gồm đào tạo, tư vấn, kết nối nhằm mục đích giúp các startups tăng tốc, phát triển nhanh nhất có thể. Và chương trình sẽ kết thúc bằng một buổi thuyết trình, thường gọi là Demo Day, để các startups trình bày ý tưởng của mình trước các nhà đầu tư nhằm kêu gọi vốn.

Lấy ví dụ như trường hợp của Microsoft, theo ông Amir, BA của công ty này tuyển các startups hoạt động trong lĩnh vực điện toán đám mây (cloud), internet hoặc ứng dụng di động – những lĩnh vực mà Microsoft có thế mạnh và quan tâm phát triển. Điều đặc biệt, Microsoft chỉ hỗ trợ hoàn toàn mà không yêu cầu quyền đầu tư hoặc sở hữu bất cứ tỷ lệ cổ phần nào trong các startups đó.

Chính điều này giúp BA của Microsoft có thể thu hút những startups giỏi nhất tham gia vào chương trình, Amir giải thích. Việc Micorsoft sở hữu cổ phần trong các startups dễ làm cho các công ty khởi nghiệp có cảm tưởng như mình chịu sự chi phối của gã khổng lồ công nghệ này và từ đó, có thể ảnh hưởng đến việc gọi vốn đầu tư của các startups về sau, ông Amir phân tích thêm.

Dĩ nhiên, đổi lại, Microsoft vẫn có được nhiều lợi ích từ chương trình BA và không phải ngẫu nhiên mà hiện nay Micorsoft đã có 7 BA trên toàn thế giới để hỗ trợ khởi nghiệp. Qua các startups, Microsoft xây dựng cho mình một hình ảnh gần gũi trong giới khởi nghiệp; cập nhật và nắm được nắm được xu hướng phát triển của thị trường. Trong thời đại công nghệ ngày nay, đây là một yếu tố rất quan trọng.

Nói rộng ra, theo Amir, việc xây dựng BA hay những chương trình tương tự khác hỗ trợ startups sẽ giúp các doanh nghiệp lớn đạt được năm lợi ích cơ bản sau: i. Giúp doanh nghiệp nắm được sự chuyển biến trong thị trường và duy trì tính cạnh tranh; ii. xây dựng hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp; iii. Xác định được nỗi đau của khách hàng (customer pains): thường các startups năng động hơn và làm tốt điều này hơn các doanh nghiệp lớn, vốn dễ giảm/mất đi tính linh hoạt do tổ chức ngày càng cồng kềnh; iv. Làm mới tinh thần doanh nhân cho nhân viên: khi các nhân viên và cấp quản lý của doanh nghiệp làm việc cùng startups, họ được tiếp xúc với một văn hóa khởi nghiệp đầy đam mê, khám phá những phương pháp làm việc mới cũng như bắt đầu sủ dụng những công cụ mới trong công việc hàng ngày của họ; v. Thử nghiệm chính những công nghệ mới từ các startups mà không phải tốn chi phí xây dựng và sử dụng.

Để xây dựng một BA thành công, một nguyên tắc quan trọng cần nhớ đó là “luôn vì startup trước, doanh nghiệp sau. Sự thành công của startups sẽ tự động mang lại những lợi cho doanh nghiệp”, ông Amir đưa ra lời khuyên.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp nhỏ?

Những lợi ích mà một BA mang lại cho doanh nghiệp là điều không phải bàn cãi, thế nhưng không hẳn lúc nào doanh nghiệp cũng có thể xây dựng được một BA cho riêng mình, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ như tại Việt Nam.

Để khắc phục tình hướng này, có hai giải pháp mà doanh nghiệp có thể nghĩ đến.

Cách thứ nhất, doanh nghiệp có thể tài trợ các BA do các quỹ đầu tư hoặc cơ quan nhà nước lập ra. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tham gia trong vai trò tư vấn và trực tiếp làm việc cùng các startups trong BA. Amir chia sẻ, trung tâm tăng tốc khởi nghiệp The Junction nơi anh làm việc thu hút được sự cộng tác của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ, trong số đó có cả SAP, một công ty lớn có trụ sở ở Đức, chuyên cung cấp phần mềm trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và quản lý khách hàng.

Cách thứ hai, đơn giản hơn là theo dõi thông tin hoạt động từ các BA để biết và tham dự Demo Day, nơi các startups – sau giai đoạn tăng tốc, sẽ trình bày dự án của mình để kêu gọi đầu tư.

Hiện, tại Việt Nam, mô hình trung tâm tăng tốc khởi nghiệp chưa nhiều và nổi bật nhất là BA do đề án Vietnam Silicon Valey trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Tuy vậy, các ngày Demo Day hay các buổi Pitching (Thuyết trình gọi vốn trước nhà đầu tư) vẫn được tổ chức khá thường xuyên từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như SECO EP, Viet Youth Entrepreneurs, Startup Vietnam Foundation; không gian làm việc chung DreamPlex …

Một phương pháp đánh giá startups

Thường, chúng ta quen nghe rằng khi đánh giá một startup, các nhà đầu tư quan tâm đến các yếu tố rất chung chung như thành viên sáng lập, độ lớn thị trường, giải pháp… Thế nhưng các thông tin như yếu tố nào quan trọng nhất, trọng số đánh giá như thế nào… vẫn chưa được đề cập nhiều.

Trong phần chia sẻ của mình, Amir đưa ra một bảng đánh giá đúc kết từ kinh nghiệm của anh ít nhiều làm các học viên ngạc nhiên. Khi đánh giá một startup, vị chuyên gia Israel quan tâm đến 5 yếu tố được đánh giá theo thang điểm 10 và sắp xếp theo tính quan trọng như sau:

1. Trực giác về startup. Trọng số: 5.

2. Kinh nghiệm và khả năng của các thành viên sáng lập. Trọng số 4.

3. Độ lớn thị trường. Trọng số 3.

4. Giải pháp/Sản phẩm. Trọng số 2.

5. Traction –  tạm dịch: Kết quả startup đạt được. Trọng số 1.

Các startups có điểm từ 80 trở lên sẽ được chọn. Tuy vậy, theo Amir, vẫn có trường hợp ngoại lệ nếu trực giác mách bảo bạn rằng đây là một đội với các thành viên sáng lập tốt đáng để đầu tư. Từ kinh nghiệm của mình, Amir nhìn nhận việc đánh giá một startup ở giai đoạn ban đầu thiên về nghệ thuật nhiều hơn là khoa học.

Xin lưu ý, phương pháp Amir đưa ra chỉ là một gợi ý, nó có thể đúng với người này nhưng chưa hẳn hợp với người khác.

 

Khởi nghiệp không đẹp như mơ!

Để phác thảo chân dung một người trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, người ta thường hình dung những gì?

Phải chăng đó là một chàng trai trắng trẻo, con nhà khá giả, đi du học nước ngoài, được vây quanh bởi những “đồ chơi” công nghệ cao, nói tiếng Anh như gió, có tài thuyết phục người đối diện và tự làm sang bằng những câu chuyện thất bại trong quá khứ? Đem điều này đi hỏi một số người sáng lập startup công nghệ có đôi chút thành công thì hóa ra không phải. Những người khởi nghiệp – họ từng thất bại, đang chịu nhiều sức ép và phải đối mặt với thất bại kế tiếp. Trương Phi Cường, CEO (giám đốc điều hành) của Utimai về ứng dụng kết nối các đầu mối công việc, cho biết: “Còn không có thời gian cho những nhu cầu tối thiểu của bản thân thì lấy đâu ra thời giờ để chải chuốt”.

Nuôi hy vọng bằng… đi hai chân

Cường không có điều kiện đi du học, bỏ đại học sau năm đầu và đã trải qua nhiều công việc như môi giới tuyển dụng, bất động sản, sàn vàng, thậm chí bỏ cả một dự án về tế bào gốc để tất bật với Utimai.

Cường cho biết để nuôi dự án khởi nghiệp, anh đã bỏ ra gần 2 tỉ đồng tiền tiết kiệm được sau hơn 10 năm làm việc và có một nhà đầu tư cá nhân góp thêm 300 triệu đồng. Trong khi triển khai kế hoạch phát triển cộng đồng người dùng Utimai, gọi vốn đầu tư tiếp thị cho Utimai, Cường vẫn nhận việc “outsourcing” để nuôi đội ngũ.

Bùi Thành Công, CEO của Vocab – ứng dụng mạng xã hội học từ vựng đa ngôn ngữ đầu tiên ở Việt Nam, khởi nghiệp từ Hà Nội. Cũng như Trương Phi Cường, “để nuôi Vocab – giấc mơ về một doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ công nghệ, công ty vẫn làm các việc khác liên quan đến công nghệ, kỹ thuật số, phần mềm…”, Công cho biết.

“Hơn 50% startup công nghệ ở Việt Nam phải đi hai chân như vậy. Nếu không tập trung toàn lực cho startup thì rất dễ thất bại, nhưng nếu không đi hai chân thì không có nguồn tài chính để duy trì startup!”, Hồ Đức Hoàn, CEO của startup EBIV, một công cụ để khách hàng đánh giá các thương hiệu thuộc mọi lĩnh vực, cho biết.

Bùi Tú Thanh là một trường hợp khác nữa. Với vẻ ngoài xinh đẹp, phong thái sang trọng, thoạt nhìn qua, ai cũng nghĩ Thanh là một tiểu tư khuê các, hiện đại, từng đi du học nước ngoài. Nhưng sự thực là Thanh chưa từng du học bao giờ. Sinh ra và lớn lên ở Gia Lai, tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, Thanh vào làm cho một công ty nước ngoài chuyên về game và tích lũy được một số vốn cũng như kinh nghiệm. Thanh cùng chị em gái của mình thành lập IPI Corporation chuyên phát triển ứng dụng mobile và nội dung Youtube cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Cô cho biết: “Tôi may mắn có người cha khuyến khích các con gái say mê công nghệ, chứ ngoài ra, gia đình không có điều kiện để hỗ trợ tài chính cho chúng tôi”. Cũng như các startup công nghệ khác, IPI vẫn làm game “outsourcing” để có nguồn tài chính giữ chân nhân viên.

Nhiều startup công nghệ không bật lên để thành công, cũng chẳng đứt gánh giữa đường, họ rơi vào trạng thái zombie (xác sống), ì ạch níu kéo sự sống để hy vọng có một phép màu nào đó.

Vốn quý nhất cho những người khởi nghiệp, theo Thanh, là kinh qua môi trường làm việc chuyên nghiệp của những công ty nước ngoài cùng lĩnh vực, phân vai rõ ràng trong một cấu trúc ổn định để thực hiện một kế hoạch dài hơi. Ở IPI, cô chị cả Bùi Thủy Tiên lo tiếp thị, tìm kiếm đầu tư, em út Bùi Thanh Thảo lo tài chính, quản lý dòng tiền còn Thanh quán xuyến toàn bộ quá trình thực hiện công việc. “Tôi biết rất rõ làm một công việc cần bao nhiêu người, hết bao nhiêu thời gian để tính toán giá cả cạnh tranh, để sử dụng nhân lực không lãng phí. Tôi biết tính chất công việc để thuê người có trình độ phù hợp, không quá cao để lãng phí, cũng không quá thấp để khiến công việc ì ạch”, Thanh tự tin.

Với Christian Hưng Nguyễn, CEO của Công ty Offpeak Việt Nam và ứng dụng Nóizì, vốn con người là quý nhất. “Trong 10 năm qua, tôi chưa bỏ một nhân viên nào. Tôi còn đào tạo cho một cậu bảo vệ thành kỹ sư phần mềm. Ngay cả khi tôi đói kém nhất, không còn tiền trả lương, họ cũng không bỏ tôi”, anh tâm sự. Từ Pháp về Việt Nam năm 2005 với 2.000 euro trong túi, khoản tiền lớn đầu tiên Hưng kiếm được là từ thù lao thiết kế nội thất cho một ngôi biệt thự và anh dùng nó làm vốn mở công ty. Hưng cũng đã nhiều phen “bầm dập” trước khi thành công. “Lúc đó tôi có biết startup là gì đâu, cứ làm thôi”. Đến giờ thì căn nhà của anh ở quận Bình Thạnh vẫn là chỗ mà ông chủ và các nhân viên độc thân ở chung.

Chuyên gia về khởi nghiệp Phạm Vũ Hiệp nhận xét: “Những bạn khởi nghiệp công nghệ trụ lại được là những người đam mê, tự vận động nguồn vốn và đã ít nhiều trải qua khó khăn trong kinh doanh. Còn có những bạn mà gia đình sẵn có điều kiện, thường thì ý chí phấn đấu lại không cao, sau khi tiêu hết tiền thì họ bỏ mục tiêu, không trở lại. Startup không phải là bữa cỗ để ai muốn xơi thì vào”.

Hết tiền, startup biến thành zombie?

Có lẽ không có nhiều người cảm nhận một cách sâu sắc về những khó khăn và thiếu thốn của buổi đầu khởi nghiệp như Hồ Đức Hoàn, CEO của EBIV. Anh chia sẻ: “Mẫu số chung của những người khởi nghiệp công nghệ vẫn là thiếu vốn, thiếu kiến thức và kinh nghiệm, thiếu người hợp tác nhưng lại có thừa… ảo tưởng! Họ không lường trước được những cạm bẫy đang chờ đón ở phía trước, như xin một tờ giấy phép phải mất vài tháng trời, phải xử lý những bất đồng trong đội ngũ, rồi những vấn đề quản lý đồng tiền, tiếp thị sản phẩm…

Khởi nghiệp sớm và thất bại không khác gì cơn ác mộng khi bạn đốt hết tiền của bản thân, gia đình và lâm vào cảnh nợ nần. Chỉ những người thực sự có dũng khí mới dám khởi nghiệp trở lại sau quãng thời gian dài bế tắc”.

Hoàn cũng đã ba, bốn lần thất bại với EBIV, rồi gượng đứng dậy. Anh cho biết: “Chủ yếu là sai về chiến lược và mỗi lần nhận ra, chỉnh sửa là đều tốn tiền. Trong 14 tháng qua, dự án EBIV đã “ngốn” 2 tỉ đồng, đến giờ chiến lược đã ổn định, cộng đồng đã bắt đầu tiếp nhận công cụ của EBIV, công ty có một chuyên gia tài chính người Canada đầu tư vào đồng thời giữ vai trò giám đốc tài chính, phụ trách các vấn đề về quản trị dòng tiền và tiếp xúc nhà đầu tư quốc tế”.

Theo số liệu từ Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), đơn vị khởi xướng và đồng tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp (Startup Wheel), trong những năm qua, trung bình các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực ICT chiếm hơn 40% tổng số các dự án tham gia cuộc thi. Khởi nghiệp công nghệ dễ mà khó, vì thứ nhất là phải cạnh tranh với nhiều đối thủ hơn, thứ hai là công nghệ luôn có tính làn sóng, thay đổi rất nhanh, bắt được đúng con sóng thì có thể lên cao, bắt chậm thì phải chịu sóng đè.

Điểm khó khăn thứ ba, theo Trần Nguyễn Lê Văn, CEO của cổng đặt xe trực tuyến Vexere.com và Nguyễn Hoàng Trung, CEO của ứng dụng ẩm thực Lozi, đó là thói quen sử dụng các nền tảng công nghệ ở người Việt chưa cao. “Phải mất nhiều thời gian và chi phí để xây dựng thói quen cho người dùng, nếu không kiên nhẫn và không đủ nguồn lực là rất dễ đứt gánh giữa đường”, Lê Văn cho biết. “Đó là chưa kể tới khả năng bị các đối thủ từ nước ngoài nhảy vào giành thị trường. Đã thành công ở các thị trường trưởng thành khác, họ đủ nguồn lực để tấn công vào thị trường mới”.

Nhiều startup công nghệ không bật lên để thành công, cũng chẳng đứt gánh giữa đường, họ rơi vào trạng thái zombie (xác sống), ì ạch níu kéo sự sống để hy vọng có một phép màu nào đó – Trương Phi Cường cho biết. “Trong số 17 dự án startup được đề án Vietnam Silicon Valley thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đỡ đầu thì có 5-6 dự án rơi vào tình trạng án binh bất động, có thể do họ thiếu nguồn lực, xác định sai thị trường hoặc hết niềm tin”. Hồ Đức Hoàn thì nhìn nhận một cách khắc nghiệt hơn: đến 95% startup công nghệ ở Việt Nam hoặc đứt gánh hoặc đang là những xác sống.

Nhìn lại, Trương Phi Cường cho rằng chính việc “đi hai chân” như câu chuyệnnêu ở đầu bài lại là điều hay cho những người trẻ khởi nghiệp công nghệ. Ngay cả trong môi trường mà thất bại là điều không dễ được chấp nhận, khi thất bại họ cũng không bị rơi vào tuyệt vọng. Họ có đủ những bài học kinh nghiệm cần thiết để đón những con sóng công nghệ mới. Và nếu không đón được sóng mới thì họ vẫn làm ra được sản phẩm cho xã hội.

 

Bkav: Hacker xâm nhập sâu vào hệ thống của Vietnam Airlines

Sự cố Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bị những kẻ tấn công mạng (hacker) xâm nhập và điều khiển một phần hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của hãng vào chiều ngày 29-7 được chuyên gia của Công ty an ninh mạng Bkav cho rằng do hacker đã xâm nhập được sâu vào hệ thống của Vietnam Airlines.

Nhận định về sự việc trên, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng Bkav cho biết: “Việc website bị tấn công thay đổi nội dung và hệ thống âm thanh, màn hình thông báo tại nhà ga bị chiếm quyền cho thấy hacker đã xâm nhập được sâu vào hệ thống.

Khả năng lớn là máy quản trị viên đã bị kiểm soát, theo dõi bởi phần mềm gián điệp (spyware). Đây là cách thức tấn công không mới, thông thường các phần mềm gián điệp này lợi dụng lỗ hổng an ninh trong file văn bản (Word, Excel, Power Point) để phát tán. Các phần mềm gián điệp này không phải là những virus lây nhiễm một cách ngẫu nhiên vào hệ thống mà được phát tán một cách có chủ đích”.

Một kịch bản tấn công đơn giản thường được sử dụng để phát tán phần mềm gián điệp là gửi email đính kèm các file văn bản với nội dung là một văn bản có thật của nơi bị tấn công, địa chỉ email là có thật, mở file ra thì đúng là có nội dung đó thật nhưng đồng thời lại bị nhiễm virus do trong file có chứa sẵn phần mềm gián điệp. Khi các file văn bản này được mở ra, phần mềm gián điệp sẽ xâm nhập, kiểm soát máy tính. Chúng ẩn náu bằng cách giả dạng các phần mềm phổ biến như Windows Update, Adobe Flash, bộ gõ Unikey, từ điển…

Chúng chỉ hoạt động khi có lệnh của hacker điều khiển từ xa nên rất khó phát hiện. Các mã độc này âm thầm đánh cắp thông tin gửi về máy chủ điều khiển của hacker, đồng thời chúng nhận lệnh để thực hiện các hành vi phá hoại khác.

“Cụ thể trong vụ việc này có thể cấu hình thay đổi tên miền của website để trỏ về trang web giả mạo, cấu hình thay đổi thông tin hiển thị trên màn hình và nội dung trên hệ thống loa phát thanh thông báo…”, ông Tuấn Anh nói.

Được biết, những năm qua, Bkav đã nhiều lần cảnh báo về phần mềm gián điệp tại Việt Nam. Trong năm 2013, Bkav đã cảnh báo và phân tích 2 lỗ hổng MS13-051 và MS12-027 trên phần mềm Microsoft Word là 2 “vũ khí” được tin tặc sử dụng trong chiến dịch phần mềm gián điệp hoành hành tại Việt Nam.

Theo Bkav, lỗ hổng MS13-051 tồn tại trong cơ chế xử lý ảnh PNG của Microsoft Office 2003 đã bị hacker âm thầm khai thác từ năm 2009, và trong suốt 4 năm 2009 – 2013, nhiều người dùng tại Việt Nam có thể đã trở thành nạn nhân của tội phạm mạng mà không hề hay biết.

Chiều 29-7, trang web chính thức của Vietnam Airlines bị nhóm hacker “quen mặt” đến từ Trung Quốc 1937cn tấn công thay đổi hoàn toàn giao diện trang chủ. Đồng thời các màn hình thông tin thông báo chuyến bay ở hai sân Nội Bài và Tân Sơn Nhất đồng loạt đăng tải những hàng chữ Trung Quốc với nội dung xuyên tạc về tình hình Biển Đông.

Đến hơn 17 giờ chiều, trang web của Vietnam Airlines đã có thể truy cập lại bình thường. Tuy nhiên, một lượng dữ liệu hơn 90 Mb đã bị các tin tặc phát tán trên mạng, trong đó có một bảng danh sách ước tính hơn 400.000 tài khoản của những hội viên Vietnam Airlines với đầy đủ thông tin như ngày gia nhập, điểm tích lũy, ngày hết hạn…

 

Khi sếp cho nhân viên thêm ngày nghỉ

Giảm thời gian làm việc mới là biện pháp tốt nhất giúp nhân viên tăng năng suất lao động.

Cho nhân viên nghỉ làm ngày thứ 6 không phải là một ý tưởng quá mới mẻ. Từ năm 2014, các tỷ phú như Carlos Slim hay Larry Page từng nói công khai rằng họ ủng hộ việc rút ngắn thời gian làm việc trong tuần cho nhân viên nhưng vấn đề là đến nay ý tưởng này vẫn chưa trở nên phổ biến và được nhiều doanh nghiệp áp dụng.

Tại rất nhiều công ty, đặc biệt là khu vực San Francisco, cung cấp rất nhiều tiện ích cho nhân viên bao gồm những giờ hoạt động nhóm vui vẻ, thẻ thành viên tập thể hình miễn phí, những căn bếp đầy đồ ăn hay bàn chơi game ngay trong công ty. Về cơ bản, những tiện ích này gần như không tồn tại ở giai đoạn khoảng 1 thập kỷ trước đây nhưng hiện nó lại trở nên khá bình thường so với những gì các nhân viên thực sự mong đợi và khiến chúng giảm giá trị.

Đã có rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nói về chế độ phúc lợi dành cho nhân viên và về việc giúp nhân viên đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Câu hỏi đặt ra là, liệu những thẻ tập thể hình hay đồ ăn miễn phí có phải là cách thức tốt để đạt được mục tiêu kể trên?

Trong cuộc khảo sát gần đây của EY, kết quả cho thấy 1/3 nhân viên nói rằng việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống với họ đang ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Điều này càng khẳng định chắc chắn rằng những lợi ích quá bình thường như kể trên hoàn toàn không giúp ích gì trong việc thúc đẩy nhân viên. Chúng đơn giản chỉ tạo ra kỳ vọng (kỳ vọng vào gì thì chưa rõ) và tiêu tốn tiền bạc của doanh nghiệp.

Trong khi hàng loạt quỹ đầu tư và công ty thành công cung cấp rất nhiều chế độ phúc lợi độc đáo cho nhân viên bao gồm tiền nghỉ mát, đền bù học phí đại học hay hỗ trợ nghỉ sinh con dài hạn có trả lương, thì chỉ một số ít trong số đó thực sự giúp nhân viên tìm được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống thật sự, và một trong số đó là giảm bớt thời gian làm việc.

Ví dụ, thương hiệu thời trang REI cho nhân viên 2 ngày nghỉ việc có lương mỗi năm gọi là “Yay Days” để tận hưởng những hoạt động bên ngoài. Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã WWF cũng cho nhân viên nghỉ mỗi ngày thứ 6 hàng tuần và gọi là “Panda Fridays”.

“Chúng tôi cho nhân viên nghỉ làm thứ 6 và vẫn trả lương cho họ. Đây được gọi là “18-Day Work Month” và chúng tôi tin nó là chìa khóa giúp tăng năng suất lao động”, đại diện WWF chia sẻ.

Mọi người có thể thể hiện tốt nhất phong độ của mình khi họ không bị buộc phải tuân theo những giờ làm việc quy định sẵn. Nếu được tập trung cao độ trong suốt giờ làm việc trong tuần và quay trở lại sau thời gian nghỉ cuối tuần dài hơn với cảm giác thư giãn hơn. Kết quả tất yếu là họ sẽ đạt năng suất làm việc cao hơn và quan trọng nhất, cảm thấy hạnh phúc hơn.

Dĩ nhiên, nhiều lãnh đạo sẽ quan ngại vậy nếu nhân viên làm việc ít ngày hơn sẽ khiến công ty kiếm được ít tiền hơn. Tuy vậy trong dài hạn, việc này lại có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của công ty bạn.

Lấy ví dụ về tuyển dụng và giữ chân nhân tài. Tuyển dụng là vấn đề quan trọng để thu hút nhân tài. Bất kỳ lãnh đạo nào cũng đều muốn thuê được người giỏi nhất và những ứng viên tốt nhất phải có kinh nghiệm và năng lực tốt.

Nếu bạn có thể kết hợp năng lực tốt với vốn kinh nghiệm dày dặn, lãnh đạo không chỉ đã chọn được một nhân tài hiếm có mà họ còn là người không sợ mắc sai lầm và biết học hỏi từ những sai lầm đó. Đó là sự khôn ngoan. Những ứng viên này sẽ có năng suất làm việc tốt hơn bởi họ có thể làm mọi thứ nhanh và chuẩn ngay lần đầu tiên. Tờ Fortune gọi đây là những người 5x’ers.

Thông thường, những 5x’ers trong suốt sự nghiệp luôn trân trọng thời gian rảnh rỗi hơn đa số những người còn lại. Họ có xu hướng có vợ, gia đình và nhà, có nghĩa là có trách nhiệm và mong mỏi được cân bằng giữa công việc và cuộc sống nhiều hơn.

Bằng việc cho nhân viên thời gian làm việc linh hoạt với nhiều thời gian dành cho cá nhân hơn, các lãnh đạo sẽ tạo ra sức hút đặc biệt từ đó thúc đẩy nhân viên làm việc. Ngoài ra về phía doanh nghiệp, các lãnh đạo có thể rút ngắn thời gian đào tạo những người mới hoặc tìm người thay thế và không mất quá nhiều tiền cho việc tuyển dụng.

Khiến nhân viên kiệt sức, mệt mỏi là một trong những chi phí vô hình đắt đỏ nhất mà công ty phải chi trả và là biện pháp khá hà khắc.

Nhìn chung trong bối cảnh hiện nay, để thu hút và giữ chân nhân tài các doanh nghiệp phải cần làm được nhiều hơn chứ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho nhân viên bữa ăn hay thẻ tập miễn phí. Thay vào đó, các doanh nghiệp nên tạo ra sự khác biệt, cung cấp những phúc lợi độc nhất vô nhị, giúp nhân viên có thể tìm được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Đó là lúc nhân viên của bạn có thể kiểm soát được đâu là thời gian và năng lượng dành cho công việc và đâu là thời gian và năng lượng dành cho cuộc sống cá nhân. Đây là ý tưởng hay mà tất cả các nhà lãnh đạo đều nên cân nhắc nếu muốn công ty của mình đạt năng suất lao động tốt hơn.