Monthly Archives: December 2016

7 phẩm chất cần để có quyền lực

Hầu hết các tổ chức chỉ có một người “số một”: một CEO trong một công ty, một tổng thống hoặc thủ tướng mỗi thời, một hiệu trưởng trong mỗi trường học… Thậm chí ở quy mô nhỏ hơn: một trưởng phòng trong mỗi phòng ban, một tổ trưởng trong mỗi đội nhóm, một lớp trưởng trong mỗi lớp học…

Với ngày càng nhiều người có đủ trình độ lúc nào cũng cạnh tranh cho một nấc trên chiếc thang địa vị của tổ chức, sự ganh đua thật căng thẳng và chỉ càng ngày càng căng thẳng thêm khi vị trí quản lý càng ngày càng ít đi.

Theo GS. Jeffrey Pfeffer – ngành Hành vi tổ chức thuộc khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Stanford, một trong 25 nhà tư tưởng quản trị hàng đầu và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, theo xếp hạng của Thinker 50, có 3 lý do bạn nên có quyền lực. Đó là: Thứ nhất, quyền lực giúp người ta có sức khỏe tốt hơn và sống lâu hơn; thứ hai, quyền lực mang đến cho người ta sự giàu có; và thứ ba, quyền lực là một phần của lãnh đạo.

GS. Jeffrey Pfeffer cho biết: “Để được thăng tiến, một số cá nhân cạnh tranh phá vỡ quy luật của cuộc chơi công bằng hoặc hoàn toàn phớt lờ những quy luật đó. Đừng than phiền về điều này hoặc ước thế giới sẽ khác đi. Bạn có thể cạnh tranh và thành công ở mọi thể loại tổ chức, lớn và nhỏ, công và tư, nếu bạn hiểu và sẵn sàng sử dụng các nguyên tắc của quyền lực. Nhiệm vụ của bạn là biết cách chiếm ưu thế trong cuộc chiến mà bạn phải đối mặt. Nhiệm vụ của tôi trong cuốn sách này là nói cho bạn biết cách thực hiện điều đó”.

Cuốn sách mà Pfeffer nhắc đến là Power: Why Some People Have and Others Don’t  (bản tiếng Việt là Quyền lực – Vì sao người có kẻ không? của ThaihaBooks). Cuốn sách này của GS. Jeffrey Pfeffer chứa đựng những lời khuyên mới lạ, vô vàn ví dụ thực tế từ khắp nơi trên thế giới, cùng những phát hiện thú vị đúc kết trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy hàng chục năm của ông về chiến thuật và cách thức để một người có thể tiến đến quyền lực và thành công trong sự nghiệp.

Quyền lực - Vì sao người có kẻ không doanhnhansaigon

Pfeffer nói rằng, “Trên con đường đạt đến vị trí quyền lực, gần như mọi chuyện đều có thể xảy ra. Bạn có thể vươn tới vị trí quyền lực cao ngay cả trong những trường hợp khó khăn nhất nếu bạn có kỹ năng”, và khẳng định “Thành công bắt đầu bằng sự chuẩn bị”. Câu chuyện dẫn chứng của Pfeffer là:

“Ron Meyer, Chủ tịch và Giám đốc điều hành hãng phim Universal Studios kể từ năm 1995, là người đứng đầu một hãng phim lớn trong khoảng thời gian lâu nhất. Là một nhân vật có tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp phim, Meyer còn là minh chứng sống về việc thay đổi cuộc đời. Ron Meyer bỏ học khi mới 15 tuổi, và hai năm sau, ông gia nhập thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Sau khi rời thủy quân, ông làm tài xế cho một hãng chuyên về tuyển chọn và đào tạo tài năng – vị trí cho phép ông học hỏi được nhiều điều về ngành giải trí vì ông được lắng nghe các cuộc trò chuyện của khách hàng. Sau khi làm đại lý cho hãng William Morris Agency, Meyer và một số người bạn thành lập hãng Creative Artists Agency, một vị trí giúp ông trở thành người môi giới quyền năng ở Hollywood.

Cũng như nhiều người thành công khác, Meyer đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình. Ông đã phát triển các phẩm chất giúp ông đạt được và duy trì sức ảnh hưởng. Nếu muốn làm được như vậy, bạn cần phải vượt qua ba trở ngại. Trước tiên, bạn cần phải tin rằng có thể thay đổi được bản thân, nếu không bạn sẽ chẳng gắng sức phát triển các phẩm chất đem lại cho bạn sức mạnh. Thứ hai, bạn cần phải nhìn nhận điểm mạnh và điểm yếu của mình theo cách khách quan nhất có thể. Đây là việc khó, vì trong khao khát thúc đẩy bản thân, chúng ta thường tránh những thông tin tiêu cực và nhấn mạnh thái quá vào những phản hồi tích cực mà chúng ta nhận được. Và thứ ba, bạn cần phải hiểu được những phẩm chất quan trọng nhất để xây dựng nền tảng quyền lực, sao cho có thể tập trung toàn bộ thời gian và tâm trí của mình vào việc phát triển những phẩm chất đó”.

Và đây là 7 phẩm chất cá nhân quan trọng xây dựng quyền lực theo nghiên cứu của GS. Pfeffer:

1/ Tham vọng

Thành công đòi hỏi nỗ lực và chăm chỉ, cũng như lòng kiên trì, bền bỉ. Để tận dụng được nỗ lực đó, để cố gắng không trở nên vô ích, cần phải có tham vọng mãnh liệt.

Richard Daley, cố thị trưởng thành phố Chicago và được xem là một trong 10 thị trưởng giỏi nhất trong lịch sử nước Mỹ, không chạy đua tranh cử cho tới khi ông 53 tuổi. Từ khi còn trẻ, Daley đã nhận ra là ông khao khát quyền lực, và ông sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi cơ hội để có được điều đó. Ông đã dành ra ba chục năm âm thầm cặm cụi với công việc thường nhật của bộ máy chính trị thành phố.

Cuốn tiểu sử về Abraham Lincoln đoạt giải thưởng Pulitzer của tác giả Doris Kearns Goodwin đã nêu rõ khao khát mãnh liệt của Linlcon là một trong những đặc tính quan trọng nhất đem lại thành công cho ông trong sự nghiệp chính trị. Động lực của Linlcon đã giúp ông vượt qua hoàn cảnh nghèo khó, những thất bại chính trị ban đầu và những lời khinh thường của người khác.

Và điều gì đúng trong chính trị cũng đúng trong kinh doanh. Jill Barad, người đã vươn lên trở thành CEO của công ty đồ chơi Mattel, là người luôn có tham vọng cháy bỏng. Bà thường đeo một chiếc kẹp áo hình con ong. “Ong là loài vật lạ thường của tự nhiên. Đáng lẽ nó không thể bay được, nhưng nó lại biết bay. Mỗi lần liếc nhìn con ong trên áo, tôi lại thấy như được nhắc nhở phải tiếp tục đạt được những điều không thể”.

Cuộc sống trong cơ quan tổ chức có thể bực bội và khó chịu, làm chệch đi nỗ lực cũng như sự cố gắng của mọi người. Tham vọng – chú tâm đạt được sức ảnh hưởng – có thể giúp mọi người vượt qua được suy nghĩ muốn từ bỏ hoặc đầu hàng trước những điều khó chịu.

2/ Năng lượng

Laura Esserman, Giám đốc Trung tâm chăm sóc ngực Carol Franc Buck thuộc Đại học California – San Francisco, người đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong ngành y tại địa phương và trên cả nước từ một vị trí rất ít quyền lực. Cô đã lấy được bằng MBA trong khi làm việc toàn thời gian và sinh con đầu lòng. Cô từng nói: “Bạn không thể thay đổi thế giới bằng cách chợp mắt”.

Frank Stanton, cố chủ tịch của CBS và là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong giới thời sự và truyền hình, luôn làm việc điên cuồng nhiều giờ liền, kể cả cuối tuần, và thường chỉ ngủ khoảng 5 tiếng mỗi tối.

Rudy Crew, nhà lãnh đạo hệ thống trường học, là một người mắc chứng mất ngủ, thường thức giấc vào lúc 3 giờ sáng. Crew thường là người đầu tiên đến văn phòng hiệu trưởng ở thành phố New York – nơi ông vẫn thường tự pha cà phê để uống.

Hầu hết những người có quyền lực tôi biết đều có năng lượng vô biên. Đó là vì năng lượng đem lại ba lợi ích giúp xây dựng sức ảnh hưởng.

Trước tiên, năng lượng, cũng như nhiều trạng thái cảm xúc khác như giận dữ hay vui mừng, có tính lan truyền. Do đó, năng lượng truyền cảm hứng cho nỗ lực ở nhiều người hơn.

Thứ hai, năng lượng và khoảng thời gian dài tồn tại của nó đem lại lợi ích giúp công việc được hoàn thành. Nghiên cứu về tài năng hoặc thiên tài – những thành tích phi thường mà họ đạt được trong nhiều lĩnh vực – đều chỉ ra rằng “việc cần cù chuẩn bị” đóng vai trò quan trọng. Hiển nhiên, giàu năng lượng cho phép bạn dành nhiều giờ liền để làm việc chăm chỉ giúp làm chủ được vấn đề nhanh hơn.

Thứ ba, người ta thường thăng chức cho những người giàu năng lượng vì tầm quan trọng của việc có khả năng làm việc chăm chỉ và vì việc dốc hết năng lượng trong công việc là dấu hiệu cho thấy mức độ cam kết cũng như lòng trung thành với cơ quan, tổ chức.

3/ Sự tập trung

Chẳng có chuyện gì xảy ra nếu đặt một nắm cỏ khô dưới ánh mặt trời, kể cả là vào ngày trời nắng nhất. Nhưng đặt cỏ khô dưới kính lúp thì cỏ sẽ bốc cháy. Tia nắng mặt trời, khi được tập trung lại sẽ có sức mạnh hơn nhiều so với khi phân tán. Điều tương tự cũng đúng với những người đang tìm kiếm quyền lực.

Tập trung có nhiều chiều cạnh. Một là chuyên môn hóa trong một công ty hoặc một ngành công nghiệp cụ thể, đem lại hiểu biết sâu và một mạng lưới quan hệ quan trọng rộng hơn.

Từ khi còn nhỏ, Bruce Cozadd đã biết anh quan tâm tới ngành công nghiệp dược. Anh tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành khoa học ở trường Yale. Sau khi nhận bằng MBA, anh làm việc cho ALZA, một công ty dược, nhanh chóng trở thành giám đốc tài chính, và sau đó là phó chủ tịch và tổng giám đốc điều hành. Sau khi Johnson & Johnson mua lại ALZA, Cozadd làm cố vấn cho vài công ty dược, sau đó thành lập công ty dược phẩm Jazz. Anh cũng là thành viên hội đồng quản trị của hai công ty khác đều về công nghệ sinh học. Không như nhiều bạn đồng trang lứa, Cozadd chỉ gắn bó với một công ty là ALZA trong suốt 10 năm kể từ sau khi tốt nghiệp trường kinh doanh, và chỉ hoạt động trong một ngành công nghiệp trong suốt sự nghiệp. Ông lập luận rằng chính sự tập trung đó đã đem lại cho ông nhiều kiến thức hơn về ngành công nghiệp, công nghệ cũng như vấn đề quản lý của ngành, và đặc biệt là một mạng lưới quan hệ phong phú trong ngành đó so với việc có kinh nghiệm dàn trải ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Melinda làm việc cho một công ty thẻ tín dụng từ năm 2002. Cô nhấn mạnh một trong những lợi ích của việc chỉ làm ở một nơi là bạn sẽ biết nhiều người hơn trong một tổ chức, và hiểu biết sâu sắc này giúp bạn có được quyền lực lớn hơn nhiều những mối quan hệ cá nhân bền chặt mà bạn xây dựng được, và nhờ đó hiểu biết tường tận về những người mà bạn đang muốn gây ảnh hưởng. Dù gần đây người ta nhận thấy tình trạng nhảy việc ngày một gia tăng, nhưng người có thâm niên trong tổ chức vẫn thường dễ dàng đạt được vị trí có sức ảnh hưởng hơn.

Chiều cạnh thứ hai của sự tập trung là chú trọng vào một số hoạt động hoặc kỹ năng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, để đạt được mức năng lực nổi trội đòi hỏi rất nhiều thời gian, thì theo định nghĩa, đúng là bạn có thể đạt được điều đó trong khoảng thời gian ít hơn nếu bạn biết thu hẹp phạm vi tập trung của mình.

Chiều cạnh thứ ba của sự tập trung là chú trọng vào những hoạt động quan trọng của một công việc hoặc một vị trí cụ thể nào đó – nghĩa là những hoạt động có ảnh hưởng nhất tới việc hoàn thành công việc cũng như tới suy nghĩ của người khác về bạn và hiệu quả của bạn.

4/ Hiểu biết về bản thân

Joe Beneducci là giám đốc điều hành Công ty Fireman’s Fund, công ty bảo hiểm trị giá 12 tỷ đô la thuộc sở hữu của Tập đoàn Allianz (Đức). Năm 2007, khi mới 39 tuổi, anh đã được tạp chí Insurance and Technology vinh danh là một trong những CEO giỏi nhất về công nghệ của năm. Joe quả quyết rằng thành công của anh không phải nhờ vào kiến thức học vấn, mà là nhờ đọc nhiều (anh đã đọc ít nhất một cuốn sách non-fiction (sách viết về các sự kiện, nhân vật có thật) mỗi tuần) và thường xuyên tự đánh giá bản thân một cách bài bản. Sau mỗi cuộc họp hay cuộc gặp quan trọng, anh đều ghi chú trong một quyển sổ nhỏ. Anh sẽ viết lại điều gì đã làm tốt và điều gì chưa, điều mọi người nói và làm, và kết quả của cuộc họp. Cuốn sổ đó ghi lại suy nghĩ của anh về những gì đã xảy ra để anh có thể khiến các cuộc gặp trong tương lai hiệu quả hơn. Và phương pháp rèn luyện bằng cách viết ra đó là khuyến khích suy ngẫm và khắc sâu những suy nghĩ đó hơn trong nhận thức của anh.

Tiến sĩ Modesto “Mitch” Maidique, người Mỹ gốc Cuba, Hiệu trưởng Đại học quốc tế Florida trong 23 năm, trước đó từng điều hành hai công ty và là thành viên của ngân hàng đầu tư Hambrecht & Quist. Ông đã có một sự nghiệp nổi bật trong cả giới lợi nhuận và phi lợi nhuận. Khi được hỏi thói quen lãnh đạo nào đã giúp ông thành công, câu trả lời của ông ngay lập tức là: ghi chép về các quyết định, các cuộc họp và các cuộc gặp khác, đồng thời suy ngẫm về điều ông đã làm tốt hoặc chưa tốt để từ đó có thể cải thiện các kỹ năng của bản thân.

Không có chuyện học hỏi và phát triển bản thân mà không có suy ngẫm. Anday Hargadon, giáo sư giảng dạy về kinh doanh tại Trường Đại học California – Davis, đã nhận định rằng nhiều người cứ nghĩ rằng họ có 20 năm kinh nghiệm, nhưng thực ra không phải, họ chỉ có một năm kinh nghiệm được lặp đi lặp lại 20 lần. Suy ngẫm bài bản, có cấu trúc đòi hỏi phải có thời gian. Nó cũng đòi hỏi phải biết tập trung, phải ghi chú và phải suy nghĩ về việc bản thân đang làm. Những điều này rất hữu dụng trong công cuộc xây dựng con đường tiến tới quyền lực.

5/ Tự tin

Hai thập kỷ trước, tôi đã quan sát Tiến sĩ Frances K.Conley, người phụ nữ đầu tiên giành được học hàm giáo sư về phẫu thuật thần kinh. Có lần cô đã gặp mặt các cộng sự phẫu thuật và sau đó là một bệnh nhân có khối u não ác tính. Ngay cả hiện nay, điều trị ung thư não cũng thường không thành công, và 20 năm trước, lựa chọn điều trị thậm chí còn hạn chế hơn. Với những thực tập sinh của mình, Tiến sĩ Conley đã thể hiện rằng cô cũng không biết chắc phải làm gì, và đã hỏi xem mọi người nghĩ thế nào. Nhưng khi bước vào phòng của bệnh nhân, cô lại trở thành một người hoàn toàn khác. Không phủ nhận tính nghiêm trọng của bệnh tình, cũng không giấu giếm chẩn đoán, Tiến sĩ Conley nói rành rọt, tự tin về quá trình điều trị. Sau đó, khi tôi hỏi về cách hành xử thay đổi hoàn toàn của cô, Tiến sĩ Conley đã trả lời rằng có cái gọi là hiệu ứng trấn an cũng như hiệu ứng của thái độ và tinh thần đối với quá trình điều trị, do đó, cô không muốn bệnh nhân bỏ cuộc hay trở nên bi quan. Nếu cô bộc lộ sự do dự, nghi ngại của bản thân, bệnh nhân có thể sẽ bỏ đi tìm cách điều trị ở nơi khác, từ những người hoặc cơ sở không đủ chất lượng để cung cấp dịch vụ chăm sóc tân tiến hiện đại.

Vị trí và chức danh công việc chính thức có thể đem lại sức ảnh hưởng và quyền lực. Nhưng trong nhiều tình huống, bạn sẽ phải làm việc với những người đồng trang lứa hoặc những người ngoài không biết đến địa vị chính thức của bạn. Và trong bất cứ trường hợp nào, những người quan sát cũng sẽ thử và xác định xem họ có nên nhìn nhận bạn nghiêm túc không. Do đó, bạn cần phải nắm quyền kiểm soát tình huống. Khi quyết định về mức độ ảnh hưởng và tôn kính dành cho người khác, người ta thường quan sát và lấy hành vi của người khác làm gợi ý. Vì quyền lực dễ khiến người ta cư xử tự tin hơn, nên người quan sát thường đánh đồng hành vi tự tin với việc thực sự có quyền lực. Trở nên tự tin và hiểu biết giúp bạn gây dựng được sức ảnh hưởng.

Amanda là một nhà điều hành trung tuổi, có tài, được một công ty chuyên về sản phẩm tiêu dùng lớn cử đi học bằng thạc sĩ về quản lý. Việc công ty cử cô đi học và trả lương, học phí trong suốt chương trình học một năm cho thấy họ có kỳ vọng rất lớn. Câu hỏi đặt ra là liệu cô có thể thúc đẩy được cơ hội đó hay không? Vào mùa xuân, cô bắt đầu nghĩ đến việc quay trở lại tổ chức. Cô đã thảo một bức thư điện tử để gửi cho những người tài trợ cho công ty của cô, nhưng may mắn là cô đã quyết định nhờ một người bạn, một nữ điều hành từ một công ty khác, sửa lại. Người bạn đó đã củng cố thông điệp của bức thư, nói rõ rằng Amanda khao khát vị trí quản lý cấp cao, và đang tìm kiếm con đường sự nghiệp có thể đưa cô đến vị trí đó, và khẳng định rõ ràng hơn vị trí mà cô muốn đảm nhận khi quay trở lại. Dù ban đầu ngại bức thư mà cô cho là quá tự tin, quá táo bạo, nhưng Amanda đã gửi nó đi, và ngạc nhiên nhưng vui mừng khi nhận được thư phản hồi. Các đồng nghiệp trong công ty thích cách tiếp cận tự tin cũng như cách diễn đạt về tham vọng sự nghiệp của cô. Và sao lại không chứ? Đó chính là cách những nhà điều hành cấp cao xử sự, và Amanda đã thể hiện là cô cũng giống họ.

Thể hiện sự tự tin thường là vấn đề đặc biệt đối với phụ nữ, những người vốn được xã hội xem là nhã nhặn và ít quyết đoán. Nhưng hành vi đó lại gây ra rắc rối. Nghiên cứu được tiến hành bởi nhà tâm lý học xã hội Brenda Major đã chỉ ra rằng phụ nữ làm việc lâu hơn và chăm chỉ hơn đàn ông nhưng lương lại thấp hơn, con đường sự nghiệp cũng như kỳ vọng về khoản thu nhập cao nhất của họ cũng thấp hơn đàn ông. Mục đích nghiên cứu này là cho phụ nữ thấy rằng vì họ không nghĩ mình giá trị nên họ gặp bất lợi trong việc thương thảo lương, đó chính là lý do tại sao lại có sự khác biệt về thu nhập giữa nam và nữ.

Hệ quả của việc không tự tin và quyết đoán là giống nhau với cả hai giới chứ không chỉ riêng phụ nữ, và cũng không chỉ riêng trong vấn đề tiền lương. Nếu bạn không tự tin về điều bạn muốn và điều bạn xứng đáng, bạn sẽ do dự trong việc đòi hỏi hoặc thúc đẩy, và từ đó, bạn sẽ kém thành công hơn trong vấn đề tiền bạc hoặc đạt được ảnh hưởng so với những người tự tin hơn bạn.

6/ Đồng cảm với người khác

Việc đào tạo về thương thảo thường bao gồm lời khuyên thương lượng về “lợi ích” thay vì về “vị trí”. Thông qua quá trình cả hai bên cùng nhượng bộ, cả hai bên đều có được kết quả tốt hơn, nhưng để thành công với cách tiếp cận như vậy, bạn cần phải hiểu người kia đến từ đâu. Khả năng biết đặt mình vào vị trí của người khác này cũng hữu dụng cho bạn trong việc đạt được quyền lực. Một trong những lý do thành công của Lyndon Johnson (lãnh đạo chiếm đa số phiếu của thượng nghị viện Mỹ) là sự chú ý không ngừng nghỉ tới các chi tiết của 99 người đồng nghiệp, biết ai là người muốn có văn phòng riêng, ai là người nghiện rượu, ai là người có quan hệ lăng nhăng, ai là người muốn đi công tác riêng – mọi chi tiết nhỏ nhặt giúp ông phán đoán chính xác cách mọi người sẽ bỏ phiếu, cũng như biết được cần mang lại cho mỗi thượng nghị sĩ những gì để có được sự ủng hộ của họ.

Nhà tâm lý học William Ickes của trường đại học Tesax đã nghiên cứu về sự thấu cảm. Ông nhận thấy: Người biết đồng cảm chính là người giỏi “đọc vị” suy nghĩ và cảm xúc của người khác. Tất cả đều cần được đối xử công bằng, họ đều có thể là những nhà cố vấn khéo léo nhất, nhân viên ngoại giao giỏi nhất, nhà thương thảo hiệu quả nhất, nhà chính trị đáng lựa chọn nhất, nhân viên kinh doanh năng suất nhất, nhà giáo thành công nhất và nhà trị liệu thấu hiểu nhất.

Điều đôi khi cản trở chúng ta đặt mình vào địa vị của người khác là quá tập trung vào mục tiêu cuối cùng và mục tiêu của chính bản thân, mà không quan tâm đủ tới việc kết nạp người khác về cùng phía với chúng ta, hoặc chí ít là giảm bớt khả năng chống đối của họ. Khi Laura Esserman cố gắng tạo ra những thay đổi ở trung tâm chăm sóc ngực UCSF, cô cũng đồng ý gây quỹ cho một nhóm chụp X-quang vú nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chẩn đoán này ở những khu vực nghèo đói hơn của San Francisco. Trong khi đó, khoa phẫu thuật, nơi làm việc chính của cô, lại đang rơi vào tình trạng thâm hụt, và trưởng khoa cứ thắc mắc tại sao dịch vụ chụp X-quang lại được hỗ trợ thay vì khoa phẫu thuật; giám đốc tài chính của trung tâm thì lo lắng về xếp hạng trái phiếu vì đang cần một khoản vay nợ để xây dựng trường y khoa ở khu vực Mission Bay của San Francisco; và nhiều nhà quản lý lại lo lắng về việc phải điều trị cho nhiều bệnh nhân được hỗ trợ về mặt y tế Medicaid hơn, với tỷ lệ bồi hoàn không thỏa đáng, trong bối cảnh đơn vị chẩn đoán nhanh phát hiện thấy có rất nhiều phụ nữ nghèo bị ung thư vú.

Tiên quyết tập trung vào việc cứu mạng, chữa trị cho những phụ nữ thiệt thòi, và “làm điều đúng đắn”, Esserman đã phớt lờ những lo lắng của người khác. Nhưng rồi một ngày, cô nhận ra chụp X-quang thậm chí còn không phải là phương thức chẩn đoán mà cô muốn phát triển, và cô đã đặt nỗ lực của mình vào một doanh nghiệp chỉ toàn mang lại những điều trái ngược. Vì vậy cô gọi điện cho trưởng khoa và nói rằng: “Tôi hiểu quan điểm của anh, tôi đồng tình, và tôi sẽ chịu trách nhiệm về việc này”. Trong hai tuần, cô đóng cửa dịch vụ X-quang, và hành động đơn giản đó đã nhận được sự ủng hộ từ những người mà cô cần sự giúp đỡ của họ. Điều đó cũng truyền tải một bài học quan trọng: Thay vì khiến bạn đi chệch khỏi những mục tiêu của mình, việc đặt mình vào địa vị của người khác lại là một trong những cách tốt nhất để thúc đẩy lịch trình của chính bạn.

7/ Khả năng chịu đựng xung đột

Có rất nhiều sách và một ít nghiên cứu thực nghiệm về ảnh hưởng của việc bạo hành nơi công sở – quát mắng, cằn nhằn, báng bổ và tán tỉnh thỉnh thoảng vẫn xảy ra ở nơi làm việc – đối với cả người là đối tượng của bạo hành và với cả tổ chức nơi họ làm việc. Vậy tại sao hành vi này cứ tồn tại dai dẳng? Vì nó thường đặc biệt mang lại hiệu quả cho thủ phạm. Vì hầu hết mọi người đều không thích xung đột, nên họ thường tránh những tình huống khó khăn và những người khó chịu, họ thường xuyên đồng ý với các yêu cầu hoặc thường xuyên thay đổi vị trí thay vì phải trả giá đắt về mặt tình cảm vì đứng lên và thể hiện quan điểm. Nếu bạn có thể xử lý hiệu quả những tình huống xung đột và đầy căng thẳng, thì bạn đã có lợi thế hơn hầu hết mọi người.

Rahm Emanuel, trợ lý của Tổng thống Obama, và trước đây là một thành viên uy tín của Viện Dân biểu đến từ Illinois, người đã điều hành Ủy ban Chiến dịch Quốc hội của đảng Dân chủ, nổi tiếng nóng tính. “Emanuel có vẻ chỉ nóng như lửa với những đối thủ đáng gờm, nguy hiểm… chứ không bao giờ mất kiểm soát ở giữa cuộc chiến”, Ryan Lizza nhận xét. Cựu thị trưởng New York Rudolph Giuliani, được ghi nhận với rất nhiều thành tích khi còn tại vị, là một người không bao giờ lùi bước trước khó khăn: “Giuliani là một người thích tranh luận trong một thành phố toàn người thích tranh cãi về chính trị”, theo nhận định của hai nhà báo Michael Powell và Russ Buetnner của tờ New York Times, “Nhưng vượt xa những gì người tiền nhiệm, các sử gia và các chính trị gia nói, sự khó tính của ông đã đạt đến mức tàn nhẫn và trở thành mặt hạn chế trong nhiệm kỳ thị trưởng của ông”.

Một số người lầm tưởng rằng thái độ sẵn sàng đối mặt với xung đột là một nguồn sức mạnh chỉ có ở văn hóa phương Tây, với khả năng chịu đựng hành vi mang tính cá nhân cao hơn và cởi mở hơn, phản ứng ít thận trọng hơn. Nhưng tôi không thấy có mấy bằng chứng chứng minh cho quan điểm này. Ở Singapore, cả nước tiến hành các chiến dịch ca ngợi hành vi lịch sự của vị thủ tướng có thời gian phục vụ đất nước lâu dài Lý Quang Diệu, vị cha già dân tộc. Ông Lý lên nắm quyền bằng cách lật đổ người Anh đang cai trị đất nước, và thể hiện sự không lùi bước trong các cuộc chiến với các đối thủ chính trị trong nhiều năm tiếp theo.

Katsuji Kawamata, người bắt đầu làm việc ở Nissan năm 1947 sau sự nghiệp thất bại ở Ngân hàng Công nghiệp Nhạt Bản, cuối cùng đã vươn lên trở thành người đứng đầu công ty lớn mạnh về ô tô này dù không hề có kinh nghiệm gì trong ngành công nghiệp này. Con đường tiến tới quyền lực của ông trong tổ chức Nhật Bản đặc thù này đầy rẫy những khó khăn không lường trước được. Như được miêu tả trong cuốn sách The Reckoning của David Halberstam, hành vi thô thiển và lỗ mãng cua Kawamata là có mục đích: “Đó là… trò chơi quyền lực. Ông ta nói với chúng tôi – và ban đầu chúng tôi không hề nhận ra – rằng những gì khiến chúng tôi hứng thú lại không khiến ông ta hứng thú, nhưng điều khiến ông ta hứng thú nhất định sẽ khiến chúng tôi hứng thú”, một trong những người quản lý của Nissan đã nói như vậy sau nhiều năm sau đó”.

Trí thông minh

Như chúng ta đã thấy, thành tích trong công việc không liên quan lắm tới khả năng đạt được quyền lực. Thế còn trí thông minh thì sao? Có lẽ, không có đặc tính nào của con người được nghiên cứu nhiều như trí thông minh.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trí thông minh là chỉ báo tốt nhất về biểu hiện trong công việc. Tuy nhiên, trí thông minh lại thường được đánh giá quá cao, được xem là một đặc tính giúp con người đạt được quyền lực. Đó là vì trí thông minh hiếm khi chiếm quá 20% sự thay đổi về biểu hiện trong công việc trong bất cứ sự kiện nào, và mối quan hệ giữa biểu hiện và việc đạt được quyền lực tương đối mờ nhạt.

Một phân tích tổng hợp kiểm tra 85 bộ dữ liệu từ nhiều nước khác nhau đã đưa ra kết luận là tương quan giữa trí thông minh và thu nhập là 2, và dù điều này mang tính chất thống kê, nó cũng cho thấy là chỉ có khoảng 4% khác biệt về thu nhập được giải thích bằng khác biệt về trí thông minh.

Hơn nữa, trí thông minh, đặc biệt là trí thông minh vượt trội một mức độ nào đó có thể dẫn tới những hành vi khiến khả năng giành được và nắm giữ sức ảnh hưởng giảm đi. Những người đặc biệt thông minh cho rằng họ có thể tự mình làm mọi việc, và làm tốt hơn tất cả những người khác. Hệ quả là họ có thể thất bại trong việc hòa hợp với người khác, khiến đồng minh tiềm năng của họ mù mờ về kế hoạch và suy nghĩ của họ. Việc được công nhận là đặc biệt thông minh có thể dẫn đến tự tin thái quá, thậm chí là kiêu căng – điều đó có thể khiến bạn đánh mất quyền lực. Và người thông minh có thể nghĩ rằng vì trí thông minh tuyệt vời của mình, họ có thể không cần phải nhạy cảm với cảm xúc và nhu cầu của người khác. Nhiều người mà tôi cảm thấy khó có thể đặt mình vào vị trí của người khác thường là người quá thông minh, đến nỗi không hiểu tại sao người khác lại không có được sự thông minh như mình. Cuối cùng, thông minh có thể trở nên đáng sợ. Và dù sự đáng sợ đó có thể hiệu quả trong chốc lát, nhưng nó không phải là chiến lược đem lại lòng trung thành bền lâu.

Robert McNamara – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, người vẫn được miêu tả là thông minh, đã nói với nhà sản xuất phim tài liệu Errol Morris trong bộ phim The Fog of war (Màn sương chiến tranh) rằng sai lầm lớn nhất là đã không nhìn nhận mọi việc từ góc độ của người Bắc Việt Nam. Sự sụp đổ của Enron một lần là do một số người cho rằng họ thông minh tới mức có thể phỉ báng, gièm pha bất cứ người nào nghi ngờ cách tiếp cận của họ, và do đó không còn quan điểm nào có thể tồn tại được trong nội bộ công ty. Vì vậy, dù thông minh giúp gây dựng danh tiếng nhưng khi thể hiện nó trong công việc, nó thường là mầm mống thất bại vì nó đem lại cảm giác tự tin thái quá và kém nhạy cảm.

Một khi đã quyết tâm phát triển các đặc tính có thể giúp bạn tạo được sức ảnh hưởng, nhiệm vụ tiếp theo của bạn là phải xác định được phải vận dụng chúng vào đâu.

Business 4.0: Doanh nghiệp sống sao trong thời đại số

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016 (World Economic Forum) Davos, Industry 4.0 (Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4) được lấy làm chủ đề xuyên suốt trong 4 ngày làm việc của hội nghị (từ 20-23/1), với sự tham gia của 2.500 nhà lãnh đạo các quốc gia và các tập đoàn hàng đầu trên toàn cầu.

Đây là cuộc cách mạng đang diễn ra âm thầm và ngày càng trở nên mạnh mẽ, tác động sâu sắc lên các doanh nghiệp toàn cầu. Theo đó, những doanh nghiệp không hay chậm thay đổi để theo kịp xu hướng này sẽ dần dần bị thay thế và đào thải. Trong những năm gần đây, nhiều thương hiệu lớn bị phá sản hoặc sáp nhập là minh chứng cho điều đó.

Cho đến thời điểm hiện tại, thế giới đã diễn ra ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn. Lần thứ nhất vào năm 1785 – chứng kiến sự trỗi dậy của nước Anh khi phát minh ra động cơ hơi nước và cơ khí hóa toàn bộ nền sản xuất đương thời. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra bắt đầu từ năm 1870, khi năng lượng điện được đưa vào sử dụng mở đầu thời đại sản xuất hàng loạt. Lần thứ ba bắt đầu vào khoảng cuối thập kỷ 1960, thế giới bước vào cuộc cách mạng tự động hóa cùng với sự phát triển của máy tính.

Cụm từ “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” ra đời từ một dự án quốc gia của nước Đức nhằm xúc tiến máy tính hóa, số hóa sản xuất trong các ngành công nghiệp vào những năm đầu thập kỷ 2010, nằm trong chiến lược tổng thể phát triển công nghệ cao của quốc gia hướng tới đáp ứng nhu cầu, giải quyết thách thức và tạo thế cạnh tranh một cách bền vững cho quốc gia, doanh nghiệp, công dân Đức trong tương lai xa. Từ những tiền đề ban đầu, các nhóm làm việc được lập ra tập trung vào các chủ đề khác nhau như Nhà máy Thông minh, Môi trường, Con người – Công việc, Yếu tố công nghệ. Chương trình này làm dấy nên phong trào các nước từ cường quốc đến các nước đang phát triển khởi xướng các chương trình chiến lược quốc gia tương tự như “Industry 4.0” phù hợp với đặc thù quốc gia mình.

Điểm chung ở các quốc gia này là giới lãnh đạo nhìn thấy một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiềm ẩn đang và sẽ thay đổi hoàn toàn thế giới, xã hội, con người, doanh nghiệp trong tương lai không xa, mà nếu không chuẩn bị ngay sẽ có thể lỡ mất cơ hội để tồn tại, vươn lên hay duy trì vị trí trên bản đồ kinh tế – chính trị toàn cầu, hay đáp ứng các nhu cầu hay giải quyết các vấn đề trong tương lai ngay chính tại quốc gia đó.

Có ý kiến cho là đây chỉ là sự kéo dài của Cách mạng số hay Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, nhưng theo ông Klaus Schwab – Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới thì chính tốc độ, phạm vi và tác động mang tính hệ thống của một cuộc cách mạng công nghiệp mới đang làm thay đổi cả chính cá nhân, xã hội, chính trị, kinh tế, doanh nghiệp trong hiện tai và tương lai. Những xu hướng, thành quả, ứng dụng công nghệ số cũng như công nghệ cao khác đã phá vỡ ranh giới giữa thế giới vật lý, thế giới ảo và thế giới sinh học.

Bao trùm lên tất cả là sự thay đổi của các doanh nghiệp qua một thời kỳ mới – thời kỳ của Business 4.0.

Business 4.0 đã làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế, nhiều mô hình kinh doanh mới ra đời với sự sáng tạo mang tính hủy diệt (Disruptive Innovation). Nó thay đổi hoàn toàn cách thức doanh nghiệp tương tác với khách hàng, từ phân tích nhu cầu, tiếp thị, bán hàng, đến chăm sóc khách hàng. Nó cũng thay đổi cách thức chúng ta quản trị doanh nghiệp và làm việc hằng ngày.

Doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu trong xu hướng Business 4.0 trên toàn cầu? Các lãnh đạo Việt Nam đã thay đổi tư duy để đón nhận sự thay đổi hay chưa? Làm sao để hiểu xu hướng phát triển thế giới? Những giải pháp nào giúp doanh nghiệp có thể áp dụng ngay để thay đổi doanh nghiệp, từ tiếp thị, bán hàng đến số hóa quản trị doanh nghiệp?…

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Industry 4.0 doanhnhansaigon
(Nguồn: Bài trình bày về Marketing 4.0 của Giáo sư Peter Fisk)

Theo ông Phan Thanh Sơn – chuyên gia tư vấn cao cấp, nguyên Tổng giám đốc CISCO Vietnam: “Industry 4.0 được nói đến như cuộc cách mạng số diễn ra rộng lớn trong các ngành công nghiệp sản xuất. Tuy nhiên những yếu tố tạo ra Industry 4.0 đã, đang và sẽ tạo ra những thay đổi lớn mang tính cách mạng trong các mặt quan hệ, quy trình của nền kinh tế như tài chính, kinh doanh, thương mại, hệ sinh thái, chuỗi cung ứng, cung – cầu…

Ngành ngân hàng đã đề cập đến Banking 4.0, marketing đã đưa ra khái niệm Marketing 4.0, và một số nhà nghiên cứu kinh tế, doanh nghiệp tiên phong, tổ chức đã đưa ra khái niệm Business 4.0 – có mối liên hệ hai chiều chặt chẽ với Industry 4.0. Ngay chính chủ đề “Industry 4.0” được nói đến trong Diễn đàn WEF tại Davos cũng là một khái niệm mở rộng so với ý nghĩa ban đầu của “Industry 4.0”. Nhiều nước xuất phát điểm từ nước nghèo đã chớp được cơ hội để phát triển thành cường quốc kinh tế, nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia này đã trở thành các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, hai và ba.

Nếu nhìn lại lịch sử thì cứ khoảng 100 năm lại có một loạt sự soái ngôi của doanh nghiệp và quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới. Trong bức tranh kinh tế toàn cầu phát triển theo các quy luật mới, cơ hội và thách thức cho danh nghiệp ở Việt Nam là bình đẳng với các doanh nghiệp ở các quốc gia khác, kể cả ở các cường quốc. Nếu hình dung được thế giới, xu hướng của tương lai, của Industry 4.0, Business 4.0 và xây dựng tầm nhìn, chiến lược dài hạn ngay từ bây giờ thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội thành công trong cuộc chơi của một nền kinh tế mới, nền kinh tế của Business 4.0 với các quy luật, thách thức và cơ hội hoàn toàn khác với những gì chúng ta có thể tưởng tượng được”.

Vietnam Business 4.0 Roadshow là một dự án cộng đồng ra đời với sứ mệnh nâng cao năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, bắt đầu bằng chuỗi sự kiện chia sẻ với các lãnh đạo (chủ tịch, tổng giám đốc) về xu hướng Business 4.0 và những mô hình điều hành doanh nghiệp mới dựa trên nền tảng công nghệ có thể áp dụng ngay vào doanh nghiệp Việt Nam

Ông Trần Ngọc Anh – Chủ tịch ANHGROUP, Trưởng BTC chia sẻ: “Vietnam Business 4.0 Roadshow sẽ đi đến các tỉnh thành trong cả nước và bắt đầu từ các thành phố lớn, chúng tôi mong muốn có nhiều doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và mạnh mẽ để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi cùng các đối tác đồng hành cùng nhau hỗ trợ các chủ doanh nghiệp thay đổi tư duy, hiểu sự thay đổi trong kinh doanh trên toàn cầu; cung cấp cho doanh nghiệp những giải pháp quản lý và giải pháp sales/marketing mới dựa trên nền tảng công nghệ để doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp sau khi tham dự chuỗi chương trình có thể mang các giải pháp về áp dụng ngay mà không phải tốn tiền đầu tư”.

10 công ty thống trị thị trường thực phẩm, đồ uống toàn cầu

Theo tờ Business Insider, chỉ có 10 công ty kiểm soát hầu như mọi thương hiệu thực phẩm và đồ uống lớn trên thế giới.

Mỗi công ty trong số này, bao gồm Nestlé, PepsiCo, Coca-Cola, Unilever, Danone, General Mills, Kellogg’s, Mars, Associated British Foods và Mondelez, sử dụng hàng ngàn lao động và thu về hàng tỷ đô la doanh thu mỗi năm.

Trong một nỗ lực thúc đẩy các công ty để thực hiện thay đổi tích cực – và để khách hàng để nhận ra ai là người kiểm soát những thương hiệu mà họ đang mua – Oxfam đã tạo ra một bản infographic cho thấy các nhãn hiệu tiêu dùng có liên quan chặt chẽ với nhau ra sao.

Dưới đây là một số thông tin về các công ty sở hữu những thương hiệu và sản phẩm mà chúng ta sử dụng mỗi ngày:

Kellogg’s

Doanh thu năm 2015: 13,5 tỷ USD.

Hãy quên đi Froot Loops và Frosted Flakes – Kellogg’s còn sở hữu các thương hiệu không phải là ngũ cốc như Eggo, Pringles và Cheez-It.

Associated British Foods

Doanh thu năm 2015: 16,6 tỷ USD.

Công ty Anh này sở hữu các thương hiệu như Dorset Cereals và trà Twinings, cũng như nhà bán lẻ Primark.

General Mills

Doanh thu năm 2015: 17,6 tỷ USD.

General Mills được biết đến với các sản phẩm ngũ cốc như Cheerios và Chex, đồng thời cũng sở hữu các thương hiệu như Yoplait, Hamburger Helper, Haagen-Dazs và Betty Crocker.

Danone

Doanh thu năm 2015: 24,9 tỷ USD.

Nổi tiếng với các loại sữa chua như Activa, Yocrunch và Oikos, Danone còn kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng y tế và nước đóng chai.

Mondelez

Doanh thu năm 2015: 29,6 tỷ USD.

Những thương hiệu của nhãn hàng chủ yếu sản xuất đồ ăn vặt này bao gồm Oreo, kẹo cao su Trident và Sour Patch Kids.

Mars

Doanh thu năm 2015: 33 tỷ USD.

Mars nổi tiếng nhất với các thương hiệu chocolate của mình, chẳng hạn như M&M, nhưng hãng cũng sở hữu Uncle Ben’s, Starburst, và kẹo cao su Orbit.

Coca-Cola

Doanh thu năm 2015: 44,3 tỷ USD.

Coca-Cola đang di chuyển ra ngoài thị trường nước giải khát có ga với các nhãn hiệu nước giải khát như Dasani, Fuze và trà Honest Tea.

Unilever

Doanh thu năm 2015: 59,1 tỷ USD.

Danh sách phong phú các thương hiệu của Unilever bao gồm thuốc xịt ngăn mùi Axe, trà Lipton, kem Magnum và mayonnaise Magnum.

PepsiCo

Doanh thu năm 2015: 63 tỷ USD.

Ngoài Pepsi và các loại nước giải khát có ga khác, PepsiCo còn sở hữu các thương hiệu như Quaker Oatmeal, Cheetos và Tropicana.

Nestlé

Doanh thu năm 2015: 87 tỷ USD.

Những thương hiệu có thể bạn không biết là do Nestlé sở hữu bao gồm thức ăn cho bé Gerber, Perrier, DiGiorno và Hot Pockets – ngoài ra là các nhãn hiệu kẹo như Butterfinger hay KitKat.

8 startup Việt được nhà đầu tư ngoại rót vốn triệu USD

Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ nhận khoản tài trợ trị giá hàng chục tỷ đồng trong lần gọi vốn đầu tiên.

MoMo – Đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử tại Việt Nam

Đầu năm 2016, Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs đã rót 28 triệu USD vào Công ty cổ phần M-Service, đơn vị sở hữu Ví điện tử MoMo. MoMo là đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam với hơn một triệu người dùng, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng như sự thuận tiện, minh bạch, giảm thiểu tội phạm nhờ dễ dàng kiểm soát sự lưu thông của dòng tiền.

Ứng dụng giúp khách hàng chuyển tiền, thanh toán các loại hóa đơn và thương mại điện tử trên di động mọi lúc mọi nơi với hơn 100 dịch vụ như điện, nước, Internet, truyền hình cáp, điện thoại, vay tiêu dùng, vé máy bay, vé xem phim, thanh toán các dịch vụ thương mại điện tử…

MoMo hướng đến mục tiêu thay đổi hành vi người tiêu dùng Việt Nam, chuyển từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán điện tử.

Cốc Cốc – công cụ tìm kiếm và trình duyệt web dành riêng cho người Việt

Tháng 3/2015, Cốc Cốc – một công ty khởi nghiệp của 3 lập trình viên Việt Nam đã nhận được khoản đầu tư 14 triệu USD từ tập đoàn truyền thông Hubert Burda (Đức). Tốc độ tăng trưởng người dùng, chất lượng sản phẩm của công cụ tìm kiếm và trình duyệt web này là điểm nhấn hấp dẫn đối tác ngoại.

Vài tháng sau, doanh nghiệp thành công trong việc thêm một số công cụ vốn rất cần trong văn bản tiếng Việt. “Điều này gây ấn tượng với các nhà đầu tư. Một vài nhà đầu tư còn giúp chúng tôi tìm ra những kỹ sư công nghệ giỏi cùng tham gia dự án”, đại diện công ty từng chia sẻ.

Cốc Cốc hiện có hàng trăm nhân viên và nằm trong danh sách những trình duyệt web được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam chỉ sau Google Chrome.

Vntrip.vn – ứng dụng chuyên đặt phòng khách sạn trực tuyến

Startup Việt hoạt động trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn trực tuyến đã nhận được khoản tài trợ 3 triệu USD từ cựu lãnh đạo Alibaba – John Wu ngay trong lần gọi vốn đầu tiên vào tháng 7/2016. Số tiền này góp phần mở rộng dịch vụ cung cấp ôtô đón miễn phí từ sân bay về khách sạn cho tất cả khách hàng đặt phòng qua hệ thống trực tuyến của doanh nghiệp – phân khúc được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển.

Hiện hệ thống của Vntrip.vn kết nối trực tuyến tới hơn 6.000 khách sạn Việt Nam và gần 900.000 khách sạn quốc tế. Khách hàng có thể đặt phòng và thanh toán trực tuyến ngay trên website hoặc bằng ứng dụng đặt phòng trên Android, iOS.

Lozi – Ứng dụng tìm món ăn Việt

Cuối năm 2015, Công ty cổ phần Lozi Vietnam nhận được khoản đầu tư lên tới 7 chữ số từ quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan đến từ Nhật Bản, sau nửa năm nỗ lực chứng minh tính khả thi, tốc độ tăng trưởng của dự án.

Với số tiền tài trợ này, lãnh đạo công ty tập trung nguồn lực vào R&D, mở rộng phạm vi hoạt động đến nhiều thành phố và vươn ra toàn cầu.

Rất nhiều khó khăn khi khởi nghiệp, nhưng CEO Nguyễn Hoàng Trung cho rằng, bản lĩnh của startup thể hiện ở việc chứng minh sản phẩm có thể giải quyết nhu cầu nào đó trong xã hội. Và cần cho họ thấy bức tranh trong 5-10 năm tới sẽ đi đến đâu và như thế nào.

Để tạo sự khác biệt với một số ứng dụng tìm món ăn tương tự đang có trên thị trường, Lozi phát triển thêm tính năng lưu lại các thông tin. Ngoài ra, với chức năng tự định vị, ứng dụng hỗ trợ người dùng tìm thấy những địa điểm có bán món ăn cần tìm ở vị trí gần họ nhất. Nhờ đó, bất kỳ ai cũng có thể tìm kiếm địa điểm nhanh chóng tiện lợi, tìm thấy bộ sưu tập ăn uống theo chủ đề hoặc theo mục đích riêng.

Vexere – website đặt vé trực tuyến

Tháng 6/2015, quỹ đầu tư Nhật Bản CyberAgent Ventures rót vốn lần hai vào công ty Vexere – một Startup Việt Nam vận hành website đặt vé xe khách trực tuyến, nhưng không tiết lộ chi tiết mức đầu tư.

Từ một cậu bé có hoàn cảnh khó khăn, Trần Nguyễn Lê Văn – Giám đốc Vexere đã vươn lên để chạm tay đến giấc mơ du học Mỹ và lập trang bán vé xe online với hơn 24 triệu lượt truy cập.

Dự án ra đời với mong muốn trở thành nơi hợp tác bán vé, giúp các nhà xe xây dựng quy trình nghiệp vụ chuyên nghiệp, quản lý dễ dàng hơn. Khách hàng cũng có kênh thông tin tham khảo uy tín, cập nhật lịch trình, giá vé, lựa chọn hãng xe uy tín dựa vào phản hồi, đánh giá của người khác.

Doanh nhân 8X suy nghĩ rất nhiều về những khó khăn và ý nghĩa của dự án. Nhưng nếu thành công sẽ góp phần cách mạng hóa giao thông và du lịch nước nhà. Cuối cùng anh quyết định đi theo tiếng gọi của đam mê và khát vọng giúp thay đổi quê hương còn nghèo khó khi cho ra đời dự án “vé xe online”.

Foody – website chuyên giới thiệu và đánh giá địa điểm ăn uống

Thành lập tháng 8/2012 bởi ông Đặng Hoàng Minh, website chuyên về thông tin quán ăn, nhà hàng và những chia sẻ từ cộng đồng về địa điểm đó.

Năm 2015, công ty nhận vốn từ quỹ đầu tư Mỹ – Tiger Global Investment. Khoản đầu tư không được công bố nhưng ước tính giá trị lên tới triệu USD.

Kỳ vọng gia tăng sự hiện diện ở nhiều nước trên thế giới, Foody đã đưa vào vận hành một website dành riêng cho thị trường Indonesia. Mục tiêu tiếp theo của công ty là Malaysia, Lào và Campuchia.

Websosanh – Website tìm kiếm, so sánh giá

Công ty cổ phần So Sánh Việt Nam, đơn vị vận hành website Websosanh.vn đã nhận đầu tư từ Yello Shopping Media Group (YSM), thuộc Tập đoàn Yello Mobile, Hàn Quốc để hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm tốt hơn.

Websosanh.vn ra đời với mục tiêu trở thành nguồn cung cấp thông tin chính xác, hữu ích, giúp cho người tiêu dùng Việt Nam chọn mua được sản phẩm ưng ý với giá cả phải chăng từ những đơn vị bán lẻ uy tín. Đây là một trong những website tra cứu giá cả lớn ở Việt Nam có nhiều người dùng cùng dữ liệu về giá cả và thông số của hàng triệu sản phẩm.

Sendo.vn – Sàn thương mại điện tử

Thành lập vào tháng 9/2012, Sendo.vn là một trong những sàn đầu tiên kết nối ngân hàng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận trong thương mại điện tử.

Tháng 10/2014, Sen Đỏ được rót thêm vốn đầu tư của Nhật, tách ra khỏi FPT Online và trở thành công ty liên doanh với 3 đối tác Nhật Bản là SBI Holdings, eContext ASIA và BEENOS với số vốn khoảng 6 triệu USD.

Tháng 5/2014, Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ được thành lập để quản lý sàn Sendo.vn. Công ty Sen Đỏ hiện sở hữu 2 website Sendo.vn và 123mua.vn.

Sendo.vn là trang thương mại điện tử có hệ thống thanh toán được cấp chứng chỉ quốc tế cao về vấn đề bảo mật thông tin. Ngay từ khi mới thành lập, Sendo.vn đã xác định mục tiêu tạo ra mô hình mua sắm thuận tiện, đồng thời đưa ra các chế tài chặt chẽ nhằm mang lợi ích thiết thực đến cho khách hàng.

Không Mỹ, TPP sẽ ra sao?

Dù không quá ngạc nhiên, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn không khỏi bị sốc khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump chính thức khẳng định sẽ “hủy bỏ TPP ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức”.

Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng là hiệp ước thương mại có quy mô lớn nhất, với sự tham gia của 12 quốc gia bao gồm: Mỹ, Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, New Zealand, Mexico, Peru, Chile, Brunei, Úc và Canada. Với tổng dân số khoảng 800 triệu người, các thành viên TPP dự kiến tạo ra quy mô thương mại chiếm 40% tỷ trọng toàn cầu, và khoảng 18.000 rào cản thuế quan sẽ được dỡ bỏ như một phần trong thỏa thuận. Tuy nhiên, đây là một hiệp định gây tranh cãi đặc biệt trong chính trường Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama là người tích cực thúc đẩy TPP, nhưng ông Donald Trump thì không. Trong phát biểu vừa qua, ông Trump nói rằng sẽ lựa chọn đường đàm phán thương mại song phương với từng nước, để đảm bảo “mang việc làm và công nghiệp trở lại với người Mỹ”, theo The Guardian.

Không chỉ về thương mại, TPP còn được xem là công cụ địa chính trị quan trọng của chính quyền ông Obama đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà ai cũng ngầm hiểu đối trọng lớn nhất chính là Trung Quốc. Chính vì vậy, truyền thông phương Tây nhanh chóng hướng sự chú ý sang Bắc Kinh, khẳng định rằng “cái chết” của TPP sẽ là thời cơ để Trung Quốc sử dụng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để tạo sức ảnh hưởng lên các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản…

Khi được hỏi trong cuộc họp báo ngày 23/11, tức chỉ vài ngày sau tuyên bố hủy TPP của ông Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẽ “thể hiện vai trò” trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.

Khi Mỹ xem như bỏ qua thời cơ TPP, các nước đang đàm phán TPP cũng bắt đầu lo ngại, và một số tìm kiếm giải pháp thay thế. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã làm việc rất tốt đẹp với chính quyền Obama, khẳng định “không có Mỹ, TPP sẽ vô nghĩa”. Trong khi đó trả lời đài Russia Today (Nga) ngày 10/11, Tổng thống Peru Pablo Pedro Kuczynski nói: “Một thỏa thuận khác sẽ thay thế, nhưng không có sự tham gia của Mỹ. Nó có thể bao gồm Trung Quốc cũng như Nga”. Về phần Canada, trước nguy cơ mất cả TPP lẫn một thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ, nước này đang tính đường sẽ thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản như biện pháp ưu tiên.

Mặc dù vậy ở một khía cạnh khác, vẫn có những đánh giá theo chủ nghĩa lạc quan về mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Á xung quanh số phận của TPP.

Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales (Úc), chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông cho rằng 11 nước còn lại vẫn có thể đàm phán TPP mà không cần Mỹ, hoặc ít nhất sẽ cần thêm thời gian 1 năm để thuyết phục Mỹ. Trong khi đó The Guardian dẫn lời Christopher Hill, cựu trợ lý bộ trưởng phụ trách đối ngoại Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng các đồng minh của Mỹ chưa chắc sẽ quay lưng với Mỹ và lựa chọn Trung Quốc.