Monthly Archives: October 2016

kỹ năng lãnh đạo

Phát triển kỹ năng lãnh đạo cho nhân viên trẻ: Cách nào?

Theo một cuộc khảo sát do Deloitte (Deloitte Millennial Survey) thực hiện mới đây, 63% nhân viên thế hệ Y (những người sinh ra vào đầu thập niên 1980 đến cuối thập niên 1990, tức có độ tuổi từ 25-35) cho biết họ không được các công ty tạo điều kiện để phát triển kỹ năng lãnh đạo.

Wes Gay – Giám đốc của Millennial Pipeline, một tổ chức chuyên giúp các nhân viên thế hệ Y và các công ty phát triển kỹ năng lãnh đạo và gắn bó với tổ chức, cho rằng đây là một thực tế đáng báo động. Bởi lẽ, trên thực tế khoảng 70% nhân viên đều có mong muốn trở thành một nhà lãnh đạo trong tương lai và việc các doanh nghiệp không tạo điều kiện để họ hiện thực hóa mong muốn ấy sẽ khiến cho nhân viên thiếu gắn bó lâu dài với tổ chức.

kỹ năng lãnh đạo

Gay cho biết nhiều nhân viên thế hệ Y và các doanh nghiệp nơi họ làm việc quan niệm sai lầm rằng chỉ cần trao cho một người một chức danh thì người ấy sẽ có thể trở thành nhà lãnh đạo. Nói cách khác, có quá nhiều người nghĩ rằng để tạo điều kiện cho một nhân viên phát huy khả năng lãnh đạo thì chỉ cần thăng chức cho nhân viên ấy là được.

Tuy nhiên, các chuyên gia hàng đầu về lãnh đạo như John Maxwell đã từng nói rằng “Lãnh đạo chính là tạo ra ảnh hưởng lên người khác”. Để lãnh đạo người khác, bạn không chỉ cần một chức danh hay một vị trí mà điều quan trọng hơn là bạn phải có khả năng tạo ra ảnh hưởng lên người khác và khiến họ thay đổi theo định hướng của mình.

Vậy thì các doanh nghiệp nên làm gì để tạo điều kiện cho nhân viên thể hiện khả năng lãnh đạo của mình, nhất là đối với những công ty có cơ cấu tổ chức trải dài theo chiều ngang với rất ít thang cấp bậc, chức vụ?

Theo Gay, với định nghĩa về lãnh đạo như trên thì các công ty có thể tạo cơ hội để nhân viên tạo ra sự ảnh hưởng và thay đổi lên những người khác theo mô hình “lãnh đạo theo giới” của doanh nghiệp sau đây.

Chi nhánh đặt tại Atlanta của Porter Novelli, một công ty hoạt động trong lĩnh vực quan hệ công chúng (PR) toàn cầu, đã tự đặt ra câu hỏi làm thế nào để trao quyền lãnh đạo cho nhân viên mà không làm cho cơ cấu tổ chức chuyển thành “hình tháp nhọn” từ cách đây nhiều năm và cuối cùng đã đi đến quyết định thành lập các “giới” (circles) trong công ty.

Một giới được định nghĩa là một nhóm nhân viên có cùng quan tâm về một đề tài hay lĩnh vực nào đó. Các đề tài có thể bao hàm nhiều vấn đề, từ việc cải thiện một khía cạnh nào đó trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cho đến những sở thích, đam mê bên ngoài công sở của nhân viên.

kỹ năng lãnh đạo

Bất cứ nhân viên nào cũng có thể gia nhập hay lãnh đạo một giới nào đó. Cách làm này tạo điều kiện cho các nhân viên trẻ có cơ hội thể hiện khả năng lãnh đạo ngoài những công việc hằng ngày của họ.

Các giới khác nhau có thể có những quan tâm khác nhau. Chẳng hạn, “Giới Dịch vụ khách hàng xuất sắc” sẽ tập trung vào việc áp dụng các thực tiễn tốt nhất nhằm hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng.

Bất cứ ai trong công ty cũng có thể tham gia vào giới này. Và vì thành phần của giới bao gồm nhiều thành viên đến từ các phòng ban khác nhau của doanh nghiệp, nên sẽ có nhiều ý kiến đóng góp phong phú ở nhiều góc độ khác nhau để cùng hướng đến mục tiêu chung là làm hài lòng khách hàng.

Nhưng quan tâm của các giới không chỉ ở trong công việc. Ở Porter Novelli còn có “Giới Vui vẻ” (Fun Circle). Trọng tâm công việc của giới này là lên kế hoạch tổ chức các buổi tiệc giao lưu, các kỳ nghỉ, các hoạt động thể thao vào các cuộc họp định kỳ hằng tháng.

Những giới như thế sẽ tạo ra một tác động trực tiếp lên các công việc hằng ngày của nhóm. Việc tham gia vào những hoạt động thư giãn ngoài công việc sẽ giúp nhân viên tái tạo năng lượng và quay lại làm việc hiệu quả hơn sau đó cũng như kích thích những suy nghĩ sáng tạo hơn.

Theo Gay, hoạt động của các giới còn tạo điều kiện cho nhân viên thắt chặt quan hệ và tinh thần làm việc đồng đội. Khi được làm việc với các đồng nghiệp ngoài phòng ban chức năng của mình, nhân viên cũng sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, hợp tác với nhau tốt hơn trong công việc, góp phần xây dựng được một môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh và giảm bớt tỷ lệ nhân viên nghỉ việc.

Theo Forbes

Bí quyết trao quyền

Bí quyết trao quyền cho nhân viên của “siêu sếp”

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường được khuyên không nên trở thành những nhà quản lý vi mô, tức là không nên can thiệp sâu vào các hoạt động hằng ngày của nhân viên và thể hiện điều này bằng cách đặt niềm tin ở nhân viên, trao quyền cho nhân viên tự ra những quyết định quan trọng.

Tuy nhiên, trên thực tế các nhà lãnh đạo không dễ gì thực hiện được lời khuyên này. Theo Sydney Finkelstein – Giám đốc Trung tâm Phát triển kỹ năng lãnh đạo của Trường Kinh doanh Tuck thuộc Đại học Dartmouth, tác giả cuốn Superbosses: How Exceptional Leaders Manage the Flow of Talent (tạm dịch: Bí quyết quản lý nhân tài của các “siêu sếp” )vừa được phát hành năm 2016, lý do là những nhà lãnh đạo ấy chưa hình thành được một số quan niệm và cách quản trị nhân sự phù hợp.

Trong hơn một thập niên qua, Finkelstein đã nghiên cứu những nhà lãnh đạo giỏi nhất thế giới, là những nhà quản lý đã đạt được thành công phi thường và phát triển được rất nhiều nhân tài trẻ.

Những vị “siêu sếp” (superbosses) ấy, theo cách gọi của tác giả, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, bao gồm nhiều nhân vật nổi tiếng như Norman Brinker – “ông trùm” trong lĩnh vực nhà hàng thức ăn nhanh, Michael Miles – đại gia trong ngành thực phẩm đóng gói, Larry Ellison – nhân vật có thế lực trong lĩnh vực công nghệ, Oprah Winfrey – nhân vật có ảnh hưởng trong giới truyền thông…

Theo Finkelstein, họ là những chuyên gia về giao quyền cho nhân viên. Nếu bạn là một nhà lãnh đạo, chưa chắc bạn đã sẵn sàng giao phó cho một nhân viên ở độ tuổi 20 một khoản vốn đầu tư 25 triệu USD và nói với nhân viên ấy rằng anh ta có thể tự ra quyết định về việc sử dụng nguồn vốn này. Nhưng Julian Robertson thì đã làm điều đó.

Bạn có giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển một dự án bất động sản mới cho một nhân viên trẻ không? Nếu bạn là Bill Sanders, một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản, thì câu trả lời là có.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp hơn 200 siêu sếp, Finkelstein kết luận rằng sự tự tin mang tính bẩm sinh và không dễ gì lay chuyển là yếu tố hàng đầu giúp các nhà lãnh đạo nói trên sẵn sàng trao quyền cho nhân viên và thành công. Ngoài ra, theo tác giả, các siêu sếp còn có một số niềm tin và triết lý làm việc sau đây giúp họ tin tưởng sâu sắc nhân viên và tạo điều kiện tối đa để nhân viên tự ra quyết định.

Bí quyết trao quyền

Không ngừng học hỏi và sáng tạo. Các nhà lãnh đạo thành công không bao giờ bằng lòng với hiện tại. Họ luôn đặt ra cho bản thân áp lực phải đổi mới và họ mong đợi nhân viên cũng sẽ làm việc độc lập, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để sáng tạo ra cái mới.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu các nhân viên trẻ gặp thất bại khi thử nghiệm những cái mới theo ý tưởng của sếp? Theo Finkelstein, các nhà lãnh đạo giỏi thường sẽ không lo lắng quá mức trong những tình huống này.

Kyle Craig, một người từng làm việc với Norman Brinker ở Burger King vào thập niên 1980, kể lại rằng Brinker đã rất cởi mở trong việc nhìn nhận thất bại của mình khi thử nghiệm dự án mở các quán cà phê mang tên Brink trong thời gian này.

“Anh ấy không bao giờ phủ nhận sai lầm hay thất bại của mình. Điều đó làm cho nhân viên cảm thấy rất tự tin và thoải mái”, Craig kể lại.

Finkelstein cho rằng nếu các nhà lãnh đạo chấp nhận một thực tế rằng mình hoặc nhân viên đều có thể gặp thất bại thì việc trao quyền ra quyết định cho nhân viên sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều cho cả hai bên.

Thật sự hiểu nhân viên. Các nhà lãnh đạo thành công là những người rất gần gũi với nhân viên và sẵn sàng chia sẻ công việc của nhân viên.

Norman Brinker có thể xuất hiện ở các nhà hàng để thu dọn bàn ăn cùng với nhân viên. Tổng biên tập Gene Roberts thì thường mời nhân viên về nhà để giao lưu và trao đổi công việc đến tận khuya.

Những nhà lãnh đạo ấy luôn cam kết cho việc dẫn dắt và phát triển nhân viên, dành nhiều thời gian để tương tác với nhân viên, quan sát họ trong công việc và đưa ra những phản hồi có giá trị.

Theo Finkelstein, nhờ thường tiếp xúc với nhân viên mà các sếp mới có thể dễ dàng đặt niềm tin ở nhân viên và để cho họ tự ra những quyết định quan trọng.

Các sếp giỏi cũng sẵn sàng giúp nhân viên phác thảo những kế hoạch hành động quan trọng sau khi nhân viên đã ra quyết định. Công thức giao quyền cho nhân viên của họ là: “Quan sát, dẫn dắt, tin tưởng và trao quyền ra quyết định. Sau đó là kiểm chứng lại kết quả”.

Xác định ranh giới rõ ràng giữa việc trao quyền và ra quyết định.
Trao quyền cho nhân viên không có nghĩa là để cho nhân viên tự ra quyết định một cách tùy tiện và không có giới hạn.

Theo Finkelstein, các nhà lãnh đạo giỏi phải là những người vạch ra tầm nhìn kiên định cho tổ chức và kỳ vọng nhân viên hành động hướng đến tầm nhìn ấy. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của mình, nhân viên sẽ được trao quyền để đưa ra các quyết định về cách thức thực hiện theo ý mình muốn nhưng họ phải đảm bảo các hành động của mình luôn hướng về tầm nhìn mà nhà lãnh đạo đã vạch ra.

Các nhà lãnh đạo giỏi luôn truyền đạt đến nhân viên về tầm nhìn của doanh nghiệp một cách rõ ràng và chỉ can thiệp vào các quyết định của nhân viên khi cần thiết để đảm bảo các quyết định ấy không mâu thuẫn hay xung đột với tầm nhìn.

Tổng hợp internet

Doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp Việt đã “bật nhảy” hay vẫn đang ở thế chạy đà?

Doanh nghiệp Việt đã “bật nhảy” hay vẫn đang ở thế chạy đà? khi ngày 5/10, Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) sẽ chuyển sang chế độ thương mại tự do với Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với hơn 59% mặt hàng từ EAEU, trong đó có sản phẩm thịt, bột mì, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép, may mặc…, thuế suất đối với 30% mặt hàng khác sẽ được giảm dần về 0% trong giai đoạn quá độ.

Hơn 90% dòng thuế cho ngành thủy sản, dệt may, da giày đã đứng trước mốc thời hạn về 0%. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tất cả những mặt hàng được cắt, giảm thuế đều là những mặt hàng mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao và có bề dày xuất khẩu, liệu đã sẵn sàng “bật nhảy” hay vẫn đang ở thế chạy đà?

Doanh nghiệp Việt

Sẽ tiết kiệm 40 triệu USD

Theo tính toán của Ủy ban kinh tế Á – Âu, thành lập khu vực thương mại tự do giữa EAEU với Việt Nam có thể tăng kim ngạch song phương từ 4 tỷ USD hiện tại lên 8 – 10 tỷ USD. Trong năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, các nhà XK của EAEU sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế.

Được đánh giá là một thị trường tiềm năng và không “khó tính”, hàng hóa Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn đến với thị trường có hơn 183 triệu dân này. Bà Nguyễn Hoàng Anh – Trưởng phòng xuất nhập khẩu, công ty trách nhiệm hữu hạn Trung Thành, cho biết gần một năm nay, công ty đã tìm kiếm nhiều đơn hàng xuất khẩu sang thị trường EU với mức thuế vào khoảng 35%, nay giảm về 0% doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được hàng tỷ USD.

“Bởi vậy, từ tháng 10, doanh nghiệp sẽ tăng lượng hàng xuất sang EU lên gấp đôi. Bên cạnh đó, sẽ thành lập văn phòng đại diện tại Nga, sau đó sẽ mở rộng sang thị trường các nước như Belarus, Kazakhstan… để cung cấp những sản phẩm phù hợp với mỗi thị trường này”, bà Hoàng Anh cho biết.

Ông Đinh Tuấn Anh – Tổng Giám đốc công ty cổ phần Ladoza, cho biết: Đón đầu Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU, công ty đã tập trung nhập các nguyên liệu da từ Ấn Độ và các thiết bị máy móc, với thuế suất hiện tại là 0%.

“Hiện giờ, chúng tôi đang tìm kiếm các đối tác nước ngoài như Mexico và tiến hành xuất khẩu sang nước này với các sản phẩm ba lô – túi xách. Cùng với đó, thiết kế khoảng 20 sản phẩm mới để đưa sang các thị trường trong năm 2017”, ông Đinh Tuấn Anh chia sẻ.

Trong số những mặt hàng tiềm năng và chủ lực của Việt Nam, dệt may là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ EAEU. Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng đây sẽ là lợi thế tạo thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam vươn lên phát triển mạnh và có đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác.

Doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp cần chủ động

Mặc dù Việt Nam đang rất thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa sang các nước EU, song ông Đặng Hoàng Hải – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), cho rằng trên thực tế, thị trường EU không “dễ tính” như chúng ta nghĩ, những đòi hỏi về chất lượng và mẫu mã cũng bắt đầu khắt khe hơn. Bên cạnh đó là không ít thách thức mà các doanh nghiệp Việt phải đối mặt. Đó là sự cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng nhập khẩu từ phía Liên minh để có thể trụ vững trên sân nhà.

Bài toán đặt ra là doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì để khắc phục hạn chế, chủ động khai thác tối đa lợi thế từ những điều khoản trong Hiệp định thương mại tự do với thị trường rộng lớn này?

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tốt điều kiện hạ tầng, tuân thủ những quy định nghiêm ngặt cũng như cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa các nước khác. “doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu kỹ từng dòng thuế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ… Chẳng hạn đối với thủy sản, EAEU và FTA quy định nguyên liệu phải có xuất xứ từ nội khối, nhưng với mặt hàng tôm, cá ngừ, Việt Nam lại được phép sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để chế biến hàng xuất khẩu và phải bảo đảm tỷ lệ nội địa trên 40%”, ông Hải khuyến nghị.

Ông Nguyễn Quang Thái – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kinh tế Việt Nam, cho rằng: “Không phải có thuận lợi về thuế, về giá là chiếm lĩnh được ngay thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét kỹ các mặt hàng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu của thị trường mới”.

Ngoài ra, ông Thái cũng cho rằng một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt phải ứng phó hiện nay là việc chuẩn bị, tìm hiểu đối tác của thị trường châu Âu chưa được đầy đủ. Khi bán hàng sang một thị trường mới, phải tìm hiểu những quy định của đất nước sở tại, như môi trường, con người, tập quán…

Theo các chuyên gia kinh tế, cái khó của doanh nghiệp Việt hiện nay là chưa có hệ thống kho hàng, bến bãi, vì vậy khi giao thương với khu vực này chi phí vận chuyển cao. Điều này sẽ khiến lợi ích của việc giảm thuế không còn trọn vẹn.

Theo thoibaokinhdoanh

Sự khác nhau giữa nghề nghiệp và công việc

Có bao giờ trên đường đời tấp nập, bạn vô tình …thắc mắc sự khác nhau giữa nghề nghiệp và công việc chưa ? Tôi thường hay nghe anh chị em, những người đã đi làm nhiều năm nói rằng, “nghề nó chọn người” và rằng làm nghề gì, nó phụ thuộc vào cái “nghiệp” của riêng người ấy.

Xin phép được giấu tên. Tôi từng gặp, những người yêu lắm thích lắm những công việc về ô tô như phụ kiện ô tô, sửa chữa ô tô, buôn bán ô tô… người đó có thể bắt đầu sự nghiệp bằng “nghề ô tô” nhưng loanh quanh thế nào, sau vài năm người thì đứng lớp làm thầy giáo, người lại loanh quanh ở tiệm bán vàng (kinh doanh vàng). Có người làm kinh doanh cũng khá tốt, làm giáo viên cũng “vang bóng một thời” thế mà sau mười năm gặp lại, tôi lại thấy anh đang làm trụ trì một chùa ở ngoại thành thành phố. Ngay cả tôi cũng vậy, cũng từng đi thi Sư Phạm thật, cũng nhiều người gặp tôi đứng lớp hơn một năm, rồi đi trông thi, công tác tại một trường có tên rất “Ha-oai” tại Hà Nội… mọi người gặp tôi trong bối cảnh lớp và trường nhiều đến mức ai cũng nghĩ chắc tôi là giáo viên, nhưng thế quái nào tôi lại làm… nghề khác, tôi là một marketer.

Là một marketer được 5 năm thì có đến 3 năm tôi kiêm nhiệm cả công việc của chuyên viên tuyển dụng – đào tạo, tuyển từ cộng tác viên, đại diện thương hiệu đến cấp độ trưởng phòng, giám đốc kinh doanh. Tuy 3 năm chưa phải là nhiều, nhưng cũng có lúc sếp cũ tôi bảo “hay em chuyển hẳn sang làm nhân sự vị trí tuyển dụng đào tạo đi, chị thấy em hợp với nghề đó..” Nghề nhân sự, nghe cũng có vẻ hay, thời còn đi học, điểm quản trị nhân lực của tôi cũng thuộc hạng không tồi (đến giờ này tôi vẫn còn tự hào vì môn đó là một trong những môn điểm cuối kỳ của tôi cao nhất, tất nhiên là sau môn chuyên ngành) Tôi cũng tham dự một vài module về quản lý nhân sự như ứng dụng luật trong quản lý nhân sự –  một nội dung quan trọng đối  với hoạt động quản lý nhân viên tại mọi doanh nghiệp. Tôi quay clip nhập vai phỏng vấn của khá nhiều học viên lớp Tuyển dụng nhân sự cơ bản, xem đi xem lại nhiều lần vì tôi phải cắt và biên tập lại hầu hết các video đó. Cũng có lúc, tôi có ý định đi học hẳn một khóa Nghề nhân sự chuyên nghiệp để đổi nghề, biết đâu marketing chỉ là công việc, còn nghiệp của tôi gắn liền với nghề nhân sự, với tuyển dụng – đào tạo thì sao. Sự bộn bề của cuộc sống, sự bận rộn của nghề nghiệp, sự nể nang bạn bè trong các phi vụ ăn chơi, rồi thì gia đình, sự nghiệp mà tôi vẫn nghĩ đó là sự nghiệp níu kéo nên đến tận giờ này tôi vẫn chưa học trọn vẹn một khóa Nghề nhân sự nào cả, cho đến ngày hôm nay, khi mà tôi đọc được câu chuyện dưới đây:

Đó là sự khác nhau giữa nghề nghiệp và công việc.

“Con có thấy sự khác nhau giữa nghề nghiệp và công việc không?” Ngày nọ người cha giàu hỏi.

Tôi hơi bối rối và hỏi lại, “Không phải hai thứ là một sao cha? Không phải nghề nghiệp giống công việc sao?”

Người cha giàu lắc đầu nói, “Nếu con muốn thành công trong đời, con cần biết sự khác nhau đó.”

“Có gì là quan trọng?” Mike hỏi và cả hai đứa nhún vai, chờ bài học của cha vì biết nó sẽ đến cho dù chúng tôi có muốn nghe hay không.

“Cha ruột của con thường nói gì về chuyện tìm việc làm?”

Nghĩ một chút tôi trả lời, “Cha con vẫn nói là đi học và học cho giỏi vào để tìm được việc làm tốt.”

“Thế cha con có nói Làm bài tập đi để có việc làm tốt không?”

“Vâng có,” tôi trả lời “Cha con có nói những điều như thế”

“vậy cái khác nhau giữa nghề nghiệp và công việc là gì?” Người cha giàu hỏi lại.

“Con không biết”, Với con thì cái nào cũng là công việc thôi.”

“A, con hiểu cha muốn nói gì rồi,” Mike thốt lên. “Nghề nghiệp là việc con làm được trả lương. Còn công việc thì con không được trả lương, ví dụ bài tập về nhà. Công việc là những gì con làm để chuẩn bị cho nghề nghiệp của mình.”

Người cha giàu gật đầu, “Đúng vậy. Đó là sự khác nhau giữa công việc và nghề nghiệp. Con ăn lương từ nghề của mình nhưng con chẳng được trả lương cho việc của mình.” Nhìn tôi, ông hỏi, “Thế con có được trả tiền để dọn cỏ, hay mẹ con có được trả tiền để làm việc nhà không?”

“Dạ không,” tôi trả lời. “Trong nhà con không có chuyện đó. Con còn chẳng được cho tiền tiêu vặt nữa là.”

“Vậy con có được trả tiền để làm bài tập không?”Người cha giàu hỏi. “Cha con có cho con tiền để con đọc sách không?”

“Dạ không,” tôi trả lời giọng nghi ngờ. “Ý cha là bài tập về nhà cũng là bước chuẩn bị cho nghề nghiệp của con?”

“Đúng vậy đấy,” người cha giàu mỉm cười .” Về chuyện tiền bạc , càng làm nhiều bài tập, con càng kiếm được nhiều tiền trong nghề nghiệp. Nhưng ai không làm bài tập sẽ kiếm được ít tiền hơn, cho dù là làm công hay làm chủ.”

Nghĩ ngợi một lúc, cuối cùng tôi nói, “ Vậy có thực là nếu con không làm bài tập về nhà khi đi học, con sẽ không có nghề lương cao?”

“Phải, ý cha là thế,” Người cha giàu nói. “Ít nhất, nếu con không làm bài tập thì con sẽ không thể trở thành bác sĩ, kế toán hay luật sư. Nếu con đi làm công, con sẽ gặp khó khăn trên đường thăng tiến và ít lương bổng nếu con không có kỹ năng được đào tạo đàng hoàng hay bằng cấp đại học.”

“Và nếu muốn trở thành chủ doanh nghiệp, chúng con cần làm nhiều loại bài tập khác nữa”

Người cha giàu gật đầu nói, “ Và nhiều chủ doanh nghiệp thôi việ mà không làm bài tập. Vì thế mà rất nhiều doanh nghiệp nhỏ thất bại hoặc rất vất vả chuyện tài chính.”

“Vì thế mà cha đang ép chúng con làm bài tập để trở thành chủ doanh nghiệp.”

“Chính xác,” người cha giàu nói. “ Và vì thế mà cha không trả tiền cho các con. Làm việc không lương cho họ chính là các con đang làm bài tập. Nhiều chủ doanh nghiệp không hiểu chuyện làm việc không lương. Họ cho rằng cái gì họ làm cũng phải được trả tiền chứ. Vì thế mà họ thất bại. Họ tiếp tục suy nghĩ theo cách của người làm công. Họ muốn được hưởng lương đều đặn.”

” Trích dạy con làm giàu – Robert T.Kiyosaki & Sharon L. Lechter”

 

Liệu Việt Nam đã sẵn sàng đón Hiệp định Liên minh kinh tế Á-Âu?

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu sẽ có hiệu lực vào ngày 5/10 tới đây.

Khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực, hơn 90% các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang những nước này sẽ được miễn hoặc giảm thuế và hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội đến với thị trường có hơn 183 triệu dân. Trước cánh cửa rộng mở của hội nhập thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng tâm thế để bước vào sân chơi lớn toàn cầu.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam- Liên minh Kinh tế Á-Âu và các quốc gia thành viên, bao gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan được khởi động từ tháng 3/2013. Đây được coi là Hiệp định thương mại tự do mang tính lịch sử, không chỉ vì Việt Nam là đối tác đầu tiên ký kết hiệp định này với Liên minh kinh tế Á-Âu mà còn đem đến cơ hội lớn cho xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Theo tính toán của Ủy ban kinh tế Á-Âu, việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu với Việt Nam có thể làm tăng kim ngạch song phương từ 4 tỷ đô la Mỹ hiện tại lên từ 8-10 tỷ USD trong tương lai. Trong năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực, các nhà xuất khẩu trong khu vực sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế.

Cơ hội mà các doanh nghiệp được hưởng lợi từ Hiệp định này là rất lớn, bởi ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, các ngành thủy sản, dệt may, da giày-túi xách… sẽ được cắt giảm thuế tới gần 90%, trong đó có những dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn. Cùng với đó, Việt Nam sẽ bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với hơn 59% mặt hàng từ Liên minh kinh tế Á-Âu, bao gồm thịt, bột mì, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép…

Để đón đầu những thành quả tốt đẹp do Hiệp định mang lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực chuẩn bị cho cơ hội xuất khẩu tiềm năng này, từ việc đàm phán các hợp đồng tới tăng cường tiếp cận thị trường.

Ông Đinh Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ladoza cho biết: Đón đầu Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu, Công ty chúng tôi đã tập trung nhập các nguyên liệu da từ Ấn Độ và các thiết bị máy móc, với thuế suất hiện tại là 0%.

“Hiện giờ chúng tôi đang tìm kiếm các đối tác nước ngoài như Mexico và đang tiến hành xuất khẩu sang nước này với các sản phẩm ba lô-túi xách. Cùng với đó, thiết kế khoảng 20 sản phẩm mới để đưa sang các thị trường trong năm 2017,” ông Đinh Tuấn Anh chia sẻ.

Trong số những mặt hàng tiềm năng và chủ lực của Việt Nam thì thủy sản là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu. Trước đó, mức thuế của mặt hàng này vào khoảng 35%, nay giảm về 0%. Đây sẽ là lợi thế tạo thuận lợi cho ngành thủy sản Việt Nam vươn lên phát triển mạnh và có đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác.

Ông Vũ Huy Thủ, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đại Dương Xanh, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu Thủy sản cho rằng, đây là một cơ hội lớn và hy vọng sẽ tạo bước đột phá mạnh mẽ cho các doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là ngành thủy sản chế biến.

Việc “bắt tay” với Liên minh kinh tế Á-Âu sẽ mở ra cơ hội “vàng” với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Song, kèm theo đó là không ít thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt, đó là sự cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng nhập khẩu từ phía Liên minh để có thể trụ vững trên sân nhà. Bài toán đặt ra là làm thế nào để doanh nghiệp Việt khắc phục hạn chế, chủ động khai thác tối đa lợi thế từ những điều khoản trong Hiệp định thương mại tự do với thị trường rộng lớn này?

Ông Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á Âu là Hiệp định tự do thế hệ mới sẽ mở ra khu vực thị trường rộng lớn với 27 nước. Do đó, cần phải đánh giá kĩ tác dụng của Hiệp định này trên từng ngành hàng cụ thể. Các doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét kỹ các mặt hàng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu của thị trường mới. Một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp phải ứng phó hiện nay là việc chuẩn bị, tìm hiểu đối tác của thị trường Châu Âu chưa được đầy đủ, do đó khi bán hàng sang một thị trường mới thì phải tìm hiểu những quy định của đất nước sở tại như môi trường, con người, tập quán.

Thị trường liên minh kinh tế Á-Âu được dự báo là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á- Âu có hiệu lực vào ngày 5/10 tới đây sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với các nước lớn trên thế giới. Để tận dụng hiệu quả lợi ích mà Hiệp định mang lại, không còn cách nào khác là mỗi doanh nghiệp cần nỗ lực vươn lên, định hình cho mình những chiến lược, giải pháp mới trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài và trụ vững trên thị trường trong nước.

Nguồn: CafeBiz