Monthly Archives: September 2016

Chàng trai ngày nào cũng đến Starbucks xếp hàng, nhưng không phải để uống cà phê, sẽ giúp bạn hiểu thế nào là nghề sales

“Tôi đến Starbucks vì tôi biết rằng những đối tượng khách hàng mà tôi đang theo đuổi, những người giàu và cả người nổi tiếng ở Beverly Hills đều đến đó mỗi ngày. May mắn không tự đến với tôi, đơn giản là tôi chỉ đặt bản thân mình vào những nơi có thể tìm thấy may mắn mà thôi”.

 

Josh Altman là một chuyên gia môi giới bất động sản đã bán được 1,5 tỷ USD bất động sản với nhiều căn hộ đắt tiền. Anh cũng là ngôi sao của chương trình Million Dollar Listing Los Angeles nổi tiếng nước Mỹ, đồng thời là đồng sáng lập công ty bất động sản Altman Brothers.

Thành tích đáng nể nhất của Josh Altman phải kể đến thương vụ anh đã bán căn nhà trị giá 11 triệu USD cho nam diễn viên nổi tiếng Tyler Perry chỉ trong vòng chưa đầy 10 tiếng đồng hồ, hay thương vụ ký được hợp đồng 12 triệu USD chỉ sau vài giờ đứng xếp hàng cùng với khách hàng tại Starbucks.

“Rất nhiều người nói rằng những gì tôi làm được đều là may mắn khi tôi đến đúng chỗ và gặp khách hàng đúng thời điểm. Tuy nhiên, đó không phải chỉ là may mắn. Sự thật là ngày nào tôi cũng đến xếp hàng ở Starbucks mỗi sáng, với mục đích không phải là những ly cà phê” – Josh Altman trả lời trong một cuộc phỏng vấn.

Anh cho biết “Tôi đến Starbucks vì tôi biết rằng những đối tượng khách hàng mà tôi đang theo đuổi, những người giàu và cả người nổi tiếng ở Beverly Hills đều đến đó mỗi ngày. May mắn không tự đến với tôi, đơn giản là tôi chỉ đặt bản thân mình vào những nơi có thể tìm thấy may mắn mà thôi”.

Bên cạnh đó, một yếu tố thứ 2 quyết định thành công của Josh Altman đó là “sẵn sàng nhảy vào bất cứ chỗ nào khi nhìn thấy cơ hội”, chẳng hạn như việc bắt chuyện với một anh chàng trông rất bình thường khi đứng xếp hàng tại Starbucks.

Altman gọi đây là chiến thuật “sẵn sàng bùng cháy” trong nghề sales. “Khi bạn nhận ra rằng có một cơ hội ở phía trước thì bạn phải tận dụng mọi khả năng để nắm lấy cơ hội đó và không điều gì có thể cản bước bạn” – vị CEO trẻ cho biết.

Trong thương vụ bán căn hộ trị giá 11 triệu USD cho Tyler Perry, Altman đã áp dụng rất thành công chiến thuật này. Một buổi sáng tại phòng tập gym, Altman nhận ra rằng anh đang ở gần nam diễn viên nổi tiếng Perry.

“Tôi quay trở lại phòng tập hàng ngày dù chưa biết rằng liệu mình có thể bắt chuyện với Perry hay không. Tôi cảm thấy khá lo lắng nhưng cuối cùng tôi đã làm được. 10h sáng tôi có mặt tại nhà Perry để giới thiệu về ngôi nhà. Đến 16h, tôi nhận được cái gật đầu quý giá từ anh ấy và 17h, chúng tôi ký hợp đồng trị giá 11 triệu USD” – chuyên gia môi giới bất động sản chia sẻ.

Josh Altman nhận ra cơ hội của mình đến từ Tyler Perry. Anh biết mình phải làm gì và mình có thể làm tốt việc gì. Anh tin tưởng vào bản thân và không cho phép mình có sự lựa chọn thứ 2, vì thế anh đã dũng cảm gặp Perry.

“Hãy tự tạo may mắn cho chính bản thân bạn hoặc ít nhất, tự đặt bản thân vào những hoàn cảnh may mắn. Đừng bao giờ copy may mắn của người khác. Điều này không chỉ đúng trong lĩnh vực bất động sản của tôi, mà trong bất cứ ngành kinh doanh nào bạn cũng có thể áp dụng” – Altman đưa ra lời khuyên.

Theo Trí Thức Trẻ

quản lý tạm thời

Làm quản lý tạm thời: Tại sao không ?

Được chỉ định làm “quản lý tạm thời” một bộ phận, phòng ban trong doanh nghiệp trong khi sếp tìm kiếm một ứng viên phù hợp vừa mang đến những cơ hội nghề nghiệp mới nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy. Cơ hội là bởi những nhà quản lý tạm thời nếu thành công trong việc chứng tỏ cho mọi người thấy năng lực của mình thì có thể được chính thức giao cho vị trí điều hành đó. Tuy nhiên, thông thường nhà quản lý bị thiếu quyền hành và sự hỗ trợ cần thiết để tạo nên những thay đổi tích cực trong bộ phận mà anh ta quản lý. Hơn nữa, bị gắn mác là kẻ giữ giùm chiếc ghế ngồi cho một ai đó có lẽ sẽ khiến cho cái tôi của nhiều người khó lòng chấp nhận được.

Cạm bẫy thường gặp đối với các nhà quản lý tạm thời là việc nghĩ rằng họ có thể thành công khi sử dụng cùng những kỹ năng mà đã giúp họ có được sự đề bạt. Bởi lẽ, chiếc ghế tạm thời thường đi kèm với nhiều nhiệm vụ khó khăn hơn cũng như các mối quan hệ phức tạp hơn, vốn dĩ không dễ giải quyết chút nào.

quản lý tạm thời

Hầu hết các vị trí tạm thời kéo dài từ 6-18 tháng, một số trường hợp có thời gian dài hơn. Các nhà quản lý tạm thời nên trao đổi thường xuyên với cấp trên để báo cáo tình hình và xin ý kiến. Khi ở vai trò là nhà lãnh đạo tạm thời, “bạn cần phải đi những bước thận trọng để đảm bảo rằng bạn có được sự ủng hộ, chấp nhận từ những người có liên quan” và “Tạo ra sức ảnh hưởng thực sự là một thách thức lớn”.

Tuy nhiên, vị trí tạm thời cũng cho cô quyền lực nhất định để giải quyết một số vấn đề nội bộ mà cô thấy chưa hợp lý, như tạo ra các công cụ giao tiếp mới để giúp các nhà quản lý không phải lúng túng, bối rối về các chính sách phức tạp cũng như cơ chế nghỉ phép. “Tôi thích sửa chữa mọi thứ mà cần phải sửa chữa”, Beasley-Martin nói. Cô có 10 năm kinh nghiệm là Giám đốc HR tại các công ty tuyển dụng khác. Đối với cô, nhiệm vụ “chỉ đơn thuần là liệu tôi có thể làm được gì để tạo sự khác biệt chỉ trong một thời gian ngắn ở vị trí tạm thời”.Nhà quản lý tạm thời “phải gạt cái tôi sang một bên và đừng lo nghĩ về những gì mà mọi người nói về mình”, Tim Tolan, CEO của Tolan Group, thuộc mạng lưới tuyển dụng nhà điều hành Sanford Rose Associates, nhận xét. Mức độ kính trọng của đồng nghiệp “có liên quan nhiều đến cách mà bạn nhìn nhận bản thân ở vị trí đó”, ông nói thêm.

Sau thời gian thử thách, nếu một nhà quản lý vẫn không được chọn thì điều đó có thể khiến họ ấm ức”. “Khi đó, thể hiện thái độ lịch thiệp và điềm đạm là rất quan trọng. Cần tránh việc chỉ trích người được chọn lên vị trí điều hành chính thức và cũng không nên chỉ trích quyết định của sếp mình”, Bates nói. “Cần phải tìm hiểu tại sao bạn không được chọn mà không tỏ thái độ bức bối, khó chịu hay nghi ngờ quyết định của sếp”, Bates nói thêm. Sau đó, xem thử mình có còn chỗ đứng phù hợp trong tổ chức hay liệu có nên rời khỏi công ty để tìm vị trí mới.

Nếu được chỉ định tạm thời điều hành một bộ phận nào đó, bạn sẽ làm gì?

Nên làm

Cho sếp biết bạn hứng thú với công việc mới.

Yêu cầu cấp trên cho bạn biết họ muốn bạn hoàn thành những nhiệm vụ gì.

Đặt ra các mục tiêu thực tế có thể đạt được trong vai trò tạm thời.

Tìm những người hướng dẫn giúp bạn học hỏi, trau dồi các kỹ năng cần thiết cho công việc mới.

Tìm cách cải thiện kết quả làm việc của toàn nhóm thay vì chỉ mỗi bản thân bạn.

Thường xuyên sắp xếp trước lịch họp với cấp trên để báo cáo tình hình.

Vẫn lịch thiệp và điềm đạm nếu cuối cùng bạn vẫn không được chọn, nhưng nên hỏi lý do tại sao.

Không nên làm

Cảm thấy bị xúc phạm khi được giao cho vị trí tạm thời và lo lắng về hình ảnh bản thân.

Cố lấy lòng các nhà quản lý cấp cao.

Quá “xông xáo” thực hiện kế hoạch bạn vạch ra mà “quên” tìm kiếm sự đồng tình từ các đồng nghiệp.

Vượt quá quyền hạn nhằm gây ấn tượng với cấp trên.

Bị sao nhãng nhiệm vụ do “quá trình vận động” của những người cũng muốn có được vị trí của bạn.

Nghi ngờ quyết định của cấp trên trong trường hợp bạn không được chọn.

Cho rằng nếu bạn không được chọn thì sự nghiệp của bạn tại công ty đã chấm dứt.

Nguồn WSJ

không còn yêu công việc

Bạn sẽ làm gì khi không còn yêu công việc?

Sẽ có bạn không còn yêu công việc trở thành gánh nặng và nỗi chán chường, đây là lúc chúng ta nhìn lại và tìm xem chúng ta yêu thích gì và tập trung vào công việc đó!

Dù công việc hiện tại đối với bạn là cả ước mơ, là cả đam mê nhưng bạn cũng sẽ không tránh khỏi những ngày tháng chán nản vì công việc.  Bạn làm liên tục mỗi ngày cùng một công việc, cùng một văn phòng và cùng với những gương mặt quá thân quen của đồng nghiệp! Những ngày tháng như thế bạn sẽ xử lý như thế nào? Làm sao để có thể yêu lại công việc như trước? hoặc quyết tâm thay đổi suy nghĩ không còn yêu công việc.

“Sẽ có những khi công việc trở thành gánh nặng và nỗi chán chường, đây là lúc chúng ta nhìn lại và tìm xem chúng ta yêu thích gì và tập trung vào công việc đó!”, Gretchen Spreitzer, Chuyên gia Quản trị kinh doanh của Đại học Michigan cho biết.

Hãy chủ động thay đổi suy nghĩ “không còn yêu công việc”

Bạn nghĩ rằng bạn ngồi một chỗ, không làm gì thì giai đoạn khó khăn này sẽ trôi qua? Thực tế, “quả sung” không rụng cho đến khi bạn hành động. Bạn có thể bắt đầu từ những suy nghĩ tìm ra giải pháp để vượt qua giai đoạn này đến khi đưa ra một kế hoạch rõ ràng. Cụ thể là bạn có thể làm bất cứ gì bạn cảm thấy thoải mái, lấy lại tinh thần như: đi du lịch, tham gia các lớp học chuyên môn, …

Bắt đầu nghĩ đến những việc bạn yêu thích

Những công việc bạn hứng khởi thích thú khi được làm sẽ là nguồn động lực lớn nhất cho bạn vào thời gian này. Do đó bạn hãy thử chú ý xem việc gì khiến bạn làm quên cả mọi thứ xung quanh, hay việc gì khiến bạn phải liên tục nhìn đồng hồ xem còn bao lâu nữa sẽ tan ca; thời gian nào bạn làm năng suất nhất, ngược lại khi nào năng lượng của của bạn thấp nhất, … Tiếp cận công việc yêu thích nhiều hơn sẽ phần nào giúp bạn lấy lại cảm hứng trong công việc thây vì không còn yêu công việc.

Và những gì bạn thật sự giỏi

Sở trường của bạn sẽ là phao cứu sinh trong khoảng thời gian này. Nếu bạn giỏi viết bài, luôn luôn tràn ngập ý tưởng hay ho, độc đáo thì hãy tập trung và phát triển công việc đó. Những gì bạn giỏi sẽ giúp công việc thuận lợi hơn, như một hiệu ứng lan truyền, tâm trạng của bạn cũng phần nào khá hơn. Hãy nhớ đến những lĩnh vực mình có thể thể hiện năng lực tốt nhất trong thời gian này bạn nhé!

Hãy tìm đến những người đồng nghiệp tràn đầy năng lượng

Sẽ ra sao nếu xung quanh bạn là những đồng nghiệp thiếu sức sống, thiếu cả năng lượng làm việc? Bởi vì đam mê và tinh thần làm việc có thể “lây nhiễm” nên bạn hãy tìm đến những người cho bạn cảm hứng, cho bạn niềm vui trong công việc. Bạn có thể tham gia những sự kiện để tạo mối quan hệ với mọi người (đặc biệt là cấp trên): gặp gỡ họ, trao đổi với họ những mục tiêu dự định của bạn và nhận lại là những cảm hứng đam mê với công việc nhiều hơn. Hoặc bạn có thể tình nguyện hướng dẫn những đồng nghiệp mới, giúp họ hòa nhập nhanh chóng với môi trường và cả công việc thây vì cứ suy nghĩ tôi không còn yêu công việc.

Hãy ăn mừng cho những “thành tựu” của bạn

Đừng cứ mải mê với công việc mà quên mất tự thưởng cho bản thân. Sau một buổi thuyết trình hoặc một hợp đồng thành công hoặc đơn giản chỉ là giải quyết trơn tru hàng tá email đến trong một buối sáng bạn cũng đã có thể tặng cho bản thân một món quà nho nhỏ. Tập trung vào những điều tốt đẹp để quên đi những mặt tiêu cực sẽ giúp bạn tạo nên nhiều động lực trong công việc hơn. Ngoài ra bạn có thể xác định những công việc mà bạn mong muốn được tiếp cận nhiều hơn nữa.

Tham khảo Internet
sếp

Kỹ năng dành cho sếp: Sự đồng cảm

Aaron Gibson chưa bao giờ cho rằng mình là một người sếp biết cảm thông và chia sẻ mãi cho đến gần đây khi ông trải qua khóa học về đồng cảm do hãng tư vấn Development Dimensions International (DDI) tổ chức.

Trước đây, ông xem mình là một nhà lãnh đạo thực tế, “không cho phép nhưng nhị gì cả” và đặt ra tiêu chuẩn cao cho cấp dưới. Nhưng một số nhân viên cho rằng tính cách của ông quá thẳng thừng và lỗ mãng và đó là lý do họ bỏ việc ở 3 cơ sở YMCA trong nước mà ông điều hành.

Sau khóa học về đồng cảm, Gibson đã thay đổi cách thức quản lý. Ông nhận ra mình chưa hề hiểu nhu cầu của nhân viên. “Bạn không bao giờ biết được người khác cảm nghĩ gì trừ phi bạn hỏi họ”, ông nói.

Đồng cảm trong doanh nghiệp nghe có vẻ khá xa lạ, nhưng ngày càng nhiều công ty chú trọng đến yếu tố này trong việc đào tạo nhà quản lý và phát triển sản phẩm. Cisco Systems, Breakthru Beverage hay Ford Motor đã đầu tư vào các khóa đào tạo kỹ năng cảm thông và chia sẻ để cải thiện năng lực quản lý, giữ chân người tài cũng như làm kim chỉ nam cho những quyết định liên quan đến thiết kế sản phẩm. Bởi lẽ, theo Adam Waytz, nhà nghiên cứu đồng cảm và Phó Giáo sư tại Trường Quản trị Kellogg, nhân viên ngày nay “muốn có cảm giác kết nối” từ sếp của mình.

Theo một nghiên cứu được DDI công bố vào năm 2016 (dựa trên đánh giá của hơn 15.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại 18 quốc gia), những nhà lãnh đạo nắm vững được kỹ năng lắng nghe và phản hồi với cảm xúc của người khác là những nhà lãnh đạo thành công nhất và kỹ năng này được đánh giá cao hơn tất cả các kỹ năng khác.

Một nghiên cứu năm 2011 trên 6.731 nhà quản lý từ 38 nước do Center for Creative Leadership thực hiện cũng cho thấy, những vị sếp thể hiện được sự đồng cảm lại tạo ra kết quả kinh doanh tốt vì “đã xây dựng và duy trì hiệu quả các mối quan hệ”.

Theo một nghiên cứu, top 100 trong số 160 doanh nghiệp thuộc chỉ số đồng cảm toàn cầu Global Empathy Index 2015 đã tạo ra mức lãi ròng trên mỗi nhân viên cao hơn 50% so với 10 doanh nghiệp chót bảng xếp hạng. Chỉ số này phân tích các yếu tố như doanh nghiệp cư xử thế nào với nhân viên cũng như giao tiếp thế nào với khách hàng.

Empathy Business, công ty cho ra đời chỉ số này, đã tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, trong đó có Aston Martin Lagonda, một nhà sản xuất xe thể thao Anh muốn thu hút nhiều người mua là nữ giới. Đối xử đầy cảm thông với khách hàng “làm cho doanh nghiệp chúng tôi trở nên khác biệt với các doanh nghiệp khác”, CEO Andrew Palmer của Aston Martin Lagonda nói.

Lấy “cảm hứng” từ Empathy Business, Aston Martin đã lập ra một ban tư vấn toàn là phụ nữ để tư vấn thiết kế cho chiếc DBX, mẫu xe mới có không gian rộng rãi. Ban tư vấn này có thể bác bỏ các quyết định về mặt kỹ thuật và có tiếng nói nặng ký về marketing.

Hãng xe Ford cũng đưa đồng cảm vào trong mẫu thiết kế ôtô. Những sinh viên tốt nghiệp kỹ thuật mới được tuyển vào làm khâu thiết kế ở Ford phải mang cái “bụng đồng cảm”.

Cái bụng nặng nề này khiến cho người mặc có cảm giác giống phụ nữ mang thai như cảm giác tăng cân, đau lưng và khó chịu ở bàng quang. Khi các kỹ sư phải trải qua những gì người phụ nữ mang bầu cảm nhận khi ngồi ở ghế lái thì họ mới hiểu được nhiều thứ, như “cần có thêm khoảng trống để ra vào xe cho thoải mái”, theo Katie Allanson, chuyên gia nghiên cứu về lao động ở Ford. Việc mang bụng giả đã làm thay đổi đặc tính của một số mẫu xe như tính năng xe tự động điều chỉnh ở ghế lái.

Dù có một số thay đổi tích cực ở doanh nghiệp, nhưng theo DDI và các hãng tư vấn khác, nhiều ông chủ vẫn thiếu kỹ năng quan trọng này. Trước khi trải qua khóa học tại DDI, 1/3 trong số 19 giám sát viên và quản lý cấp cao từ các doanh nghiệp trong nước và các tổ chức phi lợi nhuận đã đánh giá kỹ năng đồng cảm thấp hơn các kỹ năng lãnh đạo khác.

Họ cho rằng không cần phải có khả năng đồng cảm mới quản lý được nhân viên và vì thế “không coi trọng nó”, theo chuyên gia tư vấn cấp cao Diana Powell của DDI. Powell cho biết nhân viên giỏi ít có xu hướng nghỉ việc nếu thấy sếp đồng cảm với họ.

Nói dễ hơn làm. Trong một bài tập phân vai, một số nhà quản lý tham gia khóa học phải báo cho một nhân viên bị quá tải công việc về những lỗi mắc phải trong một tài liệu kỹ thuật mà nhân viên đó chuẩn bị cho một phòng ban khác.

Sắm vai là nhà giám sát, một nhà quản lý nguồn nhân lực đã trấn an nhân viên đó bằng cách nói rằng cô đánh giá rất cao đóng góp của anh ta. Tuy nhiên, người đàn ông đóng vai nhân viên thì không thấy được xoa dịu chút nào.

Anh ta giận dữ nói: “Tôi muốn nghe sếp nói rằng: “Tôi đã làm hỏng mọi chuyện. Tôi đã không cho anh sự hỗ trợ mà anh cần”.

Powell đề nghị người sếp thay vào đó nên nói “Tôi hiểu anh cảm thấy lo lắng trong tình huống này” trước khi chỉ rõ lỗi của nhân viên đó và cam kết sẽ cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho anh ta.

Theo Powell, muốn thể hiện sự cảm thông một cách hiệu quả, cần thực hành thường xuyên, như vậy mới phát triển được kỹ năng đồng cảm một cách vô thức, nhưng nhà quản lý vẫn phải buộc cấp dưới có trách nhiệm giải trình.

Tại Mỹ, khoảng 20% nhà tuyển dụng lao động đã áp dụng phương pháp đào tạo khả năng đồng cảm như một phần trong chiến lược phát triển cấp quản lý, tăng mạnh so với cách đây 1 thập niên, theo Richard S. Wellins, Phó Chủ tịch cấp cao DDI. Ông dự kiến tỉ lệ này sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm.

Một số ông chủ doanh nghiệp thậm chí còn yêu cầu các nhà giám sát phải thường xuyên cập nhật tình hình “rèn luyện” kỹ năng đồng cảm. Tại Breakthru Beverage, các giám đốc kinh doanh phải trải qua một khóa đào tạo ngắn về đồng cảm mỗi năm. “Phải mất thời gian để phát triển kỹ năng đồng cảm”, Dennis DiMaggio, Giám đốc Học vụ tại Breakthru, giải thích.

Gibson đã tích cực rèn luyện kỹ năng đồng cảm kể từ buổi học tại DDI, chú tâm lắng nghe và từ bỏ những biểu cảm “khó gần” khi nói chuyện với nhân viên. Ông nhận thấy nhân viên giờ đã thoải mái hơn khi trao đổi với ông. “Một sự thay đổi 180 độ”, Gibson nói.

Theo WSJ

Chương trình Vietnam CEO Forum 2016

2016 là một năm có nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, ngoại giao quan trọng mở đầu cho thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập và phát triển của Việt Nam. Tất cả các sự kiện này đều dựa trên một nền tảng quan trọng, đó là nâng tầm mối quan hệ với sự liên kết sâu, rộng và bền vững hơn trong thế giới đa chiều nhiều thử thách. Trong đó, mối quan hệ giữa chính phủ và SMEs được nâng cao xứng tầm nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững bằng chính nội lực của mình.

Với 96% SMEs mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa mạnh, các CEOs cần những liên kết phù hợp hơn để tạo ra sức bật khai phá trị trường mới, cạnh trạnh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu …để phát triển và tạo ra vị thế cho mình ngay trong nước.

Thông tin chi tiết: http://www.vietnamceoforum.com/