Monthly Archives: August 2016

Giữ chân nhân tài bằng… “giải thoát”

Theo một khảo sát vừa được mạng việc làm JobStreet.com Việt Nam thực hiện trên 5.500 người lao động tại TP. Hồ Chí Minh thì hiện có trên 57% người không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống, trong đó tỷ lệ ở cấp quản lý là 51%, còn ở cấp nhân viên dưới một năm kinh nghiệm là hơn 63%.

Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống là nguyên nhân chính khiến người lao động cảm thấy mệt mỏi với công việc hiện tại, dẫn đến tình trạng căng thẳng tâm lý và giảm năng suất làm việc, tình trạng nhảy việc cũng vì thế mà tăng lên.

Không có thời gian dành cho cuộc sống riêng

Khái niệm “cân bằng cuộc sống và công việc” (work life balance) bao gồm việc cân bằng giữa nghề nghiệp và các khía cạnh của cuộc sống như gia đình, bạn bè hoặc các sở thích cá nhân.

Theo khảo sát nói trên, không ít người lao động không có nhiều thời gian dành riêng cho bản thân và các hoạt động với gia đình, bạn bè. Có đến 11% cho biết họ hầu như phải làm việc từ sáng đến lúc đi ngủ, không có thời gian cho cuộc sống riêng, 29% chỉ có 3 giờ mỗi ngày cho gia đình.

Có đến 34,4% người được khảo sát nói họ phải làm thêm từ 2 đến 5 giờ mỗi ngày. Khi được hỏi về nguyên do phải làm thêm giờ, chỉ có khoảng 20% người lao động cho biết họ tự nguyện để nâng cao trình độ, còn lại là do công việc quá tải (32,7%), để kiếm thêm thu nhập (26%) hoặc làm theo yêu cầu của sếp (20,5%).

Ngoài ra, có đến 43% người lao động cho biết họ vẫn phải làm việc trong các kỳ nghỉ lễ và ngày nghỉ phép. Điều này dẫn đến việc có trên 60% người lao động cảm thấy áp lực nặng nề khi phải làm việc ngoài giờ.

Khá nhiều nhân viên ở công ty truyền thông thường làm việc 10 đến 12 giờ mỗi ngày, có người thậm chí tiếp tục làm việc sau giờ ăn tối cho đến 1-2 giờ khuya.

Một chuyên viên truyền thông chia sẻ: “Tôi hiếm khi từ chối làm thêm giờ, thậm chí tự nguyện làm thêm thứ Bảy, Chủ nhật vì không muốn bị đánh giá thấp về năng lực hoặc để công việc rơi vào tay người khác”.

Trong khi đó, một cô kế toán trưởng là mẹ đơn thân thường phải làm việc đến 9 giờ tối, cậu con trai hiện đang học tiểu học phải theo chân mẹ đến cơ quan và ngồi một chỗ chơi game.

Thực tế, một ngày làm việc kéo dài sẽ giảm hiệu quả làm việc và năng suất công việc một cách đáng kể. Sự cạnh tranh trong nội bộ để được thăng tiến là nguyên nhân gây mất cân bằng trong công việc lẫn cuộc sống, cũng là nguyên nhân khiến nhân viên đó căng thẳng về mặt tâm lý.

Người lao động được yêu cầu lựa chọn giữa công việc và cuộc sống hay chấp nhận làm thêm giờ để “rộng đường” phát triển sự nghiệp cũng như tăng thêm thu nhập. Có đến gần 50% người lao động chấp nhận làm thêm giờ để tăng thu nhập, 24% chọn làm thêm giờ để có cơ hội thăng tiến trong tương lai và 23% cho biết sẽ không làm việc thêm giờ vì cần dành thời gian cho bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, một con số đáng lưu ý khi gần 65% người lao động chấp nhận làm ngoài giờ chỉ được công ty trả thêm dưới 1 triệu đồng/tháng. Điều này cho thấy việc làm thêm giờ thật sự chưa giải quyết vấn đề thu nhập cho người lao động.

Cách “giải thoát” cho nhân viên

Trong khi đó, doanh nghiệp hiện vẫn thiếu các chính sách hỗ trợ nhân viên để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chỉ 12% người lao động cho biết văn hóa của công ty khuyến khích họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống, 24% cho rằng công ty có chính sách nhưng chưa thực hiện tốt và có đến 59% nhận định công ty chỉ chú trọng đến kết quả công việc và không có chính sách hỗ trợ nhân viên.

Dù nhiều người lao động chọn việc làm thêm giờ để cải thiện thu nhập, nhưng có gần 47% không được trả lương ngoài giờ kể cả khi họ làm những công việc mà sếp yêu cầu. Có 30% người lao động cho biết công ty luôn trả lương khi yêu cầu làm thêm ngoài giờ, 22% cho biết chỉ được trả lương ngoài giờ khi sếp có yêu cầu hoàn thành công việc.

Cũng trong khảo sát của JobStreet.com Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang phải đối phó với tỷ lệ nhảy việc rất cao của nhân viên. Người lao động đang không hài lòng với công việc hiện tại và sẵn sàng chuyển việc khi tìm được cơ hội tốt hơn.

Đối phó với tình trạng quá tải công việc là một thách thức mới cho cả chủ lao động và người lao động. Tại các nước phát triển, người lãnh đạo thường đẩy mạnh chính sách cân bằng công việc – cuộc sống nhằm giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn đồng thời hưởng thụ cuộc sống. Chủ lao động không những không khuyến khích làm thêm ngoài giờ mà còn tạo thời gian làm việc linh động nhờ sự hỗ trợ của công nghệ.

Thiết nghĩ, để người lao động an tâm cống hiến hết mình cho công việc, doanh nghiệp cần có những chính sách riêng rẽ dành cho từng đối tượng lao động, đảm bảo những phúc lợi khác khi làm việc ngoài giờ (nghỉ bù, cơ hội thăng tiến, lương ngoài giờ…).

Doanh nghiệp cần quản lý sắp xếp thời gian để nhân viên có thể tham gia vào các khóa tập huấn nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết của họ đồng thời tạo thời gian cho nhân viên nghỉ ngơi sau một thời gian làm việc với cường độ cao. Ngoài ra, mỗi năm doanh nghiệp cần cho phép nhân viên nghỉ phép từ 12-15 ngày có trả lương để họ có thời gian dành cho gia đình và những thú vui cá nhân.

Tại Nhật Bản, Chính phủ đang xem xét buộc nhà tuyển dụng cho người lao động nghỉ phép hưởng lương hằng năm nhằm giảm tình trạng quá tải cũng như giúp họ cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn. Theo quy định hiện tại, những người “cày” liên tục trong ít nhất 6 tháng hoặc 80% số giờ làm việc mỗi năm sẽ được nghỉ phép hưởng lương 10-20 ngày. Nhân viên bán thời gian cũng được hưởng chế độ này nếu làm việc 5 ngày mỗi tuần.

Với mặt bằng thu nhập chung còn thấp so với khu vực và tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, việc cân bằng giữa quyền lợi doanh nghiệp và người lao động vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn. Do đó, các yếu tố “mềm dẻo” như đảm bảo con đường sự nghiệp cũng như sự quan tâm đến đời sống tinh thần cho người lao động sẽ là yếu tố giúp doanh nghiệp thu hút và giữ nhân tài trong thời gian tới, nhằm xây dựng một môi trường làm việc minh bạch, văn minh hơn, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập.

An toàn mạng: Sự thiếu hụt nhân sự trầm trọng

Các cuộc tấn công và xâm nhập dữ liệu mạng là nhiều tổn hại và tốn kém đối với danh tiếng của một công ty. Nhưng hiện không đủ nhân sự để lấp đầy lỗ hổng trong lĩnh vực an toàn mạng.

Các chuyên gia cho rằng sự thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng chuyên gia an toàn mạng là đáng báo động. Trong thời gian gần đây, nhiều tổ chức trên thế giới đã trở thành miếng mồi của các loại tội phạm mạng.Tại Mỹ, những tên tuổi lớn như UPS, Goodwill, JP Morgan Chase, Sony và nhiều công ty khác liên tục trở thành nạn nhân. Trong năm 2015, danh sách nạn nhân của hacker bao gồm cả FBI, chuỗi khách sạn của Donald Trump, v.v…

Cái giá phải trả bao gồm cả tiền và danh tiếng của các tổ chức, công ty. Theo một nghiên cứu do Viện Ponemon (một viện nghiên cứu độc lập về bảo vệ dữ liệu và chính sách an toàn thông tin) tiến hành với 350 công ty tại 11 quốc gia, tổn thất trung bình của một lần bị tấn công mạng là 3,8 triệu USD, tăng 23% so với năm 2013.

Không có gì ngạc nhiên khi số liệu của Văn phòng Thống kê Lao động Mỹ cho thấy nhu cầu nhân sự về an toàn mạng sẽ tăng 53% trong hai năm tới. Một cuộc nghiên cứu vừa được công bố trong tuần cuối tháng 7/2016 do Intel Security phối hợp với Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ – Center for Strategic and International Studies (CSIS) tiến hành tại tám quốc gia Úc, Pháp, Đức, Nhật, Anh, Mỹ, Israel và Mexico đã chỉ ra tình trạng thiếu hụt nhân sự đang rất phổ biến của ngành an ninh mạng.

Có đến 82% đối tượng tham gia cuộc khảo sát cho biết đang thiếu nhân sự an toàn mạng tại cơ quan của họ. Cứ 4 đối tượng tham gia khảo sát thì có một đối tượng khẳng định cơ quan của họ từng là nạn nhân của tấn công và đánh cắp dữ liệu mạng do thiếu nhân sự đạt yêu cầu.

Cần những kỹ năng “cứng” để lấp vào lỗ hổng

Điều cốt lõi được rút ra từ cuộc nghiên cứu này là cần thiết phải giải quyết nhu cầu về 3 kỹ năng sau: nhận diện sự xâm nhập, phát triển phần mềm an toàn cao, giảm nhẹ khả năng bị tấn công.

“Những kỹ năng này có nhu cầu lớn hơn các kỹ năng mềm như khả năng hợp tác, quản lý đội ngũ hay truyền thông hiệu quả”, các tác giả của báo cáo viết.

Đào tạo thường xuyên và thực tiễn là cách thích nghi

Không giống với vị trí của các nhà khoa học dữ liệu (data scientist), một vị trí yêu cầu bằng tiến sĩ, báo cáo của CSIS cũng cho biết bằng cấp có thể chỉ là điều kiện tiên quyết tối thiểu đối với các vị trí trong lĩnh vực an toàn mạng. Sự thật thì ít người (chỉ 23% những người được hỏi) tin rằng các chương trình giáo dục có thể hoàn toàn chuẩn bị sẵn sàng cho sinh viên bước vào ngành này.

Cũng theo cuộc khảo sát, Mỹ và Anh là hai nước đầu tư nhiều vào giáo dục an toàn mạng, trong khi Mexico, Pháp và Nhật đầu tư ít nhất. Các tập đoàn và trường đại học Mỹ đang bắt đầu cung cấp các khóa huấn luyện thực tiễn để ứng phó với tình trạng thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực này.

Báo cáo của CSIS ước tính ngành an ninh mạng toàn cầu sẽ phải chi hơn 100 tỉ USD trong vòng 4 đến 5 năm tới. Chính phủ Mỹ và ngành tài chính sẽ đầu tư mạnh tay nhất và phần lớn sự đầu tư là dành cho huấn luyện và tuyển dụng nhân sự giỏi.

Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhận ra rằng đào tạo thường xuyên là việc cần thiết và cũng giúp giữ chân nhân sự giỏi. Đây cũng là một phần nguyên nhân để nhân sự ngành này quyết định ra đi hay ở vì chi phí để tự đào tạo và lấy bằng thường khá cao nếu họ tự chi trả.

Hiện tại, các công ty đang tự “điền” vào khoảng trống nhân sự này bằng công nghệ và thuê ngoài một số nhiệm vụ, chẳng hạn như đánh giá và giảm nhẹ rủi ro, giám sát hệ thống và quản lý truy cập. Hơn 60% đối tượng tham gia khảo sát cho biết họ đang thuê ngoài ít nhất 1 mảng nào đó trong khối lượng công việc về an toàn mạng.

Theo báo cáo của Tập đoàn Tư vấn toàn cầu KPMG, các công ty tại thị trường mới nổi Đông Nam Á nên bắt đầu ngay việc tăng cường an ninh mạng để tự bảo vệ trước tình hình tội phạm mạng đang gia tăng. Nền kinh tế Đông Nam Á ngày càng có một vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và điều này hấp dẫn các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là trong tình hình khu vực này vẫn còn trong tình trạng quản trị yếu kém các nguồn dữ liệu nhạy cảm.

“Các thị trường mới nổi dễ bị tấn công vì đầu tư cho an toàn mạng có giới hạn hoặc thấy không cần thiết để đầu tư”, ông Ho Wah Lee, người đứng đầu nhóm thị trường mới nổi – KPMG Indonesia cho biết.

Báo cáo chỉ ra rằng mối hiểm nguy đến từ 4 lĩnh vực: Sự phức tạp của các chuỗi cung ứng, nhu cầu duy trì chi phí thấp để hấp dẫn đầu tư, sự phát triển nhanh của công nghệ mà không sẵn sàng năng lực hay nhận thức về việc huấn luyện những hiểm họa công nghệ và quản trị kém.

Theo một báo cáo của Công ty An toàn mạng FireEye (Mỹ) thì các ngành có nguy cơ bị tấn công mạng cao nhất trong khu vực châu Á là truyền thông, giải trí, du lịch – khách sạn, tài chính và các trang mạng chính phủ.

Thương mại điện tử Việt và cuộc chiến về giá

Nếu không thể chiến thắng nhờ cung cấp các giá trị vượt trội, thì các sàn TMĐT đưa ra quân bài cuối cùng: Giá thành. Để thu hút người dùng và tăng thị phần, những Tiki, Lazada… sẽ cung cấp cho khách hàng mức giá tốt nhất có thể. Cuộc đua “kéo nhau cùng chết” chính thức bắt đầu.

Cuộc đua xuống đáy

Những ngày gần đây, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam lại đón nhận một thông tin không mấy tốt đẹp. Lingo.vn – một sàn thương mại điện tử 2 năm tuổi, bất ngờ đóng cửa ra đi không kèn không trống. Những số liệu của công ty cho thấy, trong vòng 2 năm, sàn thương mại điện tử này đã lỗ tới hơn 150 tỷ đồng.

Một vài những đánh giá tốt về việc giao hàng nhanh, chất lượng ổn không giúp Lingo.vn có thể trụ vững trên thị trường thương mại điện tử vốn khắc nghiệt. Lỗ, lỗ và lỗ là tình hình chung của tất cả các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam hiện này. Kể cả những trang đang đứng đầu thị trường như Tiki hay được nước ngoài đầu tư như Lazada cũng không phải là ngoại lệ.

Nếu năm 2013, quy mô ngành TMĐT Việt Nam là 2,2 tỉ USD thì chỉ sau 2 năm tới năm 2015, con số này đã là 4 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng ấn tượng đó hiện vẫn đang tiếp tục được duy trì trong năm 2016 này.

Sự khó khăn của sàn thương mại điện tử, hoàn toàn đối nghịch với tốc độ tăng trưởng của toàn thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nay. Nếu năm 2013, quy mô ngành TMĐT Việt Nam là 2,2 tỉ USD thì chỉ sau 2 năm tới năm 2015, con số này đã là 4 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng ấn tượng đó hiện vẫn đang tiếp tục được duy trì trong năm 2016 này.

Nếu là một người dân sống ở các đô thị, chúng ta cũng có thể thấy sự thay đổi rất rõ trong cách tiêu dùng: Thanh toán thẻ thay cho tiền mặt ngày một nhiều, mọi người mua hàng trên Facebook ngày một đông, rồi sự ra đời của những ứng dụng công nghệ cao buộc phải áp dụng TMĐT như Uber, Grab hay các ví điện tử như Momo,…

Tuy nhiên, đi cùng với nó là hàng loạt sự ra đi của những sàn TMĐT như Bé yêu, Deca, và mới nhất là Lingo. Ngay cả các sàn TMĐT đang dẫn đầu thị trường cũng gặp không ít khó khăn. Tại sao trong khi cả thị trường chung đi lên, sàn TMĐT vẫn gặp nhiều khó khăn như vậy?

Câu trả lời đó là chiến lược mang tên “cuộc chiến giá” giữa các sàn TMĐT.

Nếu nhìn vào các trang TMĐT hiện nay, điều chúng ta dễ nhận thấy nhất đó là sự tương đồng ở hầu hết các khâu: Chủng loại hàng hóa, vận chuyển, thanh toán, độ tin cậy,… tất cả đều ngang nhau. Vì không có gì khác biệt, sẽ có rất ít yếu tố để cạnh tranh.

Nếu không thể chiến thắng nhờ cung cấp các giá trị vượt trội, thì các sàn TMĐT đưa ra quân bài cuối cùng: Giá thành. Để thu hút người dùng và tăng thị phần, những Tiki, Lazada… sẽ cung cấp cho khách hàng mức giá tốt nhất có thể. Cuộc đua “kéo nhau cùng chết” chính thức bắt đầu.

Công thức của cuộc chiến này hết sức đơn giản. Bên nào giàu hơn, trường vốn hơn, chi phí sản xuất thấp hơn sẽ chịu lỗ đủ lâu để lôi kéo khách hàng về phía mình và chờ đối thủ kiệt sức mà chết sẽ trở thành người chiến thắng cuối cùng. Người cuối cùng còn sót lại trên thị trường, sẽ thắng lợi vẻ vang và chiếm đóng vị thế độc quyền, đến lúc đó, muốn tăng giá trở lại bao nhiêu chẳng được.

Dù quy mô không lớn, nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành TMĐT Việt Nam rất ấn tượng.

Lý thuyết là thế. Nhưng thực tế thì qua vài năm chưa thấy ai dành chiến thắng, chỉ thấy nhiều người chết và những người còn sống thì trong tình trạng… gần chết. Lazada, sàn TMĐT đứng đầu về thị phần tại Việt Nam, sau một thời gian dài đầu tư đã bị bán lại cho Alibaba. Hiệu quả đầu tư của Lazada tại Việt Nam đến nay vẫn còn là một dấu hỏi. Còn Tiki, sau khi được VNG đầu tư 18 triệu USD và đa dạng hóa các sản phẩm của mình, cũng chưa cho thấy bước tiến nào đáng kể.

Câu chuyện đang diễn ra của ngành TMĐT cũng giống với như những gì đã diễn ra ở ngành bán lẻ điện máy Việt Nam. Dù biên lợi nhuận của bán lẻ điện máy vốn đã rất mỏng, nhưng để cạnh tranh với các chuỗi khác, có siêu thị đã phải chấp nhận bán bằng giá nhập, thậm chí bán lỗ để cạnh tranh thị phần.

Kết quả thì đã rõ. Một loạt các chuỗi điện máy yếu thế bị loại khỏi cuộc chơi, còn những ông lớn trong ngành sau thời gian dài lợi nhuận sụt giảm cũng lao đao. Thị trường bán lẻ điện máy không có người thắng cuộc, và những ông lớn thời điểm đó, hiện đang phải lo sợ trước những bước xâm lấn mạnh mẽ từ mô hình mới Điện máy Xanh.

Thực tế trên thế giới cũng cho thấy rằng, rất ít các DN có thể giành chiến thắng thông qua cuộc chiến hạ giá. Nếu có, đó phải là những DN cực lớn trong ngành, có thể giảm giá thành sản xuất xuống mức không tưởng hay mô hình hoạt động rất hiệu quả như Walmart, IKEA hay McDonald’s.

Những người làm kinh doanh TMĐT đều hiểu, chiến thắng bằng việc giảm giá có rủi ro lớn hơn rất nhiều so với chiến thắng bằng việc cung cấp nhưng “giá trị vượt trội”.

Loay hoay tìm đường mới

Những người làm kinh doanh TMĐT đều hiểu, chiến thắng bằng việc giảm giá có rủi ro lớn hơn rất nhiều so với chiến thắng bằng việc cung cấp nhưng “giá trị vượt trội”. Tuy nhiên, câu trả lời làm sao để khác biệt vẫn còn khá nan giải.

Cũng đã có một số sàn TMĐT chọn cho mình hướng đi khác.

Chẳng hạn, Tiki đã từng cung cấp những giá trị vượt trội hơn so với các sàn TMĐT khác. Đó là sách. Mặc dù vậy, việc nhận thêm vốn đầu tư và mở rộng ra ra ngành hàng khác thì sàn TMĐT này sẽ phải “đau đầu” để nghĩ đường đi tiếp.

Hay như Vnexpress shop. Sàn TMĐT mới ra mắt này kết hợp giữa lượng độc giả đông đảo của Vnexpress và nguồn hàng được đánh giá uy tín của FPT để bán điện thoại. Trong khi đó, cuối năm nay, Thế Giới Di Động cũng cho ra trang TMĐT mới với mặt hàng trọng yếu ban đầu, chắc chắn sẽ là hàng công nghệ – thứ tạo nên uy tín của TGDĐ ngày hôm nay.

Thế nhưng, kể cả khi cố cung cấp cho khách hàng những giá trị khác biệt, các sàn TMĐT mới này vẫn phải chú trọng về giá. TGDĐ cho biết họ sẽ bỏ qua những dịch vụ hậu mãi để sản phẩm bán trên sàn TMĐT của mình có giá tốt nhất. Vnexpress cũng vậy, các sản phẩm đều có giá rẻ hơn giá bán tại FPT Shop. Các DN biết rằng, việc giảm giá thấp như vậy chẳng khác gì tự “ăn thịt mình” khi mô hình mới sẽ gây hại trực tiếp cho chính hệ thống cửa hàng bán lẻ đang vận hành, nhưng họ không còn con đường nào khác.

Trường Hải và áp lực ngôi vương

Trên thị trường giao dịch các cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) những tháng gần đây, có một cổ phiếu đang tạo sự chú ý đặc biệt cho các nhà đầu tư. Giá giao dịch nhiều phiên của cổ phiếu này đã được đẩy vọt lên đến mức 90.000-100.000 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn khan hiếm.

Đó là cổ phiếu THA của Công ty Ôtô Trường Hải. Công ty này dự kiến sẽ chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán trong khoảng từ đây đến năm 2017, có thể sẽ trở thành phiên bản thứ hai của Thế Giới Di Động hay Vinamilk với vai trò dẫn dắt thị trường.

Tuy nhiên, những hoài nghi cũng dần xuất hiện về vị thế của Trường Hải trong tương lai, nhất là khi những áp lực cạnh tranh mới xuất hiện từ 2018 trở đi dành cho công ty này. Câu hỏi đặt ra: Chủ tịch Trần Bá Dương sẽ làm gì để giữ vững được phong độ mà Trường Hải đã dày công vun đắp gần 20 năm qua?

Các chữ T trong quản trị

2014 và 2015 có thể xem là hai năm kinh doanh thuận lợi của Trường Hải với doanh thu và lợi nhuận tăng gần gấp đôi so với các năm trước. Với doanh thu năm 2015 xấp xỉ 2 tỉ USD và là doanh nghiệp nội địa hiếm hoi sở hữu chuỗi giá trị hoàn chỉnh (từ lắp ráp, sản xuất xe đến hệ thống showroom bán hàng và các dịch vụ hậu mãi trên toàn quốc), Trường Hải ghi dấu ấn trong nền công nghiệp xe hơi Việt Nam trước câu chuyện hội nhập toàn cầu.

Ảnh: Ôtô Trường Hải.

Theo báo cáo của Jardine Cycle & Carriage, cổ đông đang nắm giữ 25,1% cổ phần của Trường Hải, thị phần của công ty này tính đến cuối năm 2015 vào khoảng 28%, tăng thêm 4 điểm phần trăm so với năm trước đó. Trong năm nay, tham vọng mà ông Trần Bá Dương đặt ra là bán được 100.000 xe, tăng hơn 20% so với năm trước. Các nhóm xe mà Trường Hải kinh doanh khá đa dạng từ xe tải, xe khách, xe buýt, xe chuyên dùng cho đến xe du lịch. Với sức nóng của thị trường xe hơi thì mục tiêu này nhiều khả năng sẽ đạt được và có thể tạo ra kỷ lục cho một hãng xe nội địa mà tuổi đời chỉ mới 20.

Sự tăng trưởng của công ty này mang đậm dấu ấn của người lãnh đạo. Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP.HCM vào những năm đầu giải phóng, với hoài bão lớn, kỹ sư trẻ Trần Bá Dương ngay lập tức thể hiện năng lực tại doanh nghiệp cơ khí giao thông Đồng Nai khi dần nắm giữ những vị trí chủ chốt.

Nhận thấy cơ hội lớn sau mở cửa kinh tế, ông Dương đã đi đến quyết định thành lập Công ty Ôtô Trường Hải vào năm 1997 với một xưởng sản xuất nhỏ tại Biên Hòa (Đồng Nai). Mô hình khởi đầu là nhập khẩu xe đã qua sử dụng về tân trang lại để cung cấp cho thị trường, kết hợp với cung cấp các dịch vụ sửa chữa xe. Ngay năm đầu tiên hoạt động, Công ty đã bán được 137 xe các loại. Doanh số bán hàng các năm sau đó tăng khá nhanh.

Nhưng ông Dương sớm nhận ra là con đường này không thể tiến ra biển lớn. Trường Hải sẽ cần phải xây dựng thương hiệu riêng với những mẫu mã và thiết kế độc đáo. Cũng giống nhiều doanh nghiệp Việt vào thời điểm đó, ông đã lựa chọn chiến lược “đứng trên vai những người khổng lồ”.

Năm 2001, ông đã cho thành lập Công ty Sản xuất và Lắp ráp Ôtô Tracimexco – Trường Hải, chuyển đổi từ mô hình bán xe cũ sang kinh doanh sản xuất và lắp ráp dòng xe thương hiệu Kia tải hạng nhẹ, với công nghệ được chuyển giao từ Hàn Quốc. Đây là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp ôtô tại Biên Hòa 2 với công suất 5.000 xe/năm. Đến tháng 9.2001, sản phẩm đầu tiên của dòng xe tải nhẹ được xuất xưởng mang tên Trường Hải nhanh chóng được thị trường chấp nhận.

Trần Bá Dương

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Ôtô Trường Hải. Ảnh: thanhnien.com.vn.

Sự ăn nên làm ra của Trường Hải được thừa hưởng từ nguồn lao động giá tốt tại Việt Nam. Vào năm 2003, Trường Hải bắt đầu đầu tư thêm vào Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, và xây dựng nên Khu Phức hợp sản xuất và lắp ráp Ôtô Chu Lai – Trường Hải với quy mô lên đến hơn 600 ha.

Và từ các dòng xe tải ban đầu, Trần Bá Dương đẩy mạnh đầu tư vào dây chuyền lắp ráp xe du lịch. Năm 2007 là cột mốc quan trọng khi Trường Hải khánh thành dây chuyền lắp ráp dòng xe du lịch mang thương hiệu Trường Hải-Kia tại Chu Lai với công suất 20.000 xe/năm.

Rõ ràng quá trình phát triển của Trường Hải thể hiện một tư duy rất logic của người lãnh đạo, đó là lấy cái đơn giản làm trước, nỗ lực học hỏi để tiến lên cái khó. Ngành công nghiệp xe hơi của Việt Nam vẫn còn non trẻ, vì thế xe tải, xe buýt là sở trưởng mà doanh nghiệp Việt có thể làm tốt, rồi dần dần tiến lên phát triển các dòng xe du lịch có thiết kế và công nghệ phức tạp hơn.

Cuối năm 2008, Jardine Cycle & Carriage, một trong những nhà kinh doanh xe hơi hàng đầu của Singapore và khu vực Đông Nam Á, đã chi ra 77 triệu USD để mua 20% cổ phần của Trường Hải, đưa tên tuổi của công ty này vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Lần lượt các đối tác nước ngoài tìm đến hợp tác với Trường Hải như Mazda hay Peugeot. Tính riêng trong năm 2015, sản lượng xe du lịch Công ty bán được lên đến hơn 41.000 chiếc, tăng gấp đôi so với năm 2014. Bên cạnh các dòng xe ôtô du lịch, các dòng xe buýt mang thương hiệu THACO từ 25-47 chỗ ngồi cũng dần lấy được vị trí trên thị trường, đặc biệt với phân khúc xe buýt giường nằm, thị phần của Trường Hải chiếm khoảng 75%.

Nhưng không phải mọi con đường đều thuận buồm xuôi gió. Năm 2012, ảnh hưởng của biến động vĩ mô, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc phá sản, nền kinh tế tăng trưởng chậm khiến sức mua xe rớt thảm, cộng thêm lãi suất tăng mạnh khiến chi phí hoạt động tăng lên. Kết quả là tình hình kinh doanh của Trường Hải sụt mạnh, thậm chí lợi nhuận sụt giảm đến 2/3.

Bối cảnh khắc nghiệt ấy đã giết chết không ít doanh nghiệp kinh doanh và nhập khẩu ôtô. Trần Bá Dương khi đó đã nhanh chóng chuyển bớt nguồn nhân lực, tập trung phát triển mạnh mảng xe thương mại, xe chuyên dụng vốn có nguồn cầu ổn định hơn. Quyết định này là một trong những nhân tố quan trọng để vực dậy ngay Công ty trong năm kế tiếp với lợi nhuận ròng vượt cột mốc 1.000 tỉ đồng.

Không chỉ đơn thuần là lắp ráp xe, giấc mơ về một chiếc xe được nội địa hóa hoàn toàn là điều mà ông Dương luôn khát khao. Đến đại bản doanh Chu Lai của Trường Hải các ngày gần đây, có thể nhận ra những nhà máy phụ trợ cho ngành ôtô được ông Dương lần lượt cho ra đời, như nhà máy ghế, nhíp xe, ống xả, nhà máy sản xuất khung gầm và thùng xe, gia công các chi tiết cơ khí hay nhận chuyển giao công nghệ chế tạo động cơ từ phía Hyundai. Năm 2012, Trường Hải cũng đã thâu tóm Công ty Soosung (Hàn Quốc) để tiếp nhận công nghệ sản xuất và lắp ráp xe chuyên dụng.

Tỉ lệ nội địa hóa của các dòng xe tại Trường Hải hiện dao động 16-46%, thuộc nhóm cao nhất Việt Nam và nhiều khả năng sẽ đủ điều kiện để hưởng được thuế xuất khẩu 0% khi xuất sang các quốc gia Đông Nam Á khác kể từ năm 2018 trở đi (yêu cầu tỉ lệ nội địa hóa ít nhất phải là 40%).

Quản lý hơn 14.000 nhân viên và hệ thống trải dài trên 3 miền là một điều không hề dễ. “Đối với tôi, lãnh đạo phải là người biết cho những gì nhân viên muốn nhận, nhưng cũng biết sử dụng biện pháp mạnh để đủ sức răn đe khi cần thiết. Cái “được” và cái “sợ” từ cả hai phía phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và hoàn toàn không nên tùy hứng theo cảm xúc”, ông Dương chia sẻ trong những lần hiếm hoi xuất hiện trước giới truyền thông.

Nếu như ông Đoàn Hồng Việt của Digiworld quản lý Công ty bằng “3 chữ C”, ông Lê Phước Vũ của Tôn Hoa Sen quản lý nhân viên bằng “10 chữ T”, thì ông Trần Bá Dương cũng có công thức cho riêng mình, đó là nguyên tắc “8 chữ T”: Tận tâm, Trung thực, Trí tuệ, Tự tin, Tôn trọng, Trung tín, Tận tình và Thuận tiện. Bởi ôtô là ngành công nghiệp đòi hỏi chất lượng và sự phát triển bền vững, Trần Bá Dương tâm niệm rằng một nền văn hóa đặc sắc lấy kỷ luật làm trung tâm sẽ tạo nên một đội ngũ nhân sự có ý chí mạnh mẽ với thái độ làm việc tích cực, sáng tạo. Ông Dương cho rằng đây là nền tảng sức mạnh nội tại của Công ty.

Mất chiếc dù bảo vệ

Năm 2018 sẽ là thời khắc quan trọng của ngành ôtô Việt Nam bởi theo Hiệp định Thương mại tự do nội khối ASEAN, thuế nhập khẩu ôtô vào Việt nam sẽ chỉ còn 0%, tức chiếc ô bảo vệ mang tên “hàng rào thuế quan” sẽ không còn tác dụng. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) một khi có hiệu lực cũng có thể mang đến những thay đổi căn bản về cấu trúc ngành, nhất là từ các quốc gia có thế mạnh về xe hơi như Nhật và Mỹ.

Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chưa thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ ngoại bởi hạn chế về vấn đề công nghệ. Theo các chuyên gia trong ngành đánh giá, việc nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam từ sau năm 2018 sẽ thấp hơn đáng kể với chi phí lắp ráp trong nước, đặt ra thách thức lớn hơn bao giờ hết cho các doanh nghiệp Việt, thậm chí đã có một số doanh nghiệp ngoại lắp ráp xe ở Việt Nam đã “đánh tiếng” sẽ đóng cửa nhà máy nếu không nhận được các hậu thuẫn về mặt chính sách từ Nhà nước.

Đối thủ lớn nhất cho Việt Nam sẽ là các dòng xe có xuất xứ từ Thái Lan. Công suất các nhà máy lắp ráp ôtô tại Thái Lan hiện lên đến 2,85 triệu chiếc, thậm chí nếu chạy hết công suất thì có thể đạt đến 4 triệu chiếc. Trong bối cảnh sức tiêu thụ của Thái Lan đã bão hòa thì xuất khẩu sẽ là chiến lược được các doanh nghiệp đẩy mạnh. Với con số sản xuất khủng nói trên, có lý do để tin rằng sau năm 2018, các dòng xe “Made in Thailand” sẽ tràn ngập thị trường các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Bởi thế, dù dư địa thị trường vẫn còn rất lớn khi số lượng xe trên đầu người của Việt Nam còn khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia (3 xe/100 dân so với 20 xe/100 dân), nhưng nhiều khả năng chiếc bánh này sẽ khó rơi vào tay các doanh nghiệp trong nước. Áp lực cạnh tranh trong ngành thậm chí còn bị tác động bởi những phương tiện giao thông thay thế. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày càng mọc lên các loại hình giao thông công cộng hiện đại như metro, các đường sắt đô thị một ray. Những phương tiện này sẽ ảnh hưởng phần nào đến tâm lý sở hữu xe hơi của người tiêu dùng.

Thực tế thì ông Dương đã cảm nhận mối nguy này từ khá lâu và dường như “canh bạc bất động sản” đang là cuộc chơi “hậu kỳ” của ông.

Năm 2011, Trường Hải cùng một số đối tác thành lập Công ty Đại Quang Minh. Tổng vốn điều lệ của công ty này lên đến 2.700 tỉ đồng và tập trung vào các dự án hạ tầng lớn tại Khu Đô thị Thủ Thiêm (quận 2). Bên cạnh đó, Đại Quang Minh cũng được chấp thuận đầu tư các khu đô thị quy mô hàng trăm hecta tại trung tâm tài chính mới của Thành phố. Chỉ trong năm 2015, Đại Quang Minh thu về 6.400 tỉ đồng.

Trường Hải có thể có thể phải tạm gác lại giấc mơ tạo ra một chiếc xe 100% “Made in Vietnam” cho những tính toán thực tế hơn như bất động sản. Ảnh: Ôtô Trường Hải.

Ngoài TP.HCM, Trường Hải còn sở hữu một số dự án quy mô hàng trăm hecta tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Đó là chưa tính đến hệ thống 89 showroom nằm tại nhiều vị trí đắc địa trên toàn quốc mà phần lớn quyền sử dụng đất thuộc về Trường Hải. Tính tổng quát, các dự án bất động sản có thể mang lại cho Trường Hải hằng trăm tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm, nhưng cũng sẽ mang theo rủi ro nếu thị trường biến động.

Thị trường địa ốc Việt Nam vẫn được xem là còn tốt. Đó cũng là lý do vì sao bên cạnh Trường Hải, nhiều doanh nghiệp xuất thân từ các ngành công nghiệp khác cũng dần xuất hiện trong mảng kinh doanh bất động sản như Tôn Hoa Sen hay Cơ Điện Lạnh REE.

“Xe hơi vẫn là chủ đạo nhưng phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành là định hướng của chúng tôi trong lộ trình hội nhập khu vực ASEAN. Thực tế đã chứng minh, phát triển đa ngành là xu hướng tất yếu của các tập đoàn lớn trong khu vực và trên thế giới. Khi ngành nghề cốt lõi đã lớn mạnh, đã có thể làm trụ cột và tích lũy được tài chính, kinh nghiệm thì họ đều vươn tay sang các lĩnh vực khác. Chúng tôi cũng không ngoại lệ”, ông Dương nói.

Nhưng cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra khi Trường Hải bắt đầu mở rộng đa ngành. Liệu năng lực quản trị của công ty có thể đáp ứng cho sự “phân thân” vào cả 2 lĩnh vực khó là ôtô và bất động sản, trong khi bất động sản chưa phải là thế mạnh? Ông Dương sẽ đối mặt những áp lực về tài chính khi lấn sân sang lĩnh vực địa ốc ra sao? Và ông đã có những chiến lược dự phòng rủi ro nào khi tham gia vào địa ốc vốn được xem là một ngành nhạy cảm, nhiều rủi ro từ chính sách?

Những câu hỏi này cần thời gian chứng minh. Nhưng trước mắt, đặt trong bối cảnh ngành ôtô gặp nhiều thách thức cạnh tranh, cuộc phiêu lưu mới của Trần Bá Dương có thể cũng là một phép thử.

Ông vua thời trang Armani – từ tay trắng đến tỷ phú huyền thoại

Cuộc đời Giorgio Armani được cho là phép màu kỳ diệu của nước Ý khi một tay thợ may vô danh trở thành huyền thoại sống trong làng mốt thế giới.

Giorgio Armani vẫn thường được nhắc đến như một “huyền thoại sống”, một “King George” của nước Ý. Những kiệt tác ông tạo nên bằng tài năng phi thường và niềm đam mê vô hạn đã trở thành tài sản độc đáo của kinh đô thời trang thế giới cũng như toàn nhân loại.

81 tuổi với 41 năm làm việc trong ngành mốt, Giorgio Armani vẫn còn nhiều ý tưởng kinh doanh đột phá và đang là tỷ phú với khối tài sản khổng lồ lên tới 8,5 triệu USD.

Suýt bị mù mắt vì chiến tranh

Giorgio Armani sinh năm 1934 tại Piacenze, một tỉnh lẻ còn khá nghèo thời bấy giờ ở Italia. Không may mắn lớn lên giữa thời chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, cậu bé Armani ngày ấy đã từng trải qua những hoàn cảnh hết sức khốc liệt.

Nhà thiết kế Armani sinh ngày 11/7/1934 tại Piacenza, Italia.

“Mặc dù bây giờ tôi có cuộc sống thoải mái, nhưng không phải luôn luôn là như vậy. Khi còn nhỏ, tôi lớn lên giữa chiến tranh tàn phá ở Italy”

“Một ngày, chúng tôi chơi với một vỏ bom chưa nổ, sau đó, nó bất ngờ phát nổ, giết chết người bạn của tôi và đốt cháy tôi từ đầu đến chân. Mắt tôi suýt bị mù và không nhìn thấy một thời gian, còn da phải ngâm trong rượu để làm dịu những vết bỏng. Đến giờ tôi vẫn còn có vết sẹo trên mắt cá chân”, Armani từng kể lại quá khứ không êm đềm.

Tốt nghiệp phổ thông, Giorgio Armani theo học ngành y với kỳ vọng sẽ trở thành một bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật. Nhưng sự khó khăn khi tiếp xúc với người bệnh đã khiến ông bỏ học, về nhà làm những công việc vặt vãnh.

Tưởng như cuộc đời Armani sẽ trôi đi trong bế tắc và sự tẻ nhạt, thì trong một lần du lịch tới Milan, ông đã bị kinh đô thời trang cuốn hút và bắt đầu suy nghĩ đến con đường đầy thú vị này. Từ đây thế giới của ông, những thứ xung quanh ông gắn liền với thế giới thời trang như một định mệnh đã được sắp đặt.

Tình yêu bén duyên cùng sự nghiệp

Sau lần tới Milan, Armani quyết định không quay trở lại trường đại học mà thử vận may của mình. Ban đầu, để kiếm tiền trang trải cuộc sống, chàng trai 25 tuổi ngày ấy phải đi làm công việc quảng cáo, giới thiệu sản phẩm.

Sau đó, ông được thuê làm người trưng bày tủ kính ở trung tâm thương mại La Rinascente rồi tiến tới là nhân viên bán quần áo nam giới. Chính từ thời gian này, Armani đã bắt đầu tiếp cận với ngành công nghiệp thời trang và học hỏi được những kinh nghiệm quý báu.

Sau một lần đến Milan, cuộc đời Armani thay đổi hoàn toàn.

Những năm 1960, sự nghiệp của Giorgio Armani sang trang khi ông gặp nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Nino Cerruti.

Cho đến lúc được công ty của Nino Cerruti tuyển vào vị trí thiết kế, chàng trai đến từ tỉnh lẻ Armani mới thực sự khởi đầu hành trình biến ước mơ thành hiện thực. Đây cũng là thời điểm ông nhận may và bán lẻ một số sản phẩm tại hệ thống các cửa hàng thời trang.

Cuối những năm 60, Giorgio gặp Sergio Galeotti, vốn là một họa đồ viên kiến trúc. Sergio gắn bó với Giorgio từ những ngày đầu sự nghiệp thiết kế thời trang và góp ý cho ông nhiều lời khuyên bổ ích,

Mối quan hệ của Sergio và Armani không chỉ là một tình yêu đồng tính mà còn là những người cùng chung ước mơ khởi nghiệp. Sergio Geleotti là người đồng sáng lập thương hiệu, đồng thời là bạn tâm giao, người yêu của nhà tạo mốt lừng danh.

Năm 1973, Sergio thuyết phục Armani mở một văn phòng thiết kế tại Milan. Một năm sau, hai người giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên cho nam giới, tạo tiền đề để thành lập công ty Giorgio Armani S.p.A. vào năm 1975.

Không chỉ dừng lại ở những thiết kế dành cho nam giới, công ty của Armani và Sergio còn ra mắt những bộ sưu tập thời trang nữ và được đông đảo khách hàng đón nhận.

Tính nhạy bén trong kinh doanh đã góp phần làm nên thành công của nhà thiết kế người Ý.

Trong những năm tiếp theo, Armani giới thiệu một số dòng sản phẩm mới, bao gồm Le Collezioni, Emporio Armani, đồ lót, phụ kiện, nước hoa và nhiều thứ khác.

Tuy mới mẻ nhưng thương hiệu của Armani nhanh chóng phát triển đến mức sau 2 năm thành lập, ông và Galeotti đã đủ tự tin để khởi động cuộc chinh phục thị trường châu Âu và Mỹ.

Năm 1979, công ty của Aramni và Sergio nâng cấp thành Tập đoàn, bắt đầu sản xuất cho Mỹ và giới thiệu các dòng trang phục chính dành cho nam và nữ.

Thời điểm đánh dấu bước ngoặt của nhà thiết kế là khi ông trình làng mẫu áo vest nam không có lớp lót và vải lót bên trong như truyền thống (áo vest một lớp). Khi Richard Gere mặc mẫu áo khoác này trong bộ phim năm 1980, “American Gigolo”, tên và nhãn hiệu Armani trở nên nổi tiếng thế giới.

Có thể nói thành công của Armani không chỉ trên phương diện nghệ thuật thẩm mỹ mà ông và bạn trai còn “đánh chiếm” lĩnh vực kinh doanh.

Sergio Galeotti là người bạn đồng hành của Armani những ngày đầu khởi nghiệp.

Năm 1988, dòng sản phẩm Emporio Armani được ông cho ra mắt nhanh chóng làm thị trường dậy sóng. Ông cũng cho xây dựng thêm nhiều xưởng may để phục vụ dây chuyển khép kín của công ty như Giorgio Armani Neve, Giorgio Armani Golf…

Từ năm 1998 đến 2000, hãng Armani bước vào thị trường thời trang thể thao và liên tục tung ra các dòng mỹ phẩm mới.

Hiện tại, thương hiệu Armani có trong tay khoảng 2.000 shop thời trang có mặt ở 36 quốc gia trên toàn thế giới. Tổng doanh thu của hệ thống các cửa hàng này đạt trên 1 tỉ USD mỗi năm.

Trong sự nghiệp lẫy lừng, Giorgio Armani đã nhận được nhiều giải thưởng, như Giải Thời trang Neiman Marcus năm 1979 và Giải GQ Phong cách Nam cho Nhà thiết kế xuất sắc nhất năm 1981, giải Thành tựu trọn đời từ Hội đồng các nhà thiết kế thời trang của Mỹ (CFDA) năm 1987.

Năm 1982, Armani trở thành nhà thiết kế thời trang thứ hai (sau Christian Dior) xuất hiện trên trang bìa của tạp chí “Time”. Đây là một vinh dự lớn bao bởi không phải ai cũng được lên trang bìa của tạp chí danh tiếng này.

“From Nothing to Everything” – đó là câu nói mà người ta thường nói về Armani.

Từ số vốn 10.000 USD với một nhân viên tiếp tân duy nhất là sinh viên. Sergio cùng Armani đã tạo nên một thương hiệu toàn cầu, sản phẩm của tập đoàn Giorgio Armani S.p.A đã trở thành một thứ hàng hiệu sang trọng và sành điệu cho rất nhiều đối tượng khách hàng.

Sau khi Galeotti qua đời năm 1985, Armani trở thành chủ sở hữu duy nhất của thương hiệu và trực tiếp điều hành mọi hoạt động kinh doanh cho tới tận bây giờ.

Từ đó đến nay, Armani đã có những cuộc tình với những phụ nữ và cả đàn ông, như nhiều lần ông thổ lộ với báo giới. Nhưng không có ai để lại dấu ấn sâu đậm như Sergio Galeotti trong trái tim ông. Và người ta vẫn gọi ông là “gã tỷ phú cô đơn”.

Triết lý của “ông vua thời trang”

Nếu Christian Dior mang đến cho thế giới thiết kế New Look, Yves Saint Laurent đặt nền móng cho thời trang ứng dụng, Chanel giải phóng phụ nữ khỏi các thiết kế gò bó thì Giorgio Armani với các mẫu áo vest đã làm nên một cuộc cách mạng thời trang.

Phương châm thiết kế của Armani: thời trang chỉ là công cụ và phương cách chứ không phải mục đích cuối cùng.

Bộ sưu tập Menswear Fall Winter 2016 của Armani.

Giống như câu ngạn ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, Armani coi trọng và đề cao những giá trị vô hình chứ không phải sự bộc lộ ra bên ngoài của thời trang.

“Quan điểm của tôi rất rõ ràng: Tôi tin vào việc loại bỏ những chất liệu giả tạo của trang phục. Tôi tin vào các màu trung tính”, Armani tuyên bố.

Trung thành với phương châm trên, mỗi thiết kế của Giorgio Armani luôn loại bỏ sự rườm rà, hướng đến sự tiện dụng nhưng không kém phần sang trọng, lịch lãm.

Triết lý của Armani thể hiện rõ nhất ở sản phẩm có tên gọi là “giacca destrutturata”. Từ chiếc áo comple cổ điển, Armani cải biên nó thành một loại áo hoàn toàn khác cho dù vẫn giữ nguyên dáng vẻ.

Nhà thiết kế loại bỏ lớp lót và chất liệu làm cứng vai áo, đồng thời cũng không sử dụng nhuộm màu và họa tiết phức tạp trên nền vải mà chỉ sử dụng màu vải tự nhiên, đơn giản chỉ có các màu nâu, xám hoặc nâu nhạt.

Từ chiếc comple truyền thống, giacca destrutturata hoàn thành là một chiếc áo buông thõng tự nhiên chứ không cứng nhắc, gò bó.

Những chiếc áo “giacca destrutturata” làm nên cuộc cách mạng thời trang.

Đã bao giờ bạn tự hỏi, bí quyết thành công của Armani đơn giản chỉ có lập trường “màu trung tính, nói không với chất liệu giả”?

Đây lại là một câu chuyện về “cơ may”. Vào thời điểm Armani và Sergio Galeotti cho ra đời thương hiệu này, thế giới thời trang đã đầy rẫy những thương hiệu sáng giá.

Cho nên thành công của Armani chỉ có thể lý giải được ở sự cộng hưởng tác động của một tác nhân bên ngoài mà Armani đã tranh thủ được. Tác nhân bên ngoài đó có tên gọi là Hollywood.

Những bộ suit đẳng cấp làm nên thương hiệu lịch lãm của hãng Armani.

Nhận rõ tầm quan trọng trong việc thiết kế trang phục cho các bộ phim, vài năm sau khi thành lập công ty, Armani đã hợp tác với một số nhà sản xuất. Sau thành công khi hợp tác với đoàn làm phim American Gigolo (1980), cơ hội làm ăn lâu dài với thế giới điện ảnh trở nên rộng mở.

Nhà tạo mốt Italy đã sáng tạo trang phục cho hơn 100 bộ phim, trong đó có tác phẩm điện ảnh nổi tiếng The Untouchables (1987).

Thành công của bộ phim này đã giúp Armani gây dựng được ảnh hưởng ở Mỹ. Rồi đến bộ phim “The Untouchables” với các ngôi sao như Sean Connery và Kevin Costner.

Nhiều sao Hollywood yêu thích thương hiệu đến từ nước Ý.

Hiện tại, thương hiệu Armani đã chinh phục được cả đội ngũ đông đảo sao lớn sao bé của Hollywood quảng cáo cho mình như Jodie Forster, Michelle Pfeiffer, Katie Holmes, Tom Cruise, Lindsay Lohan, Tom Hiddlesto, Naomi Watts…

Nhắc đến “King Armani”, giới mộ điệu sẽ nghĩ đến những phát ngôn đầy sâu sắc về thời trang của ông.”Tôi thích thời trang thiên hạ không nhìn thấy”, “Sang trọng không phải là nổi bật bề ngoài, mà là cái lắng đọng trong hồi tưởng” và “Armani không phải là thương hiệu về thời trang, mà là thương hiệu về phong cách sống”.

Một trong những phát ngôn của Armani.

Ngày nay, không chỉ nam giới mà phụ nữ cũng thích thời trang Armani. Nó giản dị nhưng cực kỳ sang trọng, rất tiện dụng mà lại mềm mại, nhẹ nhàng, giống như làn da thứ hai của thân thể.